Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguyên Ngọc

Huy Đức, 06/09/2022

Một lần, nhiều người, trong đó có bà cựu phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình hỏi, "Chúng ta bắt đầu sai từ bao giờ ?". Nguyên Ngọc nói, "Thưa chị, chúng ta bắt đầu sai từ Đại hội Tua" [Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tổ chức tại thành phố Tours, năm 1920].

ngoc1

Bà Nguyễn Thị Bình và Nguyên Ngọc - Ảnh minh họa

Sáng nay, 5/9/2022, tôi gọi điện thoại vào Hội An chúc mừng sinh nhật ông và xin ông cho phép tôi nhắc lại câu chuyện "từ Đại hội Tours". Ông nói, "Được nhưng nên nói rõ phản ứng của bà Bình". "Bà Bình phản ứng sao ạ ?". "Bà ấy im lặng".

Bà Nguyễn Thị Bình là cháu ngoại của nhà yêu nước vĩ đại Phan Châu Trinh. Ngày 19/6/1919, Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc".

Linh hồn của bản "Yêu sách" này là các trí thức lớn - Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền - những người kiên trì chủ trương, "Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mới mưu cầu độc lập chứ không nên cầu viện ngoại bang dùng bạo lực để giành độc lập"

Bà Nguyễn Thị Bình từng nhận xét, "Nguyên Ngọc là người có lòng yêu nước nồng nàn, cương trực, có những suy nghĩ sâu sắc nhằm đóng góp cho đất nước". Không thể nhận biết lòng yêu nước của Nguyên Ngọc theo cách hiểu thông thường.

Trong chiến tranh, ông Võ Chí Công khi ấy đang là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư Khu ủy khu V, "ra lệnh" cho hai người "không được chết" là Nguyễn Chơn (một người giỏi cầm quân) và Nguyên Ngọc (một người cầm bút). Nhưng lệnh ấy của Bí thư khu ủy cũng không ngăn được Nguyên Ngọc xuống xã, nằm ngay trước mũi đạn, hòn tên.

Năm 1979, khi đang là một đại tá quân đội, đại biểu Quốc hội, Bí thư đảng đoàn kiêm Phó tổng thư ký Hội Nhà văn, trong "đề dẫn" của mình, Nguyên Ngọc đã chỉ ra nguyên nhân của tình trạng "có nhiều sách mà không có tác phẩm" là bởi "Tuyệt đối hóa sự chi phối tất yếu của chính trị đối với văn học".

Sự thẳng thắn này đã giới hạn sự nghiệp chính trị của ông nhưng văn chương nước nhà thời ông làm Tổng Biên tập của tờ Văn Nghệ đã có thêm rất nhiều tác giả và tác phẩm.

Cho dù, từ "Đất Nước Đứng Lên" đến "Dọc Đường" nội hàm yêu nước của ông đã thay đổi rất nhiều ; nhưng tất cả đều nhất quán với tính cách ông. Nguyên Ngọc là một người không bao giờ đóng đinh nhãn hiệu yêu nước của mình ở "Rừng Xà Nu" và không dùng nó để đổi chác công danh hay tiền bạc.

Lòng yêu nước của ông không chỉ có trách nhiệm mà còn phải đi cùng trí tuệ. Và điều cốt lõi nhất của Nguyên Ngọc là trung thực. Ông trung thực một cách cực đoan, trước hết, với từng suy nghĩ của mình. Điểm sai từ "Đại hội Tours" không chỉ có Nguyên Ngọc nhìn ra nhưng nói thẳng ra, có lẽ, chỉ những người như Nguyên Ngọc.

Văn Cảnh (PS) : Hơn mười năm trước, trong một cuộc thảo luận về sự xuống cấp của xã hội, có người (trong đó có bà Nguyễn Thị Bình) hỏi, "Điều đó bắt đầu từ bao giờ" ; Nhiều người cho rằng, "Từ năm 1950", nhà văn Nguyên Ngọc nói, "Theo tôi là từ Đại hội Tours". Câu hỏi này không chỉ riêng của bà Nguyễn Thị Bình và không phải trong một tình huống chỉ có bà Nguyễn Thị Bình và nhà văn Nguyên Ngọc.

Huy Đức

Nguồn : Facebook.Osinhuyduc, 05/09/2022

************************

Cách đây một thế kỷ, những nguời khổng lồ

Vũ Kim Hạnh, Nguyên Ngọc, VNTB, 06/09/2022

Lời giới thiệu :

Hôm ấy tôi mang cuốn "Ký ức theo dòng đời" của chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng nhờ chuyển đến nhà tặng anh. Mãi mê kể chuyện bọn học trò nhỏ mồ côi trường Hope trồng rau, tôi quên bẵng chuyện anh Dưỡng nói "sau lưng" anh. Hôm nay kể vậy. Chuyện "thiên hạ" nói về anh mà chắc anh nghe cũng ngạc nhiên. Rằng mới đây, tôi có mời anh Phan Chánh Dưỡng nói chuyện cho doanh nghiệp với đề tài : "Từ những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, khuyến nghị doanh nghiệp Việt những gì cần quan tâm". Anh Dưỡng suy nghĩ hồi lâu, gật gù : đề tài hay, lúc này rất cần, nhưng tiếc là tôi đang bận, sợ không có thời gian nghĩ sâu. Tôi đề nghị Kim Hạnh mời anh Nguyên Ngọc nói đi. Nghe anh Dưỡng nói vậy, tôi ngạc nhiên : Nói về kinh tế mà anh. Anh Dưỡng trả lời, hơi nhấn mạnh, đề tài đó, tôi tin, anh Nguyên Ngọc nói tốt. Anh ấy là một người thông thái, thấu đạt lẽ đời…

Nay nhân ngày sinh nhật thứ 90 của anh, tôi xin share lại đây bài của anh Nguyên Ngọc viết, đăng ở trang FB anh Nguyễn Phú Yên.

(Nhân ngày 5/9/2022, ngày anh tròn 90 tuổi)

Vũ Kim Hạnh

*****

ngoc2

Cách đây một thế kỷ, những nguời khổng lồ

Nguyên Ngọc, fb. Nguyễn Phú Yên, 04/09/2022

Mừng thọ nhà văn Nguyên Ngọc 90 tuổi (5/9/1932-5/9/2022)

Gần đây, do những chuyển động mới trong đời sống xã hội và hoạt động tích cực của những người tâm huyết, một số tác phẩm của nhiều người trước đây từng bị coi là "có vấn đề" đã được in và giới thiệu lại, đáng chú ý chẳng hạn những bài viết phong phú, sắc sảo và sinh động, cả cập nhật ngay đối với hôm nay nữa của Phan Khôi, hay những tác phẩm uyên thâm, thống thiết, và lạ thế, cũng cập nhật không kém của Phạm Quỳnh – một tập tiểu luận dịch từ nguyên bản tiếng Pháp của ông đang gây chú ý rộng rãi trong dư luận. Một nhân vật đặc biệt khác cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều người nhiều giới : Nguyễn Văn Vĩnh. Theo chỗ tôi được biết một bộ phim tài liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp của ông đang được chuẩn bị. Tôi có được xem một phần bản thảo phim ấy. Mở đầu là một người cháu gái của Nguyễn Văn Vĩnh, nay chắc cũng đã quá tuổi tứ tuần, kể chuyện cách đây mấy mươi năm một hôm đi học về tủi thân và khóc ròng, lại gặp cơn mưa lớn, phải vào trú dưới mái hiên một nhà bên đường. Bà cụ chủ nhà thấy có cô học trò đứng dưới hiên nhà mình mà khóc, liền ra hỏi : "Sao cháu khóc nhiều thế ?". Cô bé sụt sùi : "Sáng nay ở lớp cô giáo dạy rằng ông nội cháu là một tên đại Việt gian, tay sai, bồi bút cho thực dân Pháp, cháu buồn, cháu nhục quá…". "Vậy ông nội cháu là ai ?". "Dạ, ông cháu là Nguyễn Văn Vĩnh ạ…". Bà cụ ôm chầm lấy cô bé : "Trời ơi, cháu là cháu nội Tân Nam Tử ư ? Ôi, cháu vào ngay đây với bà, cháu không việc gì phải khóc cả, Tân Nam Tử Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất vĩ đại, mặc ai nói gì thì nói, cháu phải rất tự hào. Cháu có một người ông từng có công lớn lắm với đất nước này… Rồi xã hội cũng sẽ phải công bằng thôi, cháu ạ…". Quả thật ngày nay cuộc sống đã bắt đầu trả lại sự công bằng – muộn mằn và chậm chạp – cho nhân vật cao lớn đến kỳ lạ ấy của đất nước : một nhà văn, một nhà báo, một dịch giả, một nhà văn hóa lớn, hầu như lĩnh vực nào cũng là người khai phá và luôn ở hàng đầu, người sáng lập tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở miền Bắc, ông tổ của ngành in hiện đại ở nước ta, người đầu tiên thiết lập nền sân khấu hiện đại ở Việt Nam, và bằng những bài thơ dịch La Fontaine tuyệt vời, cũng là người đầu tiên phá vỡ thể thơ truyền thống, giải phóng thơ Việt ra khỏi khuôn khổ cổ cứng nhắc hàng nghìn năm, mở đường cho thơ mới ra đời, hiện đại hóa thơ Việt, cũng lại là một trong những người tiên phong sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục : một nhà khai sáng chói lọi của đất nước đầu thế kỷ XX…

Cuộc sống cũng đã và đang dần dần trả lại công bằng cho một số tên tuổi lớn từng bị soi rọi nhiều chục năm dưới những nguồn sáng chẳng lấy gì làm đẹp đẽ, như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, và không ít người khác nữa, những tài năng xuất chúng, những nhà khai sáng lớn trong một thời kỳ chuyển động lịch sử quan trọng. Một số nhân vật khác, ít gay cấn hơn, nhưng cũng từng bị hiểu sai, công khai hay lập lờ, bị gán cho những danh hiệu tuỳ tiện và quy chụp, hoặc bị quên lãng, đẩy xuống những hàng khuất lấp bất công, những Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Trương Gia Mô, Nguyễn Trọng Lợi, Huỳnh Tá Bang, Nguyễn Bá Trác…, nay người ít người nhiều, người sớm người muộn, người đã tương đối rõ ràng người còn phải tiếp tục làm sáng rõ, đã dần dần được đánh giá lại theo đúng tầm cỡ, vị trí và cống hiến của họ trong lịch sử cận đại và hiện đại… Thời gian đang làm công việc lâu dài mà sòng phẳng của nó, không thế lực, cường quyền nào ngăn chặn được, bất chấp những tiếng la ó ngày càng lạc lõng của ai đó. Đời sống tinh thần, văn hóa, cả chính trị của đất nước vì thế ngày mỗi giàu thêm lên. Và được thụ hưởng là tất cả chúng ta, là nhân dân. Có lẽ còn hơn thế nữa, đây không chỉ là một sự khôi phục công bằng lịch sử lành mạnh. Còn có thể là một đóng góp không hề nhỏ cho chính sự phát triển nhiều triển vọng mà cũng đầy thách thức hôm nay. Bởi những thế hệ quá khứ không chỉ đã đóng trọn vai trò hóa ra là hết sức to lớn của họ, họ còn có thể tham gia trực tiếp vào cuộc đi tới hôm nay của chúng ta, bằng những bài học còn nóng hổi, nếu ta biết từ họ mà đối chiếu và ngẫm nghĩ, từ đó tính lại bao nhiêu công việc của chúng ta bây giờ.

