Bộ Chính trị sứt mẻ, Chính phủ xộc xệch, Quốc hội chông chênh
Rất hiếm hoi bản tin bế mạc kỳ họp của Trung ương Đảng lại thiếu cụm "từ thành công tốt đẹp". Hôm qua hầu hết báo chí lề đảng đều đăng tin bế mạc hội nghị Trung ương 9 với câu mở đầu thiếu phấn khởi là "Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và bế mạc sáng 18/5" (1).
Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII đã bầu các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong Đảng cộng sản Việt Nam
Nội dung quan trọng nhất của hội nghị này là nhân sự, các nhân vật chủ chốt ai lên, ai xuống, ai bị kỷ luật như thế nào và mức độ nào ? Hóa ra kết quả đúng như tin đồn và thông tin mờ mịt càng làm người ta thất vọng.
Khai trừ khỏi Đảng Dương Văn Thái, bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang ; Mai Tiến Dũng, nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là chuyện đương nhiên vì tất cả đã vô lò. Lần thứ hai cách chức (tất cả các chức vụ) trong Đảng với Lê Thanh Hải làm người ta phải nén cười đến sặc, còn người dân Thủ Thiêm phải nén lời nguyền rủa. Trên trái đất này không quốc gia nào sáng tạo hình thức kỷ luật cách chức người đã về vườn mười năm trước mà lại làm đến hai lần. Chỉ riêng tội ác Lê Thanh Hải đã gây ra với Thủ Thiêm trời không dung, đất không tha, thêm chuyện đỡ đầu cho Trương Mỹ Lan cướp tiền dân, chiếm đất vàng lại được tha bổng nhẹ nhàng như vậy thì đốt lò, chống tham nhũng chỉ là trò đùa.
Bà Trương Thị Mai được hay bị cho thôi giữ các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII để nghỉ công tác vì đã có vi phạm về các điều đảng viên không được làm ? Sau lưng bà Mai không thấy có doanh nghiệp sân sau nào bị truy tố. Thư ký của bà chừng như cũng yên lành ?
Chuyện kỷ luật, đưa ra đã bất ổn, chuyện đưa vô, đưa lên cũng lấp vấp, lưng lơ tạo ra hệ quả bất cân xứng của hệ thống lãnh đạo từ đảng đến chính phủ, quốc hội.
Bộ Chính trị sứt mẻ
Hội nghị bầu bổ sung vào Bộ Chính trị bốn người : Lê Minh Hưng, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức Trung ương, chánh Văn phòng Trung ương Đảng ; Nguyễn Trọng Nghĩa, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ; Bùi Thị Minh Hoài, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Dân vận Trung ương ; Đỗ Văn Chiến, bí thư Trung ương Đảng, chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cả bốn đều chuyên về công tác đảng, trừ Lê Minh Hưng làm Trưởng ban Tổ chức là có vai trò thực chất, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc chỉ là chức vụ danh dự không mấy thực quyền. Ban Tuyên giáo thì trong quá khứ ông Trần Độ, Trần Trọng Tân không cần vai vế Bộ Chính trị vẫn tạo dấu ấn mới mẻ trong Đảng lẫn đời sống xã hội.
Điều quan trọng nhất mà chủ lò, Tổng Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc là "Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội để đảng đoàn quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai Hội nghị mạc vào ngày 20/5" (2).
Kết quả gượng gạo của việc "dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét và thống nhất cao về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội" là đưa tướng Tô Lâm làm Chủ tịch nước, Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch quốc hội. Điều đáng sợ là kết quả này dẫn đến hình ảnh Tứ Trụ có đến 2 trụ là tướng công an. Trong Bộ Chính trị 16 người hiện nay có đến 5 gốc Công an, 3 tướng Quân đội. Hình ảnh đậm đặc của bộ máy Đang trị lại thêm Công an, Quân đội trị không mấy thiện cảm đến e dè của thế giới hiện đại.
Nếu xem việc bầu chọn những nhân sự mới là cái được, là kết quả thì cái được ấy chỉ phục vụ ý chí cá biệt của một ai đó, còn nhìn trên góc độ lợi ích bộ máy nhà nước thì đó là sự bổ sung lệch lạc làm biến dạng, mất cân đối nguồn lực lãnh đạo cao nhất đất nước. Điều này càng thấy rỏ hơn với khiếm khuyết hai chiếc ghế đã gãy chưa được bổ sung.
Chính phủ xộc xệch
Theo cơ cấu truyền thống xưa nay và ngay trong khóa 13 này, Thủ tướng và Phó Thủ tướng thường trực phải là Ủy viên Bộ Chính trị. Đây không phải chuyện hình thức mà là cơ chế quyền lực cần thiết để điều hành chính phủ. Các lãnh đạo bộ ngành đều là Ủy viên Trung ương, nếu Phó Thủ tướng thường trực không là Ủy viên Bộ Chính trị thì cá mè một lứa khỏ thể điều hành. Từ sau khi ông Phạm Bình Minh bị cưa ghế, các Phó Thủ tướng còn lại đều mới chỉ là Ủy viên Trung ương. Hiện tượng trên bảo dưới không nghe ngày càng rỏ. Tốc độ giải ngân vốn ngân sách chậm, bất động sản ùn ứ, chứng khoán đỏ sàn, giá vàng tăng phi mã.
