Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 26 février 2021 20:20

Nước Mỹ sau Donald Trump

Cho đến nay Mỹ vẫn được coi là chế độ tổng thống duy nhất đã thành công, không bị lâm vào ách độc tài hoặc xung đột bế tắc giữa lập pháp và hành pháp. Ngoại lệ đó bây giờ đã chấm dứt và Mỹ phải đối diện với thực tế. Mỹ sẽ không đương đầu được với những thách thức nghiêm trọng đang đe dọa nền dân chủ và hòa bình xã hội với chế độ tổng thống như hiện nay, ngay cả với một tổng thống đầy thiện chí và kinh nghiệm như Joe Biden.

impeach1

Hôm 06/01/2021, Thượng Viện Mỹ đã biểu quyết tha bổng Donald Trump sau khi ông bị Hạ Viện buộc tội xúi giục bạo loạn. 

Thượng Viện Mỹ đã biểu quyết tha bổng Donald Trump sau khi ông bị Hạ Viện buộc tội xúi giục bạo loạn. Tuy vậy đây không phải là một thắng lợi của Donald Trump như một số người tận tình ủng hộ ông có thể nghĩ. Trái lại đây là một thất bại của Trump. Điều cần được nhìn rõ là chân dung của nước Mỹ hiện nay qua sự kiện này.

Một điều rất kỳ cục và rất sai của chế độ dân chủ Mỹ

Donald Trump đã thua vì một đa số mạnh, 57 trên tổng số 100 nghị sĩ, đã biểu quyết là ông ta có tội. Hơn nữa một số đông đảo trong số 43 nghị sĩ bỏ phiếu tha tội cho ông ta cũng tuyên bố là thực ra ông ta có tội, họ chỉ bỏ phiếu tha tội vì lý do khác.

Lý do đó là một điều rất kỳ cục và rất sai của Hiến pháp Mỹ, theo đó việc xét xử để cách chức các nhân vật cao cấp trong chính quyền Mỹ là độc quyền của Thượng Viện (Senate). Trong những trường hợp này Thượng Viện biến thành một tòa án với các nghị sĩ bỗng nhiên trở thành các bồi thẩm (Jurors). Thật là quá vô lý vì Thượng Viện không có thể xét xử tổng thống một cách đúng đắn. Các thẩm phán phải có khả năng chuyên môn cao về luật và phải hoàn toàn vô tư, không thể chịu một áp lực nào, để chỉ xét xử theo luật pháp và lương tâm. Ở đây các nghị sĩ không phải là các thẩm phán chuyên nghiệp cũng không xét xử theo luật pháp và lương tâm mà theo thẻ đảng và chỗ đứng cá nhân. Hậu quả nghịch thường là trong số những người nghị sĩ bỗng nhiên trở thành bồi thẩm này có hai người đáng lẽ cũng phải bị coi là có tội và bị đem xét xử cùng với Donald Trump. Đó là Josh Hawley và Ted Cruz. Cả hai đều đã hùa với Trump hô hào cuộc bạo loạn này. Chúng ta có thể biết trước họ sẽ biểu quyết như thế nào. Tại đa số các nước dân chủ thường có một tòa án gọi là Tòa án Hiến pháp (Cour Constitutionnel, Constitutional Court) để xét xử các nhân vật quan trọng. Thẩm phán của các tòa án này là những thẩm phán chuyên nghiệp được chọn trong số những người có uy tín nhất. Họ tuyệt đối không chịu một áp lực nào và vì thế chỉ xét xử theo hiến pháp, luật pháp và lương tâm. Mỹ cũng cần một tòa án như vậy. Đây là một dịp thêm nữa cho thấy nước Mỹ cần xét lại thể chế chính trị của mình, đặc biệt là vai trò của Thượng Viện.

Thể diện của nước Mỹ

Tuy không bình thường nhưng vụ xét xử này rất quan trọng để gỡ thể diện cho nước Mỹ và nền dân chủ Mỹ. Tội của Donald Trump quá lớn và cách hành xử của ông ta quá tệ.

