Có lẽ đa số những người biết đến Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) đều cho rằng chúng tôi... nói nhiều. Điều đó xuất phát từ tâm lý người Việt không thích... nói nhiều. Văn hóa của Việt Nam không có thói quen thảo luận nên chúng ta thường mệt mỏi khi phải nghe... nói nhiều. Văn hóa Việt Nam gắn liền với văn hóa Khổng giáo, đó là thứ văn hóa ngu dân và biện minh cho sự cai trị của các chế độ phong kiến.
Văn hóa Khổng giáo (hay Nho giáo) dạy chúng ta từ nhỏ là phải "ngoan", phải biết vâng lời cha mẹ và người lớn chứ không được thắc mắc cha mẹ hay người lớn đúng hay sai. Đó là thứ văn hóa áp đặt một chiều từ trên xuống theo thứ tự "quân, sư, phụ". Trong văn hóa Khổng giáo thì vua là thượng đế, là ông trời. Vua đứng trên tất cả, trên cả tôn giáo, đạo lý và phép tắc. Một tay anh chị mà cướp được chính quyền thì mỗi lời nói đều là chân lý trong khi đó một người nông dân có nói đúng đến mấy cũng không ai nghe.
Trong văn hóa Ki-tô giáo thì "vua là vua, thượng đế là thượng đế". Nhờ có sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị mà các nước theo Ki-tô giáo đã chuyển hóa thành công về dân chủ. Với các nước Hồi giáo thì "thượng đế là vua". Chính trị phải phục tùng tôn giáo. Đó là lý do khiến các nước Hồi giáo rất khó chuyển hóa về dân chủ.
Văn hóa Khổng giáo được duy trì suốt 2.500 năm tại một số nước và nó có một sức sống mãnh liệt. Tại Trung Quốc nó bị đánh đổ sau cách mạng Tân Hợi 1911 bởi nhà cách mạng Tôn Trung Sơn nhưng sau đó đã hồi sinh cùng với Mao Trạch Đông. Người kế tục Tôn Trung Sơn là Tưởng Giới Thạch đã thất bại trước anh nông dân Mao Trạch Đông.
Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch đã thất bại trước anh nông dân Mao Trạch Đông vì không vượt qua được bức tường văn hóa Khổng giáo. Ảnh minh họa Tôn Dật Tiên, Tưởng Giới thạch và Mao Trạch Đông
Văn hóa Khổng giáo không cho phép đổi mới, "thuật nhi bất tác". Mọi suy nghĩ và hành động đều phải tuân theo một khuôn phép đã định sẵn. Tầng lớp sĩ phu (trí thức), là những người có học và hiểu biết nhất trong xã hội không được phép bàn chuyện chính sự vì mọi chuyện đã có vua và triều đình lo.
Văn hóa Khổng giáo không có tư tưởng vì người dân không được phép thảo luận. Trí thức và người dân chỉ là nô lệ của các ông vua. Họ được dạy chỉ để vâng lời và tuân phục. Kẻ nào có sức mạnh thì kẻ đó có lẽ phải và chân lý. Mọi bất đồng đều được giải quyết bằng bạo lực. Các cuộc chiến liên miên, diễn ra không ngớt trong lịch sử là vì thế.
Đảng cộng sản Việt Nam không là ngoại lệ, họ cũng cướp chính quyền bằng bạo lực và sau đó cai trị đất nước bằng bạo lực. Tư tưởng Mác-Lê chỉ để trang điểm và che đậy cho bạo lực. Đảng cộng sản không có khả năng và ý định tranh luận với người dân và với những tiếng nói bất đồng chính kiến. Dù có Ban tuyên giáo, 800 báo đài nhưng Đảng cộng sản vẫn dùng đến đội ngũ dư luận viên để tấn công những người khác chính kiến trên mạng xã hội. Đảng cộng sản chưa bao giờ đối thoại một cách đàng hoàng, sòng phẳng và công khai với người dân. Tự do ngôn luận, tự do thành lập đảng phái, tự do bầu cử và ứng cử luôn bị cấm cản tại Việt Nam.
Không chỉ mỗi Đảng cộng sản mà người Việt hiện nay vẫn chưa có văn hóa thảo luận cho dù họ không phải là đảng viên và dù sống trong môi trường tự do ở nước ngoài hay trên không gian ảo của mạng xã hội. Bất cứ trong một cuộc thảo luận nào, trên mọi chủ đề thì vẫn có người, khi đuối lý hay bất đồng quan điểm thì lập tức "bỏ bóng đá người", tấn công cá nhân và chụp mũ bằng những ngôn từ mạ lị nhất mà họ có thể nghĩ ra. Ngay cả các cuộc tranh cãi vớ vẩn trong các buổi nhậu giữa những người vốn là bạn bè cũng có thể dẫn đến án mạng.
Các cuộc thảo luận về chính trị của người Việt luôn rơi vào bế tắc vì không ai nghe ai. Mỗi người hiểu vấn đề và các khái niệm chính trị theo mỗi kiểu khác nhau. Thiếu kiến thức và các khái niệm căn bản về chính trị nên người Việt hiểu rất lơ mơ về chính trị nhưng lại không muốn học hỏi.
Văn hóa Khổng giáo phân chia đẳng cấp rất rõ, sau quân (vua) là đến sư (thầy) rồi mới đến phụ (cha) vì thế người Việt Nam ai cũng muốn làm thầy của người khác. Vai trò của người thầy trong văn hóa Khổng giáo rất lệch lạc và phản giáo dục khi mặc định người thầy luôn luôn đúng và chỉ cần hơn người khác nửa chữ cũng là thầy, "nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Thầy trong quan niệm của người Phương Tây chỉ là người hướng dẫn, chuyển giao kiến thức về một lĩnh vực nào đó cho người khác. Giữa thầy và trò là quan hệ bình đẳng, tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau. Trong cuộc sống, ai cũng có thể là thầy và ai cũng có thể là trò vì mỗi người chỉ biết về một lĩnh vực nào đó, không ai có thể biết và giỏi trong tất cả mọi lĩnh vực. Ai cũng phải học và học suốt đời. Văn hóa Khổng giáo mặc định thầy là bề trên và luôn luôn đúng. Người bên dưới không thể đúng và không biết gì nên trên nói dưới phải nghe. Giáo dục Việt Nam vì thế luôn là sự áp đặt, nhồi sọ và một chiều. Người Việt Nam không muốn học mà chỉ muốn làm thầy nên mới có tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ".
Giáo dục Việt Nam luôn là sự áp đặt, nhồi sọ và một chiều.
Trong một cuộc thảo luận đứng đắn, người "thua" luôn là người "được" nhiều nhất vì họ có cơ hội mở mang đầu óc và biết thêm nhiều kiến thức mới. Nhưng với người Việt, thua lý người khác là nhục nhã và không thể chấp nhận được vì thế phải cãi đến cùng. Sự hơn - thua trong văn hóa Khổng giáo rất độc hại và vớ vẩn ví dụ người ta thi nhau xem ai uống được nhiều rượu hơn, ai có nhiều bồ hơn...
Một hệ lụy của sự hơn thua trong lĩnh vực chính trị là nhiều bạn trẻ và các nhân sĩ luôn đứng một mình, tranh đấu một mình, nếu thua thì bỏ cuộc chứ nhất định không ủng hộ bất cứ ai hay bất cứ tổ chức nào. Có lẽ họ cho rằng làm như thế là hạ thấp khả năng của bản thân, như thế là kém cỏi ?! Ngay cả một cô gái rất dũng cảm và thông minh như Phạm Đoan Trang cũng không vượt qua được bức tường văn hóa Khổng giáo khi chọn con đường tranh đấu một mình thay vì tham gia hay ủng hộ cho một tổ chức nào đó. Trần Huỳnh Duy Thức cũng chọn cách đấu tranh kiểu nhân sĩ khi không có tổ chức và tư tưởng chính trị chỉ dựa trên... sấm Trạng Trình.
Mặc dù Đảng cộng sản Việt Nam đi từ hết sai lầm này đến sai lầm khác và cách thức tổ chức của họ rất luộm thuộm nhưng họ vẫn đứng vững cho đến ngày hôm nay là vì văn hóa của họ phù hợp với văn hóa của dân tộc. Đảng cộng sản không phải là tai họa từ trên trời rơi xuống mà là sản phẩm của văn hóa và lịch sử Việt Nam. Trung Quốc cũng nhờ văn hóa Khổng giáo mà tồn tại đến giờ. Không phải tự nhiên mà Tập Cận Bình cho xây dựng hàng trăm viện Khổng tử trên khắp Trung Quốc và thế giới.
Thiếu văn hóa thảo luận nên người Việt, trong lúc họp hành để bàn công việc thì không ai có ý kiến gì nhưng khi bắt tay vào làm việc thì cãi nhau loạn xạ. Trong khi đó, người văn minh họ bàn cãi, thảo luận rất nhiều khi họp hành cho đến khi sáng tỏ mọi vấn đề và mọi người đều đồng thuận với nhau thì mới bắt tay vào việc.
Trong chính trị, ở các nước dân chủ, nếu ý kiến của ai đó hay một tổ chức nào đó không được chính quyền lắng nghe thì họ sẽ vận động và thuyết phục người dân để tạo dư luận và gây sức ép buộc chính quyền phải thay đổi. Ở Việt Nam và Trung Quốc, nếu trí thức có ý kiến mà chính quyền không nghe thì họ cũng thôi, một số người không chịu được thì sẽ chống đối bằng bạo lực, dù chỉ là bạo lực ngôn ngữ. Ở các nước Khổng giáo thì những người anh hùng được tôn vinh đều là quan võ, giỏi đánh nhau trong khi phương Tây luôn tôn vinh những nhà tư tưởng. Thậm chí người lãnh đạo bộ quốc phòng cũng thuộc về dân sự chứ không phải các tướng lĩnh.
Lịch sử cận đại của Việt Nam chứng minh rằng người Việt chỉ thích hành động chứ không thích thảo luận bằng việc chọn Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh cùng với giải pháp vũ trang và bạo lực thay vì chọn con đường canh tân đất nước trong hòa bình của Phan Châu Trinh. Đó cũng là lý do mà Tập Hợp vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của đa số người dân Việt Nam. Chúng tôi cho rằng giải pháp vũ trang, lật đổ chế độ không phù hợp và có hại cho đất nước. Về bản chất, cuộc cách dân chủ lần này là một cuộc cách mạng về văn hóa vì vậy nó phải diễn ra trên mặt trận tư tưởng và lý luận. Trên mặt trận đó, lời nói là tất cả.
Dùng lời nói để thuyết phục người dân là rất khó khăn và mất nhiều thời gian nhưng đó là giải pháp đúng đắn và cần thiết vì vậy khó đến mấy, lâu đến mấy, cũng phải làm. Phải có kiến thức và sự tự tin mới chọn giải pháp đó. Lời nói (và viết) là sản phẩm của trí tuệ nên không phải ai cũng nói hay và nói đúng. Tập Hợp có tư tưởng và lẽ phải nên chúng tôi luôn có cái để nói và sẵn sàng thảo luận về bất cứ chủ đề gì. Đảng cộng sản và các tổ chức khủng bố đâu có gì để nói nên họ chỉ biết đàn áp và khủng bố.
Tập Hợp cho rằng, càng "nói nhiều" trong hiện tại chừng nào thì sẽ càng bớt đổ máu trong tương lai chừng ấy. Chúng tôi luôn cố gắng nâng cao kiến thức chính trị cho người dân Việt Nam để mọi người tự biết phải làm gì hoặc ủng hộ cái gì chứ chúng tôi không áp đặt hay "dụ dỗ" bất cứ ai. Càng nói nhiều, thảo luận nhiều thì mới hiểu được vấn đề và tạo ra được đồng thuận dân tộc. Chỉ có đồng thuận dân tộc mới xây dựng được một tương lai dân chủ và tự do thật sự cho Việt Nam.
Tư tưởng chính trị quyết định hướng đi và số phận của dân tộc. (Ảnh : Dự án chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên).
Chính trị là việc chung, là cùng nhau kiến tạo một tương lai chung. Tương lai của dân tộc Việt Nam không thể trông chờ vào sự may rủi mà phải có một Dự án chính trị trong sáng vàkhả thi. Nó rất quan trọng nên mọi người dân phải hiểu rõ thì mới có niềm tin và mới ủng hộ. Rất tiếc là Dự án chính trị của Tập Hợp vẫn chưa được nhiều người đọc và chia sẻ. Chúng tôi biết người Việt lười đọc. Không chỉ người dân mà ngay cả trí thức cũng lười đọc. Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai trình bày rất cụ thểvề lộ trình và phương pháp đấu tranh của Tập Hợp đồng thời cũng là dự án xây dựng đất nước, thế nhưng nó vẫn chưa nhận được sự quan tâm và ủng hộ cần có của dư luận.
Ai cũng nói được nhưng nói cái gì và nói như thế nào lại là một chuyện khác. Người Việt Nam vẫn đang sống trong truyện thuyết Khổng giáo nên chưa nhận thức được tầm quan trọng của tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị. Nên biết rằng tư tưởng chính trị quyết định hướng đi và số phận của dân tộc. Chính tư tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác-Lê, một phiên bản cải tiến của chủ nghĩa Khổng giáo đã kìm hãm và trói buộc dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử và chúng ta đã là chúng ta như bây giờ cũng vì thế.