Nguy hiểm hơn nữa, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp 7, Quốc hội sẽ bầu chức danh Chủ tịch nước đối với ông Tô Lâm, song sẽ không thực hiện quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Công an đối với ông Tô Lâm, đồng thời cũng chưa phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Công an thay thế ông Tô Lâm (3).
Việc đưa tướng Tô Lâm lên làm Chủ tịch nước khi chưa có người thay thế làm Bộ trưởng Công an tạo ra hình ảnh dị dạng về bộ máy nhà nước. Nguyên thủ quốc gia lại là thành viên chính phủ kiêm nhiệm Bộ trưởng Công an.
BBC News tiếng Việt ngày 19/5 dẩn lời Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời và phân tích gia chính trị từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore), nói rằng theo quy định hiện hành của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, chủ tịch nước không thể kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng công an.
Theo Hiến pháp 2013, chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, giữ vai trò là Người đứng đầu lực lượng vũ trang nhân dân và Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Quốc hội chông chênh
Hiến pháp cũng quy định, chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Trong khi đó, bộ trưởng công an là thành viên Chính phủ, lại chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực được phân công phụ trách.
"Việc kiêm nhiệm hai chức vụ này sẽ dẫn đến xung đột thẩm quyền và vi phạm nguyên tắc phân công, phân nhiệm, phân quyền trong bộ máy nhà nước. Ngoài ra, điều này cũng không phù hợp với tinh thần tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo trong hoạt động của bộ máy nhà nước.
"Vì những lý do trên, theo quy định hiện hành, trường hợp chủ tịch nước kiêm nhiệm chức vụ bộ trưởng công an là không thể xảy ra trong hệ thống chính trị Việt Nam", ông Hợp nói, nhấn mạnh thêm rằng các chức vụ lãnh đạo quan trọng này đều phải được tách bạch và bổ nhiệm cho các cá nhân khác nhau để đảm bảo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Do chức chủ tịch nước độc lập với chính phủ nên trường hợp ông Tô Lâm kiêm nhiệm sẽ dẫn đến sự "tréo ngoe" trong việc điều hành bộ máy nhà nước và chính phủ.
Điều 88 Hiến pháp quy định Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn là "đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm phó chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ".
Như vậy, với cương vị là nguyên thủ quốc gia, ông Tô Lâm có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm chức vụ của thủ tướng là ông Phạm Minh Chính.
Nhưng đồng thời, với cương vị bộ trưởng thì ông Tô Lâm lại dưới quyền Thủ tướng Chính. Ông Tô Lâm chịu trách nhiệm trước Quốc hội và ông Chính về lĩnh vực được phân công phụ trách" (3).
Với ý kiến xác đáng như vậy rõ ràng là Bộ Chính trị đã đạp trên Hiến pháp và ép buộc Quốc hội bầu bán vi phạm Hiến pháp. Một nguyên thủ quốc gia không hợp hiến lại thêm quá khứ ăn bò dát vàng và đồng phạm trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh sẽ giao tiếp ra sao với các nguyên thủ quốc gia khác trên trường quốc tế ?
Ngoài những phân tích của BBC còn một thực tế nửa là nếu khi Quốc hội bầu ra Bộ trưởng Công an mới thì ông Chủ tịch nước Tô Lâm phải tự ký quyết định miễn nhiệm chính mình trong vai trò Bộ trưởng Công an.
Chưa hết, cũng theo cơ cấu xưa nay, Quốc hội có hai Ủy viên Bộ Chính trị cho Chủ tịch và Phó Chủ tịch thường trực. Như trong khóa này, ông Huệ gãy ghế có ông Mẫn thay ngay. Bây giờ chỉ có mỗi ông Mẫn nhở từ nay đến cuối khóa ông Mẫn gảy thì lấy ai thay thế ? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì trước kỳ họp, nguồn tin dư luận luôn chính xác 100% đã gọi tên ông Mẫn với thành tích lem luốc từ hồi còn làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ.
Làm Tổng bí thư, trưởng tiểu ban nhân sự ba nhiệm kỳ đại hội, hơn ai hết ông Trọng thuộc bài về cách tổ chức guồng máy lãnh đạo, nhưng tại sao lần này ông sắp ghế trật rơ tạo ra bộ máy xộc xệch có hệ thống như vậy ?
