Tập hợp Dân chủ Đa nguyên : Chí hữu Trần Khắc Đức không phải là nạn nhân đầu tiên của Điều luật 117 tùy tiện !
Tập hợp Dân chủ Đa nguyên nói ông Trần Khắc Đức, người bị bắt gần đây chỉ là người cùng chí hướng với tổ chức, không phải là thành viên và đã có nhiều người như ông bị cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước".
Ảnh chụp màn hình tin bắt giữ ông Trần Khắc Đức trên Báo Điện tử Chính phủ - RFA edited
Trong Tuyên bố ngày 18/11 về việc chí hữu Trần Khắc Đức bị an ninh Việt Nam bắt giữ theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự chín ngày trước, kỹ sư Nguyễn Gia Kiểng - Thường trực ban lãnh đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nêu rõ :
"...Đức chỉ là chí hữu về mặt tình cảm và lý tưởng. Vì lý do an ninh của anh em trong nước Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không có thành viên chính thức trong nước để tạo lý do cho chính sách đàn áp tùy tiện và hung bạo của Đảng Cộng Sản".
Theo tuyên bố, các chí hữu trong nước không có sinh hoạt tổ chức và cũng không tham gia bầu cử các cơ chế của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, những người này chỉ thảo luận và học tập để giúp nhau nhìn rõ những vấn đề và đóng góp cho một đồng thuận dân tộc và không làm bất cứ gì trái với luật pháp hiện hành.
Dù vậy nhiều người đã bị sách nhiều trong hơn một năm qua, kể cả hai người bị đánh tại trụ sở công an trong lúc thẩm vấn. Trong khi đó, trước khi bị khởi tố, ông Đức bị tạm giữ từ ngày 20/9 sau nhiều tháng bị công an thẩm vấn, đe dọa và sách nhiễu.
Báo chí Nhà nước dẫn nguồn tin từ cơ quan công an cáo buộc ông Đức đã viết bốn bài và phát tán 16 bài viết khác có nội dung chống chế độ độc đảng ở Việt Nam, tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Gia Kiểng các bài viết này chỉ là những bài nghiên cứu và bình luận về triết học, lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, nhiều bài đã đăng cách đây hơn mười năm.
Quan điểm của tổ chức thành lập tại Pháp sau năm 1975 khẳng định, hành vi viết và phổ biến những bài này hoàn toàn phù hợp với quyền con người được ghi trong Hiến pháp hiện hành của Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã ký kết.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khẳng định không có thành viên chính thức nào trong nước để tránh bị đàn áp, và các chí hữu trong nước không có sinh hoạt tổ chức cũng như không tham gia bầu cử các cơ chế của tổ chức.
Tổ chức này khẳng định lại chủ trương chuyển hóa về dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng đường lối bất bạo động "là một tiến trình bắt buộc, không thể đảo ngược và đã rất gần".
Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về tuyên bố của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nhưng chưa nhận được phản hồi.
Nguồn : RFA, 21/11/2024
Khi những người thanh niên Việt Nam đầu thế kỷ 20 dấn thân cho lý tưởng chống lại thực dân Pháp, chịu cảnh tù đày, họ rất trẻ. Ít nhiều chỉ xung quanh lứa tuổi 20. Chắc hẳn họ cũng có những giây phút sợ hãi, suy xét cho tương lai cá nhân trước khi lao vào hiểm nguy. Đối diện với những giờ phút ấy, họ đã lựa chọn dấn thân, chấp nhận khiêu vũ với rủi ro. Và họ đã chiến thắng, bất luận cái giá mà cá nhân hay những người cùng lứa tuổi với họ phải trả để đổi lấy tên một nước Việt Nam tự chủ trên bản đồ là rất đắt. Bởi vì thực dân Pháp không dễ gì chịu bỏ rơi một thuộc địa giàu tài nguyên, có một vị trí chiến lược trong vùng Đông Nam Á, và sẵn sàng sử dụng bạo lực để duy trì sự chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Đông Dương.
Chúng ta là một dân tộc cần mẫn đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do.
Mới gần đây thôi, chí hữu Trần Khắc Đức, một thanh niên 29 tuổi, cũng chịu cảnh lao tù vì dám chấp nhận với rủi ro để dấn thân cho một lý tưởng đẹp và oai hùng không kém : đó là xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng phương thức bất bạo động.
Chí hữu Trần Khắc Đức đã chọn tinh thần hòa giải và hòa hợp giữa người Việt với nhau trong lòng một đất nước vẫn còn chia rẽ Bắc Nam, cộng sản và ngụy dân, giáo hội quốc doanh và tín ngưỡng dân gian, đảng viên cộng sản và nhân dân.
Đức cũng như bao thanh niên khác ước mơ về một tươi lai xán lạn cho đất nước với những con người có lòng bao dung, biết yêu thương liên đới, cố gắng hàn gắn lại những vết thương trong cuộc chiến cách đây đã gần 50 năm nhưng vẫn còn đang rỉ máu trong lòng những gia đình nạn nhân vì chính sách trả thù báo oán, phân biệt đối xử, chèn ép và cắt mọi đường tiến thân của con cháu những người thua cuộc.
Sự dấn thân của Trần Khắc Đức là rất cao cả vì anh chỉ muốn góp phần vào sự thay đổi tương lai một đất nước đang rệu rã vì tham nhũng và quản lý vô trách nhiệm. Giấc mơ Việt Nam một Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị phù hợp không những với Trần Khắc Đức mà còn cả với những thanh niên Việt Nam còn gắn bó với đất nước. Giấc mơ đó là góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam trong đó mọi người và mỗi người có một tiếng nói ngang nhau, danh dự và phẩm giá của mỗi con người Việt Nam được tôn trọng.
Chính vì sự cao đẹp của cuộc dân thân của Trần Khắc Đức nên đã có nhiều cán bộ công an và an ninh nhân hậu đã khuyên Trần Khắc Đức nên tập trung làm ăn, lo cho cuộc sống và gia đình, còn chuyện chính trị cứ để kệ đấy. Những lời khyên này không khác cách những viên chức thực dân Pháp ngày xưa khuyên nhủ thanh niên Việt Nam thười đó : hãy vui chơi, ca hát và tìm việc làm trong guồng máy cai trị, không nên "bao đồng lo chuyện thiên hạ".
Trần Khắc Đức cảm nhận những ưu ái đó, nhưng sự thịnh tình này chỉ dành cho những thanh niên chỉ biết lo cho tương lai bản thân và gia đình, còn Đức thì không.
Với khát vọng mạnh mẽ cho quê hương trên đà đón nhận những giá trị tiến bộ, dân chủ và tự do, Trần Khắc Đức đã dồn mọi ưu tư và suy nghĩ để đóng góp vào tiến trình dân chủ hóa đất nước trong kỷ nguyên mới của Việt Nam.
