Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Văn hóa

04/04/2018

"Mai 68" : Cách đây 50 năm, Nanterre châm ngòi lửa

Minh Anh

Vào một ngày đầu tháng Năm năm 1968, một cuộc nổi dậy của sinh viên Paris đã nổ ra, dẫn đến một sự đối đầu dữ dội giữa sinh viên và cảnh sát. Paris năm đó chẳng khác gì như đang có chiến tranh. Cuộc bạo động đã kéo dài nhiều ngày, rồi dần lan sang cả giới công nhân, và nhiều thành phần khác trên toàn nước Pháp. Năm mươi năm sau, sự kiện vẫn tiếp tục làm dấy lên nhiều tranh cãi và những phân tích khác nhau.

mai1

Đồng sáng lập phong trào 22/03, Daniel Cohn-Bendit trong một buổi họp báo tại giảng đường ở Nanterre, ngày 10/05/1968.AFP

Một điều chắc chắn là làn sóng xã hội năm đó đã làm rung chuyển cả đất nước và làm thay đổi sâu sắc diện mạo xã hội Pháp cho đến tận ngày nay. Những ai từng trải qua giai đoạn này đều nhắc lại sự kiện dưới cái tên ngắn gọn Mai 68.

Chống chiến tranh Việt Nam : Giọt nước tràn ly

Thế nhưng, theo giới sử gia và những người đã từng trải qua sự kiện, ngày đầu tiên cần phải nhớ đến chính là 22/03 và từ xã Nanterre, ngoại ô phía tây Paris. Nói một cách chính xác là vào ngày thứ Sáu, 22/03, lúc 19g45, dưới tác động của Daniel Cohn Bendit, một sinh viên người Đức, theo học ngành xã hội học, 142 sinh viên đã chiếm đóng khu vực tầng trệt tòa nhà hành chính của trường đại học.

Mục đích : Yêu cầu cảnh sát trả tự do cho 6 sinh viên tham gia vào một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam theo lời kêu gọi của Ủy Hội Quốc Gia Việt Nam. Ông Jacques Tarnero cựu thành viên phong trào 22/03 trên RFI hồi tưởng lại :

"Có một cuộc biểu tình chống Mỹ, chống cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Và một nhóm sinh viên thuộc Ủy Hội Quốc Gia Việt Nam đã đập phá trụ sở của American Express và vài sinh viên của Nanterre, trong đó có Xavier Langlade, chuyên trách về trật tự của Nanterre đã bị cảnh sát bắt giam giữ.

Thế là tức thì những ai thuộc phe tả của cánh tả đã được vận động xuống đường yêu cầu trả tự do cho những người bạn bị bắt. Họ hô vang khẩu hiệu "trả tự do cho bạn chúng tôi". Trong ngày 22/03 và ngay trong tối hôm đó, chúng tôi đã quyết định chiếm đóng biểu tượng quyền lực của Nanterre đó là tòa nhà hành chính và chúng tôi chiếm đóng cả đêm".

Chống một xã hội tôn ti cứng nhắc

Vụ bắt giữ sinh viên tham biểu tình chống chiến tranh Việt Nam chỉ là giọt nước tràn ly, làm bùng nổ những bức bối âm ỉ từ trước. Giới trẻ Pháp lúc bấy giờ ngày càng cảm thấy ngột ngạt trước một xã hội quá ư là tôn ti cứng nhắc.

Trong gia đình, đó là hình ảnh gia trưởng của người cha. Ngoài xã hội, một chính phủ bảo thủ cứng nhắc, luôn tìm cách áp đặt việc tuyển chọn đầu vào đại học. Một ý tưởng mà cựu tổng thống Pháp, Valery Giscard d'Estaing, khi ấy mới chỉ là một nghị sĩ trẻ phản đối mạnh mẽ khi kể lại với phóng viên kênh 5 truyền hình Pháp :

"Vấn đề ở đây, đó chính là sự sụp đổ hệ thống giáo dục của nước Pháp. Hệ thống giáo dục của Pháp lúc bấy giờ rất tốt nhưng đó lại là một hệ thống dành cho tầng lớp ưu tú. Và như vậy, có một bộ dân chúng được hưởng, và một bộ phận khác không được hưởng".

Giới trẻ Pháp khi ấy đã chán ngán với cái gọi tư tưởng độc đoán, ngoài xã hội là một Nhà nước của tướng De Gaulle, trong trường học là lối truyền đạt theo cổ điển. Điều nghịch lý là đại học Nanterre, nơi khởi phát phong trào sinh viên, mở cửa vào năm 1964, khi ấy được xem như hình mẫu một trường đại học hiện đại và thực nghiệm với một đội ngũ giảng viên có uy tín đến từ Sorbonne.

