Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cựu tổng thống Donald Trump đã “tái xuất giang hồ” hôm chủ nhật (28/2/2021) tại hội nghị bảo thủ (CPAC) của Đảng Cộng Hòa tại Orlando, Florida sau hơn một tháng, kể từ khi rời nhà Trắng ngày 20/1/2021.

Trong bài phát biểu của mình, Donald Trump tiếp tục lặp lại điệp khúc quen thuộc về “gian lận bầu cử” khiến ông thất cử, chỉ trích tân tổng thống Joe Biden và úp mở về việc tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Donald Trump cho rằng phong trào “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” mà ông khởi xướng vẫn đang tiếp tục và sẽ chiến thắng dù ông đã thất bại trong cuộc bầu cử 2020.

Với khoảng 1/3 dân Mỹ và không ít người Việt Nam thì ảnh hưởng của Trump vẫn còn lớn và đang chi phối Đảng Cộng Hòa. Nhiều dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng Hòa dù rất ghét Trump nhưng vẫn ra sức ủng hộ ông. Những người này không hề cuồng Trump mà chỉ vì các toan tính chính trị thiển cận. Nổi bật nhất là hai thượng nghị sĩ Lindsey Graham và Ted Cruz. Trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm 2016 ông Graham từng nói rằng Đảng Cộng Hòa đáng bị tiêu diệt nếu chọn Trump và sự tiên đoán đó đang dần trở thành sự thật.

phap1968-01

Cựu tổng thống Donald Trump đã “tái xuất giang hồ” hôm chủ nhật 28/2/2021 tại hội nghị bảo thủ (CPAC).

Chuyện Trump tranh cử năm 2024 sẽ không xảy ra sau thất bại 2020. Các dân biểu Cộng Hòa lên tiếng ủng hộ Trump chỉ vì sợ mất ghế hoặc muốn tranh thủ khối cử tri cơ sở của Trump trong các kỳ bầu cử sắp tới. Khối cử tri này là những người da trắng ở vùng thôn quê, là những người ủng hộ cho chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Họ tin rằng Trump đang đòi lại nước Mỹ cho họ. Niềm tin này không có cơ sở, lạc hậu và hoàn toàn vô lý.

Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của nước Mỹ xuống cấp về chính trị khiến xã hội chia rẽ và phân hóa, nạn phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng và phát triển không đồng đều. Những vấn đề đó không mới, nó luôn tồn tại trong lòng nước Mỹ nhưng đã trỗi dậy mạnh mẽ trong thời gian gần đây do nền chính trị Mỹ mải mê chạy theo chủ nghĩa phóng khoáng. Tài chính đã thực sự chi phối nền kinh tế và chính trị Mỹ trong khi đáng ra chính trị phải chế ngự và kiểm soát kinh tế lẫn tài chính.

Sự bất mãn vì bị bỏ lại đằng sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa khiến các nhóm cực đoan theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng như Oath KeepersProud Boys trỗi dậy và thu hút được sự ủng hộ của những người da trắng bảo thủ. Cuộc hôn nhân đồng sàng dị mộng giữa các nhóm này và Trump là kết quả tất yếu khi các mâu thuẫn tích tụ quá lâu và đã đến lúc cần giải quyết.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 là một “cuộc chiến” tổng lực và không khoan nhượng giữa phe bảo thủ và phe tiến bộ. Chiến thắng của Joe Biden không phải là sự may mắn mà là tất yếu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã thất bại. Việc Trump thất cử cũng báo hiệu cho sự suy tàn của chủ nghĩa dân túy vốn đã bùng phát trên khắp thế giới thời gian qua từ Châu Á như Duderte (Philipines) đến Châu Âu: Viktor Orban (Hungary), Anrdrej Duda (Balan), Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ), Salvini (Ý) đến Châu Mỹ như Jair Bolsonaro (Brazil). Tất nhiên không thể không nhắc đến Putin của Nga. Putin đã hỗ trợ tích cực cho các phong trào dân túy Châu Âu, kể cả Mỹ. Việc tin tặc Nga sản xuất tin giả và can thiệp vào bầu cử Mỹ là ví dụ.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phân tích và nói nhiều về Donald Trump và chủ nghĩa dân túy vì chúng ảnh hưởng xấu đến tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam. Chúng đầu độc tư duy của người Việt Nam, cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, co cụm trong biên giới quốc gia (như khẩu hiệu nước Mỹ trên hết). Chúng làm hồi sinh nạn phân biệt chủng tộc, suy tôn lãnh tụ như thần thánh và phá hủy các định chế dân chủ, làm mất niềm tin vào nhà nước pháp quyền, vào hệ thống tòa án độc lập, báo chí tự do và các giá trị đạo đức…

