Đã có rất nhiều cuộc thảo luận để tìm câu trả lời cho câu hỏi : "Thế nào là trí thức" (intellectuals) ? Người Việt Nam thường hiểu trí thức như những người có học vị và bằng cấp cao. Tuy nhiên, cách hiểu đó không đúng do thiếu rất nhiều đặc tính phải có của trí thức.
Thế nào là trí thức ?
Trong thời kì Nga hoàng (Tsar), vua Alexander II đã gửi những trí thức " intelligentsia" sang các nước phương Tây để học tập về các nền văn minh và sau đó " intelligentsia" phải trở về Nga để áp dụng những nghiên cứu đó, giúp ích cho nền chính trị Liên Xô.
Trí thức phải là những ngọn nến soi sáng bóng đêm của độc tài và lạc hậu đang bao phủ đất nước
Cách Mạng Tháng Mười Nga năm 1917 được lãnh đạo thành công bởi nhóm trí thức Bolshevik, gồm Lenin và Trotsky, khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản bạo lực và dối trá.
Những trí thức Hoa Kỳ đã biết kết hợp và gắn bó với nhau mang tới thắng lợi cho Cách Mạng Hoa Kỳ (American Revolution), khai sinh ra Hợp Chủng Quốc Hoa Kì vào 7/1776 : Benjamin Franklin với ý niệm chủ nghĩa Quốc gia (Nationalism) ; Thomas Paine với cuốn sách "Lẽ Thường" (Common Sense) truyền cảm hứng, cổ võ cho một Hoa Kỳ độc lập ; Samuel Adams lãnh đạo các công nhân Massachusets phản đối thành công việc đóng thuế cho Anh ; Thomas Jefferson với bản Tuyên ngôn Độc lập hùng hồn ; và sự lãnh đạo tài tình của George Washington.
Sự kết hợp giữa giới trí thức và công nhân Ba Lan đã tạo nên Công Đoàn Đoàn Kết, là một trong những phong trào góp phần hạ bệ chủ nghĩa cộng sản tại Ba Lan.
Giới trí thức cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giải thể chủ nghĩa cộng sản tại Liên bang Soviet. Cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô Gorbachev, là kiến trúc sư của chính sách cải cách và công khai, đã trả lời phỏng vấn như sau : "Mô hình Liên Xô đã thất bại không chỉ về kinh tế và xã hội, nhưng còn bị đánh bại về văn hóa. Xã hội của chúng ta, dân tộc của chúng ta, những người có học thức cao nhất, trí thức nhất đã bác bỏ mô hình đó ở cấp độ văn hóa vì nó không tôn trọng con người, áp bức họ về cả mặt tinh thần lẫn chính trị".
Mông Cổ (Mongolia) là một quốc gia Trung Á, từng bị Trung Quốc cai trị từ cuối thế kỷ 17 đến năm 1911. Từ tháng 11/1924, nước Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ chính thức ra đời, nhưng thực chất là một quốc gia cộng sản, thuộc Liên bang Soviet. Tháng 12/1989, khoảng 300 người, gồm trí thức và sinh viên, liên kết lại thành lập Liên minh Dân chủ Mông Cổ (MDU-Mongolia Democratic Union), là tổ chức chính trị đầu tiên thách thức chế độ độc đảng tại Mông Cổ. MDU đã bắt đầu tổ chức các cuộc diễn hành tại Ulaanbaatar, yêu sách chính quyền cộng sản bầu cử tự do, đa đảng, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí, và cải cách kinh tế, xã hội. Tháng 2/1990 Đảng Dân Chủ MDP (Mogolian Democratic Party) được thành lập. Tiếp đến 3/1990, Đảng Quốc gia Tiến bộ MNPP (Mogolian National Progress Party), Đảng Xã hội Dân chủ MSDP (Mongolian Social Democratic Party) liên tiếp được thành lập bởi phần lớn các trí thức tinh hoa (1). Một học giả đã từ bỏ Đảng cộng sản nói : "Trí thức Mông Cổ luôn luôn chống lại chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Mông Cổ". Rất nhiều trí thức Mông Cổ buộc phải tị nạn vì thái độ bất tuân với chính quyền cộng sản, nhưng họ không bao giờ ngừng chỉ trích chế độ cộng sản (2).
Bảng phân bổ số ghế các Đại biểu quốc hội Mông Cổ theo đảng phái, trong đó thành phần trí thức chiếm đa số
Những dẫn chứng kể trên chứng minh được vai trò tối quan trọng của trí thức trong bất kì cuộc cách mạng đấu tranh nào. Trí thức không chỉ là người có trí tuệ, nhưng còn biết sử dụng tri thức để phản đối sai trái và phản kháng bất công, để mang đến sự thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội. Trí thức thực sự gắn bó bản thân với mọi mặt của chính trị và xã hội để trở thành một tác nhân của lịch sử. Trí thức đúng nghĩa phải có ít nhất 3 đặc tính sau :
1. Dấn thân chính trị : trí thức phải dũng cảm phản kháng bất bình đẳng, bất công trong xã hội để bảo vệ sự thật, công lý, tự do dù có trả giá bằng tính mạng cũng không từ nan.