Nhiều người vẫn chưa ý thức được mức độ nghiêm trọng của biến cố 06/01/2021. Không thể so sánh cuộc bạo loạn đập phá điện Capitol này với những hành động của vài phần tử lưu manh lợi dụng các cuộc biểu tình của phong trào Black Lives Matter để đập cửa kính, cướp vài đôi giầy hay vài quần Jean, cũng như không thể nói con voi bằng con chuột.

Cuộc bạo loạn 06/01 là một hành động có chuẩn bị để tấn công điện Capitol, thánh đường của nền dân chủ Mỹ, với ý đồ phá tan cuộc họp của lưỡng viện quốc hội Mỹ để long trọng tuyên bố kết quả cuộc bầu cử tổng thống 03/11/2020, một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất của nước Mỹ. Các tổ chức cuồng Trump –Proud Boys, Oath Keepers, Southern Plains Patriots v.v. - chủ động cuộc bạo loạn này cũng sẵn sàng giết người. Họ đã dựng một giá treo cổ để hành quyết Phó tổng thống Mike Pence, Chủ tịch hạ viện Nancy Polesi và nhiều dân biểu, nghị sĩ khác. Hậu quả đã có thể rất nghiêm trọng, đưa nước Mỹ vào khủng hoảng và nội chiến. Rất may là đã chỉ có 5 người chết và hai người tự tử sau đó.

Một lý do rất quan trọng khác nằm ở trong triết lý chính trị mà nhiều người chưa ý thức được. Nền tảng của mọi nền dân chủ là sự chấp nhận kết quả các cuộc bầu cử và chuyển giao quyền hành một cách hòa nhã. Donald Trump đã không như thế. Vài tháng trước cuộc bầu cử ông ta đã nói rằng nếu ông ta không thắng thì cuộc bầu cử chỉ có thể là gian lận. Sau khi thất bại ông ta đã khởi kiện hơn 60 vụ, tất cả đều bị các tòa án bác bỏ vì không có bằng chứng và lập luận xác đáng. Các luật sư của ông không hề phản đối các phán quyết này. Bộ trưởng tư pháp Bill Barr, Phó tổng thống Mike Pence, lãnh tụ Cộng hòa tại Thượng Viện Mitch McConnell đều nhìn nhận là không có gian lận. Còn cần gì thêm nữa để Trump nhìn nhận kết quả cuộc bầu cử ? Tuy vậy ông ta vẫn ngoan có nói bừa là đã có gian lận lớn và hô hào bạo loạn, kể cả tấn công và trụ sở Quốc hội ngày 06/01. Đây là một xúc phạm trắng trợn tới ngay nền tảng của chính quyền Mỹ.

Trump phải bị xét xử để Mỹ còn là một nước dân chủ, để nước Mỹ còn là nước Mỹ.

Lập luận của hai bên là gì ? Đúng sai ra sao ?

