Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/05/2024

Chính trị Việt Nam đang bị an ninh hóa sâu sắc hơn

Zachary Abuza

Thống trị Bộ Chính trị, khối an ninh nhìn mọi thứ qua lăng kính an ninh và sự tồn vong của chế độ

Rất nhiều sự chú ý đã tập trung vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm  – người đã vũ khí hóa các cuộc điều tra chống tham nhũng để loại bỏ một cách có hệ thống những đối thủ chính trị  khi ông này xoay sở để trở thành Tổng bí thư tiếp theo của Đảng cộng sản Việt Nam.

anninh1

Hình minh họa bởi Amanda Weisbrod/RFA - Reuters

Khả năng ông Lâm được cất nhắc vào vị trí cao hơn khiến người ta đặt câu hỏi : Một công an chuyên nghiệp sẽ định hình/hoạch định các chính sách và nhân sự của Đảng như thế nào ?

Trong các cuộc bàn luận về chính trị tinh hoa của Việt Nam, vấn đề vị trí thống trị của Bộ Công an (MPS) thường không được nhắc tới. Bộ máy an ninh rộng khắp phụ trách đủ mọi thứ từ cảnh sát khu vực tới điều tra quốc gia, tội phạm kinh tế, an ninh biên giới cho tới cứu hỏa, tình báo, phản gián và rất nhiều thứ nữa.

Với thông tin bà Trương Thị Mai vừa từ chức, tổng cộng đã có 6 ủy viên Bộ Chính trị đã phải từ chức kể từ tháng 12/2022 đến nay, khiến cho tổ chức này của Đảng hiện chỉ còn 12 người. Sự ra đi của một số nhà kỹ trị kinh tế đã khiến việc an ninh hóa Bộ Chính trị trở nên rõ ràng hơn.

Ngoài ông Lâm, bốn ủy viên Bộ Chính trị khác cũng xuất thân từ Bộ Công an, khiến cho họ là khối lớn nhất, 5/12 người, chiếm 42% trong Bộ Chính trị.

Nếu tính cả Đại tướng Lương Cường và Đại tướng Phạm Văn Giang của Quân đội Nhân dân Việt Nam - lực lượng xét cho cùng là một đội quân của Đảng - có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và Đảng cộng sản Việt Nam, thì có tới 7 trong số 12 (58%) ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ lĩnh vực an ninh.

Có hai điều có thể rút ra từ đây. Thứ nhất, nó phản ánh những lo lắng của chế độ về các cuộc cách mạng màu và diễn biến hòa bình. Đội ngũ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng bị thống trị bởi những người có phản ứng bản năng đối với bất cứ điều gì cũng là : Phải kiểm soát.

anninh2

Đại tướng Tô Lâm, người mới được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị (bên phải), chụp ảnh với các thành viên khác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh : Hoang Dinh Nam/AFP

Đại tướng Tô Lâm, người mới được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị (bên phải), chụp ảnh với các thành viên khác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 tại Hà Nội, ngày 28/1/2016. Nguồn ảnh : Hoang Dinh Nam/AFP

Điều rút ra thứ 2 là tầm quan trọng của Bộ Công an với tư cách là phương tiện để thăng tiến chính trị. Đại học An ninh Nhân dân (tên gọi mới là Học viên An ninh Nhân dân) do Bộ Công an quản lý là cái nôi đào tạo Ủy viên Bộ Chính trị hàng đầu với 03 ủy viên đương nhiệm là cựu học viên.

Nhiều quan chức cấp cao đã có sự nghiệp lâu dài trong Bộ Công an trước khi được thuyên chuyển sang các vị trí Chính phủ và Đảng. Các trải nghiệm và kinh nghiệm có được trong lĩnh vực an ninh thường định hình thế giới quan của họ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là một công an chuyên nghiệp. Ông là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an giai đoạn 2006 - 2009 và rồi làm Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần và Kỹ thuật trong một thời gian ngắn.

Từ năm 2010-2011, ông Chính giữ chức Thứ trưởng, rời ngành công an với quân hàm Trung tướng và từ đó, chuyển sang làm việc trong bộ máy Đảng ở tỉnh Quảng Ninh.

Bài học từ Liên Xô

Ông Nguyễn Văn Nên, người hiện là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là ủy viên Ban Bí thư, từng là công an ở Tây Ninh trong 17 năm trước khi chuyển sang các vị trí trong chính quyền và hệ thống Đảng ở tỉnh này.

Một phần vì những kinh nghiệm trong Bộ Công an, năm 2011, ông Nên đã trở thành thành viên Ủy ban Ban chỉ đạo Tây Nguyên – cơ quan chịu trách nhiệm về các chính sách và việc giám sát khu vực này – nơi tiếp tục phải đối diện với những bất ổn đến từ các dân tộc thiểu số.

Phan Đình Trạc – người hiện là Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, cũng là một cảnh sát chuyên nghiệp. Tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân, ông phục vụ trong Bộ Công an từ năm 1980 đến năm 2005.

Từ năm 2005 đến năm 2010, ông Trạc giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Nghệ An (thuộc khu vực Bắc Trung Bộ) và là Bí thư Thành ủy Nghệ An giai đoạn 2010-2013. Sau đó, ông Trạc đảm nhận một loạt các vị trí cấp cao của Đảng trong Ủy ban Nội chính Trung ương cũng như Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan chuyên điều tra tham nhũng của các quan chức từ trung đến cấp cao.

