Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chọn bộ trưởng công an Tô Lâm làm tân chủ tịch nước
Thanh Phương, RFI, 18/05/2024
Theo báo chí trong nước, hôm nay, 18/05/2024, Văn phòng Trung ương đảng cộng sản Việt Nam thông báo quyết định chọn tướng Tô Lâm, bộ trưởng bộ Công an, ủy viên bộ Chính Trị, làm tân chủ tịch nước thay thế ông Võ Văn Thưởng, từ chức vào tháng 3 vừa qua.
Tướng Tô Lâm, bộ trưởng Công an Việt Nam cùng với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong một cuộc họp ngày 30/10/2020 tại Hà Nội, Việt Nam. Ngày 18/05/2024, ông Tô Lâm được "giới thiệu" làm chủ tịch nước. AP - Hoang Thong Nhat
Quyết định "giới thiệu" để Quốc hội bầu ông Tô Lâm làm chủ tịch nước, được đưa ra trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương sáng nay, trong đó tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng "đã làm việc với các lãnh đạo chủ chốt".
Hãng tin AFP nhắc lại, năm nay 66 tuổi, ông Tô Lâm đã giữ chức bộ trưởng Công an từ năm 2016 và vẫn thi hành chính sách cứng rắn đối với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Tô Lâm còn là Phó trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Theo Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, được AFP trích dẫn, ông Tô Lâm dùng các cuộc điều tra chống tham nhũng như một vũ khí để "hạ bệ một cách có hệ thống các đối thủ trong Bộ Chính trị, những người có đủ điều kiện trở thành tổng bí thư đảng". Ngoài thủ tướng Phạm Minh Chính, hiện chỉ còn ông Tô Lâm là có khả năng kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng".
Ngoài chức danh chủ tịch nước, Trung ương Đảng cũng đã "giới thiệu" ông Trần Thanh Mẫn, ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch thường trực Quốc hội vào chức chủ tịch Quốc hội, thay thế ông Vương Đình Huệ, đã từ chức vào tháng 4 vừa qua, cũng với lý do là đã có những "vi phạm, khuyết điểm", trong bối cảnh tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng khiến hàng loạt quan chức cao cấp mất chức.
Họp lại vào thứ hai tuần tới, 20/05, các đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ chính thức bầu tân chủ tịch nước và tân chủ tịch Quốc hội.
Thanh Phương
****************************
Với sự nổi lên của Tô Lâm, Bộ Chính trị bị an ninh hóa sâu sắc
Hoàng Anh, Thoibao.de, 18/05/2024
Ngày 16/5, RFA tiếng Việt đăng bài bình luận "Chính trị Việt Nam đang bị an ninh hóa sâu sắc hơn", của ông Zachary Abuza – Giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington.
Cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Bộ Công an với cán bộ, chiến sĩ Cục An ninh chính trị nội bộ ngày 12/07/2023 (TTXVN)
Tác giả cho rằng, rất nhiều sự chú ý đã tập trung vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm – người đã loại bỏ một loạt đối thủ chính trị, khi ông tìm cách trở thành Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Tác giả nhận xét, khả năng ông Lâm được cất nhắc vào vị trí cao hơn, khiến người ta đặt câu hỏi : Một công an chuyên nghiệp sẽ định hình/hoạch định các chính sách và nhân sự của Đảng như thế nào ?
Trong các cuộc bàn luận về chính trị tinh hoa của Việt Nam, vấn đề vị trí thống trị của Bộ Công an, thường không được nhắc tới. Trong khi, bộ máy an ninh Việt Nam rộng khắp, gần như bao trùm xã hội.
Theo tác giả, với việc bà Trương Thị Mai từ chức, Bộ Chính trị của Đảng hiện chỉ còn 12 người. Sự ra đi của một số nhà kỹ trị kinh tế đã khiến việc an ninh hóa Bộ Chính trị trở nên rõ ràng hơn.
Hiện có 5/12 ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ Công an, và 7/12 xuất thân từ các lực lượng vũ trang, nếu tính thêm cả 2 vị tướng quân đội.
Điều này, vẫn theo tác giả, phản ánh sự lo lắng của chế độ về các cuộc cách mạng màu và diễn biến hòa bình. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng bị thống trị bởi những người có phản ứng bản năng đối với bất cứ điều gì cũng là : Phải kiểm soát.
Điều tiếp theo là tầm quan trọng của Bộ Công an – với tư cách là phương tiện để thăng tiến chính trị.
