Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/04/2020

Tại sao phong trào dân chủ thiếu chiều sâu ?

Hồng Việt

Cách đây không lâu, Luật Khoa Tạp Chí đăng một bài viết có tựa đề là "Hội đồng Lý luận Trung ương và vai trò của think tank với các tổ chức chính trị" (*). Tác giả bài viết nhận định rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang thiếu định hướng và đường lối đấu tranh, cũng như là sự thiếu phẩm chất trong các ý kiến phản biện Đảng cộng sản.

Để giải thích cho hiện tượng này, tác giả bài viết cho rằng những người dân chủ đã không đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Từ đó, tác giả đề xuất thành lập các think tank, hiểu theo nghĩa một nhóm các chuyên gia cùng nhau nghiên cứu trên một vấn đề cụ thể, để giải quyết vấn đề thiếu hụt các chính sách cho nước Việt Nam dân chủ. Nhưng liệu giải pháp này có khả thi ?

luatkhoa1

Trang mạng Tạp Chí Luật Khoa - Ảnh minh họa

Trước hết, cần nhận thức rõ đâu là nguyên nhân của vấn đề. Cho đến nay, phong trào dân chủ tỏ ra yếu kém về mặt lý luận và đường lối là vì nó không coi trọng vấn đề đấu tranh có tổ chức. Bởi vì bất cứ một tổ chức chính trị nào, nếu muốn tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng thì bắt buộc phải có một một dự án chính trị trong đó trình bày những chính sách và định hướng cho đất nước. Chính sách nào cũng có người ủng hộ và người chống nhưng nếu không có chính sách thì sẽ không có ai ủng hộ. Và để viết ra được một dự án chính trị thì không có cách nào khác ngoài nghiên cứu và thảo luận. Do đó, nhu cầu nghiên cứu đối với một tổ chức chính trị cũng tự nhiên như nhu cầu ăn cơm đối với một con người.

Trái ngược với các tổ chức, các nhân sĩ không có thời gian để nghiên cứu vì họ quá bận rộn trong các hoạt động gây tiếng vang để đánh bóng tên tuổi. Đối với họ, sự nổi tiếng là tất cả, và do đó phải xuất hiện trên truyền thông càng nhiều càng tốt trong khi việc nghiên cứu và thảo luận lại là những công việc mang tính chất thầm lặng. Chính vì phần lớn những người dân chủ đấu tranh theo lối nhân sĩ nên các phát biểu của họ thường thiếu phẩm chất vì chúng chưa được trải qua thử thách và sàng lọc trong các buổi thảo luận.

Mặc dù cả hai đều là những lò sản xuất ý kiến nhưng trong khi các tổ chức chính trị có lý tưởng, quyết tâm và thực quyền để áp dụng các chính sách của mình thì các think tank chỉ là một nhóm người nghiên cứu theo đơn đặt hàng, thường là từ các chính quyền hoặc các công ty lớn.

Một kinh nghiệm trong quá khứ là trường hợp của Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS). Các thành viên của nó là những người tự coi mình có khuynh hướng dân chủ nhưng cũng chỉ kết hợp với nhau để lập một think tank nhằm góp ý cho Đảng cộng sản. Xin nhấn mạnh là góp ý chứ không phải phản biện vì sau khi chính quyền cộng sản ban hành quyết định 97, theo đó các tổ chức nghiên cứu khoa học, nếu có phản biện ngược với chính sách của chính phủ thì không được công bố công khai, họ đã tuyên bố tự giải tán chứ không hề có một nghiên cứu nào để đóng góp cho phong trào dân chủ nhằm phản biện chính quyền.

Một thí dụ khác là các giảng viên chương trình thạc sĩ chính sách công của đại học Fullbright. Trường này cũng là một dạng think tank nhưng các thành viên của nó chỉ là những người muốn phục vụ cho chế độ.

luatkhoa2

Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai

Nhưng như vậy không có nghĩa là phong trào dân chủ hoàn toàn không có một nghiên cứu chất lượng nào. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã ra mắt Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai từ năm 2015, trong đó trình bày bối cảnh trong nước và quốc tế, những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, thể chế và hiến pháp cho Cộng Hòa Việt Nam, phương pháp đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên và cuối cùng là những chính sách trong giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ. Đó là kết quả của những nghiên cứu tâm huyết trong nhiều năm. Nhưng tại sao tác giả bài viết lại không nhắc đến tài liệu này ? Thay vào đó, anh ta nhắc đến ba bản đề xuất hiến pháp của các nhóm đối lập. Bản đầu tiên của Đảng Dân Chủ Việt Nam, một đảng gần như đã ngừng hoạt động. Bản thứ hai của nhóm Kiến Nghị 72, gồm các nhân sĩ đã lớn tuổi. Và bản cuối cùng là của Trung Tâm Dân Chủ Việt Nam, được viết bằng tiếng Anh và chỉ bán trên Amazon !