Ông Nguyễn Hòa Bình là Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và là ủy viên Ban Bí thư. Ông Bình quê ở Quảng Ngãi nhưng là "hạt giống đỏ". Gia đình ông chuyển ra miền Bắc sau khi Việt Nam bị chia cắt thành hai miền vào năm 1954.

Ông Bình cũng tốt nghiệp Đại học An ninh Nhân dân và sau đó trải qua bốn năm, từ 1987 đến 1991, làm nghiên cứu sinh tại Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô. Ở đó, ông đã tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của Đảng cộng sản Liên Xô. Không có gì phải nghi ngờ, trải nghiệm này, đã định hình nên thế giới quan của ông.

Sự nghiệp của ông Bình trong Bộ Công an chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tội phạm kinh tế - một công việc đã mang đến cho ông một cái nhìn độc đáo về phạm vi và quy mô của tình hình tham nhũng ở Việt Nam.

Ông Bình đạt tới đỉnh cao trong sự nghiệp công an của mình trong giai đoạn 2007-2009 khi được thăng quân hàm Thiếu tướng và giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Ông cũng từng giữ chức Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Sau một thời gian làm việc tại Đảng bộ Quảng Ngãi với cương vị cao nhất là Bí thư Tỉnh ủy, ông Bình tiếp quản Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vào năm 2011 và trở thành kiểm sát viên cấp cao nhất của Việt Nam (tức Viện trưởng Viện Kiểm sát). Ông giữ chức Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kể từ năm 2016 đến nay – một nhiệm kỳ dài bất thường.

Tư duy và chiến thuật Trung Quốc

Kể từ thời kỳ Đổi mới bắt đầu vào năm 1986 và do 5 ủy viên buộc phải từ chức kể từ tháng 12/2022, Bộ Chính trị Việt Nam chưa bao giờ trở nên kém đa dạng đến vậy cho dù nhân sự của tổ chức này dự kiến sẽ sớm được bổ sung.

Theo điều lệ hiện hành của Đảng cộng sản Việt Nam, các thành viên của Bộ Chính trị phải nghỉ hưu ở tuổi 65 trừ khi họ có được miễn trừ. Như vậy, 10 trong số 12 thành viên đương nhiệm của tổ chức này cần được cho nghỉ hưu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14. Nhưng điều này sẽ đi ngược lại thông lệ/chuẩn mực có tính lịch sử rằng không quá 50% ủy viên Bộ Chính trị được nghỉ hưu tại một kỳ Đại hội.

Có vẻ như ít nhất 3 thành viên của Bộ Chính trị có khả năng sẽ được miễn trừ, trừ khi Ban Chấp hành Trung ương ra một quyết định hy hữu muốn trẻ hóa tổ chức này. Nếu vậy, khối an ninh thậm chí còn trở nên đậm đặc hơn.

Nếu Bộ trưởng Tô Lâm được đề bạt làm Tổng bí thư, người thay thế ông cũng sẽ có thể được bầu vào Bộ Chính trị.

Trong Đại hội 12, được bầu năm 2016, bốn trong số 19 ủy viên Bộ Chính trị từng làm việc tại Bộ Công an. Do đó, khối an ninh này nhiều khả năng tiếp tục là một thuộc tính kéo dài của chính trị Việt Nam.

Sáu trong số 200 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương xuất thân từ Bộ Công an, xếp thứ hai chỉ sau Bộ Quốc phòng trong số các lực lượng mặc đồng phục. Mặc dù không hoàn toàn chi phối Ban này nhưng đó rõ ràng là sự lấn át về mặt tổ chức.

Điều này sẽ có tác động sâu sắc tới công chúng và định hình mạng internet, truyền thông xã hội, xã hội dân sự và kinh tế của Việt Nam. Những người đàn ông này nhìn mọi thứ qua lăng kính an ninh và sự sống còn của chế độ.

Chúng ta đã thấy chế độ hiện hành ở Việt Nam cảm thấy bất an như thế nào qua Chỉ thị 24 do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 7/2023. Chỉ thị này không chỉ có những cảnh báo về nguy cơ diễn biến hòa bình và các cách mạng màu mà còn áp dụng lối tư duy hiện tại của Trung Quốc về mối đe dọa từ các nhà đầu tư quốc tế và cộng đồng các nhà tài trợ - những người có thể thúc đẩy, kích động những nguy cơ này.

Nhà cầm quyền gần đây vừa bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình , một quan chức Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA) đồng thời là một cựu công đoàn viên và cựu chuyên gia tại Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Ông đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua một công ước cho phép thành lập các đoàn độc lập của người lao động.

Nhà cầm quyền cũng đang vận dụng thêm các chiến thuật kiểu Trung Quốc : Ông Bình bị truy tố theo điều 337 Bộ luật Hình sự - một điều khoản hình sự hóa việc tiết lộ bất hợp pháp các thông tin mật.

Đảm bảo an ninh chế độ và phát triển kinh tế cần đi đôi với nhau. Tăng trưởng kinh tế thường mang đến cho Đảng cộng sản Việt Nam tính chính danh nhờ thành quả lãnh đạo. Nhưng trên thực tế, rất khó để đồng thời có được cả hai thứ và nhu cầu an ninh sẽ chiến thắng sự thực dụng kinh tế.

Zachary Abuza

Nguồn : RFA, 16/05/2024

Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Zachary Abuza
Read 228 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)