Nhiều quan chức cấp cao đã có sự nghiệp lâu dài trong Bộ Công an trước khi được thuyên chuyển sang các vị trí Chính phủ và Đảng. Các trải nghiệm và kinh nghiệm có được trong lĩnh vực an ninh thường định hình thế giới quan của họ.
Một số quan chức xuất thân từ công an, có thể kể đến như :
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một công an chuyên nghiệp.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, từng là công an ở Tây Ninh trong 17 năm.
Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cũng là một cảnh sát chuyên nghiệp.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình từng là Thiếu tướng, với chức vụ cao nhất tại Bộ Công an là Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra.
Tác giả đánh giá, kể từ thời kỳ Đổi mới 1986 đến nay, Bộ Chính trị Việt Nam chưa bao giờ trở nên kém đa dạng đến vậy.
Nếu Bộ trưởng Tô Lâm được đề bạt làm Tổng bí thư, người thay thế ông cũng có thể sẽ được bầu vào Bộ Chính trị.
Tác giả bình luận, khối an ninh nhiều khả năng tiếp tục là một thuộc tính kéo dài của chính trị Việt Nam.
Điều này sẽ có tác động sâu sắc tới công chúng, và định hình mạng internet, truyền thông xã hội, xã hội dân sự và kinh tế của Việt Nam. Những người này nhìn mọi thứ qua lăng kính an ninh và sự sống còn của chế độ.
Tác giả nhắc đến việc nhà cầm quyền gần đây đã bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức của Bộ Lao động, đồng thời là một cựu công đoàn viên và cựu chuyên gia tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Ông đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua một công ước, cho phép thành lập các đoàn độc lập của người lao động.
Nhà cầm quyền cũng đang vận dụng các chiến thuật kiểu Trung Quốc : Ông Bình bị truy tố theo Điều 337 Bộ Luật Hình sự – một điều khoản hình sự hóa việc tiết lộ các thông tin mật.
Tác giả kết luận, đảm bảo an ninh chế độ và phát triển kinh tế cần đi đôi với nhau. Tăng trưởng kinh tế thường mang đến cho Đảng tính chính danh nhờ thành quả lãnh đạo. Nhưng trên thực tế, rất khó để đồng thời có được cả 2 thứ và nhu cầu an ninh sẽ chiến thắng sự thực dụng kinh tế.
Hoàng Anh
Nguồn : Thoibao.de, 18/05/2024
************************
‘Ổn định chính trị’ giá bao nhiêu ?
Trân Văn, VOA, 17/05/2024
Thêm một thành viên nữa của Bộ Chính trị được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 13 "nhất trí" cho "thôi" làm ủy viên của cả Bộ Chính trị lẫn Ban chấp hành trung ương khóa này (bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư)[1]. Do "nhất trí" chọn lầm, cử sai nên sau ba năm bốn tháng, Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 tiếp tục "nhất trí" cho một phần ba Ủy viên Bộ Chính trị (6/18 người) "thôi nhiệm vụ" lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam.
Từ trái : Thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (đã từ chức), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (đã từ chức). Hình chụp ngày 15/1/2024.
Điều đáng nói là sai lầm trong chọn, cử diễn ra liên tục nên phải luân phiên gật, lắc. Chỉ trong một năm thay hai Chủ tịch nước (Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng), ba Thường trực Ban Bí thư (Võ Văn Thưởng, Trương Thị Mai, Lương Cường), mới ba năm đã đổi Chủ tịch quốc hội (Vương Đình Huệ), song đến giờ, nhân sự đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội vẫn... khuyết, cùng chờ bổ sung do những cá nhân được chọn, cử giữ các vai trò này cùng có vấn đề gì đó về "trách nhiệm" !
Do vậy không ai dám chắc, sự "nhất trí" trong chọn, cử có lầm và sai nữa hay không ! Nếu các tin đồn lại đúng như đã từng rất đúng thì Ban chấp hành trung ương đảng khóa này sẽ còn phải họp nhiều lần nữa để "nhất trí" cho phần lớn Ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm, kể cả những Ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhiệm trọng trách phòng ngừa tham nhũng, xử lý tiêu cực, chỉnh đốn đảng "thôi" mọi thứ khi thời thế khiến các đương sự đột nhiên "nhận thức rõ trách nhiệm trước đảng và nhân dân" như sáu đồng đảng từng bị buộc hạ cánh !
***
Trong 40 tháng vừa qua, Ban chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ 13 họp 16 lần và 7/16 lần là họp bất thường để giải quyết vấn đề nhân sự. Nếu tính cả những lần họp chính thức phải đem vấn đề nhân sự ra bàn bạc, xử lý thì có tới 12/16 lần Ban chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ 13 tụ họp chỉ để loại bỏ cá nhân này, chọn cá nhân kia thay thế. Trung bình cứ hơn ba tháng lại có xáo trộn nhân sự trong đội ngũ mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam khẳng định là "tinh hoa" của dân tộc, của xứ sở !
Hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng lần thứ chín (16/5/2024 – 18/5/2024) vừa bổ sung bốn cá nhân vào Bộ Chính trị, thay cho sáu Ủy viên Bộ Chính trị đã được Ban chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ này "nhất trí" cho "thôi" mọi thứ. Cả bốn (Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh Hoài, Đỗ Văn Chiến) đều là thành viên Ban Bí thư của Ban chấp hành trung ương đảng khóa này. So với sĩ số lúc khởi đầu (18) thì vẫn còn khuyết hai. Với bốn cá nhân mới được bổ sung, liệu tính hình kinh tế - xã hội, tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc có khá hơn chăng ?
Câu trả lời là chẳng có gì chắc ! Khi Đảng cộng sản Việt Nam vẫn khăng khăng nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và 50% thành viên Bộ Chính trị xuất thân từ lực lượng chuyên dùng súng thì có thể hy vọng gì khác ? Trong 16 thành viên Bộ Chính trị đương nhiệm, có tám xuất thân từ lực lượng vũ trang.
Ông Phạm Minh Chính(Thủ tướng) có 27 năm khoác áo công an, (từng là Trung tướng Thứ trưởng Công an).Ông Lương Cường (Thường trực Ban Bí thư) vốn là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội.Ông Nguyễn Văn Nên (Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh), có 17 năm khoác áo công an (từng là Trưởng Công an huyện).Ông Phan Văn Giang hiện là Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng.Ông Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính) có 30 năm khoác áo công an (từng là Giám đốc Công an Nghệ An).Ông Tô Lâm hiện là Đại tướng Bộ trưởng Công an.Ông Nguyễn Hòa Bình (Chánh án Tòa án Tối cao) có 33 năm khoác áo công an (từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Cảnh sát). Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Trưởng ban Tuyên giáo) vốn là Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị quân đội.
Tám thành viên còn lại của Bộ Chính trị thì có hai chuyên về "lý luận xây dựng đảng và chủ nghĩa xã hội" (ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Thắng), phần lớn những thành viên còn lại, nếu không xuất thân từ các tổ chức mà dân chúng ví von là "cờ, đèn, kèn, trống" nhưông Trần Thanh Mẫn (cán bộ đoàn) thì gần như toàn bộ cuộc đời cũng gắn với các doanh nghiệp nhà nước và công tác đảng !
***
Không phải tự nhiên mà nhiều chuyên gia về Việt Nam đề cập đến "khủng hoảng nhân sự thượng tầng" và nguyên nhân không phải do Việt Nam thiếu những cá nhân đủ khả năng lãnh đạo quốc gia, dân tộc mà vì giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tự đặt định các tiêu chí sao cho việc lựa chọn, sắp đặt nhân sự có lợi nhất cho chính họ.
Những đòi hỏi kiểu nhưchỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên trong Quy định số 214-QĐ/trung ương của Ban chấp hành trung ương đảng khóa 12, ban hành cách nay bốn năm[2] được xem là nguyên nhân dẫn tới cuộc tàn sát các ứng cử viên của nhiệm kỳ tới. Chưa kể việc cố tình "sáng tạo" hàng loạt yêu cầu phi lý về quy hoạch nhân sự đang tạo ra một cuộc hôn nhân cận huyết về chính trị.
Nhân loại xem hôn nhân cận huyết không chỉ là hủ tục mà còn gây tổn hại nghiêm trọng cho xã hội bởi việc lựa chọn người phối ngẫu gần gũi về huyết thống sẽ tạo ra các thế hệ mắc nhiều bệnh bẩm sinh thuộc loại nan y, làm suy giảm chất lượng dân số, suy thoái giống nòi. Nhân danh "ổn định chính trị" để đặt định những quy định vô lối, lạc hậu trong lựa chọn, sắp đặt nhân sự lãnh đạo quốc gia, dân tộc không chỉ khiến Đảng cộng sản Việt Nam phải trả giá đắt về uy tín, cái gọi là "ổn định chính trị" ấy đã, đang và sẽ còn gieo rắc vô số tai họa cho xứ sở và nhấn dân tộc này sâu hơn vào lầm than. Tại sao hàng trăm triệu người phải hi sinh no ấm cho sự "ổn định" tương lai chính trị của một nhúm người ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/05/2024
Chú thích