Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/05/2024

Trung ương 9 kết thúc nhưng hỗn chiến giữa các phe chưa chấm dứt

Trà My - Thái Hà - Trần Chương

Hội nghị Trung ương 9 cực kỳ căng thẳng : Số phận Tô Đại sẽ ra sao ?

Trà My, Thoibao.de, 19/05/2024

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ 16 đến 18/5.

hoinghi1

Thành phần Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9

Đây là một Hội nghị thường niên của Đảng, tuy nhiên, lại được sử dụng để bố trí, bổ sung các vị trí nhân sự chủ chốt trong Đảng, bị "rơi rụng" với cùng một lý do : tham nhũng.

Đến một nhân vật vốn được cho là "trong sạch", như bà Trương Thị Mai – nhân vật lãnh đạo số 5 của Đảng, vẫn phải từ chức vì "vi phạm những điều đảng viên không được làm".

Chúng ta có thể khẳng định một cách chắc chắn – như "đinh đóng cột", rằng, toàn bộ lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đều là những kẻ ăn cắp. Lãnh đạo cấp càng cao thì ăn cắp càng khỏe, càng táo tợn.

Trớ trêu thay, Đảng cộng sản Việt Nam lại là lực lượng chính trị độc tôn, duy nhất hợp pháp, được bảo kê bằng Điều 4 Hiến pháp Việt Nam. Theo đó, Đảng là "lực lượng lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội".

Giới quan sát đã đưa ra đánh giá rằng, chỉ trong vòng 39 tháng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 đã họp tới 16 lần, gần gấp đôi so với thường lệ. Trong đó, 7/16 lần là hội nghị bất thường, để giải quyết vấn đề xử lý kỷ luật lãnh đạo. Quốc hội khóa 15 cũng tương tự, để phù hợp với chế độ Đảng cử và Quốc hội phê chuẩn.

Kết thúc Hội nghị Trung ương 9, nhân vật sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước đã lộ diện – đó là đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nhân vật ngồi ghế Chủ tịch Quốc hội là ông Trần Thanh Mẫn – người đang tạm điều hành Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ, ai sẽ lên thay ông Tô Lâm trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công an.

Lâu nay, giới chóp bu Việt Nam vẫn lan truyền câu : "Ai làm Tổng bí thư cũng được, nhưng dứt khoát không phải là Bộ trưởng Công an Tô Lâm !".

Slogan này làm người ta liên tưởng đến một slogan trong quá khứ : "Ai làm Tổng bí thư cũng được, nhưng dứt khoát không phải là Ba Dũng". Slogan này cùng với quyết tâm của Tổng Trọng và đàn em, có thêm sự chống lưng của Bắc Kinh, đã giúp ông Trọng và phe cánh thành công tại Đại hội 12.

Một số ý kiến cho rằng, Bộ trưởng Tô Lâm đòi phải được quyền lựa chọn nhân sự kế nhiệm cho ghế Bộ trưởng Bộ Công an, thì mới chịu nhận ghế Chủ tịch nước, trước sức ép của tập thể Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, đây là ý kiến không có cơ sở. Tại sao lại nói như vậy ?

Trở lại sự kiện bà Trương Thị Mai bị buộc phải từ chức – được đánh giá là cơn địa chấn chính trị thứ 3 tại Việt Nam, tiếp theo các vụ mất chức của Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Bà Mai là Thường trực Ban Bí thư, chức vụ được đánh giá là "Phó Tổng bí thư" – nhân vật số 5, chỉ đứng sau "Tứ trụ".

Có nghĩa là, trong 5 nhân sự cao cấp nhất, Bộ trưởng Tô Lâm đã thịt mất 3. Cả 3 người này đều là những nhân vật thân cận và gần gũi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều trớ trêu là, mục tiêu tiếp theo của Tô Lâm lại không phải là nhân vật "gai góc’ – Phạm Minh Chính. Mà Tô Lâm lại nhắm đến việc ‘hốt" tiếp Tổng Trọng.

Blogger Gió Bấc trong bài bình luận, "Hội nghị Trung ương 9, cuộc sống mái giữa các phe nhóm ?", đã đưa ra nhận xét :

"Cái khó hiện là Tô Đại tướng đốn củi quá hăng, cổ thụ tươi xanh cũng thành củi lớn, lửa đang phừng phừng làm chủ lò suýt bị cháy râu, cháy áo. Để Tô Đại tướng thêm vi thêm cánh, quyền lực độc tôn, có khi, đến lượt chủ lò cũng thành củi".

