Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

06/04/2020

Virus nhân sĩ

Việt Hoàng

Nhân sĩ là những người có hiểu biết, có tiếng tăm và luôn đứng một mình. Họ không muốn và không thể đứng trong một tổ chức có kỷ luật và tổ chức, cùng lắm họ chỉ kết bạn với một số nhân sĩ khác. Họ cũng có thể tranh đấu và chấp nhận hy sinh. Quan điểm của các nhân sĩ vẫn không khác sĩ phu thời trước là bao, tranh đấu để tìm kiếm công danh cho bản thân chứ không phải vì một lý tưởng quảng đại hay vì dân chủ và tự do cho dân tộc.

Nhân sĩ không có tổ chức vì họ không thể kết hợp được với nhau. Không có kỷ luật và tổ chức các nhóm nhân sĩ không bao giờ có số đông. Nếu có cũng chỉ là một nhóm nhỏ vài ba người. Họ không có bất cứ một giải pháp hay kế hoạch nào dài hơi mà chỉ là đấu tranh theo "thời vụ", có sự kiện gì thì họ lên tiếng, xong rồi thôi. Dù vậy sự lên tiếng của họ cũng có tác dụng tích cực là làm xói mòn uy tín và sự chính đáng của chế độ.

Các nhân sĩ luôn muốn đi nhanh mà muốn đi nhanh thì phải đi một mình vì thế họ không thể tham gia vào các tổ chức. Tham gia vào tổ chức họ phải làm theo những qui định hay chỉ dẫn của tổ chức chứ không thể tùy hứng muốn nói gì thì nói hay làm gì thì làm. Hơn nữa các nhân sĩ vốn đã hình thành trong đầu một phương pháp tranh đấu riêng và theo thời gian phương pháp đó đã trở thành mặc định là đúng, vì thế họ thấy mọi phương án của các tổ chức đều không phù hợp.

Tâm lý chung của các nhân sĩ là muốn đi thật nhanh để sớm được nổi tiếng. Và đó cũng chính là mục tiêu của cuộc đời các nhân sĩ. Nếu mục tiêu của họ là để đất nước có dân chủ thì họ sẽ sớm thất vọng và thất bại. Thực tế là các nhân sĩ, sau khi đạt được một chút tiếng tăm nào đó thì dần dần rơi vào quên lãng. Một số nhân sĩ nổi tiếng một thời như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Mẹ Nấm là những ví dụ. Các "ngôi sao dân chủ" trong nước cũng đang tắt dần.

Cũng không có nhân sĩ nào là thông minh và xuất chúng. Nếu xuất chúng thì họ đã hiểu rằng một cá nhân dù tài giỏi đến đâu cũng không làm được gì, càng không thể chiến thắng được một tổ chức chính trị đã có kinh nghiệm cầm quyền hơn 70 năm như Đảng cộng sản Việt Nam. Muốn chiến thắng một tổ chức chính trị thì phải có một tổ chức chính trị ngang tầm và hơn tầm.

NDDiem1

Nhân sĩ cuối cùng thành công là ông Ngô Đình Diệm nhưng rồi kết quả rất là bi thảm.

Các nhân sĩ là những cá nhân cô đơn nên họ thích chế độ tổng thống. Bản thân các tổng thống cũng là nhân sĩ, nên nếu thành công thì ông "nhân sĩ tổng thống" đó sẽ cần đến các nhân sĩ. Nhân sĩ không ủng hộ chế độ đại nghị vì các chính đảng đều có tổ chức và đội ngũ cán bộ của mình chứ không cần đến các nhân sĩ. Sự thành công của các chính đảng là sự thất bại của các nhân sĩ vì thế họ không bao giờ ủng hộ cho các tổ chức…có tổ chức. Họ hy vọng là dưới chế độ tổng thống họ sẽ được vời ra để làm quan như hồi trước. Điều đó đã qua đi. Nhân sĩ cuối cùng thành công là ông Ngô Đình Diệm nhưng rồi kết quả rất là bi thảm. Cũng vì thấy cô đơn và bất lực nên các nhân sĩ luôn kêu gọi đấu tranh trong "khuôn khổ luật pháp" cho an toàn. Trong thâm tâm họ thừa biết, dưới các chế độ độc tài thì làm gì có luật pháp. Và nếu có thì cũng chỉ nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị chứ đâu vì người dân.