Đã đến lúc nói lời chia tay với văn hóa cũ, tư duy cũ, truyện thuyết cũ để đón nhận một văn hóa mới, tư duy mới và một truyện thuyết mới, đó là truyện thuyết "dân chủ đa nguyên" mà Tập Hợp đề nghị. Trí thức Việt Nam cần đọc nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn để nói nhiều hơn. Chỉ có "nói nhiều" mới thức tỉnh được người dân Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước.
Việt Hoàng
(20/10/2021)
Từ trước đến nay người dân Việt Nam mặc định tất cả những người lên tiếng chỉ trích chế độ cộng sản đều là phong trào dân chủ Việt Nam. Từ khi xuất hiện Donald Trump thì đã bắt đầu có sự khác nhau trong việc đánh giá và nhìn nhận thế nào là một người dân chủ. Việc chính quyền Việt Nam bắt giam một người bất đồng chính kiến là Bùi Văn Thuận, một giáo viên trung học sống tại Thanh Hóa hôm 30/8/2021 theo điều 117 với tội danh ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ khiến một số người tiếp tục đặt câu hỏi thế nào là một người dân chủ.
Mặc dù chưa được nhiều người quan tâm và chú ý nhưng việc ‘thắc mắc’ thế nào là một người dân chủ chứng tỏ kiến thức về dân chủ của một số người Việt đã được nâng cao thêm một bậc. Theo chúng tôi, không nên tránh né thảo luận những vấn đề ‘nhạy cảm’ vì chỉ có thảo luận một cách thẳng thắn thì chúng ta mới làm sáng tỏ được vấn đề về những khái niệm liên quan đến chính trị và hoạt động chính trị.
Trước hết thế nào là ‘chống cộng’ và chống cộng là chống cái gì ? Theo tôi thì ‘cộng’ ở đây tức là cộng sản. Chống cộng là chống cộng sản. Cộng sản có ba thành tố : Chủ nghĩa cộng sản, Đảng cộng sản và Những người cộng sản. Chống cộng là đúng vì cộng sản là hiện thân của cái xấu, cái ác, cái lạc hậu cần phải xóa bỏ. Năm 2006, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa cộng sản và xác quyết chủ nghĩa cộng sản đã phạm tội ác chống lại loài người.
Liên Hợp Quốc đã thảo luận về khái niệm ‘khủng bố’ trong hơn nửa thế kỷ và năm 2005 đã đạt được một định nghĩa tóm tắt như sau :
"Khủng bố là hành động dùng bạo lực để sát hại hoặc gây thương tích cho những người không phải là chiến binh trong mục đích gây kinh sợ hoặc tạo áp lực để buộc một chính quyền hoặc một tập thể phải làm hoặc phải không làm một việc nào đó".
Đây là một cố gắng lớn vì vấp phải sự chống đối của các nước cộng sản. Với định nghĩa này thì các nhà nước độc tài, toàn trị và cộng sản mặc nhiên bị nhìn nhận như là những tổ chức khủng bố.
Bìa cuốn "Sách đen của chủ nghĩa cộng sản : Tội ác, khủng bố, đàn áp" (The Black Book of Communism : Crimes, Terror, Repression) của một số nhà nghiên cứu Châu Âu. Các tác giả ước tính đã có khoảng 100 triệu người bị giết chết dưới các chế độ cộng sản.
Nên biết một điều khá thú vị là Đặng Tiểu Bình đã công khai từ bỏ chủ nghĩa cộng sản toàn nguyên, dù chỉ là trên lý thuyết khi ông phát biểu rằng Trung Quốc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa nhưng mang màu sắc Trung Quốc. Putin, nhà độc tài cai trị nước Nga bằng bàn tay sắt cũng không có ý định dựng dậy thây ma cộng sản mà nếu muốn, ông hoàn toàn có thể làm được. Trong khi đó, cho đến giờ Đảng cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng vẫn hô hào toàn dân kiên định tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Những người "đấu tranh cho dân chủ" là ai ? Đó là những người tranh đấu nhằm mục đích thiết lập một chế độ dân chủ cho Việt Nam. Những người đấu tranh cho dân chủ có chống cộng không ? Câu trả lời là có. Tuy nhiên với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì chúng tôi chỉ chống Chủ nghĩa cộng sản và Đảng cộng sản chứ không chống ‘những người cộng sản’ vì họ cũng chỉ là nạn nhân của sự mù quáng và thiếu hiểu biết. Tập Hợp cũng ‘chống cộng’ nhưng đó không phải là mục đích cuối cùng. Chống cộng chỉ là một công việc trên chặng đường dài để đi đến mục đích sau cùng là thiết lập và xây dựng một chế độ dân chủ cho Việt Nam.
Như vậy người ‘chống cộng’ và ‘đấu tranh cho dân chủ’ giống nhau ở điểm là cùng... chống cộng nhưng khác nhau ở mục đích. Cả hai là đồng minh của nhau nhưng những người đấu tranh cho dân chủ có lộ trình và mục đích rõ ràng trong khi những người chống cộng thì không có điều đó. Vì thế, tiêu chí để nhận diện những người chống cộng và người đấu tranh cho dân chủ đó là những người đấu tranh cho dân chủ có tổ chức và có một dự án chính trị rõ ràng còn người chống cộng thì không. Trong hai yếu tố tổ chức và dự án chính trị thì dự án chính trị quan trọng hơn vì có nhiều tổ chức chống cộng nhưng không có dự án chính trị. Ví dụ, tổ chức của Đào Minh Quân không thể gọi là dân chủ vì họ chống cộng cực đoan theo kiểu khủng bố.
Chống cộng là đúng nhưng chỉ dừng ở đấy thì cũng không đạt được kết quả gì vì ngay cả họ cũng không hình dung được cái gì sẽ đến sau khi không còn cộng sản. Họ lý luận hời hợt và giản dị rằng cứ đánh sập cộng sản đi đã rồi hẵng tính. Đó là sự thụ động, đến đâu thì đến và kết quả là Việt Nam có thể rơi vào tình trạng như nước Nga khi chế độ độc tài đảng trị sụp đổ và nhường chỗ cho một chế độ độc tài cá nhân trị.
Những người chống cộng thường chống luôn cả người cộng sản bằng những chỉ trích nặng lời, khiêu khích và thậm chí sỉ nhục lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Điều đó làm Đảng cộng sản tức giận và tự ái. Cũng vì lòng kiêu ngạo cộng sản nên Đảng cộng sản đã đàn áp dữ dội những người chống cộng ôn hòa, chỉ dùng lời nói làm vũ khí.
Chống lại cái xấu, cái ác là bản năng trong mỗi con người lương thiện và có hiểu biết nhưng chỉ chống cộng thôi thì không thể thay đổi được điều gì. Đảng cộng sản cũng sẽ ‘lắng nghe và sửa chữa’ nhưng chỉ là những thứ vụn vặt mang tính mị dân chứ họ không bao giờ thay đổi bản chất.
Trong khi đó, với những người đấu tranh dân chủ như Tập Hợp thì chúng tôi cho rằng mặt trận chính của cuộc cách mạng dân chủ lần này là trên lĩnh vực tư tưởng và lý luận vì vậy không cần khiêu khích Đảng cộng sản. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này là thuyết phục người dân Việt Nam ủng hộ cho một truyện thuyết mới, một dự án tương lai chung cho tất cả mọi người Việt Nam. Khi có được sự ủng hộ của một bộ phận quần chúng và trí thức Việt Nam thì việc tiếp theo sẽ là kết hợp lại với nhau để hình thành nên một đối lập có tầm vóc. Theo chúng tôi, chỉ khi đó phong trào dân chủ Việt Nam mới có thể làm áp lực buộc Đảng cộng sản thay đổi về hướng dân chủ.
Khó khăn lớn nhất đối với một tổ chức chính trị là thuyết phục và kết hợp được khoảng 500 đến 1000 người đầu tiên. Sau đó, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Cũng như một chiếc xe, khó nhất và cần nhiều lực nhất là lúc khởi động, khi nó đã chuyển động thì sẽ tăng tốc rất nhanh và dễ dàng. Người dân không kiên nhẫn, không lãng mạn mà rất thực tế. Họ chỉ ủng hộ một tổ chức đã có tầm vóc và tổ chức đó phải cho họ niềm tin chiến thắng, niềm tin vào tương lai. Họ cần biết rõ chỗ đứng và tương lai của họ trong truyện thuyết mới. Xin nhắc lại, muốn thay thế một truyện thuyết đã cũ và lạc hậu như truyện thuyết cộng sản thì cần phải có một truyện thuyết mới. Ví dụ truyện thuyết dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị.
Muốn Việt Nam có dân chủ thì phải có những tổ chức dân chủ và những con người dân chủ. Người dân chủ là người có tinh thần, văn hóa và kiến thức dân chủ. Phải dứt khoát nói không với bạo lực. Phải có sự bao dung để chấp nhận các ý kiến khác biệt. Phải sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề với thái độ khiêm tốn, cầu tiến và hòa nhã. Văn hóa Khổng giáo mà phiên bản cải tiến của nó là chủ nghĩa cộng sản đã để lại nhiều tật nguyền cho người Việt Nam như sự vô lễ với kiến thức chính trị, sự hời hợt và nông nổi trong tư duy, thiếu văn hóa thảo luận và trên hết là không biết kết hợp lại với nhau để thực hiện những dự án lớn cho bản thân cũng như cho đất nước.
Sự khác nhau giữa những người đấu tranh cho dân chủ và chống cộng là một bên có dự án chính trị còn một bên thì không.
Có thể khẳng định rằng phong trào dân chủ Việt Nam mới chỉ dừng ở mức 'chống cộng'. Chỉ có một số ít, rất ít đạt được mức cao hơn là 'đấu tranh cho dân chủ'. Để nâng cấp bản thân từ một người chống cộng thành một người đấu tranh cho dân chủ cần có sự cố gắng để vượt thoát lên chính bản thân mình. Không cần phải ‘đao to búa lớn’ hay hô hào hy sinh này nọ mà mỗi người chỉ cần thành thật với chính bản thân mình là mình có thật sự yêu nước, yêu đồng bào mình không ? Có muốn thay đổi tương lai cho dân tộc Việt Nam không và đã có kế hoạch gì để biến giấc mơ đó thành sự thật hay không ?
Tổ chức chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Không có phương tiện thì không thể đi đến đích. Người đấu tranh cho dân chủ phải hiểu và ý thức được điều đó để sẵn sàng tham gia và đóng góp cho một tổ chức nào đó. Trừ một vài trường hợp như các nhà nghiên cứu hay các học giả, những người không tham gia hoặc không ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào thì chưa phải là một người đấu tranh cho dân chủ. Những người không coi trọng đạo đức chính trị và kiến thức chính trị cũng không phải là người dân chủ. Ví dụ những người cuồng Trump. Trump là mẫu người làm chính trị lý tưởng trong văn hóa Khổng giáo. Đó là mẫu người không cần học hỏi về chính trị, không có đạo đức, thủ đoạn, dối trá... nhưng vẫn thành công và nắm giữ quyền lực. Người Việt ủng hộ Trump là ‘đương nhiên’ vì đó là quán tính của văn hóa Khổng giáo đã ngấm vào trong máu mỗi người Việt Nam trong hàng ngàn năm mà thậm chí chúng ta không nhận ra. Phải rất bản lĩnh mới vượt lên được chính mình.
Tổ chức sẽ giúp chúng ta cải thiện và thay đổi văn hóa độc hại đó. Khi tham gia và sinh hoạt trong một tổ chức đứng đắn thì những tư duy và thói quen xấu sẽ được nhận diện và được mọi người góp ý, nhắc nhở để cùng nhau chế ngự chúng. Ví dụ, với Tập Hợp thì tinh thần thảo luận luôn là ‘không có chủ đề nào là cấm đưa ra và không có ý kiến nào là không được bàn đến’. Anh em Tập Hợp luôn phát biểu thẳng thắn mọi vấn đề của đất nước nhưng chúng tôi luôn cẩn trọng, ôn hòa và kiềm chế cảm xúc cá nhân. Chúng tôi luôn nghĩ đến uy tín và thanh danh của tổ chức. Chúng tôi trân trọng và bảo vệ tổ chức vì đó là phương tiện đưa chúng tôi và mọi người đến tương lai. Nhờ vậy mà chúng tôi ít mắc phải sai lầm. Trong khi đó, một người chống cộng cô đơn rất dễ bị cảm xúc chi phối. Họ khó giữ được bình tĩnh khi bị tấn hay khiêu khích trong lúc thảo luận. Với một số nhân sĩ thì khi họ mắc sai lầm cũng không ai dám hay muốn góp ý nên nhiều khi họ sai mà không hề hay biết.
Chúng tôi hiểu và thông cảm với những người cuồng Trump. Theo chúng tôi thì không nên giận họ mà nên kiên nhẫn và bao dung với họ. Rồi đến một lúc nào đó họ sẽ nhận ra rằng những người làm chính trị rất cần đến kiến thức chính trị và đạo đức chính trị. Có kiến thức để không làm sai, làm ẩu. Có đạo đức để không làm càn, làm bậy. Những quyết định cực đoan trong việc chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam là bằng chứng cho sự thiếu hụt về kiến thức và đạo đức chính trị của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Tập Hợp tranh đấu để chiến thắng và mong muốn trở thành đảng cầm quyền để thực hiện dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Dù vậy chúng tôi sẽ không dùng bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích mà chúng tôi luôn cố gắng thuyết phục người dân Việt Nam ủng hộ cho một truyện thuyết mới, truyện thuyết dân chủ đa nguyên. Chúng tôi sẽ tuân thủ luật chơi, tôn trọng và chấp nhận sự lựa chọn của người dân Việt Nam trong các cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong tương lai.