Điều đáng chú ý là Trump, các luật sư của Trump và những người người ủng hộ ông nhấn mạnh nhất vào vấn đề thủ tục thay vì vào nội dung. Họ nói rằng vụ án này không hợp hợp hiến pháp vì Trump không còn tại chức nữa. Như vậy một cách mặc nhiên họ đã nhìn nhận Trump có tội. Nhưng lập luận thủ tục này cũng không có giá trị vì chính Thượng Viện -định chế có thẩm quyền để phán quyết vụ xét xử này có hợp hiến hay không- đã biểu quyết đúng theo quy định là cuộc xét xử này hợp hiến. Về nội dung, họ chỉ viện dẫn được một câu nói của Trump trong bài diễn văn trước Nhà Trắng với đám đông trước khi họ tiến về điện Capitol là "hãy tiến tới một cách hòa bình và yêu nước" (going on peacefully and patriotically). Nhưng ngay trong bài diễn văn này ông ta cũng kích động bạo lực bằng những câu nói hung bạo như "Hãy chiến đấu chết bỏ" (We'll fight like hell) ; "Nếu yếu nhược chúng ta sẽ không giành lại được đất nước" (We won't take back our country with weakness). "Giành lại đất nước" có nghĩa là coi những người không cùng phe với ông là quân cướp nước ? Còn gì hung bạo hơn ? Trump cũng kích động căm thù cả với Phó tổng thống Mike Pence chỉ vì ông này muốn tuân thủ hiến pháp, nghĩa là không nghe theo lời ông để lợi dụng vai trò chủ tịch Thượng Viện –dành cho phó tổng thống, một trong những điều quái gở khác của hiến pháp Mỹ- để tuyên bố rằng cuộc bầu cử là gian lận và do đó Joe Biden không đắc cử. Điều này chứng tỏ Donald Trump hoặc điên hoặc không hiểu gì về Hiến pháp Mỹ. Cuộc bầu cử đã xong, các đại cử tri đã bỏ phiếu, phó tổng thống chỉ có vai trò nghi lễ là long trọng tuyên bố Joe Biden chính thức đắc cử tổng thống mà thôi. Trước đó Trump cũng đã gửi cả ngàn Tweet kích thích bạo loạn. Kể cả kêu gọi những người ủng hộ ông phải man rợ (will be WILD). Điều đặc biệt nghiêm trọng là, theo các cộng sự viên thân cận của ông, Trump theo dõi trực tiếp cuộc bạo hành tại Capitol trên truyền hình nhưng không hề can thiệp, cụ thể như kêu gọi đồng đảng chấm dứt bạo loạn hay ra lệnh cho Vệ Binh Quốc Gia cứu nguy cho Quốc hội mặc dù đã được các cộng sự viên, kể cả cựu chánh văn phòng Nhà Trắng khẩn khoản yêu cầu. Nói chung là những lập luận bênh vực Trump không có gì có trọng lượng. Các công tố, chính xác là các dân biểu Dân chủ đảm nhiệm vai trò công tố, trưng những hình ảnh của cuộc bạo loạn, những tuyên bố của Trump và đồng đảng. Họ có đầy đủ bằng cớ. Họ cũng đã biện luận rất thuyết phục và cảm động. Thực ra họ cũng không cần phải biện luận. Tất cả các nghị sĩ đều có mặt tại điện Capitol hôm đó và đều suýt là nạn nhân nếu không chạy kịp. Phòng họp của Thượng Viện, bây giờ là tòa án xét xử Trump, đồng thời cũng chính là hiện trường của cuộc bạo loạn. Tất cả các nghị sĩ đều biết Trump có tội. Tuy vậy đã chỉ có 7 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu cùng với 50 nghị sĩ Dân chủ để kết tội Trump, một ngoại lệ chưa từng có trong lịch sử Mỹ và chứng tỏ Trump đã thất bại, bởi vì trong những vụ xử trước đây chưa bao giờ một nghị sĩ nào biểu quyết kết án một tổng thống cùng đảng với mình. 43 nghị sĩ Cộng hòa khác đã biểu quyết theo thẻ đảng. Và Trump được tha bổng.

sau2

Lãnh tụ Cộng hòa tại Thượng Viện Mitch McConnell nhìn nhận cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020 là không có gian lận.

Kết quả và hậu quả của vụ xử án này sẽ ra sao ?

Kết quả này không làm ai ngạc nhiên nhưng hậu quả vụ này rất quan trọng. Trước hết, nó báo động về sự băng hoại của chính trị Mỹ. Băng hoại đến nỗi một con người thô lỗ và trơ trẽn, sơ sài về kiến thức, thấp kém về nhân cách, vô đạo đức và vô trách nhiệm như Donald Trump mà đã có thể trở thành tổng thống Mỹ và hơn thế nữa vẫn còn được gần một nửa dân chúng tín nhiệm sau bốn năm tác hại khiến đoàn kết dân tộc và uy tín nước Mỹ tiêu tan. Hàng trăm ngàn người cũng đã không bị thiệt mạng nếu dịch Covid-19 được xử lý một cách nghiêm túc hơn.

