Các thiết bị điện tử dân dụng từ các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đã tìm đường ra chiến trường.
Không thể tìm nguồn cung ứng các thành phần công nghệ quan trọng từ phương Tây do các lệnh trừng phạt, Nga đang mua lại công nghệ dân sự từ những người bán hàng trực tuyến của Trung Quốc và tái sử dụng nó cho chiến trường ở Ukraine. (Minh họa bởi Yoshiko Kawano)
Khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine hồi tháng 2/2022, các công ty phương Tây đã rút khỏi thị trường Nga. Nhưng nhiều công ty khác lại nhìn thấy cơ hội.
Hai tháng sau cuộc xâm lược, trong lúc Amazon, Apple, và những gã khổng lồ công nghệ khác của Mỹ đang bận rộn thoát khỏi Nga, Hank, một người bán linh kiện điện tử trực tuyến tại quê hương Trung Quốc của mình, đã đăng ký làm người bán trên Ozon.ru, một nền tảng thương mại điện tử của Nga.
Ông nói "Tôi nghe tin từ những người Trung Quốc bán linh kiện điện tử khác rằng một số công ty lớn như ASUS có thể rút lui khỏi thị trường Nga". Hank, người đã trò chuyện với Nikkei Asia dưới một cái tên giả, từng là một lập trình viên trước khi bắt đầu điều hành một doanh nghiệp bán linh kiện điện tử trực tuyến để hỗ trợ gia đình mình. Ông đã quyết định chuyển hướng sang thị trường Nga để tìm kiếm thêm lợi nhuận và không hề thất vọng.
Hank nói rằng nhu cầu từ Nga là cực lớn. Bị cắt khỏi các nhà cung cấp phương Tây, đất nước này cần được tiếp cận với linh kiện điện tử thiết yếu. Hank hoàn toàn có khả năng lấp đầy khoảng trống, sử dụng các mối quan hệ và mạng lưới mà ông đã xây dựng sau nhiều năm làm việc ở Trung Quốc.
Chẳng bao lâu sau, lợi nhuận của Hank ở Nga đã cao gấp ba lần so với ở quê nhà. Hank nói "Chúng tôi luôn có lượng khách hàng ổn định. Trong bốn hoặc năm tháng đầu tiên, lợi nhuận gộp của chúng tôi luôn cao hơn so với khi bán hàng trên các nền tảng Trung Quốc, vì thế chúng tôi rất có động lực". Hank giờ đây không còn bán hàng trên Ozon nữa, mà chuyển sang bán trực tiếp thông qua các nhà phân phối ở Nga để tiết kiệm tiền hoa hồng.
Ông thừa nhận một số sản phẩm mà mình bán cho Nga nằm trong "vùng xám" về mặt pháp lý. Mỹ và Liên minh Châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhằm ngăn chặn bất kỳ công ty nào thuộc hệ thống tài chính Châu Âu hoặc Mỹ cung cấp các sản phẩm công nghệ, bao gồm một số linh kiện máy tính hoặc chất bán dẫn, cho Nga.
Hank nói ông không nghĩ những thứ mình bán bị cấm một cách rõ ràng, và cũng không tin hàng hóa mà ông giao dịch có thể được sử dụng làm vũ khí. Nhưng trong số những mặt hàng Hank bán có bộ xử lý đồ họa (GPU), vốn là thiết bị mà chính phủ Mỹ đã cố gắng để không lọt vào tay Nga. Một số trong nhóm này, chẳng hạn như các GPU đời mới nhất do Nvidia của Mỹ sản xuất, đã phải chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. "GPU là sản phẩm bị hạn chế, việc bán chúng sang Nga là rất nhạy cảm", Hank nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) thăm một nhà máy quân sự ở Nizhny Tagil, Nga, vào ngày 15/02. Nga và Ukraine đã rơi vào tình trạng chiến tranh kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2/2022. © Reuters
"Thị trường thực sự được quyết định bởi cung và cầu, nó không thể bị một hay nhiều chính phủ trừng phạt", Hank nói.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine, Châu Âu và Mỹ nhấn mạnh rằng các thiết bị điện tử quan trọng vẫn đang trên đường đến Nga, và Trung Quốc là thủ phạm chính.
