Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2020

Vụ Đồng Tâm là một tội ác !

Tuấn Khanh, Gió Bấc

"Vụ án Đồng Tâm là một tội ác trời không dung đất không tha"

Tuấn Khanh, RFA, 10/02/2020

Hơn 120 năm trước, trong một xã hội nước Pháp còn lắm nhiễu nhương, nhà văn Emile Zola (1840-1902) đã từng mượn tờ báo L’Aurore để viết lá thư ngỏ gửi tổng thống Félix Faure và cho cả toàn dân Pháp, nhằm tố cáo một sự cấu kết giữa tòa án và quân đội để kết tội tù chung thân đối với một sĩ quan là Alfred Dreyfus.

ngay1

Nhà văn Nguyên Ngọc : "Vụ án Đồng Tâm là một tội ác trời không dung đất không tha"

Lá thư đó, nằm ở trang nhất, có tiêu đề J’accuse ! (Tôi tố cáo !) đã dấy lên một làn sóng phẫn nộ trong dân chúng về tình trạng ghép đặt tội trạng tùy tiện, sự đồi bại của giới cầm quyền và công an, quân đội khi chà đạp lên luật pháp và con người. Ở vị trí là một nhà văn, chỉ có cây bút, Emile Zola đã ra mặt thách thức cả quân đội và ngành tư pháp, kêu gọi họ trả lại công lý cho người bị hại. J’accuse ! vào năm 1898 trở thành bài học công chính, danh dự và quyền tự do ngôn luận cho chỉ cho nước Pháp, mà nhiều quốc gia khác, trăm năm về sau.

Từ vụ án bất minh và bi thảm đối với ông Lê Đình Kình vào ngày 9/1/2020 tại Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc cũng mượn ý của Emile Zola, đưa ra lá thư của mình, có tên Tôi Tố Cáo, nhằm đánh động lại sự kiện, yêu cầu nhà cầm quyền phải có một thái độ đúng của một nhà nước, phải cho điều tra việc giết hại một công dân 84 tuổi ngay tại nhà của ông ta.

Lá thư của nhà văn Nguyên Ngọc được đưa ra vào ngày 4/2/2020, trong bối cảnh xã hội rối ren vì dịch bệnh, nhằm không để cho những kẻ giết người có thể tránh né được tòa án của nhân dân. Không những vậy, ông còn nhắn gửi "Là công dân Việt Nam, là nhà văn Việt Nam, tôi tố cáo tội ác trời không dung đất không tha này trước toàn dân Việt Nam và thế giới. Tôi thiết tha kêu gọi mọi bậc trí giả trong nước và trên thế giới cùng mọi người có lương tri lên án tội ác man dại này và ngăn chặn nó có thể tái diễn bất cứ ở đâu".

Trong cuộc trò chuyện kỷ niệm một tháng, ngày thảm nạn Đồng Tâm, nhà văn Nguyên Ngọc đã gửi chút tâm tình, giải thích về những lý do buộc ông phải viết lá thư này.

Trên đất nước này rõ ràng đã có một vụ án giết ông Lê Đình Kình. Một mặt người ta đang cố để mọi thứ chìm dần, một mặt thì lại vu cáo ông ấy là kẻ ác. Nhưng việc tấn công vào làng Đồng Tâm lại không hề có một căn cứ pháp lý nào cả. Báo chí nhà nước thì đồng loạt đặt tên ông Kình cầm đầu nhóm phiến loạn, nhóm khủng bố… nhưng lại không có một cơ quan pháp luật nào khẳng định điều đó. Điều đó cho thấy 3.000 cảnh sát cơ động không thể tổ chức tấn công và giết người từ những dư luận linh tinh, từ những tin đồn.

Đã vậy 3 lần giải thích của Bộ Công an đều cho thấy cuộc tấn công vào thôn Hoành không hề có lệnh của tòa án, viện kiểm sát hay công an… vậy thì phải chăng mục đích cuộc tấn công đó chỉ để nhằm giết người có chủ đích ? Kịch bản của cuộc tấn công cho thấy rõ : họ cô lập mọi gia đình chung quanh nhà ông Kình, dùng thuốc nổ phá cửa, tấn công bắt người và tra tấn, và giết.