Riêng tôi, từ ít lâu nay, tôi vẫn thường trở đi trở lại với một câu hỏi : Tại sao hồi đầu thế kỷ XX chúng ta lại có được một thế hệ những người khổng lồ như vậy, trong văn hóa, tức là ở cái nền tảng cơ bản nhất của tất cả, mà hình như ngày nay chúng ta lại không có, không còn có được ? Những điều kiện lịch sử nào và những nỗ lực cá nhân nào đã tạo nên "thế hệ vàng" ấy của văn hóa Việt Nam vào đúng thời điểm vô cùng quan trọng mà chắc rồi chúng ta còn phải nhiều lần trở lại công phu tìm hiểu, nghiên cứu ?

Trong nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân, phải chăng có một nguyên nhân hết sức quan trọng, thậm chí quyết định này : thế hệ ấy có một lợi thế đặc biệt, họ là một thế hệ đa văn hóa. Đặc điểm quan trọng nhất của họ là từ Hán học chuyển sang Tây học. Một nền Hán học rất uyên thâm, mà trước nay ta quá dễ hời hợt coi thường, khinh miệt, chế giễu, cả lên án nữa. Về điều này, lâu nay tôi nghĩ có hơi khác một chút. Tôi đã thử đặt câu hỏi : nền đại học nào đã tạo nên những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Đào Nguyên Phổ, Ngô Đức Kế, Trần Cao Vân, Đặng Nguyên Cẩn…, cả những Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu… ? Chính là nền đại học "phong kiến" vào một thời kỳ mạt vận nhất của chế độ ấy tức nhà Nguyễn. Vậy hóa ra nền đại học ấy không hề tầm thường chút nào, ít ra cũng không tầm thường hơn nền đại học ta đang có hiện nay. Họ học gì ? Tứ Thư, Ngũ Kinh. Và Tứ Thư, Ngũ Kinh là gì ? Đấy là trí tuệ cao nhất, tập trung, cô đúc nhất của thời trung đại phương Đông. Họ không học tràn lan như chúng ta bây giờ, vơ cho kỳ hết đủ thứ, bỏ cái gì cũng sợ thiếu, đến nỗi học trò lớp một phổ thông đã phải vẹo cả cột sống với chiếc cặp sách khốn khổ của bộ Giáo dục trên lưng ! Họ chỉ học rất ít, chắt lọc lấy cái cơ bản nhất mà học, học cho đến nhuần nhuyễn, để rồi từ cái cơ bản đó mà đủ sức tự mình vận dụng hành xử trong mọi tình huống suốt đời. Có lẽ cũng chính vì vậy mà có một điểm rất đáng chú ý : chính những người giỏi nhất trong số họ, những nhà Hán học uyên thâm nhất lại là những người được nền học vấn ấy tạo nên trí tuệ và ý chí độc lập hết sức mạnh mẽ để dám và biết cách từ bỏ thầy, từ bỏ sách, đạp đổ cái cũ, chống lại chính cái đã học, đi trên cái mới, tự giải phóng cho trí tuệ của mình và cho đất nước, dân tộc. Nghĩa là họ học để trở thành người độc lập, tự chủ, chứ không phải thành người nô lệ, nô lệ cho những giáo điều bất khả xâm phạm, như ta từng lầm tưởng. Người nổi bật nhất trong số đó và xu hướng đó là Phan Châu Trinh, mà Huỳnh Thúc Kháng đã đánh giá xác đáng là "nhà cách mạng đầu tiên của Việt Nam". Vậy thì, nghịch lý thay, nền giáo dục đó rất hiện đại : nó tạo nên không phải những đầu óc được nhồi sọ u tối mà là những nhân cách độc lập, tất nhiên, như bao giờ cũng vậy, ở bộ phận ưu tú nhất của nó…

Những con người đó lại gặp một chuyển đổi thời đại hết sức quan trọng, khi Việt Nam, và cả phương Đông đối mặt với phương Tây, khi diễn ra sự gặp gỡ và va chạm quyết định giữa hai nền văn hóa, văn minh lớn của nhân loại. Những phần tử sáng suốt nhất trong Hán học đã chuyển sang Tây học, dũng cảm, quyết liệt. Có điều thoạt thấy rất lạ : chính thế hệ Tây học đầu tiên đó lại là những nhà Tây học rất sâu. Vì sao ? Phải chăng chính là vì họ xuất phát từ Hán học cũng rất sâu. Đây là sự gặp gỡ giữa hai đỉnh cao, từ đỉnh cao này họ nhìn ngắm đỉnh cao kia, từ đỉnh cao này họ đến với đỉnh cao kia. Trong họ là sự kết nối hai nền văn hóa lớn nhất của nhân loại, vấn đề của họ luôn là vấn đề của sự kết nối đó, những khả năng, những khó khăn, thách thức, những lời giải cố tìm cho sự kết nối đó.

Hãy đọc kỹ lại chẳng hạn Phan Khôi. Thật đáng kinh ngạc vì tri thức bác học cả Đông lẫn Tây của ông, hầu như không có lĩnh vực nào bị ông bỏ qua, không vấn đề lớn nhỏ nào không được ông quan tâm, đề cập và dù chỉ một bài báo nhỏ của ông cũng là một công trình nghiên cứu công phu, trung thực, thậm chí khá cơ bản. Ông cũng là người đầu tiên dịch Kinh Thánh. Vì sao ông bỏ công sức lớn để làm công việc khó khăn và thoạt trông rất lạ đó, dầu ông không hề là người Công giáo ? Có thể, một là ông dịch để học, hai là, và điều này còn quan trọng hơn, ông hiểu rất sâu rằng đấy là một tác phẩm lớn, cội nguồn của văn hóa phương Tây. Ông muốn tìm đến văn hóa phương Tây ở tận cội nguồn của nó…

Tôi cũng thường chú ý đến Huỳnh Thúc Kháng, một nhân vật có lẽ chúng ta cũng chưa để tâm nghiên cứu đầy đủ và đánh giá thật xác đáng. Thường được nhắc đến giai thoại về việc Huỳnh Thúc Kháng học tiếng Pháp : ông học trong nhà tù Côn Đảo, bằng cách học thuộc lòng từ đầu đến cuối toàn bộ cuốn từ điển Larousse ! Có điều đáng ngạc nhiên : văn quốc ngữ của Huỳnh Thúc Kháng rất hay, tôi đọc đi đọc lại ông và cuối cùng nhận ra điều này : hóa ra đấy là lối viết văn quốc ngữ mà chỉ có những người thông thạo Hán học chuyển sang Tây học mới có được ; một lối tư duy khúc chiết, chặt chẽ, sáng sủa của lý tính phương Tây mà họ quyết chiếm lĩnh, kết hợp với một lối suy tư và diễn đạt súc tích đến không thừa một chữ, nghĩa ẩn trong chữ, sau chữ, giữa các dòng của người phương Đông. Nói về tính cách độc lập vô cùng mạnh mẽ của Phan Châu Trinh và việc Phan Châu Trinh sáng suốt tìm ra con đường mới từ Tân thư chẳng hạn, Huỳnh Thúc Kháng viết, cực gọn mà sắc, lại đầy hình ảnh : "Tiên sinh đọc sách có con mắt riêng". Và đây là tuyên ngôn dõng dạc của ông trên số báo Tiếng Dân đầu tiên trong điều kiện làm báo dưới chế độ khắc nghiệt của thực dân Pháp : "Nếu không có quyền nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta buộc nói". Khí tiết và văn phong, cô lại đến đậm đặc và sắc tựa gươm chỉ trong một dòng !…

Cũng không thể không nhắc đến Phạm Quỳnh. Sau nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Việt, cuốn tiểu luận viết bằng tiếng Pháp từ năm 1922 đến năm 1932 của ông vừa được dịch và in là một hiện tượng xuất bản năm qua. Mối ưu tư thống thiết của ông cố đi trên một con đường cho dân tộc trong cuộc va chạm dữ dội và chấn động giữa hai thế giới Đông Tây, lạ thế, đọc cứ như đang nghe ông nói về chính những vấn đề của hôm nay. Sức nghĩ của con người có thể vượt thời gian đến thế, thật khó ngờ !…

Và về Nguyễn Văn Vĩnh, chỉ xin nói một khía cạnh "nhỏ" này : sự nghiệp dịch thuật, cũng như tất cả các hoạt động sôi nổi của ông trong mọi lĩnh vực khác, đều có tính tiên phong và ngay từ đầu đã rất đặc sắc Nguyễn Văn Vĩnh có một quan niệm thâm thuý về dịch thuật. Ông dịch là để đem về cho đồng bào mình những giá trị văn hóa lớn của nhân loại, điều vô cùng cần thiết, thậm chí khẩn cấp trong công cuộc khai hóa dân tộc mà ông thống thiết theo đuổi suốt đời. Nhưng không chỉ có thế : ông chủ trương đẩy mạnh dịch thuật một mặt là để chứng minh khả năng giàu có của tiếng Việt đồng thời cũng còn là để góp phần hiện đại hóa ngôn ngữ dân tộc, làm cho ngôn ngữ ấy – và qua đó, tất nhiên, cả người Việt, dân tộc Việt – được tăng cường thêm các khả năng chiếm lĩnh những thành quả văn hóa, văn minh cao nhất và cập nhật nhất của nhân loại. Hiện đại biết bao quan niệm và tư duy đó, và tha thiết, sâu đậm biết bao tấm lòng yêu nước của thế hệ dân tộc ta từng có được thời bấy giờ…