Nhiều tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Bắc Kinh với lời cảnh báo rõ ràng dành cho lãnh đạo Trung Quốc : Hãy chấm dứt hoạt động buôn bán các mặt hàng vi điện tử nhạy cảm và các hàng hóa khác mà Washington khẳng định đang hỗ trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga.
"Chúng tôi đang xem xét các hành động mà chúng tôi đã chuẩn bị để thực hiện nếu không thấy có sự thay đổi nào. … Chúng tôi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 100 thực thể Trung Quốc, kiểm soát xuất khẩu, và chúng tôi cũng đã chuẩn bị đầy đủ để thực hiện các biện pháp bổ sung", Blinken phát biểu sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Ông nói rõ rằng Washington đang dần hết kiên nhẫn trước việc Bắc Kinh từ chối can thiệp.
Chuyến đi của Blinken diễn ra sau khi chính phủ Mỹ nhiều lần cảnh báo rằng họ có thể mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga, để bao gồm cả các ngân hàng Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại của Nga. Mark Kennedy, Giám đốc Viện Cạnh tranh Chiến lược Wahba thuộc Trung tâm Wilson, nói với Nikkei Asia, "Mỹ đã đưa ra nhiều cảnh báo về điều có thể xảy ra. Nhưng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu nào từ Trung Quốc cho thấy họ đang chú ý đến những cảnh báo đó".
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào ngày 26/04. Ông cảnh báo về "các biện pháp bổ sung" nếu Trung Quốc không dừng các hoạt động thương mại mà Washington cho là đang thúc đẩy cuộc chiến của Nga ở Ukraine. © Reuters
Hank có theo dõi chính trị quốc tế, nhưng ông cho biết quyết định cung cấp loại hàng hóa mà phương Tây muốn tránh không rơi vào tay Nga hoàn toàn là một quyết định thương mại. Ông – và nhìn chung là toàn nền kinh tế Trung Quốc – đang kiếm được lợi nhuận rất tốt. Ông nói "Trên cương vị một công ty, việc bán sản phẩm, chịu trách nhiệm với cổ đông, và chịu trách nhiệm về lợi nhuận là những ưu tiên hàng đầu".
Theo nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, nhập khẩu của Nga đã sụt giảm xuống còn một nửa so với mức trước khi xâm lược xảy ra vào năm 2022. Tuy nhiên, từ đó đến nay, lượng nhập khẩu đã phục hồi khi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đến lấp đầy khoảng trống, cung cấp mọi thứ từ đồ chơi đến nguyên liệu thô. Hội đồng Đại Tây Dương cho biết nhập khẩu xe hơi Trung Quốc vào Nga đã tăng 900% so với số liệu năm 2019. Nhìn chung, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng 121% kể từ năm 2019. Chính phủ Mỹ tin rằng, trong năm 2023, 90% hàng vi điện tử nhập khẩu của Nga là đến từ Trung Quốc, theo báo cáo của Reuters.
Nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc đến Nga chính là những thứ mà Điện Kremlin cần để tiếp tục cuộc chiến với Ukraine, bao gồm các công nghệ đang bị phương Tây trừng phạt, và các mặt hàng tuy về mặt kỹ thuật không phải là thiết bị quân sự, nhưng vẫn có thể được sử dụng để chế tạo vũ khí.
Maria Snegovaya, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết "Dù Trung Quốc đã kiềm chế việc công khai cung cấp cho Nga những hàng hóa bị trừng phạt, nhưng các hàng hóa lưỡng dụng đang được cung cấp với số lượng rất lớn. Người Nga thực sự đang thay thế mọi thứ".
Công nghệ chảy vào Nga từ Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện ở Ukraine. Khi các lệnh trừng phạt khiến việc tiếp cận công nghệ tiên tiến trở nên khó khăn hơn, quân đội Nga đã điều chỉnh phần cứng dân sự, từ chip đến máy bay không người lái, cho tiền tuyến.
Snegovaya nhận xét "Nga đã buộc phải điều chỉnh lại ngành công nghiệp chiến tranh của mình để tận dụng nhiều hơn những mặt hàng lưỡng dụng này. Thay vì sử dụng các bộ phận được thiết kế riêng cho quân đội, giờ đây họ đang dựa vào những sản phẩm thay thế. Điều đó làm cho chất lượng vũ khí của họ kém hơn, nhưng chúng vẫn có khả năng gây ra nhiều thiệt hại ở Ukraine".