Các lãnh đạo dân túy chỉ mị dân bằng những lời lẽ hùng hồn, kích động và khai thác tối đa các bất mãn trong xã hội thay vì đưa ra các giải pháp cụ thể, mang tính xây dựng và đoàn kết dân tộc. Chưa bao giờ mà các thuyết âm mưu và tin giả được sản xuất và lan truyền rộng rãi một cách nguy hiểm như thời gian vừa qua.

Phong trào dân chủ Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng và phân hóa lớn bởi hiện tượng Donald Trump, bầu cử Mỹ và nạn tin giả. Nhiều người đã tỏ ra bi quan và lo lắng vì không hiểu mọi chuyện sẽ đi về đâu, tương lai của Việt Nam ra sao, bao giờ Việt Nam mới có dân chủ?...Theo chúng tôi thì không nên quá bi quan. Đừng sợ Donald Trump. Đừng sợ chủ nghĩa dân túy.

phap1968-1

Sự kiện tháng "Mai 68" đã làm rung chuyển nước Pháp và Châu Âu.

Xin kể lại biến cố “Mai 68” để độc giả yên tâm rằng các thể chế dân chủ có khả năng sửa chữa sai lầm rất cao. “Mai 68” là sự kiện xảy ra tại Paris - Pháp vào tháng 5/1968. Các cuộc biểu tình, đình công với qui mô lớn, qui tụ được mọi thành phần dân chúng Pháp tham gia đã làm rung chuyển và thay đổi sâu sắc nước Pháp. Đã có 7 người chết, hàng trăm người bị thương, quốc hội phải giải tán mở đường cho một cuộc tổng tuyển cử mới.

Sự kiện này bắt đầu khá hài hước và kỳ cục. Tháng 3/1967 một số sinh viên nam (gồm 60 người) tại một trường đại học ngoại ô Paris đã biểu tình và chiếm đóng một tòa nhà của trường để phản đối qui định của nhà trường không cho các sinh viên nam được ở lại ký túc xá của sinh viên nữ sau 22 giờ. Mặc dù cảnh sát đã tha bổng các sinh viên đó nhưng phong trào phản đối của giới sinh viên vẫn tiếp tục diễn ra. Giới trẻ Pháp bắt đầu bày tỏ sự bất mãn trước một xã hội cứng nhắc và gò bó. Các nhóm sinh viên với các quan điểm khác nhau được hình thành và tranh luận gay gắt. Các cuộc xung đột đôi khi đã xảy ra giữa các nhóm cực hữu, cực tả rồi cộng sản. Các nhóm cực tả lại chia thành nhiều nhóm khác nhau như Troskist, Mao Trạch Đông, vô chính phủ, tự do…Thần tượng của giới trẻ lúc đó là Guevara (Che), một lãnh đạo cộng sản cực đoan, bạn chiến đấu của Fidel Castro.