Việt Hoàng
(15/9/2021)
I. Nguồn gốc
Hệ thống chính trị Westminster hay còn gọi là Hệ thống Dân chủ Đại nghị Cộng hòa có nguồn gốc từ Anh quốc, nói chính xác hơn là từ cung điện Westminster ở London, Anh. Là nơi Lưỡng viện Quốc hội bao gồm Viện Nguyên lão (sau này là Thượng viện) và Viện Thứ dân (sau này là Hạ viện) nhóm họp. Cung điện Westminster ban đầu là nơi ở của vua nhưng không có vị vua nào ở đó từ thế kỉ XVI mà được nhượng lại cho Lưỡng viện để Quốc hội bàn thảo và quyết định các vấn đề quốc gia.
II. Cách thức hoạt động
Nét nổi bật của hệ thống Westminster là một chuỗi quy trình hoạt động của cơ quan lập pháp. Nó được dùng trong các cơ quan lập pháp cấp quốc gia và ở cấp địa phương thấp hơn ở các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung hiện nay và trước đây. Và trong quốc hội có thể có nghị viện đối lập.
1. Bầu cử
Hạ viện được thành lập thông qua bầu cử các dân biểu vào quốc hội. Thể thức bầu thường là đầu phiếu đa số tương đối (còn gọi là đơn danh một vòng) và một số ứng viên sẽ được chọn ra theo thể thức đại diện tỉ lệ tại khu vực bầu cử. Tại một số nước còn có phương thức bầu cử ưu tiên theo hình thức đánh số ưu tiên vào tên các dân biểu có trong lá phiếu. Hạ viện là viện đại diện cho người dân ở khu vực bầu cử.
Thượng viện được thành lập thông qua bầu cử trực tiếp hoặc không trực tiếp. Thượng viện đại diện cho các khu vực. Trong hệ thống Westminster đã được sửa đổi hiến pháp thì thượng nghị sĩ được chọn bằng thể thức bầu đơn danh một vòng nhưng phải đạt được số phiếu nhất định theo tỉ lệ dân số của khu vực mà người đó đại diện, nếu không ai đạt số phiếu ấn định thì sẽ được bầu bằng hệ thống Phiếu bầu Ưa thích. Thường thì thượng nghị sĩ có nhiệm kì lâu hơn hạ nghị sĩ.
Thủ tướng được quốc hội bầu ra, nắm quyền hành pháp. Khi điều hành quốc gia, thủ tướng lập nội các để đảm bảo việc thực hiện các dự án chính trị. Nội các của thủ tướng có thể chọn từ Thượng viện hoặc Hạ viện và thường chọn người cùng chính đảng, cũng có trường hợp thủ tướng chọn người thuộc những đảng có xu hướng trung dung hoặc đảng đối lập. Thủ tướng là người chịu trách trước quốc hội và nắm quyền hành pháp, thủ tướng có thể bị phế truất bất cứ lúc nào khi có cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện diễn ra.
Thủ tướng Anh, Boris Johnson trong một phiên họp tại quốc hội.
Toàn quyền do Nữ hoàng Anh bổ nhiệm để thay mặt nữ hoàng tại các nước thuộc khối thịnh vượng chung Anh. Những nước không có Toàn quyền sẽ bầu tổng thống thông qua cuộc bầu cử được thực hiện bởi các dân biểu và thượng nghị sĩ trung ương. Tổng thống không giữ quyền hành pháp nhưng lại đứng trên cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổng thống là người "biểu tượng" cho tinh thần đoàn kết quốc gia.
Cơ quan tư pháp hay Pháp viện tối cao được thành lập do Toàn quyền (hoặc tổng thống) tấn phong (bổ nhiệm) từ các luật gia để trở thành các thẩm phán. Toàn quyền tấn phong dựa trên ý kiến đề nghị của Hội đồng Cơ mật Nữ hoàng và ý kiến đã được tham khảo từ thủ tướng đương nhiệm, cũng có ý kiến của phó Toàn quyền, các đại diện Nữ hoàng Anh tham gia. Với nước có tổng thống thì ngoài tổng thống có quyền bổ nhiệm thì còn có chủ tịch quốc hội, chủ tịch Thượng viện chọn ra các bồi thẩm đoàn làm việc trong hệ thống tư pháp.
2. Một chuỗi lập pháp khép kín
Khi một dự luật đang còn phôi thai thì nó sẽ được kiến nghị cho thủ tướng và nội các của vị thủ tướng đó xem xét. Dự luật sẽ không được đưa ra Hạ viện để tranh luận nếu không có sự đồng ý của cả thủ tướng và nội các, nhiều trường hợp dự luật đã được thủ tướng đồng ý nhưng nội các không thông qua thì dự luật đó cũng không được trình ra trước quốc hội.
Dự luật nếu được nội các và thủ tướng đương nhiệm thông qua thì sẽ đem ra Hạ viện để tranh luận, trong quá trình tranh luận thì tự dự luật đó được bổ sung và hoàn thiện và nếu dự luật được Hạ viện thông qua thì nó được đưa lên Thượng viện xem xét.
Dự luật sẽ không được thi hành nếu Thượng viện không thông qua. Tại Thượng viện thì không khí chính đảng thường rất ôn hòa, các thượng nghị sĩ cũng là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, thời gian thông qua dự luật cũng không quá khắt khe, do đó Thượng viện thường tỏ ra sáng suốt khi xem xét các dự luật mà Hạ viện đưa lên. Vai trò của Thượng viện rất quan trọng vì nó là viện cuối cùng xét lại các dự luật, nó cho phép các quyết định tại trung ương không bị sai lầm, kìm hãm hoặc bác bỏ các dự luật cực đoan. Thượng viện cũng là viện thứ hai có thể bảo vệ quyền lợi của thiểu số nhân dân và đảm bảo việc phục vụ đa số quần chúng.
Sau khi dự luật được Thượng viện thông qua thì nó sẽ được nhánh hành pháp thi hành và thể hiện qua các đạo luật hành chính và văn bản pháp quy. Các vấn đề về đạo luật nếu bị người dân phản đối thì ngành tư pháp cũng có quyền kiến nghị sửa đổi lên quốc hội.
3. Trách nhiệm và quyền hạn
Trong ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thì quyền lập pháp là quyền cao nhất và đứng thứ hai là 2 quyền hành pháp và tư pháp. Nhưng nếu căn cứ vào thực tiễn thì quyền hành pháp có tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội, thậm chí là văn hóa thông qua các định chế và đạo luật.
Hệ thống Westminster hoàn toàn không xảy ra tình trạng lạm quyền vì nhánh hành pháp phải được sự ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp của nhánh lập pháp trong quá trình đưa dự luật được thực thi vào xã hội. Sự giám sát của quốc hội trong mọi hành động của thủ tướng đương nhiệm khiến vị thủ lãnh đó buộc phải thực hiện đúng quyền hành pháp và phải thật sự trong sạch trong việc chi tiêu chính phủ.
Dù trên lí thuyết thì quyền lực của thủ tướng có vẻ lớn như có quyền giải tán quốc hội nếu dự luật không được Thượng viện chấp nhận 3 lần, nắm quyền hành pháp chính phủ, được quyền chọn ra bộ trưởng...Nhưng quyền hành thật sự đã bị phân phối ngang bằng với quốc hội, thủ tướng không thể thực hiện quyền hành pháp nếu không có sự đồng thuận của cơ quan lập pháp.
Tổng thống, Toàn quyền hay Nữ hoàng chỉ là nguyên thủ quốc gia, không nắm quyền nào trong 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng vẫn có quyền cố vấn cho các cơ quan chính phủ.
Mô hình nghị viện tại Úc.
4. Đảo chính tại chính trường
Thường được nhắc đến bằng cái tên mĩ miều "đảo chánh cung đình", các cuộc đảo chính diễn ra tại quốc hội các nước sử dụng hệ thống Westminster diễn ra không theo nhiệm kì thủ tướng nào cả. Mầm mống đảo chính sẽ xuất hiện khi thủ tướng đương nhiệm không thể kìm hãm đối lập, gây mất lòng tin trong quần chúng và đặc biệt là bất tín nhiệm trước đơn vị bầu cử của mình. Tuổi thọ của mỗi nhiệm kì thủ tướng tại các quốc gia này rất ngắn vì dự án chính trị mà thủ tướng cùng chính đảng của vị đó đưa ra thường phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai và khi dự án đó không còn phù hợp mà chính phủ đang nắm quyền không kịp thời thay đổi chính sách thì đảo chánh cung đình sẽ diễn ra.
Đó là phương pháp chữa lửa tạm thời của các chính đảng khi họ nhìn thấy khói trước khi nó trở thành một đám cháy có thể khiến chính đảng đó mất đi đa số ghế ở quốc hội trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Theo đó, khi nhận thấy nguy cơ bất tín nhiệm trong quốc hội có khả năng phế truất thủ tướng đương nhiệm bằng những vị thủ lãnh đối lập hoặc độc lập của các chính đảng khác, nội các của thủ tướng đương nhiệm và bộ trưởng ngồi ở hàng ghế trước sẽ thuyết phục những người ngồi ở hàng ghế sau (chưa nắm bộ nào) rằng thủ tướng đương nhiệm không còn khả năng nắm quyền hành pháp, một cuộc bỏ phiếu diễn ra và một vị thủ lãnh mới sẽ thế chân thủ tướng đương nhiệm. Nếu chính đảng của thủ tướng đương nhiệm bế tắc trong việc thay thế thì cơ hội dành cho các đảng đối lập và trung dung.
III. Các nước theo mô hình chính trị Westminster
1. Nhóm nước lấy nguyên mẫu Anh quốc
Canada và Australia và hai nước tiêu biểu trong thể chế Westminster đã lấy nguyên mẫu mô hình Nghị viện từ Anh quốc. Với tư duy linh hoạt, hiến pháp tại hai nước đã được điều chỉnh để phù hợp với thành phần dân cư đa dạng và vùng đất đai rộng lớn cùng khí hậu có phần khác với "mẫu quốc". Canada và Australia được coi là có tiếng nói có trọng lượng trong khối thịnh vượng chung Anh và là hai nước có sự cởi mở chính trường rất cao.
2. Nhóm nước có tổng thống là nguyên thủ quốc gia
Singapore và India là hai nước tiêu biểu của việc dung hòa thể chế Tổng thống và thể chế Đại Nghị Dân Chủ. Có nhiều đánh giá cho rằng sự dung hợp này có tính phức tạp trong môi trường chính trị tại các quốc gia áp dụng. Có nhiều nước cho phép tổng thống nắm một phần quyền hành pháp với thủ tướng, có nước chỉ có thủ tướng nắm quyền hành pháp còn tổng thống chỉ là nguyên thủ quốc gia.
3. Nhóm nước thành công trong chuyển hóa dân chủ
Bước ra từ thế chiến thứ II là những kẻ bại trận: Nhật, Ý, Đức là 3 quốc gia từng là những lò lửa chiến tranh, những trại lính khổng lồ mang đầy hận thù và chủ nghĩa dân túy. Nhờ quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn thể chế chính trị mà không đi theo con đường dân chủ kiểu Mỹ mà các quốc gia này đã vực dậy một cách mạnh mẽ trong những năm sau thời chiến và có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế. Tinh thần quốc gia được nâng cao và lòng hận thù đã không còn trong những quốc gia đó.
4. Xu hướng cải tổ chính trị
Tản quyền chính là xu hướng tất yếu mà mọi quốc gia đang hướng tới nhằm đạt được những giá trị dân chủ, cũng như nhân quyền và các vấn đề xã hội khác. Tản quyền không đưa đến sự rối loạn trong bộ máy chính quyền mà nó nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỉ luật của các chính quyền địa phương. Tản quyền mang lại sự trong sạch cần có của mỗi cá nhân trong chính trường và những lá phiếu dễ dàng thể hiện thái độ của nhân dân lên chính quyền đương nhiệm.
Tuy nhiên, tản quyền là một chuyện, tổ chức mô hình chính trị là một chuyện khác. Các học giả như Juan Linz, Fred Rígg, Bruce Ackerman, và Robert Dahl cho rằng thể chế đại nghị giúp hạn chế những biến động chính trị dẫn đến sự sụp đổ các chế độ cầm quyền. Họ chỉ ra rằng kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, hai phần ba các nước thế giới thứ ba với chính quyền đại nghị đã chuyển đổi thành công sang dân chủ. Ngược lại, không một nước nào thuộc thế giới thứ ba theo tổng thống chế đã chuyển đổi thành công để trở thành một nền dân chủ mà không xảy ra đảo chính hoặc thay đổi hiến pháp. Theo Bruce Ackerman, có 30 quốc gia đã thử nghiệm hệ thống kiểm tra và cân bằng quyền lực kiểu Mỹ, và "Tất cả những nước này, không có ngoại lệ, đều phải trải qua những cơn ác mộng triền miên". Nhiều nước sau nhiều năm theo thể chế tổng thống cảm thấy khó khăn khi thực hiện chuyển đổi sang thể chế Đại nghị Dân chủ một cách ôn hòa vì thiếu những chính đảng đúng nghĩa và sự suy đồi của đạo đức chính trị là những tảng đá lớn để chuyển hóa mô hình chính trị.