2. Suy nghĩ độc lập : trí thức phải dám hy sinh lợi ích cá nhân, phe nhóm, có quan điểm độc lập, không lệ thuộc hoặc bị chi phối, ảnh hưởng bởi bất cứ ai, và sẵn sàng bảo vệ quan điểm bằng mọi giá.
3. Gắn bó xã hội : trí thức phải dám gắn bó với các phong trào xã hội và sẵn sàng thành lập các phong trào hoặc tổ chức vì lợi ích chung của xã hội.
Như vậy, bằng cấp cao hoặc kiến thức chuyên môn không làm nên trí thức, nhưng phải là thái độ. Trí thức đúng nghĩa bày tỏ thái độ chính trị, sẵn sàng phản kháng bất công, suy nghĩ độc lập và luôn thao thức tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung của xã hội. Việt Nam có trí thức đúng nghĩa hay không ?
Câu trả lời ngắn là có nhưng rất ít. Việt Nam hiện có hơn 26.000 ngàn thạc sĩ và tiến sĩ, nhưng đại đa số ở ẩn, tránh xa hoạt động chính trị hoặc thậm chí cộng tác với chính quyền cộng sản để đổi lấy đặc quyền. Vì thế, họ chắc chắn không thể được xem là trí thức. Nếu Việt Nam có 1% trí thức đúng nghĩa, thì chế độ độc tài toàn trị đã không tồn tại đến tận ngày nay.
Trí thức đúng nghĩa dấn thân chính trị
Đã rất nhiều lần, người viết nhấn mạnh, giải pháp chính trị cho thảm họa độc tài cộng sản Việt Nam, là xây dựng một hoặc nhiều tổ chức chính trị có tầm vóc. Chỉ có một kết hợp chính trị lương thiện, dựa trên nền tảng lòng yêu nước, mới hiệu quả đưa đất nước thoát khỏi ách độc tài toàn trị. Tuy nhiên, một tổ chức chính trị chỉ lớn mạnh khi có được sự tham gia và đóng góp của trí thức đúng nghĩa.
Có ý kiến cho rằng "Việt Nam chưa có dân chủ vì chưa có được sự ủng hộ của nhân dân, chứ không phải vì sự thiếu vắng của trí thức".
Quần chúng hoặc nhân dân ở đây tạm hiểu là tất cả công dân Việt Nam, bao gồm nhiều thành phần có nghề nghiệp khác nhau. Người viết tạm chia ra 2 thành phần chính : quan tâm và không quan tâm chính trị.
1. Những người quan tâm chính trị, nhưng không nắm được bản chất và đường lối của đấu tranh dân chủ, sẽ gặp khó khăn trong việc dẫn dắt người khác. Và trong số nàylà nhiều người có cuộc sống kinh tế khó khăn, khiến họ chỉ có thể ủng hộ tinh thần cho cuộc đấu tranh dân chủ.
2. Những người không quan tâm chính trị phần lớn do sợ hãi đến từ chính sách ngu dân và vũ lực của đảng cộng sản. Cũng vậy, có thể nhiều người trong số này nghèo khổ, là rào cản lớn nhất giới hạn sự quan tâm của họ đối với thực trạng đất nước.
Như vậy, quần chúng mà quan tâm chính trị và chán nản với sự lãnh đạo độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam, về căn bản đã ủng hộ dân chủ rồi. Do đó, nhận định "Việt Nam chưa có dân chủ vì chưa có được sự ủng hộ của nhân dân" là không thỏa đáng. Có được sự ủng hộ của quần chúng rồi thì sao ? Vẫn phải có tổ chức lãnh đạo. Nên nhớ, nhân dân rất thực tế. Họ chỉ chấp nhận lời vận động tham gia của tổ chức khi biết chắc nó sẽ thành công. Truyền bá tư tưởng và vạch ra chiến lược là vai trò của tổ chức.
Napoleon từng nhấn mạnh : "Quần chúng chỉ là con số không dài vô tận, giá trị chỉ là con số đầu ". Những con số đầu là vai trò lãnh đạo vô cùng quan trọng của lãnh tụ xuất chúng hoặc tổ chức với đường lối, cương lĩnh rõ ràng. Tóm lại, nhân dân chỉ có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình khi được lãnh đạo và dẫn dắt bởi tổ chức chính trị.
Chính vì thế, phải hình thành được một hoặc nhiều đảng đối lập lớn mạnh, với đội ngũ nòng cốt là các trí thức đúng nghĩa, để hướng dẫn quần chúng cũng như tạo áp lực chính đáng lên Đảng cộng sản Việt Nam.