Theo lẽ thường, một người quan tâm tới tương lai đất nước thì phải đọc những nghiên cứu liên quan đến đường lối đấu tranh và xây dựng đất nước, chưa kể số lượng của các tài liệu này cũng rất ít, theo chính lời của tác giả. Nhưng tại sao các trí thức có tên tuổi lại không bao giờ nhắc đến tài liệu này ? Ngay cả nếu họ không đồng ý về mặt nội dung thì tại sao họ cũng không phản biện ? Chỉ có thể hiểu là họ hoàn toàn không muốn quần chúng biết đến Tập Hợp. Nguyên nhân của tình trạng này có thể liên quan đến sự khác biệt về đường lối của Tập Hợp và các nhân sĩ.

Trong khi Tập Hợp luôn cổ vũ cho phương pháp đấu tranh có tổ chức và đề nghị thể chế đại nghị, một thể chế khuyến khích sự phát triển của các đảng phái, thì các nhân sĩ lại đấu tranh dưới tư cách cá nhân và đề xuất chế độ tổng thống (như đã thấy trong bản hiến pháp của nhóm Kiến Nghị 72), một chế độ thích hợp với lối làm chính trị nhân sĩ. Có lẽ trong thâm tâm họ sợ rằng thành công của Tập Hợp, cũng là thành công của đất nước, là một thất bại đối với họ. Trong một chế độ đại nghị, một tổ chức nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thì các thành viên của nó sẽ điều hành chính quyền. Trái lại, một nhân sĩ nếu đắc cử tổng thống buộc phải tìm đến các nhân sĩ khác để thành lập chính phủ. Sở dĩ nước Mỹ có nhiều think tank nhất cũng là vì nó theo chế độ tổng thống.

Trong cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi, Trần Trọng Kim kể rằng khi được Bảo Đại yêu cầu thành lập chính phủ, ông phải xin Bảo Đại vài ngày để đi tìm người làm bộ trưởng vì ông chỉ có một mình. Và tất nhiên những người được ông chọn cũng đều là các nhân sĩ có tiếng tăm. Một trường hợp khác là Ngô Đình Diệm, sau khi được người Pháp đưa lên cầm quyền, vì không có tổ chức nên buộc phải sử dụng người nhà để rồi bị mang tiếng là gia đình trị. Trong cả hai trường hợp, họ đều thất bại trước một đối thủ có tổ chức là Đảng cộng sản.

Như vậy, dù có thành lập hàng trăm cơ quan nghiên cứu nhưng không có một tổ chức chính trị mạnh thì chúng ta sẽ không bao giờ có được dân chủ vì quần chúng bao giờ cũng chỉ ủng hộ và bầu cho các đảng phái chính trị thay vì các think tank. Do đó, một trong những cách hiệu quả nhất để đóng góp cho phong trào dân chủ là tiếp tay phổ biến dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đến với thật nhiều người. Một khi phong trào dân chủ đạt được đồng thuận về một giải pháp chung cho đất nước thì thắng lợi sẽ đến rất nhanh chóng.

Hồng Việt

(02/04/2020)

---------------------

(*) Hội đồng Lý luận Trung ương và vai trò của think tank với các tổ chức chính trị

Trịnh Hữu Long, Luật Khoa tạp chí, 15/03/2020

Tiêu đề bài viết này nghe có thể lố bịch với nhiều người, bởi Hội đồng Lý luận Trung ương từ lâu đã bị một bộ phận của phong trào đối lập gọi là "Hội đồng Lú lẫn Trung ương". Sau khi một cán bộ cấp cao của cơ quan này bị phát hiện có lối sống xa hoa, cơ quan này càng trở thành trò cười cho công chúng.

luatkhoa3

Ảnh : english.pfa.dk.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hồng Việt, Trịnh Hữu Long
Read 2646 times

