Sau 40 năm là đảng viên cộng sản tôi mới nhận ra những sai lầm lịch sử, những tội ác chống lại nhân dân, chống lại đất nước Việt Nam của Đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản đang ngày càng dấn sâu vào con đường tội phạm của lịch sử, năm 2009, tôi đã từ bỏ đảng cộng sản. Người duy nhất tôi tham khảo ý kiến để đi đến quyết định đó là trí sáng Nguyễn Thanh Giang.
Trong tập sách dày dặn Đêm Dày Lấp Lánh, trí sáng Nguyễn Thanh Giang đã coi những người dấn thân đấu tranh cho dân chủ như những điểm sáng le lói, những tia sáng lấp lánh trong đêm dày tăm tối độc tài cộng sản và ông đã dành cho tôi rất nhiều tình cảm trìu mến, ưu ái, đồng cảm trong bài viết về tôi, Một Người Lính Biết Suy Tư, in trong tập sách.
Trí sáng Nguyễn Thanh Giang cùng với nhà chính trị người Việt sống ở Paris Nguyễn Gia Kiểng đã sáng lập ra tập san Tổ Quốc. Theo tôi, tập san Tổ Quốc là sản phẩm truyền thông hay nhất, có tầm chính trị và văn hóa cao nhất, đáng đọc nhất trong hệ thống truyền thông của những người đấu tranh cho dân chủ và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất ở Việt Nam. Ấn phẩm Tổ Quốc đã được người sáng lập, người giữ vai trò tổng biên tập Nguyễn Thanh Giang photocopy ngay tại nhà, đóng tập gửi đến nhiều người dân Việt đang đau đáu với vận nước, gửi đến nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng cộng sản. Tổ Quốc online đã được gửi theo địa chỉ email đến nhiều nơi trên cả nước.
Năm 2010 trí sáng Nguyễn Thanh Giang mời tôi tham gia ban biên tập Tổ Quốc nhưng tôi còn cần dành thời gian cho những việc gấp gáp của tôi nên không thể tham gia. Tổ Quốc ra đến số 95 thì chính một trong hai người khởi xướng ra Tổ Quốc và là linh hồn của Tổ Quốc cũng không thể cáng đáng chăm lo cho Tổ Quốc được nữa. Không thể để mất Tổ Quốc, cụ luật sư Trần Lâm ở tuổi gần 90 phải thay trí sáng Nguyễn Thanh Giang duy trì tập san. Cụ mời một nhà giáo về hưu làm công việc kĩ thuật. Cụ dốc tiền lương hưu tích lũy được của cụ ra mua máy vi tính, mua máy in trang bị cho người làm Tổ Quốc. Nhưng qui luật nghiệt ngã của tự nhiên đã loại cụ Trần Lâm ra khỏi cuộc đời và tập san Tổ Quốc sau đó cũng chấm dứt sứ mạng lịch sử.
Bận rộn với những hoạt động dân chủ, với những bài viết chính luận sắc sảo về những sự kiện thời sự, trí sáng Nguyễn Thanh Giang vẫn dành thời gian mải miết viết về những năm tháng sống sôi nổi và gian nan vươn tới ánh sáng tri thức và ánh sáng tự do dân chủ trong tập tự truyện Người Đội Số Phận. Về tri thức, Nguyễn Thanh Giang là tiến sĩ có uy tín khoa học cả trong giới khoa học địa vật lí trên thế giới. Về tư tưởng, Nguyễn Thanh Giang là một trong những tia sáng hiếm hoi đầu tiên xé tan màn đêm độc tài cộng sản ở Việt Nam.
Có mặt trong dòng chảy lịch sử của đất nước từ cuộc kháng chiến chống Pháp, cuôc đời trí sáng Nguyễn Thanh Giang dày dặn hơn tôi một cuộc chiến tranh, coi như hơn tôi một thế hệ nhưng viết xong chương nào của tập tự truyện Người Đội Số Phận, người hơn tôi một thế hệ, giàu có vốn sống hơn tôi một cuộc chiến tranh đều gửi email cho tôi đọc chương cuộc đời vừa viết xong của ông.
