Nhân sĩ là những người có hiểu biết, có tiếng tăm và luôn đứng một mình. Họ không muốn và không thể đứng trong một tổ chức có kỷ luật và tổ chức, cùng lắm họ chỉ kết bạn với một số nhân sĩ khác. Họ cũng có thể tranh đấu và chấp nhận hy sinh. Quan điểm của các nhân sĩ vẫn không khác sĩ phu thời trước là bao, tranh đấu để tìm kiếm công danh cho bản thân chứ không phải vì một lý tưởng quảng đại hay vì dân chủ và tự do cho dân tộc.
Nhân sĩ không có tổ chức vì họ không thể kết hợp được với nhau. Không có kỷ luật và tổ chức các nhóm nhân sĩ không bao giờ có số đông. Nếu có cũng chỉ là một nhóm nhỏ vài ba người. Họ không có bất cứ một giải pháp hay kế hoạch nào dài hơi mà chỉ là đấu tranh theo "thời vụ", có sự kiện gì thì họ lên tiếng, xong rồi thôi. Dù vậy sự lên tiếng của họ cũng có tác dụng tích cực là làm xói mòn uy tín và sự chính đáng của chế độ.
Các nhân sĩ luôn muốn đi nhanh mà muốn đi nhanh thì phải đi một mình vì thế họ không thể tham gia vào các tổ chức. Tham gia vào tổ chức họ phải làm theo những qui định hay chỉ dẫn của tổ chức chứ không thể tùy hứng muốn nói gì thì nói hay làm gì thì làm. Hơn nữa các nhân sĩ vốn đã hình thành trong đầu một phương pháp tranh đấu riêng và theo thời gian phương pháp đó đã trở thành mặc định là đúng, vì thế họ thấy mọi phương án của các tổ chức đều không phù hợp.
Tâm lý chung của các nhân sĩ là muốn đi thật nhanh để sớm được nổi tiếng. Và đó cũng chính là mục tiêu của cuộc đời các nhân sĩ. Nếu mục tiêu của họ là để đất nước có dân chủ thì họ sẽ sớm thất vọng và thất bại. Thực tế là các nhân sĩ, sau khi đạt được một chút tiếng tăm nào đó thì dần dần rơi vào quên lãng. Một số nhân sĩ nổi tiếng một thời như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Mẹ Nấm là những ví dụ. Các "ngôi sao dân chủ" trong nước cũng đang tắt dần.
Cũng không có nhân sĩ nào là thông minh và xuất chúng. Nếu xuất chúng thì họ đã hiểu rằng một cá nhân dù tài giỏi đến đâu cũng không làm được gì, càng không thể chiến thắng được một tổ chức chính trị đã có kinh nghiệm cầm quyền hơn 70 năm như Đảng cộng sản Việt Nam. Muốn chiến thắng một tổ chức chính trị thì phải có một tổ chức chính trị ngang tầm và hơn tầm.
Nhân sĩ cuối cùng thành công là ông Ngô Đình Diệm nhưng rồi kết quả rất là bi thảm.
Các nhân sĩ là những cá nhân cô đơn nên họ thích chế độ tổng thống. Bản thân các tổng thống cũng là nhân sĩ, nên nếu thành công thì ông "nhân sĩ tổng thống" đó sẽ cần đến các nhân sĩ. Nhân sĩ không ủng hộ chế độ đại nghị vì các chính đảng đều có tổ chức và đội ngũ cán bộ của mình chứ không cần đến các nhân sĩ. Sự thành công của các chính đảng là sự thất bại của các nhân sĩ vì thế họ không bao giờ ủng hộ cho các tổ chức…có tổ chức. Họ hy vọng là dưới chế độ tổng thống họ sẽ được vời ra để làm quan như hồi trước. Điều đó đã qua đi. Nhân sĩ cuối cùng thành công là ông Ngô Đình Diệm nhưng rồi kết quả rất là bi thảm. Cũng vì thấy cô đơn và bất lực nên các nhân sĩ luôn kêu gọi đấu tranh trong "khuôn khổ luật pháp" cho an toàn. Trong thâm tâm họ thừa biết, dưới các chế độ độc tài thì làm gì có luật pháp. Và nếu có thì cũng chỉ nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị chứ đâu vì người dân.
Các nhân sĩ ngoài việc chỉ trích, phê phán chính quyền và kêu gọi lấy chữ ký trên mạng ra họ không biết phải làm gì. Họ không thấy có trách nhiệm "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng". Năm 1945, trí thức nhân sĩ Việt Nam đã không tìm hiểu và hướng dẫn cho người dân để họ nhận diện các tổ chức chính trị đứng đắn vì thế Đảng cộng sản Việt Nam, một tổ chức chính trị theo chủ nghĩa Mác-Lênin đã dành được chính quyền và đưa đất nước vào đêm đen. Ngày hôm nay cũng thế. Không nhiều tổ chức chính trị đối lập đưa ra được các dự án chính trị để tranh đấu và kiến thiết đất nước. Dù vậy, Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã rơi vào im lặng và bàng quan của nhân sĩ và trí thức Việt Nam. Đa số người dân sẽ không đủ kiên nhẫn và kiến thức để đọc và hiểu bất cứ dự án chính trị nào vì thế trí thức Việt Nam cần đọc, nghiên cứu và kiểm nghiệm xem nó đúng hay sai, hay dở như thế nào để còn giới thiệu hoặc cảnh báo quần chúng.