"Bài học lớn nhất của lịch sử thế giới là một dân tộc muốn vươn lên chỉ cần ba yếu tố : một xã hội tự do, những con người cần mẫn và đồng thuận dân tộc. Chúng ta là một dân tộc cần mẫn đã có đồng thuận dân tộc và sắp có tự do.
Chúng ta sẽ vươn lên. Chúng ta có quyền lạc quan trong cuộc hành trình về tương lai. Lạc quan và hãnh diện vì cuộc đấu tranh của ta trong sáng. Nó không nhắm tiêu diệt hay hạ nhục một ai, nó là cuộc đấu tranh để tôn vinh mọi người, tôn vinh quyền làm người và quyền được hưởng hạnh phúc như một dân tộc lớn mà dân tộc ta rất xứng đáng để có.
Chế độ độc tài này sẽ là chế độ độc tài cuối cùng tại Việt Nam. Rũ bỏ được nó chúng ta sẽ vĩnh viễn đi vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tự do, dân chủ, bao dung, đùm bọc, kỷ nguyên vinh quang của những cố gắng chung và của thành công chung" (trích Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2).
Với cố gắng thực hiện ước mơ này, Trần Khắc Đức xứng đáng là biểu tượng của thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay, một thế hệ có một lý tưởng cao đẹp và lương thiện mà đất nước Việt Nam đang rất cần và chờ đợi để thực hiện.
Thanh Chân
(20/11/2024)
Ngày 9/11/2024, có ít nhất 27 tờ báo của Nhà nước loan tin "Thành viên tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bị bắt". Đó là Trần Khắc Đức. Thực ra Đức bị bắt giữ ngày 20/9/2024 và mãi tới ngày 9/11/2024 chuyện này mới được công bố. Và cũng tới ngày 9/11/2024 ông Nguyễn Văn Huy, chủ nhiệm trang mạng Thông Luận, mới có một bài viết ngắn công khai về chuyện này. Điều này đã khiến cho nhiều người phiền lòng và chê trách Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thiếu trách nhiệm với một thành viên.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương xây dựng một Giấc mơ Việt Nam chung
Vài lời giải thích vụ việc
Nhân đây, trước khi tập trung vào chủ đề chính, anh em chúng tôi thiết nghĩ cũng cần có vài lời giải thích vụ việc để mọi người hiểu lý do tại sao anh em chúng tôi không lên tiếng ngay lập tức. Chúng tôi biết hành động bắt Đức là một quyết định sai lầm trong lúc bối rối của công an thành phố Hồ Chí Minh nên đã để cho họ có thời gian suy nghĩ và sửa sai. Nếu ngay ngày 20/9 anh em chúng tôi lên tiếng để xác nhận hay làm ồn vụ bắt người này thì đồng nghĩa với việc gián tiếp ký giấy truy tố Đức. Anh em chúng tôi rất thận trọng và tin rằng công an thành phố Hồ Chí Minh sẽ trả tự do cho Đức khi không phải đối diện với những ồn ào đáng phải có.
Có những thân hữu đã yêu cầu phải nhờ các tổ chức nhân quyền quốc tế can thiệp nhưng chúng tôi cũng không làm vậy, bởi vì đây là chuyện của người Việt Nam với người Việt Nam. Trần Khắc Đức, một thanh niên trẻ tuổi ở Việt Nam, bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ chỉ vì đơn giản ủng hộ một lập trường tranh đấu bất bạo động và thể hiện sự đồng tình với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên – một tổ chức chính trị tranh đấu để thiết lập chế độ dân chủ đa nguyên cho Việt Nam bằng phương pháp bất bạo động, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Vi phạm các cam kết quốc tế và nội luật của chính mình
Vụ việc này không chỉ là một sự vi phạm quyền tự do của cá nhân mà còn phản ánh những vi phạm nghiêm trọng đối với các cam kết quốc tế và nội luật của chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Câu chuyện của Trần Khắc Đức là một minh chứng rõ ràng về việc công an thành phố Hồ Chí Minh đã phớt lờ không chỉ Tuyên Ngôn Nhân Quyền phổ cập của Liên Hợp Quốc mà còn vi phạm chính bản Hiến pháp mà chính họ tuyên thệ trung thành.
Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập (UDHR) của Liên Hợp Quốc, được thông qua vào năm 1948, là một văn bản luật pháp quốc tế quan trọng giúp bảo vệ các quyền cơ bản của con người trên toàn thế giới. Việt Nam, với tư cách là một thành viên của Liên Hợp Quốc, đã ký kết và cam kết thực hiện các điều khoản trong bản tuyên ngôn này. Trong đó, Điều 19 của Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập khẳng định quyền tự do biểu đạt, quyền tự do tìm kiếm, nhận thức thông tin và ý kiến từ mọi nguồn, quyền tự do tham gia vào các hoạt động chính trị mà không bị trừng phạt. Tuy nhiên, vụ bắt giữ Trần Khắc Đức rõ ràng là một hành vi vi phạm quyền tự do này. Đức chỉ đơn giản là ủng hộ một lập trường chính trị ôn hòa, một quyền được bảo vệ không chỉ bởi Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà còn bởi các cam kết quốc tế mà chính Việt Nam đã tham gia ký kết.
Trường hợp của Đức phản ánh một thực tế đáng lo ngại về việc chính quyền Việt Nam đang tiếp tục đàn áp những tiếng nói đối lập, coi những hoạt động chính trị ôn hòa là mối đe dọa, mặc dù điều này trái ngược với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã nhìn nhận. Đức không phải là một kẻ phạm tội hình sự hay khủng bố. Anh chỉ thực hiện quyền tự do chính trị của mình, quyền mà bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền phổ cập đã bảo vệ cho mỗi công dân trên thế giới. Việc bắt giữ Đức vì lý do này là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do này và làm xói mòn những giá trị mà cộng đồng quốc tế đã nỗ lực xây dựng suốt nhiều thập kỷ qua.
Vi phạm Hiến pháp của chính Việt Nam
Điều đáng chú ý là, ngoài việc vi phạm Tuyên Ngôn Nhân Quyền phổ cập, vụ bắt giữ Trần Khắc Đức còn là một sự vi phạm nghiêm trọng chính Hiến pháp của Việt Nam, đặc biệt là các điều khoản bảo vệ quyền tự do cá nhân và quyền tham gia vào các hoạt động chính trị. Theo Điều 25 của Hiến pháp Việt Nam, công dân có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do tham gia vào các hoạt động chính trị. Điều này rõ ràng thể hiện rằng, theo pháp lý, bất kỳ công dân nào cũng có quyền tự do tham gia vào các hoạt động chính trị, kể cả việc gia nhập các đảng phái hoặc tổ chức chính trị mà họ lựa chọn.