Những lần vào Sài Gòn, trí sáng Nguyễn Thanh Giang đều dành thời gian cả buổi, cả ngày gặp gỡ, chuyện trò với tôi và tôi đã dẫn ông đến thăm một nghệ sĩ thức tỉnh, một tia sáng lấp lánh mà ông đã viết trong Đêm Dày Lấp Lánh, nhạc sĩ Tô Hải đang nằm bệnh tại nhà ở chung cư Miếu Nổi. Những lần ngọn gió heo may xào xạc gọi tôi ra Hà Nội thì một địa chỉ của trái tim mà tôi không thể không đến là nhà số 6 khu tập thể Địa Vật Lý, đường Trung Văn, nơi trước ngôi nhà hai tầng lầu tĩnh mịch có hai cây cau vua vạm vỡ cao vút, nơi có một tia sáng lấp lánh bền bỉ, trí sáng Nguyễn Thanh Giang.
Một lần tôi và nhà báo, nhà văn Lê Phú Khải đến tiếp cận với nguồn sáng của tri thức và nguồn sáng của tự do dân chủ Nguyễn Thanh Giang. Khi ra về chúng tôi vừa bước từ ngõ khu tập thể ra đường Trung Văn thì đám công an cả sắc phục và thường phục xô đến áp giải chúng tôi vào trụ sở ủy ban nhân dân xã Trung Văn, thu giữ của chúng tôi mỗi người một tập sách Sứ Mệnh Công Dân mà người viết Nguyễn Thanh Giang vừa tặng chúng tôi, cật vấn chúng tôi cả buổi sáng, mãi chiều mới trả tự do cho chúng tôi.
Ngọn gió heo may 2019 gọi tôi về Hà Nội. Tôi lại tìm đến ngôi nhà hai tầng lầu tĩnh mịch có hai cây cau vua vạm vỡ. Nhưng hai cây cau vua không còn nữa. Ngôi nhà chơ vơ giữa trống trải và hoang vắng đến se thắt trong lòng. Bấm chuông rồi tôi phải đợi khá lâu, bà Truyết Mai, người bạn đời của trí sáng Nguyễn Thanh Giang mới chậm chạp ra mở cổng. Vẫn còn đây chếc ghế nệm Nguyễn Thanh Giang ngồi chuyện trò với tôi. Vần còn đây bộ bàn ăn có lần trí sáng Nguyễn Thanh Giang giữ tôi lại ăn cơm với ông và tôi vẫn nhớ vị trí chiếc ghế Nguyễn Thanh Giang ngồi rót bia mời tôi.
Lặng lẽ theo chân bà Tuyết Mai chậm chạp bước lên cầu thang đến trước bức ảnh trí sáng Nguyễn Thanh Giang trên bàn thờ, thắp hương vái ông, tôi nghe ngọn gió heo may bỗng nổi lên tê tái thổi rỗng cà lòng tôi.
Phạm Đình Trọng
(06/12/2019)
Lời tòa soạn : Nhân dịp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang qua đời chúng tôi đăng lại sau đây bài xã luận của số báo Tổ Quốc 242, số báo cuối cùng của bán nguyệt san Tổ Quốc sau mười năm phát hành, để tưởng nhớ Nguyễn Thanh Giang, sáng lập viên và tổng biên tập đầu tiên, đồng thời cũng để ghi nhận đóng góp của nhiều người dân chủ khác đã tiếp tay với ông trong một cố gắng khó khăn nhưng hiệu quả nhằm đem lại tự do và dân chủ cho đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa qua đời sáng ngày 28/07/2019, tại Hà Nội, thọ 83 tuổi.
----------------------
Tờ Tổ Quốc số 242 này là số báo cuối cùng đến với quý độc giả.
Đáng lẽ số báo trước, số 241 ra ngày 01/01/2017, đã là số báo cuối cùng. Nhưng vào phút chót anh tổng biên tập Sơn Dương lại lưỡng lự cho rằng không nên chấm dứt một công tác vào giữa ngày bắt đầu một năm mới và quyết định ra thêm một số nữa.
