EVFTA 401-192-40
Diễm Thi, VNTB, 13/02/2020
401 phiếu thuận, 192 phiếu chống, 40 phiếu trắng.
EVFTA, hiệp định thương mại tự do được Nghị viện Liên Âu chính thức thông qua.
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng
Chúc mừng Việt Nam
Chúc mừng nhà nước Việt Nam và những người đã ủng hộ thông qua Hiệp định lần này. Đây là quả ngọt sau 10 năm, cả hai bên thương thảo, rà soát, chỉnh đổi các vấn đề để đi đến đồng thuận.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên Facebook cá nhân bày tỏ, Liên Âu phê chuẩn với số phiếu cao đã cho thấy : Thế lực muốn phá EVFTA trong Đảng cộng sản Việt Nam đã thất bại !
Tiến sĩ Quang A là người tin rằng, khi EVFTA được thông qua sẽ có những ràng buộc nhân quyền nhiều hơn, và EVFTA sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc.
Hiệp định được thông qua là điều được dự đoán trước, nhiều bài viết trên Việt Nam Thời Báo cũng đề cập đến các yếu tố giúp cho EVFTA đi đến ‘quả ngọt’, bất chấp những ‘trục trặc kỹ thuật’ về nhân quyền.
Thực tế, chính những Nghị sĩ Liên Âu phản đối EVFTA cũng đề cập chính xác yếu tố trợ giúp thông qua.
"Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị". – Nghị sĩ Heidi Hautala, Điều phối viên đảng Xanh/Liên Âu trong Ủy ban thương mại quốc tế tại Nghị viện Châu Âu nhận xét.
Không chỉ có lợi ích thương mại, mà cả vấn đề liên quan đến lợi ích hàng hải Biển Đông mà EU đang bắt đầu chú ý sát sâu hơn trong những năm gần đây, sau những trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm kiểm soát tuyến đường thương mại này.
EVFTA được thông qua tạo một điểm sáng về nhiều mặt, cả chính trị đối với một số chính trị gia, đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Về cả mặt ‘thoát phụ thuộc Trung Quốc’ như nhiều người kỳ vọng. Và cho thấy một nền kinh tế hội nhập hơn trong tương lai.
Nhân quyền về đâu ?
Bên cạnh 402 phiếu thuận, thì có 192 phiếu chống.
192 này, cùng với phản ứng của Đảng Xanh đã cho thấy một sự quan tâm rất lớn từ nhóm nghị sĩ Liên Âu đến với tình hình nhân quyền Việt Nam. Chưa kể hơn 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước lên tiếng về Hiệp định này vào ngày 4/2/2020, và cho tới ngày 11/2/2020 đã có tới 68 tổ chức phi chính phủ lên tiếng (theo AFP).
Với sự phản ứng nhân quyền lần này, nhà nước Việt Nam liệu có cẩn trọng (kiêng dè) hơn trong thực thi nhân quyền thực chất trong nước theo đúng các cam kết đề ra, không chỉ dừng ở các thỏa thuận trong EVFTA, mà bao gồm cả các công ước nhân quyền trước đó ?
Dù sao đi nữa, sự phản ứng lớn của nhóm tổ chức phi chính phủ trong tháng 2 lần này cho thấy, nếu các hội đoàn dân sự trong nước nghiêm túc hơn trong rà soát và phản ứng với các vấn đề nhân quyền trong nước, thì có thể sử dụng tốt quy định, ‘trong trường hợp vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể sẽ bị đình chỉ’.
Nghị sĩ Christophe Hansen của Luxembourg thuộc nhóm PPE (theo RFI tiếng Việt) giải tỏa những lo lắng về nhân quyền sau khi hoàn tất Hiệp định ngày 12/2, theo đó : Chúng ta có những điều khoản hạn chế áp dụng, có thể dựa vào đó để ngưng một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận. Và cũng có cơ chế để các tổ chức phi chính phủ tại chỗ có thể tham gia giám sát.