1 comment

  • Comment Link Trần  Ngọc Báu jeudi, 02 avril 2020 12:53 posted by Trần Ngọc Báu

    Cám ơn tác giả đã đề cao THDCĐN... Tôi quí THDCĐN, nhưng vẫn coi tập hợp này là "Tập Hợp Nhân Sĩ Đa Nguyên", vì nó là nơi để phổ biến các tư tưởng hay chính sách của các nhân sĩ, sĩ phu, nói gọn là "TUYÊN TRUYÈN" hơn là nơi "làm chính trị" đúng vói nghĩa của nó. Dĩ nhiên, thời Tây tuyên truyền tư tưởng dân chủ và độc lập dân tộc đã là LÀM CHÍNH TRỊ và đã BỊ XỘ KHÁM. Thời Ngô Đình Diệm có Nhóm Nhân Sĩ Caravelle có lập trường đối lập với chính phủ, chỉ mới "tuyên bố" thôi rồi cũng bị tan rã ngay sau đó. Thời nay, có nhóm gọi là "xã hội dân sự" CLB Lê Hiếu Đằng cũng tuyên truyền khấm khá lên, rồi cũng thấy "chưa đi đến đâu"...; đó là chưa nói đến những nhóm khác như Khối 8046, Nhóm Kiến Nghị 72, Hội Nhà Báo Độc Lập VN, v.v. Tất cả các nhóm này cũng chỉ dừng lại ở mức "tuyên truyền" mà vẫn bị vùi dập hay rã dần, dù thực sự đã có dấn thân vào việc "tập hợp dân chủ đa nguyên" sâu sắc và thực tiễn hơn THDCĐN ngoài nước rất nhiều.
    Theo tôi, nghiên cứu chính trị chưa phải là làm chính trị; hơn nữa, trong vấn đề này ta thường cóp nhặt của kẻ khác nhiều hơn là sáng tác trên bối cảnh thực tiễn của dân mình (tôi nói là DÂN MÌHH), vì DÂN MỚI LÀ GỐC CỦA DÂN CHỦ, chớ không phải lý thuyết dân chủ mượn của Tây phương! Từ năm 1945 đến nay, người mình chỉ dựa hơi nước ngoài để "làm chính trị"; người CS thì cố gắng lèo lái đến tự chủ, còn đa số "người quốc gia" thì cứ tùy thời mà xử thế, mà chủ yếu là "chổng mông tuyên truyền chống cộng", không cần biết DÂN TÌNH TRONG NƯỚC muốn gì! CHỐNG CỘNG THEO KIỂU PHẢN CHỐNG CỘNG mà cứ khoác lác phô trương dài dài gần nửa thế kỷ qua...! (Nói nhỏ nghe chơi: Trump bị chửi rủa thâm tệ mà vẫn cứ trơ trơ cái mặt lãnh đạo sáng suốt vì được một nửa dân Mỹ tôn sùng)
    Xin nói gọn lại; theo tôi, nói chính trị chưa phải là làm chính trị. Làm chính trị là phải có TỔ CHỨC, có LÃNH ĐẠO, CÓ KỸ CƯƠNG, có đường lối và hành động sâu sát với quần chúng và với thời thế luôn chuyển đổi trong nước. Về điểm này, các "nhóm xã hội dân sự" trong nước làm nhiều và tốt hơn ngoài nước, tuy chưa đạt đến qui mô gọi là CÓ TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO. Dân chúng ngao ngán nghe theo các bánh vẽ rồi, họ cũng chẳng màng xả thân cho lý tưởng này nọ, VÌ HO ĐÃ TỪNG LÃNH ĐỦ với những thứ ấy rồi. Họ không cần và không muốn nghe các NHÂN SĨ, SĨ PHU ca bài con cá nữa, Biết đâu chính các sĩ phu, trí thức, NHÂN SĨ ngoài nước đã mở đường ru ngủ các nhà bất đồng chính kiến trong nước (chớ không phải dân) đê họ cũng đâu tranh dân chủ theo kiểu "nhân sĩ" của các ĐẤNG BẬC NHÂN SĨ LỖI LẠC NGOÀI NƯỚC.
    Đôi điều trao đổi chân thành với tác giả và THDCĐN, Trần Ngọc Báu (Thụy Sĩ)

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)