Những trí thức đúng nghĩa dẫn chứng ở trên đã mang đến sự thay đổi chính trị và xã hội quan trọng cho đất nước của họ. Lịch sử thế giới đã chứng minh trí thức là kiến trúc sư và diễn viên chính của các cuộc tranh đấu thay đổi thể chế.
Cách mạng Xiêm 1932 (Promoters Revolution) trong lịch sử Thái Lan là một cuộc đảo chính không đổ máu nhằm lật đổ vua Prajadhipok và lần đầu tiên thay thế chế độ quân chủ chuyên chế bằng quân chủ lập hiến. Cuộc đảo chính này được lãnh đạo bởi sự kết hợp chặt chẽ của giới trí thức tinh hoa và quân đội Thái Lan.
Nếu Việt Nam có đội ngũ trí thức đúng nghĩa, cũng biết tìm đến và kết hợp với nhau tạo thành tổ chức mạnh, thì việc giải thể chế độ cộng sản độc hại sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
Vì sao Việt Nam vẫn chưa có dân chủ ?
Nguyên nhân chính khiến Việt Nam chưa có dân chủ là vì chưa tạo dựng được một hoặc nhiều tổ chức chính trị đối lập lớn mạnh. Vì sao ? Ngắn gọn là vì Việt Nam vắng bóng trí thức đúng nghĩa.
Khổng Tử với văn hóa Nho Giáo ảnh hưởng quá lớn đến Trung Quốc và Việt Nam. Khổng Tử chọn chính trị vì muốn làm quan phục vụ triều đình và chỉ từ bỏ giấc mộng, mở trường dạy học sau nhiều thất bại. Các học trò của Khổng Tử cũng được đào tạo với giấc mộng làm quan, phải hết lòng phò trợ "minh quân" cai trị dân chúng, lấy sự bền vững của chế độ làm mục tiêu, thay vì cống hiến cho lợi ích của đất nước và dân tộc.
Khổng Tử đã từng dạy học trò : "Nước nguy thì chớ vào, nước loạn thì chớ ở, hoàn cảnh tốt thì ra làm quan, hoàn cảnh xấu thì ẩn mình". Rõ ràng, triết lý này của Khổng Tử khuyến khích kẻ sĩ thần phục tầng lớp cai trị và rũ bỏ trách nhiệm thiêng liêng đối với tổ quốc : có ăn thì vào, không có ăn thì rút lui chờ thời. Văn hóa Khổng Giáo, "văn hóa vô tổ quốc", đã sản sinh ra tầng lớp trí thức nô lệ, thụ động, hèn nhát, cúi đầu phục vụ cho chế độ cai trị để có ăn dù cho nó có hung bạo và phi nghĩa đến mấy.
Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, dường như rất ít trí thức dám lên tiếng phhe bình hay chỉ trích những hôn quân gian ác để mưu cầu công bằng cho nhân dân và hưng thịnh cho đất nước. Nho giáo đã rất thành công trong suốt chiều dài phong kiến vì đã tạo ra được những con người chỉ biết an phận, biến mình thành công cụ cho kẻ cầm quyền.
Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay cũng đang tìm cách khôi phục lại Nho giáo nhằm ngăn cản tiến trình dân chủ hóa đất nước. Phần lớn trí thức Việt Nam cầu an, vô cảm, đóng chặt lương tri trước sự độc ác và hung tàn của chính quyền cộng sản, trước sự quằn quại trong nghèo khổ và bất công của dân tộc Việt Nam. Sự sợ hãi và an phận đã khiến phần lớn trí thức nhắm mắt, bịt tai, cúi đầu, câm miệng trước đàn áp man rợ và âm mưu bán nước của Đảng cộng sản. Kế thừa khoảng thời gian dài thấm nhuần Nho giáo, trí thức Việt Nam ngày nay gần như đầu hàng đã vô điều kiện nỗi sợ mang tên đảng cộng sản, bản năng phản kháng đã bị tê liệt, mất khả năng suy nghĩ độc lập và trở nên vô cảm và đớn hèn. Vì thế, phải đau xót thừa nhận rằng Việt Nam có rất ít trí thức đúng nghĩa, tức thành phần trí thức dấn thân chính trị.
Thay lời kết
Trí thức Việt Nam có xót xa khi nhìn hình ảnh bạo lực của các em học sinh nắm tóc, đấm đá nhau rất dã man trước sự dửng dưng của những người chung quanh ? Trí thức Việt Nam có nhói đau khi nghe tiếng khóc tức tưởi của những gia đình có người thân bị công an đánh chết ? Trí thức Việt Nam nghĩ gì khi các đảng viên công khai tham nhũng, trục lợi và lạm quyền để gia đình họ sống như bậc vương giả ? Trí thức Việt Nam có tức giận khi Đảng cộng sản Việt Nam thần phục đớn hèn và lệ thuộc quá đáng vào chính quyền cộng sản Trung Quốc ? Trí thức Việt Nam có thấy xấu hổ trước những thế hệ thanh niên sinh viên trẻ dũng cảm lên tiếng chống tham nhũng và bất công, như Phan Kim Khánh đã bị nhà nước cộng sản tuyên án 6 năm tù ?