Người ta tìm thấy một cái bao đầy quần áo đầy máu, mà chúng dùng để lau dọn phi tang vụ tra tấn. Sau đó chúng dùng súng bắn vào ông. Cái phát súng bắn vào tim đó – tôi là bộ đội, tôi biết rõ – vết thương cho thấy phát súng đó bắn gọn, bắn rất gần, kê thẳng vào ngực mà bắn. Vết đạn sắc gọn, không nở toét ra như bắn từ xa. Họ còn bắn thêm vào đầu, bắn vào chân.

Đó là lý do tôi nói rằng đã có một vụ án giết công dân.

Điều đáng nói là 3 lần thông báo của Bộ Công an, nhằm giải thích cho vụ thảm sát này, đều là nội dung bất nhất. Lần đầu họ nói đang xây tường ở đồng Sênh thì bị lực lượng của ông Kình tấn công nên đã xung đột, và ông Kình chết tại đồng Sênh. Lần thứ hai, họ nói là đi tuần vào làng thì bị tấn công, và ông Kình chết. Lần thứ ba thì đến ông tướng công an Lương Tam Quang, mới nói thật là ông Kình bị giết chết tại nhà. Tất cả những chuyện này, rõ là ám muội.

Đó là chưa nói vụ 3 người công an chết khi tấn công vào thôn Hoành, mà đến giờ này chỉ nghe đổ lỗi chứ không có một cuộc điều tra nào xừng đáng với cái chết của họ.

Theo tôi, không cần biết như thế nào, vì có một vụ án làm chấn động dư luận nên chính quyền phải mở một cuộc điều tra minh bạch và công khai về vụ án này.

Trước đây đã có nhiều lần các nhóm nhân sĩ trí thức lên tiếng, cùng ký thư… ông cũng đã có tham gia, vào vì sao, lần này lại là một mình ông ?

Tôi lấy danh nghĩa của một công dân, và là một nhà văn để lên tiếng, tương tự như Emile Zola với "J’accuse". Giữa tình hình truyền thông nhà nước đang đơm đặt và bẻ cong ý nghĩa về sự sát hại cụ Lê Đình Kình, tôi mong là lời tố cáo của tôi một lần nữa sẽ khuấy động được dư luận nhìn lại sự kiện này. Tôi cũng hy vọng giới nhân sĩ trí thức Việt Nam, với lương tâm của mình, cũng sẽ cùng hợp sức kêu gọi nhà nước phải mở một cuộc điều tra rõ ràng, độc lập và minh bạch trước tội ác này.

Sự kiện chấn động này khiến dư luận hoang mang. Người ta nói với nhau không hiểu vì sao một việc làm càn quấy ở cấp nhà nước lại có thể diễn ra như vậy. Liệu đây có là hành động sai lầm của riêng một cá nhân hay một nhóm người không ?

Có rất nhiều thứ để người dân suy đoán từ sự kiện này. Người ta bàn tán khắp nơi, rằng lệnh này của ông Trọng hay của ông Phúc, hay của ông Tô Lâm ? Có người nói ông Trọng không biết gì, bị đưa thông tin một chiều nên làm theo sự sắp xếp nào đó. Có người nói ông Phúc ba phải nên theo mà không đánh giá hết tình hình… Nhưng tôi không muốn bàn đến những chuyện như vậy. Mọi thứ lúc này cần là sự kiện đúng và rõ ràng từ nhà nước đưa ra cho người dân, chứ người dân thì không thể xác định chân dung nhà nước bằng những tin đồn.