Quả thực, hồi đầu thế kỷ XX, chúng ta từng có được một thế hệ vàng. Quả thật đấy là thời kỳ của những người khổng lồ. Để có được ngày hôm nay của đất nước, không phải chỉ có cách mạng và chiến tranh. Hoặc nói cho đúng hơn, chính những con người như vậy, vào một thời điểm chuyển động quan trọng của lịch sử, đã góp phần không hề nhỏ chuẩn bị tinh thần, trí tuệ, cả chí khí nữa cho dân tộc để có được cách mạng thành công và chiến tranh giải phóng thắng lợi. Thế hệ ưu tú đó đã đi qua. Cần tiếp tục sự minh định công bằng của lịch sử đối với họ. Nhưng điều còn quan trọng hơn, cần tìm biết vì sao thời ấy đất nước khó khăn hơn bây giờ biết bao nhiêu lần, mà lại xuất hiện được thế hệ đặc sắc ấy. Và bây giờ thì chưa có lại được. Vì sao ? Có quy luật gì ở đây chăng ? Tôi tin rằng có. Có một quy luật : nhất thiết phải đa văn hóa. Phải tìm mọi cách để, như cha ông ta cách đây đúng một thế kỷ, làm chủ được những đỉnh cao của văn hóa cả phương Đông lẫn phương Tây. Không thể, như do cạn cợt và thiển cận suốt một thời gian khá dài, chúng ta đã làm thế nào đó để mà cuối cùng đánh mất cả Đông lẫn Tây, Đông không còn mà Tây cũng vứt đi hết, Đông không ra Đông – Tây không ra Tây. Chỉ còn trơ khất cái được gọi là "dân tộc" kỳ thực là tước đi hết của dân tộc tất cả những tiếp thụ phong phú và cần thiết cho chính cái "dân tộc" đó là một dân tộc giàu có vì liên thông với những đỉnh cao nhất của tinh thần và trí tuệ nhân loại. Cải cách giáo dục, cả cải cách xã hội nữa, phải được đặt trên nền tảng của một tầm nhìn lớn, rất xa và rất rộng, những lạ thay và kỳ diệu thay, những người khổng lồ đầu thế kỷ XX của chúng ta đã thật anh minh nhìn ra và thiết kế cho đất nước này.

Nguyên Ngọc

Nguồn : VNTB, 06/09/2022

Published in Diễn đàn

Nhân đọc bài phát biểu rất dài tương đương với sự vớ vẩn của nhà văn, "trí thức" công bộc Nguyên Ngọc tại Hội nghị chuẩn bị Nghị quyết về trí thức do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập, năm 2008, ông góp ý với Ban Tuyên giáo để định nghĩa về trí thức và phương cách "đào tạo một tầng lớp trí thức có phẩm chất" (như ông).

nhavan1

Nguyên Ngọc : nhà văn, "trí thức" công bộc c Đảng cộng sản Việt Nam ?

Trí thức trước hết là một thái độ chính trị, ý thức cá nhân nó không thể có từ một nghị quyết và được đào tạo bởi một đảng chính trị ; tệ hơn nữa bởi một đảng chính trị độc tài.

Trước khi đi vào những phát biểu vớ vẩn, câu trước chửi câu sau, ý sau đá ý trước của ông xin đưa ra một nhận định phải đập vào óc mọi người và bộ óc của chính ông : Tham dự một "buổi triệu tập của (một) Ban Tuyên Giáo đảng thì không thể là một trí thức mà là một công chức ; góp ý với Ban Tuyên Giáo của một đảng độc tài về phương cách đào tạo trí thức thì những trí thức đó chỉ là những nô bộc để phục vụ cho một chính quyền độc tài như ông ta đã làm trong suốt cuộc đời mình. Những trí thức này, như ông ta là một định nghĩa rõ ràng nhất thế nào là một người không phải là trí thức.

Trong bài phát biểu ông Nguyên Ngọc đã trích dẫn, liệt kê một số điều kiện, tiêu chuẩn của trí thức rất đúng nhưng đồng thời lại đưa ra một số ý kiến mâu thuẫn nền tảng khác với những điều ông vừa liệt kê. Tôi phân vân không biết nguyên do chính là sự thiếu hiểu biết (chắc chắn, sẽ bàn sau) hay do sự thiếu lương thiện trí tuệ của ông ? Tôi nghiêng về giả định thứ hai là điều chính.

Sự lương thiện trí tuệ, một điều kiện cốt lõi của trí thức, của ông được thể hiện dài như bài viết hoàn toàn thiếu vắng. Ông ta cho rằng trí thức là người phải biết đặt vấn đề với chính mình nhưng những lí luận đầy rẫy khác thì ông ta chỉ đặt vấn đề cho người khác, luôn ngụy biện trốn tránh trách nhiệm và tô son điểm phấn cho mình.

Ông Nguyên Ngọc khi về hưu (ông ta không phải là một trường hợp đơn lẻ) đã từng phát biểu (rất ấn tượng theo ngôn ngữ thời đại) "tôi đã lầm lẫn (theo Đảng) suốt hơn 60 năm qua", và sau đó là "chúng ta sai từ Đại Hội Tours" có nghĩa ngay từ điểm khởi đầu, có nghĩa là sai từ bản chất, nhưng đồng thời ông ta lại không tiết kiệm lời lẽ để tự ca ngợi sự dấn thân phục vụ một cách tận tụy và trung thành của mình cho cái Sai ấy.

Nếu đã là cái sai từ bản chất bắt buộc nó phải có một hậu quả tai hại cho xã hội đã được chứng minh. Nó đã và đang được chứng minh hàng ngày.

Làm thế nào có thể ngụy biện vẫn cho mình là đúng, là cao cả khi đã chọn lựa tận tụy phục vụ cho cái bản chất sai đó, cho cái hậu quả tai hại đó đang nhận chìm, bóp chết xã hội ? Chẳng có gì phải đặt vấn đề cho mình cả. Bình tâm thay ! An nhiên thay !

Ông Nguyên Ngọc thể hiện căn tính trí thức nô bộc trong toàn bài viết. Với ông mối tương quan, chức năng của trí thức cho đối tượng Đảng là chủ yếu, xã hội chỉ là xã hội của Đảng do Đảng lãnh đạo chứ không phải xã hội độc lập với Đảng ; những băn khoăn của ông là những băn khoăn cho sự lãnh đạo xã hội trường tồn của Đảng có hiệu quả qua sự đào tạo và lãnh đạo một lực lượng trí thức nô bộc có phẩm chất.

Một trong những yếu tố được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần là sự tự do của trí thức rất lủng củng, sai có đúng có, nhưng ông ta quên hay không biết một điều là tự do trước hết là sự ý thức về mình của con người nói chung và tự do của trí thức là sự ý thức về Con người, về mình của một trí thức nói riêng.

Để nêu ra hết những vớ vẩn trong bài phát biểu của ông Nguyên Ngọc cầm một bài cũng phải dài tương tự chắc sẽ chẳng có ai thèm đọc. Tôi đề nghị các bạn hãy đọc bài đó của ông ta nếu muốn chất vấn tôi một số điểm nào đó. Tôi sẽ sẵn sàng thảo luận.

Để chấm hết bài quan điểm, phê bình này tôi sẽ lấy một ý của ông ta "một trí thức nếu không làm được gì thì ít nhất cũng phải biết im lặng (sic). Bản chất của một trí thức là không được im lặng. Nhất là im lặng trước cái ông ta cho rằng nó đã sai ngay từ khi được sinh ra và đã tận tụy phục vụ cho cái sai ấy suốt cuộc đời mình.

Hãy cho ông ta một ngoại lệ là chấp nhận sự im lặng : nếu ông không làm gì được cả thì nên im lặng để giữ phần nào nhân cách tối thiểu của mình. Với cá nhân ông ta vì sự ảnh hưởng của ông với nhiều người, đó là một cái phúc cho xã hội.

Chúc ông ta một ngày vui vẻ và khỏe mạnh để suy ngẫm về chính mình.

Lê Mạnh Tường

(05/09/2022)

Đọc thêm :

Nhà văn Nguyên Ngọc : Về trí thức

Nguyên Ngọc, Người đô thị, 30/08/2022

Bản chất của người trí thức là luôn đặt lại vấn đề, không bao giờ bằng lòng với những cái đã có sẵn, đã ổn định, đã được coi là xong xuôi, ngay cả trong chính anh ta.

nhavan2

Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh Nguyễn Á

Chắc chắn nhiều vị sẽ phát biểu về nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề rộng lớn này. Tôi chỉ xin chọn nói về một số khía cạnh sau đây, theo tôi là quan trọng. Và xin nói với tinh thần thẳng thắn như đã được kêu gọi.

A – Định nghĩa trí thức

1. Định nghĩa thế nào là trí thức là rất quan trọng, bởi từ đó mới có thể đặt đúng vấn đề vai trò của trí thức trong xã hội, cách ứng xử đúng đắn với trí thức, phát huy vai trò của trí thức…

Trí thức đương nhiên là người làm việc bằng trí óc. Nhưng không phải mọi người lao động trí óc đều là trí thức. Tôi tán thành anh Cao Huy Thuần khi anh nhắc lại định nghĩa sau đây của J.P. Sartre. Sartre gọi một người nghiên cứu trên hạt nhân để cho nổ ra trái bom nguyên tử càng lúc càng tinh vi là nhà bác học. Cũng nhà bác học đó, khi ý thức được cái khí giới giết người ghê gớm ông nắm trong tay, đứng lên hô hào chống bom nguyên tử, người đó ông gọi là người trí thức.

Như vậy một người được xác định là trí thức không phải căn cứ trên lượng kiến thức anh ta có, mà trên thái độ và hành vi xã hội của anh ta. Trí thức là người có trách nhiệm xã hội cao, dấn thân mạnh mẽ cho lý tưởng xã hội mà anh ta coi là đúng đắn, cao quý. Ở phương Đông ngày xưa người ta gọi người trí thức là "kẻ sĩ". Kẻ sĩ là người dấn thân vì lợi ích của toàn thiên hạ, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì đại nghĩa của toàn thiên hạ. Trí thức như vậy là một phẩm cách đặc biệt, là một "chất" chứ không phải một "lượng". Một người có bằng cấp rất cao, một người có kỹ thuật rất tinh vi có thể là một nhà chuyên môn giỏi, một kỹ thuật viên cao cấp, nhưng chưa hẳn là một người trí thức.