Hoa Kỳ, Pháp, Nga, Mông Cổ… đều đã giành được thắng lợi dân chủ nhờ vào sự kết hợp quyết tâm của đội ngũ trí thức dấn thân và yêu nước. Ngược lại, Việt Nam chưa có dân chủ không phải là vì dân trí thấp mà vì thiếu tầng lớp trí thức dấn thân và yêu nước đúng nghĩa. Khi phần lớn trí thức Việt Nam vẫn còn xem phục vụ chế độ độc tài cộng sản hiện nay như là một cơ hội để mưu cầu danh lợi cá nhân, thay vì tìm cách khai thông dân trí, khuyến khích tự hào dân tộc, phác họa một tương lai khác cho Việt Nam nếu có dân chủ thì đất nước Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục quặn quại trong nghèo hèn và lạc hậu dưới chế độ độc tài toàn trị.
Những người Việt Nam còn quan tâm đến tương lai đất nước phải luôn trăn trở và suy nghĩ không ngừng để tìm giải pháp cứu đất nước ra khỏi thảm họa suy vong, đưa dân tộc thoát khỏi bất hạnh ngu dốt và không còn phải chịu đựng những người ngu dốt tiếp tục đè đầu, bóp cổ. Và trong quá trình suy tư đó, những trí thức dấn thân phải tự tìm cho mình một tổ chức đáng tin cậy để tham gia hay công khai ủng hộ ; hoặc thành lập một tổ chức khác. Đảng cộng sản Việt Nam đang phân hóa và chia rẽ hơn bao giờ hết. Vì thế, chỉ cần quyết tâm vượt qua nỗi sợ, khéo léo liên kết lại với nhau cùng đồng thuận trên một giải pháp chung, những trí thức dấn thân Việt Nam có thể tạo ra những chuyển biến thuận lợi cho triển vọng dân chủ hía đất nước.
Gìn giữ và phát huy lòng yêu nước trước hết phải là trách nhiệm của trí thức. Nếu những người có bằng cấp cao, địa vị tốt và mức sống cao vẫn còn câm miệng trước sai trái của chính quyền cộng sản gian ác, thì làm sao trách được đại đa số quần chúng im lặng, thiếu kiến thức chỉ biết quanh năm suốt tháng lao động quần quật để có miếng ăn ?
Trí thức trước hết phải quan tâm đến đất nước, xem tương lai của đất nước và hạnh phúc của dân tộc như là những mục tiêu cao đẹp của đời mình. Sau nữa, trí thức phải dám dấn thân chính trị, dám phản kháng bất công, để bảo vệ sự thật, công lý, tự do dù phải trả giá bằng những vi phạm nhân thân trong kiêu hãnh.
Nếu những người tự nhận là trí thức hay được nhìn nhận là trí thức, chỉ muốn an thân và cam chịu, quì gối cúi đầu phục vụ bạo quyền, vô cảm trước nỗi đau và sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam, để có cuộc sống sung túc hơn đám đông còn lại thì mang lại danh dự gì cho con cháu họ sau này ?
Một nông dân họ Mao trước đây đã từng nói : "Trí thức không bằng cục phân", vì ít ra cục phân nuôi dưỡng sự phát triển của cành rau, cây lúa. Trí thức Việt Nam nuôi dưỡng cái gì nếu không dám dấn thân ?
(01/11/2017)
Mai V. Pham
Thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
"Đa Nguyên – Bất Bạo Động – Hòa Giải & Hòa Hợp Dân Tộc"
(1) "Understanding Modern East Asian Politics", Christian Schafferer, Noval Publishers, 2005.
(2) "Mongolia in the Twentieth Century", Stephen Kotkin & Bruce Allen Elleman, Routledge, 2015.
Tham khảo :
- http://foreignpolicy.com/2011/06/20/everything-you-think-you-know-about-the-collapse-of-the-soviet-union-is-wrong/
- https://www.britannica.com/event/Promoters-Revolution
- https://www.newstatesman.com/society/2007/04/marxist-intellectuals-social
- http://www.tiki-toki.com/timeline/entry/481285/Celebrating-25-Years-of-Democracy-in-Mongolia/
Chưa bao giờ chính trường Việt Nam lại có nhiều sự kiện bất ngờ xảy ra liên tiếp như hiện nay.
Bộ chính trị có còn nguyên vẹn như sau Đại hội đảng lần thứ 12 ?