Dân chủ Đại nghị đưa đến sự ổn vững về chính trị tương đối (tuyệt đối là các quốc gia độc tài), sự minh bạch, quyền lực phân đều và những dự án chính trị cho tương lai một đất nước, nó đem đến sự ổn định xã hội một cách hoàn hảo mà bất cứ quốc gia tổng thống chế nào cũng khao khát.
Thiên Cầm
(3/8/2021)
Cứ mỗi khi tháng Tư về là người Việt Nam trên khắp thế giới, báo chí và những người lớn tuổi đã từng tham gia chiến tranh thời kỳ 1954-1975 đều nhắc đến Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Dù nói nhiều nhưng không phải ai cũng hiểu và nắm được khái niệm (định nghĩa) về Hòa giải và Hòa hợp Dân tộc. Vậy Hòa giải và Hòa hợp là gì ? Hòa giải là cùng nhau giải quyết những xung đột và mâu thuẫn đã xảy ra để tiến tới cùng hợp tác và làm việc chung với nhau. Hòa hợp là cùng hợp tác và làm việc chung với nhau. Hòa hợp là mục đích còn Hòa giải là một quá trình để đi tới Hòa hợp.
Dự án chính trị của Tập Hợp có giải thích : "Hòa giải là tháo gỡ những hận thù và hiềm khích để tiếp tục sống chung với nhau, trong khi hòa hợp là quí mến nhau và hợp tác mật thiết với nhau. Như thế, khi giữa các cá nhân hay giữa các tập thể đã có sự xung đột và bất hòa thì Hòa giải phải được thực hiện trước, Hòa hợp chỉ có thể có sau khi đã hòa giải xong. Hòa hợp dân tộc, hay đoàn kết dân tộc cũng thế, là mục đích. Hòa giải là một chặng đường cần thiết để có hòa hợp.
Lập trường "Hòa giải và Hòa hợp dân tộc" là chủ trương Hòa giải người Việt Nam với nhau để tiến đến Hòa hợp dân tộc, nghĩa là tiến đến tình trạng trong đó người Việt tin tưởng và quí trọng nhau để cùng bắt tay nhau xây dựng một tương lai chung. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là vấn đề tình cảm giữa người và người, chứ không phải giữa các lực lượng và phe phái. Giữa các lực lượng và phe phái cùng lắm chỉ có vấn đề hợp tác hay thỏa hiệp".
Như vậy phải có Hòa giải trước thì mới có Hòa hợp. Việc nhiều người nói và viết "Hòa hợp và Hòa giải dân tộc" là không chính xác. Hòa giải phải đứng trước Hòa hợp vì có giải quyết được các bất đồng trong quá khứ thì mới có thể tiến tới hợp tác với nhau trong hiện tại và tương lai.
Hòa giải phải có trước để dẫn đường cho Hòa hợp.
Người Việt Nam có cần Hòa giải và Hòa hợp dân tộc hay không ? Chắc chắn là có. Những người phản đối có lẽ chưa hiểu được các khái niệm và tầm quan trọng của chúng. Do lịch sử và các cuộc nội chiến liên miên trong quá khứ mà người Việt Nam rất chia rẽ và kỳ thị lẫn nhau. Dân tộc Việt Nam rất cần hòa giải giữa người Công giáo và Phật giáo, giữa người Kinh và các sắc tộc thiểu số, giữa người Bắc - Trung - Nam, giữa người cộng sản và người Việt Nam Cộng Hòa, giữa người Việt hải ngoại và người trong nước và nhất là giữa người Việt Nam với đất nước Việt Nam... Từ các nhà nước phong kiến cho đến cộng sản, các chế độ cầm quyền đã nhân danh đất nước, tổ quốc để đày đọa người dân thay vì phục vụ người dân. Lòng yêu nước của người Việt Nam đã bị tổn thương rất nặng. Nhiều người đã bỏ nước ra đi trong tuyệt vọng và hờn tủi.
Hòa giải và Hòa hợp dân tộc không chỉ cần thiết để giải quyết những vấn đề trong quá khứ mà còn cần cho cả hiện tại và tương lai. Quá trình toàn cầu hóa khiến cho tất cả mọi quốc gia đều có vấn đề về bình đẳng xã hội. Hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn dẫn đến sự phẫn nộ của các thành phần dân chúng bị thua thiệt và bị bỏ rơi trong mọi quốc gia. Nước Mỹ, siêu cường số một thế giới cũng bị chia rẽ sâu sắc dẫn đến việc Donald Trump, một kẻ dân túy, thiếu cả khả năng lẫn nhân cách đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tân tổng thống Joe Biden đang cố gắng thay đổi và sửa chữa nước Mỹ bằng cách tăng cường liên đới xã hội và thu hẹp sự bất bình đẳng bằng một dự án lớn lên đến nhiều ngàn tỉ đô la để tài trợ cho trẻ em, học sinh - sinh viên và những gia đình nghèo khó. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc đã trở thành triết lý điều hành quốc gia. Hòa giải là bắt buộc của mọi dân tộc dù ở trình độ nào và có lịch sử nào và Việt Nam là một trong những dân tộc cần hòa giải hơn cả.
Hòa giải và Hòa hợp dân tộc cũng là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Nhiều người không hiểu nên đã đồng hóa lập trường Hòa giải của chúng tôi với sự đầu hàng hay bắt tay với Đảng cộng sản... Chúng tôi xác quyết rằng việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và sòng phẳng với quá khứ dựa trên nền tảng dân chủ chứ không phải bỏ qua và xí xóa mọi thứ. Nếu không có Hòa giải thì sẽ không có Hòa hợp dân tộc và vì thế Việt Nam sẽ không có tương lai. Cũng như một gia đình sau một cuộc xung đột, chỉ có hai lựa chọn, một là Hòa giải để tiếp tục chung sống hai là chia tay nhau. Vợ chồng có thể chia tay nhau và đi lấy người khác nhưng một dân tộc thì không thể thích là chia tay và giải tán đường ai nấy đi. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là lựa chọn bắt buộc đối với chúng ta.
Đảng cộng sản Việt Nam có muốn Hòa giải và Hòa hợp dân tộc không ? Chắc chắn là không. Họ chỉ nói đến Hòa hợp dân tộc chứ không bao giờ nhắc đến Hòa giải dân tộc. Tức là họ chỉ kêu gọi người Việt Nam cùng hợp tác với họ và quên đi quá khứ chứ không muốn Hòa giải dân tộc. Lý do cũng dễ hiểu, họ đã gây ra quá nhiều sai lầm và tội ác. Họ không đủ can đảm và bản lĩnh để nhìn nhận những sự thật đó. Tập Hợp kêu gọi Hòa giải và Hòa hợp dân tộc trong đó có cả những người cộng sản cấp tiến nhưng chúng tôi không chủ trương Hòa giải và Hòa hợp với Đảng cộng sản và chủ nghĩa cộng sản.
Hòa giải và Hòa hợp dân tộc là một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
Vì sao Tập Hợp chủ trương Hòa giải và Hòa hợp dân tộc ? Có thể chia quá trình này ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn tranh đấu cho dân chủ hiện nay và giai đoạn hậu cộng sản. Cho đến bây giờ, dù mắc phải hết sai lầm này đến gia lầm khác nhưng Đảng cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại và cầm quyền vì trước mặt họ không hề có một tổ chức chính trị nào đủ tầm vóc để làm đối trọng. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để mọi người dân Việt Nam hiểu nhau, cảm thông cho nhau và đoàn kết với nhau để cùng hình thành một mặt trận dân chủ có tầm vóc. Chỉ khi đó thì phong trào dân chủ Việt Nam mới có đủ sức mạnh để buộc Đảng cộng sản ngồi vào bàn đàm phán.
Giai đoạn thứ hai là khi Việt Nam đã có dân chủ. Nếu khi đó Tập Hợp được người dân Việt Nam tín nhiệm và lựa chọn làm đảng cầm quyền hoặc thuộc về liên minh cầm quyền thì chúng tôi sẽ thực thi việc Hòa giải và Hòa hợp dân tộc ngay lập tức. Chúng tôi sẽ nhân danh sự liên tục và kế thừa của nhà nước để nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và giải quyết những vấn đề đang tồn đọng. Trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai có nói rõ :
"Nhà nước Việt Nam tương lai sẽ phải phục hồi danh dự cho những người đã bị hạ nhục, phải bồi thường thiệt hại, dù chỉ là một cách không đầy đủ, cho những nạn nhân mà không tạo ra những nạn nhân mới. Xóa bỏ hận thù có nghĩa là sẽ không có những vụ án chính trị, ngược lại sẽ có một đạo luật cấm nhà nước truy tố bất cứ ai vì chức vụ mà họ đã giữ, trừ khi họ đã vi phạm một cách rất nghiêm trọng ngay chính những luật lệ đương hành lúc họ tại chức. Mọi công dân có quyền tố cáo những hà hiếp mà mình đã là nạn nhân và nhà nước sẽ xử lý những tranh tụng đó như những tranh tụng giữa những công dân bình đẳng trước pháp luật trong tinh thần hòa giải dân tộc".
Sau khi chế độ cộng sản cáo chung và Việt Nam có dân chủ thì chúng ta vẫn còn tiếp tục sống trong khó khăn và nghèo khổ thêm một thời gian nữa. Hố ngăn cách giàu nghèo mà Đảng cộng sản tạo ra là quá lớn mà một nhà nước dân chủ không dễ dàng gì khắc phục được trong một thời gian ngắn. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc sẽ là một triết lý để điều hành quốc gia.
Đảng cộng sản không hề muốn Hòa giải mà chỉ muốn khoét sâu thêm sự chia rẽ của người Việt. Họ không cần người Việt Nam phải yêu họ mà chỉ muốn người Việt Nam không yêu nhau. Người Việt Nam càng mất đoàn kết chừng nào thì Đảng cộng sản sẽ còn cầm quyền lâu chừng ấy.
Hòa giải dân tộc chưa bao giờ là thói quen và là phản xạ của người Việt. Văn hóa Khổng giáo là "đuổi cùng giết tận", kẻ thắng không cần phải hòa giải với kẻ thua vì họ đã bức hại tất cả những người thua cuộc. Thế hệ người Việt Nam mới cần thành tâm hàn gắn những vết thương do lịch sử để lại, chúng ta cần Hòa giải để dần dần tiến tới Hòa hợp dân tộc trong cố gắng xây dựng và chia sẻ một tương lai chung. Chúng ta sẽ cùng nhau khép lại một trang sử đau buồn của đất nước và mở ra một trang sử mới viết bằng tình tự dân tộc.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên không chỉ có mỗi lý thuyết mà còn áp dụng trong thực tế. Chúng tôi là một tổ chức chính trị tiên phong trong quá trình Hòa giải và Hòa hợp dân tộc. Tập Hợp là tổ chức bao gồm các thành viên xuất thân từ mọi thành phần dân tộc, từ các cựu quân dân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa cho đến các cựu đảng viên Đảng cộng sản và nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra và lớn lên sau ngày 30 tháng 4/1975. Mục tiêu sau cùng (cứu cánh) của chúng tôi đó là dân chủ hóa Việt Nam. Trên tinh thần đó chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận mọi người, thuộc mọi thành phần tham gia vào tổ chức của chúng tôi. Lãnh đạo hiện nay của Tập Hợp là ông Nguyễn Gia Kiểng, một cựu công chức của Việt Nam Cộng Hòa và trong tương lai chúng tôi sẵn sàng bầu chọn một cựu đảng viên Đảng cộng sản vào chức vụ lãnh đạo cao nhất của Tập Hợp nếu người đó có khả năng và xứng đáng.
Sức mạnh của một dân tộc là sự đoàn kết. Hòa giải và Hòa hợp dân tộc để có đoàn kết dân tộc, cùng nhau chúng ta sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho Việt Nam, kỷ nguyên của tự do và dân chủ thật sự.
Việt Hoàng
(04/05/2021)
Một câu hỏi quan trọng và cấp bách đang đặt ra cho tất cả những người Việt Nam ưu tư với đất nước đó là bao giờ Việt Nam sẽ có dân chủ ? Câu hỏi này gần như không có câu trả lời. Hầu hết trí thức vẫn cho rằng, dân trí Việt Nam vẫn còn thấp vì thế phải "khai dân trí" trước đã. Họ cho rằng khi dân trí cao lên thì mới có thể tính đến chuyện dân chủ hóa đất nước.
Dân trí là gì ? Dân trí là sự hiểu biết của người dân về chính trị và những niềm tin nền tảng. Sự "hiểu biết" có thể học hỏi và tiếp thu theo thời gian nhưng những niềm tin nền tảng của người Việt Nam đang có vấn đề vì bị ảnh hưởng bởi những thành kiến do lịch sử để lại mà văn hóa Khổng giáo là nghiêm trọng nhất. Những niềm tin nền tảng này không chỉ có ở dân chúng mà còn hiện diện ngay cả với những người muốn khai dân trí cho người khác.