Tôi chỉ xác nhận rằng trên đất nước này đã xảy ra một vụ án tàn bạo mà không có dựa trên bất kỳ chứng cứ pháp lý gì cả. Cần phải có điều tra, phải có tòa án. Tôi muốn gửi lời tố cáo của mình đến người dân Việt Nam và cả thế giới. Mọi thứ không thể đi qua và trở thành hợp lý từ tuyên truyền một chiều. Đất nước này cần phải có luật pháp.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 10/02/2020 (tuankhanh's blog)

**********************

Đồng Tâm : dân cần hổ trợ pháp lý như cần vắc xin chống dịch

Gió Bấc, RFA, 08/02/2020

Tròn một tháng sau đêm đàn áp đẫm máu ở Đồng Tâm, người dân Việt phẩn uất, nhiều nhân sĩ, trí thức tố cáo tội ác giết người, các tổ chức phi chính phủ trên thế giới lên tiếng cáo buộc, Đại sư Mỹ và EU lắng nghe người dân và chất vấn chính quyền... Nhưng sự thật ở Đồng Tâm vẫn còn là vùng tối với những câu hỏi không có lời đáp : Cuộc tấn công đột kích nửa đêm vào Đồng Tâm là theo lệnh của ai ? Ông Lê Đình Kình bị giết vì tội gì, theo trình tự pháp lý nào ? Để giảm thiều sự bất công ngang trái đó, để sự thật được khai quật, công lý đươc hé lộ, ngay từ bây giờ, người dân Đồng Tâm cần sự hổ trợ của cả nước và quốc tế về nhiều mặt trong đó, cần thiết nhất là hổ trợ về pháp lý.

giobac1

Hệ quả pháp lý của hành vi giết chết cụ Kình đang đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng với nhà nước Việt Nam.

Sự việc một đạo quân trên 3000 người trang bị cả xe bọc thép đang đêm tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, dùng lựu đạn cay, mìn nỏ phá tường xông vào nhà bắt tra tấn và bắn chết cụ Lê Đình Kình, một cụ già 84 tuổi, đang bị gãy chân phải ngồi xe lăn và bắt đi hàng chục người dân có cả người già, phụ nữ, trẻ em quả là hành động khó gọi tên. Hệ quả pháp lý của hành vi giết chết cụ Kình đang đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng với nhà nước Việt Nam.

Luật nào cho phép tra tấn, giết người ?

Thứ trưởng Lương Tam Quang trả lời báo chí đã đưa ra những luận điểm quy chụp người dân Đồng Tâm có âm mưu chống phá nên công an phải đem lực lượng ra chốt chặn đề phòng… ông Quang đã có cách giải thích rất khó hiểu về pháp lý ""Hoàn toàn không có chuyện lực lượng công an vào tiến hành bắt giữ các đối tượng này. Chúng tôi bắt giữ phải thực hiện theo yêu cầu của pháp luật. Phải có lệnh của Viện Kiểm sát nhân dân, phải có sự giám sát của Viện Kiểm sát nhân dân. Phải khẳng định như vậy. Hiện nay chưa có bất cứ lệnh nào để thực hiện, mà chúng ta phải thực hiện theo trình tự. Đây là bố trí các tổ công tác để đảm bảo an toàn nhất các tình huống có thể xảy ra".

Trình tự bắt, tra tấn người già man rợ đến mức đầu gối gảy lìa, bắn ở cự ly gần vào ngực vào đầu mà công an cộng sản đã thực hiện đó gọi là gì, theo luật An ninh quốc gia nào ? Giáo sư Tương Lai, Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam khẳng định "chẳng chính quyền nào làm thế'

Ngày 22/01, các ông Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đại biểu Quốc hội Khóa VI, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên ; Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Công Giàu, Tổng thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn 1975, nguyên Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng Hàng không Pacific Airlines, Giám đốc Công ty Savimex và Giáo sư Tương Lai đã có thư ngõ chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng Việt Nam về việc ai phải chịu trách nhiệm về những hành vi này.

Thư ngỏ cũng yêu cầu những người lãnh đạo tối cao phải trả lời trong thời gian sớm nhất nếu không họ sẽ chuyển thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Ngày 21/01/2020, một nhóm tri thức gồm Nguyễn Nguyên Bình, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thúy Hạnh, Trần Thanh Vân, Nguyễn Đăng Quang, Trương Văn Dũng, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Huỳnh Ngọc Chênh đã gởi đơn đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu khởi tố vụ án giết chết cụ Lê Đình Kình.