Nhưng ‘cơ chế’ nêu trên chỉ thành hiện thực nếu như bản thân các hội đoàn dân sự trong nước độc lập, tự chủ và thực sự trơn tru trong cùng nhau tương tác với phía Liên Âu trong tương lai. Còn ngược lại, đó chỉ là một chế tài rỗng.
Câu chuyện sẽ trở nên rắc rối hơn, liệu các tù nhân nằm trong mục ‘an ninh quốc gia’ có nằm trong phản ứng đối với Liên Âu ? Điều này chưa thực sự rõ ràng, có lẽ cần thêm một sự giải thích, làm rõ từ những người ủng hộ ‘phê chuẩn trước, nhân quyền sau’ với nhóm câu hỏi : chế tài nhân quyền trong EVFTA có giải quyết các tội trạng bị áp đặt bởi ‘an ninh quốc gia’. Và làm cách nào để thực thi chế tài đó ?
Đó là bài toán đặt ra cho những tổ chức dân sự trong nước, đặc biệt nhóm độc lập vốn vừa yếu về mặt nhân sự, vừa yếu khâu tổ chức, và còn kém trong tương tác nhân quyền thế giới.
Kết
Chúc mừng nhà nước Việt Nam, cũng là kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Nhưng để bền vững, thì cần phải nghiêm túc trong thực thi, thúc đẩy nhân quyền trong nước. Và một trong số đó phải giải quyết bài toán liên quan đến tội trạng pháp lý hình sự ‘an ninh quốc gia’, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình, và vấn đề minh bạch điều tra Đồng Tâm.
Và cần nhất, thời kỳ sắp đến nên sớm thiết lập cơ chế đối thoại với người bất đồng chính kiến, và thể hiện sự khoan dung hơn đối với nhóm người này trong xã hội.
Diễm Thi
Nguồn : VNTB, 13/02/2020
********************
EVFTA : Nghị viện EU thông qua, Việt Nam và doanh nghiệp Châu Âu mừng vui
BBC, 12/02/2020
Nghị viện Châu Âu ngày 12/2 chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là : 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng
EVFTA được EU gọi là "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển".
Nghị quyết của Nghị viện EU đi kèm EVFTA cũng được thông qua với tỉ lệ 416 ủng hộ, 187 chống, 44 trắng.
Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu, 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng.
Nghị quyết đi kèm Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được thông qua với tỉ lệ 406 ủng hộ, 184 chống, 58 trắng.
Nghị viện Châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền" trong tương lai.
Hồi tháng 2/2019, Nghị viện EU bỏ phiếu tương tự cho Hiệp định Tự do mậu dịch với Singapore, và kết quả là có 425 phiếu thuận, 186 chống và 41 vắng mặt.
Việt Nam là bạn hàng lớn thứ nhì của EU trong ASEAN, chỉ sau Singapore.
Trao đổi hàng hóa hai bên đạt 47,6 tỷ euro một năm, cộng thêm 3,6 tỷ giá trị dịch vụ.
Hiện EU có thâm hụt thương mại 27 tỷ euro trong trao đổi với Việt Nam, tính theo số liệu năm 2018.
Bước tiếp theo
Bây giờ, Hội đồng Châu Âu, theo thủ tục, sẽ thông qua thỏa thuận thương mại EVFTA.
Còn với hiệp định bảo hộ đầu tư, thì trước khi có hiệu lực, còn đòi hỏi quốc hội của từng quốc gia trong EU bỏ phiếu.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange, tuyên bố :
"Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước".
Ông Lange nói tiếp :
"Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề chúng ta không đồng ý với nhau, như vai trò của báo chí tự do hay quyền tự do chính trị (free press or political freedom).
Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động. Công việc của chúng tôi từ nay là là sao thỏa thuận này được đem vào thực hiện".
(Xem thêm nội dung thông cáo cáo chí của EU về EVFTA, bản tiếng Anh).
Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange
Tranh luận
Vào tháng Giêng, Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định này.