Trong trường hợp của Trần Khắc Đức, anh không hề tham gia vào những hoạt động bạo lực hay khủng bố. Anh chỉ đơn giản là ủng hộ một tổ chức chính trị theo phương thức hòa bình, thể hiện quan điểm về cải cách chính trị và đấu tranh cho dân chủ. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam đã coi việc ủng hộ, tham gia vào Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức chính trị có tầm nhìn khác biệt, là một mối đe dọa và quyết định bắt giữ Đức. Điều này không chỉ vi phạm quyền tự do chính trị mà còn đi ngược lại với các điều khoản bảo vệ quyền tự do này trong chính bản Hiến pháp.
Quyền tham gia đảng phái chính trị và quyền tự do lập hội
Việc chính quyền Việt Nam quyết định tước bỏ quyền tham gia đảng phái chính trị và quyền tự do lập hội của Trần Khắc Đức cũng cho thấy một sự xâm phạm vào những quyền cơ bản của công dân. Quyền tham gia vào đảng phái chính trị là một quyền cơ bản của mọi công dân, được bảo vệ bởi các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền quốc tế. Quyền này không chỉ được đảm bảo trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền mà còn được phản ánh trong các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, bao gồm Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Việc chính quyền không chỉ hạn chế quyền tự do biểu đạt mà còn đàn áp quyền tự do lập hội và tham gia đảng phái chính trị là một hành động mâu thuẫn. Quyền tự do lập hội và tham gia vào các tổ chức chính trị là điều kiện cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ, nơi mọi công dân đều có thể tham gia vào các quyết định chính trị và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những tổ chức và đảng phái chính trị ngoài đảng cộng sản không được công nhận và thường xuyên bị đàn áp. Điều này không chỉ làm mất đi một phần quan trọng trong quá trình phát triển dân chủ mà còn ngăn cản những tiếng nói khác biệt được cất lên, tạo ra một môi trường chính trị độc hại, nơi quyền lực chỉ được tập trung trong tay một nhóm nhỏ.
Hệ quả là, những người như Trần Khắc Đức, những người mong muốn đấu tranh cho một nước Việt Nam đa nguyên, đa đảng, lại bị coi là "đối tượng nguy hiểm", dù họ không hề tham gia vào hành động bạo lực hay gây rối trật tự xã hội.
Trần Khắc Đức – Tấm gương tiêu biểu của lòng hiếu thảo và trách nhiệm với cộng đồng
Câu chuyện về Trần Khắc Đức không chỉ là một ví dụ điển hình về quyền tự do chính trị mà còn là một tấm gương tiêu biểu về lòng hiếu thảo và trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng. Đức là người con có trách nhiệm chăm sóc bà nội và mẹ già, cùng với việc nuôi em trai ăn học. Những phẩm chất này không chỉ thể hiện nhân cách cao đẹp của Đức mà còn cho thấy anh là một công dân có trách nhiệm và chăm lo cho tương lai của đất nước.
Việc bắt giữ Đức, trong bối cảnh anh là người con có trách nhiệm với gia đình, là một hành động thiếu nhân đạo, và có thể gây ra tổn thất lớn cho gia đình anh, đặc biệt khi bà nội và mẹ của anh cần sự chăm sóc đặc biệt. Đây là một ví dụ điển hình của việc chính quyền không chỉ vi phạm quyền tự do chính trị mà còn gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của những người vô tội.
Vụ bắt giữ Trần Khắc Đức là một minh chứng rõ ràng về những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do chính trị, quyền tự do lập hội và quyền tham gia vào các hoạt động chính trị. Những hành động này không chỉ đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập của Liên Hợp Quốc mà còn vi phạm chính Hiến pháp của Việt Nam, nơi bảo vệ các quyền cơ bản của công dân.
Nếu chính quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp quyền tự do chính trị, họ sẽ không chỉ xâm phạm đến quyền của công dân mà còn làm tổn hại đến tương lai của đất nước, khi mà những tiếng nói đa chiều và sự đổi mới chính trị là yếu tố cần thiết để xây dựng một xã hội phát triển, dân chủ và công bằng.
Chính quyền cần nhận thức rõ rằng, chỉ khi tôn trọng và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân đất nước mới ngẩng cao đầu lên được, đó là hành trang cơ bản để tiến vào kỷ nguyên mới.
Trần Khánh Ân
(18/11/2024)
Paris, 18/11/2024
Tuyên bố của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về việc chính quyền cộng sản bắt giam chí hữu Trần Khắc Đức
Ngày 09/11/2024 vừa qua báo chí trong nước đã đồng loạt đăng thông báo của công an Sài Gòn theo đó họ đã bắt giam anh Trần Khắc Đức vì đã tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Thực ra anh Trần Khắc Đức đã bị bắt từ ngày 20/09/2024 sau nhiều tháng bị công an thẩm vấn, đe dọa và sách nhiễu.
Trần Khắc Đức, 29 tuổi, là một thanh niên thông minh, hiếu học, ôn hòa và bao dung nhưng dũng cảm và nhiệt tình yêu nước. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm mẹ phải tần tảo nuôi hai con. Đức học tin học rồi hành nghề cung cấp dịch vụ tin học về quảng cáo và thương mại với thu nhập đủ sống và giúp đỡ gia đình. Do thông minh và hiếu học, Đức đầu tư rất nhiều thì giờ để học hỏi và đạt tới một trình độ kiến thức cao về những vấn đề của thế giới và đất nước. Đức là một thanh niên quý hiếm có tài năng, ý chí và tâm hồn mà đất nước Việt Nam có thể tự hào.
Kiến thức và lòng yêu nước đã cho Đức niềm tin là đất nước ta cần tiến tới dân chủ đa nguyên bằng những phương thức bất bạo động trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc. Niềm tin đó đã khiến Đức đến với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bởi vì đó chính là lập trường và lý tưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ ngày thành lập.
Tuy vậy Đức chỉ là chí hữu về mặt tình cảm và lý tưởng. Vì lý do an ninh của anh em trong nước Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không có thành viên chính thức trong nước để tạo lý do cho chính sách đàn áp tùy tiện và hung bạo của Đảng Cộng Sản. Các chí hữu trong nước không có sinh hoạt tổ chức và cũng không tham gia bầu cử các cơ chế của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Họ chỉ thảo luận và học tập để giúp nhau nhìn rõ những vấn đề và đóng góp cho một đồng thuận dân tộc nên và phải có cho đất nước. Họ không làm bất cứ gì trái với luật pháp hiện nay của chế độ cộng sản. Dù vậy nhiều người đã bị sách nhiều trong hơn một năm qua, kể cả hai người bị đánh tại trụ sở công an trong lúc thẩm vấn.
Trần Khắc Đức bị buộc tội là đã "tham gia tổ chức phản động lưu vong Tập hợp dân chủ đa nguyên". Chủ trương dân chủ đa nguyên, hòa giải và hòa hợp dân tộc, bất bạo động là phản động ? Cáo buộc này chỉ phơi bày bản chất của chế độ cộng sản theo đó tất cả những ai không phục tùng họ đều là phản động.