Cuộc đấu đá bất phân thắng bại ở đấu trường hội nghị Trung ương 9
Phải chăng đây là hậu quả cuộc đấu đá bất phân thắng bại ở đấu trường hội nghị Trung ương 9 ? Chức vụ ma ám Chủ tịch nước là nước cờ điệu hổ ly sơn mà Tổng Trọng muốn đẩy Tô Lâm ra khỏi cái ghế quyền lực chết người Bộ trưởng Công an. Tuy nhiên, bị mất ít nhất là ba đàn em thân tín ở Bộ Chính trị, sức lực của Tổng chỉ đủ hất Tô lên chức mới mà không thể thay ghế ngay tức khắc. Tổng muốn củng cố quyền lực, tăng số phiếu của phe ta, Tổng chỉ điền vào chỗ trống thêm 4 cái tên thân tín. Đưa Lương Cường lên làm Thường trực Ban Bí thư, Nguyễn Trọng Nghĩa vào Bộ Chính trị, Tổng lôi kéo phe Quân đội vào cuộc, sẽ dứt điểm Tô Lâm qua vụ án Xuân Cầu trong tương lai gần trước đại hội 14 ?
Về phía Tô Lâm, phải ngồi vào ghế xui xẻo không như ý muốn nhưng vẫn đạt mục tiêu suất đặc biệt ngồi lại nhiệm kỳ sau là một bước tiến. Chưa đưa đàn em thân tín thay mình làm Bộ trưởng nhưng vẫn giữ nguyên quyền lực chưa phải là thất thế. Có thêm vị thế mới là thống lỉnh các lực lượng vũ trang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Cài cách Tư pháp, Tô Lâm có điều kiện tiếp cận với nhiều nguồn lực mới. Với thế lực đó việc tiếp tục đốn trụ, cưa ghế các ủy viên Bộ Chính trị còn lại không phải là điều khó khăn. Đã vào đến Trung ương, quan chức nào không có sân sau. Lê Minh Hưng có thời gian làm Thống đốc Ngân hàng, trách nhiệm liên quan với SCB và Trương Mỹ Lan vẫn chưa được nhắc đến. Ngay cả Tổng Trọng nếu quy trách nhiệm Trưởng Tiểu ban Nhân sự, Tổng bí thư chọn nhầm đến 1/3 ủy viên Bộ chính trị dính chàm, hàng tá ủy viên Trung ương vào tù, trách nhiệm người đứng đầu của Trọng còn nặng gấp nhiều lần người khác. Huống hồ chi, Trọng đạp lên Điều lệ đảng ôm ghế Tổng bí thư ba khóa và chừng như vẫn chưa muốn nhả ra.
Cuộc đấu chắc hẳn còn dài, ai thắng ai còn tùy tương lai. Nhưng người bên thất bại rõ nhất là đất nước Việt, dân tộc Việt. Liên Hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây cảnh báo với chính phủ Hà Nội, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính, hệ quả của công cuộc đốt lò. (5)
Kinh tế tuột dốc, cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ…
Trung Quốc là bậc thầy trong việc lợi dụng những khoảng trống, mâu thuẫn quyền lực trong nước để xâm chiếm nước ta. Nay Biển Đông dậy sóng sức ép Tàu Cộng. Campuchia mở cửa cho Tàu xây căn cứ quân sự, đào kinh Phù Nam. Những nguy cơ đang hiển hiện ngay trước mắt thế nhưng trong Đảng, Bộ chính trị mãi đánh nhau giành ghế. Quốc hội ngoan ngoãn thản nhiên ngồi bấm nút bầu chọn lãnh tụ vi hiến. Những tiếng nói bức xúc của người dân bị quy chụp lợi dụng quyền dân chủ, lật đổ chính quyền. Ôi đất nước ! Hồn thiêng sông núi hãy thấu soi !
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 19/05/2024
1. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-9-khoa-xiii-119240518102522742.htm
2. https://tuoitre.vn/be-mac-hoi-nghi-trung-uong-9-thong-nhat-cao-phuong-an...
3. https://thanhnien.vn/chua-mien-nhiem-chuc-danh-bo-truong-cong-an-cua-ong...
Hội nghị Trung ương 9 cực kỳ căng thẳng : Số phận Tô Đại sẽ ra sao ?
Trà My, Thoibao.de, 19/05/2024
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ 16 đến 18/5.
Thành phần Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9
Đây là một Hội nghị thường niên của Đảng, tuy nhiên, lại được sử dụng để bố trí, bổ sung các vị trí nhân sự chủ chốt trong Đảng, bị "rơi rụng" với cùng một lý do : tham nhũng.
Đến một nhân vật vốn được cho là "trong sạch", như bà Trương Thị Mai – nhân vật lãnh đạo số 5 của Đảng, vẫn phải từ chức vì "vi phạm những điều đảng viên không được làm".
Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn – như "đinh đóng cột", rằng, toàn bộ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đều là những kẻ ăn cắp. Lãnh đạo cấp càng cao thì ăn cắp càng khỏe, càng táo tợn.