Đường dài
Kể từ năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Viện Kinh tế Kyiv (KSE) ở thủ đô Ukraine đã bắt đầu thu thập mảnh vỡ của máy bay không người lái, tên lửa, và xe bọc thép của Nga trên chiến trường ở phía đông. Họ tìm thấy lượng linh kiện trị giá hàng triệu USD đến từ các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc, bao gồm Huawei và Lenovo, bên trong các thiết bị quân sự của Nga.
Các nhà nghiên cứu của KSE muốn biết người Nga đã chế tạo thiết bị của họ như thế nào. Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với xuất khẩu công nghệ sang Nga đã bao hàm cả công nghệ quân sự truyền thống và nhiều sản phẩm khác, từ chất bán dẫn đến các bộ phận của máy bay không người lái. Nhưng khi các nhà nghiên cứu mổ xẻ thiết bị của Nga, họ lại tìm thấy các linh kiện có thương hiệu từ các nhà cung cấp lớn, từ Intel, Analog Devices, Samsung, đến Texas Instruments. Chúng bao gồm vi mạch, điện trở, hệ thống định vị, và cảm biến, theo Olena Bilousova, trưởng nhóm nghiên cứu cấp cao về hàng hóa quân sự và lưỡng dụng tại Viện KSE.
Các nhân viên hành pháp Ukraine kiểm tra các mảnh đạn nổ bên ngoài một tòa nhà dân cư bị hư hại do các cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv, Ukraine, vào ngày 27/3. (AFP/Jiji)
Những gì Bilousova và nhóm của cô tìm được cho thấy người Nga có thể tổ chức lại chuỗi cung ứng của mình và thâm nhập thị trường công nghệ chợ đen nhanh chóng đến mức nào, sử dụng các công ty bình phong, công ty trung gian, và mạng lưới tội phạm để trốn tránh các lệnh trừng phạt. Bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu thương mại, các nhà nghiên cứu có thể truy vết ngược một số linh kiện về các công ty vỏ bọc, mà nhiều công ty trong số đó nằm ở Hong Kong. Bilousova nói "Chúng tôi đã kiểm tra địa chỉ và phát hiện ra rằng tại cùng địa chỉ đó có một công ty tư vấn có chi nhánh ở Nga, chuyên cung cấp dịch vụ giúp các công ty Nga thiết lập hoạt động kinh doanh của họ tại Hong Kong".
Các công ty, hoặc nhóm công ty, đột nhiên bắt đầu mua số lượng lớn linh kiện, rồi sau đó đột nhiên dừng lại, có lẽ là để họ có thể đi trước các nhà điều tra lệnh trừng phạt. Bilousova cho biết "Chúng tôi có thể xác định các công ty A, B, và C nằm trong top các nhà cung cấp tính theo tháng… thế rồi họ lại ngừng giao dịch. Nhưng các công ty X, Y và Z mới lại giao dịch rất mạnh". Thông thường, các công ty vỏ bọc không phải là công ty mới hoàn toàn, mà đã được thành lập từ bốn hoặc năm năm trước. Bilosouva nhận định "Có lẽ phía Nga đã mua một số công ty đã tồn tại và tái cơ cấu chúng để sử dụng cho các chuỗi cung ứng này. Hoặc có thể đó là một chiến lược đã có từ lâu, kể từ năm 2017, nhằm thiết lập những liên kết như vậy. Chúng tôi không biết cụ thể".
Một cuộc điều tra của Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia và Reuters tìm ra rằng các công ty có trụ sở tại Hong Kong với cơ cấu sở hữu quốc tế phức tạp đã mua các linh kiện của Mỹ trị giá hàng triệu đô la để vận chuyển sang Nga. Một trong các công ty này, Pixel Devices, được cho là đã vận chuyển hơn 200 triệu USD linh kiện, bao gồm cả linh kiện của AMD và Intel, đến Nga trong năm đầu tiên của cuộc chiến. Khi các phóng viên Reuters đến thăm công ty này vào năm 2022, nó không hề có nhân viên nào.
