Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/02/2020

Nghị định mới về xử phạt người đưa tin giả có vi hiến ?

Cao Nguyên

Ngày 15/4/2020 sắp tới, nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ chính thức có hiệu lực.

vihien1

Hình minh họa. AFP

Nghị định này quy định rõ hơn về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội. Theo đó, ngoài các mức phạt trong các lĩnh vực như Bưu chính, Viễn thông, Tần số vô tuyến điện… thì có một nội dung khác đáng chú ý là quy định rõ mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi "tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã hội".

Nghị định mới có vi hiến ?

Điều 101 của nghị định mới quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi "lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân…"

Tuy nhiên, theo điều 25 Hiến pháp quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Như vậy, nghị định 15 vừa được ban hành có vi hiến hay không khi mà Hiến pháp nói rằng công dân có quyền tự do ngôn luận ?

Trả lời về vấn đề này qua email với đài RFA, luật gia Nguyệt Hà cho rằng không phải tất cả các khoản đều vi phạm tự do ngôn luận trong Hiến pháp nếu không đối chiếu vào từng trường hợp cụ thể :

"Ví dụ ở mục "chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân", nếu có vụ kiện dân sự xảy ra, có một ông A, bà B nào đó kiện một trang tin về việc đưa thông tin vu khống xuyên tạc, chứng minh được việc đưa thông tin là vu khống, xuyên tạc, thì lúc này nhà nước có thể là một bên thứ ba, xử phạt hành chính trang tin điện thử theo nghị định 15 này.

Thậm chí gần đây một số người bị xử phạt theo nghị định này liên quan đến dịch virus Corona. Bên công an chứng minh được là một cá nhân đưa tin giả khi đối chứng được, ví dụ nói là bệnh viện A có 30 ca bệnh nhiễm, trong khi bệnh Viện A nói không có ca nào, thì lúc này xử phạt vì tội đưa tin giả thì chẳng vi phạm tự do ngôn luận gì cả.

Tuy nhiên người bị phạt nếu tin rằng mình đưa tin đúng, bệnh viện đang che giấu thông tin, và người bị phạt có đủ bằng chứng chứng minh thì có thể kiện quyết định xử phạt hành chính.

Về cơ bản những quy định về xử phạt vu khống, xuyên tạc, tin giả chỉ có khả năng là vi phạm tự do ngôn luận trong những trường hợp bất chấp bằng chứng, xử phạt tùy tiện. Còn không thì tôi cho là nó bảo vệ sự lành mạnh của xã hội".

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều ngày 5/2/2020, Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết các cơ quan chức năng đã triệu tập hơn 170 người đưa thông tin liên quan đến dịch bệnh, xử phạt hành chính và buộc gỡ các thông tin sai, cam kết không tái phạm. Bộ Công an cũng cho biết đang theo dõi hơn 41 trường hợp khác để củng cố tài liệu và xử lý hình sự nếu đủ điều kiện.

Luật sư Phạm Công Út cho biết dù Hiến pháp có quy định "công dân có quyền tự do ngôn luận" nhưng lại "thòng" thêm một câu là "thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" :

"Các quy định tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do ngôn luận, và các quyền con người khác thì Hiến pháp có quy định nhưng mà những cái quyền đó chưa thành luật.

Ví dụ như luật biểu tình thì chưa có mà trong Hiến pháp lại ghi thòng thêm một câu là "các quyền đó sẽ được thực hiện theo các văn bản pháp luật", nhưng các văn bản pháp luật thì người ta cứ khất lần khất lựa không chịu ra. Cái nào bất lợi cho người dân thì người ta ra. Ví dụ như quyền tự do ngôn luận thì người ta ra những điều khoản bộ Luật Hình sự hay là các nghị định xử phạt liên quan đến quyền tự do ngôn luận".

Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội nêu quan điểm về nghị định 15 này, đặc biệt là điều khoản xử phạt tin giả không có gì là trái với Hiến pháp :

"Cái đó không có gì là trái với Hiến pháp cả bởi vì tung tin giả mạo cũng ảnh hưởng đến xã hội khi cũng cần phải ngăn chặn việc đó.

Người dân có thể đưa tin và trích dẫn nguồn tin, mình nghe được ở đâu hay có sự nghi ngờ gì đó, cũng không nên có khẳng định nếu cá nhân không đủ điều kiện để xác minh nguồn tin đó thật hay giả".