Các nhân sĩ ngoài việc chỉ trích, phê phán chính quyền và kêu gọi lấy chữ ký trên mạng ra họ không biết phải làm gì. Họ không thấy có trách nhiệm "hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng". Năm 1945, trí thức nhân sĩ Việt Nam đã không tìm hiểu và hướng dẫn cho người dân để họ nhận diện các tổ chức chính trị đứng đắn vì thế Đảng cộng sản Việt Nam, một tổ chức chính trị theo chủ nghĩa Mác-Lênin đã dành được chính quyền và đưa đất nước vào đêm đen. Ngày hôm nay cũng thế. Không nhiều tổ chức chính trị đối lập đưa ra được các dự án chính trị để tranh đấu và kiến thiết đất nước. Dù vậy, Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã rơi vào im lặng và bàng quan của nhân sĩ và trí thức Việt Nam. Đa số người dân sẽ không đủ kiên nhẫn và kiến thức để đọc và hiểu bất cứ dự án chính trị nào vì thế trí thức Việt Nam cần đọc, nghiên cứu và kiểm nghiệm xem nó đúng hay sai, hay dở như thế nào để còn giới thiệu hoặc cảnh báo quần chúng.

Nhân sĩ và trí thức Việt Nam không hề đả động hay nhắc gì đến Dự án này. Họ làm đúng y như Đảng cộng sản Việt Nam là coi như "không nghe, không thấy, không biết" gì về Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Trong khi đó, Trịnh Hữu Long của tạp chí Luật khoa lại nhắc đến bản dự thảo hiến pháp của "Đảng Dân chủ Việt Nam" của Nguyễn Sĩ Bình, một tổ chức cuội do công an cộng sản lập ra, nay đã biến mất. Tổ chức "Trung tâm Dân chủ Việt Nam" cũng vậy, không ai biết tổ chức này của ai và ở đâu ra (1). Thật đáng buồn là các bạn trẻ này đã bị nhiễm "virus nhân sĩ" quá sớm.

Các dự án chính trị của các cá nhân càng khó được chấp nhận dù chúng hay đến đâu đi nữa vì đấu tranh chính trị là giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Hơn nữa nếu ai cũng cặm cụi ngồi viết dự thảo hiến pháp và dự án chính trị thì Việt Nam sẽ có hàng ngàn bản như vậy và rồi biết dùng cái nào?  

Anh em trong Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đa số dùng bút danh để viết bài. Ngoài lý do an ninh thì với chúng tôi, thành công của tổ chức, của đất nước mới là quan trọng vì chính trị là "việc chung", là những "cố gắng chung để thành công chung". Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận làm người vô danh suốt đời nếu Việt Nam không có dân chủ. Một số anh em trong Tập Hợp có khả năng làm nhân sĩ nhưng chúng tôi đã không chọn con đường đó.

"Virus nhân sĩ" dù không gây chết người như virus corona nhưng nó làm cho cơ thể dân tộc Việt Nam ốm yếu và không thể "lớn". Các nhân sĩ sợ mình không có chổ đứng trong một tổ chức đã có sẵn ? Điều này sai. Một đảng chính trị khi cầm quyền trong một đất nước gần 100 triệu dân như Việt Nam thì phải cần ít nhất 10.000 cán bộ chính trị có hiểu biết và kiến thức tương đương nhau. Có thế bộ máy mới chạy được trơn tru. Hơn nữa, tranh đấu để thay đổi số phận của một dân tộc 100 triệu người mới là sự cống hiến vĩ đại nhất, vinh quang nhất.

Kinh nghiệm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là không hy vọng và trông chờ các nhân sĩ tham gia vào tổ chức mà chỉ hy vọng vào những trí thức trẻ chưa là nhân sĩ, chưa bị "virus nhân sĩ" thâm nhập vào cơ thể. Con "virus nhân sĩ" rất khó bị tiêu diệt. Các nhân sĩ nếu có tham gia vào một tổ chức thì sớm muộn họ cũng chia tay và sự chia tay đó gây nhiều tiêu cực hơn là tích cực cho sự có mặt của họ trong thời gian tham gia vào tổ chức.