Bắt đầu từ vụ ‘kỷ luật’ vô tiền khoáng hậu đối với một đương kim ủy viên Bộ chính trị, bí thư Sài Gòn Đinh La Thăng. Trước đó là cách chức ‘cựu bộ trưởng’ Bộ công thương Vũ Huy Hoàng và mới nhất là vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí.
Sau khi nhà tài phiệt ngân hàng Trầm Bê và 15 cộng sự bị bắt thì dư luận đồn đoán rằng người tiếp theo sẽ là cựu thống đốc Ngân hàng Nguyễn Văn Bình và mọi con đường cuối cùng sẽ dẫn đến con hổ to nhất : Nguyễn Tấn Dũng.
Nhân vật thứ 5 trong đảng, tức thường trực ban bí thư Đinh Thế Huynh, người có thể kế nhiệm chức tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, đã chính thức bị thay thế bởi Trần Quốc Vượng (trưởng ban kiểm tra trung ương) vì lý do sức khỏe. Trần Đại Quang lẫn Hoàng Trung Hải đều bặt âm vô tín.
Nội bộ đảng cộng sản đang lục đục và chia rẽ trầm trọng hơn bao giờ hết. Đỉnh điểm của nó là khi Bộ chính trị bỏ phiếu kín về việc tiếp tục hay dừng lại việc tìm kiếm và khai thác dầu khí tại mỏ Rồng Đỏ thuộc bãi Tư Chính, một khu vực hoàn toàn nằm trong thềm lục địa đặc quyền kinh tế của Việt Nam trước sự đe dọa của Trung Quốc. Theo một số nhà nghiên cứu nước ngoài như Carl Thayer, Bill Hayton thì Bộ chính trị đã họp và có hai người yêu cầu dừng thăm dò dầu khí tại bãi Tư Chính là ông Nguyễn Phú Trọng và Ngô Xuân Lịch.
Lý do mà hai ông này đưa ra là Việt Nam không đủ sức chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc lên các đảo ở Trường Sa và nhất là tổng thống Mỹ Trump không còn quan tâm đến Biển Đông và không có ý định hậu thuẫn Việt Nam. Lý do này không thuyết phục dân chúng Việt Nam vì không phải bây giờ Trung Quốc mới có ý định xâm chiếm các đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Đảng cộng sản Việt Nam phải tiên liệu, chuẩn bị và có kế sách thích hợp kể cả nâng cấp quan hệ với Mỹ và tìm sự ủng hộ của dư luận thế giới. Mặt khác, Trung Quốc hù dọa và mua chuộc là chính, việc tấn công xâm lược một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ bị trả giá nặng nề. Trường hợp nước Nga xâm chiếm Ukraine bị cả thế giới cấm vận suốt 3 năm qua là một ví dụ.
Mối đe dọa từ Trung Quốc luôn còn đó, đối sách thích hợp đối với Việt Nam là phải từ bỏ đường lối đối ngoại và quốc phòng ‘ba không’ (1) nhanh chóng thiết lập và ký kết các hiệp ước liên minh về quân sự-kinh tế với các cường quốc có chung lợi ích tại Biển Đông như Mỹ, Nhật, Ấn, Úc… Và nhất là phải nhanh chóng dân chủ hóa đất nước để Việt Nam có thể phát triển và hội nhập được với dòng chảy văn minh của nhân loại. Việt Nam chỉ có thể tự bảo vệ được mình khi đất nước phát triển và có các liên minh quân sự vững chắc như trường hợp Đài Loan.
Bỏ qua mọi hy vọng và trông chờ của người dân Việt Nam, ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục chọn cách thần phục ngoại bang, loại bỏ các phe nhóm không ăn cánh trong nội bộ đảng và đàn áp người dân.
Một vụ bắt giữ qui mô và rộng lớn chưa từng có đối với những người hoạt động dân sự và bất đồng chính kiến xảy ra tiếp ngay sau khi chính quyền vừa kết án rất nặng hai người phụ nữ là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga với bản án 9-10 năm tù giam, đó là các ông : Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển và mới nhất là Nguyễn Trung Trực, 5 nhà hoạt động ôn hòa thuộc ‘Hội Anh em dân chủ’.
Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, nhận định của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ngày càng đúng : "Sẽ không thể có lối thoát cho đất nước dưới chế độ cộng sản này. Trong suốt quá trình tồn tại và cầm quyền nó đã chứng tỏ chỉ có ưu tư duy nhất là duy trì ách thống trị trên dân tộc bằng mọi giá, kể cả tàn phá đất nước, hy sinh lợi ích dân tộc và thần phục ngoại bang. Nó cũng là một chế độ cực kỳ tham nhũng, và lịch sử mọi dân tộc đều đã chứng tỏ rằng chỉ có thể thay thế chứ không thể cải thiện một chính quyền tham nhũng".