Chính quyền cộng sản buộc tội Đức là : "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Điều 117 BLHS năm 2015" dù trong 20 bài viết được viện dẫn để buộc tội, trong đó chỉ có 4 bài của Đức, không có bài nào đề cập đến nhà nước, chưa nói Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đó chỉ là những bài nghiên cứu và bình luận về triết học, lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, nhiều bài đã đăng cách đây hơn mười năm, một bài nhận định về mô hình kinh tế Trung Quốc. Viết và phổ biến những bài này hoàn toàn phù hợp với những quyền con người cơ bản của Tuyên Ngôn Nhân Quyền Phổ Cập trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc mà chính quyền Việt Nam đã ký nhận. Đó cũng là những quyền và hơn nữa nghĩa vụ công dân, được ghi rõ trong các điều 39, 40 và 41 của Hiến Pháp 2013 mà chúng tôi xin chép lại nguyên văn như sau :
Điều 39 : Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
Điều 40 : Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.
Điều 41 : Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.
Việc bắt giam Đức dựa vào điều 117 của Bộ Luật Hình Sự là một hành động chà đạp lên hiến pháp của chính chế độ cộng sản. Trần Khắc Đức không phải là nạn nhân đầu tiên của điều luật tùy tiện này, hàng trăm người dân chủ đã và đang phải chịu những án tù tàn nhẫn.
Theo công an cộng sản các bài viết này "có nội dung chống phá, phản động, xúc phạm vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh ; đưa thông tin sai sự thật, bịa đặt, xâm phạm danh dự, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam ; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc…". Đây chỉ là phán xét của những đầu óc hạn hẹp. Trong một xã hội văn minh mọi người có quyền đánh giá một chính đảng theo những góc nhìn khác nhau. Đảng Cộng Sản có thể coi ông Hồ Chí Minh là anh hùng, vĩ nhân nhưng người khác cũng có quyền đánh giá ông ấy một cách khác. Ai nói sai là tự hạ thấp mình. Đảng Cộng Sản có hàng nghìn cán bộ tuyên giáo, có hội đồng lý luận trung ương, sao không thấy ai lên tiếng phản bác những lập luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên ? Im lặng rồi dùng công an để đàn áp đồng nghĩa với thú nhận thất bại.
Thông báo của công an Sài Gòn cũng nói Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã "thành lập các hội nhóm trong nước để tiến hành hoạt động chống lại Nhà nước Việt Nam" và quả quyết "đây là hành vi rất nguy hiểm, xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia và tình hình an ninh chính trị". Hội nào ? Nhóm nào ? Đe dọa an ninh quốc gia như thế nào ? Chúng tôi khẳng định đây chỉ là một bịa đặt trắng trợn.
Trong thông báo này công an Sài Gòn còn thấy cần nói thêm :
"Hơn 90 năm qua, với công lao to lớn đối với Cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được toàn thể nhân dân tin tưởng tuyệt đối, thừa nhận vai trò lãnh đạo duy nhất, toàn diện trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước ta là sự lựa chọn tất yếu, khách quan của lịch sử, là ý nguyện của toàn dân, là điều kiện tiên quyết mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân".
Xin để công luận đánh giá những dòng này. Đối với chúng tôi chúng chứng tỏ Đảng Cộng Sản không có tư cách nào để buộc tội bất cứ ai là xuyên tạc, bịa đặt.
Sự cố đáng buồn và đáng giận này buộc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khẳng định một lần nữa rằng sự chuyển hóa về dân chủ đa nguyên trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc bằng đường lối bất bạo động là một tiến trình bắt buộc không thể đảo ngược và đã rất gần. Đảng Cộng Sản chỉ còn chọn lựa giữa tham gia vào tiến trình dân chủ hóa để làm tác nhân hay ngoan cố chống lại để làm nạn nhân.
Chúng tôi cũng tin rằng trong đảng và chế độ cộng sản số người sáng suốt sẽ ngày càng đông hơn để ý thức rằng những hành động đàn áp thô bạo không cứu được chế độ cộng sản mà chỉ gây thêm khó khăn cho cố gắng lớn mà chúng ta bắt buộc phải làm là hòa giải dân tộc để mọi người Việt Nam nhìn lại nhau như anh em và cùng nắm tay nhau xây dựng và chia sẻ một tương lai Việt Nam chung.
Thay mặt Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Nguyễn Gia Kiểng
Thường trực ban lãnh đạo
Lịch sử loài người là hành trình dai dẳng tìm đến tự do. Nước mắt và máu xương đã thật đau đớn khốc liệt trong hành trình ấy. Việt Nam trong hàng ngàn năm đã là một trong những dân tộc tốn kém nước mắt máu xương tốp đầu nhân loại. Liệu có cách nào giảm thiểu nước mắt máu xương cho hành trình tìm về tự do của loài người không - đó là câu hỏi đau đáu của văn hóa chính trị mới
Lịch sử loài người là cuộc hành trình dai dẳng tìm đến tự do.
Tư tưởng chính trị (việc nước) đã làm các nước khai phóng tìm về được tự do dân chủ. Nền chính trị tự do dân chủ đa nguyên đã làm một số quốc gia thăng tiến vượt bậc cả về vật chất lẫn tinh thần. Các quốc gia có chỉ số hạnh phúc tốp đầu thế giới ấy họ đã nhân văn hạnh phúc, giảm thiểu được nước mắt xương máu cho quốc gia của họ. Sau Thế chiến II, các nước có dân chủ đã rất ít chiến tranh, chiến tranh thường chỉ xảy ra giữa hai nước độc tài hay giữa nước độc tài với dân chủ, hầu như không thấy hai nước dân chủ tiến bộ chiến tranh.
May mắn cho dân tộc Việt Nam là đã có hàng trăm thanh niên ưu tú đã hiểu và có lý tưởng với văn hóa chính trị mới mà anh Trần Khắc Đức là một đại diện tiêu biểu. Ai, phe nào trong Đảng cộng sản Việt Nam đã vô cảm để từ chối văn hóa chính trị mới khi bắt giam thanh niên ưu tú Trần Khắc Đức ?
Văn hóa chính trị cũ cộng với chủ thuyết Mác-Lê tai hại đã làm dân tộc Việt Nam đổ biết bao nước mắt xương máu khủng khiếp nhất nửa cuối thế kỷ 20 và các vết thương, hận thù, chia rẽ, chán nản, ly hương vẫn còn tiếp tục rơi nước mắt và rỉ máu. Đảng cộng sản và toàn thể nhân dân Việt Nam phải thành thật khách quan, lương thiện mà so sánh văn hóa chính trị cũ với văn hóa chính trị mới thì mới hòng đưa Việt nam từ kỷ nguyên cũ độc tài và bạo lực cai trị sang kỷ nguyên mới tự do dân chủ và đa nguyên để thăng tiến, xã hội nhân văn hạnh phúc để giảm thiểu nước mắt máu xương cho dân tộc đi chứ !