Những nhân sĩ có khả năng khai trí cho người dân thật sự rất ít. Đa số chỉ nói lên những điều mà ai cũng đã biết. Đừng quên một điều quan trọng rằng những ai muốn biết về tình hình đất nước thì người ta đều đã biết, còn những ai không muốn biết hoặc không quan tâm thì có nói bao nhiêu cũng vô ích. Họ không quan tâm.
Văn hóa Khổng giáo rất độc hại và là cản trở lớn cho tiến trình dân chủ hóa đất nước - Ảnh China Daily
Chúng ta đang sống trong những ngày tháng tư với nhiều cảm xúc bởi biến cố 30/4/1975. Bài học quan trọng nhất rút ra từ sự kiện này đó là đấu tranh chính trị luôn luôn là đấu tranh giữa các tổ chức chính trị với nhau chứ không phải giữa các cá nhân. Việt Nam Cộng Hòa dù chiếm ưu thế về mọi mặt nhưng vẫn thất bại vì đã không có một đội ngũ nhân sự chính trị lãnh đạo đất nước. 46 năm đã trôi qua từ biến cố 30/4 nhưng Việt Nam vẫn đang ở trong tình trạng không bình thường, đất nước vẫn chưa có dân chủ vì vậy cách đấu tranh nhân sĩ là không hợp lý. Các cá nhân dù có nổi tiếng đến mấy cũng không thể gây áp lực lên chính quyền buộc họ thay đổi.
Đấu tranh nhân sĩ tức là tranh đấu một mình, cố gắng gây tiếng vang để nhiều người biết đến. Các nhân sĩ là những người có kiến thức và hiểu biết cao hơn quần chúng. Di sản độc hại của văn hóa Khổng giáo khiến trí thức Việt Nam không phục ai, không nghe ai. Họ luôn xem họ là nhất, là số một mà mọi người phải nghe theo. Họ không lên tiếng ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào vì cho rằng điều đó sẽ khiến họ kém đi, lu mờ đi. Họ thà tranh đấu một mình, nếu thất bại thì bỏ cuộc chứ dứt khoát không ủng hộ ai.
Lý do mà các nhân sĩ đưa ra để biện minh cho việc không tham gia hay ủng hộ các tổ chức chính trị đó là tại Việt Nam chưa có tổ chức chính trị nào xuất hiện và nếu tham gia thì sẽ bị chính quyền bắt bớ hoặc gây khó dễ...Điều này mới nghe qua thì rất đúng nhưng sự thực đó là sự ngụy biện để né tránh trách nhiệm. Ngày xưa Đảng cộng sản cũng đâu chờ thực dân Pháp cho phép thì mới hoạt động. Ông Hồ, dưới cái tên Tống Văn Sơ cũng từng bị tòa án Vinh (Nghệ An) tuyên án tử hình vắng mặt vì tội "bạo loạn, âm mưu lật đổ chính phủ" (năm 1929).
Các cá nhân có thể bí mật tham gia vào một tổ chức nhưng tổ chức thì không thể bí mật. Muốn thế người lãnh đạo và ban lãnh đạo bắt buộc phải ở nước ngoài hoặc phải tìm cách ra nước ngoài.
Một tổ chức chính trị phải đưa ra được một giải pháp cho đất nước, trình bày dự án chính trị đó cho người dân biết để tìm hiểu và nghiên cứu chứ không thể hoạt động bí mật trong bóng tối, chờ thời cơ thuận lợi rồi nhảy ra cướp chính quyền như Việt Minh hồi năm 1945. Mỗi một tổ chức chính trị đều chuyên chở một số giá trị tư tưởng nền tảng và một chương trình hành động. Nếu không có tư tưởng thì tổ chức đó không khác gì một đảng cướp và sự tranh đấu của họ chỉ là một cuộc tranh giành quyền lực. Tương lai đất nước không phải một trò chơi vì thế không thể phiêu lưu hay trông chờ vào sự may mắn. Sứ mệnh của một tổ chức chính trị là để thay đổi hiện tình của đất nước cho phù hợp với dòng chảy của nhân loại chứ không phải làm một cuộc "nổi dậy" dù cuộc nổi dậy đó có chính đáng đến đâu đi nữa.
Một giải pháp cho đất nước chỉ có thể đến từ một tổ chức chính trị. Dự án chính trị Dân chủ đa nguyên của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một ví dụ.
Lịch sử tranh đấu của nhân dân ta dưới thời Pháp thuộc là những cuộc nổi dậy hào hùng, anh dũng của những con người thừa ý chí, quyết tâm và lòng yêu nước nhưng lại thiếu vắng hoàn toàn một tư tưởng chính trị, một tầm nhìn của thời đại. Họ không hề có viễn kiến về tương lai đất nước thời kỳ hậu thực dân (ngoại trừ Đảng cộng sản Việt Nam). Kết quả là bế tắc và cuối cùng đất nước rơi vào tai họa cộng sản.
Ngày hôm nay tuyệt đại đa số các "tổ chức chống cộng" và các cá nhân đang tranh đấu theo kiểu nhân sĩ dù rất dũng cảm và nhiệt huyết nhưng vẫn đi theo lối mòn của cha ông : Mong muốn loại bỏ chế độ cộng sản trước còn mô hình nhà nước nào trong tương lai sẽ tính sau. Không ít người lấy làm lạ và không hiểu tại sao phải cần đến một Dự án chính trị để làm gì. Theo họ cứ đánh sập Đảng cộng sản đi đã rồi hãy tính...Nước Nga của Putin là một ví dụ cho thấy nếu không có sự chuẩn bị cho tương lai thì sự sụp đổ chỉ mang lại một tình trạng tồi tệ hơn mà thôi. Những tổ chức không có tư tưởng chính trị, nếu thành công thì họ chỉ có thể dẫn đất nước đi vào đêm đen. Tuy nhiên, họ cũng như người chưa học võ mà đã thượng đài đòi tỉ thí, thua là chắc chắn. Chưa học kỹ đã đi thi thì chỉ có trượt.
Một giải pháp cho đất nước chỉ có thể xuất hiện và hình thành bởi các tổ chức chính trị thực thụ. Ngoài việc đưa ra một giải pháp thì tổ chức còn có chức năng hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng, cho họ một niềm tin vào chiến thắng. Bất cứ một đám đông nào cũng cần những người lãnh đạo nếu không sự phản kháng của họ chỉ là đập phá trong tuyệt vọng. Một tổ chức được hậu thuẫn của quần chúng sẽ buộc chính quyền cộng sản ngồi vào bàn đàm phán để chuyển hóa đất nước về dân chủ. Mọi sự thay đổi sẽ diễn ra trong hòa bình và trật tự. Sẽ không ai bị trừng phạt vì những gì đã làm trong quá khứ, mọi khiếu nại của người dân sẽ được một tòa án độc lập thụ xét và giải quyết dựa trên tinh thần hòa giải dân tộc. Nhà nước sẽ nghiêm cấm trả thù dưới mọi hình thức. Các cuộc chuyển hóa về dân chủ trong hòa bình với tinh thần hòa giải dân tộc tại các nước Đông Âu là một ví dụ.
Không có kinh thì không thể có đạo. Điều này không chỉ đúng với các tổ chức chính trị mà còn đúng ngay cả với các tổ chức "xã hội dân sự", là các tổ chức chỉ có một mục tiêu cụ thể nào đó như làm từ thiện hay bảo vệ môi trường. Rất nhiều tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã không thể tồn tại và phát triển, ngoài việc bị chính quyền đàn áp thì lý do chính là giữa họ đã nảy sinh bất đồng sau một thời gian ngắn cùng làm việc với nhau, không ai chịu ai và ai cũng cho là mình đúng, cuối cùng là giải tán. Chị Nguyễn Thúy Hạnh phải làm từ thiện một mình thì quĩ 50K mới tồn tại được cho đến lúc chị bị bắt.
Việc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn tồn tại và phát triển gần 40 năm qua là một kỳ tích của người Việt Nam.
Việc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn tồn tại và phát triển gần 40 năm qua là một "kỳ tích" của người Việt Nam. Bao nhiêu tổ chức đã ra đời và biến mất để rồi chỉ còn lại hai tổ chức như hiện nay là Việt Tân và Tập Hợp.
Người Việt Nam hiểu biết rất sơ sài về chính trị, kể cả tầng lớp trí thức. Họ không chịu học hỏi mà chỉ hành động theo bản năng. Bản năng đó lại bị văn hóa Khổng giáo (đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người) chi phối. Người Việt Nam tụt hậu rất xa về chính trị so với thế giới. Chúng ta thừa trí thức khoa bảng nhưng thiếu hoàn toàn trí thức chính trị. Việc không ít nhà báo, luật sư, giáo sư, tiến sĩ trong và ngoài nước cuồng Trump đến mê muội là một ví dụ.
Trong tương lai, một số nhân sĩ sẽ có ý định thành lập các tổ chức chính trị mới, điều đó là cần thiết và rất tốt nhưng việc đầu tiên họ phải làm là suy nghĩ và viết ra một dự án chính trị cho tổ chức mình. Không có tư tưởng chính trị thì không thể có tổ chức chính trị. Đảng cộng sản sau 75 năm cầm quyền tuyệt đối với mọi nguồn lực của đất nước mà vẫn đang đứng trước nguy cơ sụp đổ vì tư tưởng chính trị Mác- Lê nin đã hết thời mà họ vẫn không nghĩ ra được cái gì mới. Ông Nguyễn Phú Trọng phải tự lừa dối mình và người dân bằng việc hứa "đến năm 2045 Việt Nam sẽ có hệ thống lý luận hoàn chỉnh về chủ nghĩa xã hội".
Đảng cộng sản kém cỏi và thất bại trong mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế... đến ngoại giao, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức là một ví dụ nhưng họ vẫn còn đó và vẫn cầm quyền vì trước mặt họ không có một đối thủ nào.
Thế giới đang thay đổi, nếu Việt Nam không có các tổ chức chính trị đối lập hùng mạnh thì đất nước sẽ rơi vào tay các nhà tài phiệt khi chế độ cộng sản cáo chung. Rất nhiều nhân sĩ sẵn sàng tung hô và phò trợ cho các nhà tài phiệt vì quyền lợi của bản thân. Khi đó đất nước sẽ chuyển hóa từ chế độ độc tài đảng trị sang một nhà nước maphia kiểu mới như nước Nga của Putin. Tương lai sẽ rất đen tối.
Trí thức Việt Nam cần chấm dứt việc bao biện và né tránh trách nhiệm bằng cách cho rằng phải khai dân trí trước. Sự lên tiếng của họ dù đúng nhưng không phải quá cần thiết nếu không muốn nói là thừa. Cái mà đất nước đang cần là một giải pháp chứ không phải những lời chỉ trích chế độ. Một giải pháp cho đất nước chỉ có thể đến từ các tổ chức chính trị chứ không đến từ các cá nhân.
Mọi vấn nạn tại Việt Nam chỉ có thể giải quyết khi đất nước có dân chủ, khai dân trí cũng vậy. Dân chủ hóa đất nước cũng là để giải phóng cho trí thức Việt Nam. Nhà nước dân chủ trong tương lai sẽ tôn trọng trí thức và đặt họ vào đúng chỗ của họ. Trí thức sẽ được trọng dụng và được tham chính, họ phải có tiếng nói trong các vấn đề hệ trọng của đất nước, nhất là trong những lĩnh vực thuộc về chuyên môn của họ.
Việt Hoàng
(21/04/2021)
Bạn ghét cộng sản, bạn muốn xóa bỏ chế độ độc tài đảng trị, rồi sau đó thì sao ? Bạn đã tìm được một hình thái xã hội nào để thay thế chưa ? Nếu chưa, bạn nghĩ chỉ cần không có cộng sản thì xã hội sẽ tự nhiên tốt đẹp lên ?
Một vài người lãnh đạo cộng sản thường nói, Việt Nam mà chuyển sang dân chủ ắt sẽ loạn, điều đó cũng không hoàn toàn sai ! Cái loạn thứ nhất đó là sự trả thù của những người là nạn nhân trực tiếp của chế độ, cái loạn thứ hai là sẽ có rất nhiều "sứ quân" nổi lên vì không ai nhường ai, không ai hợp tác với ai. Trong gần một thế kỷ cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam, Đảng cộng sản đã đàn áp, tiêu diệt hầu hết những tiếng nói phản kháng, các tổ chức đối lập, cho nên đến thời điểm hiện tại theo tôi biết thì chưa có một tổ chức nào có lực lượng đủ mạnh để làm đối trọng ngang hàng với đảng cộng sản.
Cho dù sự bất mãn, bất bình, phẫn nộ trong dân chúng là rất lớn nhưng vẫn chỉ là những cảm xúc cá nhân. Những người khẳng khái thì bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, còn người có chút e dè thì chỉ dám nói ngoài đời trong một nhóm nhỏ nào đó thôi ! Nhìn chung tôi thấy có một điểm chung đó là mọi người hay chỉ trích cái tồi dở, tệ hại của chính quyền cộng sản mà không ai nêu ra được giải pháp để thay thế nó ! Trong cuộc sống, nếu bạn đã cho cái này là sai thì ít ra bạn cũng phải chỉ ra thế nào mới đúng chứ ?
Lên án và chỉ trích Đảng cộng sản là đúng nhưng chưa đủ.