Còn nhiều điểm có thể là công cụ "đàn áp quyền Tự do ngôn luận"

Theo luật sư Phạm Công Út, đến ngày 15/4 thì nghị định mới này mới chính thức có hiệu lực. Vì vậy, trường hợp nào đã bị phạt từ 10 - 20 triệu theo nghị định 15 này là không đúng theo quy định của pháp luật. Người bị phạt có thể khởi kiện quyết định xử phạt đó :

"Một số địa phương đã xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng khi mà nghị định này chưa có hiệu lực pháp luật.

Nghị định này chưa có hiệu lực pháp luật mà đã phạt, nếu mà gặp phải luật sư hoặc là người hiểu biết pháp luật thì họ sẽ khởi kiện ngay quyết định xử phạt này bởi vì chưa có luật. Nó giống như gọi là cầm đèn chạy trước ô tô, khi mà có nghị định nhưng thời gian có hiệu lực thi hành chưa tới người ta đã vội vàng xử phạt như vậy rồi thì là không đúng với quy định của pháp luật".

Ngoài ra, luật sư Phạm Công Út còn chỉ ra nhiều điểm bất cập của nghị định mới này. Thứ nhất là biên độ của mức tiền phạt từ 10 lên 20 triệu đồng là rất lớn, như vậy sẽ tạo điều kiện cho cán bộ ra quyết định xử phạt theo cảm tính :

"Hành vi như thế nào gọi là đáng bị xử phạt nặng. Độ giãn từ 10 đến 20 triệu là rất lớn, cho phép vấn đề tùy nghi người ta có thể phạt ai đó là 20 triệu nếu như không ưa người đó".

Thứ hai là về đối tượng bị xử phạt. Theo luật sư Út thì có đến một triệu người nói về chuyện Corona nhưng không phải ai cũng bị mời làm việc. Chỉ có vài người bị xử phạt mang tính chất răn đe người khác mà thôi.

Hoặc như báo chí mà ông gọi là "chính thống" cũng thường đưa các thông tin không đúng sự thật. Nhưng sau đó nếu nội dung bài báo được xác định là sai thì họ cũng chỉ "nhẹ nhàng" rút bài khỏi trang web mà không bị ai xử phạt cả :

"Ví dụ như thông tin báo chí cũng chưa chắc là chính xác, nhưng sau đó bài báo đó bị rút khỏi trang báo mạng, nhưng mà người ta đã lan truyền ra. Như vậy thì người chia sẻ có vi phạm nghị định nào không ? !

Báo trong nước có những tờ báo dẫn dắt dư luận, trong lĩnh vực tư pháp thì thấy như vậy. Ví dụ một người nào đó sắp sửa bị xử thì họ đưa những hình ảnh, hành vi, những vấn đề mà tự họ đi góp nhặt thông tin rồi phán đoán luôn là người này giết người, cướp của… Đưa hình ảnh của người đó lên rồi dẫn dắt dư luận, tạo ra sự cuồng nộ của dư luận. Từ đó có một người nào đó bị oan nhưng mà dư luận vẫn hả hê khi người đó bị án phạt nặng, có thể lên đến mức tử hình. Nhưng khi người ta đã được minh oan rồi thì liệu các báo có xin lỗi hay không, có bồi thường cho những nạn nhân mà mình đưa hình ảnh, danh tính tên tuổi của người ta và những hành vi của người ta mà mình góp nhặt được hay không ?!"

Luật gia Nguyệt Hà cũng chỉ ra một điểm bất cập trong nghị định này mà Chính quyền có thể sử dụng nó làm công cụ để đàn áp quyền Tự do ngôn luận :

"Điều khoản "chủ động lưu trữ, truyền đưa nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước" thì đúng là Nhà nước can thiệp quá đáng, vi phạm tự do ngôn luận, cứ cái gì nghĩ là có hại thì cấm, mơ hồ, dễ dàng áp dụng tùy tiện, dễ là công cụ cho đàn áp tự do ngôn luận".

Nghị định 15/2020/NĐ-CP được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành vào ngày 3/2/2020, giữa lúc xã hội đang hoang mang về sự bùng phát bệnh dịch viêm phổi do virus Corona.

Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã có chỉ thị về việc kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin trên các trang mạng xã hội như Facebook. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông yêu cầu Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử trao đổi với Facebook và Google để ngăn chặn, gỡ bỏ các video clip, thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 10/02/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên
Read 587 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)