Phái đoàn Bộ Công thương Việt Nam do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu, hôm 28/1, đã dự một hội nghị tại Brussels.
Hội nghị này được tổ chức theo sáng kiến của Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu (INTA).
Nó nhằm thúc đẩy sự đồng thuận cao hơn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA khi hai Hiệp định này được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện Châu Âu.
EVFTA gồm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).
Trong khi đó, 28 nhóm dân sự trong và ngoài Việt Nam đang kêu gọi Nghị viện chây Âu hoãn bỏ phiếu vì lý do nhân quyền.
Human Rights Watch nói cuộc bỏ phiếu nên hoãn lại cho tới khi Việt Nam "đồng ý đáp ứng các tiêu chuẩn đo đếm được, cụ thể để bảo vệ quyền lao động và nhân quyền".
Nhưng Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), phát biểu :
"Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam.
"Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền".
Theo thông báo của phía EU, "Việt Nam cam kết sẽ phê chuẩn hai luật mà Nghị viện EU yêu cầu, một là luật xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), và hai là về tự do hội họp (freedom of association, 2023)".
Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA)
Những mốc thời gian chính của EVFTA
Tháng 10 năm 2010 : Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6 năm 2012 : Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12 năm 2015 : Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017 : Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9 năm 2017 : EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm :
- Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018 : Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) ; chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA ; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018 : Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17/10/2018 : Ủy ban Châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25/06/2019 : Hội đồng Châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.
Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Ô tô, xe máy Việt Nam, EU và tác động của EVFTA ?
EU hứa gì ?
EU cam kết loại bỏ thuế quan cho tất cả các sản phẩm ô tô, xe máy và phụ tùng ô tô, xe máy của Việt Nam nhập khẩu vào EU ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc theo lộ trình (dài nhất là 07 năm).
EU cam kết loại bỏ thuế cho Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với các dòng xe máy kéo, xe tải chuyên dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy từ 50cc250cc.
Thuế quan đối với xe bus, ô tô con, ô tô tải, xe máy dưới 50cc sẽ được cắt giảm dần đều và được loại bỏ hoàn toàn sau 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Đây là nhóm phải chịu lộ trình loại bỏ thuế dài nhất. Các nhóm khác như xe máy trên 250 cc hay phụ tùng linh kiện xe máy có lộ trình loại bỏ thuế lần lượt là 5 năm và 3 năm.
Việt Nam hứa gì ?
Trong EVFTA, Việt Nam cam kết loại bỏ phần lớn thuế quan đối với các mặt hàng ô tô, xe máy, linh phụ kiện EU theo lộ trình tương đối dài (10 năm hoặc 7 năm). Tuy nhiên, đối với một số ít các dòng thuế linh kiện, phụ kiện ô tô, Việt Nam bảo lưu không cam kết loại bỏ thuế.
Theo cam kết này, ngoại từ dòng xe tải trên 45 tấn mà hiện đã đang áp dụng mức thuế 0%, Việt Nam không loại bỏ bất kỳ dòng thuế nào thuộc nhóm ô tô, xe máy và linh phụ kiện ô tô, xe máy ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế đều là cắt giảm dần đều và chỉ loại bỏ sau 7-10 năm.
Ngay cả đối với phụ tùng linh kiện xe máy, loại sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao thì lộ trình này cũng là 7 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Riêng đối với các mặt hàng ô tô, xe máy và phụ tùng đã qua sử dụng thuộc các nhóm 8702, 8703, và 8704, Việt Nam không đưa ra cam kết nào, việc nhập khẩu và thuế nhập khẩu sẽ hoàn toàn thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo từng thời kỳ.
Với mức cam kết này, so với EU, Việt Nam có sự bảo hộ đáng kể đối với ngành ô tô, xe máy nội địa thông qua việc giữ hàng rào thuế quan với lộ trình loại bỏ dài. Mặc dù vậy, mức cam kết này cũng là rất lớn đối với Việt Nam (do Việt Nam hiện đang áp dụng mức thuế MFN rất cao).