Cần phân biệt việc đào tạo một đội ngũ chuyên môn cao với việc xây dựng một lực lượng trí thức cần thiết cho đất nước. Chẳng hạn kế hoạch đào tạo hai vạn tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng nhất với việc tạo ra hai vạn trí thức. Có thể có hai vạn tiến sĩ mà vẫn không có trí thức.

Tôi không nói việc đào tạo bao nhiêu tiến sĩ đó là không quan trọng, nhưng đó là việc khác. Cứ coi như ta đã đào tạo được hai vạn tiến sĩ rồi, thì để cho hai vạn tiến sĩ đó trở thành hai vạn trí thức lại phải làm một việc khác, có thể còn khó khăn hơn rất nhiều, đó là làm cho họ có tư cách, phẩm tính trí thức. Việc ấy đòi hỏi những yêu cầu khác, mà tôi sẽ xin cố gắng nói sau đây.

Tôi nghĩ hội nghị trung ương lần này nên bàn vấn đề xây dựng lực lượng trí thức đúng nghĩa của nó, tạo cho xã hội ta thật sự có một lực lượng có phẩm cách trí thức cao, đó là một việc đang bức xúc, chứ không phải chỉ có việc đào tạo một lực lượng có chuyên môn cao mà không có phẩm cách trí thức.

2. Vì sao một xã hội lành mạnh cần có những người trí thức ?

Do từ định nghĩa trên kia, người trí thức thường là người vượt ra khỏi lĩnh vực chuyên môn của mình, lo "bao đồng" những việc chừng như không dính dáng gì đến chuyên môn của mình. Sartre gọi như vậy là "s’occupe de ce qui ne le regarde pas", lo những việc chẳng ăn nhằm gì tới mình. Việc không phải của mình mà anh ta lại coi là việc của mình, thậm chí chằm chằm tham gia, ráo riết can thiệp vào đó, cãi vã, tranh luận, chiến đấu có khi đến mất mình vì nó…

Anh Cao Huy Thuần gọi đó là "xớ rớ", người trí thức xớ rớ, can dự vào việc của xã hội, của chính phủ, của nhà cầm quyền, "quấy rầy", không để cho người ta yên. Việc không phải của anh mà anh lại tha thiết coi là của anh, chính cái sự coi đó khiến anh trở thành người trí thức (chứ không phải là nhà chuyên môn đơn thuần).

Xã hội cần những người xớ rớ như vậy, người cầm quyền luôn cần có những người như vậy quanh mình, không để cho mình yên, không để cho mình được yên trí, bởi vì đã yên trí thì tất là bắt đầu trì trệ, thậm chí sa sút, biến chất.

3. Bản chất của người trí thức là luôn đặt lại vấn đề, không bao giờ bằng lòng với những cái đã có sẵn, đã ổn định, đã được coi là xong xuôi, ngay cả trong chính anh ta. Như Marx nói : người trí thức "phê bình không nhân nhượng về những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không thụt lùi dù trước kết luận của chính mình hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào".

Người trí thức như vậy là ngưòi luôn phê bình, trước hết là phê bình những kết luận tưởng đã xong của chính mình, không chịu dừng lại trong những kết luận ấy, không chịu coi đó đã là chân lý bất khả xâm phạm; rồi từ đó đối với xã hội cũng vậy, anh ta không bao giờ chịu dừng lại trước những điều đã được coi là chân lý "vĩnh cửu".

Một xã hội muốn tiến lên thì phải thường xuyên tự nhìn lại mình, tự ý thức lại về chính mình. Trí thức là sự tự ý thức lại thường trực của xã hội. Tự ý thức lại, tự phê bình lại thường trực, không ngừng. Phê bình như vậy, trí thức góp phần giúp xã hội không dừng lại trên bất cứ một trật tự được coi là bất biến nào, giúp xã hội luôn tiến tới một trật tự tốt hơn, nhân đạo hơn, hợp lý hơn. Người trí thức do vậy mà trở thành lương tâm của xã hội, phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ trong xã hội ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử.

Trí thức là những người tự đặt mình ra khỏi thẩm quyền của mình. Thẩm quyền của họ chỉ là cái chuyên môn mà họ có. Khi vượt ra khỏi cái chuyên môn chật hẹp đó, bức xúc can thiệp, phê bình trật tự xã hội thì họ trở thành trí thức.

Tại sao họ làm vậy ? Tại vì, Sartre trả lời, "trí thức là người ý thức được sự xung đột xảy ra trong lòng họ và trong lòng xã hội giữa việc đi tìm sự thật qua thực tiễn hành động và hệ ý thức đang đô hộ. Ý thức được điều đó tức là khám phá ra những mâu thuẫn căn bản của xã hội, nghĩa là những xung đột giai cấp và, ngay trong lòng giai cấp thống trị, một xung đột hữu cơ giữa sự thật mà giai cấp đó nhân danh để thống trị và những huyền thoại, giá trị, tập tục mà nó bám giữ và truyền nhiễm vào những giai cấp khác để thống trị"…

Giai cấp thống trị nào cũng cần tạo ra những "huyền thoại" và áp đặt vào xã hội để thống trị. Người trí thức là người ý thức được những huyền thoại đó, mâu thuẫn, xung đột giữa chúng và thực tiễn xã hội, quyết phá giải những huyền thoại đó, để cho xã hội tiến lên.

Nhận thức này rất quan trọng : phải phân biệt việc đất nước cần có một đội ngũ chuyên môn giỏi (cũng là hết sức cần thiết và cấp bách) với việc xã hội cần có một lực lượng trí thức làm "chức năng" luôn tự hỏi lại về chính những giá trị đang được coi là chính thống của xã hội, luôn cật vấn về những gì đang có, luôn đặt lại vấn đề về các chuẩn mực đã được khẳng định.

Có người đã nói theo một cách chơi chữ: trí thức giữ cho xã hội luôn "thức" chứ không ngủ. Đảng cần những người trí thức là vì như vậy, chứ không phải chỉ cần những nhà chuyên môn giỏi bảo gì nghe nấy, như những cái máy tinh xảo mà vô cảm. Nói cách khác Đảng và Nhà nước cần có những người trí thức chân chính để luôn bị quấy rầy, luôn có người quấy rầy mình hằng ngày, trong mọi việc, không bao giờ để cho mình yên mà tự thỏa mãn và dừng lại, khô cằn.

Do vậy, thường xảy ra tình trạng người cầm quyền khó ưa được trí thức. Biết quý người luôn quấy rầy mình, luôn buộc mình không bao giờ được kiêu căng thỏa mãn, là phẩm chất của người cầm quyền giỏi. Tôi nghĩ nếu lần này Đảng đặt vấn đề bàn về trí thức thì chính là đặt vấn đề bàn về việc xây dựng lực lượng luôn quấy rầy mình đó, xây dựng cho họ cái phẩm chất dám và biết quấy rầy ấy, mạnh mẽ trao cho họ cái quyền đó, để cho xã hội và dân tộc tiến lên. Bởi Đảng không có quyền lợi riêng của mình, Đảng không có quyền lợi nào khác ngoài sự tiến lên không ngừng của xã hội, của đất nước.

Bàn về vấn đề trí thức cũng là bàn về khả năng của Đảng, của người cầm quyền chấp nhận được sự quấy rầy thường trực của tiếng nói phản biện thường trực ấy. Nâng cao năng lực của Đảng, của người cầm quyền chịu đựng sự quấy rầy phản biện ấy, vì quyền lợi của đất nước.

nhavan3

Tập sách của Nguyên Ngọc vừa ra mắt bạn đọc, phát hành bởi Nhã Nam và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Ảnh : Lam Điền

B – Nhận dạng trí thức Việt Nam

1. Đặc điểm quan trọng nhất của trí thức Việt Nam là rất yêu nước. Cách mạng tháng Tám 1945, rồi suốt chiến tranh cứu nước, tuyệt đại đa số trí thức Việt Nam đều đi với cách mạng và kháng chiến, cống hiến hết mình cho dân tộc. Trong khi chẳng hạn ở Nga, sau Cách mạng tháng Mười 1917, tuyệt đại đa số trí thức lớn nhất đều bỏ ra nước ngoài, không đi với cách mạng.

Đó là vì cách mạng Nga đậm tính giai cấp, trong khi cách mạng ta chủ yếu là vì vận mệnh của dân tộc, trí thức Việt Nam là trí thức của một dân tộc bị sa vào ách nô lệ phải đứng lên tự giải phóng cho mình. Đây là chỗ mạnh, đồng thời cũng tiềm tàng chỗ yếu của trí thức ở ta: họ thiết tha yêu nước, nhưng đồng thời cũng là trí thức nhỏ bé của một đất nước hàng trăm năm không có độc lập, được thực dân đào tạo chủ yếu nhằm phục vụ bộ máy thống trị của chúng. Những người ưu tú nhất trong số đó đã vượt lên, tận dụng ngay được bản chất ưu việt của nền văn hóa Pháp dầu nó được thực dân truyền bá với những mục đích khác, tự làm giàu cho mình và cho đất nước…

Theo một cách nào đó thậm chí có thể nói chính nền văn hóa Pháp với những tư tưởng chói lọi của nó đã từng góp phần tạo nên cả một thế hệ những nhà cách mạng hiện đại Việt Nam. Trí thức Nga thì khác, phần lớn họ không đi với cách mạng, nhưng mặt khác họ là trí thức lớn của một quốc gia độc lập lâu đời, có phẩm tính trí thức lớn. Yêu nước nhưng nhỏ bé, tư cách trí thức không cao là đặc điểm cố hữu của trí thức ta.

2. Sau cách mạng, nhất là từ sau 1950 (giải phóng biên giới, ảnh hưởng tư tưởng Mao tràn vào…), trí thức lại liên tục bị vùi dập, làm nhục, qua chỉnh huấn, cải cách ruộng đất, đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm, và nhiều cuộc đấu tranh khác, liên tục… Tư cách trí thức thuộc địa vốn đã nhỏ bé lại ngày càng bị làm cho nhỏ bé đi. Mỗi lần người trí thức muốn tự khôi phục lại vai trò, tư thế của mình, thì đều bị vùi dập thêm. Mặc dầu vậy, nhiều người trí thức đã vì lợi ích của dân tộc mà tự mình vượt lên, cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung, nhiều người thật sự đã có đóng góp lớn, và đã làm vinh quang cho đất nước.