Vụ xử án Trump đồng thời cũng là một vụ xử án Đảng Cộng Hòa. Câu hỏi thực sự đặt ra là Đảng Cộng Hòa liệu có thể còn tồn tại được không và còn xứng đáng tồn tại nữa không ? Trong rất nhiều năm Đảng Cộng Hòa đã là nơi trú ẩn của khối người da trắng ít học kỳ thị mầu da và cuối cùng đã tạo ra hiện tượng Donald Trump. Trump không làm băng hoại bản chất của Đảng Cộng Hòa như nhiều người nghĩ. Chính sự xuống cấp cả về trí tuệ lẫn đạo đức của Đảng Cộng Hòa đã thai nghén ra Trump.

Những người có tư cách và liêm sỉ trong Đảng Cộng Hòa có đủ can đảm và sức mạnh để loại bỏ Trump để cứu Đảng Cộng Hòa không ? Không dễ.

Nếu loại bỏ Trump họ có nguy cơ sẽ mất trước mắt gần phân nửa số cử tri và cần một cố gắng hồi phục rất lớn mà chưa chắc gì họ có được. Đó hình như đang là chọn lựa của Mitch McConnell, lãnh tụ Công hòa tại Thượng Viện, và những người ủng hộ ông, kể cả lãnh tụ Cộng hòa tại Hạ Viện Kevin McCarthy. McConnell dù bỏ phiếu tha tội Trump đã lên án Trump một cách đặc biệt gay gắt. Cuộc chiến giữa Trump và McConnell đã công khai.

Nếu không dám đoạn tuyệt với Trump họ sẽ còn thảm bại hơn. Sức mạnh chính của Trump là đã phản ánh trung thực sự xuống cấp của chính trị Mỹ, thể hiện qua sự mạnh lên của những nhóm với lập trường lạc hậu như kỳ thị chủng tộc, tinh thần dân tộc hẹp hòi, chống toàn cầu hóa v.v. Nhưng giờ đây, sau khi chúng bùng phát, nước Mỹ và thế giới đã được cảnh giác về sự sai lầm của những thành kiến này. Sức mạnh của Trump cũng là sức thu hút của một diễn viên màn ảnh đã hoạt náo thành công những chương trình giải trí bình dân, nhưng Trump đã già đi và không còn khả năng giải trí nữa. Trump cũng đã gây thất vọng sau khi bỏ rơi những người bị giải tòa vì tham gia cuộc bạo loạn 6/01. Nói chung, sức thu hút của Trump đang sút giảm. Chưa kể là nhiều phiên tòa hình sự với những thẩm phán chuyên nghiệp chỉ xét xử theo luật pháp đang chờ đợi Trump và khả năng Trump có thể bị đi tù không nhỏ. Đảng Cộng Hòa nếu dại dột cố bám lấy Trump cũng không khác một người sắp chết đuối cố bám lấy một chiếc phao đang chìm. Nhưng một số khuôn mặt nổi của Đảng Cộng Hòa, như Ted Cruz và Lindsey Graham đang chọn giải pháp thiển cận này.

Sau cùng cũng có những người, như các nghị sĩ và dân biểu đã bó phiếu lên án Trump, không chấp nhận cả Trump lẫn McConnell. Họ muốn một Đảng Cộng Hòa lành mạnh và xứng đáng.

Đảng Cộng Hòa sẽ trải qua một giai đoạn tranh chấp nội bộ gay go và có nguy cơ bể thành hai đảng, thậm chí thành ba đảng nhỏ.