Tháng 3/1968 hàng trăm sinh viên trường đại học Nanterre lại tiếp tục chiếm đóng khu hành chính của trường để đòi trả tự do cho 6 sinh viên biểu tình chống chiến tranh Việt Nam vừa bị bắt. Giọt nước bắt đầu tràn ly khi cảnh sát mạnh tay trấn áp. Các cuộc biểu tình sau đó đã tạo thành một phong trào rộng lớn lan ra khắp nước Pháp rồi Châu Âu. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa hí hửng vì tưởng chừng chủ nghĩa tư bản sắp sụp đổ trên toàn cầu. Niềm hưng phấn đó đã kích thích cho cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Việt Nam. Dù quân đội Bắc Việt Nam tổn thất nặng nề sau cuộc “nổi dậy” nhưng các sự kiện đó đã làm chấn động nước Mỹ và rồi tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, một chính khác thực dụng và thiếu viễn kiến đã lấy quyết định rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa, dù đang ở trên thế thắng.

phap1968-3

Sự kiện tháng 5/1968 đã gián tiếp làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Sự kiện “Mai 1968” tại Pháp đã không làm chủ nghĩa tư bản sụp đổ mà ngược lại. Các cuộc tranh luận sôi nổi, gay gắt và có chiều sâu đã làm cho dư luận Pháp cũng như thế giới hiểu rằng các chế độ dân chủ cần thay đổi để tiến lên trong khi các nước cộng sản hiện nguyên hình là các chế độ độc tài, mất tự do và đáng bị lên án. Trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6/1969, đảng của đương kim tổng thống Pháp Charles de Gaulle (Đờ-Gôn) vẫn chiến thắng áp đảo với việc dành được 353 ghế trong quốc hội. Đảng cộng sản Pháp, đảng lớn nhất chỉ được 34 ghế. Phong trào cộng sản tại các nước Tây Âu hoàn toàn suy sụp.

Sự kiện tháng 5/1968 cũng tiếp sức cho Mùa xuân Praha, một phong trào cải cách tại Tiệp Khắc nhằm thoát ra khỏi quĩ đạo của Liên Xô. Mùa xuân Praha kết thúc khi Liên Xô và khối đồng minh Warszava đem quân tấn công Tiệp Khắc. Dù vậy thì làn sóng dân chủ lần thứ ba đã bắt đầu dâng trào với việc lật đổ nhà độc tài Bồ Đào Nha - Salazar tháng 4/1974 với cuộc cách mạng “Hoa cẩm chướng” và kết thúc vào năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ.

Chúng tôi tin rằng hiện tượng Donald Trump tại Mỹ cũng như phong trào dân túy tại Châu Âu sẽ giúp các nước dân chủ nhìn nhận khuyết điểm của mình để sớm lấy những thay đổi cần thiết. Phong trào dân túy sẽ tàn lụi sau thất bại của Trump. Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu từ năm 2010, với Mùa Xuân Ả Rập sẽ tiếp tục tăng tốc sau khi khựng lại bởi phong trào dân túy.

Nước Mỹ đang đứng trước những thay đổi và cải cách quan trọng. Joe Biden là người thích hợp nhất để tạo ra sự thay đổi đó. Rồi đây người dân Mỹ sẽ nhận ra Joe Biden là một anh hùng của họ khi ông mạnh mẽ tuyên chiến với chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Dưới thời ông, người Mỹ đủ các sắc dân đã được trọng dụng và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Tiêu biểu nhất là việc chọn bà Kamala Harris làm Phó tổng thống. Sự liên đới và bình đẳng, quyền con người, trong đó có cả quyền của những em bé di dân đang được quan tâm và chăm sóc. Đây là một cú đánh chí tử vào chủ nghĩa da trắng thượng đẳng tại Mỹ.