Trớ trêu thay, Đảng cộng sản Việt Nam lại là lực lượng chính trị độc tôn, duy nhất hợp pháp, được bảo kê bằng Điều 4 Hiến pháp Việt Nam. Theo đó, Đảng là "lực lượng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội".
Giới quan sát đã đưa ra đánh giá rằng, chỉ trong vòng 39 tháng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 đã họp tới 16 lần, gần gấp đôi so với thường lệ. Trong đó, 7/16 lần là hội nghị bất thường, để giải quyết vấn đề xử lý kỷ luật lãnh đạo. Quốc hội khóa 15 cũng tương tự, để phù hợp với chế độ Đảng cử và Quốc hội phê chuẩn.
Kết thúc Hội nghị Trung ương 9, nhân vật sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước đã lộ diện – đó là đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nhân vật ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội là ông Trần Thanh Mẫn – người đang tạm điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ, ai sẽ lên thay ông Tô Lâm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an.
Lâu nay, giới chóp bu Việt Nam vẫn lan truyền câu : "Ai làm Tổng bí thư cũng được, nhưng dứt khoát không phải là Bộ trưởng Công an Tô Lâm !".
Slogan này làm người ta liên tưởng đến một slogan trong quá khứ : "Ai làm Tổng bí thư cũng được, nhưng dứt khoát không phải là Ba Dũng". Slogan này cùng với quyết tâm của Tổng Trọng và đàn em, có thêm sự chống lưng của Bắc Kinh, đã giúp ông Trọng và phe cánh thành công tại Đại hội 12.
Một số ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Tô Lâm đòi phải được quyền lựa chọn nhân sự kế nhiệm cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì mới chịu nhận ghế Chủ tịch nước, trước sức ép của tập thể Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, đây là ý kiến không có cơ sở. Tại sao lại nói như vậy ?
Trở lại sự kiện bà Trương Thị Mai bị buộc phải từ chức – được đánh giá là cơn địa chấn chính trị thứ 3 tại Việt Nam, tiếp theo các vụ mất chức của Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Bà Mai là Thường trực Ban Bí thư, chức vụ được đánh giá là "Phó Tổng bí thư" – nhân vật số 5, chỉ đứng sau "Tứ trụ".
Có nghĩa là, trong 5 nhân sự cao cấp nhất, Bộ trưởng Tô Lâm đã thịt mất 3. Cả 3 người này đều là những nhân vật thân cận và gần gũi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều trớ trêu là, mục tiêu tiếp theo của Tô Lâm lại không phải là nhân vật "gai góc’ – Phạm Minh Chính. Mà Tô Lâm lại nhắm đến việc ‘hốt" tiếp Tổng Trọng.
Blogger Gió Bấc trong bài bình luận, "Hội nghị Trung ương 9, cuộc sống mái giữa các phe nhóm ?", đã đưa ra nhận xét :
"Cái khó hiện là Tô Đại tướng đốn củi quá hăng, cổ thụ tươi xanh cũng thành củi lớn, lửa đang phừng phừng làm chủ lò suýt bị cháy râu, cháy áo. Để Tô Đại tướng thêm vi thêm cánh, quyền lực độc tôn, có khi, đến lượt chủ lò cũng thành củi".
Chính vì vậy, theo tác giả Gió Bấc, cần thời gian để hạ thấp uy phong, xây dựng lực lượng liên hoành hợp tung, trước khi bày bát quái trận đồ Hội nghị Trung ương 9.
Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao, trận tiến công cuối cùng của Bộ Công an vào hang ổ của Tổng bí thư đã bị chặn đứng. Vì Tô Lâm đã hiện nguyên hình là một "quái vật" khổng lồ, khiến ông Trọng thất kinh. Và một Nghị quyết tập thể của Bộ Chính trị lập tức được đưa ra, ép Tô Lâm phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước, đồng thời chặn đứng sự thao túng quyền lực của ông tại Bộ Công an.
Nghĩa là, phải nhốt Tô Lâm trong chiếc "lồng quyền lực".
Yếu điểm trầm trọng của Tô Lâm là đã quá lạm quyền, bành trướng thế và lực của Bộ Công an một cách quá mức. Điều đó đã khiến cho ông không nhận được sự ủng hộ của số đông lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, cũng như số đông đại biểu quốc hội. Điều đó, như tác giả Gió Bấc khẳng định, "thế mạnh của Tô Đại tướng nằm ở thực quyền chứ không phải phe cánh, nên chiến thắng là khá mong manh".
Trà My
****************************
Kết thúc Hội nghị Trung ương 9, thắng bại chưa rõ ?
Thái Hà, Thoibao.de, 19/05/2024
Sáng ngày 18/5, Hội nghị Trung ương 9 bế mạc. Báo chí quốc doanh đưa tin : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét, và thống nhất cao, về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024".