Theo kinh nghiệm của Hank, chip của Intel và AMD không khó mua trên thị trường mở. Ông nói với Nikkei rằng nhiều công ty vừa và nhỏ không bị phương Tây giám sát chặt chẽ có thể dễ dàng đăng ký một công ty vỏ bọc bên ngoài Trung Quốc đại lục với cấu trúc công ty phức tạp khó truy vết.
Phương tiện quân sự của Nga chạy dọc một con phố ở Armyansk, Crimea, vào ngày 24/02/2022, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược toàn diện vào Ukraine. © Reuters
Hầu hết các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu hoạt động ở Nga đều có bán các thiết bị điện tử nhạy cảm. Ví dụ, nếu bạn gõ "Intel CPU" vào Ozon.ru, Wildberries.ru, hoặc Aliexpress.ru, kết quả sẽ trả về các trang của người bán. Một số loại CPU hiện đang phải chịu lệnh trừng phạt ở Mỹ, Anh, hoặc EU.
Hank nói với Nikkei rằng, dựa trên quan sát của ông về danh sách thương mại điện tử của Nga và kinh nghiệm của ông trong ngành, một số mặt hàng, như CPU, có xu hướng là các sản phẩm cũ hơn hoặc lỗi thời từ các công ty Mỹ, có thể đã được giao dịch bốn hoặc năm lần ở các thị trường khác nhau trước khi chúng đến Nga, theo đó khiến chúng không thể truy vết trên thực tế. Nhưng dù sao thì chính phủ Trung Quốc cũng không thực sự chú ý đến điều này, ông nói, "Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ biết về điều này. Họ cố tình không điều tra".
Một số thành phần được tìm thấy trong thiết bị của Nga là sản phẩm công nghệ quân sự chuyên dụng, hoặc các sản phẩm chất lượng cao do phương Tây thiết kế, rất có thể đã được "tái xuất khẩu" – được mua bởi công ty trung gian ở nước thứ ba, chẳng hạn như Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất hoặc Thổ Nhĩ Kỳ – rồi đóng gói lại và vận chuyển sang Nga. Nhưng hầu hết đều là những công nghệ dân sự có thể được áp dụng vào quân sự. Nhiều thiết bị, đặc biệt là chip và máy bay không người lái, có thể được tái lập trình, tái sử dụng, hoặc sửa đổi một cách tương đối dễ dàng. Tháng 5 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ nói với Quốc hội nước này rằng chất bán dẫn từ thiết bị gia dụng đã được tìm thấy trong xe bọc thép của Nga.
Bilousova cho biết Viện KSE không tìm được bất kỳ bằng chứng nào để ủng hộ tuyên bố trên, nhưng họ đã thấy các bộ phận xe hơi được tái chế để cung cấp năng lượng cho máy bay không người lái và tên lửa, và thậm chí cả các bộ phận từ máy bay mô hình, "loại bộ phận có thể tìm thấy trên các nền tảng thương mại điện tử".
Những thành phần lưỡng dụng này có xu hướng ít bị trừng phạt hơn so với các công nghệ quân sự truyền thống, dù nhiều thành phần gần đây đã được thêm vào các gói trừng phạt của Châu Âu và Mỹ.
Một bảng quảng cáo phản đối việc Châu Âu đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Brussels vào ngày 27/09/2022. Châu Âu gần đây đã mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga để bao gồm nhiều công nghệ lưỡng dụng. © Reuters
Những lỗ hổng trong thương mại lưỡng dụng đã cho phép Nga bắt chước kẻ thù của họ trong việc biến công nghệ dân sự thành vũ khí. Chương trình vũ khí nội địa của Ukraine trong những ngày đầu của cuộc chiến được thúc đẩy bởi chính sách "tự thân vận động" – tận dụng bất cứ công nghệ nào đang có trong tay và tìm cách biến nó thành vũ khí. Máy bay không người lái dân sự, loại thường dùng để chụp ảnh trên không nghiệp dư, được chế tạo lại thành máy trinh sát pháo binh hoặc được sửa đổi bằng máy in 3D để thả lựu đạn cầm tay. Máy bay đua góc nhìn thứ nhất (FPV) được biến thành tên lửa điều khiển từ xa. Người Ukraine thường tìm nguồn từ nước ngoài, quyên tiền trực tuyến, mua máy bay không người lái và các thiết bị khác trên các nền tảng thương mại điện tử ở Châu Âu, sau đó nhờ các tình nguyện viên chở chúng qua biên giới vào Ukraine.