Thực ra quyết định đình bản bán nguyệt san Tổ Quốc đã có từ hơn một năm rồi. Chính Nguyễn Thanh Giang, người đầu tiên đề nghị với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phát hành bán nguyệt san Tổ Quốc, đã đưa ra đề nghị này từ tháng 9 năm ngoái và chúng tôi cũng đồng ý. Lý do hiển nhiên là tờ báo không còn lý do để tiếp tục nữa vì khối độc giả chính mà nó nhắm phục vụ không còn. Chúng tôi đồng ý nhưng cũng quyết định tiếp tục thêm một năm nữa để tờ báo được đủ mười năm và cũng để chiều ý một số độc giả kỳ cựu cuối cùng.
Tổ Quốc ra đời để nhắm động viên một thành phần rất đặc biệt : những cán bộ và đảng viên cộng sản cao cấp đã nghỉ hưu. Nhận định của chúng tôi là các vị này vừa có tiếng nói rất có trọng lượng đối với các đảng viên cộng sản vừa ít có vấn đề an ninh. Họ có công lớn đối với chế độ và khó có thể bị đàn áp mà không gây ra cho chế độ cộng sản những thiệt hại còn lớn hơn là nếu làm ngơ. Các vị này những nhân chứng lịch sử vì thế không thể bị buộc tội bịa đặt, xuyên tạc. Họ cũng có công lớn đối với chế độ và không thể bị coi là thuộc "thế lực thù địch". Mặt khác phương thức gần như duy nhất để động viên họ là báo giấy vì trong đại đa số họ không biết dùng máy vi tính để có thể đọc trên mạng. Chúng tôi đã không lầm. Tổ Quốc đã động viên rất nhiều cán bộ cao cấp hưu trí tham gia cuộc vận động dân chủ và họ đã thuyết phục được rất nhiều đảng viên cộng sản về sự vô lý và tồi dở của chế độ. Nó đã gây nhức nhối lớn cho Đảng cộng sản nhưng vẫn không thể bị đàn áp thô bạo như đối với một tờ báo chui bình thường.
Tờ báo được lên trang tại hải ngoại dù ban biên tập gồm cả anh em trong cũng như ngoài nước. Anh Nguyễn Thanh Giang đã là người tổng biên tập đầu tiên. Sau khi lên trang nó được gửi về trong nước và cũng chính anh Nguyễn Thanh Giang in ra và phân phối. Một số vị lão thành cách mạng đã hăng say tiếp tay phổ biến. Các cụ Trần Lâm, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, và sau này Trần Nhơn, đã là những cộng sự viên tích cực nhất. Họ vừa đóng góp bài viết vừa phân phát.
Ở thời điểm cao độ nhất Nguyễn Thanh Giang đã in ra 300 tờ báo giấy. Tờ báo sau đó được đưa vào câu lạc bộ cán bộ nghỉ hưu Hà Nội và nhiều cụ khác cũng tự ý làm thêm photocopy để phân phối. Trong Nam tờ báo cũng được in và phân phát cho một số vị lão thành trong Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Ngoài ra một số thân hữu cũng tiếp tay in thêm và phổ biến tại một số tỉnh.
Chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Phương Anh. Trần Anh Kim cũng đồng thời là một người viết tích cực, cùng với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Vũ Bình, Vi Đức Hồi. Sau này còn có thêm Nguyễn Thượng Long và Phạm Đình Trọng và cựu thứ trưởng Trần Nhơn. Ba người sau này vẫn còn tích cực đến nay. Phải thành thực nể sức viết của Phạm Đình Trọng và nguồn thơ bất tận của Trần Nhơn. Trong số những người được gọi là "lão thành cách mạng" Trần Nhơn và Phạm Đình Trọng là hai người đáng phục vì lập trường minh bạch, không hề mảy may mang hương vị "phản biện trung thành".