Hãy trả tự do cho thanh niên ưu tú Trần Khắc Đức ! Hãy dừng ngay hành vi đàn áp ! Hãy lương thiện làm tác nhân cho công cuộc dân chủ hóa đất nước ! Hãy thực thi các giá trị tiến bộ mà loài người đã đúc kết !
Văn hóa chính trị mới là làm "sinh hoạt chính trị" (việc nước) trong tinh thần dân chủ đa nguyên, ôn hòa, tôn trọng quyền con người, thực thi các giá trị tiến bộ, làm thăng tiến xã hội và hoàn thiện cá nhân con người. Đảng cộng sản hãy từ bỏ văn hóa chính trị cũ để áp dụng văn hóa chính trị mới hòng giảm thiểu nước mắt và máu xương của dân tộc ta. Nền chính trị Việt nam phải có tổng tuyển cử tự do minh bạch cho toàn dân chọn lựa, phải hòa giải dân tộc trong niềm vui hân hoan của tình anh em tìm lại, đất nước phải được thay đổi thăng tiến trong hoà bình ổn vững tránh xáo trộn và loạn lạc.
Một lần nữa yêu cầu Đảng cộng sản hãy biết quý trọng những suy tư và trăn trở của lớp thanh niên còn quan tâm đến đất nước như anh Trần Khắc Đức !
Hãy trả tự do cho Trần Khắc Đức và các tù nhân lương tâm khác !
Khải Nguyên
(18/11/2024)
Thư gửi Đức
Đức thân mến,
Anh viết lá thư này gửi em trong một ngày mà lòng anh trĩu nặng. Khi nhìn thấy tấm hình của em trên mặt báo, không ai thể kìm được sự xúc động vì xót xa. Chỉ trong 51 ngày họ đã biến một chàng trai khôi ngô, trắng trẻo, điển trai thành một người gày gò như một tu sĩ khổ hạnh. Anh biết em đang chịu nhiều đau đớn và bất công khi bị giam cầm chỉ vì em đã chọn con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ trong tinh thần hòa giải dân tộc. Em không có tội gì cả, Đức à, ngược lại, em đang làm điều mà rất nhiều người dân Việt Nam khát khao nhưng chưa dám đứng lên thực hiện.
Em là biểu tượng, là ngọn đuốc soi sáng con đường mà chúng ta đi, bởi vì em đã giữ trọn lời nguyền mà chúng ta đã từng tuyên xưng : "Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn".
Có người từng nói rằng : "Chỉ khi ánh sáng của tự do bị kìm hãm, ngọn lửa đấu tranh mới cháy bùng mạnh mẽ". Em chính là ngọn lửa ấy, là hiện thân của một thế hệ thanh niên Việt Nam mới – dũng cảm, kiên cường và tràn đầy khát vọng thay đổi. Dù giờ đây em phải tạm thời ngồi trong bốn bức tường lạnh lẽo, nhưng đừng quên rằng bên ngoài kia, hàng ngàn, hàng triệu người đang theo dõi và đồng hành cùng em. Anh biết mẹ già và bà nội của em đang ngày đêm nhớ thương và lo lắng cho em, nhưng em cũng hãy tự hào vì họ đã nuôi dạy nên một người con, người cháu dũng cảm và đầy lý tưởng. Em chính là niềm hy vọng của họ, và anh tin rằng họ hiểu được ý nghĩa lớn lao trong việc em đang làm. Em trai của em cũng rất tự hào vì có một người anh như em : một người không chỉ nhận lãnh trách nhiệm thay cha để nuôi dạy em trai mà còn là một anh hùng của thời đại mới.
Chế độ độc tài, dù kiên cố đến đâu, cũng không thể đứng vững mãi trước sức mạnh của lòng dân. "Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng", sự áp bức và bất công rồi sẽ đến lúc bị chính ngọn sóng mà nó tạo ra quật ngã. Họ bắt em, nhưng họ không thể bắt hết những người yêu nước. Họ muốn dập tắt tiếng nói của em, nhưng chính sự im lặng cưỡng ép này lại khiến tiếng vang của em mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Em là giọt nước tràn ly, và một ngày không xa, giọt nước ấy sẽ tạo nên cơn sóng lớn cuốn trôi sự mục ruỗng của chế độ.
Anh mong em luôn giữ vững tinh thần. Hãy nhớ rằng : "Người chiến thắng cuối cùng không phải là kẻ mạnh nhất, mà là kẻ kiên định nhất". Chúng ta không tranh đấu bằng hận thù, bằng bạo lực mà bằng tình yêu thương, sự thật và khát vọng hòa giải. Chính sự bất bạo động của em là sức mạnh lớn nhất khiến họ sợ hãi. Trong cuộc đời này có hai loại khổ đau : Đó là loại khổ đau mà người ta tìm cách né tránh và nó luôn đồng hành theo người ta bất cứ nơi nào. Và loại khổ đau thứ hai loại khổ đau mà chúng ta chọn đối diện và chúng ta sẽ vượt qua để đến đích tự do. Và em đã chọn loại khổ đau thứ hai. Anh tự hào vì em ở điều đó, em chọn loại khổ đau mà chúng ta tin rằng sẽ dẫn tới tự do cho cả dân tộc, em chọn loại khổ đau mà sẽ mở ra cho dân tộc một kỷ nguyên mới : kỷ nguyên của đoạn tuyệt với thù hận, kỷ nguyên của hàn gắn, kỷ nguyên của tình yêu, kỷ nguyên của tình anh em tìm lại, kỷ nguyên của tự do, tương nhượng và phát triển.
Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện
Hãy tin rằng, em không cô đơn. Những người dân ngoài kia, những người đồng hành cùng em, đều đang phẫn nộ và lên tiếng. Em là biểu tượng, là ngọn đuốc soi sáng con đường mà chúng ta đi, bởi vì em đã giữ trọn lời nguyền mà chúng ta đã từng tuyên xưng : "Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện" - Lời nguyền về một nhiệm vụ mang lịch sử.
Giữ gìn sức khỏe, Đức nhé. Hãy để ngọn lửa trong em cháy mãi, dù cho bất kỳ cơn gió lạnh nào đang thổi qua. Chế độ này đang rất bối rối trong những lựa chọn cáo chung, việc bắt giữ em là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Mọi người luôn tin tưởng và sát cánh cùng em. Chúng ta vừa là Chí hữu vừa là Anh em.
Trần Khánh Ân
(16/11/2024)
Hôm nay, chúng ta cùng nhau lên tiếng về một câu chuyện đầy cảm động và cũng đầy nhức nhối – đó là trường hợp của Trần Khắc Đức, một thanh niên yêu nước, một người con hiếu thảo và một người anh em tận tụy. Đức là một chàng trai sinh ra trong một gia đình nghèo, không có cha bên cạnh từ sớm, và đã phải gánh vác trọng trách chăm sóc bà nội, mẹ, và em trai. Đức đã không chọn cuộc sống dễ dàng ; anh đã chọn sống vì tình yêu và trách nhiệm với gia đình, và sâu xa hơn là trách nhiệm với đất nước.
