Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2020

Đi qua mùa dịch bệnh

Nguyễn Lân Thắng

Thế giới khi xưa từng trải qua những nạn đại dịch khủng khiếp. Đó là đại dịch Cái chết đen (dịch hạch) thế kỷ thứ 13 làm chết 1/3 dân số Châu Âu. Đó là đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 làm chết 40 triệu người...

Ngày nay, trong thế giới hiện đại, chúng ta phải chứng kiến nhiều đợt bệnh dịch kinh khủng khác như Ebola ở Châu Phi, HIV ở Nam Phi, dịch Sars ở Châu Á... và nay là Corona Virus ở Trung Quốc.

Đối diện với dịch bệnh, chúng ta đều biết có những biện pháp phòng tránh đặc thù cho mỗi loại bệnh để ngăn ngừa lây lan. Nhưng trong cơn hoảng loạn tìm cách chống dịch, tôi thấy nhiều người chúng ta đã bỏ quên mất một thứ vũ khí lợi hại có sẵn trong mỗi con người. Ấy là hệ miễn dịch.

he1 - Copie

Hệ miễn dịch là cơ chế phòng vệ có thể có trong mọi sinh vật. 

Hệ miễn dịch là cơ chế phòng vệ có thể có trong mọi sinh vật. Càng động vật bậc cao thì hệ miễn dịch càng phát triển. Chúng ta có thể thấy sự kỳ diệu của hệ miễn dịch rất nhiều trong tự nhiên. Ví dụ như khi những con trai sống ở dưới nước bị những hạt cát sắc lẹm lọt vào cơ thể, chúng tự động tiết ra các chất sừng bám lấy dị thể, làm nên những viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp. Những con sói, con báo trong rừng sâu khi chiến đấu để kiếm ăn có thể bị thương. Khi đó chúng liếm vết thương cho nhau và rồi những vết thương đó tự lành theo thời gian mà không hề bị nhiễm trùng.

Trải qua một triệu năm tiến hóa, con người chúng ta cũng hình thành hệ miễn dịch vô cùng mạnh mẽ. Những bệnh dịch tràn lan đã từng tấn công xã hội loài người từ rất lâu rồi. Lúc ấy đã làm gì có thuốc men hay bác sĩ như bây giờ. Vì thế không phải ai cũng bị đánh gục bởi bệnh tật, và những người sống sót đến thế hệ sau ngày nay thực ra là hậu duệ của những nhà vô địch.

Rất tiếc, khi xã hội loài người càng phát triển, những hiểu biết khoa học đã trao cho loài người quá nhiều phương tiện để chống lại bệnh tật. Con người ngày càng trở nên phụ thuộc vào nhiều loại thuốc và các phương tiện y tế. Dần dần trong chúng ta tự đánh mất đi bản năng sinh tồn cùng hệ miễn dịch kỳ diệu mà tạo hoá đã ban tặng.

Càng phụ thuộc vào thuốc men, hệ miễn dịch của con người càng yếu đi. Hãy xem trường hợp những đứa trẻ ở nông thôn hay ở vùng cao so với nơi thành thị. Chẳng có quần áo ấm, chẳng có thuốc men hay y tế đầy đủ, nhưng những đứa trẻ nông thôn bao giờ cũng mạnh khoẻ hơn những đứa ở thành thị rất nhiều. Ấy là do môi trường không bị ô nhiễm, cuộc sống không bị căng thẳng, thức ăn sạch từ rừng núi cộng với việc được tự do chạy nhảy vận động. Những đứa trẻ này lớn lên tự nhiên như cây như cỏ, và phát triển một hệ miễn dịch tuyệt vời trong cơ thể chúng để chống chọi với bệnh tật.