Chính vì vậy, theo tác giả Gió Bấc, cần thời gian để hạ thấp uy phong, xây dựng lực lượng liên hoành hợp tung, trước khi bày bát quái trận đồ Hội nghị Trung ương 9.

Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao, trận tiến công cuối cùng của Bộ Công an vào hang ổ của Tổng bí thư đã bị chặn đứng. Vì Tô Lâm đã hiện nguyên hình là một "quái vật" khổng lồ, khiến ông Trọng thất kinh. Và một Nghị quyết tập thể của Bộ Chính trị lập tức được đưa ra, ép Tô Lâm phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước, đồng thời chặn đứng sự thao túng quyền lực của ông tại Bộ Công an.

Nghĩa là, phải nhốt Tô Lâm trong chiếc "lồng quyền lực".

Yếu điểm trầm trọng của Tô Lâm là đã quá lạm quyền, bành trướng thế và lực của Bộ Công an một cách quá mức. Điều đó đã khiến cho ông không nhận được sự ủng hộ của số đông lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, cũng như số đông đại biểu quốc hội. Điều đó, như tác giả Gió Bấc khẳng định, "thế mạnh của Tô Đại tướng nằm ở thực quyền chứ không phải phe cánh, nên chiến thắng là khá mong manh".

Trà My

****************************

Kết thúc Hội nghị Trung ương 9, thắng bại chưa rõ ?

Thái Hà, Thoibao.de, 19/05/2024

Sáng ngày 18/5, Hội nghị Trung ương 9 bế mạc. Báo chí quốc doanh đưa tin : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương đã dân chủ thảo luận, kỹ lưỡng xem xét, và thống nhất cao, về phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, để Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024".

hoinghi2

Nguyễn Phú Trọng cùng những cấp lãnh đạo chủ chốt trong Đảng cộng sản Việt Nam sau Hội nghi Trung ương 9

Tuy nhiên, tên tuổi của tân Chủ tịch nước và tân Chủ tịch Quốc hội là ai, thì vẫn chưa được công bố. Buổi chiều cùng ngày, báo chí đã công bố ông Tô Lâm sẽ là Chủ tịch nước và ông Trần Thanh Mẫn sẽ là Chủ tịch Quốc hội.

Có lẽ, do các bên đấu đá nhau tranh vị trí Bộ trưởng Bộ Công an, kéo theo vị trí Chủ tịch nước xảy ra giằng co giữa các bên. Nhưng cuối cùng, các bên cũng đã ngã giá xong.

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng với Việt Nam, vì họ lo lắng về một thời kỳ bất ổn chính trị. Nếu các bên vẫn còn tiếp tục đấu đá, đến mức không thể tìm được tiếng nói chung, thì đấy là hành động xua đuổi các nguồn vốn từ nước ngoài. Càng khủng hoảng chính trị thượng tầng, thì kinh tế Việt Nam càng điêu đứng.

Việc mà Ban lãnh đạo Đảng và Chính phủ cần làm hiện nay, là phải lấy lại niềm tin với các nhà đầu tư nước ngoài, để hạn chế tình trạng chảy máu vốn đầu tư nước ngoài như hiện nay. Tuy nhiên, với tư duy và sức khỏe của ông Trọng, với tình trạng đấu đá "anh chết – tôi sống" trong Bộ Chính trị, thì khó có thể làm được.

Ông Trọng đã không còn đủ khả năng để kiểm soát Tô Lâm, thì làm sao ông có thể thực hiện được vai trò giữ ổn định chính trị cho Việt Nam ? Hơn nữa, bản thân ông đã tạo ra tiền lệ xấu, khi không tôn trọng luật pháp, luật Đảng – thì chính ông là mầm loạn. Bởi không một nơi nào luật lệ không được tôn trọng, mà lại có được sự ổn định.