Theo dõi cuộc đời và sự nghiệp của nhiều trí thức lớn ở ta suốt nhiều chục năm qua đều có thể thấy tình trạng đó : họ đều đã dũng cảm vượt qua những lần bị vùi dập bất công, vì lợi ích cao nhất của dân tộc mà quên mình đi, lao động dũng cảm và cống hiến. Cứ nhìn lại một số người tiêu biểu thì có thể thấy rõ: Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Tạ Quang Bửu, Hoàng Tụy… Theo tôi, những đóng góp đó chưa được đánh giá đúng.

Một ví dụ rất gần đây : năm vừa qua giáo sư Hoàng Tụy tròn 80 tuổi, thế giới toán học coi là một dịp quan trọng để vinh danh và bày tỏ sự kính trọng, biết ơn công lao sáng tạo của ông đối với toán học thế giới. Một hội nghị quốc tế về toán học đã được tổ chức ở Pháp, có mặt những nhà toán học lớn trên thế giới, tôn vinh ông. Trong khi đó cho đến nay Đảng và Nhà nước ta không hề có một lời đối với ông vào dịp này. Thật là một lỗi nặng của chúng ta… Còn có thể kể nhiều ví dụ như thế nữa.

Trong khi đó, cũng chính do cách nghĩ không đúng về vai trò của trí thức, tiếng nói phản biện xã hội vốn là thiên chức của trí thức, đối xử không đúng đối với những trí thức chân chính, định kiến nặng nề đối với những trí thức thẳng thắn và cương nghị, có tinh thần trách nhiệm cao với mọi vấn đề của xã hội, mặt khác, tất yếu, lại rất dễ tạo ra một loại trí thức dỏm, chuyên tâng bốc, nịnh hót những người cầm quyền, bao vây quanh họ những thông tin giả, gây rất nhiều tác hại. Loại đó hiện nay rất nhiều, làm ô nhiễm môi trường trí thức ở ta. Và rất nhiều khi lại được lãnh đạo ủng hộ, vì họ luôn nói dễ nghe, hóng gió mà nói theo.

Tôi nghĩ nếu quả thật lần này Đảng muốn thật sự bàn về vấn đề trí thức, xây dựng lực lượng trí thức xứng đáng với dân tộc, cho nhiệm vụ phát triển mới của đất nước, thì không thể không nghiêm khắc tự kiểm điểm lại về những khuyết điểm không nhỏ ấy, đã có hệ quả triệt tiêu vai trò có thể to lớn của một lực lượng trí thức dân tộc đã tự phấn đấu rất kiên cường để là những trí thức không hề tầm thường.

Quả thật, cho đến nay trong trí thức, còn có nhiều điều chưa được giải tỏa. Lòng tin của họ đối với lãnh đạo chưa cao. Đã đến lúc cần dũng cảm sòng phẳng trở lại một lần cho xong đối với một số vụ vùi dập trí thức từng xảy ra từ nhiều chục năm nay, nghiêm túc nhận khuyết điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm, để cho thanh thản với quá khứ và tránh mọi sai lầm lặp lại về sau.

Những người trí thức chân chính chỉ cần một thái độ thật sự chân thành như vậy của lãnh đạo, để có lòng tin vững chắc mà nhẹ nhàng, hết lòng cống hiến vì sự nghiệp lớn.

nhavan4

C. Để phát huy tốt vai trò của trí thức

Tôi nghĩ trước hết nên tránh cách nghĩ trí thức đòi hỏi sự đãi ngộ. Đối với người trí thức chân chính, nhấn mạnh đến đãi ngộ thậm chí đôi khi có thể là một sự xúc phạm đến họ.

Để xây dựng và phát huy lực lượng trí thức, theo tôi cần :

1. Trước hết nhận thức đúng về vai trò và chức năng của trí thức trong xã hội. Có thể nói một cách nôm na như thế này: trí thức sinh ra là để nói ngược. Chấp nhận tiếng nói ngược, ít nhất là bình đẳng với nó, tôn trọng nó, để tự ý thức rõ hơn về mình, công việc của mình, là bản lĩnh cần thiết của người lãnh đạo.

Trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hội nhập rộng lớn ngày nay, tiếng nói ngược như vậy càng quan trọng, bởi trong chiến tranh dù rất ác liệt nhưng về tư tưởng thì là theo chiều thuận, nó phù hợp sâu xa với tình thần dân tộc và lòng yêu nước vốn là sức mạnh lâu đời của người Việt. Xây dựng xã hội mới khó hơn nhiều, vì có rất nhiều điều không phải đã có sẵn trong bản chất hay truyền thống của con người Việt, phải phá vỡ rất nhiều quan niệm cũ, xây dựng những quan niệm mới, thật sự là một cuộc cách mạng có thể còn sâu sắc hơn bao giờ hết. Chính lúc này cần phát huy vai trò của trí thức, cần có một lực lượng trí thức có tính độc lập cao, để từ đó có nhiều suy nghĩ mới, táo bạo, mở đường, sáng tạo.

2. Yêu cầu cao nhất của người trí thức chân chính là được làm việc, được cống hiến, cống hiến tất cả tài năng, trí lực của mình cho đất nước, cho xã hội. Đãi ngộ họ đúng đắn là cần thiết, nhưng đãi ngộ rất nhiều mà không tạo điều kiện tốt nhất, rộng rãi nhất cho họ làm việc, thì đối với họ sẽ chẳng có nghĩa gì cả. Người trí thức chân chính thậm chí thường coi thường hình thức, ghét sự đãi bôi, khinh rẻ quyền lợi vật chất. Họ không cần những lời chào đón, đề cao hình thức, mà cần những điều kiện thiết thực để có thể làm việc, cống hiến nhiều nhất, hiệu quả nhất. Phải nói rằng chúng ta đang làm rất không tốt điều này.

Xin nêu một ví dụ : ngay một nhà bác học tầm cỡ thế giới như Pierre Darriulat, hết sức yêu Việt Nam, tự nguyện đến ở và làm việc tại Việt Nam, nguyện hết lòng làm việc cho Việt Nam như một chiến sĩ tình nguyện không công, mà cho đến nay một số ít điều kiện làm việc tối thiểu cũng không được những người có trách nhiệm tạo cho ông. Những ý kiến tâm huyết và hết sức sâu sắc, thiết thực của ông về nhiều lĩnh vực quan trọng cũng bị những người và tổ chức có trách nhiệm bỏ ngoài tai. Qua một việc cụ thể này chúng ta đang làm cho nhiều trí thức người Việt trong nước và ngoài nước nản lòng.

3. Bên cạnh những điều kiện về vật chất thật ra là rất ít ỏi người trí thức cần có, thì điều quan trọng, cơ bản, thiết yếu nhất đối với họ là tự do, tự do tư tưởng. Tự do là điều kiện sống còn của trí thức. Không có tự do tư tưởng thật sự, cụ thể, thiết thực thì không có trí thức. Xin nói rõ là họ cần tự do tư tưởng rộng rãi nhất, tuyệt đối, không có bất cứ rào cản, cấm kỵ nào. Họ phải có được quyền suy nghĩ đến cùng, trên mọi vấn đề, lật lại mọi vấn đề, không bị bất cứ sự cản trở nào.

Cần thật sự trao cho người trí thức quyền tự do tư tưởng cao nhất. Phải nói thật rằng chúng ta đang làm không tốt điều này. Tôi thấy chúng ta đang có tâm lý nặng nề sợ trao nhiều quyền tự do tư tưởng cho trí thức, viện những cớ rất giả tạo, vớ vẩn như kiểu "thù trong giặc ngoài" để hạn chế tự do. Tôi cũng thật sự không hiểu được tại sao một số người được bố trí vào một số cương vị nào đó thì bỗng nhiên tự thấy mình có quyền cho ai được tự do, ai không đủ trình độ để được tự do, quyền cho người ta được tự do đến đâu thì vừa, lúc nào thì được, v.v.

Vừa qua và hiện nay đang có một số việc làm vụng về, thiển cận, vô ích, và gây bất bình, mất lòng tin trong trí thức, làm cho tình hình nặng nề một cách không cần thiết, chẳng hạn như cách xử lý đối với tập thơ Trần Dần vừa rồi, hoặc theo chỗ tôi được biết những ý đồ tìm cách giải tán viện IDS, nơi đang có những tiếng nói phản biện của nhiều trí thức có trình độ, giàu tâm huyết, nghiêm túc… Nếu chúng ta cứ tiếp tục những việc làm kiểu đó thì mọi lời kêu gọi đóng góp trí tuệ, tài năng của trí thức cho sự nghiệp chung sẽ mất đi rất nhiều tác dụng, thậm chí vô nghĩa.

Đối với trí thức, không được dùng quyền lực. Những người trí thức chân chính không sợ quyền lực, thậm chí khinh rẻ quyền lực. Cùng lắm là họ sẽ đối phó lại bằng im lặng. Và chúng ta sẽ chẳng được gì cả, sẽ là mất mát rất lớn.

Chính vì vậy, nói xây dựng lực lượng trí thức thì trước hết lại là xây dựng thái độ đúng đắn của Đảng, của lãnh đạo đối với trí thức. Tôi xin nói: có được thái độ đó thì sẽ có trí thức, bằng không thì sẽ không bao giờ có, hoặc sẽ chỉ có trí thức dỏm, chỉ càng hại Đảng, hại cho sự nghiệp chung.

4. Để đào tạo một lực lượng trí thức lớn và mạnh, cần thiết cho sự phát triển lâu dài của đất nước thì một trong những điều kiện quan trọng nhất là phải có một nền đại học thật sự ra đại học, điều chúng ta hiện nay hầu như hoàn toàn không có. Cách đây mấy mươi năm, song song với vụ Nhân văn Giai phẩm, chúng ta đã phá tan mất một nền đại học rất đàng hoàng, với những trí thức lớn như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đình Hượu, v.v., và từ đó đại học của ta, như nhiều người nói, chỉ còn là một kiểu phổ thông cấp 4.

Điều kiện cốt lõi của đại học là độc lập tư duy. Nhiệm vụ cơ bản của đại học là tạo nên những con người có dũng khí, tư cách và khả năng tư duy độc lập ; có như vậy nó mới chuẩn bị được cho đất nước một lực lượng trí thức mạnh, dồi dào. Và muốn có một nền đại học như vậy, thì trước sau cũng phải thẳng thắn giải quyết vấn đề tự trị đại học.