"Chúng ta có thể làm gì ?"
Khác với người Ukraine, người Nga không thể đăng nhập vào Amazon ở Ba Lan rồi mua máy bay không người lái. Nhưng ở Trung Quốc, những người Nga tìm kiếm linh kiện có thể hoạt động khá công khai, theo lời các thương nhân ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Ukraine, cũng như các nguồn tin ngoại giao Châu Âu.
Andrew (tên giả), một công dân Trung Quốc ở độ tuổi 40, đang là doanh nhân điều hành một công ty sản xuất máy bay không người lái ở Trung Quốc chuyên chế tạo các phương tiện bay không người lái được thiết kế để hoạt động trong môi trường khắc nghiệt. Chúng thường được sử dụng cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, nhưng khả năng hoạt động bền bỉ của chúng cũng có nghĩa là chúng có thể dễ dàng được tái sử dụng cho các khu vực xung đột.
Trong năm đầu tiên sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine, gần như hàng tuần, các doanh nhân Nga và người trung gian Trung Quốc đều tiếp cận Andrew và hỏi mua các sản phẩm của ông với mức giá cao hơn nhiều so với giá thị trường, đồng thời hứa sẽ xử lý luôn cả khâu vận chuyển và phân phối.
Tuy nhiên, gần đây Andrew đã không còn được tiếp cận nhiều như trước. Ông cho rằng nguyên nhân là vì máy bay không người lái của ông được làm bằng vật liệu chất lượng cao và do đó đắt tiền. Ông nói, nhiều máy bay không người lái sử dụng trong chiến đấu được thiết kế để sử dụng một lần, vì vậy các sản phẩm của Andrew có thể không phải là lựa chọn khả thi nhất về mặt tài chính cho những ai muốn tái sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
Vật dụng bay không người lái do nhà sản xuất Trung Quốc DJI sản xuất đã được tái sử dụng cho chiến trường ở Ukraine. (Ảnh : AFP/ Jiji)
Andrew nói với Nikkei rằng ông đã từ chối tất cả những lời đề nghị từ Nga. Ông chủ yếu bán sản phẩm của mình cho phương Tây và đang lo lắng rằng bản thân có thể nằm trong danh sách trừng phạt. Andrew tiết lộ nhiều nhà sản xuất máy bay không người lái khác của Trung Quốc cũng ở trong tình trạng tương tự, và đang cố gắng sàng lọc hệ thống nhân viên và nhà phân phối để ngăn họ bán hàng cho người Nga. Năm 2022, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, DJI, nhà sản xuất máy bay không người lái chụp ảnh lớn nhất thế giới, đã chính thức cấm vận chuyển và sử dụng máy bay không người lái của họ tới Nga hoặc Ukraine. Tuy nhiên, các nguồn tin Ukraine cho biết máy bay không người lái DJI vẫn là vật dụng phổ biến trên chiến trường, được cả hai bên chiến tuyến vận hành. Năm ngoái, Nikkei Asia đã đến thăm trại huấn luyện đơn vị máy bay không người lái chính thức của lực lượng vũ trang Ukraine gần Kyiv và chứng kiến các tân binh huấn luyện bằng máy bay bốn cánh DJI Mavic.
Dù doanh nghiệp của Andrew đang gặp khó khăn do tình trạng kinh tế trì trệ ở Trung Quốc, ông vẫn kiên định với nguyên tắc không bán sản phẩm cho mục đích chiến đấu. "Tôi biết nếu mình không hợp tác kinh doanh với họ thì vẫn có rất nhiều người khác muốn hợp tác kinh doanh với họ", ông nói. "Nhưng tôi không thể làm điều này, tôi không muốn sản phẩm của mình được sử dụng để giết người".
Các nhà cung cấp và phân phối của Andrew dường như không có cùng suy nghĩ. Ông đã tìm thấy các bộ phận của máy bay không người lái của mình được bán ở Nga, bao gồm cả trên các trang thương mại điện tử.
Ông nói với Nikkei rằng rất khó để xác định nguyên nhân. Các công ty phần cứng Trung Quốc thường có chuỗi cung ứng được tối ưu hóa cao, bao gồm các công ty khác chuyên xây dựng hoặc tìm nguồn cung ứng linh kiện theo đơn đặt hàng, và nhiều nhà phân phối đóng vai trò trung gian. Có thể có tới bốn hoặc năm cấp độ phân phối trung gian giữa một công ty và thị trường.
Máy bay không người lái quân sự bay trên bãi tập ở quân khu Moscow trong bức ảnh này công bố ngày 20/4. (Bộ Quốc phòng Nga / Reuters)
Một số nhà phân phối có các công ty vỏ bọc được đăng ký bên ngoài Trung Quốc, khiến việc truy tìm xem ai trong chuỗi cung ứng đang chuyển linh kiện sang Nga trở nên rất tốn kém và phức tạp đối với các doanh nhân như Andrew. Ngoài ra, một số linh kiện máy bay không người lái đang được bán ở Nga thực chất là hàng giả do các nhà máy nhỏ hơn ở Trung Quốc sản xuất, sao chép thiết kế của Andrew, nhưng sử dụng vật liệu rẻ hơn.
"Thế giới sao lại ngày càng chia rẽ thế ? Khi tôi thành lập công ty của mình gần 10 năm trước, tôi cảm thấy như cả thế giới đang xích lại gần nhau hơn", Andrew nói. "Nhưng không có phương pháp sàng lọc và kiểm soát nào tốt hơn. Các nhà phân phối của chúng tôi cũng muốn kiếm tiền, vậy chúng tôi có thể làm gì khác ? Chúng tôi không thể ngừng sản xuất chỉ vì sợ máy bay không người lái của mình sẽ bị sử dụng trên chiến trường".
Nhắm mắt làm ngơ
Đối với những thương nhân giao dịch như Hank, những người không cần phải lo lắng về việc bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các biện pháp trừng phạt – vì họ không dính tới hệ thống tài chính Mỹ và cũng không làm việc với những đối tác có liên quan đến hệ thống này – thì việc bán hàng sang Nga chẳng có gì là nguy hiểm, mà lại mang về rất nhiều tiền.
Thành công trong thế giới thương mại điện tử khốc liệt của Trung Quốc đồng nghĩa với việc xây dựng các chuỗi cung ứng hiệu quả cao, hợp lý hóa dịch vụ khách hàng, và liên tục tung ra các mánh lới bán hàng, khuyến mãi, và quảng cáo để đưa sản phẩm đến tay khách hàng. Khi thâm nhập vào thị trường Nga vẫn còn tương đối đơn giản, các nhà bán hàng Trung Quốc có lợi thế rất lớn so với các đối tác địa phương. Mùa thu năm 2022, đã có lúc Hank là một trong năm nhà bán hàng hàng đầu trong lĩnh vực phần cứng máy tính trên Ozon.
Ozon là một trang web thương mại điện tử phổ biến ở Nga. Các nhà cung cấp công nghệ nhạy cảm của Trung Quốc đã tìm thấy thị trường sẵn sàng đón chào sản phẩm của họ trên trang web này và nhiều trang web khác ở Nga. (Ảnh của Suzu Takahashi)
Ozon, được niêm yết trên Nasdaq vào năm 2020 và hủy niêm yết vào năm ngoái, đã tích cực thu hút các nhà bán hàng Trung Quốc. Công ty này đã mở văn phòng tại Thâm Quyến vào tháng 11/2022 và đầu tư vào hậu cần để cắt giảm thời gian giao hàng qua biên giới. Vào thời điểm đó, Ozon cho biết 90% tổng số sản phẩm được bán trên nền tảng Ozon Global, nền tảng dành cho các đơn đặt hàng quốc tế, đều đến từ nhà bán hàng Trung Quốc. Kể từ quý 3 năm ngoái, Ozon đã hợp tác với công ty thương mại điện tử Trung Quốc JD Logistics để rút ngắn thời gian vận chuyển từ kho hàng ở Trung Quốc đến khách hàng Nga.
Tuy nhiên, dù vẫn thu hút các nhà bán hàng Trung Quốc, Ozon cho biết họ đã tích cực kiểm soát người bán để loại bỏ những hàng hóa chịu lệnh trừng phạt quốc tế. "Ozon Global cấm bán chip máy tính và bất kỳ mặt hàng nào khác chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và EU", công ty cho biết trong một tuyên bố với Nikkei, đồng thời nói thêm rằng họ sử dụng cả quy trình học máy lẫn phương pháp thủ công để đảm bảo sự tuân thủ và đảm bảo người bán không cố gắng thay thế các mặt hàng đã được phê duyệt bằng những mặt hàng bị cấm.
Về mặt chính thức, Trung Quốc là một nước trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Bắc Kinh và Moscow vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế kể từ cuộc xâm lược. Bắc Kinh không cung cấp đạn dược một cách tích cực cho Nga, nhưng dường như đang nhắm mắt làm ngơ trước các công nghệ lưỡng dụng. Các chuyên gia cho rằng đây là một lằn ranh rất mong manh – vẫn có nguy cơ các nước khác thắt chặt hơn nữa các hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, hoặc các thực thể Trung Quốc, như ngân hàng hoặc công ty thương mại, có thể nằm trong danh sách trừng phạt. Các nhà lãnh đạo chính trị Châu Âu đã chỉ trích Trung Quốc nặng nề vì những gì họ coi là sự ủng hộ ngầm của nước này dành cho Nga. Vào tháng 4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định rằng chính phủ Mỹ sẵn sàng trừng phạt các ngân hàng và công ty Trung Quốc nếu họ hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, thay vì phản đối các lệnh trừng phạt, các quan chức Trung Quốc lại cam kết tăng cường quan hệ với Nga. Tại một cuộc họp báo vào tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng "Trung Quốc và Nga đã tạo dựng một mô hình mới về quan hệ giữa các cường quốc, tuân theo tình láng giềng tốt đẹp lâu dài đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện trên cơ sở không liên kết, không đối đầu, và không nhắm mục tiêu vào bên thứ ba".
Sau khi Châu Âu và Mỹ phần lớn đã ngừng kinh doanh với Nga, các công ty Trung Quốc đã tìm cách lấp đầy khoảng trống. Trong ảnh, những chiếc xe hơi chờ được chuyển đi từ Cảng Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào ngày 12/4. © AP
Đề cập đến việc cung cấp công nghệ lưỡng dụng, Trang Gia Doanh, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định "Tôi nghĩ việc cho phép bán hàng hóa lưỡng dụng là một rủi ro mà có lẽ, chí ít là ở thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc vẫn có thể giải thích được. Cho đến nay, các công ty Trung Quốc đều tuyên bố rằng họ không biết về việc linh kiện của họ sẽ được chuyển đến Nga. Đúng là có bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Nhưng họ vẫn tuyên bố như vậy".
Và Trung Quốc có lý do chính đáng để khuyến khích – hoặc chí ít là không ngăn cản – dòng hàng hóa đến Nga. Thương mại giữa hai nước đã tăng vọt kể từ khi chiến tranh Ukraine bắt đầu. Dữ liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố vào tháng 1 cho thấy : trong năm 2023, tổng giá trị thương mại Trung-Nga là hơn 240 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm trước. Điều này đã giúp thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu sau đại dịch Covid.
Trang nói : "Một phần là bởi vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực sự cần tiền từ các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó còn có yếu tố chính trị, theo nghĩa là nếu có một nước Nga ít nhiều có thể tự mình đứng vững và buộc Mỹ cùng các đồng minh của họ phải quan tâm đến, thì điều đó có thể làm giảm bớt một phần áp lực mà Trung Quốc tin rằng họ đang phải gánh chịu do cạnh tranh Mỹ-Trung".
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng vọt sau cuộc xâm lược Ukraine. (Tính bằng tỷ đô la) Nguồn : Trading Economics, dựa trên dữ liệu từ Cơ sở Dữ liệu Thống kê Thương mại Hàng hóa của Liên Hiệp Quốc.
Trừ phi có một sự leo thang kịch tính, chẳng hạn như việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc mở rộng xung đột theo cách buộc NATO phải tham chiến, lập trường đó khó có thể thay đổi.
Việc Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục cho phép hàng hóa lưỡng dụng chảy vào Nga đang gây khó chịu cho Ukraine và những người ủng hộ họ, những người đang nỗ lực tìm kiếm những điểm gây áp lực đối với Bắc Kinh hoặc các công ty Trung Quốc. Áp lực ngoại giao có thể có tác dụng với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng khó có thể thay đổi lập trường của chính phủ Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Nga có thể tiếp tục tái vũ trang và tiếp tục cuộc tấn công khốc liệt của mình, còn Ukraine sẽ cần thêm trang thiết bị của riêng mình để chống trả.
Snegovaya nói "Thật không may, tôi không thể ngay lập tức đưa ra kết luận rằng các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu nghiêm trọng khả năng Nga làm tổn thương Ukraine. Trên thực tế, rất có khả năng các chiến dịch tấn công sẽ được củng cố và tăng cường. Đây là một thời khắc đen tối, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận thực tế này và thực sự cố gắng tăng viện trợ cho Ukraine".
"Tự bắn vào chân mình"
Quyết định ngừng bán hàng trên Ozon của Hank không đến từ các lệnh trừng phạt hay bất kỳ lo ngại nào về đạo đức. Ông nói rằng mình không kiếm đủ tiền sau khi nền tảng này tăng tỷ lệ hoa hồng. Đến cuối năm 2022, tỷ suất lợi nhuận của ông đã giảm gần một nửa, từ 18% khi bắt đầu chiến tranh xuống còn khoảng 10%.
Giao dịch ở Nga cũng đi kèm với các vấn đề khác. Hank cho biết thời gian giao hàng rất lâu và sản phẩm liên tục bị đánh cắp trong quá trình vận chuyển. Cuối năm 2022, ông đã bắt đầu xây dựng một doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp ở Nga. Hiện tại, ông chọn cách trực tiếp vận chuyển sản phẩm của mình qua biên giới rồi bán chúng thông qua các nhà phân phối ở Nga, và từ bỏ hoàn toàn các nền tảng trực tuyến. Ông nói "Khi chúng tôi rút khỏi nền tảng bán hàng trực tuyến, chúng tôi hầu như không thể kiếm được lợi nhuận. Các đơn hàng trực tiếp đều mang lại lợi nhuận, tần suất đặt hàng rất cao và vốn quay vòng rất nhanh".
Xe tăng Ukraine bắn phá các vị trí của Nga ở Donesk, miền đông Ukraine, ngày 29/02 : Chừng nào dòng hàng hóa lưỡng dụng vào Nga còn tiếp tục, Ukraine sẽ còn cần thêm hỗ trợ quân sự từ các đồng minh. © AP
Khi bán các phần cứng và hệ thống máy tính đắt tiền trị giá hàng triệu nhân dân tệ, người mua Nga sẽ tới Trung Quốc để mua hàng và vận chuyển hàng qua biên giới. "Việc vận chuyển đã diễn ra suôn sẻ, theo luật nhập khẩu song song mới được thực thi của chính phủ Nga", Hank nói, đề cập đến đạo luật năm 2022 cho phép nhập khẩu theo thị trường xám các mặt hàng có thương hiệu được mua từ nước ngoài mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu tài sản trí tuệ.
Hank cho biết trung bình ông kiếm được từ 1 triệu đến 2 triệu nhân dân tệ (139.000 đến 278.000 USD) mỗi tháng ở Nga. Chẳng gì có thể thuyết phục ông hoặc những người khác ngừng các giao dịch này. Ông nói, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được thắt chặt, các thương nhân Trung Quốc vẫn sẽ tìm ra cách để bán hàng sang Nga. "Khi Nga bị các nước phương Tây trừng phạt, họ sẽ thiếu hàng. Nếu thiếu thì họ sẽ tìm cách nhập từ nước khác", Hank nói thẳng. "Vì Trung Quốc ở gần nên đương nhiên Nga sẽ nhập khẩu nhiều sản phẩm từ Trung Quốc".
Hank nói ông muốn thấy hòa bình và muốn thế giới này bớt ác độc hơn. Nhưng nếu các biện pháp trừng phạt không hiệu quả, thì chúng sẽ giống như "tự bắn vào chân mình", ông nói. "Nếu các chính trị gia khôn ngoan muốn đạt được mục tiêu của mình, họ phải sử dụng những phương pháp chính xác và cứng rắn hơn".
Tracy Wen Liu và Peter Guest
Nguyên tác : "How China’s ad-hoc tech pipeline fuels Russia’s Ukraine war efforts", Nikkei Asia, 01/05/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/05/2024