Đức đã dành trọn tuổi trẻ của mình để nuôi dưỡng một khát vọng cao đẹp – khát vọng về một Việt Nam dân chủ, hòa giải và phát triển.
Đức bị bắt vào ngày 20 tháng 9 và mãi đến ngày 9 tháng 11 sự việc này mới được công bố. Điều này khiến chúng ta không khỏi đau lòng và bất bình, bởi Đức không phải là một người gây hại hay tạo ra bất kỳ nguy cơ nào cho xã hội. Ngược lại, Đức là hình mẫu của một người trẻ mà bất kỳ gia đình nào ở Việt Nam đều có thể tự hào. Anh là người con, người anh mà mọi người Việt Nam mong muốn.
Đức đã dành trọn tuổi trẻ của mình để nuôi dưỡng một khát vọng cao đẹp – khát vọng về một Việt Nam dân chủ, hòa giải và phát triển. Đức tin rằng chỉ có dân chủ mới có thể đưa đất nước đi xa hơn, chỉ có hòa giải dân tộc mới giúp con người Việt Nam sống chung và phát triển. Đức hiểu rằng để đạt được một tương lai tươi sáng cho đất nước, chúng ta cần vượt qua những khác biệt, cần thấu hiểu và chấp nhận lẫn nhau.
Đức đã tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên với hy vọng nhỏ bé nhưng mạnh mẽ rằng những đóng góp của mình sẽ có thể góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người Việt Nam. Anh không đứng lên vì tư lợi, không đấu tranh vì danh tiếng, mà chỉ vì muốn một Việt Nam tự do, dân chủ, và hòa bình.
Tại sao một người không gây hại cho bất kỳ ai, một người chỉ mong mỏi những điều tốt đẹp cho đất nước, lại phải chịu đựng sự trừng phạt ? Phải chăng chúng ta đang vô tình đánh mất đi lòng nhân ái và sự bao dung ?
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ khi hình thành đến nay luôn giữ vững lập trường hòa giải, không trả thù báo oán để động viên mọi người Việt Nam thuộc mọi quá khứ, thuộc mọi thành phần chung tay làm lại đất nước trong tình anh em tìm lại.
Chúng tôi yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Trần Khắc Đức, nhân danh lương tâm và tình dân tộc của những người có trách nhiệm với đất nước.
Trả tự do cho Trần Khắc Đức để trở về chăm sóc gia đình trước Tết là một thái độ can đảm được trân trọng.
Lịch sử đã chứng minh rằng sức mạnh thực sự của một quốc gia và một chính quyền không do đàn áp, mà trong sự bao dung.
Trần Khánh Ân
(16/11/2024)
Ngày 9/11 vừa qua, công an bắt giữ Trần Khắc Đức, một người anh em nhân hậu, lương thiện trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên của chúng tôi với những chi tiết gây "lấn cấn" mà tôi tin bất kỳ một người có trái tim nào đọc cũng đều thấy.
Khi đứng trước những tấm gương để soi xét lại bản thân, chúng ta ít nhiều đều bối rối "lấn cấn".
Báo điện tử Chính phủ viết "Trước đó, Trần Khắc Đức đã bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện tham gia tổ chức phản động lưu vong Tập hợp dân chủ đa nguyên và đã làm việc, răn đe nhiều lần. Tuy nhiên, với bản tính ngoan cố, bị tiêm nhiễm sâu". Khi phát hiện Khắc Đức là người của Tập Hợp, cơ quan công an chỉ "làm việc, răn đe". Chỉ khi Đức thể hiện rõ cái mà họ gọi là "ngoan cố, bị tiêm nhiễm sâu" họ mới bắt ?
Một cá nhân nếu gây những vụ trọng án, những sai phạm thực sự gây hại với xã hội, với một lý lẽ thông thường thì cơ quan công an và chính quyền phải ngăn chặn ngay lập tức. Đi ngược lại logic này, chúng ta có thể đặt một suy nghĩ ngược lại rằng chính đảng cộng sản cũng cảm thấy "lấn cấn" với hành động của Đức. Nó không hề sai. Dường như chính những công an viên cũng ngầm đồng tình rằng khát vọng cho một nước Việt Nam tươi đẹp với văn hóa hòa giải và hòa hợp dân tộc, yêu thương nhau với sự liên đới - những lý tưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã chia sẻ qua 40 năm hoạt động, là một lý tưởng chân chính, tốt đẹp và hơn nữa ở thời điểm này nó còn là một nhu cầu thực tế khi đất nước chúng ta đang đứng trước nguy cơ tan rã nghiêm trọng.
Khi đứng trước những tấm gương để soi xét lại bản thân, chúng ta ít nhiều đều bối rối "lấn cấn". Đứng trước tấm gương "Khắc Đức", đảng cộng sản thể hiện rõ sự bối rối hơn khi họ lựa chọn quyết định bắt giữ Đức vì theo họ, Đức "ngoan cố". Họ không sai. Đức rất ngoan cố và ngoan cố với một lý tưởng tươi đẹp cho dân tộc, hoàn toàn không có một sự thù địch căm giận hay cực đoan nào với họ. Điều này chỉ chứng tỏ, chính những đảng viên cộng sản cũng phải bối rối xét lại mình đến mức không thể không đồng ý dù là ngấm ngầm với sự đúng đắn của lý tưởng hòa giải và hòa hợp dân tộc, tinh thần đa nguyên mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nêu cao, cụ thể ở đây là qua hình ảnh Trần Khắc Đức. Phản ứng này không khó hiểu.
Đứng trước "kỷ nguyên mới" và những nhu cầu chuyển mình to lớn để không bị tụt lại với phần phía sau của thế giới, một nỗ lực tự xét lại mình đến mức nhức nhối trước những tấm gương ngay thẳng và công chính, là điều cần thiết và phải có đối với bất kỳ một đất nước hay một tổ chức nào nếu còn muốn tồn tại và lưu lại tên mình cho những thế hệ sau. Chính vì thế, chúng tôi tự tin có thể nói rằng, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không phải là một mối đe doạ "xâm phạm trực tiếp đến an ninh quốc gia và tình hình an ninh chính trị trên địa bàn" như cách mà báo chí mô tả về Trần Khắc Đức và chúng tôi.
