Scarborough : Philippines kêu gọi Trung Quốc để quốc tế điều tra tình trạng "phá hủy" hệ sinh thái
Trọng Thành, RFI, 20/05/2024
Bãi cạn Scarborough, Biển Đông, tiếp tục là tâm điểm căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc. Hôm nay, 20/05/2024, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Phillippines kêu gọi Bắc Kinh mở cửa cho quốc tế điều tra về cáo buộc tàn phá các hệ sinh thái tại bãi cạn Scarborough, khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cách đảo chính Luzon khoảng 200 km, và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc gần 900 km.
Bãi cạn Scarborough. Wikipedia
Kể từ tháng 09/2023, Trung Quốc đã kiểm soát một phần bãi cạn này, sau khi thiết lập một hàng rào nổi dài khoảng 400 mét để ngăn ngư dân Philippines tiếp cận khu vực bên trong bãi cạn. Theo AFP, trả lời báo giới, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Phillippines Jonathan Malaya khẳng định : "Nếu họ tự coi mình là người bảo vệ môi trường, họ nên mở cửa Bajo de Masinloc (tên người Philippines gọi bãi cạn Scarborough) cho các nhà quan sát quốc tế".
Hội đồng An ninh Quốc gia Philipinnes "kêu gọi các bên thứ ba, các nhóm bảo vệ môi trường hay bất kỳ tổ chức nào khác tiến hành tìm hiểu để xác định tình hình môi trường ở Bajo de Masinloc". Ông Malaya cho biết thêm là ngày càng có nhiều đồng thuận để chuẩn bị đệ đơn kiện mới chống Trung Quốc ra tòa án quốc tế, về các cáo buộc phá hủy các rạn san hô và đánh bắt trai khổng lồ, cùng nhiều hoạt động phá hoại môi trường khác ở Biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc từng ra một phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại phần lớn Biển Đông, bao gồm khu vực bãi cạn Scarborough.
Philippines tổ chức rầm rộ chuyến đi tiếp tế cho ngư dân gần Scarborough
Chính quyền Philippines dường như đang kiên quyết hơn trong việc bảo vệ quyền lợi quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông. Hôm 17/05 vừa qua, tổ chức phi chính phủ Atin Ito cho biết vừa thực hiện chuyến đi tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm cho 670 ngư dân hoạt động tại các khu vực sát với bãi cạn Scarborough. Quân đội Philippines đã huy động hai tàu hộ tống và nhiều phi cơ để bảo đảm an toàn cho 160 thành viên của chuyến đi, và các phóng viên trong nước và quốc tế tham gia theo dõi sự kiện này.
Theo người phát ngôn của Atin Ito, Emman Hizon, ngày 15/05 đoàn đã tiếp cận được với các ngư dân tại khu vực lân cận bãi cạn Scarborough, "bất chấp lực lượng tàu bè đông đảo và bất hợp pháp của Trung Quốc". Đại tá Xerxes Trinidad, phát ngôn viên Quân Đội Philippines, khẳng định chuyến đi này là một nỗ lực hòa bình nhằm chuyển đi một thông điệp quan trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc gia, bảo vệ quyền chủ quyền của Philippines tại Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Tư lệnh Tuần duyên Philippines, đô đốc Ronnie Gil Gavan, cũng ra một thông báo khen ngợi các hành xử "huyên nghiệp" của lực lượng tuần duyên làm nhiệm vụ hộ tống đoàn tiếp tế.
Trọng Thành
*****************************
Tổng thống Philippines tuyên bố sẽ mạnh mẽ bảo vệ lãnh thổ
Reuters, VOA, 18/05/2024
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ngày thứ Bảy nói nước này sẽ "mạnh mẽ bảo vệ những gì là của chúng tôi", nhắc đến những căng thẳng đang gia tăng với Trung Quốc về tranh chấp hàng hải.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr
Cách hành xử đối với những kẻ xâm nhập không tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Philippines sẽ được dẫn dắt bởi luật pháp và trách nhiệm trong tư cách là một thành viên tuân thủ luật lệ của cộng đồng quốc tế, ông Marcos nói trong bài phát biểu trước các học viên quân sự tốt nghiệp.
"Chúng ta sẽ mạnh mẽ bảo vệ những gì thuộc về chúng ta trước những kẻ xâm nhập không tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta", ông Marcos nói.
Ông không nêu tên những kẻ xâm nhập, nhưng Manila và Bắc Kinh đang trong một cuộc đối đầu leo thang ở Biển Đông, bao gồm việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng dẫn đến thương tích và thiệt hại tài sản, chiếu tia laser cấp quân sự vào các tàu Philippines và điều mà Philippines gọi là "những chuyển động nguy hiểm" trên tuyến đường thủy có tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi khối lượng thương mại bằng tàu biển trị giá 3 ngàn tỉ đôla đi qua hàng năm, bao gồm những phần được Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Tòa án Trọng tài Thường trực năm 2016 phán quyết các tuyên bố chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Nguồn : VOA, 18/05/2024
*****************************
Trung Quốc tăng cường giám sát sau khi tàu Philippines tiến vào vùng biển gần bãi cạn Scarborough
Reuters, VOA, 16/05/2024
Tân Hoa Xã đưa tin, lực lượng hải cảnh Trung Quốc hôm 16/5 đã "tăng cường giám sát tại thực địa và thu thập bằng chứng" sau khi các tàu Philippines "tập hợp trái phép" ở vùng biển gần bãi cạn Scarborough.
Lực lượng hải cảnh Trung Quốc trên chiếc thuyền bơm hơi theo dõi một tàu cá Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát vào tháng 2/2024 – Ảnh : AFP
Tân Hoa Xã cho biết thêm, lực lượng hải cảnh "kiểm soát" các tàu Philippines tại hiện trường "theo quy định của pháp luật".
Trung Quốc đã chiếm giữ bãi cạn này, trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, vào năm 2012 sau cuộc đối đầu với Philippines và kể từ đó đã duy trì việc triển khai liên tục lực lượng hải cảnh và tàu đánh cá.
Trước đó, một nhóm Philippines dẫn đầu sứ mệnh dân sự ở Biển Đông đã giao thực phẩm và nhiên liệu cho ngư dân Philippines bất chấp bị tàu Trung Quốc theo dõi, các quan chức của nhóm này cho biết hôm 16/5 và gọi đây là một "chiến thắng lớn".
Nhóm có tên gọi Atin Ito (Đây là của chúng tôi) cho biết rằng một đội gồm 10 thành viên đã tới Bãi cạn Scarborough một ngày trước khi đội tàu dân sự gồm 5 tàu thương mại và 100 tàu đánh cá nhỏ bắt đầu hành trình vào tháng 5.
"Sứ mệnh đã đạt được chiến thắng lớn khi đội tiên phong đến khu vực lân cận Bãi cạn Panatag vào ngày 15 tháng 5 (và) có thể cung cấp vật phẩm cho ngư dân trong khu vực", Emman Hizon, người phát ngôn của Atin Ito, nói và sử dụng tên địa phương đối với tên gọi quốc tế của Scarborough.
Nguồn : VOA, 16/05/2024