Tôi là người thức tỉnh rất muộn, chỉ mới hơn một năm nay thôi, ban đầu tôi cũng đã rất tức giận khi biết được chân tướng của những sự việc mà phía những người cộng sản đã cố tình tuyên truyền dối trá để lường gạt người dân thơ ngây, lương thiện ! Tôi phẫn nộ bởi vì họ đã đánh cắp niềm tin của tôi trong một thời gian dài tới hơn 50 năm. Nửa thế kỷ là hơn 2/3 cuộc đời rồi chứ ít ỏi gì sao ?
Sau một thời gian chê bai, bài xích thì tôi đã giác ngộ ra rằng, mình không cần phải "nói xấu" họ thêm nữa, bởi vì người thấy họ xấu thì đã thấy trước mình, còn người không muốn thấy thì dù cho mình có nói bao nhiêu thì họ vẫn nhắm mắt bịt tai bởi bản chất cố chấp. Những người có tâm địa nhỏ hẹp thì không thể suy nghĩ, nhận xét được đâu là đúng đâu là sai, đâu là phải đâu là trái, họ không có khả năng tiếp thu được điều hay điều tốt, cái mới, cái tiến bộ !
Còn phía nhà cầm quyền họ đã quá chai lì nên cho dù bạn có chê bai, khinh bỉ họ như thế nào thì họ vẫn cứ nhơn nhơn vậy thôi, mặt khác họ để cho bạn chửi cũng là một chiêu trò của họ đó, khi bạn chửi rủa họ, bạn hả hê coi như xả được sự bức xúc thế là xong, họ chẳng có gì phải dè chừng, lo sợ vì mục đích của bạn chỉ có thế !
Cho nên, nếu bạn là người thực sự có lòng yêu Quê hương, yêu Tổ quốc, yêu Đồng bào, biết lo nghĩ cho Vận mệnh của Non sông, Đất nước thì phải biết nhìn xa trông rộng hơn một tí, đó là tìm kiếm một giải pháp khác dựa trên những giá trị tốt đẹp để thay thế cho chế độ cộng sản vừa lỗi thời, vừa tàn bạo này ! Không cần phải chứng minh rằng họ sai trái nữa, cũng đừng trông mong họ cải tổ hay thay đổi gì gì đó nếu cứ giữ nguyên sự cai trị độc đảng như hiện giờ ! Hãy tìm giải pháp chứ không cần tố cáo cái xấu của họ nữa, với tôi như thế là đã đủ ! Trong bước đường "đi tìm chân lý" tôi đã may mắn bắt gặp cuốn Dự án chính trị : "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai" !
Phải nói là tôi đã thật sự xúc động và bị cuốn hút khi đọc ngay từ những trang đầu ! Nó phá tan định kiến của tôi rằng những tài liệu chính trị là đều khô khan, đều mang quan điểm lập trường của một giai cấp nào đó ! Lần đầu tiên trong đời tôi được tiếp cận với một "Tư tưởng chính trị" đầy nhân văn, nhân bản, mang tính xã hội hóa toàn diện, ở chỗ, ai cũng có thể đọc, hiểu và áp dụng, kể cả những người cầm quyền cộng sản, nếu họ muốn chuyển đổi sang chế độ dân chủ.
Trong bước đường "đi tìm chân lý", tôi đã may mắn bắt gặp cuốn Dự án chính trị : "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai" !
Dự án Chính trị "Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai" là tập hợp những phương thức để xây dựng một thể chế xã hội trong tương lai cho đất nước Việt Nam. Một hướng đi tốt nhất, ưu việt, văn minh, tiến bộ nhất do những người có trình độ nhận thức vượt trội, có cái nhìn viễn kiến sâu xa, vừa có tâm vừa có tầm chung tay viết nên!
Trong chỉ gần 200 trang sách, những vấn đề lớn của quốc gia đã được nêu lên và giải quyết với đầy đủ 4 yếu tố giống như Tứ Diệu đế của Đức Phật : Khổ - Tập - Diệt - Đạo. Bốn yếu tố đó trong Dự án này chính là : Sự bất hạnh của đất nước và con người Việt Nam - Nguyên nhân và nguồn gốc - Kỷ nguyên mới trong tương lai - Hướng đi và phương thức để xây dựng !
Nội dung của Dự án cũng chứa đựng đầy đủ 3 yếu tố nền tảng căn bản của mọi vấn đề theo triết lý Phật giáo, đó là Đạo Đức – Trí Tuệ - Từ Bi. (Tôi hay liên hệ đến Phật giáo vì là một Phật tử, bạn đọc thông cảm !).
Đạo đức là không kích động, sử dụng bạo lực, không gây thêm chia rẽ, hận thù mà chủ trương là kêu gọi hòa giải và hòa hợp dân tộc, một vấn nạn do lịch sử để lại. Hòa giải và hòa hợp mọi thành phần, mọi sắc tộc, mọi đảng phái, mọi vùng miền trong cộng đồng người Việt Nam trong nước lẫn ở nước ngoài là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách nhất trong tiến trình xây dựng một nền dân chủ hoàn toàn mới mẻ cho đất nước ! Xóa bỏ hận thù bằng cách phục hồi danh dự cho nạn nhân cũ mà không tạo ra những nạn nhân mới, do đó sẽ không có việc chính quyền dân chủ mới trả thù tàn bạo những người cộng sản như cách họ đã từng làm trước kia đối với những người lính Việt Nam Cộng Hòa thua cuộc !
Trí tuệ là biết rút ra kinh nghiệm từ những bài học của các nước dân chủ tiến bộ trên thế giới để định hình một thể chế tốt nhất, thích hợp nhất cho đất nước Việt Nam trong tương lai.
Từ bi là bao dung, chấp nhận mọi sự khác biệt trong xã hội, không nhân danh một giai cấp này để khinh miệt và triệt hạ một giai cấp khác. Là gắn kết mọi người trong cùng đất nước chung tay chung sức xây dựng một tương lai chung. Một phương thức xã hội trong đó mọi người đều bình đẳng, đều có chỗ đứng phù hợp với năng lực, nguyện vọng của mình, không ai ở trên ai, cũng không ai phải ở dưới ai! Đó chính là xã hội dân chủ đa nguyên, một khái niệm mà tôi cũng mới vừa biết đến, nó là một tương lai tốt đẹp mà đất nước ta, nhân dân ta cần hướng đến và nhất định phải đi đến! Cho dù đời tôi có thể chưa đạt được nhưng vì tương lai của những thế hệ mai sau tôi sẽ cố gắng góp phần lan tỏa những giá trị tiến bộ này đến mọi người, hy vọng các bạn sẽ đọc để mở mang sự nhận thức về tình trạng của Đất nước và hướng đi cho Dân tộc Việt Nam thân yêu của chúng ta !
Xóa bỏ chế độ cộng sản mới chỉ là đi được 1/3 đoạn đường đến xã hội văn minh tiến bộ. Để xây dựng thành công chế độ Dân chủ còn cần phải làm một cuộc cách mạng lớn nữa, đó chính là thay đổi tư duy nhận thức, thay đổi tâm lý và văn hóa của đa số người Việt bằng tri thức và trí tuệ! Nó bắt đầu bằng việc thay đổi cách nghĩ và cách làm của chúng ta trên mạng xã hội, thay vì chỉ chăm chăm đả kích nhà cầm quyền thì chúng ta nên ủng hộ và chia sẻ những giá trị tốt đẹp để hướng tới tương lai !
Đã có những con người ưu tú vạch ra một con đường mới, khai mở ra kỷ nguyên thứ hai cho dân tộc. Đó chắc chắn sẽ là trang sử tốt đẹp nhất trong lịch sử nước nhà, vấn đề còn lại là tôi và bạn có muốn đi đến đó hay không mà thôi !
Hương Phạm
(23/02/2021)
Năm 2020 (Canh Tý) đã khép lại, năm mới 2021 (Tân Sửu) đã tới, thay mặt anh chị em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) xin được gửi lời Chúc Mừng Năm Mới đến toàn thể đồng bào người Việt Nam trên khắp thế giới. Chúc tất cả mọi người một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Năm 2020 có nhiều sự kiện xảy ra trên thế giới. Sự kiện lớn nhất trong năm qua đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và tình cảm trong mỗi gia đình người Việt là đại dịch Covid-19. Đại dịch này có thể sẽ bị khống chế vào mùa Thu năm nay, khi đa số mọi người được tiêm vắc-xin. Dù vậy thì sự suy thoái kinh tế toàn cầu do Covid-19 gây ra vẫn còn tiếp diễn và ảnh hưởng đến mọi quốc gia và với mọi người trong đó có cả người Việt Nam chúng ta.
Có thể phải mất vài năm, thậm chí hàng chục năm thì kinh tế thế giới mới có thể trở lại bình thường so với trước đại dịch. Bất kể thế nào thì thế giới cũng sẽ thay đổi sâu sắc sau khi đại dịch kết thúc. Nhiều công việc sẽ thay đổi hoặc suy thoái mạnh như các ngành nghề kinh doanh truyền thống hay làm việc tập trung tại các văn phòng (office) để nhường chỗ cho các giao dịch và kết nối trực tuyến thông qua mạng internet. Một kỷ nguyên mới đang mở ra cho nhân loại đó là cách làm việc và giao tiếp bằng điện tử.
Một kỷ nguyên mới đang mở ra cho nhân loại đó là cách làm việc và giao tiếp bằng điện tử.
Một sự kiện quan trọng nữa trong năm qua là hiện tượng Donald Trump và bầu cử Mỹ 2020. Phong trào dân chủ Việt Nam trong nước đã phân hóa và chia rẽ rất lớn thành hai khuynh hướng, một bên phản đối Trump và một bên ủng hộ Trump vô điều kiện. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức chính trị đã lấy một thái độ đúng đối với Donald Trump nhờ vào sự viễn kiến và sáng suốt của Ban lãnh đạo Tập Hợp nói chung và ông Nguyễn Gia Kiểng nói riêng. Tập Hợp đã mất đi nhiều thân hữu nhưng ngược lại nhờ sự thái độ dứt khoát và lập trường rõ ràng với các giá trị của dân chủ mà nhiều thân hữu mới đã tìm đến với tổ chức.
Như truyền thống tranh đấu của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên suốt bao năm qua, chúng tôi ưu tiên và tập trung cho việc giành thắng lợi dứt khoát trên lĩnh vực tư tưởng và lý luận thông qua các kênh truyền thông của tổ chức. Trang website Thông Luận, Blog Thông Luận và trang Fanpage của Tập Hợp đã hoàn thành khá tốt công việc của mình. Truyền thông của Tập Hợp không chỉ là cơ quan ngôn luận của tổ chức mà còn là của cả phong trào dân chủ Việt Nam. Tất cả các tổ chức khác, phần lớn, đều rã rượi và im tiếng. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên gần như là tổ chức chính trị đứng đắn còn quan tâm đến đất nước, có suy tư, có lý luận, có tổ chức, có tư tưởng và nhất là có giải pháp cho đất nước.
Có ý kiến cho rằng Tập Hợp "nói nhiều", điều đó hoàn toàn đúng nhưng chúng tôi thấy vẫn chưa đủ. Nếu chúng tôi đã nói đủ và được người dân Việt Nam ủng hộ thì đã không có những người Việt Nam tham gia vào các "tổ chức chống cộng" nhảm nhí như "Triều đại Việt" hay phường chèo như của Đào Minh Quân để rồi phải nhận những bản án tù nặng nề. Nếu chúng tôi nói đủ và được người dân Việt Nam chia sẻ thì đã không có hiện tượng "cuồng Trump" đến mù quáng để rồi nhiều gia đình tan vỡ và đã không có những người Việt tại Mỹ xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1/2021 để rồi rơi vào vòng lao lý. Nếu chúng tôi nói đủ và được trí thức Việt Nam lắng nghe thì phong trào dân chủ Việt Nam đã trưởng thành và có được một tầm vóc lớn, có thể làm đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam.
Dự án chính trị Dân chủ đa nguyên là giải pháp của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
39 năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn là địa chỉ tin cậy để cung cấp những kiến thức căn bản về chính trị và đấu tranh chính trị cho người Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi chưa thuyết phục được trí thức Việt Nam vì đụng phải bức tường văn hóa rất kiên cố do lịch sử hàng ngàn năm để lại. Người Việt Nam vẫn cho rằng đấu tranh chính trị không cần lý thuyết mà chỉ cần hành động. Người Việt Nam vẫn cho rằng chính trị là việc riêng của các tổ chức và đảng phái chứ không phải là việc chung của tất cả mọi người. Người Việt Nam vẫn quan niệm rằng chính trị là thủ đoạn và gian trá để nhằm chiếm đoạt chính quyền và rồi ai chiến thắng cũng giống nhau…
Tập Hợp khai mở một cái nhìn khác về chính trị và đấu tranh chính trị. Với chúng tôi, chính trị là việc chung của tất cả mọi người. Tập Hợp chỉ là phương tiện để dân chủ hóa đất nước chứ không phải là cứu cánh. Có nghĩa là chúng tôi không định giành chính quyền cho riêng tổ chức mình mà là để mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên của dân chủ và tự do. Tập Hợp khẳng định rằng, đấu tranh chính trị chỉ có ý nghĩa khi nó tôn trọng sự thật và lẽ phải. Chính trị không có chỗ cho những người dối trá, thủ đoạn và vô đạo đức vì chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong xã hội. Theo quan điểm của Tập Hợp thì trong đấu tranh chính trị thì lời nói là tất cả, nhất là khi chúng ta đã lựa chọn phương pháp đấu tranh bất bạo động. Vấn đề quan trọng là nói cái gì và nói như thế nào. Một tổ chức chính trị không có gì để nói hay nói nhảm nhí là một tổ chức đã chết.