Tôi đề nghị cần đặt ra vấn đề ấy, có kế hoạch thực hiện từng bước, để đi đến có được một nền đại học đàng hoàng, cho công cuộc hiện đại hóa của đất nước. Dự định đến năm nào đó ta sẽ có được đại học vào top này top nọ của thế giới sẽ hoàn toàn là ảo tưởng nếu ta cứ một mực duy trì một kiểu đại học chẳng khác gì phổ thông như hiện nay. Có thể có một số đại học không thua kém ai, thậm chí trong một thời gian không dài, nếu ta dám thật sự làm đại học tự trị. Trước sau chúng ta cũng phải nhất thiết tiến đến đó, cần bắt đầu những bước đi đầu tiên từ bây giờ.

Đấy là một trong những điều kiện thiết yếu để xây dựng lực lượng trí thức xứng đáng cho đất nước, dân tộc, đáp ứng yêu cầu của phát triển.

Nguyên Ngọc

_______________

(*) Bài viết này là phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc trong Hội nghị chuẩn bị Nghị quyết về trí thức do Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập, năm 2008. Người Đô Thị trích đăng từ tập sách  Dọc đườngphát hành bởi Nhã Nam và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam tháng 6/2022.

Published in Quan điểm
lundi, 10 février 2020 00:08

Vụ Đồng Tâm là một tội ác !

"Vụ án Đồng Tâm là một tội ác trời không dung đất không tha"

Tuấn Khanh, RFA, 10/02/2020

Hơn 120 năm trước, trong một xã hội nước Pháp còn lắm nhiễu nhương, nhà văn Emile Zola (1840-1902) đã từng mượn tờ báo L’Aurore để viết lá thư ngỏ gửi tổng thống Félix Faure và cho cả toàn dân Pháp, nhằm tố cáo một sự cấu kết giữa tòa án và quân đội để kết tội tù chung thân đối với một sĩ quan là Alfred Dreyfus.

ngay1

Nhà văn Nguyên Ngọc : "Vụ án Đồng Tâm là một tội ác trời không dung đất không tha"

Lá thư đó, nằm ở trang nhất, có tiêu đề J’accuse ! (Tôi tố cáo !) đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng về tình trạng ghép đặt tội trạng tùy tiện, sự đồi bại của giới cầm quyền và công an, quân đội khi chà đạp lên luật pháp và con người. Ở vị trí là một nhà văn, chỉ có cây bút, Emile Zola đã ra mặt thách thức cả quân đội và ngành tư pháp, kêu gọi họ trả lại công lý cho người bị hại. J’accuse ! vào năm 1898 trở thành bài học công chính, danh dự và quyền tự do ngôn luận cho chỉ cho nước Pháp, mà nhiều quốc gia khác, trăm năm về sau.

Từ vụ án bất minh và bi thảm đối với ông Lê Đình Kình vào ngày 9/1/2020 tại Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc cũng mượn ý của Emile Zola, đưa ra lá thư của mình, có tên Tôi Tố Cáo, nhằm đánh động lại sự kiện, yêu cầu nhà cầm quyền phải có một thái độ đúng của một nhà nước, phải cho điều tra việc giết hại một công dân 84 tuổi ngay tại nhà của ông ta.

Lá thư của nhà văn Nguyên Ngọc được đưa ra vào ngày 4/2/2020, trong bối cảnh xã hội rối ren vì dịch bệnh, nhằm không để cho những kẻ giết người có thể tránh né được tòa án của nhân dân. Không những vậy, ông còn nhắn gửi "Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới. Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu".

Trong cuộc trò chuyện kỷ niệm một tháng, ngày thảm nạn Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc đã gửi chút tâm tình, giải thích về những lý do buộc ông phải viết lá thư này.

Trên đất nước này rõ ràng đã có một vụ án giết ông Lê Đình Kình. Một mặt người ta đang cố để mọi thứ chìm dần, một mặt thì lại vu cáo ông ấy là kẻ ác. Nhưng việc tấn công vào làng Đồng Tâm lại không hề có một căn cứ pháp lý nào cả. Báo chí nhà nước thì đồng loạt đặt tên ông Kình cầm đầu nhóm phiến loạn, nhóm khủng bố… nhưng lại không có một cơ quan pháp luật nào khẳng định điều đó. Điều đó cho thấy 3.000 cảnh sát cơ động không thể tổ chức tấn công và giết người từ những dư luận linh tinh, từ những tin đồn.

Đã vậy 3 lần giải thích của Bộ Công an đều cho thấy cuộc tấn công vào thôn Hoành không hề có lệnh của tòa án, viện kiểm sát hay công an… vậy thì phải chăng mục đích cuộc tấn công đó chỉ để nhằm giết người có chủ đích ? Kịch bản của cuộc tấn công cho thấy rõ : họ cô lập mọi gia đình chung quanh nhà ông Kình, dùng thuốc nổ phá cửa, tấn công bắt người và tra tấn, và giết.

Người ta tìm thấy một cái bao đầy quần áo đầy máu, mà chúng dùng để lau dọn phi tang vụ tra tấn. Sau đó chúng dùng súng bắn vào ông. Cái phát súng bắn vào tim đó – tôi là bộ đội, tôi biết rõ – vết thương cho thấy phát súng đó bắn gọn, bắn rất gần, kê thẳng vào ngực mà bắn. Vết đạn sắc gọn, không nở toét ra như bắn từ xa. Họ còn bắn thêm vào đầu, bắn vào chân.

Đó là lý do tôi nói rằng đã có một vụ án giết công dân.

Điều đáng nói là 3 lần thông báo của Bộ Công an, nhằm giải thích cho vụ thảm sát này, đều là nội dung bất nhất. Lần đầu họ nói đang xây tường ở đồng Sênh thì bị lực lượng của ông Kình tấn công nên đã xung đột, và ông Kình chết tại đồng Sênh. Lần thứ hai, họ nói là đi tuần vào làng thì bị tấn công, và ông Kình chết. Lần thứ ba thì đến ông tướng công an Lương Tam Quang, mới nói thật là ông Kình bị giết chết tại nhà. Tất cả những chuyện này, rõ là ám muội.

Đó là chưa nói vụ 3 người công an chết khi tấn công vào thôn Hoành, mà đến giờ này chỉ nghe đổ lỗi chứ không có một cuộc điều tra nào xừng đáng với cái chết của họ.

Theo tôi, không cần biết như thế nào, vì có một vụ án làm chấn động dư luận nên chính quyền phải mở một cuộc điều tra minh bạch và công khai về vụ án này.

Trước đây đã có nhiều lần các nhóm nhân sĩ trí thức lên tiếng, cùng ký thư… ông cũng đã có tham gia, vào vì sao, lần này lại là một mình ông ?

Tôi lấy danh nghĩa của một công dân, và là một nhà văn để lên tiếng, tương tự như Emile Zola với "J’accuse". Giữa tình hình truyền thông nhà nước đang đơm đặt và bẻ cong ý nghĩa về sự sát hại cụ Lê Đình Kình, tôi mong là lời tố cáo của tôi một lần nữa sẽ khuấy động được dư luận nhìn lại sự kiện này. Tôi cũng hy vọng giới nhân sĩ trí thức Việt Nam, với lương tâm của mình, cũng sẽ cùng hợp sức kêu gọi nhà nước phải mở một cuộc điều tra rõ ràng, độc lập và minh bạch trước tội ác này.

Sự kiện chấn động này khiến dư luận hoang mang. Người ta nói với nhau không hiểu vì sao một việc làm càn quấy ở cấp nhà nước lại có thể diễn ra như vậy. Liệu đây có là hành động sai lầm của riêng một cá nhân hay một nhóm người không ?

Có rất nhiều thứ để người dân suy đoán từ sự kiện này. Người ta bàn tán khắp nơi, rằng lệnh này của ông Trọng hay của ông Phúc, hay của ông Tô Lâm ? Có người nói ông Trọng không biết gì, bị đưa thông tin một chiều nên làm theo sự sắp xếp nào đó. Có người nói ông Phúc ba phải nên theo mà không đánh giá hết tình hình… Nhưng tôi không muốn bàn đến những chuyện như vậy. Mọi thứ lúc này cần là sự kiện đúng và rõ ràng từ nhà nước đưa ra cho người dân, chứ người dân thì không thể xác định chân dung nhà nước bằng những tin đồn.

Tôi chỉ xác nhận rằng trên đất nước này đã xảy ra một vụ án tàn bạo mà không có dựa trên bất kỳ chứng cứ pháp lý gì cả. Cần phải có điều tra, phải có tòa án. Tôi muốn gửi lời tố cáo của mình đến người dân Việt Nam và cả thế giới. Mọi thứ không thể đi qua và trở thành hợp lý từ tuyên truyền một chiều. Đất nước này cần phải có luật pháp.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 10/02/2020 (tuankhanh's blog)

**********************

Đồng Tâm : dân cần hổ trợ pháp lý như cần vắc xin chống dịch

Gió Bấc, RFA, 08/02/2020

Tròn một tháng sau đêm đàn áp đẫm máu ở Đồng Tâm, người dân Việt phẩn uất, nhiều nhân sĩ, trí thức tố cáo tội ác giết người, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới lên tiếng cáo buộc, Đại sư Mỹ và EU lắng nghe người dân và chất vấn chính quyền... Nhưng sự thật ở Đồng Tâm vẫn còn là vùng tối với những câu hỏi không có lời đáp : Cuộc tấn công đột kích nửa đêm vào Đồng Tâm là theo lệnh của ai ? Ông Lê Đình Kình bị giết vì tội gì, theo trình tự pháp lý nào ? Để giảm thiều sự bất công ngang trái đó, để sự thật được khai quật, công lý đươc hé lộ, ngay từ bây giờ, người dân Đồng Tâm cần sự hổ trợ của cả nước và quốc tế về nhiều mặt trong đó, cần thiết nhất là hổ trợ về pháp lý.

giobac1

Hệ quả pháp lý của hành vi giết chết cụ Kình đang đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng với nhà nước Việt Nam.