Một Nanterre hiện đại nằm cạnh các khu ổ chuột nơi có đông dân lao động nhập cư. Nanterre lúc đó là một hình ảnh tương phản rất rõ nét giữa một bên là cô tú cậu tú đến từ những quận giàu có của Paris và nhiều làng xã ngoại ô sang trọng hay trung lưu khác và bên kia là những người đàn ông, phụ nữ, trẻ con, người già phần đông đến từ Algeri, sống trong những ngôi nhà tạm bợ tồi tàn.

Trong một môi trường tẻ nhạt, bị cô lập vì điều kiện đi lại còn khó khăn không như bây giờ, Nanterre với những chương trình hiện đại hóa các ngành xã hội đã trở thành miền đất mầu mỡ cho những cuộc họp mặt và tranh luận chính trị, cho những ai không có thời gian, phương tiện hay ham muốn đến giải trí tại khu phố cổ Latinh trong lòng Paris.

Chính trong hoàn cảnh đó đã bắt đầu nhen nhúm hình thành một tập hợp rất đa dạng và đôi khi xảy ra xung đột đi từ cực hữu, công giáo thiên tả, rồi cộng sản, và nhất là cực tả còn chia thành nhiều nhóm khác nhau như theo Troskist, Mao Trạch Đông, vô chính phủ, tự do ...

Nhu cầu quyền tự quyết đời sống riêng tư

Nhưng có lẽ khao khát tự do sống cuộc đời của mình, đòi hỏi quyền tự quyết đã nhen nhúm ngọn lửa phản kháng đầu tiên. Ngày 21/03/1967, Daniel Cohn Bendit, lãnh tụ phong trào sinh viên năm 68, sau này là cựu nghị sĩ Châu Âu (2002 – 2014), khi ấy đã cùng với 60 sinh viên khác chiếm đóng một tòa nhà của trường đại học để phản đối một nội quy của trường cấm nam sinh tiếp cận khu vực dành cho nữ sinh sau 22 giờ. Trên kênh France 5, ông nhớ lại :

"Không thể nào hiểu được là tại Pháp điều đó vẫn còn bị cấm trong khi mà ở khắp nơi khác, mọi thứ đã thay đổi. Bởi vì, nhiều nơi vào cuối những năm 1960, không còn muốn sống theo nhịp của thời hậu chiến".

Việc nới lỏng nội quy đã tạm dẹp mọi bất ổn sang một bên. Nhưng bầu không khí nghi kỵ giữa sinh viên, nhất là những người mang tư tưởng cực tả và ban lãnh đạo nhà trường ngày càng thêm nặng nề. Những sinh viên này ngày càng dấn thân hơn trước một trật tự tôn ti bị cho là "tiếp tay" với một chính quyền trấn áp.

Tình hình tạm lắng chỉ kéo dài được vài tháng. Ngày 17/11/1967, kế hoạch cải cách đại học mang tên Fouchet đã đẩy 2.500 sinh viên tiến hành một cuộc đình công vô thời hạn, yêu cầu hiệu trưởng trường đại học Nanterre lúc bấy giờ là ông Pierre Grappin chuyển các đòi hỏi của họ đến bộ trưởng. Hành động phản đối này cũng được các sinh viên tại Sorbonne và Orsay hưởng ứng. Phong trào kết thúc với kết quả là sự chia rẽ của nghiệp đoàn sinh viên UNEF, chiếm đa số tại Nanterre lúc bấy giờ.

Thế nhưng sự cố ngày 08/01/1968 hay còn được nhớ đến với tên gọi "sự cố bể bơi" đã nhen nhúm lại những tia lửa phản kháng tưởng chừng đã lụi tàn, đồng thời làm xuất hiện một hiện tượng mới "Daniel Cohn Bendit", người đã có một cuộc đối thoại cộc lốc bất nhã, chỉ trích bộ trưởng Thể Thao lúc bấy giờ là Francois Missoffe, đến Nanterre để khánh thành bể bơi của trường, là không quan tâm đến vấn đề tình dục của giới trẻ trong Sách Trắng.

"Ông ấy trả lời tôi là nếu cậu có vấn đề tình dục, cậu hãy nhảy xuống bể bơi đi ! Và tôi trả lời ông ấy rằng đó cũng là những gì Hitler từng nói để lẩn tránh vấn đề tính dục. Đúng là nói như thế cũng không hay lắm về phần ông ấy cũng như là phần tôi".