Mới đây nhất Nhà Văn Nguyên Ngọc, cũng có thư ngỏ đăng trên truyền thông tựa đề "tôi tố cáo" yêu cầu điều tra xét xử vụ án tàn ác "trời không dung, đất không tha" giết cụ Lê Đình Kình đêm 9/1 ở Đồng Tâm.

Một số nhà khoa học, chuyên gia của chính phủ đương quyền như Hà Hòang Hợp, đã kiến nghị cần có cuộc điều tra độc lập của Quốc hội để kết luận làm rõ cuộc thảm sát Đồng Tâm.

Những thư ngỏ, tố cáo, kiến nghị về vụ giết chết cụ Lê Đình Kình có lẽ là tâm nguyện của hàng chục triệu người dân Việt. Để hiện thực hóa mong muốn này chắc hẳn là quá trình đấu tranh kiên trì.

27 người bị bắt cần sớm có luật sư

Nhưng ngay trước mắt, Đồng Tâm đang đối diện với vụ án khác vụ án giết người, chống người thi hành công vụ…. mà công an đã khởi tố và bắt giam hàng chục người. Theo thống kê của người dân địa phương thì danh sách những người bị bắt bao gồm 27 người.

Trong đơn kêu cứu gởi Đại sứ quán Mỹ bà Dư Thị Thành vợ ông Lê Đình Kình đã viết "Riêng con trai thứ hai của tôi là Lê Đình Chức từ ngày 9/1/2020 tôi không nhìn thấy trên đồn công an và đến nay bên công an họ còn chưa cho chúng tôi biết gì về con tôi tất cả. Có người nói nó đã bị bắn chết rồi.

- Đến nay vụ việc công an tấn công vào nhà tôi đã xảy ra được gần 1 tháng, nhưng gia đình tôi và các gia đình khác trong xã Đồng Tâm vẫn chưa có thông tin gì về những người bị bắt hôm 9/1. không biết hiện giờ ai sống, ai chết cả.

Chúng tôi khẩn cầu tất cả mọi người, tất cả các Đại sứ quán hãy cứu những người con, những người cháu tôi đang bị giam cầm".

Đúng như lời bà Thành, bà và những người bị bắt đang rất cần sự hổ trợ pháp lý để ít nhiều được hưởng những quyền mà pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ như quyền im lặng, không bị bức cung nhục hình và cũng để góp phần giúp công lý sáng tỏ, giúp cho họ được hưởng bản án đúng người đúng tội chứ không bị gán ghép úp chụp với bản án bỏ túi được xây dựng sẵn theo kịch bản nào đó.

Trong bối cảnh nền pháp luật mà "công lý chi là một thằng hề" ở Việt Nam, nhất là trong sự kiện thảm khốc như Đồng Tâm, khúc dạo đầu từ cách bắt người trấn áp kinh hoàng cho thấy việc hổ trợ pháp lý cho các người bị bắt không dễ dàng.

Ngay trong sự kiện này, Luật sư Ngô Anh Tuấn là người theo dõi xuyên suốt vụ tranh chấp đất ở Đồng Tâm từ nhiều năm qua đã đến Đồng Tâm từ ngày 9/1 nhưng bị ngăn cản không được vào Đồng Tâm. Người thân Lê Đình Quang, cháu cụ Kình bị bắt trong ngày 9/1 đã nhờ Luật sư Ngô Anh Tuấn bào chữa cho Quang nhưng cán bộ điều tra trả lòi rằng Lê Đình Quang đã từ chối luật sư.

Thủ thuật bị can từ chối luật sư của gia đình nhờ bào chữa rất quen thuộc trong nhiều vụ án oan. Cụ thể, trong vụ oan án Bưu Điện Cầu Voi (đã đươc Viện Kiểm Sát Nhân Dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm) tử tù Hồ Duy Hải còn nắn nót viết văn bản từ chối luật sư của gia đình, chỉ đồng ý chấp nhận luật sư chỉ định.

Không nên thêm lửa đáy nồi !