Sự việc một đạo quân trên 3000 người trang bị cả xe bọc thép đang đêm tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, dùng lựu đạn cay, mìn nỏ phá tường xông vào nhà bắt tra tấn và bắn chết cụ Lê Đình Kình, một cụ già 84 tuổi, đang bị gãy chân phải ngồi xe lăn và bắt đi hàng chục người dân có cả người già, phụ nữ, trẻ em quả là hành động khó gọi tên. Hệ quả pháp lý của hành vi giết chết cụ Kình đang đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng với nhà nước Việt Nam.

Luật nào cho phép tra tấn, giết người ?

Thứ trưởng Lương Tam Quang trả lời báo chí đã đưa ra những luận điểm quy chụp người dân Đồng Tâm có âm mưu chống phá nên công an phải đem lực lượng ra chốt chặn đề phòng… ông Quang đã có cách giải thích rất khó hiểu về pháp lý ""Hoàn toàn không có chuyện lực lượng công an vào tiến hành bắt giữ các đối tượng này. Chúng tôi bắt giữ phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật. Phải có lệnh của Viện Kiểm sát nhân dân, phải có sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân. Phải khẳng định như vậy. Hiện nay chưa có bất cứ lệnh nào để thực hiện, mà chúng ta phải thực hiện theo trình tự. Đây là bố trí các tổ công tác để đảm bảo an toàn nhất các tình huống có thể xảy ra".

Trình tự bắt, tra tấn người già man rợ đến mức đầu gối gảy lìa, bắn ở cự ly gần vào ngực vào đầu mà công an cộng sản đã thực hiện đó gọi là gì, theo luật An ninh quốc gia nào ? Giáo sư Tương Lai, Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam khẳng định "chẳng chính quyền nào làm thế'

Ngày 22/01, các ông Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đại biểu Quốc hội Khóa VI, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên ; Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Công Giàu, Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn 1975, nguyên Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng Hàng không Pacific Airlines, Giám đốc Công ty Savimex và Giáo sư Tương Lai đã có thư ngõ chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng Việt Nam về việc ai phải chịu trách nhiệm về những hành vi này.

Thư ngỏ cũng yêu cầu những người lãnh đạo tối cao phải trả lời trong thời gian sớm nhất nếu không họ sẽ chuyển thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Ngày 21/01/2020, một nhóm tri thức gồm Nguyễn Nguyên Bình, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Thanh Vân, Nguyễn Đăng Quang, Trương Văn Dũng, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Huỳnh Ngọc Chênh đã gởi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu khởi tố vụ án giết chết cụ Lê Đình Kình.

Mới đây nhất Nhà Văn Nguyên Ngọc, cũng có thư ngỏ đăng trên truyền thông tựa đề "tôi tố cáo" yêu cầu điều tra xét xử vụ án tàn ác "trời không dung, đất không tha" giết cụ Lê Đình Kình đêm 9/1 ở Đồng Tâm.

Một số nhà khoa học, chuyên gia của chính phủ đương quyền như Hà Hòang Hợp, đã kiến nghị cần có cuộc điều tra độc lập của Quốc hội để kết luận làm rõ cuộc thảm sát Đồng Tâm.

Những thư ngỏ, tố cáo, kiến nghị về vụ giết chết cụ Lê Đình Kình có lẽ là tâm nguyện của hàng chục triệu người dân Việt. Để hiện thực hóa mong muốn này chắc hẳn là quá trình đấu tranh kiên trì.

27 người bị bắt cần sớm có luật sư

Nhưng ngay trước mắt, Đồng Tâm đang đối diện với vụ án khác vụ án giết người, chống người thi hành công vụ…. mà công an đã khởi tố và bắt giam hàng chục người. Theo thống kê của người dân địa phương thì danh sách những người bị bắt bao gồm 27 người.

Trong đơn kêu cứu gởi Đại sứ quán Mỹ bà Dư Thị Thành vợ ông Lê Đình Kình đã viết "Riêng con trai thứ hai của tôi là Lê Đình Chức từ ngày 9/1/2020 tôi không nhìn thấy trên đồn công an và đến nay bên công an họ còn chưa cho chúng tôi biết gì về con tôi tất cả. Có người nói nó đã bị bắn chết rồi.

- Đến nay vụ việc công an tấn công vào nhà tôi đã xảy ra được gần 1 tháng, nhưng gia đình tôi và các gia đình khác trong xã Đồng Tâm vẫn chưa có thông tin gì về những người bị bắt hôm 9/1. không biết hiện giờ ai sống, ai chết cả.

Chúng tôi khẩn cầu tất cả mọi người, tất cả các Đại sứ quán hãy cứu những người con, những người cháu tôi đang bị giam cầm".

Đúng như lời bà Thành, bà và những người bị bắt đang rất cần sự hổ trợ pháp lý để ít nhiều được hưởng những quyền mà pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ như quyền im lặng, không bị bức cung nhục hình và cũng để góp phần giúp công lý sáng tỏ, giúp cho họ được hưởng bản án đúng người đúng tội chứ không bị gán ghép úp chụp với bản án bỏ túi được xây dựng sẵn theo kịch bản nào đó.

Trong bối cảnh nền pháp luật mà "công lý chi là một thằng hề" ở Việt Nam, nhất là trong sự kiện thảm khốc như Đồng Tâm, khúc dạo đầu từ cách bắt người trấn áp kinh hoàng cho thấy việc hổ trợ pháp lý cho các người bị bắt không dễ dàng.

Ngay trong sự kiện này, Luật sư Ngô Anh Tuấn là người theo dõi xuyên suốt vụ tranh chấp đất ở Đồng Tâm từ nhiều năm qua đã đến Đồng Tâm từ ngày 9/1 nhưng bị ngăn cản không được vào Đồng Tâm. Người thân Lê Đình Quang, cháu cụ Kình bị bắt trong ngày 9/1 đã nhờ Luật sư Ngô Anh Tuấn bào chữa cho Quang nhưng cán bộ điều tra trả lòi rằng Lê Đình Quang đã từ chối luật sư.

Thủ thuật bị can từ chối luật sư của gia đình nhờ bào chữa rất quen thuộc trong nhiều vụ án oan. Cụ thể, trong vụ oan án Bưu Điện Cầu Voi (đã đươc Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm) tử tù Hồ Duy Hải còn nắn nót viết văn bản từ chối luật sư của gia đình, chỉ đồng ý chấp nhận luật sư chỉ định.

Không nên thêm lửa đáy nồi !

Trong bối cảnh hiện nay, các luật sư Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện chức năng, bảo vệ công lý. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh vì bảo vệ quyền độc lập của luật sư đã bị khai trừ đảng, bị phế truất chức vụ. Luật sư Võ Anh Đôn, chuyên bảo vệ cho người nghèo, án oan đã bị rút giấy phép hành nghề. Gần đây nhất là Luật sư Trần Vũ Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, người bào chữa cho nhà báo Trương Duy Nhất, tham gia tư vấn cho người dân Vườn Rau Lộc Hưng đã bị khởi tố về hành vi trốn thuế rất vu vơ. Chính vì thế, việc tham gia làm sáng tỏ công lý trong vụ Đồng Tâm của các luật sư sẽ rất khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Nhưng tin rằng vì lương tâm chức nghiệp, sẽ có không ít luật sư sẵn sàng tham gia.

Vấn đề là dư luận xã hội, những tổ chức nhân quyền quốc tế cần theo dõi sát sao, hổ trợ thêm sức mạnh tinh thần để các luật sư thực hiện thiên chức của mình.

Thân nhân những người bị bắt ở Đồng Tâm, cần tin vào công lý, vào lẽ phải và biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ cho người thân của mình là thực hiện đúng quyền mà pháp luật cho phép, mời và đấu tranh để các luật sư bào chữa cho người thân.

Với nhà nước Việt Nam, Đồng Tâm đang là vết đen về pháp lý, đạo lý, mà lòng dân cả nước và cả thế giới đang nhìn vào, chỉ có thể tẩy xóa bằng nền pháp lý minh bạch, công bằng, trung thực. Vì vậy, các cơ quan tố tụng, cần tiến hành tiến trình điều tra, truy tố, xét xử công bằng minh bạch. Cần bảo đảm sự tham gia của luật sư càng sớm càng tốt, không nên dùng thủ thuật bị can từ chối luật sư hay điều tra viên bận việc để đơn phương ghi chép lời khai, hoàn thành kết luận điều tra.

Không chỉ về hình sự mà các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế chung quanh vụ thảm sát Đồng Tâm cũng cần đươc Tòa án xem xét phán quyết minh định và cũng cần có vai trò luật sư hổ trợ pháp lý cho người dân. 59 ha đất đồng Sênh là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng phải đươc phán quyết bằng bản án có cơ sở pháp lý và chứng cứ rõ ràng chứ không thể bằng kết luận một chiều của Thanh tra chính phủ.

Số tiền phúng điếu hơn 500 triệu đồng, Ngân hàng Vietcombank có quyền phong tỏa hay không cũng cần đươc minh thị bằng một bản án hợp pháp để bảo đảm niềm tin của khách hàng, đối tác trong những giao dịch khác.

Các cơ quan ngoại giao và nhất là Nghị viện EU đối tác trực tiếp với nhà nước Việt Nam có quan hệ ràng buộc nhân quyền cần xem xét việc bảo đảm quyền hổ trợ pháp lý cho người dân Đồng Tâm như là chỉ số trực tiếp chứng minh cho mức độ cải thiện nhân quyền của Việt Nam.

Muốn dập tắt dịch bệnh phải có vắc xin, có thuốc điều trị cho người dân. Đồng Tâm là một vết thương pháp lý, đạo lý của người dân nên cần sự hổ trợ pháp lý không kém vắc xin chống dịch. Nếu không xử lý minh bạch sáng tỏ, sự rạn nứt, đỗ vỡ niềm tin sẽ không chỉ diễn ra với người dân mà với cả một số có lương tri ngay trong chính 3000 cán bộ công an tham chiến và cả trong hơn ba triệu đảng viên cộng sản.

Quyền lực đang trong tay đảng và nhà nước Việt Nam, họ hoàn toàn có quyền che lấp tội ác này bằng tội ác khác. Trùm thêm oan án này lên oan án khác. Đó là cách thêm củi vào đáy nồi đang quá lửa

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 08/02/2020 (Gió Bấc's blog)

Published in Diễn đàn

Là một trong những người có mặt trong bộ phim tài liệu nhiều tập "The Vietnam War" về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Ken Burns, nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên là một sĩ quan trong quân đội miền Bắc, cho rằng Việt Nam cũng nên làm như Mỹ, tức là phải nhìn lại quá khứ, xét lại một cuộc chiến tranh mà theo ông đã dần dần trở thành một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn do khác biệt ý thức hệ.