Chế độ lưỡng đảng của Mỹ có nhiều triển vọng sẽ chấm dứt nhường chỗ cho một giai đoạn đầy ẩn số. Đảng Dân Chủ có thể có đa số vuợt trội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hai năm tới đây và trong một thời gian sau đó nhưng không có gì bảo đảm là tình trạng này sẽ kéo dài. Đảng Dân Chủ cũng có thể sẽ bị vỡ thành hai, với một đảng dân chủ trung hữu và một đảng xã hội, bởi vì chính nó cũng không còn đồng thuận trên một tư tưởng chính trị chung. Có gì chung giữa Bernie Sanders và Joe Biden ?

Không phải chỉ riêng Đảng Cộng Hòa có vấn đề mà Đảng Dân Chủ cũng có bởi vì chính chế độ dân chủ Mỹ đang lung lay.

sau3

Không phải chỉ riêng Đảng Cộng Hòa có vấn đề mà Đảng Dân Chủ cũng có bởi vì chính chế độ dân chủ Mỹ đang lung lay.

Dân chủ đã khiến Mỹ từ một vùng đất hoang vu với dân cư thưa thớt trở thành siêu cường vượt trội của thế giới, nhưng rồi vì đã quá tự mãn với thành công của mình Mỹ đã không chịu xét lại mô hình dân chủ của mình và dần dần tích lũy những tật bệnh nghiêm trọng. Nền dân chủ Mỹ không vững mạnh như nhiều người nghĩ. Đã có rất nhiều tác phẩm giá trị trình bày tình trạng xuống cấp báo động của nền dân chủ Mỹ. Tóm tắt rất sơ lược những báo động này cũng đòi hỏi cả một bài viết công phu. Ổ đây chỉ xin liệt những nét chính liên quan đến bầu cử.

Thứ nhất là chính quyền Mỹ không còn thực sự đại diện cho người Mỹ. Do mê mải chạy theo chủ nghĩa kinh tế phóng khoáng (liberalism), tài chính sau cùng đã chế ngự kinh tế và chính trị. Chi phí tranh cử tốn kém và không được ngân sách quốc gia tài trợ đã khiến các ứng cử viên vào các chức vụ công cử như dân biểu, nghị sĩ, thống đốc phải được những người giầu có nhất tài trợ và muốn như thế phải được họ chọn lựa để phục vụ họ. Một nghiên cứu của giáo sư Lawrence Lessig cho thấy là trên thực tế quyền chỉ định những người lãnh đạo Mỹ -tổng thống, thống đốc, dân biểu, nghị sĩ v.v.- thực ra chỉ nằm trong tay 0,02% -hay khoảng 60.000 người- giầu nhất. Không ai có thể đắc cử nếu không có sự bảo trợ của họ. 99,98% cử tri Mỹ chỉ được bầu trong số ứng cử viên đã được họ chọn trước. Cũng tương tự như các chế độ "đảng cử dân bầu" dù các quyền tự do cá nhân được tôn trọng (1).

Sau đó, trong đa số các trường hợp lá phiếu của người dân cũng không có tác dụng nào do hậu quả của thủ thuật mà tiếng Mỹ gọi là Gerrymandering, tạm dịch là "chắp vá đơn vị bầu cử", trong đó các đơn vị bầu cử không phải là những cộng đồng gần gũi mà chủ yếu được sắp xếp để gần như chắc chắn sẽ bầu cho ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa, hay Đảng Dân Chủ. Cả hai đảng đều thi đua chắp vá cho nên cuối cùng bản đồ bầu cử là cả một sự xúc phạm đối với địa lý. Có những đơn vị bầu cử với hình thù quái đản, đôi khi giống như những con giun quằn quại. Trong một nghiên cứu đăng trên báo Washington Post, nhà báo Christopher Ingraham cho biết vì thủ thuật chắp vá này kết quả bầu cử dân biểu tại 345 trên tổng số 435 đơn vị đã được biết trước, bầu cử chỉ diễn ra trong 90 đơn vị.

my002 (2)

Với thủ thuật Gerrymandering, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đều thi đua chắp vá cho nên cuối cùng bản đồ bầu cử là cả một sự xúc phạm đối với địa lý. (Ảnh Christopher Ingraham, The Washington Post, 15/05/2014)

Tóm lại, cử tri Mỹ chỉ được bầu trong số những ứng cử viên đã được một thiểu số rất nhỏ chọn trước và sau đó trong đa số trường hợp lá phiếu của họ cũng không có tác dụng gì. Nền dân chủ Mỹ còn giá trị gì ?