Điều mà chúng tôi có chút lo lắng là an ninh của Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris. Chúng ta đừng quên hai vụ ám sát chấn động nước Mỹ là vụ ám át tổng thống Abraham Lincoln (1865), người đã xóa bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ và mục sư Martin Luther King, lãnh tụ phong trào tranh đấu chống nạn phân biệt chủng tộc (1968). Cả hai vĩ nhân của nước Mỹ đã bị ám sát bởi những kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng cực đoan. Hai ông mất đi nhưng đã mở ra một trang sử mới cho nước Mỹ, một trang sử văn minh, tiến bộ và bao dung. Hy vọng là điều đó không xảy ra với ông Joe Biden và bà Kamala Harris.

phap1968-4

Chúng ta đừng quên hai vụ ám sát chấn động nước Mỹ là vụ ám át tổng thống Abraham Lincoln (năm 1865), người đã xóa bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ và mục sư Martin Luther King, lãnh tụ phong trào tranh đấu chống nạn phân biệt chủng tộc (năm 1968).

Các nước độc tài đang sống trong những ngày tháng rất khó khăn. Nước Nga của Putin đơn độc và tuyệt vọng đến mức cảnh báo sẽ cắt quan hệ với Châu Âu, đóng cửa đất nước, chấp nhận làm một “Bắc Triều Tiên” giữa lòng Châu Âu. Trung Quốc, một cường quốc độc tài đang khiến cả thế giới đoàn kết xung quanh một mặt trận dân chủ để cùng đối phó với Trung Quốc. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các nước dân chủ là không thể đảo ngược cho đến lúc Trung Quốc sụp đổ. Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào các nước dân chủ và càng hội nhập thì các mâu thuẫn càng nảy sinh, ngay trong nội bộ đảng cộng sản. Sẽ sớm đến lúc các đảng viên cộng sản và người dân Việt Nam nhận ra rằng chế độ toàn trị không phù hợp cho sự thay đổi và phát triển của đất nước. Khi đa số người Việt Nam nhận ra điều đó thì thay đổi bắt buộc sẽ phải đến.

Thay đổi bằng cách nào, hòa bình hay bạo lực là tùy thuộc vào đảng cộng sản. Những gì đang xảy ra tại Myanmar rất đáng để đảng cộng sản theo dõi và rút ra bài học cho mình. Khi sự thay đổi bị trì hoãn quá lâu thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Việc cố tình kéo dài sự cầm quyền bằng bạo lực sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Việt Hoàng

(03/03/2021)

Published in Quan điểm

Vào một ngày đầu tháng Năm năm 1968, một cuộc nổi dậy của sinh viên Paris đã nổ ra, dẫn đến một sự đối đầu dữ dội giữa sinh viên và cảnh sát. Paris năm đó chẳng khác gì như đang có chiến tranh. Cuộc bạo động đã kéo dài nhiều ngày, rồi dần lan sang cả giới công nhân, và nhiều thành phần khác trên toàn nước Pháp. Năm mươi năm sau, sự kiện vẫn tiếp tục làm dấy lên nhiều tranh cãi và những phân tích khác nhau.

mai1

Đồng sáng lập phong trào 22/03, Daniel Cohn-Bendit trong một buổi họp báo tại giảng đường ở Nanterre, ngày 10/05/1968.AFP

Một điều chắc chắn là làn sóng xã hội năm đó đã làm rung chuyển cả đất nước và làm thay đổi sâu sắc diện mạo xã hội Pháp cho đến tận ngày nay. Những ai từng trải qua giai đoạn này đều nhắc lại sự kiện dưới cái tên ngắn gọn Mai 68.

Chống chiến tranh Việt Nam : Giọt nước tràn ly

Thế nhưng, theo giới sử gia và những người đã từng trải qua sự kiện, ngày đầu tiên cần phải nhớ đến chính là 22/03 và từ xã Nanterre, ngoại ô phía tây Paris. Nói một cách chính xác là vào ngày thứ Sáu, 22/03, lúc 19g45, dưới tác động của Daniel Cohn Bendit, một sinh viên người Đức, theo học ngành xã hội học, 142 sinh viên đã chiếm đóng khu vực tầng trệt tòa nhà hành chính của trường đại học.