RFI : Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, khi xem lại toàn bộ phim "The Vietnam War", ông có những nhận xét như thế nào về cách thực hiện bộ phim này ?

Nguyên Ngọc : Theo tôi, đây là một phim lớn và rất quan trọng về chiến tranh Việt Nam. Trước đây đã có nhiều phim về chiến tranh Việt Nam, kể cả hư cấu và phim tài liệu, nhưng đây là phim lớn nhất, dài đến 10 tập và 18 giờ. Đáng nói hơn nữa, đây là một phim rất quan trọng. Sau hơn 40 năm, phim này cho thấy nước Mỹ vẫn chưa ra khỏi cái ảm ảnh của cuộc chiến tranh đó.

Khi nói rằng nước Mỹ chưa ra khỏi chiến tranh Việt Nam, nhiều người, kể cả tôi, đã nghĩ rằng đó là một điểm yếu của nước Mỹ. Nhưng xem phim này thì tôi thấy hóa ra đó là cái mạnh của nước Mỹ. Đấy là một quốc gia luôn luôn nhìn trở lại và đặt câu hỏi về quá khứ, về cuộc chiến tranh của mình, về những gì mình đã làm trong suốt cuộc chiến tranh đó. Sức mạnh của nước Mỹ chính là luôn luôn biết tự đặt câu hỏi về quá khứ của mình.

RFI : Thưa nhà văn Nguyên Ngọc, cho tới nay, về phía Việt Nam, chiến tranh Việt Nam vẫn được mô tả như là chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Nhưng nay nhìn lại thì ông có thấy cần đặt lại vấn đề về định nghĩa cuộc chiến tranh này hay không ?

Nguyên Ngọc : Chính là tôi muốn nói về điều đó. Phim này gợi ý rất nhiều điều cho chúng ta. Vì sao mình làm cuộc chiến tranh đó, mình đã làm nó như thế nào, nó để lại những gì cho mình ? Những điều đó không được đặt mạnh, đặt một cách đầy đủ.

Đã hơn 40 năm rồi, khi mà nói về chiến tranh này, bởi vì Việt Nam là người thắng cuộc, nên người ta thường nói theo chiều hướng khẳng định và ca ngợi nó. Còn cuộc chiến tranh đó đem lại những gì cho đất nước này, kể cả mặt tốt và mặt tàn phá của nó, tàn phá cả về vật chất lẫn tinh thần, thì chưa bao giờ được đặt ra một cách nghiêm túc.

Riêng tôi là một người làm nghệ thuật, tôi ao ước Việt Nam có thể có một bộ phim tài liệu theo kiểu như vậy. Giá như Việt Nam cũng tự hỏi mình như thế. Theo tôi đó là điều cần thiết.

RFI : Thưa ông Nguyên Ngọc, một trong những điều cần phải được đặt lại đó thiệt hại quá lớn về nhân mạng về phía Việt Nam để đổi lấy chiến thắng đó ? Có nên đặt lại vấn đề là lẽ ra chúng ta có thể chọn cách khác để đạt được mục tiêu thống nhất và hòa bình mà không cần phải đổ máu nhiều như vậy ?

Nguyên Ngọc : Để trả lời câu hỏi đó thì tôi xin nói vì sao tôi đã đến với phim này. Người rủ tôi đến với phim này là một người bạn Mỹ Thomas Vallely. Tôi với Vallely có một cái duyên rất kỳ lạ : Hồi sau Mậu Thân, khoảng 1970-1971, tôi hoạt động ở vùng bắc Quảng Nam, trên bờ sông Thu Bồn. Thời kỳ đó vô cùng ác liệt và cả bờ sông đều trắng hết, không còn màu xanh trên mặt đất. Bãi sông Thu Bồn trước đây là một bãi dâu xanh ngắt, thì bây giờ trên đó có mọc lên một loại cây rất lạ, gọi là cây bói, giống như lau sậy. Chúng tôi đào hầm bí mật trong những bãi bói đó.

Sau này, Vallely mới kể rằng chính ông là thủy quân lục chiến đã hoạt động ngay tại khu vực đó. Hàng ngày ông vẫn bắn vào bãi bói vì nghi chúng tôi núp trong bãi bói đó. Có hôm chúng tôi cũng bắn lại. Có lần tôi nói với Vellely rằng : "May là ông bắn cũng xoàng và tôi thì cũng bắn xoàng !".

Chúng tôi gặp lại nhau và trở nên thân thiết với nhau là vì hai điều. Thứ nhất là chúng tôi gặp nhau trong giáo dục : Vallely là người đã giúp rất nhiều cho giáo dục Việt Nam. Thứ hai là chúng tôi đều hết sức ngưỡng mộ Phan Châu Trinh. Tôi nhắc đến chuyện đó để mà nói như thế này : Phan Châu Trinh đã từng nghĩ đến một con đường khác, mà nếu làm được thì chúng ta đã có thể đạt những điều mà chúng ta tha thiết mong muốn và có thể tránh được hai cuộc chiến tranh bi thảm và tàn phá ghê gớm như thế. Vallely cũng rất ngưỡng mộ Phan Châu Trinh trong ý tưởng đó. Cho nên chính ông đã rủ tôi đến nhóm làm phim của Ken Burns và Lynn Novick.

RFI : Phim nói về nhiều giai đoạn của cuộc chiến, trong đó có một sự kiện mà cho tới nay ở Việt Nam không ai nói đến, đó là vụ thảm sát ở Huế 1968, mà bản thân ông có nhắc đến trong phim. Theo ông biết thì vì sao lại có vụ đó ?

Nguyên Ngọc : Trong chiến dịch Mậu Thân 1968 thì Huế là thành phố mà đánh vào được và chiếm lâu nhất. Do chiếm lâu nhất và tưởng là giải phóng hẳn rồi và đã lập chính quyền, cho nên các cơ sở bí mật trong thành phố đều xuất hiện hết, bộc lộ ra hết.

Sau đó, lực lượng chiếm thành phố bị đối phương vây trở lại và phải mở đường máu mà ra. Trước đó, khi vào chiếm Huế, người ta đã bắt những người bị cho là cộng tác với Mỹ, với chính quyền miền Nam. Trong số đó có thể có những người đúng là có làm cho Mỹ và chính quyền miền Nam, và cũng có thể có những người phạm những tội ác với những cơ cơ sở hoặc là những người theo cách mạng ở Huế. Nhưng cũng có thể có những người bị bắt nhầm và thậm chí cũng có thể có những người bị bắt chỉ vì thù hằn riêng tư.

Cho đến khi bí quá, rút ra không được, nếu thả những người này ra thì tất cả những cơ sở bí mật được chuẩn bị bao nhiêu năm, bây giờ bộc lộ ra hết, nếu thả những người bị bắt ra thì họ sẽ chỉ điểm số người hoạt động bí mật.

Trong tình thế như vậy, người ta đã có chủ trương giết những người đó. Tôi không trực tiếp ở đấy và cũng không biết cái lệnh đó là từ ai. Nhưng trong phim tôi có nói, đấy là một vết nhơ, một vết đen trong cuộc chiến tranh, về phía Việt Nam.

Trong phim không chỉ có chuyện đó, mà còn có những vụ như những vụ thanh trừng từ sau Cách mạng tháng Tám. Theo tôi, phim đã nói chính xác, nói đúng, nói khách quan, công bằng về những điều đó, kể cả về phía Việt Nam, kể cả phía Mỹ và phía chính quyền miền Nam. Đấy cũng là một cái quý của phim này và điều đó làm chúng tôi phải nghĩ lại. Chúng tôi đã đi một con đường như thế nào mà để dẫn đến những hành động như thế, những vết đen như thế.

RFI : Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu, Việt Nam và Mỹ đã hòa giải với nhau, vì sao giữa người Việt Nam vẫn chưa có hòa giải ?

Nguyên Ngọc : Trong phim, Bảo Ninh có nói một ý, mà theo tôi ở Việt Nam bây giờ người ta cũng nghĩ như vậy. Cuộc chiến tranh Pháp rồi chiến tranh Mỹ vừa có tính chất chống xâm lược, vừa có tính chất giải phóng dân tộc, nhưng cũng có tính chất nội chiến. Và càng về sau thì tính chất nội chiến càng sâu đậm hơn. Một cuộc tàn sát nhau, huynh đệ tương tàn vì ý thức hệ. Đó là một sự thật. Bảo Ninh đã nói điều đó và ở Việt Nam bây giờ có người đã nói ra, có người chưa nói ra, nhưng ai cũng thấy điều đó.

Ông Lê Xuân Khoa gọi cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh mang tính chất ủy nhiệm, chiến tranh mang tính ý thức hệ. Chính cái đó nó đã phá nát xã hội Việt Nam. Trong phim, tôi có nói rằng cuộc chiến tranh này đã chia rẽ dân tộc một cách kinh khủng. Chưa bao giờ dân tộc Việt Nam bị chia rẽ như bây giờ. Cái tính chất ý thức hệ của cuộc chiến tranh làm cho xã hội Việt Nam bị xé nát, hậu quả đó đến bây giờ vẫn còn ?

RFI : Sự chia rẽ đó phải chăng một phần xuất phát từ thời gian sau 1975, khi miền Bắc chiến thắng miền Nam thì họ đã đưa nhiều quân nhân, công chức chế độ cũ đi học tập cải tạo, và đã có những chính sách, những hành động khiến cho rất nhiều người đã vượt biên, bỏ nước ra đi và nhiều người đã bỏ mạng ?

Nguyên Ngọc : Sự chia rẽ đó chính là hậu quả của tính chất nội chiến càng ngày càng đậm của cuộc chiến tranh. Lẽ ra là sau năm 75 anh phải hiểu ra điều đó để mà quay trở lại. Anh đã lỡ đi qua con đường đã chọn, con đường dẫn đến một cuộc nội chiến như thế. Nhưng sau năm 1975, không những anh đã không sửa chữa những điều đó, đã không tỉnh táo để chủ động hòa giải, mà một loạt những chính sách đã khiến sự chia rẽ thêm sâu sắc, làm cho tình hình thêm tệ hại.

Thanh Phương thực hiện

Nguồn : RFI tiếng Việt, 25/09/2017

Published in Diễn đàn