Hệ miễn dịch không tự nhiên mà hành động. Nó được điều khiển bởi não và hệ thần kinh phân bố khắp cơ thể. Khi những thông tin từ các giác quan báo về não, não sẽ khởi động hệ miễn dịch tự động chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể. Khi chúng ta bị sốt, cơ thể nóng lên, mồ hôi vã ra... đấy là những biểu hiện bề ngoài mà ta có thể nhận biết quá trình này. Nhưng quá trình hoạt động tinh vi bên trong của hệ miễn dịch thì ý thức của chúng ta không thể nhận thức, bởi vì hoạt động đó được điều hành bởi phần vô thức trong não. Nó cũng giống như khi não điều khiển mọi hoạt động khác của cơ thể ở tim, phổi, dạ dày, tuyến mồ hôi... quá trình đó hoàn toàn tự động kể cả khi chúng ta ngủ sâu không còn ý thức gì nữa.

Có một hiện tượng mà y khoa hiện đại từ lâu vẫn tranh cãi nhau, ấy là giả dược. Giả dược (placebo efect) là một hiệu ứng xuất hiện lần đầu tiên trong từ điển y khoa vào năm 1785. Từ Placebo ban đầu để chỉ những chiêu trò chữa bệnh lạ của phường lang băm. Đại thể, giả dược là cách kê đơn chữa bệnh bằng những viên con nhộng chứa đường hoặc bột mì gì đó. Các viên con nhộng này hoàn toàn không chứa gì chất hoá học có tác dụng y tế. Thế nhưng thực tế từ xa xưa rất nhiều trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh đã được ghi nhận, dù họ chỉ được kê cho uống mấy thứ vớ vẩn này. 

Nhiều chuyên gia y khoa thì cho rằng đây là liệu pháp tâm lý cổ xưa, có trong những lễ hội hay lễ cúng bái thần bí. Liệu pháp này đã tác động vào vô thức trong tâm trí con người, và làm phần vô thức trong não khởi động hệ miễn dịch cũng như những nguồn lực khác để chống lại bệnh tật.

Sự tranh cãi về giả dược diễn ra trong hàng trăm năm. Nhưng nhiều bác sĩ và những người biết về nó đã thử nghiệm và nhận được kết quả lâm sàng rất khả quan. Có một điều người ta đo được là, trong máu của những bệnh nhân tin tưởng vào giả dược và khỏi bệnh luôn có lượng Endorphins cao hơn nhóm bệnh nhân khác. Endorphins là viết tắt từ endogenous morphine, nghĩa là "morphin nội sinh", ở người và các động vật khác. Chúng được sản xuất bởi hệ thần kinh trung ương và tuyến yên. Nó có tác dụng ức chế việc truyền tín hiệu đau và tạo sự hưng phấn trong trí não. Bạn có thể tìm hiểu sâu thêm về Endorphins trong các tài liệu y khoa.

Trong bối cảnh dịch bệnh virus Corona đang bùng phát, chưa có ngay những phương thuốc chữa trị hiệu quả, tôi muốn đưa đến bạn đọc những thông tin này để chúng ta cùng nhìn nhận vấn đề theo hướng tích cực hơn. Ngoài việc tuân thủ những chỉ dẫn y tế như đeo khẩu trang, rửa sạch tay thường xuyên, tránh nơi đông người, ăn uống đầy đủ chất... chúng ta không nên hoảng loạn mà hãy giữ cho mình một tâm trí khoẻ mạnh. Hãy tin tưởng rằng trong mỗi con người chúng ta luôn có đủ nguồn lực để vượt qua mọi thử thách. Hãy vận động, tập thể thao, và tiếp tục công việc của mình trong một tâm thế lành mạnh.

Mỗi người chúng ta vốn là một nhà vô địch, đã chiến thắng hàng triệu con tinh trùng khác để có mặt trên cuộc đời này. Bệnh tật hay những điều rủi ro khác chỉ là những thử thách, để chúng ta chứng minh một lần nữa phẩm chất của mình. Cái gì không đánh bại được ta sẽ làm cho ta càng mạnh mẽ hơn.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 10/02/2020 (nguyenlanthang's blog)

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Lân Thắng
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)