Nhân sĩ và trí thức Việt Nam không hề đả động hay nhắc gì đến Dự án này. Họ làm đúng y như Đảng cộng sản Việt Nam là coi như "không nghe, không thấy, không biết" gì về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Trong khi đó, Trịnh Hữu Long của tạp chí Luật khoa lại nhắc đến bản dự thảo hiến pháp của "Đảng Dân chủ Việt Nam" của Nguyễn Sĩ Bình, một tổ chức cuội do công an cộng sản lập ra, nay đã biến mất. Tổ chức "Trung tâm Dân chủ Việt Nam" cũng vậy, không ai biết tổ chức này của ai và ở đâu ra (1). Thật đáng buồn là các bạn trẻ này đã bị nhiễm "virus nhân sĩ" quá sớm.
Các dự án chính trị của các cá nhân càng khó được chấp nhận dù chúng hay đến đâu đi nữa vì đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Hơn nữa nếu ai cũng cặm cụi ngồi viết dự thảo hiến pháp và dự án chính trị thì Việt Nam sẽ có hàng ngàn bản như vậy và rồi biết dùng cái nào?
Anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đa số dùng bút danh để viết bài. Ngoài lý do an ninh thì với chúng tôi, thành công của tổ chức, của đất nước mới là quan trọng vì chính trị là "việc chung", là những "cố gắng chung để thành công chung". Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận làm người vô danh suốt đời nếu Việt Nam không có dân chủ. Một số anh em trong Tập Hợp có khả năng làm nhân sĩ nhưng chúng tôi đã không chọn con đường đó.
"Virus nhân sĩ" dù không gây chết người như virus corona nhưng nó làm cho cơ thể dân tộc Việt Nam ốm yếu và không thể "lớn". Các nhân sĩ sợ mình không có chổ đứng trong một tổ chức đã có sẵn ? Điều này sai. Một đảng chính trị khi cầm quyền trong một đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam thì phải cần ít nhất 10.000 cán bộ chính trị có hiểu biết và kiến thức tương đương nhau. Có thế bộ máy mới chạy được trơn tru. Hơn nữa, tranh đấu để thay đổi số phận của một dân tộc 100 triệu người mới là sự cống hiến vĩ đại nhất, vinh quang nhất.
Kinh nghiệm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là không hy vọng và trông chờ các nhân sĩ tham gia vào tổ chức mà chỉ hy vọng vào những trí thức trẻ chưa là nhân sĩ, chưa bị "virus nhân sĩ" thâm nhập vào cơ thể. Con "virus nhân sĩ" rất khó bị tiêu diệt. Các nhân sĩ nếu có tham gia vào một tổ chức thì sớm muộn họ cũng chia tay và sự chia tay đó gây nhiều tiêu cực hơn là tích cực cho sự có mặt của họ trong thời gian tham gia vào tổ chức.
Con đường đúng đắn cho các bạn trẻ có ý định tranh đấu cho dân chủ là nên tìm hiểu về các tổ chức chính trị theo đuổi các giá trị gần gũi và phù hợp với mình nhất để rồi tham gia vào tổ chức đó. Cùng học hỏi, đóng góp và lớn lên cùng tổ chức thay vì tự mình mày mò và tự nghĩ ra một con đường "cứu nước" riêng. Khi đã lạc đường quá xa thì không thể nào trở lại con đường chính được nữa. Không nên tìm kiếm sự nổi tiếng quá sớm và quá nhanh bằng nỗ lực của bản thân. Thay vì tự mình đóng một con thuyền để vượt đại dương thì hãy tìm đến một con tàu đã có sẵn thủy thủ đoàn và một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. Nếu bạn thực lòng và có tinh thần cầu tiến thì tổ chức đó sẽ luôn chào đón bạn.
Một cá nhân đơn độc không thể đóng được thuyền lớn, nên khi ra biển lớn, chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua, cũng đủ nhấn chìm cả người lẫn tàu. Sự thật giản dị đó những bạn trẻ cần phải biết. Các bạn trẻ cũng cần biết một điều nữa là không thể nào đồng thuận với nhau để cùng "hành động" trên những vấn đề cụ thể mà phải đồng thuận với nhau trên nền tảng một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Những "lời qua tiếng lại" xung quanh Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa qua nói lên sự chia rẽ trầm trọng trong giới nhân sĩ. Các nhân sĩ không ưa nhau. Thành công của người này là thất bại của người khác.
"Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý" (2).
Cuối cùng, vì sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay lên tiếng chỉ trích cách đấu tranh nhân sĩ ? Lý do cũng giản dị, chúng tôi thật sự muốn Việt Nam có dân chủ.
"Đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của những cố gắng bền bỉ của những người có đủ kiến thức chính trị và cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị đúng. Như thế phải bác bỏ chủ nghĩa nhân sĩ, không ủng hộ những tổ chức thành lập vội vã hay không có tư tưởng chính trị, chỉ tham gia và ủng hộ những tổ chức nghiêm túc" (2).
Việt Hoàng
(06/04/2020)
(1) Tại sao phong trào dân chủ thiếu chiều sâu ?, Hồng Việt - Trinh Hữu Long, 02/04/2020
(2) Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn, Nguyễn Gia Kiểng, 27/06/2019