Như dự đoán báo Tổ Quốc đã không bị đàn áp thô bạo. Một số anh em đã bị bắt và kết án tù, nhưng không phải vì Tổ Quốc mà vì những hoạt động đấu tranh khác. Không đàn áp thô bạo nhưng sách nhiễu thì nhiều và rất nhiều. Những buổi làm việc cả ngày, những thăm viếng đầy giọng hăm dọa, công an gác nhà ngăn chặn và hạch hỏi khách viếng thăm v.v. Và những áp lực cho gia đình. Nguyễn Thanh Giang nhường vai trò tổng biên tập cho Phạm Quế Dương chỉ để thêm Phạm Quế Dương bị quấy nhiễu thêm chứ áp lực cho riêng mình không hề giảm. Phó tổng biên tập Nguyễn Thượng Long cũng gian lao. Cuối cùng chúng tôi chọn giải pháp chỉ định một tổng biên tập tại nước ngoài. Trương Nhân Tuấn đảm nhiệm trong hơn hai năm, rồi đến Sơn Dương cho tới nay. Thực ra chỉ thay đổi hình thức, công việc và vai trò của mỗi người vẫn thế.
Tuy nhiên thời gian đã làm công việc tàn phá của nó. Khối cán bộ lão thành thưa thớt đi với tốc độ ngày càng nhanh. Đa số đã ra đi vĩnh viễn, các vị còn lại thì phần đông đã quá già yếu không còn đọc được nữa. Số lượng báo in từ hai năm nay không còn bao nhiêu. Bán nguyệt san Tổ Quốc đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải dành ưu tiên cho những công tác khác.
Tổ Quốc đã đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa. Nó đã góp phần quyết định làm thay đổi quan điểm của những người có công nhất đối với chế độ, biến họ từ những người hãnh diện vì chế độ và quyết tâm bảo vệ chế độ thành những người lên án chủ nghĩa Mác Lenin và cổ võ cho tiến trình dân chủ hóa. Đến lượt họ đã góp phần thức tỉnh và động viên các cán bộ, đảng viên đang hoạt động. Có thể nói Tổ Quốc đã tịch thu trí nhớ của Đảng cộng sản và thay vào đó bằng mệnh lệnh dân chủ hóa.
Xin cảm ơn tất cả các vị đàn anh và các bạn đã đóng góp cho bán nguyệt san Tổ Quốc. Chúng ta đã cùng nhau hoàn tất tốt đẹp một công tác quan trọng và đáng tự hào.
Nguyễn Gia Kiểng
******************
Đọc thêm
Mừng 6 năm công tích của Tập San Tổ Quốc (15/09/2006 - 15/09/2012)
Phạm Tuấn Xa, Danlambao, 02/09/2012
Bán Nguyệt San Tổ Quốc - Truyền bá tư tưởng tự do dân chủ và nhân quyền
Nhớ lại năm 2007, tôi phải lén lút đạp xe cách nhà 3 km để đọc nhờ Bán nguyệt san Tổ Quốc. Nay ở Thành phố Hải Dương tôi cũng có thể tìm đọc tờ báo rất nhiều người ngưỡng mộ và háo hức đón đọc từng số, từng số này. Tập san Tổ Quốc đã ra được hơn 140 số và đến 15 tháng 9 năm 2012 này đã tròn 6 năm tồn tại trong sứ mệnh thiêng liêng truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.
Báo chí "lề phải" với số lượng 700 tờ nhưng chỉ để tô hồng chủ trương đường lối và thành tích của Đảng cộng sản Việt Nam mà rất ít sự thật và thiếu vắng tư duy nhân loại chính thống. Tập san Tổ Quốc giúp chúng tôi bổ sung phần khiếm khuyết đó .
Cầm Bán nguyệt san Tổ Quốc trên tay, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng hình hài tổ quốc Việt Nam qua tấm bản đồ hình cong chữ S trải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau ngay trên trang bìa mà còn đọc được những ước vọng sáng ngời cùng bao suy tư trăn trở da diết đang cồn cào trong lòng nó.