Con đường đúng đắn cho các bạn trẻ có ý định tranh đấu cho dân chủ là nên tìm hiểu về các tổ chức chính trị theo đuổi các giá trị gần gũi và phù hợp với mình nhất để rồi tham gia vào tổ chức đó. Cùng học hỏi, đóng góp và lớn lên cùng tổ chức thay vì tự mình mày mò và tự nghĩ ra một con đường "cứu nước" riêng. Khi đã lạc đường quá xa thì không thể nào trở lại con đường chính được nữa. Không nên tìm kiếm sự nổi tiếng quá sớm và quá nhanh bằng nỗ lực của bản thân. Thay vì tự mình đóng một con thuyền để vượt đại dương thì hãy tìm đến một con tàu đã có sẵn thủy thủ đoàn và một thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm. Nếu bạn thực lòng và có tinh thần cầu tiến thì tổ chức đó sẽ luôn chào đón bạn.

Một cá nhân đơn độc không thể đóng được thuyền lớn, nên khi ra biển lớn, chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua, cũng đủ nhấn chìm cả người lẫn tàu. Sự thật giản dị đó những bạn trẻ cần phải biết. Các bạn trẻ cũng cần biết một điều nữa là không thể nào đồng thuận với nhau để cùng "hành động" trên những vấn đề cụ thể mà phải đồng thuận với nhau trên nền tảng một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Những "lời qua tiếng lại" xung quanh Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa qua nói lên sự chia rẽ trầm trọng trong giới nhân sĩ. Các nhân sĩ không ưa nhau. Thành công của người này là thất bại của người khác.

"Sai lầm lớn là cho rằng chỉ cần đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể và bắt tay nhau hành động. Sự thực là người ta không bao giờ có thể liên tục đồng ý trên những vấn đề cụ thể bởi vì chúng gần như luôn luôn có thể có những giải đáp khác nhau. Do đó nếu tình cờ người ta đồng ý trên một mục tiêu cụ thể nào đó thì tháng sau sẽ không đồng ý trên một vấn đề cụ thể khác, và chia tay. Đồng thuận trên một tư tưởng chính trị khiến người ta không có những suy nghĩ quá khác nhau trên những chọn lựa cụ thể và do đó có thể hiểu nhau và thỏa hiệp với nhau ngay cả khi không đồng ý" (2).

Cuối cùng, vì sao Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hay lên tiếng chỉ trích cách đấu tranh nhân sĩ ? Lý do cũng giản dị, chúng tôi thật sự muốn Việt Nam có dân chủ. 

"Đấu tranh chính trị chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và một tổ chức chính trị đúng nghĩa chỉ có thể là thành quả của những cố gắng bền bỉ của những người có đủ kiến thức chính trị và cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị đúng. Như thế phải bác bỏ chủ nghĩa nhân sĩ, không ủng hộ những tổ chức thành lập vội vã hay không có tư tưởng chính trị, chỉ tham gia và ủng hộ những tổ chức nghiêm túc" (2).

Việt Hoàng

(06/04/2020)

(1) Tại sao phong trào dân chủ thiếu chiều sâu ?, Hồng Việt - Trinh Hữu Long, 02/04/2020

(2) Thử thẳng thắn trả lời một câu hỏi lớn, Nguyễn Gia Kiểng, 27/06/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1220 times