Kết quả ông Tô Lâm phải ngồi ghế Chủ tịch nước, và việc chọn Bộ trưởng Bộ Công an, dù có thế nào đi chăng nữa, thì cuộc đấu đá vẫn sẽ tiếp diễn, và sẽ diễn biến còn phức tạp hơn, gay cấn hơn, trong thời gian tới. Chỉ có 2 kịch bản :

Thứ nhất, ông Tổng ép Tô Lâm lên ghế Chủ tịch nước và chặn không cho nhóm Hưng Yên nắm Bộ Công an ;

Thứ hai, để Tô Lâm nắm ghế Chủ tịch nước và chấp nhận việc bố trí cho đàn em Tô Lâm nắm Bộ Công an.

Nếu khả năng thứ nhất xảy ra, thì đấy là thắng lợi cho phe ông Tổng. Sau đó, ông còn rất nhiều việc phải làm. Đó là, dần dần cắt sạch vây cánh của Tô Lâm, và cuối cùng thì ra tay với Tô Lâm. Mà việc ra tay với một Chủ tịch nước, thì cũng sẽ tiếp tục gây ra khủng hoảng chính trị.

Với khả năng thứ nhì, Tô Lâm lên Chủ tịch nước, đồng thời đưa được đàn em lên nắm Bộ Công an. Trong trường hợp này, Tô Lâm sẽ làm chủ cuộc chơi tiếp theo, và người rơi vào thế phải chống đỡ, lại là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hãy đợi xem, Bộ Chính trị sẽ chọn ai thay thế cho Tô Lâm. Bên nào thắng, bên nào bại, thì sẽ rõ sau một vài ngày tới.

Thái Hà

****************************

Tổng Trọng già nua bệnh tật, vẫn phải chiến đấu chống Tô tới "hơi thở cuối cùng" ?

Trần Chương, Thoibao.de, 19/05/2024

Ở tuổi 80, sức khỏe đã dần cạn kiệt và bệnh tật đầy mình. Nhưng dường như, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa chịu dừng cuộc chơi, cho dù, sự tham quyền cố vị của ông đã khiến thuộc hạ từng thân cận với ông một thời, đã nổi lên tạo phản.

hoinghi3

Sáng ngày 18/5/2024, ông Nguyễn Phú Trọng họp cùng với các thành viên Ban lãnh đạo chủ chốt tại Văn phòng Trung ương Đảng

Ông Trọng không chỉ có tham vọng bám ghế lâu dài. Ông còn có tham vọng đồng phục hóa toàn Đảng, nghĩa là, ông muốn toàn Đảng trở thành một phe duy nhất – đó là "phe lò" do chính ông cầm đầu. Đó cũng là lý do, tại sao ông lại dựng lên "cái lò vĩ đại", để đốt hết "đồng chí" này đến "đồng chí" khác.

Ông dựng lò để thanh lọc hết thành phần mà ông không thích. Nhưng vì bản chất tham quyền cố vị, muốn ngồi lì trên đỉnh cao quyền lực, mà thuộc hạ đã dần dần tách ra khỏi phe của ông, thậm chí trở thành kẻ thù.

Tô Lâm chỉ là trường hợp nổi trội nhất. Còn những người chưa thể hiện ra mặt, nhưng bực bội trong lòng thì rất nhiều. Nếu ông Trọng có thể diệt được Tô Lâm, thì cũng sẽ có người khác làm phản tiếp. Cho nên, ông Trọng sẽ không thể đồng phục được toàn Đảng.

Đã trải qua 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn cảm thấy chưa đủ. Giờ đây, với sức khỏe yếu kém, ông lại phải "ngự giá thân chinh" để dẹp loạn. Mà mầm loạn lại từ ông mà ra. Chính ông đã nuôi dưỡng Tô Lâm, cho Tô Lâm quyền lực quá lớn, và cũng chính ông bám ghế quá lâu, khiến Tô Lâm mất hết kiên nhẫn, thế là nổi loạn.

Lẽ ra, Hội nghị Trung ương 9 là kỳ họp chuẩn bị một phần cho Đại hội 14, sẽ diễn ra sau gần 20 tháng nữa, nhưng Hội nghị này đã bị đổi hướng. Thay vì bàn chuyện tương lai, Trung ương Đảng giờ đây chỉ tập trung gỡ rối, giải quyết những việc mà Tô Lâm đã gây ra trước đó. Có khả năng, kết thúc Hội nghị Trung ương 9 mà việc ổn định giữa các phe phái vẫn chưa xong.