Nay Mục Nam Quan đã nằm sâu hàng trăm mét về nước Trung Quốc. Thác Bản Giốc, Cao Bằng bị cắt làm hai để nhường lại cho người bạn láng giềng xấu bụng một nửa. Nhiều cột mốc dọc theo biên giới Việt-Trung từ thời nhà Thanh nay đã bị nhổ lên nắn lại đất cho Trung Quốc lấn chiếm. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa để thành lập thành phố Tam Sa…
Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã bị Trung Quốc xâm lược ngấm ngầm và trắng trợn….
Với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhiều người dân Việt Nam đã đứng lên biểu tình hô vang khẩu hiệu : "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", vậy mà nhà cầm quyền Hà Nội nỡ cho công an cùng với bọn xã hội đen đàn áp, đánh đập bắt giam những người biểu tình. Đây là hành động bán nước của bọn "Cõng rắn cắn gà nhả", "Hèn với giặc, ác với dân". Hành động này trái với lời Phật dạy : "Phàm việc gì cũng phải xét đến hậu quả của nó".
Tập san Tổ Quốc đã bênh vực và biểu dương những người biểu tình yêu nước đó.
Đọc tập san Tổ Quốc người ta mới thấm hiểu sâu sắc về những quyền tự do cơ bản mà chế độ độc tài đảng trị đã tước đoạt : quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do bầu cử. Bầu cử do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức chỉ là trò chơi dân chủ giả hiệu, giả dối để đánh lừa dư luận tiến bộ. Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ rất tốn kém để thông qua nhiều đạo luật kém chất lượng... Luật đất đai là luật lớn nhất nhưng lại sai sót nhiều nhất. Chỉ cần nêu một câu của luật đất đai đã thấy kỳ quặc rồi : "Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân và quyền quản lý của Nhà nước". Để bảo vệ quyền lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam, người làm luật giả vờ ngu dốt, cố tình không hiểu thành ngữ của Việt Nam : "Cha chung không ai khóc", "Lắm sãi không ai đóng cửa chùa".
Đọc bài : "Đất đai nguồn sống và hiểm họa" của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tôi càng nhận thấy luật đất đai của Việt Nam là vô luật. Vì vậy đã xảy ra nhiều hệ lụy đau lòng như ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản – Nam Định và hẩu hết 64 tỉnh thành trong cả nước. Hệ lụy này còn kéo dài cho đến khi chế độ độc tài đảng trị không còn. Đảng thu hồi đất đai của dân bán cho Tư bản đỏ và bọn Tư bản nước ngoài để có hàng tỉ đô la gửi vào các ngân hàng thế giới. Đây là tiền mồ hôi xương máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam, phải trả lại cho nhân dân Việt Nam. Dân mất đất đai đi khiếu kiện đòi lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp thì bị đàn áp, đánh đập và bỏ tù. Công an được dân nuôi nhưng lại quay ra đàn áp dân. Một vị Ủy viên Bộ Chính trị đã nói toạc ra rằng : "Cứ để cho dân đi khiếu kiện, dưới chuyển đơn lên, trên hất xuống xem lên trời mà kiện à".
Thật là vô cảm, tàn nhẫn !
Đọc Bán Nguyệt san Tổ quốc tôi mới được biết để thấy kính nể các nhà bất đồng chính kiến như : Nguyễn Hộ, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Lữ Phương, Hoàng Minh Chính, Trần Huỳnh Duy Thức...
Tôi cũng rất tôn trong và khâm phục các tác giả thường xuyên góp bài đăng trên Tổ Quốc như : Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Trần Lâm, Phạm Quế Dương, Vi Đức Hồi, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Phạm Hồng Sơn, Phạm Đình Trọng, Việt Hoàng, Mai Thái Lĩnh... Họ là những người có nhiều trí tuệ và nhân cách hơn hẳn những trí thức cơ hội đang "vào luồn, ra cúi", vâng dạ bọn độc tài, mù quáng vô đạo. Họ vừa có tâm, vừa có tầm. Tên tuổi họ xứng đáng được ghi trong lịch sử đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Đọc Bán Nguyệt san Tổ Quốc ta thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra bao thảm họa cho nhân dân Việt Nam từ sau năm 1954 đến nay như : Cải cách ruộng đât, vụ Nhân văn Giai phẩm, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính… Hiện tại Đảng cộng sản Việt Nam dang đang thực hiện "đường lối phát triển kinh tế" để đưa dân tới đói khổ, tụt hậu. Một chế độ vừa định hướng xã hội chủ nghĩa vừa cơ chế thị trường thì làm sao có thể đưa đất nước thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Kinh tế quốc doanh vẫn nắm vai trò chủ đạo để ngân sách Nhà nước rót vào doanh nghiệp nhà nước để cán bộ của đảng chia nhau quyền lợi. Những vụ án động trời như Tăng Minh Phụng, Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Vinashin, Vinalines và bọn lâm tặc, bọn địa tặc ở đâu chui ra nếu không phải từ chính trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam ?