Cuộc chiến ‘chống tham nhũng’ mà đảng cộng sản đang tiến hành với đỉnh điểm là việc cho an ninh sang tận Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã gây ra một sự cố ngoại giao nghiêm trọng. Hình ảnh và uy tín của Việt Nam bị tổn thương nặng và nhất là cuộc sống bình yên của cộng đồng người Việt tại Đức sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ sau vụ việc này. Báo chí và các đảng đối lập sẽ gây áp lực mạnh lên chính quyền trước cuộc bầu cử vào tháng 9 năm nay. Các chính sách đối với cộng đồng người Việt tại Đức cũng như đối với Việt Nam sẽ bị chính quyền Đức xem xét lại một cách gay gắt. Tóm lại, trong cơn điên loạn nhân danh ‘chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm’ để đấu đá nội nộ, tranh giành quyền lực và sát phạt lẫn nhau một cách không khoan nhượng, các phe cánh trong chính quyền cộng sản Việt Nam sẵn sàng hành động bất chấp hậu quả.
"Đảng Cộng Sản đã phân hóa. Nó không còn một lý tưởng chung để gắn kết các đảng viên. Đã thế tham nhũng, bất tài và vô đạo đức còn gây sự ganh ghét và khinh thường lẫn nhau trong toàn bộ đảng, kể cả ở cấp cao nhất. Bộ chính trị không còn quyền lãnh đạo tối cao vì mâu thuẫn với ban chấp hành trung ương, một định chế không thường trực nhưng lại có thẩm quyền tối hậu trong việc chỉ định và kỷ luật các cấp lãnh đạo. Đảng Cộng Sản chỉ còn là một hư cấu. Chế độ như một con tầu không còn đoàn thủy thủ và đang chuyển hóa từ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân" (trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai).
Đất nước đang lâm nguy. Vậy người dân Việt Nam đặt biệt là tầng lớp trí thức phải làm gì ? Không lẽ cứ để hiện tại tiếp tục trôi dạt một cách bất định về tương lai ?
Không còn con đường nào khác ngoài việc trí thức Việt Nam trong và ngoài đảng nhanh chóng nhận thức rõ sự chia rẽ trầm trọng và sự bất lực đã hết thuốc chữa của ban lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay, họ chỉ là một thiểu số rất nhỏ đang nắm giữ vận mệnh đất nước và của hơn 90 triệu người Việt trong đó có cả 4 triệu đảng viên.
Trí thức Việt Nam hãy thức tỉnh và đứng về phía nhân dân, hãy đoàn kết, cùng bày tỏ và xác quyết thái độ của mình trước hiện tình của đất nước. Hãy ủng hộ cho các tổ chức đối lập dân chủ đứng đắn và có viễn kiến để cùng tạo ra một lực lượng chính trị mới, dân chủ và văn minh để làm giải pháp thay thế cho chế độ cộng sản già nua và lạc hậu. Tương lai của chúng ta, của 90 triệu người Việt phải do chính chúng ta quyết định thay vì để một nhóm người bất lực định đoạt hộ.
Những cá nhân và các tổ chức đang tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ cho dù vẫn còn khác biệt nhưng phải đạt đến một tầm cao mới là tranh đấu có tổ chức. Phải xem việc kết nối và xây dựng tổ chức là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Phải có nhiều tổ chức có tầm vóc mới tạo thành một liên minh dân chủ rộng lớn và chỉ khi đó mới có thể động viên được quần chúng để gây sức ép buộc chính quyền cộng sản thay đổi về phía dân chủ.
Lực lượng trí thức đang còn ở trong bộ máy nhà nước, quân đội, công an sẽ đóng một vai trò khá quan trọng trong cuộc chuyển hóa vĩ đại này. Thay vì ngồi chờ để rồi có thể sẽ là nạn nhân của lịch sử thì hãy cùng ‘tự diễn biến, tự chuyển hóa’ một cách hòa bình nhưng dứt khoát về hướng dân chủ. Cùng với các tổ chức dân chủ đối lập đứng đắn và có viễn kiến, chúng ta sẽ thay đổi được vận mệnh đất nước trong hòa bình và ít đổ vỡ nhất. Một đất nước Việt Nam Dân chủ Đa nguyên được xây dựng trên tinh thần Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là một ‘dự án chính trị’ vĩ đại mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị đến toàn thể đồng bào Việt Nam.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ luôn sát cánh cùng các bạn dân chủ và luôn đồng hành cùng đất nước.
Việt Hoàng
(07/08/2017)
(1) Chính sách "ba không" là "không tham gia các liên minh quân sự và không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia".