Trong bối cảnh hiện nay, các luật sư Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn khi thực hiện chức năng, bảo vệ công lý. Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh vì bảo vệ quyền độc lập của luật sư đã bị khai trừ đảng, bị phế truất chức vụ. Luật sư Võ Anh Đôn, chuyên bảo vệ cho người nghèo, án oan đã bị rút giấy phép hành nghề. Gần đây nhất là Luật sư Trần Vũ Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, người bào chữa cho nhà báo Trương Duy Nhất, tham gia tư vấn cho người dân Vườn Rau Lộc Hưng đã bị khởi tố về hành vi trốn thuế rất vu vơ. Chính vì thế, việc tham gia làm sáng tỏ công lý trong vụ Đồng Tâm của các luật sư sẽ rất khó khăn, thậm chí là nguy hiểm. Nhưng tin rằng vì lương tâm chức nghiệp, sẽ có không ít luật sư sẵn sàng tham gia.

Vấn đề là dư luận xã hội, những tổ chức nhân quyền quốc tế cần theo dõi sát sao, hổ trợ thêm sức mạnh tinh thần để các luật sư thực hiện thiên chức của mình.

Thân nhân những người bị bắt ở Đồng Tâm, cần tin vào công lý, vào lẽ phải và biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ cho người thân của mình là thực hiện đúng quyền mà pháp luật cho phép, mời và đấu tranh để các luật sư bào chữa cho người thân.

Với nhà nước Việt Nam, Đồng Tâm đang là vết đen về pháp lý, đạo lý, mà lòng dân cả nước và cả thế giới đang nhìn vào, chỉ có thể tẩy xóa bằng nền pháp lý minh bạch, công bằng, trung thực. Vì vậy, các cơ quan tố tụng, cần tiến hành tiến trình điều tra, truy tố, xét xử công bằng minh bạch. Cần bảo đảm sự tham gia của luật sư càng sớm càng tốt, không nên dùng thủ thuật bị can từ chối luật sư hay điều tra viên bận việc để đơn phương ghi chép lời khai, hoàn thành kết luận điều tra.

Không chỉ về hình sự mà các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế chung quanh vụ thảm sát Đồng Tâm cũng cần đươc Tòa án xem xét phán quyết minh định và cũng cần có vai trò luật sư hổ trợ pháp lý cho người dân. 59 ha đất đồng Sênh là đất nông nghiệp hay đất quốc phòng phải đươc phán quyết bằng bản án có cơ sở pháp lý và chứng cứ rõ ràng chứ không thể bằng kết luận một chiều của Thanh tra chính phủ.

Số tiền phúng điếu hơn 500 triệu đồng, Ngân hàng Vietcombank có quyền phong tỏa hay không cũng cần đươc minh thị bằng một bản án hợp pháp để bảo đảm niềm tin của khách hàng, đối tác trong những giao dịch khác.

Các cơ quan ngoại giao và nhất là Nghị viện EU đối tác trực tiếp với nhà nước Việt Nam có quan hệ ràng buộc nhân quyền cần xem xét việc bảo đảm quyền hổ trợ pháp lý cho người dân Đồng Tâm như là chỉ số trực tiếp chứng minh cho mức độ cải thiện nhân quyền của Việt Nam.

Muốn dập tắt dịch bệnh phải có vắc xin, có thuốc điều trị cho người dân. Đồng Tâm là một vết thương pháp lý, đạo lý của người dân nên cần sự hổ trợ pháp lý không kém vắc xin chống dịch. Nếu không xử lý minh bạch sáng tỏ, sự rạn nứt, đỗ vỡ niềm tin sẽ không chỉ diễn ra với người dân mà với cả một số có lương tri ngay trong chính 3000 cán bộ công an tham chiến và cả trong hơn ba triệu đảng viên cộng sản.

Quyền lực đang trong tay đảng và nhà nước Việt Nam, họ hoàn toàn có quyền che lấp tội ác này bằng tội ác khác. Trùm thêm oan án này lên oan án khác. Đó là cách thêm củi vào đáy nồi đang quá lửa

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 08/02/2020 (Gió Bấc's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tuấn Khanh, Gió Bấc
Read 649 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)