Hệ quả của đường lối phát triển kinh tế là cả nước có nhiều bãi thải công nghiệp và nhập khẩu phế thải bẩn thỉu ở nước ngoài, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt là "bờ xôi ruộng mật" bị san lấp để bỏ hoang.
Tục ngữ Việt Nam có câu : "có nằm trong chăn mới biết chăn có rận". Hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải (nguyên phó Chủ tịch Thành phố Đà Lạt) và ông Huỳnh Nhật Tấn (nguyên Phó giám đốc Trường đảng tỉnh Lâm Đồng) đã quyết định "treo ấn từ quan" xin ra đảng, bỏ về.
Ông Huỳnh Nhật Hải nói : "Tôi không tin Đảng cộng sản Việt Nam nữa".
Ông Huỳnh Nhật Tấn : "Còn nhớ trong lá đơn xin ra khỏi đảng...", ông viết : "Tôi đã có lỗi với dân tộc, chính cái hăng hái nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng lên chế độ độc tài hiện nay". Hai ông đã nhận ra sự thật về Đảng cộng sản Việt Nam.
Mong sao có nhiều cán bộ của đảng biết sám hối như hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải và Huỳnh Nhật Tấn để Đảng cộng sản Việt Nam sớm chấm dứt vai trò lãnh đạo độc tài đảng trị để cho nhân dân Việt Nam được tự do lựa chọn một chế độ dân chủ như nhân dân Miến Điện hiện nay.
Sáu năm, một khoảng thời gian còn rất ngắn, Bán Nguyệt san Tổ quốc còn rất trẻ nhưng đã phải vượt qua một chặng đường đầy gian khó, nguy nan, với tràn đầy tâm huyết và trí tuệ đã góp phần xứng đáng truyền bá những tư tưởng tiến bộ, cổ vũ cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam.
Xin cảm ơn Bán Nguyệt san Tổ Quốc. Chúc tờ báo của nhân dân chúng tôi ngày càng phát triển vững mạnh và sự thực trở thành lực lượng vật chất cho công cuộc cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ngày 02 tháng 9 năm 2012
Phạm Tuấn Xa, Nhà giáo
Số nhà 31 – ngõ 207 Trương Mỹ
Thành phố Hải Dương
Tel : 01644 996 929
Nguồn : danlambaovn.blogspot.com, 15/09/2012
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa qua đời sáng nay, 28/07/2019, tại Hà Nội, thọ 83 tuổi.
Một trong những trí thức dân chủ đầu tiên trưởng thành dưới chế độ cộng sản, Nguyễn Thanh Giang, bằng những lý luận sắc bén đã góp phần quan trọng cho phong trào dân chủ Việt Nam. Ông đã gặp rất nhiều gian truân khi chọn lưa đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền nhưng đã không nao núng.
Ông cũng đã hợp tác với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên để sáng lập và đảm nhiệm vai trò tổng biên tập đầu tiên của bán nguyệt san Tổ Quốc, tờ báo vận động dân chủ đầu tiên đã phát hành đều đặn trong mười năm ngay trong lòng chế độ cộng sản. Tờ báo đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự hậu thuẫn của nhiều vị lão thành của chế độ và khiến họ trở thành những người tích cực vận động dân chủ.
Xin nghiêng mình kính cẩn tiễn đưa Nguyễn Thanh Giang và chia buồn cùng gia đình và các thân hữu.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên