Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/05/2024

Bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị và cách chọn tứ trụ mới

Hoàng Anh, BBC tổng hợp

Càng bám ghế, Tổng càng đẩy Đảng vào cảnh tương tàn khốc liệt !

Hoàng Anh, Thoibao.de, 17/05/2024

Cơn bão chính trường trong gần 2 tháng qua, được xã hội quy tội cho ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an. Chính Tô Lâm tạo phản ; Tô Lâm đốn ngã Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ ; khiến bà Trương Thị Mai rũ áo ra đi ; và cũng không loại trừ sẽ có thêm người trong Bộ Chính trị tiếp tục rơi rụng.

trong1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ai cũng biết, Tô Lâm làm loạn là để triệt hết những người có khả năng cạnh tranh với ông chức Tổng bí thư nhiệm kỳ tiếp theo. Theo truyền thống của Đảng, các phe phái vẫn thường xuyên đấu đá tranh giành chức vụ. Tuy nhiên, chưa có bao giờ, cuộc đấu đá lại khốc liệt như bây giờ.

Nếu nói, kẻ khiến Bộ Chính trị tan hoang như hôm nay, là Tô Lâm cũng đúng, mà là Tổng Trọng cũng đúng. Trước đây, để được ngồi vào ghế Tổng bí thư, các ứng viên phải được sự tín nhiệm của Tổng bí thư đương nhiệm, và nhờ đó, được Tổng bí thư giới thiệu tại Đại hội Đảng. Một khi đã được đương kim Tổng bí thư giới thiệu, thì gần như chắc chắn trúng cử. Vương Đình Huệ từng muốn đi theo con đường như thế, tuy nhiên, Tô Lâm nổi lên và đạp đổ tất cả.

Giờ đây, việc tranh giành ghế Tổng bí thư đang hỗn loạn hơn bao giờ hết. Tô Lâm sẵn sàng đánh mọi đối thủ, còn Bộ Chính trị thì muốn lùa Tô Lâm lên ghế Chủ tịch nước, và chặn phe Hưng Yên, không cho nắm Bộ Công an. Nghĩa là muốn cô lập họ Tô. Chính vì đấu nhau loạn như thế, nên luật duy nhất áp dụng cho cuộc chơi này, là "luật của kẻ mạnh".

Nhiều người đổ cho Tô Lâm đã gây ra tình cảnh hỗn loạn này, nhưng thực chất, điều này là do chính Tổng Trọng gây ra.

Chính vì ông Trọng tham quyền cố vị, muốn bám ghế Tổng bí thư suốt đời, đã khiến cho những kẻ bên dưới mất kiên nhẫn và làm phản. Để ngồi lại nhiệm kỳ thứ 3, ông Tổng đã đạp lên trên Đảng luật, để tự ban ân huệ cho chính mình. Ông Trọng đã tự tạo ra tiền lệ như thế, thì Tô Lâm cũng hoàn toàn có thể làm theo và phá bỏ những trật tự trước đây.

Đáng lẽ, với vai trò là người đứng đầu Đảng cầm quyền của một quốc gia, ông Trọng phải biết tôn trọng pháp luật. Tuy nhiên, không những ông Trọng chẳng coi luật pháp quốc gia ra gì, mà ngay cả Đảng luật, ông cũng sẵn sàng chà đạp.

Khi Tổng bí thư phá bỏ những trật tự trong quy trình xét chọn ứng viên cho vị trí Tổng bí thư, thì liệu, Tô Lâm có cần phải tôn trọng những quy định do ông Trọng đưa ra hay không ?

Việc Tô Lâm lợi dụng câu nói mị dân của ông Tổng, là "chống tham nhũng không có vùng cấm", để đốn ngã chính những tay chân thân tín của ông Tổng, thì cũng chẳng có gì sai. Chỉ có người tự ban "ân huệ" cho chính mình, đạp lên luật pháp và cả Đảng luật, thì mới đáng bị lên án.

Việc tạo tiền lệ xấu của Tổng Trọng, đã khiến cho các cấp dưới của ông làm loạn, thì việc Tô Lâm lợi dụng phát ngôn mị dân của ông Trọng để làm loạn, cũng sẽ là tiền đề cho những kẻ muốn nổi loạn tiếp theo.

Cứ như vậy, Đảng cộng sản Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng không có hồi kết.

Là người đứng đầu Đảng, lẽ ra, ông Tổng phải là người làm gương cho toàn Đảng, về tính nghiêm minh của Đảng luật, đằng này, ông tự ý chà đạp nó, nghĩa là, tự ông đã phá bỏ trật tự trong Đảng.

Đến lúc này, ông Trọng đã già và quá nhiều bệnh tật, mà vẫn quyết bám ghế. Chẳng phải, ông đang nêu một tấm gương xấu cho Đảng hay sao ? Lúc này, có lẽ, chỉ có cách dùng "bạo lực cách mạng", may ra mới buộc được ông rời ghế.

Đẩy Đảng cộng sản Việt Nam đến tình cảnh hỗn loạn như ngày hôm nay, không ai khác, chính là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hoàng Anh

Nguồn : Thoibao.de, 17/05/2024

***************************

Bốn gương mặt được bổ sung vào Bộ Chính trị gồm những ai ?

BBC, 16/05/2024

Trong ngày làm việc đầu tiên (16/5), Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị.

bau01

Từ trái qua : ông Nguyễn Trọng Nghĩa, bà Bùi Thị Minh Hoài, ông Lê Minh Hưng, ông Đỗ Văn Chiến

Theo thông cáo do Văn phòng Trung ương phát ra chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 4 ủy viên Bộ Chính trị khóa 13, gồm :

- Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ;

- Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ;

- Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ;

- Ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với việc bầu bổ sung này, hiện nay Bộ Chính trị có 16 ủy viên :

1. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

2. Thủ tướng Phạm Minh Chính

3. Đại tướng, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường

4. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú

5. Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc

6. Phó Chủ tịch Thường trực điều hành hoạt động của Quốc hội Trần Thanh Mẫn

7. Đại tướng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm

8. Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang

9. Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

10. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng

11. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên

12. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

13. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng

14. Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài

15. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

16. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến

Vào đầu khóa 13 (đầu năm 2021), Bộ Chính trị có 18 ủy viên. Trong thời gian hơn hai năm qua, có tới 6 ủy viên đã bị loại khỏi hàng ngũ quyền lực này vì các nguyên nhân liên quan tới kỷ luật, bao gồm : Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Tuấn Anh, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và Trương Thị Mai. Trước khi bầu bổ sung vào hôm nay (16/5), Bộ Chính trị có 12 người.

Ông Lê Minh Hưng là ai ?

Ông Lê Minh Hưng sinh năm 1970, quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh ; trình độ chuyên môn thạc sĩ chính sách công.

Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 13 ; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và 13 ; Đại biểu quốc hội khóa 15.

Ông Hưng từng giữ nhiều vị trí : Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ; Phó Vụ trưởng rồi Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế ; Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tháng 10/2011, ông làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Năm 2014 ông giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng trong 2 năm rồi giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từ 4/2016 - 10/2020.

Từ tháng 10/2020, ông Lê Minh Hưng được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng cho đến nay.

Khi vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB được đưa ra xét xử sơ thẩm, đã có những câu hỏi đặt ra về trách nhiệm quản lý nhà nước của Thống đốc Lê Minh Hưng.

"Tôi nghĩ ông Lê Minh Hưng nên có trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được vấn đề, dù không phải là người mở màn cho sai phạm nhưng tôi chắc rằng ông ấy phải nhận thấy vấn đề và lẽ ra phải ngăn chặn nó", một nhà quan sát chính trị nói với BBC trước khi tòa tuyên án vụ Vạn Thịnh Phát.

Ông Lê Minh Hưng là con của cố Thượng tướng Lê Minh Hương - Bộ trưởng Bộ Công an giai đoạn 1996-2002.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa là ai ?

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa sinh ngày 1962 ; quê quán ở xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ; trình độ chuyên môn cử nhân khoa học xã hội và nhân văn.

Ông là Bí thư Trung ương Đảng khóa 13 ; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và 13 ; Đại biểu quốc hội khóa 14, 15 ; quân hàm Thượng tướng.

Ông từng giữ các chức vụ : Phó phòng, Trưởng Phòng Tuyên huấn Cục Chính trị, Quân khu 7 ; Phó Chính ủy, rồi Chính ủy Sư đoàn 5, Quân khu 7 ; Phó Chủ nhiệm Chính trị, Quân khu 7 ; Chính ủy Quân đoàn 4.

Từ tháng 9/2012 - 1/2021, ông làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 2/2021 cho đến nay.

Bà Bùi Thị Minh Hoài là ai ?

Bà Bùi Thị Minh Hoài sinh năm 1965, quê xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam ; trình độ chuyên môn thạc sĩ, cử nhân luật.

Bà Bùi Thị Minh Hoài là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 10 (dự khuyết), 11, 12 và 13 ; Đại biểu quốc hội khóa 15.

Bà Bùi Thị Minh Hoài có thời gian dài gắn bó với ngành thanh tra, kiểm tra và từng giữ các chức vụ : Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Nam ; Bí thư Thành ủy Phủ Lý ; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam…

Tháng 3/2011, bà giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, rồi Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Từ 4/2021, bà làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho đến nay.

Ông Đỗ Văn Chiến là ai ?

Ông Đỗ Văn Chiến sinh năm 1962, quê ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ; trình độ cử nhân nông nghiệp.

Ông là Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa 10 ; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11, 12 và 13 ; Đại biểu quốc hội khóa 13, 14 và 15.

Ông Chiến lần lượt kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở Tuyên Quang : Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương ; Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy ; Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Yên Sơn.

Tháng 9/2001, ông làm Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang và trở thành Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang sau đó.

Tháng 8/2011, ông được luân chuyển, giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2010-2015.

Tháng 2/2015, ông làm Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và giữ chức Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc từ tháng 4/2016.

Ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9, nhiệm kỳ 2019-2024 từ tháng 4/2021 cho đến nay.

Bộ Chính trị có vai trò gì ?

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (gọi tắt là Bộ Chính trị) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam bầu ra. Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam 2011, Bộ Chính trị có các vai trò và nghĩa vụ như sau :

- Lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương ;

- Quyết định những vấn đề về chủ trương, chính sách, tổ chức, cán bộ ;

- Quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương ;

- Báo cáo công việc đã làm trước hội nghị Ban Chấp hành Trung ương hoặc theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương.

Ngoài ra, khi có những vấn đề cấp bách, đột xuất thuộc trách nhiệm giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương nhưng chưa thể họp thì tập thể Bộ Chính trị sẽ bàn bạc quyết định và báo cáo lại với Ban Chấp hành Trung ương trong kỳ họp gần nhất.

Bộ Chính trị còn có vai trò trong lĩnh vực nhân sự nhà nước khi là cơ quan có quyền quyết định hay giới thiệu nhân sự cho các chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng, Nhà nước và các đoàn thể ngoại trừ các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương hay Ban Bí thư quyết định theo phân cấp.

Bộ Chính trị được coi là tập hợp những nhân vật quyền lực nhất của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nguồn : BBC, 17/05/2024

***************************

Chọn 'Tứ Trụ' : quy trình Đảng quyết, Quốc hội thông qua như thế nào ?

BBC, 16/05/2024

Ban Chấp hành Trung ương Đảng có lịch họp từ 16-18/5 để bàn các vấn đề nhân sự, bao gồm giới thiệu các chức danh chủ chốt của Đảng và nhà nước trước khi Quốc hội khai mạc cuộc họp thường kỳ vào 20/5.

bau2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chính trị Việt Nam đang vào giai đoạn có nhiều sự xáo trộn, nhất là sau khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lần lượt từ chức chỉ cách nhau hơn một tháng.

"Tứ Trụ" Việt Nam hiện còn trống hai ghế.

Theo nhiều nhà quan sát mà BBC phỏng vấn, "kiện toàn" được các chức danh lãnh đạo thì Việt Nam mới có thể trấn an các nước đối tác cũng như làm nhẹ sự nghi ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về tình hình chính trị nội bộ.

Trong thể chế chính trị "Đảng lãnh đạo toàn diện", các bước bầu chọn nhân sự cấp cao sẽ theo một quy trình như thế nào ?

Bộ Chính trị họp

Bộ Chính trị khóa 13 hiện chỉ còn 13 người, con số này đầu khóa là 18.

Những ủy viên Bộ Chính trị bị loại khỏi nhóm quyền lực này gồm : Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tất cả họ đều đã phải ra đi vì "mắc khuyết điểm".

Bộ Chính trị là nhóm những nhân vật quyền lực nhất trong Đảng và là nơi đưa ra những quyết định trọng đại đối với nội bộ của Đảng và của đất nước, bao gồm vấn đề nhân sự.

Quy định số 80-QĐ/TW ban hành ngày 18/8/2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nêu trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị.

Cụ thể, Bộ Chính trị sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để :

"Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội".

Như vậy, Bộ Chính trị sẽ họp, rồi trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng danh sách các nhân sự gồm các chức chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội và thủ tướng chính phủ.

bau3

Những ủy viên Bộ Chính trị loại khỏi hàng ngũ trong khóa 13

Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương sẽ có cuộc họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ, dựa trên danh sách đề cử cho từng chức vụ mà Bộ Chính trị trình.

Trung ương Đảng sẽ thông qua và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu các chức danh chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội. Đây là ba chức danh trong "Tứ Trụ" do Quốc hội bầu, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội 2014.

Chức danh còn lại cũng là chức danh quyền lực nhất trong "Tứ Trụ" là tổng bí thư. Đây là chức danh của Đảng nên nằm trong quyền quyết định của Đảng.

Cần lưu ý, với các chức danh "Tứ Trụ", Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị có nêu rằng trường hợp đặc biệt sẽ do "Ban Chấp hành Trung ương xem xét".

Trong cuộc phỏng vấn với Vietnamnet, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đã giải thích thêm về vai trò của Bộ Chính trị trong việc chọn nhân sự.

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Thông thì với những trường hợp đặc biệt, Tiểu ban Nhân sự và Bộ Chính trị cho ý kiến trước.

"Thảo luận trong Tiểu ban Nhân sự, sau đó tiểu ban báo cáo Bộ Chính trị, rồi Bộ Chính trị trình Trung ương. Lúc này Trung ương thảo luận rất kỹ để xem trường hợp này có nên đặc biệt hay không", ông Thông giải thích.

Tiểu ban Nhân sự khóa 12, 13 và 14 đều do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban.

Trung ương Đảng xem xét

Theo quy định, những đề xuất nhân sự của Bộ Chính trị sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương phê duyệt.

Ban Chấp hành Trung ương với 180 ủy viên (chưa xét đến sự "hao hụt" trong nhiệm kỳ) là bên có tiếng nói cuối cùng, trước khi giới thiệu phương án nhân sự cho Quốc hội.

Xét quy trình ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ vào "Tứ Trụ" có thể thấy rõ thực tế này.

Với ông Võ Văn Thưởng, vào ngày 1/3/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ.

Tại cuộc họp này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 2/3/2023, ông Võ Văn Thưởng đã chính thức tuyên thệ sau khi được Quốc hội bầu trong kỳ họp bất thường.

Ông Thưởng nhận được 487/488 phiếu tán thành từ các đại biểu Quốc hội, qua đó thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, người phải rời ghế giữa chừng.

Trường hợp ông Vương Đình Huệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội cũng có sự tương đồng. Tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vào tháng 1/2021, các đại biểu dự Đại hội Đảng đã được thông báo :

- Ông Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu tái cử Tổng bí thư

- Ông Nguyễn Xuân Phúc đề cử Chủ tịch nước

- Ông Phạm Minh Chính đề cử Thủ tướng

- Ông Vương Đình Huệ đề cử Chủ tịch Quốc hội

Tới ngày 31/3/2021, ông Vương Đình Huệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo quy trình Đảng quyết, Quốc hội thông qua như trên thì Trung ương Đảng họp để chốt vấn đề về nhân sự trước thời điểm Quốc hội họp.

Bắt đầu từ tuần tới, Quốc hội sẽ có cuộc họp thường kỳ lần 7, được chia thành hai đợt : đợt 1 từ 20/5 đến 8/6 ; đợt 2 từ 17/6 đến 27/6.

BBC đã tìm thấy lịch làm việc của một số ủy viên Trung ương Đảng cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ có hội nghị từ ngày 16-18/5.

Đơn cử, lịch công tác của ông Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế, đăng trên cổng thông tin của HĐND tỉnh này cho biết ông sẽ họp Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hà Nội vào ngày 16/5 (cho đến ngày 18/5).

Trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hậu Giang, ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư tỉnh ủy Hậu Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - có lịch "đi công tác tại Hà Nội" trong những ngày này.

Như vậy, Trung ương Đảng sẽ họp để chốt vấn đề nhân sự theo danh sách mà Bộ Chính trị trình, bao gồm ít nhất hai chức danh là chủ tịch nước và chủ tịch quốc hội. Sau đó, Trung ương Đảng giới thiệu những nhân sự này để Quốc hội bầu theo thủ tục.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng còn là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng đối với các đảng viên, kể cả ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Ban Bí thư.

Theo Quy định 22-QĐ/TW, với trường hợp ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật các mức cách chức hoặc khai trừ thì Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Trong quá khứ, đã có trường hợp Bộ Chính trị quyết định kỷ luật một đảng viên nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng không thông qua.

Tại Hội nghị Trung ương 6 Khóa 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu bế mạc đã thông báo :

"Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị".

Tuy nhiên, ông Trọng kết luận : "Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị".

Như vậy, dù Bộ Chính trị đã thống nhất kỷ luật ủy viên Bộ Chính trị này - người được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gọi là "đồng chí X" - nhưng khi Trung ương Đảng không đồng ý thì nhân vật này vẫn không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào.

Quốc hội bầu, phê chuẩn

Theo Luật Tổ chức Quốc hội 2014 thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội cũng là cơ quan bầu ra nhiều vị trí trong bộ máy nhà nước, trong đó có ba chức danh trong "Tứ Trụ":

Chủ tịch Quốc hội được bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch nước, trong số các đại biểu Quốc hội, theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước

Quốc hội cũng phê chuẩn các chức danh trong chính phủ (chẳng hạn bộ trưởng) theo sự đề xuất của thủ tướng.

Trong dịp này, nếu Bộ trưởng Công an Tô Lâm làm chủ tịch nước như đánh giá của nhiều nhà phân tích với BBC, thì vị trí bộ trưởng mà ông để lại cũng cần Quốc hội phê chuẩn.

Trên thực tế, với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, các sắp xếp trong Đảng Cộng sản Việt Nam được coi là quyết định và việc bỏ phiếu tại Quốc hội là bước hợp thức hóa sự sắp xếp ấy của Đảng, bao gồm cả việc bầu hay miễn nhiệm các chức vụ.

Chẳng hạn, với trường hợp ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ mới đây thì Đảng họp và "cho thôi" các chức danh trong Đảng cùng các chức danh nhà nước, bao gồm chức chủ tịch nước (đối với ông Thưởng) và chủ tịch Quốc hội (đối với ông Huệ). Sau đó, Quốc hội họp và bỏ phiếu miễn nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, cùng với tư cách đại biểu Quốc hội.

bau4

Ông Võ Văn Thưởng và ông Vương Đình Huệ, hai trong "Tứ Trụ" xin thôi chức chỉ cách nhau hơn một tháng

Vào ngày 20/3, Trung ương Đảng đã họp bất thường trước để quyết định cho ông Võ Văn Thưởng thôi các chức vụ trong đảng và nhà nước, bao gồm chức chủ tịch nước. Một ngày sau đó, Quốc hội họp, thống nhất việc miễn nhiệm ông Thưởng và đồng thời cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Quy trình tương tự cũng được áp dụng với ông Vương Đình Huệ: Đảng họp ngày 26/4, Quốc hội họp ngày 2/5.

Khi "cho thôi chức" ông Thưởng và ông Huệ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không khẳng định đó là một hình thức kỷ luật (trong 4 mức kỷ luật đảng : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ). Tuy nhiên, xét quy trình "cho thôi chức" đối với hai ông này và xét quy định của Đảng (khoản 1 Điều 11 Quy định 22-QĐ/TW), có thể thấy về bản chất đây là hình thức tương ứng với mức kỷ luật cách chức, mức nặng thứ nhì trong thang kỷ luật của Đảng cộng sản Việt Nam.

Có thể thấy, với cơ chế Đảng lãnh đạo toàn diện, thì về vấn đề nhân sự (miễn nhiệm hoặc bổ nhiệm), một khi Đảng quyết thì coi như vấn đề đã xong.

Một điều đáng lưu ý nữa là, trong nhiều cuộc họp của Trung ương Đảng để quyết định các vị trí nhân sự chủ chốt của đất nước, tức là đưa ra các quyết định liên quan đến vận mệnh của đất nước, thì Đảng cộng sản Việt Nam không công bố trước.

Chẳng hạn các cuộc họp để miễn nhiệm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, người dân chỉ biết qua các kênh báo chí độc lập như BBC hoặc qua "tin đồn". Chỉ sau khi mọi việc kết thúc thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới ra thông báo.

Nguồn : BBC, 16/05/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Anh, BBC tiếng Việt
Read 194 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)