Nguồn : Sổ tay EVFTA và ngành ô tô, xe máy Việt Nam (WTO Center, VCCI, 2017)
******************
EU thông qua EVFTA bất chấp cảnh báo của giới nhân quyền và xã hội dân sự
VOA, 12/02/2020
Nghị viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) hôm 12/2/2020, bất chấp cảnh báo của một số thành viên Quốc hội Châu Âu về mối đe dọa đối với việc làm ở EU và của các tổ chức bênh vực nhân quyền và xã hội dân sự về tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam. Các tổ chức bênh vực nhân quyền gần đây liên tục hối thúc EU hoãn lại tiến trình phê chuẩn EVFTA cho tới khi nào Hà nội cởi bỏ bớt những hạn chế đối với các quyền dân sự.
Hiệp định thương mại Tự do EU-VN (EVFTA) được Nghị viện Châu Âu thông qua hôm 12/2/2020.
Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) được phê chuẩn hôm thứ Tư 12/2 tại thành phố Strasbourg của nước Pháp, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 phiếu trắng.
EVFTA gồm hai hiệp định, Hiệp định Thương mại (EVFTA), và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA). Được miêu tả là một thỏa thuận thương mại "đầy tham vọng và hiện đại nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển", EVFTA bao gồm các quy định có tính ràng buộc về khí hậu, và sẽ dần dà tháo gỡ hàng rào thuế quan giữa hai bên trong 10 năm tới. Những người ủng hộ EVFTA nói rằng thỏa thuận này là "một công cụ giúp bảo vệ môi trường và duy trì các tiến bộ xã hội tại Việt Nam".
Mục tiêu nhắm đến của EVFTA là loại bỏ tất cả thuế quan đánh trên hàng hóa giữa hai bên, trong khi cổ vũ cho việc tôn trọng nhân quyền, quyền của người lao động và bảo vệ môi trường.
Để chiếm đa số phiếu trong Nghị viện EU gồm tất cả 705 ghế, lãnh đạo EU đã vận động để Hà nội đưa ra những cam kết cụ thể về các quyền của người lao động.
Nội dung chính của EVFTA
Việt Nam sẽ xóa bỏ 99% các thuế quan đánh trên hàng nhập khẩu từ EU trong thời gian 10 năm, và EU sẽ thực hiện cam kết tương tự trong 7 năm.
Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho giới đầu tư EU trong một số lĩnh vực như dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, vận tải và phân phối.
Qua EVFTA, Việt Nam cam kết thông qua hai dự luật, dự luật thứ nhất để bãi bỏ lao động cưỡng bức và dự luật còn lại cho phép tự do lập hội.
EVFTA có thêm một điều khoản theo đó thỏa thuận thương mại sẽ bị đình chỉ nếu có vi phạm nhân quyền.
Nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền không dấu thái độ hoài nghi về liệu EVFTA có ảnh hưởng tích cực tới tình hình nhân quyền đang tồi tệ ở Việt Nam hay không.
Deutsche Welle nhắc đến nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng – blogger thường xuyên đóng góp những bài viết trên trang Việt ngữ-VOA, nói rằng ông chỉ là 1 trong số 128 tù nhân chính trị vẫn đang mòn mỏi trong các nhà tù Việt Nam.
Giám Đốc Ban Đông Á của Tổ chức Human Rights Watch John Sifton đã từng cảnh báo rằng "Thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam một cách quá vội vã sẽ là một lỗi lầm nghiêm trọng".
Ông nói thông qua EVFTA là tưởng thưởng Việt Nam "vì đã không làm gì cả", và EVFTA "sẽ là một thông điệp vô cùng tiêu cực rằng những cam kết mà EU đã đưa ra, rằng sẽ dùng thương mại như một công cụ để cổ vũ cho nhân quyền trên toàn cầu, hoàn toàn không có giá trị".
Phản ứng
Trang mạng Vietnam Plus dẫn lời Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh nói :
"Đây là một tin rất tốt lành cho cả Việt Nam và liên minh Châu Âu (EU) cũng như cho cả toàn cầu hóa".