Chính Trần Khắc Đức - một thanh niên hiền lành, lương thiện và can đảm là một hình ảnh thu nhỏ của lập trường hòa giải hòa hợp dân tộc trên tinh thần bao dung, tương kính phẩm giá của mỗi người Việt Nam mà đảng cộng sản đã có kinh nghiệm gặp gỡ và trao đổi nhiều lần. Vì thế, chúng tôi tự hào về người anh em Trần Khắc Đức và cũng không ngần ngại bày tỏ rằng, dù đảng cộng sản có thể có những sai lầm trước kia với đất nước hay những bối rối trong những cuộc tự soi mình khi đứng trước vận mệnh đất nước, thì tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc của Tập Hợp không bao giờ là "kẻ thù" và chống lại sự sinh tồn của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Chúng ta đều là người Việt Nam và phải yêu thương lấy nhau để vươn lên, giống như chính cách Trần Khắc Đức bình thản không căm giận mà vẫn coi những công an viên kia là đồng bào, là những người anh em Việt Nam.
dù đảng cộng sản có thể có những sai lầm trước kia với đất nước hay những bối rối trong những cuộc tự soi mình khi đứng trước vận mệnh đất nước, thì tinh thần hòa giải hòa hợp dân tộc của Tập Hợp không bao giờ là "kẻ thù" và chống lại sự sinh tồn của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
"Thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, Việt Nam sẽ là một nước lớn. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.
Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.
Đó là lý tưởng của thời đại chúng ta. Đó là di sản mà chúng ta sẽ để lại cho các thế hệ sau. Đó là giấc mơ Việt Nam mà các chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cùng theo đuổi và muốn chia sẻ với mọi người Việt Nam, trong cũng như ngoài nước, hôm nay và ngày mai".
(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Thanh Chân
(16/11/2024)
Chế độ có thể vu khống Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức "phản động lưu vong", nhưng có một điều họ tuyệt đối không thể phủ nhận Trần Khắc Đức là một con người tuyệt đối lương thiện mà chính tờ báo Quân đội Nhân dân của chế độ mô tả là "hiền lành, giỏi giang". Sự lương thiện của Trần Khắc Đức không chỉ đến từ bản tính cá nhân mà còn ở lập trường chính trị mà anh dấn thân.
Dù chế độ quyết định bắt, Trần Khắc Đức vẫn là một người ủng hộ lập trường hòa giải dân tộc giữa người Việt Nam với nhau và giữa người Việt Nam với đất nước Việt Nam.
Trần Khắc Đức đã làm gì để bị chế độ bắt giữ ?
Với anh, đấu tranh bất bạo động không chỉ là một phương pháp đấu tranh hiệu quả mà còn đến từ tinh thần hòa giải được anh coi như một triết lý chính trị của mình. Anh nói dù chế độ quyết định bắt anh, anh vẫn là một người ủng hộ lập trường hòa giải dân tộc giữa người Việt Nam với nhau và giữa người Việt Nam với đất nước Việt Nam.
Trần Khắc Đức chỉ là một người mong muốn đóng góp vào một cuộc thảo luận chung của đất nước, và khát vọng dân chủ đa nguyên. Chế độ có thể chưa đồng ý với những gì Trần Khắc Đức chia sẻ, nhưng bắt giữ một người chỉ muốn thảo luận để tìm ra đồng thuận những gì tốt đẹp nhất cho Việt Nam cho thấy một sự thiển cận và sự lo âu thường trực của những người muốn nắm giữ độc quyền cai trị đất nước. Nếu chế độ bắt hết những người như Trần Khắc Đức thì Việt Nam sẽ tan nát, vì chẳng còn ai muốn đối thoại và thảo luận về việc nước trong tinh thần lương thiện và hòa giải nữa.
Nếu chế độ buộc tội Trần Khắc Đức là đấu tranh thì họ không thể vu khống Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là phản động. Vì nhiệm vụ của mọi công dân là phải luôn đấu tranh cho công lý xã hội dù đang sống dưới bất cứ chế độ nào, đó là quy luật phát triển của loài người. Chế độ cộng sản hiện nay không thể phủ nhận lập trường đúng đắn và bao dung của Trần Khắc Đức về lý luận nên phải dùng bạo lực để trấn áp, đó là giải pháp dễ dàng nhất của mọi chế độ độc tài : lấy gông cùm, nhà tù và họng súng để bịt miệng những tiếng nói trách nhiệm. Bởi lẽ toàn đảng và ban lý luận trung ương đảng không có lý luận nào có tính thuyết phục để chống lại trào lưu dân chủ đa nguyên, tổ chức xã hội tản quyền, hòa giải dân tộc, quan niệm đất nước như một tình cảm, một dự án tương lai chung. Từ hàng chục năm qua, để chống lại trào lưu dân chủ đang lan rộng trong tư tưởng người dân, chế độ cộng sản chỉ dùng những cụm từ của Ban tuyên giáo (và cho đến nay không thay đổi một chữ nào) là "diễn biến hòa bình", "thế lực thù địch", "tổ chức phản động", "tự diễn biến, tự chuyển hóa"…
Chế độ cộng sản buộc tội Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một tổ chức "phản động lưu vong". Trong thực tế, Tập Hợp đã đấu tranh để chuyển hóa đất nước Việt Nam về dân chủ với tất cả sự thành tâm và thiện chí. Trong điều kiện hiện nay, trước sự trấn áp đối với những cá nhân và tổ chức không cùng lập trường với chế độ cộng sản, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải đặt đầu não ở nước ngoài. Tập Hợp phải "lưu vong" vì chính hệ quả của việc cấm đoán thành lập trong nước tổ chức kết hợp lòng yêu nước của người Việt Nam. Làm sao có thể vu khống một tổ chức của những người lương thiện và đầy thiện chí như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, thể hiện qua hình ảnh Trần Khắc Đức, là "một tổ chức phản động" lưu vong ? Đúng ra chế độ cộng sản hiện nay phải bị lên án là tổ chức phản động vì đã tìm mọi cách chống lại sự chuyển động tự nhiên về dân chủ, ước muốn của mọi người Việt Nam.
Trần Khắc Đức là một người có bản lĩnh và có tuổi trẻ, nhưng đã không lựa chọn gia nhập đảng cộng sản. Anh đã chọn một tương lai dân chủ bắt buộc phải đến và góp phần tiễn đưa một quá khứ độc tài bắt buộc phải qua đi. Nhưng thay vì hoạt động ồn ào gây tiếng vang, Trần Khắc Đức đã chọn đấu tranh có lý luận và trong âm thầm vì anh tin tưởng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức đại diện cho tư tưởng và lập trường của anh ấy. Lần này chế độ cộng sản Việt Nam bị hố, việc bắt bớ một tiếng nói bất đồng ôn hòa và bao dung đã đưa tên tuổi Trần Khắc Đức ra ánh sáng. Chế độ độc tài sẽ càng bị lên án trước công luận và trong lòng người Việt Nam, một mặt bởi hành vi bắt giữ một người lương thiện, mặt khác dư luận sẽ nhìn Trần Khắc Đức như hình ảnh của một tương lai bắt buộc phải đến cho đất nước, một cấp lãnh đạo trẻ của phong trào dân chủ.
Anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ không chùn bước trước đàn áp, vì không có một sự đe dọa nào có thể trấn áp lòng yêu nước, lẽ phải, và khát vọng tự do dân chủ đa nguyên của anh em chúng tôi. Nhiều người từng vu cáo lập trường hòa giải là một lập trường thân cộng nhưng thực tế chúng tôi đã giữ nguyên lập trường hòa giải đối với mọi người có quá khứ chính trị khác nhau. Và lập trường đó ngày càng đúng khi đảng cộng sản đang chia rẽ và đánh phá lẫn nhau dữ dội. Lợi ích đã không đoàn kết được những người cộng sản với nhau mà còn là lý cớ đẩy họ vào tình trạng xem nhau như kẻ thù.