4 comments

  • Comment Link Tran  Ngoc Bau mardi, 14 avril 2020 16:37 posted by Tran Ngoc Bau

    Tôi chân thành xin lỗi ông Nguyễn Gia Kiểng vì đã xúc phạm đến ông khi gán cho ông bút danh Việt Hoàng. Ông Huy đã có thư riêng cảnh cáo là tôi đã lầm. Vâng, như vây là tôi đã sai lầm và đã yêu cầu ông Huy nếu được thì công khai lên tiếng đính chính trên diễn đàn này. Tiện đây, tôi cũng xin lỗi tác giả Việt Hoàng về sự lầm lẫn này. Sỡ dĩ có tôi có phán đoán sai lầm này là vì có nhiều bài với những bút danh khác nhau (ngoài Việt Hoàng ra) đều có cùng môt luận điệu giống nhau một cách lạ lùng, vả lại còn có ý biện hộ cho nhau; ví dụ như bài "Tại sao phong trào dân chủ thiếu chiều sâu?, Hồng Việt - Trinh Hữu Long, 02/04/2020" đã phê phán các "nhân sĩ" VN, rồi lại được bồi thêm với bài của Việt Hoàng. Cũng có thể điều sai lầm của tôi là cơ may cho diễn đàn Thông Luận xét lại phải chăng là trên TL có nhiều bài "lập đi lập lại đến nhàm chán những điều tối thiểu mà mọi người muốn làm chính trị đều phải biết" như tôi nói. Đọc phần góp ý của tôi ở trên, độc giả TL chắc thấy rõ là tôi không muốn "đầu độc quan hệ giữa người Việt Nam với nhau" như ông Kiểng nói, mà cốt là phê bình thẳng thắn THDCĐN và bản "Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai không có gì mới, độc đáo, hấp dẫn đối với người Việt Nam, vì nó chỉ là một bản phân tích tình hình theo gốc nhìn của Tây Phương và dự án chính trị xuất phát từ quan niệm của người Tây phương thôi". Tôi còn nói: "THDCĐN không đưa ra được một giải pháp gì THỰC SỰ LÀ VIỆT NAM, XUẤT PHát từ lòng dân, lấy dân làm gốc, để có thể mở đường cho dân làm chủ đất nưóc, dân trở nên tự lập tự chủ tự cường". Rõ ràng là tôi nhắm thẳng vào vấn đề của đất nước: "Dân chủ thực sự phải là dân chủ TỪ DÂN, BỞI DÂN, CHO DÂN, không vay mượn một mẫu dân chủ ngoại lai hay chung chung nào... THDCĐN bìét lấy dân làm gốc thì mới mong giới trẻ trong ngoài nước ủng hộ." Đúng hay sao là một chuyện, nhưng đó là quan điểm chính yếu của tôi, chớ không nhằm vào cá nhân nào của TL cả. Trần Ngọc Báu

  • Comment Link Nguyễn Gia Kiểng vendredi, 10 avril 2020 19:44 posted by Nguyễn Gia Kiểng

    Thưa ông Trần Ngọc Báu,
    Ông dựa vào đâu mà nói tôi dùng nhiều bút danh, trong đó có bút danh Việt Hoàng, để "lặp đi lặp lại những điều nhàm chán"?
    Một chuyện hoàn toàn sai, ông không biết gì mà có thể nói chắc nịch và xấc xược như vậy ngay trên tờ báo của chúng tôi thì chắc chắn ông còn có thể dựng đứng nhiều chuyện khác. Rất mong ông bỏ tật xấu đó đi, nó làm mất phẩm chất các cuộc thảo luận và đầu độc quan hệ giữa người Việt Nam với nhau.

    Nhân tiện xin nói để các thân hữu biết tôi luôn luôn phát biểu ý kiến bằng tên thật Nguyễn Gia Kiểng chứ không bao giờ dùng một bút danh nào cả.
    Việt Hoàng là một chí hữu trẻ hơn tôi gần 30 tuổi.

    Nguyễn Gia Kiểng

  • Comment Link VH vendredi, 10 avril 2020 16:36 posted by VH

    Trước hết xin cám ơn ông đã dành thời gian góp cho bài viết của tôi. Với tuổi 88 mà ông vẫn còn quan tâm đến đất nước thì quả là một tấm lòng đáng quí.
    Điều đầu tiên muốn nói với ông là tôi không phải Nguyễn Gia Kiểng. Dù rất cố gắng nhưng không bao giờ tôi có được trí tuệ như ông Kiểng. Tôi chỉ là một học trò của ông Kiểng mà thôi. Ông đánh đồng tôi với ông Kiểng làm tôi vừa tự hào vừa xấu hổ. Tôi không đạt được tầm vóc đó.
    Điều thứ hai tôi muốn nói là rất lấy làm tiếc vì đã làm ông thất vọng. THDCDN chỉ là một tổ chức trong nhiều tổ chức của người Việt. Ông có thể tìm một tổ chức khác để ủng hộ.
    Chúc ông luôn khỏe và quan tâm đến đất nước.
    Việt Hoàng