Và không phải chỉ có thế. Chênh lệch giầu nghèo và bất công xã hội quá đáng, hậu quả của chủ nghĩa phóng khoáng không kiểm soát, còn tạo ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Trong các nước dan chủ phát triển Mỹ là nước có chỉ số hạnh phúc thấp nhất, tuổi thọ trung bình thấp nhất, tỷ lệ tốt nghiệp đại học thấp nhất, tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần và tỷ lệ tội phạm cao nhất v.v. Tất cả những vấn đề đó đều rất khó giải quyết vì đã tích lũy quá lâu. Nhưng tại sao Mỹ đã không thể giải quyết các vấn đề ngay khi chúng lộ diện ?

Cho đến nay Mỹ vẫn được coi là chế độ tổng thống duy nhất đã thành công, không bị lâm vào ách độc tài hoặc xung đột bế tắc giữa lập pháp và hành pháp. Ngoại lệ đó bây giờ đã chấm dứt và Mỹ phải đối diện với thực tế. Mỹ sẽ không đương đầu được với những thách thức nghiêm trọng đang đe dọa nền dân chủ và hòa bình xã hội với chế độ tổng thống như hiện nay, ngay cả với một tổng thống đầy thiện chí và kinh nghiệm như Joe Biden. Lý do là vì những cải tổ lớn đòi hỏi một đồng thuận lớn trong khi chế độ tổng thống có đặc tính là làm yếu đi các chính đảng và do đó làm xuống cấp dân trí. Một đặc tính khác của chế độ tổng thống là nó tự nhiên dẫn tới chế độ dân túy và sau đó độc tài. Donald Trump vừa là một báo động. Mỹ sẽ chỉ giải quyết được những thử thách nếu thoát ra khỏi chế độ tổng thống, bằng một cố gắng liên tục giảm dần quyền hạn của tổng thống, gia tăng quyền của Hạ Viện đề cuối cùng tiến tới chế độ đại nghị với một tổng thống do Hạ Viện bầu ra và chịu trách nhiệm trước Hạ Viện. Quyền lực của Thượng Viện được giới hạn trong quan tâm bảo vệ quyền lợi của các bang nhỏ. Nền dân chủ Mỹ rất yếu bệnh và sẽ đòi hỏi một thời gian dài để bình phục, nếu có thể bình phục.

sau5

Dân chủ và nhân quyền không còn tùy thuộc vào Mỹ mà đã trở thành nguyện ước và khuynh hướng của toàn thế giới. Ảnh minh họa : Biểu tình tại Myanmar đòi chấm dứt chế độ độc tài quân phiệt Miến

Lời cuối cùng thay cho kết luận :

Có phải lo âu cho phong trào dân chủ thế giới và các dân tộc đang chật vật để có dân chủ như Việt Nam không ? Dĩ nhiên là có khi Mỹ, nước dân chủ mạnh nhất và cho tới nay được coi là trung tâm dân chủ của thế giới, đang bị chao đảo và phải lo cho chính mình.

Tin mừng là dân chủ và nhân quyền không còn tùy thuộc vào Mỹ mà đã trở thành nguyện ước và khuynh hướng của toàn thế giới. Dân chủ chưa bao giờ mạnh bằng lúc này. Các chế độ độc tài không còn dưỡng khí để thở và sẽ tắt thở.

Nguyễn Gia Kiểng

(26/02/2021)

---------------------

(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Vũ khí của Donald Trump", thongluan-rdp.org, 26/01/2021

 

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng
Published in Quan điểm