Mục đích : Yêu cầu cảnh sát trả tự do cho 6 sinh viên tham gia vào một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam theo lời kêu gọi của Ủy Hội Quốc Gia Việt Nam. Ông Jacques Tarnero cựu thành viên phong trào 22/03 trên RFI hồi tưởng lại :

"Có một cuộc biểu tình chống Mỹ, chống cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Và một nhóm sinh viên thuộc Ủy Hội Quốc Gia Việt Nam đã đập phá trụ sở của American Express và vài sinh viên của Nanterre, trong đó có Xavier Langlade, chuyên trách về trật tự của Nanterre đã bị cảnh sát bắt giam giữ.

Thế là tức thì những ai thuộc phe tả của cánh tả đã được vận động xuống đường yêu cầu trả tự do cho những người bạn bị bắt. Họ hô vang khẩu hiệu "trả tự do cho bạn chúng tôi". Trong ngày 22/03 và ngay trong tối hôm đó, chúng tôi đã quyết định chiếm đóng biểu tượng quyền lực của Nanterre đó là tòa nhà hành chính và chúng tôi chiếm đóng cả đêm".

Chống một xã hội tôn ti cứng nhắc

Vụ bắt giữ sinh viên tham biểu tình chống chiến tranh Việt Nam chỉ là giọt nước tràn ly, làm bùng nổ những bức bối âm ỉ từ trước. Giới trẻ Pháp lúc bấy giờ ngày càng cảm thấy ngột ngạt trước một xã hội quá ư là tôn ti cứng nhắc.

Trong gia đình, đó là hình ảnh gia trưởng của người cha. Ngoài xã hội, một chính phủ bảo thủ cứng nhắc, luôn tìm cách áp đặt việc tuyển chọn đầu vào đại học. Một ý tưởng mà cựu tổng thống Pháp, Valery Giscard d'Estaing, khi ấy mới chỉ là một nghị sĩ trẻ phản đối mạnh mẽ khi kể lại với phóng viên kênh 5 truyền hình Pháp :

"Vấn đề ở đây, đó chính là sự sụp đổ hệ thống giáo dục của nước Pháp. Hệ thống giáo dục của Pháp lúc bấy giờ rất tốt nhưng đó lại là một hệ thống dành cho tầng lớp ưu tú. Và như vậy, có một bộ dân chúng được hưởng, và một bộ phận khác không được hưởng".

Giới trẻ Pháp khi ấy đã chán ngán với cái gọi tư tưởng độc đoán, ngoài xã hội là một Nhà nước của tướng De Gaulle, trong trường học là lối truyền đạt theo cổ điển. Điều nghịch lý là đại học Nanterre, nơi khởi phát phong trào sinh viên, mở cửa vào năm 1964, khi ấy được xem như hình mẫu một trường đại học hiện đại và thực nghiệm với một đội ngũ giảng viên có uy tín đến từ Sorbonne.

Một Nanterre hiện đại nằm cạnh các khu ổ chuột nơi có đông dân lao động nhập cư. Nanterre lúc đó là một hình ảnh tương phản rất rõ nét giữa một bên là cô tú cậu tú đến từ những quận giàu có của Paris và nhiều làng xã ngoại ô sang trọng hay trung lưu khác và bên kia là những người đàn ông, phụ nữ, trẻ con, người già phần đông đến từ Algeri, sống trong những ngôi nhà tạm bợ tồi tàn.

Trong một môi trường tẻ nhạt, bị cô lập vì điều kiện đi lại còn khó khăn không như bây giờ, Nanterre với những chương trình hiện đại hóa các ngành xã hội đã trở thành miền đất mầu mỡ cho những cuộc họp mặt và tranh luận chính trị, cho những ai không có thời gian, phương tiện hay ham muốn đến giải trí tại khu phố cổ Latinh trong lòng Paris.