Nguyễn Phú Trọng cùng những cấp lãnh đạo chủ chốt trong Đảng cộng sản Việt Nam sau Hội nghi Trung ương 9
Tuy nhiên, tên tuổi của tân Chủ tịch nước và tân Chủ tịch Quốc hội là ai, thì vẫn chưa được công bố. Buổi chiều cùng ngày, báo chí đã công bố ông Tô Lâm sẽ là Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn sẽ là Chủ tịch Quốc hội.
Có lẽ, do các bên đấu đá nhau tranh vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, kéo theo vị trí Chủ tịch nước xảy ra giằng co giữa các bên. Nhưng cuối cùng, các bên cũng đã ngã giá xong.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng với Việt Nam, vì họ lo lắng về một thời kỳ bất ổn chính trị. Nếu các bên vẫn còn tiếp tục đấu đá, đến mức không thể tìm được tiếng nói chung, thì đấy là hành động xua đuổi các nguồn vốn từ nước ngoài. Càng khủng hoảng chính trị thượng tầng, thì kinh tế Việt Nam càng điêu đứng.
Việc mà Ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ cần làm hiện nay, là phải lấy lại niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài, để hạn chế tình trạng chảy máu vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay. Tuy nhiên, với tư duy và sức khỏe của ông Trọng, với tình trạng đấu đá "anh chết – tôi sống" trong Bộ Chính trị, thì khó có thể làm được.
Ông Trọng đã không còn đủ khả năng để kiểm soát Tô Lâm, thì làm sao ông có thể thực hiện được vai trò giữ ổn định chính trị cho Việt Nam ? Hơn nữa, bản thân ông đã tạo ra tiền lệ xấu, khi không tôn trọng luật pháp, luật Đảng – thì chính ông là mầm loạn. Bởi không một nơi nào luật lệ không được tôn trọng, mà lại có được sự ổn định.
Kết quả ông Tô Lâm phải ngồi ghế Chủ tịch nước, và việc chọn Bộ trưởng Bộ Công an, dù có thế nào đi chăng nữa, thì cuộc đấu đá vẫn sẽ tiếp diễn, và sẽ diễn biến còn phức tạp hơn, gay cấn hơn, trong thời gian tới. Chỉ có 2 kịch bản :
Thứ nhất, ông Tổng ép Tô Lâm lên ghế Chủ tịch nước và chặn không cho nhóm Hưng Yên nắm Bộ Công an ;
Thứ hai, để Tô Lâm nắm ghế Chủ tịch nước và chấp nhận việc bố trí cho đàn em Tô Lâm nắm Bộ Công an.
Nếu khả năng thứ nhất xảy ra, thì đấy là thắng lợi cho phe ông Tổng. Sau đó, ông còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, dần dần cắt sạch vây cánh của Tô Lâm, và cuối cùng thì ra tay với Tô Lâm. Mà việc ra tay với một Chủ tịch nước, thì cũng sẽ tiếp tục gây ra khủng hoảng chính trị.
Với khả năng thứ nhì, Tô Lâm lên Chủ tịch nước, đồng thời đưa được đàn em lên nắm Bộ Công an. Trong trường hợp này, Tô Lâm sẽ làm chủ cuộc chơi tiếp theo, và người rơi vào thế phải chống đỡ, lại là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hãy đợi xem, Bộ Chính trị sẽ chọn ai thay thế cho Tô Lâm. Bên nào thắng, bên nào bại, thì sẽ rõ sau một vài ngày tới.
Thái Hà
****************************
Tổng Trọng già nua bệnh tật, vẫn phải chiến đấu chống Tô tới "hơi thở cuối cùng" ?
Trần Chương, Thoibao.de, 19/05/2024
Ở tuổi 80, sức khỏe đã dần cạn kiệt và bệnh tật đầy mình. Nhưng dường như, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa chịu dừng cuộc chơi, cho dù, sự tham quyền cố vị của ông đã khiến thuộc hạ từng thân cận với ông một thời, đã nổi lên tạo phản.
Sáng ngày 18/5/2024, ông Nguyễn Phú Trọng họp cùng với các thành viên Ban lãnh đạo chủ chốt tại Văn phòng Trung ương Đảng
Ông Trọng không chỉ có tham vọng bám ghế lâu dài. Ông còn có tham vọng đồng phục hóa toàn Đảng, nghĩa là, ông muốn toàn Đảng trở thành một phe duy nhất – đó là "phe lò" do chính ông cầm đầu. Đó cũng là lý do, tại sao ông lại dựng lên "cái lò vĩ đại", để đốt hết "đồng chí" này đến "đồng chí" khác.
Ông dựng lò để thanh lọc hết thành phần mà ông không thích. Nhưng vì bản chất tham quyền cố vị, muốn ngồi lì trên đỉnh cao quyền lực, mà thuộc hạ đã dần dần tách ra khỏi phe của ông, thậm chí trở thành kẻ thù.