Nét nổi bật của nền chính trị Việt Nam hiện nay là sự tồn tại đầy vô lý của chế độ cộng sản. Đối với những người có chút quan tâm đến chính trị Việt Nam là điều không có gì phải bàn cãi ; tập đoàn cộng sản Việt Nam chỉ quan tâm một mục đích duy nhất là cố gắng duy trì sự tồn tại của chính nó, dù phải đưa ra những quyết định tàn phá đất nước. Đảng cộng sản Việt Nam không phải là một chính đảng dân tộc ; nó hành xử như một lực lượng chiếm đóng, một chính quyền thực dân.
Khái niệm trí thức phải được nhắc đến trong ngôn ngữ Việt Nam với sự hãnh diện như nó phải có
Sự tồn tại vô lý này thật ra không vô lý, cái khiến nó tồn tại mới là sự vô lý. Nó đặt ra cho chúng ta một câu hỏi gay gắt : Liệu chúng ta có phải là một dân tộc không ?! Trong thời đại ngày nay, điều quan trọng để được coi là một dân tộc là phản ứng tập thể của cả dân tộc đối với các vấn đề liên quan đến sự tồn vong của nó. Đảng cộng sản Việt Nam đã, đang là tai họa của đất nước là điều không thể chối cãi. Nhưng tại sao, sau hơn nửa thế kỷ hiện diện trên đất nước - với những đập phá kinh khủng mà nó đã làm – vẫn chưa gặp phải một chống đối quy mô nào ?
Lý do chính là vì, một dân tộc dù lớn hay nhỏ muốn có phản ứng tập thể, nó cần có lực lượng lãnh đạo, định hướng hành động của nó. Điều mà cho đến nay – dù nhu cầu rất bức thiết – chúng ta vẫn chưa có. Cần phải khẳng định dứt khoát, vấn đề bản chất nhất của chúng ta hiện nay là vấn đề chính trị, phải có giải pháp chính trị, và như vậy, hệ luận tất yếu là phải có tổ chức chính trị để giải quyết vấn đề. Không thể khác.
Nhưng tại sao, trí thức Việt Nam – những bộ não của dân tộc – vẫn dị ứng với tổ chức chính trị, nghĩa là từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình ?
Lý do thì rất nhiều, tôi cũng đã phân tích trong bài "Bàn về dân chủ và dân trí"; ở đây, tôi chỉ muốn "cập nhật "thêm vài lý do theo quan sát và kinh nghiệm cá nhân.
Thứ nhất, theo tôi, trí thức Việt Nam vẫn hiểu một cách khiên cưỡng khái niệm trí thức, nói đúng hơn, họ hiểu một cách máy móc yếu tố "độc lập "trong khái niệm trí thức. Họ cho rằng, trí thức là phải độc lập, nghĩa là phải đứng ngoài các tổ chức, hoặc phải có thái độ trung lập hoàn toàn với tổ chức, nghĩa là không lên tiếng ủng hộ công khai tổ chức nào cả. Thực ra, sự độc lập của người trí thức là sự độc lập về tư duy, nghĩa là, dù anh tham gia hay ủng hộ một tổ chức nào đó đi nữa, nhưng nếu anh có ý tưởng mới, cách nhìn, cách tiếp cận độc đáo thì anh vẫn là con người có tư duy độc lập ; và cái tư tưởng độc đáo của anh sẽ được thăng hoa nhờ vào sự hổ trợ của tổ chức mà anh là thành viên, hoặc cảm tình viên. Ngược lại, dù không tham gia hay ủng hộ tổ chức nào, nhưng nếu không chỉ ra vỉa sáng mới về tư tưởng thì anh cũng chỉ là con người của một xu hướng, một quan điểm chính trị nào đó, dần dần, anh sẽ bị đám đông tiêu hóa trở thành quần chúng bình thường.
Trong lịch sử thế giới, nhiều nhà tư tưởng lớn là người sáng lập hoặc tham gia tổ chức chính trị nhưng không ai nói họ không phải là trí thức cả.
Thứ hai, đa số thành phần trí tuệ của chúng ta vẫn chưa vượt qua được áp lực từ chính bản thân. Dĩ nhiên áp lực từ chính quyền độc tài là điều tôi không muốn nói ở đây, bởi vì, khi một người đã khiếp nhược trước chế độ chuyên chính thì ta phải gạt họ ra khỏi thành phần mà tôi đang bàn tới, nghĩa là trí thức.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết, ở Việt Nam hiện nay, khi một người có chút quan tâm tới đất nước, mới chỉ đưa ra quan điểm của riêng mình là phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè, người thân…, chứ chưa nói tham gia hay ủng hộ công khai một tổ chức chính trị đối lập. Bản thân tôi nhiều khi cảm thây cô đơn ngay giữa đám bạn bè cùng trang lứa ; những gì tôi nói chỉ khiến họ dị ứng. Tôi hiểu, mình đang sống trong một đất nước mà những giá trị đúng đang chết ngạt giữa vô số những xô bồ hổ lốn tầm thường.