Chính trong hoàn cảnh đó đã bắt đầu nhen nhúm hình thành một tập hợp rất đa dạng và đôi khi xảy ra xung đột đi từ cực hữu, công giáo thiên tả, rồi cộng sản, và nhất là cực tả còn chia thành nhiều nhóm khác nhau như theo Troskist, Mao Trạch Đông, vô chính phủ, tự do ...

Nhu cầu quyền tự quyết đời sống riêng tư

Nhưng có lẽ khao khát tự do sống cuộc đời của mình, đòi hỏi quyền tự quyết đã nhen nhúm ngọn lửa phản kháng đầu tiên. Ngày 21/03/1967, Daniel Cohn Bendit, lãnh tụ phong trào sinh viên năm 68, sau này là cựu nghị sĩ Châu Âu (2002 – 2014), khi ấy đã cùng với 60 sinh viên khác chiếm đóng một tòa nhà của trường đại học để phản đối một nội quy của trường cấm nam sinh tiếp cận khu vực dành cho nữ sinh sau 22 giờ. Trên kênh France 5, ông nhớ lại :

"Không thể nào hiểu được là tại Pháp điều đó vẫn còn bị cấm trong khi mà ở khắp nơi khác, mọi thứ đã thay đổi. Bởi vì, nhiều nơi vào cuối những năm 1960, không còn muốn sống theo nhịp của thời hậu chiến".

Việc nới lỏng nội quy đã tạm dẹp mọi bất ổn sang một bên. Nhưng bầu không khí nghi kỵ giữa sinh viên, nhất là những người mang tư tưởng cực tả và ban lãnh đạo nhà trường ngày càng thêm nặng nề. Những sinh viên này ngày càng dấn thân hơn trước một trật tự tôn ti bị cho là "tiếp tay" với một chính quyền trấn áp.

Tình hình tạm lắng chỉ kéo dài được vài tháng. Ngày 17/11/1967, kế hoạch cải cách đại học mang tên Fouchet đã đẩy 2.500 sinh viên tiến hành một cuộc đình công vô thời hạn, yêu cầu hiệu trưởng trường đại học Nanterre lúc bấy giờ là ông Pierre Grappin chuyển các đòi hỏi của họ đến bộ trưởng. Hành động phản đối này cũng được các sinh viên tại Sorbonne và Orsay hưởng ứng. Phong trào kết thúc với kết quả là sự chia rẽ của nghiệp đoàn sinh viên UNEF, chiếm đa số tại Nanterre lúc bấy giờ.

Thế nhưng sự cố ngày 08/01/1968 hay còn được nhớ đến với tên gọi "sự cố bể bơi" đã nhen nhúm lại những tia lửa phản kháng tưởng chừng đã lụi tàn, đồng thời làm xuất hiện một hiện tượng mới "Daniel Cohn Bendit", người đã có một cuộc đối thoại cộc lốc bất nhã, chỉ trích bộ trưởng Thể Thao lúc bấy giờ là Francois Missoffe, đến Nanterre để khánh thành bể bơi của trường, là không quan tâm đến vấn đề tình dục của giới trẻ trong Sách Trắng.

"Ông ấy trả lời tôi là nếu cậu có vấn đề tình dục, cậu hãy nhảy xuống bể bơi đi ! Và tôi trả lời ông ấy rằng đó cũng là những gì Hitler từng nói để lẩn tránh vấn đề tính dục. Đúng là nói như thế cũng không hay lắm về phần ông ấy cũng như là phần tôi".

Căng thẳng sau đó lại dấy lên giữa sinh viên và chính quyền. Một cuộc va chạm đã xảy ra vào ngày 26/01/1968 giữa cảnh sát và sinh viên trong một cuộc biểu tình ủng hộ chàng thanh niên 22 tuổi này và phản đối việc thành lập "danh sách đen", trong khi chờ đợi ra trình diện trước ủy ban đặc biệt của sở cảnh sát ngày 16/02.