Sự phân hóa của phong trào dân chủ Việt Nam cho thấy rằng, một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và đồng thuận nếu các thành viên cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị được cụ thể hóa bằng một dự án chính trị. Qua bao thăng trầm của thời gian, sự phản bội và cả sự chống phá… Tập Hợp vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Dù chúng tôi chưa phải là tổ chức thật sự hùng mạnh và có tầm vóc nhưng ít ra cũng là một tổ chức… có tổ chức, có đội ngũ, có nhiều thân hữu, có giải pháp cho đất nước, có sự kế thừa của giới trẻ, các thành viên có kiến thức về chính trị, có truyện thuyết và có cả… những giấc mơ.
Năm 2021 sẽ là một năm thuận lợi cho phong trào dân chủ Việt Nam và cả Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Một mặt, sau sự kiện Donald Trump những người chia sẻ lý tưởng dân chủ thật sự sẽ có sự đồng cảm và sẽ tìm đến với nhau. Mặt khác Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã hoàn toàn bế tắc, Đại hội Đảng 13 đã kết thúc, việc ông Nguyễn Phú Trọng, dù tuổi cao sức yếu vẫn tiếp tục được giữ lại làm Tổng bí thư nhiệm kỳ 3 là một minh chứng rõ ràng cho sự cạn kiệt về tư tưởng và nhân sự trong đảng cộng sản. Các khuôn mặt lãnh đạo cao cấp đều cũ kỹ, mờ nhạt và không có gì nổi bật.
Một nét đậm của tình hình Việt Nam là sự li dị dứt khoát giữa người dân Việt Nam và Đảng cộng sản. Không ai còn quan tâm đến đại hội 13 và không có ai còn lên tiếng góp ý cho họ. Đảng cộng sản đã được nhìn nhận như là một đội quân chiếm đóng người bản xứ. Họ không còn xem mình là một thành phần của dân tộc Việt Nam. Sự kiện này rất quan trọng mà ngay cả ban lãnh đạo đảng cộng sản cũng chưa chắc đã ý thức được sự nghiêm trọng của nó. Càng ngày Đảng cộng sản sẽ nhận ra một điều quan trọng mà Tập Hợp đã nói rất nhiều lần rằng một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và đồng thuận dựa trên một tư tưởng chính trị. Đảng cộng sản sẽ sụp đổ không phải do các thế lực thù địch từ bên ngoài chống phá mà họ sẽ sụp đổ vì đấu đá và tranh giành từ bên trong.
Tập Hợp là một tổ chức chính trị của người Việt Nam, chúng tôi cũng giống như một nhân viên trong một công ty mà ban lãnh đạo là toàn thể người dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng làm thật tốt phần việc của mình như xây dựng một đội ngũ nhân sự có khả năng và kiến thức về chính trị, đưa ra một dự án chính trị như là một giải pháp cho đất nước, thuyết phục và giải thích cho người dân mọi thắc mắc về giải pháp đó... Việc có chọn Tập Hợp làm giải pháp thay thế cho Đảng cộng sản hay không là việc của người dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ không kêu gọi biểu tình hay "phất cờ khởi nghĩa" khi chưa được đa số người dân Việt Nam ủng hộ và yêu cầu.
Xin nhắc lại một nhận định của anh em Tập Hợp là Đảng cộng sản không mạnh như nhiều người tưởng. Sỡ dĩ họ vẫn tiếp tục tồn tại là vì phong trào dân chủ Việt Nam quá yếu. Dù vậy thì Làn sóng dân chủ thứ tư vẫn đang tiếp tục trào dâng trên khắp thế giới sau khi bị khựng lại bởi chủ nghĩa dân túy. Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ quét đi những chế độ độc tài còn sót lại trên thế giới. Trung Quốc, một cường quốc độc tài đang phải đối đầu với cả làn sóng chống đối từ các nước dân chủ, nhất là sau khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ. Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn chưa từng có.
Anh em Tập Hợp tin rằng Việt Nam nhất định sẽ thay đổi và người dân Việt Nam sẽ có một tương lai khác, xứng đáng hơn rất nhiều so với hiện nay.
Việt Hoàng
(12/02/2021)
Không khó để nhận ra chúng ta đang có một cuộc nội chiến không tiếng súng trên không gian mạng xoay quanh hiện tượng Donald Trump. Người Việt đã chia rẽ, mạt sát nhau, thù ghét nhau chỉ vì sự khác biệt quan điểm về nhân vật Donald Trump. Cuộc nội chiến không tiếng súng này đang tới giai đoạn cuối và có nhiều triển vọng là sẽ kết thúc sau ngày 20/1/2021. Đây là lúc chúng ta cần hòa giải với nhau để hàn gắn những đổ vỡ do hiện tượng Donald Trump gây ra, cũng là để tránh những đổ vỡ có thể còn lớn hơn sau những xung đột như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Đây là lúc chúng ta cần hòa giải với nhau để hàn gắn những đổ vỡ do hiện tượng Donald Trump gây ra
Tuy vậy những thảo luận xung quanh vấn đề Hòa giải dân tộc cho thấy chúng ta vẫn chưa thực sự có cùng một cách nhìn về tinh thần này, vậy nhân đây tác giả xin đưa ra một vài ý kiến để hâm nóng lại cuộc thảo luận về Hòa giải dân tộc. Thiết nghĩ đó là điều rất cần thiết, bởi dân tộc ta rất cần tinh thần này, không chỉ xoay quanh mỗi hiện tượng Doanld Trump.
Hòa giải dân tộc là gì ?
Trước hết chúng ta cần thống nhất về các khái niệm. Hòa giải dân tộc là xóa bỏ những hận thù và hiềm khích trong quá khứ, với mục đích là để đi đến hòa hợp dân tộc, tức là tiến tới tình trạng người Việt tin tưởng và quý mến nhau trong cố gắng xây dựng một tương lai chung.
Đối tượng Hòa giải ?
Hòa giải là một vấn đề tình cảm giữa người và người, nên đối tượng Hòa giải ở đây là những người Việt Nam với nhau. Trong sự kiện Donald Trump là giữa những người Việt Nam ủng hộ nhiệt thành cho Trump và những người chống Trump ; trong những mâu thuẫn về tôn giáo là giữa những người Công giáo và những người Phật giáo, hay không tôn giáo ; trong những xung đột liên quan tới vấn đề sắc tộc là giữa những người Kinh và những người thuộc các sắc tộc thiểu số ; hay là giữa những người cộng sản và những người Việt Nam khác trong cuộc nội chiến 1945-1975 và thời gian sau đó.
Phải nhìn rõ đối tượng Hòa giải ở đây là "người cộng sản" chứ không phải "đảng cộng sản" hay "chế độ cộng sản". Nhiều người phản đối lập trường Hòa giải dân tộc mà Tập Hơn Dân Chủ Đa Nguyên đề xuất vì họ đồng hóa các khái niệm này với nhau, nhưng thực ra chúng rất khác nhau, vấn đề Hòa giải với "đảng cộng sản" hay "chế độ cộng sản" không đặt ra, giữa các tổ chức dù thân tình lắm thì cũng chỉ có thỏa hiệp hay hợp tác. Đảng cộng sản sẽ tan vỡ nhanh chóng sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, nhưng những người cộng sản vẫn còn đó, và trước hết họ cũng là những người Việt Nam.
Động cơ để Hòa giải ?
Hòa giải không phải là một giá trị được coi trọng trong suốt dòng lịch sử của đất nước ta, thế nên trong văn hóa và tâm lý của chúng ta "Hòa giải" khó hơn là "không hòa giải". Nhưng tại sao chúng ta lại phải vượt lên trên di sản văn hóa và lịch sử này ? Lý do, nếu không Hòa giải chúng ta sẽ không có một tương lai nào cả. Một dân tộc mà luôn nhìn nhau như là kẻ thù thay vì là anh em, chỉ nghĩ tới việc hại nhau thay vì giúp nhau, chỉ muốn đẩy nhau xuống thay vì nâng nhau lên, thì dân tộc đó sẽ không bao giờ vươn lên nổi.
Chúng ta đang là một dân tộc như vậy, đó là di sản của những cuộc nội chiến trong quá khứ, 50 năm trước chúng ta cầm súng để sát hại lẫn nhau, 50 năm sau, súng đã không còn nhưng tinh thần "hại nhau" thì vẫn ở đó và vẫn hiện diện rất rõ trong xã hội Việt Nam, trong mọi lĩnh vực, cũng như trong mọi mối quan hệ. Di sản của 400 năm nội chiến "huynh đệ tương tàn" vẫn hiện diện rất rõ rệt trong mỗi con người Việt Nam. Chừng nào chúng ta chưa đoạn tuyệt với tinh thần này, chưa thực sự Hòa giải với nhau, chúng ta sẽ không thể vươn lên nổi.
Như vậy động cơ của Hòa giải chính là lòng yêu nước, chúng ta phải hòa giải với nhau nếu chúng ta muốn đất nước vươn lên hay nếu chúng ta có một tham vọng, một mơ ước nào đó cho đất nước. Gần đây có người đã lấy vấn đề Hòa giải giữa một đôi vợ chồng đã ly dị ra để so sánh với chủ trương Hòa giải dân tộc của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, và kết luận là rất khó Hòa giải. Điều này có một phần đúng. Động cơ của Hòa giải là để tiến tới hòa hợp, để cùng xây dựng một tương lai chung với nhau. Khi chấp nhận để gia đình tan vỡ (ly dị) thì rất khó Hòa giải vì không còn động cơ để Hòa giải nữa. Với đất nước cũng vậy, nếu đã chấp nhận đất nước tan vỡ, tụt hậu, chia rẽ, thù hận nhau thì chúng ta không còn động cơ để Hòa giải.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẵn sàng Hòa giải với những "người cộng sản" nhưng không bao giờ hòa giải với "chủ nghĩa cộng sản" và "đảng cộng sản"…
Chắc chắn không người Việt Nam nào muốn một tương lai như vậy cho đất nước. Hơn nữa vợ chồng li dị vẫn có thể lấy người khác còn với đất nước thì chúng ta không thể thích là li dị. Chỉ có một phần rất nhỏ có khả năng ra nước ngoài định cư còn đại đa số người dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục chung sống với nhau. Hòa giải để chung sống là điều bắt buộc, gần như là không có lựa chọn khác.
Hòa giải không đứng cao hơn lẽ phải
Dù là một giá trị đúng và rất đáng được tôn vinh trong sinh hoạt xã hội nhưng Hòa giải không đứng cao hơn lẽ phải. Hòa giải đứng dưới lẽ phải và cũng chỉ có ý nghĩa nếu đặt nền tảng trên lẽ phải. Thí dụ như vấn đề Hòa giải với những người cộng sản, chúng ta không thù hận hay ghét bỏ gì họ, chúng ta vẫn coi họ là những người Việt Nam, là những đồng bào của chúng ta, nhưng chúng ta vẫn phải nói một cách thành thật và ôn hòa rằng chủ nghĩa cộng sản là sai và đảng cộng sản là một đại họa cho đất nước.
Còn nếu vì một lý do gì đó mà chúng ta đặt Hòa giải lên trên lẽ phải, chấp nhận cả những sai trái để tránh làm mất lòng một số người, thì nó chỉ dẫn tới hệ quả là một phía vẫn huênh hoang đắc thắng và phía còn lại thì tức tối tủi hờn, đó không phải là Hòa giải thực sự, hơn nữa hành động đó cũng là tiếp tay đánh lừa người đối diện với mình. Lẽ phải luôn cần được nói lên, điều chúng ta cần làm là nói lên lẽ phải một cách thẳng thắn, ôn hòa và thân thiện.
Donald Trump và vấn đề Hòa giải ?
Nếu nhìn kỹ thì những đổ vỡ xoay quanh nhân vật Donald Trump chúng ta có thể nhận thấy rằng chúng không phải do những khác biệt về quan điểm mà là bởi cách chúng ta ứng xử với những khác biệt đó. Sẽ chẳng có đổ vỡ nào nếu chúng ta ứng xử với những khác biệt về quan điểm bằng những buổi thảo luận ôn hòa, thân thiện với một trái tim nóng và một cái đầu nguội.
Sự kiện chúng ta ứng xử với những khác biệt quan điểm bằng cách tạo ra một cuộc nội chiến (bằng lời) cho thấy cách suy nghĩ, hành động và ứng xử, tức là văn hóa chính trị của chúng ta vẫn chưa thay đổi bao nhiêu sau gần nửa thế kỷ kể từ cuộc nội chiến Quốc - Cộng. Thời gian đã không chữa lành vết thương của cuộc nội chiến vì đã không có Hòa giải dân tộc sau ngày 30/4/1975. Chúng ta có muốn tinh thần nội chiến này tiếp tục hay không? Chúng ta có muốn một cuộc nội chiến mới trong tương lai hay không? Nếu không, hãy đưa bàn tay của mình ra.
Những đổ vỡ xoay quanh nhân vật Donald Trump không phải do những khác biệt về quan điểm mà là bởi cách chúng ta ứng xử với những khác biệt đó.