Trí thức là người tiên phong, vì lẽ đó, vượt lên trên những cảm xúc, suy nghĩ, hành động của đám đông là điều bắt buộc phải có. Nhân vật Gia Long trong truyện ngắn lịch sử "Vàng lửa "của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có câu nói đầy triết lý : "Vinh quang nào chẳng xây trên điếm nhục". Cuộc đấu tranh loại bỏ chế độ độc tài này là cuộc đấu tranh tôn vinh những giá trị cao cả, tôn vinh con người, nó chỉ thành công nếu chúng ta sử dụng những phương tiện cao cả, tốt đẹp chứ không phải "xây trên điếm nhục "nên không có gì phải xấu hổ cả. Nhưng đây là sự nghiệp lớn lao, trọng đại nhất trong lịch sử nước ta, do vậy, để thành công, nhất định mỗi người đấu tranh sẽ phải chấp nhận một đánh đổi nào đó. Sự đánh đổi của mỗi người sẽ giảm đi khi số người tham gia tăng lên và hành động đúng phương pháp. Sự đánh đổi này, nêu suy nghĩ sâu xa hơn, thực ra, chỉ là sự vượt thoát khỏi sự tầm thường để trưởng thành.
Khi đã nhận ra vai trò lịch sử của mình, trí thức sẽ hiểu rằng, những e ngại đến từ sức ép dư luận xung quanh chỉ là biểu hiện của con người chưa trưởng thành, đôi khi chỉ là cảm giác chủ quan. Người Mỹ có câu : "Khi bạn hai mươi tuổi, bạn thường lo lắng không biết mọi người nghĩ về mình như thế nào ; đến bốn mươi tuổi, bạn mặc xác ai nghĩ về mình thế nào cũng được ; đến sáu mươi tuổi, bạn mới nhận ra, thực ra, chả có ma nào nghĩ tới mình cả".
Ông Nguyễn Gia Kiểng từng đưa ra nhận xét rất đúng rằng : "Trí thức Việt Nam lúc nào cũng sợ người khác nghĩ về mình hơn là mình nghĩ về mình, nên không dám làm điều mình cho là đúng vì thấy nhiều người không làm, nhưng sẵn sàng làm điều xấu xa nếu không bị phát hiện". Cần nhận thức rằng, sự trưởng thành của người trí thức đồng nghĩa với sự trưởng thành của dân tộc. Chúng ta phải chấm dứt tình trạng ” nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".
Thứ ba, tôi có cảm giác, trí thức Việt Nam vẫn chưa thực sự hiểu vai trò của mình trong tiến trình lịch sử dân tộc. Vài thân hữu nói với tôi là những bài viết của cá nhân ông Nguyễn Gia Kiểng và một số thành viên Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khiến giới trí thức cảm thấy bị xúc phạm. Thật ra, chúng tôi luôn coi trí thức là thành phần quyết định trong hành trình lịch sử dân tộc. Nhưng thực tế phũ phàng là dân tộc ta luôn đánh mất cơ hội để thăng tiến một cách đáng tiếc, và chúng ta hiện đang là quốc gia dưới đáy của thế giới về mọi mặt, từ kinh tế, văn hóa, khoa học kỷ thuật. Đau lòng hơn, chúng ta là số ít dân tộc trên thế giới không có cả quyền con người cơ bản. Chúng ta, với dân số xấp xỉ một trăm triệu dân bị một băng đảng mà sự mục rữa đã cùng cực công khai tuyên bố áp đặt một thứ chủ nghĩa ngoại lai đã phá sản, bị thế giới lên án là chủ nghĩa tội ác. Tất cả điều đó nếu người trí thức không lãnh trách nhiệm thì ai sẽ là người lãnh đây ? Những gì chúng tôi viết ra chỉ là để nhận diện một thực tế mà chúng tôi tin rằng chỉ khi người trí thức Việt Nam can đảm đối diện với nó, chất vấn với bản thân mới có thể vượt thoát.
Tôi không phải là một trí thức, và cũng không có mong muốn trở thành một trí thức. Có thể vì thế mà những nhận xét về người trí thức của tôi có phần khắt khe, bởi độ lượng với bản thân, nghiêm khắc với người khác là đặc tính chung của con người. Đó là vì tôi luôn muốn Việt Nam có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa, khái niệm trí thức được nhắc đến trong ngôn ngữ Việt Nam với sự hãnh diện như nó phải có. Trí thức phải thực sự là bộ não của dân tộc, là người cấm lái quốc gia, chứ không phải là những người "chỉ biết tuân theo những quy ước, nên trong thâm tâm đã không thắng nỗi chính mình "như lời thú nhận của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Điều kiện bắt buộc để đất nước tồn tại và vươn lên trong thế giới đầy thử thách này.
Giang Hoàng
(03/05/2017)
Tập hợp Dân chủ Đa nguyên