Từ "nước Pháp nhàm chán" đến lời kêu gọi của 142 sinh viên

Mọi việc sau đó cũng được giải quyết ổn thỏa, Daniel Cogn Bendit không bị trục xuất, nhưng nỗi bức bách của sinh viên bắt đầu được giới truyền thông quan tâm đến. Người ta còn nhớ ngày 15/03/1968, nhật báo độc lập Le Monde có bài xã luận : Quand la France s'ennuie (tạm dịch là Khi nước Pháp buồn chán).

Vào thời kỳ đó, nước Pháp còn đang trong giai đoạn 30 năm Vinh quang (Trente Glorieuses). Đất nước phồn thịnh, kinh tế ổn định và tăng trưởng đều đặn. Thế nhưng, bài xã luận của Le Monde lại viết rằng :

"Những gì đặc trưng cho nước Pháp chính là sự nhàm chán. Người Pháp buồn chán. Họ không tham gia vào bất cứ việc gì, ở gần cũng như ở xa trước những biến động lớn đang làm rung chuyển thế giới. Chiến tranh Việt Nam hẳn cũng làm họ mủi lòng nhưng không làm họ màng đến thật sự (…) Giới trẻ chán nản.

Sinh viên biểu tình, rục rịch phản đối, đấu tranh tại Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, tại Algeri, Nhật Bản, Mỹ, Ai Cập, Đức, hay như tại Ba Lan. Họ có cảm giác là có những cuộc chinh phục phải thực hiện, một cuộc phản đối phải được lắng nghe, hay chí ít một tâm trạng phản bác, để chống lại những điều phi lý. Vậy mà sinh viên Pháp chỉ bận tâm đến việc liệu các nữ sinh Nanterre và Antony có thể tự do vào phòng nam sinh hay không, một khái niệm vốn được quy định trong nhân quyền".

Nhưng Le Monde đã nhầm. Vài ngày sau cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam (16-17/03), ngày thứ Sáu 22/03, với lời kêu gọi của Daniel Cohn Bendit, 142 sinh viên đã tấn chiếm tòa nhà trung tâm của đại học Nanterre, yêu cầu trả tự do cho những sinh viên bị bắt.

Ông Roland Castro, một cựu sinh viên lúc bấy giờ, hồi tưởng : "Đối với tôi, ngày 22/03 chính là ngày của 142 kẻ đảo chính. Họ nổi cáu vì một chủ đề thứ yếu. Họ chiếm tòa nhà trung tâm, họ đã vi phạm, họ đã vượt qua cửa. Nhưng họ, ngày 22/03, đó là những cậu sinh viên thông minh, năng động, tinh quái, buồn cười và họ đã không tuân thủ quy định".

Với cựu lãnh tụ phong trào sinh viên năm ấy, Daniel Cohn Bendit, phong trào 22/03 thật sự là ngòi thuốc nổ : "Tôi chưa bao giờ nói là mọi việc đều ổn thỏa. Chúng tôi xem xét vấn đề ngày nào hay ngày đó. Trong một khoảnh khắc tôi nghĩ là hành động chiếm đóng này chỉ là nhất thời, chứ không nghĩ là một ngòi thuốc nổ cho Nanterre".

Giới nghiên cứu cho rằng chính vào lúc này sinh viên Pháp đã ý thức được về sức mạnh của phong trào, rằng họ còn có thể đẩy xa hơn nữa các giới hạn và có thể tự trấn an và tự tin ở chính bản thân mình. Họ có thể dấn thân vào đấu tranh chính trị, một cách triệt để, bất ngờ và sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào.

Chính cách thức làm chính trị này đã dẫn đến sự kiện tháng 05/1968 (Mai 68) sau đó, với các cuộc tổng đình công quy tụ mọi tầng lớp giai cấp, làm biến đổi sâu sắc xã hội Pháp vốn dĩ còn quá nặng nề với những lề lối truyền thống và bảo thủ.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 04/04/2018

Published in Văn hóa