Hòa giải chưa bao giờ là lập trường thân cộng hay lập trường của chế độ cộng sản. Đó là lời kêu gọi tình tự dân tộc : dù bạn là ai và có quá khứ chính trị khác nhau như thế nào, từng có thâm thù và bắn giết lẫn nhau, hãy buông bỏ thù hận, để cùng nhau hòa giải và hòa hợp xây dựng một chế độ dân chủ đa nguyên được những người Việt Nam ngày hôm nay chấp nhận được và những thế hệ mai sau có thể hãnh diện, đó là dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương để mọi người Việt Nam cùng nhau góp lực xây dựng một tương lai chung. Tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc là chất xúc tác để thực hiện tương lai chung đó mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên - một tổ chức lương thiện, không có quá khứ thù hận – là đại diện.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức muốn vực dậy lòng yêu nước và sự lạc quan về một tương lai sáng lạn khác của dân tộc Việt Nam.
Việc bắt giữ một người đại diện cho tinh thần hòa giải cho thấy một sự thiển cận của chế độ. Vì khi triệt tiêu mọi tiếng nói của hòa giải và thứ tha, đối diện với chế độ chỉ còn là thù hận. Hòa giải không coi những người cộng sản là kẻ thù mà là thành viên của một đất nước Việt Nam đa nguyên, trong đó mọi người đều có tiếng nói ngang nhau để cùng nhau xây dựng một tương lai chung.
Do đó, việc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có mạnh lên, chinh phục được lòng người và đi đến thắng lợi chính trị là một điều đáng mừng vì Tập Hợp không hề có hại cho bất cứ một ai, kể cả Đảng cộng sản Việt Nam. Cần phải hóa tan tâm lý hận thù của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ban tuyên giáo trung ương Đảng cộng sản Việt Nam qua cách diễn giải giáo điều rằng những ai không đồng ý với chế độ cộng sản đều là thế lực thù địch, phản động.
Lý tưởng và lập trường của Tập Hợp đang được đông đảo người dân và cán bộ đảng viên cộng sản ủng hộ, vì mọi người tin tưởng chỉ trương và đường lối của Tập Hợp là để vực dậy một đất nước Việt Nam trên đà sụp đổ trong lòng người. Khách quan nhìn nhận là hiện nay không còn bao nhiêu người còn quan tâm đến đất nước nữa, giới trẻ dường như không biết lịch sử Việt Nam và ước mơ của nhiều người, kể cả những cấp lãnh đạo cao nhất trong Đảng cộng sản Việt Nam, là được chạy ra nước ngoài làm công dân của một nước khác.
Nếu lập trường của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được đông đảo người Việt Nam ủng hộ, đó là những tín hiệu đáng mừng. Sự hỗ trợ đó là chất liệu cần thiết để vực dậy lòng yêu nước và sự lạc quan về một tương lai sáng lạn khác của dân tộc Việt Nam, không phải dưới chế độ cộng sản.
Chu Tuấn Anh
(15/11/2024)
Trước tiên tôi xin gửi lời tri ân đến một người anh em của chúng tôi đang chịu cảnh tù đày trong nhà tù của chế độ cộng sản. Trần Khắc Đức (nickname Trần Hùng), người có nhiều bài viết trên Website Thông Luận và là một chí hữu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên bị bắt vào ngày 20/09/2024 và đến ngày 09/11/2024 các báo đài của chế độ mới chính thức công bố thông tin về việc bắt giữ.
Theo như các báo đồng loạt trích dẫn, Đức bị bắt vì "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 - Luật hình sự, và công an TPHCM đã "đã làm việc, khuyến cáo, răn đe nhiều lần" nhưng "Đức tiến hành nhiều hoạt động như quản trị các trang mạng phản động; soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết có nội dung chống phá, phản động, xúc phạm vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc Chủ tịch Hồ Chí Minh; đưa thông tin sai sự thật, bịa đặt, xâm phạm danh dự, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam".
Những cáo buộc của chính quyền Việt Nam đối với Trần Khắc Đức hoàn toàn là sự vu cáo và áp đặt. Đức là một thanh niên trẻ, học giỏi, có kiến thức chính trị và luôn mong muốn cho đất nước có một tương lai tươi sáng...Những ai quan tâm muốn biết Đức nghĩ gì và làm gì xin hãy đọc tài liệu Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Cần phải khẳng định lại rằng những cáo buộc trên hoàn toàn là sự vu cáo, áp đặt một chiều của Đảng Cộng Sản. Đức cũng như anh em chúng tôi chỉ đang thực hiện quyền tự do ngôn luận được ghi rõ ràng trong hiến pháp. Chúng tôi chỉ đăng tải những thông tin được kiểm chứng và đó là sự thật. Những điều được viết ông Hồ Chí Minh có thể khác với những gì chế độ tuyên truyền nhưng hoàn toàn có thật, cung cấp cho người đọc những dữ kiện có thực khác, một góc nhìn khác để nhìn nhận một cách khách quan hơn về một nhân vật lịch sử. Viết sử phải đúng, phải khách quan, không sử không còn là sử nữa mà chỉ là một công cụ để tô vẽ, tuyên truyền. Đức đang làm một việc rất đúng đắn với một tinh thần trách nhiệm.
Cũng phải nói đến việc Công an TPHCM đã thông tin trước về việc bắt giữ này tới Đức và gián tiếp nói với Đức nên rời khỏi Việt Nam để tránh việc bắt giữ. Đức hoàn toàn có khả năng và phương tiện để ra đi, nhưng cậu ấy đã lựa chọn không làm việc đó.
Hành động bắt giữ một người lương thiện mong muốn dân chủ đa nguyên cho đất nước, mong muốn hòa giải dân tộc và khước từ bạo lực là một hành động vô cùng tăm tối của những người cầm quyền. Dân chủ là một tương lai bắt buộc phải tới của đất nước, hòa giải dân tộc để mọi người nhìn nhau là anh em…Đó là ước vọng mà bất cứ một người Việt Nam yêu nước nào đều mong muốn. Bắt giữ, đày đọa một người có ước vọng cao đẹp như vậy là đi ngược lại với lợi ích dân tộc, gây thêm khó khăn cho các nỗ lực hòa giải, kéo dài thêm thời gian cho tương lai bắt buộc phải tới của đất nước.
Chúng tôi vô cùng hãnh diện vì có một người anh em như Đức. Tôi tin rằng tất cả những người còn yêu đất nước Việt Nam, mong muốn cho người dân Việt Nam một tương lai tươi sáng hơn đều sẽ hành động như vậy.
Duy Quang
(14/11/2024)