Tô Lâm chỉ là trường hợp nổi trội nhất. Còn những người chưa thể hiện ra mặt, nhưng bực bội trong lòng thì rất nhiều. Nếu ông Trọng có thể diệt được Tô Lâm, thì cũng sẽ có người khác làm phản tiếp. Cho nên, ông Trọng sẽ không thể đồng phục được toàn Đảng.
Đã trải qua 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cảm thấy chưa đủ. Giờ đây, với sức khỏe yếu kém, ông lại phải "ngự giá thân chinh" để dẹp loạn. Mà mầm loạn lại từ ông mà ra. Chính ông đã nuôi dưỡng Tô Lâm, cho Tô Lâm quyền lực quá lớn, và cũng chính ông bám ghế quá lâu, khiến Tô Lâm mất hết kiên nhẫn, thế là nổi loạn.
Lẽ ra, Hội nghị Trung ương 9 là kỳ họp chuẩn bị một phần cho Đại hội 14, sẽ diễn ra sau gần 20 tháng nữa, nhưng Hội nghị này đã bị đổi hướng. Thay vì bàn chuyện tương lai, Trung ương Đảng giờ đây chỉ tập trung gỡ rối, giải quyết những việc mà Tô Lâm đã gây ra trước đó. Có khả năng, kết thúc Hội nghị Trung ương 9 mà việc ổn định giữa các phe phái vẫn chưa xong.
Cho đến nay, Bộ Chính trị đã rụng hết 6 người, mà tại Hội nghị Trung ương 9 chỉ mới bầu bổ sung được 4 người. Hiện, Bộ Chính trị vẫn đang thiếu 2 nhân sự. Nguyên nhân được cho là, do các bênh ngã giá vẫn chưa xong.
Với 2 vị trí trống này, Tô Lâm muốn đưa người của Bộ Công an vào, và Phạm Minh Chính cũng muốn đưa người của Chính phủ vào. Trong khi đó, sau khi đưa được 4 người của Ban Bí thư vào Bộ Chính trị, thì ông Trọng không muốn cho bất cứ phe nào được bổ sung thêm. Hiện nay, Ban Bí thư của ông Trọng có 8 ủy viên Bộ Chính trị, chiếm phân nửa Bộ này, và chiếm ưu thế tuyệt đối so với các phe. Nếu mở cửa cho bên Công an hay Chính phủ, quyền lực của phe ông Tổng sẽ giảm đi.
Sự thật là, ông Trọng đã nỗ lực rào lại Bộ Chính trị, với con số 16, mục đích là không để cho phe Tô Lâm có thể củng cố lực lượng. Tuy nhiên, ông Trọng có thành công hay không, vẫn phải đợi đến kỳ họp Quốc hội sau 2 ngày nữa, và cùng với việc công bố nhân sự mới cho Bộ Công an của tân Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.
Nội loạn nổi lên ở thượng tầng chính trị, có nguyên nhân sâu xa từ sự tham quyền cố vị của Tổng Trọng. Dù sức khỏe yếu với bệnh tật đầy mình, nhưng ông Trọng vẫn phải gồng lên, vất vả chống đỡ và đánh trả Tô Lâm.
Nếu ông Trọng bại, Tô Lâm sẽ giải quyết ông ; nếu ông thắng, thì liệu ông còn có thể ngồi được bao lâu nữa, với tuổi tác và sức khỏe như vậy ?
Ông Trọng đang chiến đấu chống lại Tô Lâm đến "hơi thở cuối cùng". Nhưng e rằng, hơi thở cuối cùng của ông có thể đến trước cả thời điểm mà Tô Lâm từ bỏ quyền lực. Lúc đó, mọi nỗ lực của ông sẽ trở thành "công cốc", bởi ngày khi ông tàn hơi, "cái lò" của ông sẽ rơi vào tay kẻ thù, và lúc đó, những đồ đệ của ông sẽ phải chịu trận.
Nguyễn Phú Trọng càng cố chứng tỏ sức mạnh, thì chính trị Việt Nam càng loạn.
Trần Chương
****************************
Tô Lâm vẫn đang sắp đặt người kế nhiệm
Tin nội chính, Thoibao.de, 19/05/2024
Một nguồn tin nội bộ cho biết :
Trong Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, cả 4 người được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị đều là người thuộc phe của ông Trọng, ủng hộ công cuộc "đốt lò" của ông.
Tô Lâm muốn đưa 2 đệ của mình, Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang, vào Bộ Chính trị, một điều kiện nhất thiết phải có để trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, thay thế ông.
Nhưng tại cuộc họp của Bộ Chính trị trước Hội nghị Trung ương 9, cả 2 Quang và Ngọc đều nhận được rất ít phiếu đồng ý, không quá bán, nên trượt.
Trước đó tại Bộ Công an, cả hai Ngọc và Quang đều nhận được số phiếu rất cao đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.