Ông nói thêm rằng cùng với vai trò Chủ tịch ASEAN, việc Hiệp định Thương mại tự do-EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư-EVIPA được thông qua, "sẽ giúp Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vị thế của mình trên trường quốc tế".
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng lên tiếng hoan nghênh việc thông qua EVFTA.
Nhóm nghị sĩ thiên tả của Nghị viện Châu Âu chỉ trích quyết định thông qua EVFTA, nói rằng thỏa thuận này không phù hợp với các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo Thỏa thuận Xanh Châu Âu, và làm ngơ các hành động vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có quyền của người lao động.
Nghị viên Emmanuel Maurel thuộc chính đảng La France Insoumise, nhận định :
"EU thông qua thỏa thuận thương mại với Việt Nam mà không bảo vệ công nhân EU. Thỏa thuận này cũng không bảo vệ giới lao động Việt Nam, các thành viên công đoàn, và những nhà bảo vệ nhân quyền".
Nguồn : VOA, 12/02/2020
*******************
Hiệp định EVFTA với Việt Nam gây chia rẽ sâu sắc Nghị Viện Châu Âu
Thụy My, RFI, 12/02/2020
Hôm 12/02/2020 tại Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu bỏ phiếu thông qua hiệp định tự do mậu dịch Việt Nam – EU (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư, sau tám năm đàm phán. Theo báo Le Soir, cuộc bỏ phiếu sẽ rất gay go, cuộc tranh luận hôm qua cho thấy Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ sâu sắc.
Ủy viên Thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom (trái), bộ trưởng Thương mại Romania Stefan Radu Oprea (giữa) và bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (phải) trong lễ ký hiệp định tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/06/2019 Tien TUAN / AFP
Hiệp định được nhiều nghị sĩ ủng hộ vì mở ra viễn cảnh lớn với thị trường Việt Nam 100 triệu người, tuy nhiên số khác chống đối vì tình hình nhân quyền và sự thiếu vắng một số tiêu chí xã hội, môi trường.
Đảng Xanh và nhóm cánh tả GUE vào đầu tuần đã yêu cầu hoãn lại cuộc bỏ phiếu nhưng không thành công (đề nghị này được 121 phiếu thuận, 231 phiếu chống, 12 vắng mặt).
Đặc phái viên của RFI tại Strasbourg, Juliette Gheerbrant gởi về bài tường trình :
Đó là một cơ hội tuyệt vời - nghị sĩ Christophe Hansen của Luxembourg thuộc nhóm PPE tỏ ra phấn khởi. Ông vui mừng trước việc dỡ bỏ toàn bộ thuế hải quan.
Ông Hansen nói : Hiện nay Việt Nam đánh thuế từ 20 đến 30% đối với sản phẩm nhập từ Châu Âu, làm cho sản phẩm của chúng ta ít tính cạnh tranh hơn so với những nước khác. Theo ông, đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên tình hình chính trị tại Việt Nam khiến một số nghị sĩ bất bình, chẳng hạn đại biểu Pháp Manon Aubry, thuộc nhóm Cánh tả Châu Âu thống nhất (GUE).
Bà Aubry cho biết : Việt Nam chưa phê chuẩn các công ước chủ chốt của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), như công ước về lao động cưỡng bức. Nhà nước cũng bắt giam một số nhà đối lập chính trị, hiện nay có 128 người đang bị tù.
Bên cạnh đó vẫn chưa có công đoàn độc lập, việc này được dời lại. Việt Nam còn bị Bruxelles cảnh báo thẻ vàng vì hoạt động đánh cá bất hợp pháp. Tuy nhiên theo nghị sĩ Christophe Hansen thì thỏa thuận tự do mậu dịch sẽ giúp cải thiện được tình hình vì đã có những điều khoản ngăn chận.