Căng thẳng sau đó lại dấy lên giữa sinh viên và chính quyền. Một cuộc va chạm đã xảy ra vào ngày 26/01/1968 giữa cảnh sát và sinh viên trong một cuộc biểu tình ủng hộ chàng thanh niên 22 tuổi này và phản đối việc thành lập "danh sách đen", trong khi chờ đợi ra trình diện trước ủy ban đặc biệt của sở cảnh sát ngày 16/02.

Từ "nước Pháp nhàm chán" đến lời kêu gọi của 142 sinh viên

Mọi việc sau đó cũng được giải quyết ổn thỏa, Daniel Cogn Bendit không bị trục xuất, nhưng nỗi bức bách của sinh viên bắt đầu được giới truyền thông quan tâm đến. Người ta còn nhớ ngày 15/03/1968, nhật báo độc lập Le Monde có bài xã luận : Quand la France s'ennuie (tạm dịch là Khi nước Pháp buồn chán).

Vào thời kỳ đó, nước Pháp còn đang trong giai đoạn 30 năm Vinh quang (Trente Glorieuses). Đất nước phồn thịnh, kinh tế ổn định và tăng trưởng đều đặn. Thế nhưng, bài xã luận của Le Monde lại viết rằng :

"Những gì đặc trưng cho nước Pháp chính là sự nhàm chán. Người Pháp buồn chán. Họ không tham gia vào bất cứ việc gì, ở gần cũng như ở xa trước những biến động lớn đang làm rung chuyển thế giới. Chiến tranh Việt Nam hẳn cũng làm họ mủi lòng nhưng không làm họ màng đến thật sự (…) Giới trẻ chán nản.

Sinh viên biểu tình, rục rịch phản đối, đấu tranh tại Tây Ban Nha, Ý, Bỉ, tại Algeri, Nhật Bản, Mỹ, Ai Cập, Đức, hay như tại Ba Lan. Họ có cảm giác là có những cuộc chinh phục phải thực hiện, một cuộc phản đối phải được lắng nghe, hay chí ít một tâm trạng phản bác, để chống lại những điều phi lý. Vậy mà sinh viên Pháp chỉ bận tâm đến việc liệu các nữ sinh Nanterre và Antony có thể tự do vào phòng nam sinh hay không, một khái niệm vốn được quy định trong nhân quyền".

Nhưng Le Monde đã nhầm. Vài ngày sau cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam (16-17/03), ngày thứ Sáu 22/03, với lời kêu gọi của Daniel Cohn Bendit, 142 sinh viên đã tấn chiếm tòa nhà trung tâm của đại học Nanterre, yêu cầu trả tự do cho những sinh viên bị bắt.

Ông Roland Castro, một cựu sinh viên lúc bấy giờ, hồi tưởng : "Đối với tôi, ngày 22/03 chính là ngày của 142 kẻ đảo chính. Họ nổi cáu vì một chủ đề thứ yếu. Họ chiếm tòa nhà trung tâm, họ đã vi phạm, họ đã vượt qua cửa. Nhưng họ, ngày 22/03, đó là những cậu sinh viên thông minh, năng động, tinh quái, buồn cười và họ đã không tuân thủ quy định".

Với cựu lãnh tụ phong trào sinh viên năm ấy, Daniel Cohn Bendit, phong trào 22/03 thật sự là ngòi thuốc nổ : "Tôi chưa bao giờ nói là mọi việc đều ổn thỏa. Chúng tôi xem xét vấn đề ngày nào hay ngày đó. Trong một khoảnh khắc tôi nghĩ là hành động chiếm đóng này chỉ là nhất thời, chứ không nghĩ là một ngòi thuốc nổ cho Nanterre".

Giới nghiên cứu cho rằng chính vào lúc này sinh viên Pháp đã ý thức được về sức mạnh của phong trào, rằng họ còn có thể đẩy xa hơn nữa các giới hạn và có thể tự trấn an và tự tin ở chính bản thân mình. Họ có thể dấn thân vào đấu tranh chính trị, một cách triệt để, bất ngờ và sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào.

Chính cách thức làm chính trị này đã dẫn đến sự kiện tháng 05/1968 (Mai 68) sau đó, với các cuộc tổng đình công quy tụ mọi tầng lớp giai cấp, làm biến đổi sâu sắc xã hội Pháp vốn dĩ còn quá nặng nề với những lề lối truyền thống và bảo thủ.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 04/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 932 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)