Tô Lâm đưa ra 2 người để người này trượt thì còn người kia, nhưng bất ngờ cả 2 đều trượt.
Đó chính là nguyên do tại sao Tô Lâm sẽ làm Chủ tịch nước và kiêm nhiệm luôn chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an trong một thời gian ngắn để sắp đặt người kế nhiệm.
Như vậy cuộc hỗn chiến giữa các phe nhóm vẫn còn tiếp diễn.
Tin nội chính
Nguồn : Thoibao.de, 19/05/2024
Trung ương Đảng ra một số quyết định về nhân sự để kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 ‘bấm nút’. Sau đợt ma-ra-tông này, cuộc sống mái giữa các phe phái ở Ba Đình liệu có giảm bớt ?
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 10/8/2022. Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ngày 18/05/2024 vừa giới thiệu nhân vật này để được bầu vào vị trí Chủ tịch nước.
‘Xáo bài’ hay ‘Điệu hổ ly sơn’ ?
Trước khi Hội nghị, Bộ Chính trị đã báo cáo Ban Chấp hành trung ương về quyết định phân công Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tham gia Ban Bí thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí thư ; cử Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương giữ thêm chức vụ Trưởng ban Tổ chức.
Đảng cũng bầu bổ sung Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Tưởng ban Tuyên giáo trung ương ; Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức, Chánh Văn phòng trung ương ; Bùi Thị Minh Hoài, Trưởng ban Dân vận và Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Mặt trận vào Bộ Chính trị (1).Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ‘xáo lại các quân bài’. Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa, Lê Minh Hưng vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị, chứ không phải bổ sung một tướng Công an, cho thấy tương quan giữa quân đội và công an cân bằng hơn trước đây. Cùng với Đại tướng Phan Văn Giang, ông Tổngbí thư vẫn duy trì được ê kíp thân tín (Bộ tứ Giang – Cường – Nghĩa – Hưng). Tô Lâm nhận ghế Chủ tịch nước (Phúc, Quang, Thưởng đều ngã ngựa từ chiếc ghế này) là do cần phải có điều kiện để được hưởng ‘suất đặc biệt’ (giúp lách tuổi) mà ngồi lại sau Đại hội 14.
Rời Bộ Công an lúc này còn có thể do thế của Tô Lâm giờ đây không còn như đầu năm ngoái. ‘Hổ về đồng bằng’ liệu nanh vuốt sẽ ‘bị bào mòn’ tiếp ? Điều này tùy vào việc ai sẽ được chọn thay ông và người này ngồi ghế ấy bao lâu ? Người ấy từ Bộ Công an lên hay từ ngoài Bộ vào ? Nhân vật ấy có thể ‘phá vây’, mà cũng có thể ‘bao vây’ Tô Lâm. Tô đại tướng chưa nhậm chức Chủ tịch nước mà cả tuần nay đã có hàng loạt tin tức bất lợi lan truyền trên mạng xã hội, với nội dung dường nhưcó ‘bàn tay vô hình’ tập hợp các vụ này nhắm vào ông !
Cuộc ‘đảo lại các quân cờ’ nói trên của Tổng bí thư có nguy cơ ‘trăm dâu đổ đầu tằm’. Bởi vì, cho đến nay, dư luận vẫn không tin rằng tất cả các vụ sau đây đều lỗi một mình Tô đại tướng : Vụ tập kích thôn Hoành, Đồng Tâm (Hà Nội) lúc 3 giờ sáng ngày 9/1/2020 ; vụ ký 3 công văn ‘Mật’ nâng khống giá trị của hợp đồng chuyển nhượng liên quan đến AVG ; và vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức.
Tất cả, sao không để Chủ tịchtân cử nhậm chức xong hẵng nhắc lại mọi chuyện cho đỡ bất tiện. Sắp tới lại là lúc ‘quan trên trông xuống người ta trông vào’, dù giễu nhại ấy xuất phát từ thời ‘bít-tết dát vàng’ ở London. Dẫu sao cũng khó đổ mọi chuyện lên đầu tân Chủ tịch ?
‘Độc tài mềm’ hay dân chủ hóa ?