Ông Hansen giải thích : Chúng ta có những điều khoản hạn chế áp dụng, có thể dựa vào đó để ngưng một phần hoặc toàn bộ thỏa thuận. Và cũng có cơ chế để các tổ chức phi chính phủ tại chỗ có thể tham gia giám sát.
Các tổ chức phi chính phủ còn tố cáo nạn phá rừng và tình trạng cưỡng đoạt đất đai, rất xa vời so với mục tiêu sinh thái của Ủy Ban Châu Âu.
Chiều nay, với 401 phiếu thuận, 192 phiếu chống và 40 vắng mặt, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua Hiệp định tự do trao đổi mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam.
Thụy My
Nguồn : RFI, 12/02/2020
*********************
68 NGO kêu gọi Nghị Viện Châu Âu không phê chuẩn thỏa thuận thương mại với Việt Nam
Thùy Dương, RFI, 11/02/2020
68 tổ chức phi chính phủ hôm qua 10/02/2020 ra tuyên bố chung kêu gọi các nghị sĩ Châu Âu không phê chuẩn thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam (EVFTA), vì tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn "đáng lo ngại".
Ủy viên thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom, bộ trưởng Thương mại Romania Stefan Radu Oprea và bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong buổi lễ ký kết hiệp định EVFTA tại Hà Nội ngày 30/06/2019. Reuters
Theo lịch trình, hôm 11/02, Nghị Viện Châu Âu thảo luận Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Ngày mai, 12/02, trong phiên khoáng đại tại trụ sở Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu sẽ bỏ phiếu thông qua văn bản này.
Hiệp định tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam đã được ký tại Hà Nội hồi tháng 06/2020, theo đó 99% thuế quan đánh vào hàng hóa trao đổi giữa Liên Âu và Việt Nam sẽ được xóa bỏ.
AFP cho biết 68 tổ chức phi chính phủ, trong đó có Friends of Earth, Foodwatch, Attac, Emmaus International, trong tuyên bố chung, nhận định Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu - Việt Nam không đáp ứng được trước "các thách thức khẩn cấp mà hiện nay Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đang phải đối phó", chẳng hạn giảm bất bình đẳng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu … Cũng theo các tổ chức này, dưới chế độ độc đảng, không có đủ đảm bảo là chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng nhân quyền : "Việc trấn áp về chính trị và của công an đặc biệt nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, môi trường và tất cả những người chỉ trích chế độ".
Thực ra, văn bản hiệp định có nêu các quy định về điều kiện lao động, việc tôn trọng, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ. Nghị Viện Châu Âu cũng nhấn mạnh : "Trong trường hợp vi phạm nhân quyền, thỏa thuận thương mại có thể sẽ bị đình chỉ".
Liên Hiệp Châu Âu hy vọng Nghị định sẽ cho phép củng cố vị thế của Liên Âu tại thị trường Việt Nam, quốc gia có trên 95 triệu dân. Liên Âu là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu chủ yếu là linh kiện, thiết bị điện tử, hàng may mặc và thực phẩm. Giá trị trao đổi hàng hóa giữa Liên Âu và Việt Nam đạt gần 48 tỉ mỗi năm, thêm vào đó là 4 tỉ euro dịch vụ.
Đi kèm với Hiệp định tự do mậu dịch là thỏa thuận bảo hộ đầu tư. Văn này chỉ có hiệu lực sau khi được nghị viện của tất cả các thành viên Liên Hiệp Châu Âu phê chuẩn.
Ngày 04/02/2020, một lá thư ngỏ đã được 28 tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước ký tên và gửi đến các thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, kêu gọi hoãn ký Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu-Việt Nam cho đến khi chính quyền Việt Nam đáp ứng các đòi hỏi về nhân quyền.
Báo Bỉ La Libre cho biết, hôm qua, Nghị Viện Châu Âu đã bác bỏ đề nghị của hai nhóm nghị sĩ, đảng Xanh/ Liên minh Tự do Châu Âu (Verts/ALE) và Cánh tả Châu Âu Thống Nhất (GUE) muốn tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận.
Thùy Dương
Nguồn : RFI, 11/02/2020