Cho đến nay, Bộ Chính trị đã rụng hết 6 người, mà tại Hội nghị Trung ương 9 chỉ mới bầu bổ sung được 4 người. Hiện, Bộ Chính trị vẫn đang thiếu 2 nhân sự. Nguyên nhân được cho là, do các bênh ngã giá vẫn chưa xong.

Với 2 vị trí trống này, Tô Lâm muốn đưa người của Bộ Công an vào, và Phạm Minh Chính cũng muốn đưa người của Chính phủ vào. Trong khi đó, sau khi đưa được 4 người của Ban Bí thư vào Bộ Chính trị, thì ông Trọng không muốn cho bất cứ phe nào được bổ sung thêm. Hiện nay, Ban Bí thư của ông Trọng có 8 ủy viên Bộ Chính trị, chiếm phân nửa Bộ này, và chiếm ưu thế tuyệt đối so với các phe. Nếu mở cửa cho bên Công an hay Chính phủ, quyền lực của phe ông Tổng sẽ giảm đi.

Sự thật là, ông Trọng đã nỗ lực rào lại Bộ Chính trị, với con số 16, mục đích là không để cho phe Tô Lâm có thể củng cố lực lượng. Tuy nhiên, ông Trọng có thành công hay không, vẫn phải đợi đến kỳ họp Quốc hội sau 2 ngày nữa, và cùng với việc công bố nhân sự mới cho Bộ Công an của tân Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.

Nội loạn nổi lên ở thượng tầng chính trị, có nguyên nhân sâu xa từ sự tham quyền cố vị của Tổng Trọng. Dù sức khỏe yếu với bệnh tật đầy mình, nhưng ông Trọng vẫn phải gồng lên, vất vả chống đỡ và đánh trả Tô Lâm.

Nếu ông Trọng bại, Tô Lâm sẽ giải quyết ông ; nếu ông thắng, thì liệu ông còn có thể ngồi được bao lâu nữa, với tuổi tác và sức khỏe như vậy ?

Ông Trọng đang chiến đấu chống lại Tô Lâm đến "hơi thở cuối cùng". Nhưng e rằng, hơi thở cuối cùng của ông có thể đến trước cả thời điểm mà Tô Lâm từ bỏ quyền lực. Lúc đó, mọi nỗ lực của ông sẽ trở thành "công cốc", bởi ngày khi ông tàn hơi, "cái lò" của ông sẽ rơi vào tay kẻ thù, và lúc đó, những đồ đệ của ông sẽ phải chịu trận.

Nguyễn Phú Trọng càng cố chứng tỏ sức mạnh, thì chính trị Việt Nam càng loạn.

Trần Chương

****************************

Tô Lâm vẫn đang sắp đặt người kế nhiệm 

Tin nội chính, Thoibao.de, 19/05/2024

Một nguồn tin nội bộ cho biết :

Trong Hội nghị Trung ương 9 vừa qua, cả 4 người được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị đều là người thuộc phe của ông Trọng, ủng hộ công cuộc "đốt lò" của ông.

Tô Lâm muốn đưa 2 đệ của mình, Nguyễn Duy Ngọc và Lương Tam Quang, vào Bộ Chính trị, một điều kiện nhất thiết phải có để trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, thay thế ông.

Nhưng tại cuộc họp của Bộ Chính trị trước Hội nghị Trung ương 9, cả 2 Quang và Ngọc đều nhận được rất ít phiếu đồng ý, không quá bán, nên trượt.

hoinghi4

Trước đó tại Bộ Công an, cả hai Ngọc và Quang đều nhận được số phiếu rất cao đề cử vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.

Tô Lâm đưa ra 2 người để người này trượt thì còn người kia, nhưng bất ngờ cả 2 đều trượt.

Đó chính là nguyên do tại sao Tô Lâm sẽ làm Chủ tịch nước và kiêm nhiệm luôn chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an trong một thời gian ngắn để sắp đặt người kế nhiệm.

Như vậy cuộc hỗn chiến giữa các phe nhóm vẫn còn tiếp diễn.

Tin nội chính

Nguồn : Thoibao.de, 19/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trà My, Thái Hà, Trần Chương
Read 229 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)