Có lẽ chưa lúc nào cả nội trị lẫn ngoại giao của Việt Nam khó khăn như những ngày này. Kinh tế và xã hội bết bát, việc Mỹ xóa nhãn ‘kinh tế phi thị trường’ vẫn bấp bênh. Trung Quốc ‘sát ván’ với Philippines là cũng nhằm để ‘dằn mặt’ Việt Nam. Đu giây giữa trật tự Mỹ (Đối tác chiến lược toàn diện/CSP) và trật tự Trung Hoa (Cộng đồng chung vận mệnh/CCD) là thách thức lớn về đối ngoại hiện nay. Cha con Hun Sen đang gợi lại những khó khăn trong quá khứ, tuy thời đại FOIP và AUKUS, Việt Nam không đơn độc như trước. Đảng cộng sản Việt Nam và Đảng cộng sản Trung Quốc tự xưng là anh em, nhưng thỏa thuận về các cuộc họp hai năm một lần trong chuyến công du của "Huệ Vương" là để người em báo cáo những vấn đề nội chính của mình cho người anh giám sát. Thỏa thuận liên quan đến chuyện ‘hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp trên các diễn đàn quốc tế’, có nghĩa là, việc bỏ phiếu của Hà Nội tại Liên Hiệp Quốc và các diễn đàn toàn cầu, từ này răm rắp theo ‘chỉ lệnh’ Bắc Kinh. Ngày 9/4/2024, trong cuộc hội kiến giữa ông Huệ với Vương Hộ Ninh, ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Ninh nhắc ông Huệ về việc phải xây dựng và bảo vệ các công trình hữu nghị Trung – Việt truyền thống, kế t nối hạ tầng giao thông, xây dựng cửa khẩu thông minh, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mới, khoáng sản then chốt… (2).
Dưới những áp lực kể trên, nay là dịp người dân trong nước ‘thấu thị’ bản chất của thể chế không phải do họ tự lựa chọn. Trong thời gian ngắn kỷ lục, hai Chủ tịch nước, một Chủ tịch quốc hội, một nữ lưu có danh tiếng là ‘trong sạch nhất’ Bộ Chính trị – bà Trương Thị Mai, người cùng lúc giữ hai ghế quan trọng là Trưởng ban Tổ chức và Thường trực Ban Bí thư – bị ép cáo quan về quê. Người dân ‘thấu thị’, tuy không biết ất giáp chuyện gì đằng sau ‘những bức tường tre’ kín mít ở Ba Đình. Ngay cả Hội nghị lần thứ 9 này cũng là ‘bí mật quốc gia’. Gần cả ngàn tờ báo dân phải bỏ tiền ra nuôi, cũng nhất nhất chỉ được đăng lại ‘lời vàng ý ngọc’ của người phát ngôn Bộ Công an, mỗi khi liên quan đến các đại án của ‘các đại quan trong triều’.Trong một không gian nghẹt thở như thế, Hội luận thứ Năm hàng tuầncủa VOA vẫn nghị bàn về bước ngoặt dân chủ hóa của Việt Nam trong tương lai thì phải nói, những người tham gia Chương trình thật đáng khích lệ về tinh thần ‘lạc quan lịch sử’ (3). Lịch sử luôn có khúc quanh bất ngờ, khó có thể dự đoán chắc chắn điều gì sẽ xẩy ra. Thế ‘cùng tắc biến’ liệu có kịp ‘thông’ hay sẽ ‘vỡ trận’ vẫn là những khả năng tiềm ẩn ?
Việt Nam mất khoảng 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong ba năm qua và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính (10). Trung ương 9 chưa mở ra bước ngoặt nào ! Sự thâu tóm quyền lực giữa các phe phái không loại trừ nguy cơ dẫn đến cát cứ. Ý chí tại vị của Tổng bí thư sau Đại hội 14 không suy suyển, dù tuổi cao, sức yếu. Những ‘trụ’ trẻ khỏe hơn có tiếp tục rơi rụng ? Liệu có thể loại hết ‘các đồng chí bị lộ’ còn ‘các đồng chí chưa bị lộ’ có xứng đáng ngồi ở ghế quan tòa để phán xử ? Các quy định về tổ chức, cơ cấu độ tuổi, vùng miền, về lý lịch xuất thân, học vấn ... tất yếu sẽ xung đột khiến cho quá trình bình chọn của Đảng đi vào thế bế tắc. Cuộc sống mái giữa các phe phái ở Ba Đình vẫn chưa thể giảm bớt. Mà rối loạn càng tăng, đấu đá càng kéo dài dễ dẫn đến vỡ trận, mất kiểm soát về mọi mặt, dễ bị thế lực ngoại bang thao túng. Sự dàn xếp mang tính thỏa hiệp với quá nhiều xung đột khiến các giải pháp kém chất lượng và dẫn đến hệ thống dễ sụp đổ.Tại Hội luận của VOA ngày 17/5 có ý kiến nêu lên khả năng chế độ độc tài có thể chuyển sang ‘độc tài mềm’, bớt sắt máu và công an trị. Từ đó, với ý thức và ý chí mạnh mẽ của người dân, một tiến trình ‘dân chủ hóa’ có thể bắt rễ trong tương lai. Đây là niềm hy vọng hay chỉ là ảo tưởng ? Chỉ có lịch sử phiêu du mới có thể trả lời !(4)
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 18/05/2024
Tham khảo :
(2) https://www.rangdongonline.com/2024/05/15/vuong-dinh-hue-ky-ket-voi-tq/
(3) https://www.voatiengviet.com/a/7615276.html?withmediaplayer=1