  • Comment Link  Trần Ngọc Báu jeudi, 09 avril 2020 22:51 posted by Trần Ngọc Báu

    Tôi rất thất vọng về bài viết này của ông Việt Hoàng (Nguyễn Gia KIểng), vì ông dưới nhiều bút danh vẫn lập đi lập lại đến nhàm chán những điều tối thiểu mà mọi người muốn làm chính trị đều phải biết, đó là phải có tỏ chức và lãnh đạo căn cứ trên một đồng thuận chung, như cương lĩnh, tôn chỉ, đường lối và chưong trình hành động rõ ràng. Theo tôi, từ trước 1945 đến nay, ta đã có những tổ chức chính trị (hay đảng phái) như vậy rồi. Cái khuyết điểm của họ, nói chung, là óc tôn sùng "lãnh tụ", không có dân chủ thực sự trong cách quản lý điều hành, chỉ biết chủ quan và tự tôn tự đại, xa cách tình tự của dân, không biết lấy dân làm gốc, và dĩ nhiên không được dân chúng ủng hộ, hợp tác... nên đưa đến hất bại. Tôi e rằng THDCĐN cũng ở trong trường hợp này: kêu gào mãi mà vẫn chưa được dân chúng trong ngoài nước nghe theo. Theo tôi hiểu, Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai không có gì mới, độc đáo, hấp dẫn đối với người Việt Nam, vì nó chỉ là một bản phân tích tình hình theo gốc nhìn của Tây Phương và dự án chính trị xuất phát từ quan niệm của người Tây phương thôi. Dĩ nhiên, thể chế dân chủ đại nghị có phần nổi trội hơn thổng thống chế; nhưng từ khi Khối Liên Xô sụp đổ, tất cả các thể chế dân chủ đã tỏ ra chẳng những khó đứng vững trước các cuộc khủng hoảng do mình tạo ra (năm 2008 và Covid.19 hiện nay) mà còn cho thấy bị vướng chân với các hạn chế đầy bấp bếnh của mình. Dĩ nhiên là mỗi cộng đồng quốc gia cần phải liên đới với cộng đồng thế giới nếu muốn sống còn, nhưng liên đới không có nghĩa là từ bỏ sự tự lập tự chủ tự cường của mình, mà trái lại. PHẢI TRUỚC HẾT LÀ MÌNH, ĐỨNG VỮNG TRÊN HAI CHÂN CỦA MÌNH, THÌ MỚI CÓ THỂ "BẮT TAY" VỚI KẺ KHÁC. Thực vậy, từ mấy chục năm qua, các quốc gia bị không chế bởi bọn tài phiệt quốc tế đang thao túng việc "toàn cầu hóa" để rồi bóp nghẹt quyền lợi của các dân tộc trên thế giới. Vụ đại dịch covid-19 hiện nay đang đặt ngược lại nhiều vấn đề lớn, trong đó có quyền lợi của tầng lớp người tay làm hàm nhai, là đa số người dân thầm lặng, bị bỏ quên bởi các thể chế dân chủ...! Các thê chế độc tài (CS) lại trở thành thứ "tư bản đỏ", thao túng cuộc toàn cầu hóa, hô hào tư bản toàn thế giới đoàn kết lại... Đối với Việt Nam, THDCĐN không đưa ra được một giải pháp gì THỰC SỰ LÀ VIỆT NAM, XUẤT PHát từ lòng dân, lấy dân làm gốc, để có thể mở đường cho dân làm chủ đất nưóc, dân trở nên tự lập tự chủ tự cường... Sau vụ đại dịch này, người ta sẽ đặt lại nhiều vấn đè, mà chủ yếu vẫn là các nước phải xây dựng một thể chế dân chủ thực sự là của dân mình, chơ không nhắm mắt đi theo một thứ "dân chủ phổ cập" hình thức, dù là tổng thóng chế hay đại nghị. Dân chủ thực sự phải là dân chủ TỪ DÂN, BỞI DÂN, CHO DÂN, không vay mượn một mẫu dân chủ ngoại lai hay chung chung nào... THDCĐN bìét lấy dân làm gốc thì mới mong giới trẻ trong ngoài nước ủng hộ.
    Chân thành, Trần Ngọc Báu (Thụy Sĩ)

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)