Cái bắt tay phải xuất phát từ cả hai phía
Cái khó của Hòa giải là nó phải xuất phát từ cả hai bên, như cái bắt tay phải xuất phát từ cả hai phía. Tuy nhiên trong suốt dòng lịch sử của chúng ta, mỗi khi kết thúc một cuộc xung đột hay chiến tranh thì cả hai phía đều chưa từng nghĩ tới việc đưa bàn tay của mình ra. Thực hiện được Hòa giải dân tộc vì vậy là điều rất khó trong bối cảnh văn hóa và tâm lý của chúng ta.
Nhưng dù sao cũng đã đến lúc phải thay đổi, điều chúng ta có thể làm là đưa bàn tay của mình ra, sẵn sàng bắt lấy bàn tay của những người Việt Nam khác ngay cả khi họ không đưa bàn tay của họ ra. Chúng ta không có lý do gì thù hận hay ghét bỏ gì họ bởi vì họ vẫn là đồng bào, là những người anh em Việt Nam của chúng ta. Dù muốn hay không, dù có bất đồng chính kiến đến đâu đi nữa thì chúng ta vẫn cứ phải tiếp tục chung sống với nhau. Hãy luôn nghĩ về điều đó trước khi gây gỗ với người khác.
Trần Hùng
(14/12/2020)
Sau khi Nhật bắt tay với Pháp đàn áp phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng và trục xuất những du học sinh khỏi Nhật, thay vì bỏ cuộc, hàng loạt các du học sinh Việt Nam vẫn tiếp tục con đường cứu nước của mình, người thì qua Trung Quốc, Thái Lan tham gia vào những tổ chức chủ trương cách mạng bạo động để cứu nước, rồi bị mật thám của Pháp bắt cóc và thủ tiêu, người thì về Việt Nam kích động và tham gia vào những cuộc nổi dậy tại quê nhà, nhưng tất cả đều bị Pháp đàn áp một cách dã man. Đó là con đường mà Hoàng Hùng, Đặng Tư Mân, Lương Ngọc Quyến, Đàm Kỳ Sinh, Hoàng Trọng Mậu và rất nhiều những thanh niên thế hệ của họ đã đi. Tinh thần này tiếp tục được tiếp nối bởi Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và rất nhiều những anh hùng khác trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó cũng là tinh thần chung của các lực lượng quốc gia trong cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ cho đất nước cách đây gần một thế kỷ.
Xã hội dân sự Việt Nam đang cởi trói và mạnh lên trong khi lý tưởng cộng sản của bộ máy cai trị ngày càng thu nhỏ và yếu đi. Ảnh minh họa những bàn tay giơ cao của những dân tộc bị áp bức đòi tự do dân chủ
Những con người tham gia vào cuộc đấu tranh này là những con người đáng quý nhất của một dân tộc, thay vì chọn con đường công danh cho mình, họ đã chọn tham gia vào cuộc đấu tranh cho đất nước, dù biết sẽ phải trả giá đắt. Họ có thừa sự dũng cảm và nhiệt huyết, họ sẵn sàng chết cho đất nước và nhiều người thực sự đã chết cho đất nước. Nhưng họ đã thất bại. Tại sao ? Nếu sự dũng cảm và nhiệt huyết không đủ, thì cái gì mới là yếu tố quyết định thành công của một cuộc cách mạng ? Câu trả lời có lẽ là tư tưởng chính trị.
Tư tưởng chính trị
Các cuộc cách mạng, xét cho cùng, cũng có mục đích là đưa xã hội tiến tới một trình độ phát triển mới. Và yếu tố quyết định làm nên bước tiến của một xã hội chính là tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị là khái niệm đặt ra để trả lời câu hỏi một quốc gia nên được tổ chức và sinh hoạt như thế nào. Nó là yếu tố quyết định sức sống của một quốc gia hay một phong trào, một chế độ chính trị. Nhận định này cho phép chúng ta nhìn rõ tình trạng hiện nay của đất nước và của chế độ cộng sản.
Nhiều người cho rằng chế độ cộng sản Việt Nam cũng như Trung Quốc đã mạnh lên nhiều nhờ những tiến bộ vượt bậc về kinh tế. Nhưng không. Sức mạnh của một chế độ độc tài không đến từ những con số tăng trưởng kinh tế mà đến từ khả năng duy trì được quyền lực tuyệt đối của mình lên xã hội, và khả năng này đến từ tư tưởng nền tảng của chế độ.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, xã hội Việt Nam vẫn còn rất yếu, ngay cả những nhu cầu tối thiểu nhất vẫn còn chưa được thoả mãn, những kết hợp dân sự và chính trị đều đã bị nghiền nát bởi chính sách đàn áp của đảng cộng sản. Trong khi đó bộ máy cai trị lại rất mạnh và gắn kết nhờ sự cuồng tín vào lý tưởng cộng sản. Những tội ác đẫm máu như Cải Cách Ruộng Đất cũng không thể làm lung lay được chế độ vì nó được thực hiện nhân danh một lý tưởng quảng đại mà nhiều đảng viên và người dân đều tin là đúng. Một bộ máy cai trị mạnh chỉ phải đối đầu với một xã hội còn rất yếu đã giúp chế độ cộng sản dễ dàng khống chế được cả xã hội miền Bắc, rồi tấn công miền Nam, và áp đặt ách cai trị lên toàn bộ đất nước.
Tình hình ngày nay đã khác hẳn. Xã hội Việt Nam đã mạnh lên nhiều, và sẽ tiếp tục mạnh lên, nhờ sự cải thiện về mức sống, sự tiến bộ về công nghệ và truyền thông, sự gia tăng của thương mại và du lịch, nhiều đòi hỏi, suy tư mới đã xuất hiện. Trong khi đó bộ máy cai trị lại yếu đi nhiều, và ngày một yếu thêm, do các đảng viên đã mất hết niềm tin vào lý tưởng cộng sản, thay vì đoàn kết với nhau trong một lý tưởng chung thì các đảng viên lại quay ra tiêu diệt lẫn nhau để tranh giành quyền lợi và quyền lực. Tương quan sức mạnh giữa bộ máy cai trị và xã hội Việt Nam đã thay đổi hẳn và ngày một nghiêng dần về phía xã hội, tới một lúc nào đó nó sẽ nghiêng hẳn về phía xã hội và sự thay đổi chắc chắn sẽ đến. Vấn đề chỉ là khi nào và như thế nào. Trong chiều sâu, chính việc lý tưởng cộng sản mất hết nội dung đã là nguyên nhân đưa chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đi tới đoạn cuối của tiến trình sụp đổ.
Những bước tiến đầu tiên
Nhưng không chỉ thế, tư tưởng chính trị cũng là yếu tố quyết định sự tiến hoá của một dân tộc. Những bước tiến về tư tưởng chính trị đầu tiên của dân tộc ta có lẽ bắt đầu từ thời Đường (Trung Quốc). Với ảnh hưởng của Phật Giáo, thời Đường được xem là triều đại thịnh vượng nhất của Trung Hoa với sự lên ngôi của hội họa và thi ca. Theo các nhà sử học đây cũng là thời kỳ áp lực hán hoá mạnh nhất, với bộ máy cai trị được tăng cường tới tận các cấp cơ sở, những người di cư từ phương bắc xuống nhiều hơn, kéo theo sự phát triển của giáo dục và văn hoá, mang theo một khối lượng đồ sộ những từ ngữ và khái niệm dùng để chuyên chở tư tưởng và các ý niệm trừu tượng vào tiếng Việt.
Ngày nay phần lớn các từ ngữ chính trị của chúng ta là từ Hán Việt, như là di sản của thời kỳ này. Chính sự xuất hiện của các từ ngữ chính trị trong tiếng Việt cùng với những ý niệm mà chúng chuyên chở đã mang lại cho những kết hợp chính trị một nội dung, một khả năng tổ chức, thu hút và động viên mới, giúp những kết hợp chính trị này đủ sức mạnh để đương đầu với những cuộc xâm lăng mới từ phương bắc. Không thể xây dựng ra những kết hợp chính trị nếu không có ngôn ngữ chính trị. Bước tiến đầu tiên về mặt tư tưởng chính trị này, dù chỉ mới ở mức độ sơ khai, kết hợp với những điều kiện có sẵn về địa lý và nhân văn đã đưa lịch sử Việt Nam rẽ vào một khúc quanh mới, từ sau thời Đường, các triều đại của Trung Quốc không còn khả năng để tái lập ách đô hộ tại Việt Nam nữa.
Tuy vậy, ngay sau khi đạt được bước tiến đầu tiên, chúng ta lại dẫm chân tại chỗ trong gần 1000 năm tiếp theo về tư tưởng chính trị, kéo theo đó, đương nhiên, là sự trì trệ của xã hội, sự thay đổi tiếp theo chỉ tới khi chúng ta tiếp xúc với phương Tây. Tại sao ? Có hai nguyên nhân.
Trước hết là do khoảng cách phát triển giữa xã hội Việt Nam và nền văn minh Trung Hoa mà chúng ta hấp thụ. Trước khi tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa, chúng ta mới chỉ phát triển ở một trình độ rất thấp. Một thí dụ là chúng ta vẫn chưa có chữ viết - phương tiện để truyền thông, thống kê, ghi chép và lưu trữ - điều kiện bắt buộc phải có để xây dựng nên những kết hợp của rất nhiều người trên một khu vực rộng lớn như chính quyền hay quốc gia. Có lẽ khi đó chúng ta chỉ mới đạt tới trình độ bộ tộc, có mọi khả năng Văn Lang và Âu Lạc chỉ là liên minh giữa các bộ tộc. Trong khi đó nền văn minh Trung Hoa đã phát triển đầy đủ cả về ngôn ngữ, chữ viết, cũng như cách tổ chức xã hội, tư tưởng chính trị đã đủ mạnh để đặt nền tảng cho một bộ máy cai trị có thể bao phủ trên một khu vực rất rộng lớn từ vùng Hoa Bắc tới miền Bắc Việt Nam, nền văn minh Trung Hoa đã đi trước chúng ta hàng ngàn năm. Chúng ta đã chỉ có khả năng tổ chức ra các chính quyền sau khi du nhập chữ viết và tư tưởng chính trị từ phương bắc.
Với tổ tiên ta lúc đó, nền văn minh Trung Hoa là bước nhảy vọt quá lớn, tới gần 1000 năm sau ông cha ta cũng không thể tiêu hoá nổi bước nhảy vọt này. Một thí dụ là vào thế kỷ 19, sau gần 1000 năm độc lập, nhưng lịch sử được giảng dạy trong các trường học vào đầu thời Nguyễn không phải là sử Việt Nam mà là sử Tàu. Trong chiếu Cần Vương, một văn bản kêu gọi người Việt đứng lên chống ngoại xâm, nhưng lại viết bằng chữ Hán thay vì chữ Nôm vốn đã rất thịnh hành vào thời kỳ đó, trong văn bản này, Hàm Nghi cũng hoàn toàn không nhắc tới những anh hùng dân tộc đã có công chống ngoại xâm như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi hay Nguyễn Trãi mà chỉ nhắc tới những nhân vật và điển tích bên Tàu, thời Chu, thời Đường. Sự việc tầng lớp tinh hoa nhất của xã hội Việt Nam học và say mê sử Tàu, bỏ quên sử Việt, cho thấy tinh thần dân tộc của chúng ta rất thấp, nếu không muốn nói là không có gì. Không có gì bất ngờ khi nhà Nguyễn nhanh chóng sụp đổ trước đội quân vài ngàn người của Pháp. Giới trí thức ngày nay vẫn chưa chứng tỏ mình đã đoạn tuyệt được với di sản này. Lòng yêu nước và ý niệm quốc gia vẫn là những khái niệm quá mới.
Một lý do khác xuất phát từ chính nền văn minh Trung Hoa (Khổng giáo) mà chúng ta hấp thụ. Khổng giáo là một nền văn hoá nô lệ, nó nô lệ hoá tầng lớp sĩ - tầng lớp có học nhất của xã hội (1). Những tiến bộ về tư tưởng chính trị chỉ có thể xuất phát từ tầng lớp có khả năng nhất trong xã hội, và như thế, một khi tầng lớp này bị vô hiệu hoá thì đương nhiên xã hội không thể tiến hoá thêm. Nhưng không chỉ thế, Khổng giáo là gì ? Nó là kết tinh của nền văn minh phù sa hình thành trên hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử. Nền văn minh nền tảng của Việt Nam là gì ? Cũng là nền văn minh phù sa hình thành cùng với con đê sông Hồng. Chính vì thế mà Khổng giáo đã rất dễ dàng du nhập cũng như ăn sâu bám rễ vào xã hội Việt Nam, những dấu ấn của nền văn minh phù sa lên xã hội như sự bạo ngược, sự thủ cựu, thiển cận, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm cũng là những giá trị được đề cao trong Khổng giáo. Không chỉ nô lệ hoá tầng lớp sĩ, Khổng giáo kết hợp với di sản của nền văn minh phù sa đã nô lệ hoá cả xã hội Việt Nam.
Điều này giải thích tại sao những dấu ấn của Khổng giáo lên xã hội Việt Nam lại mạnh mẽ như vậy, cho tới ngày này, sự hiện diện của nó vẫn rất rõ, nhất là tại khu vực nông thôn. Nhận định này cũng giải thích tại sao các nước Đông Á, dù cũng tiếp xúc nhiều với nền văn minh Trung Hoa nhưng lại không bị ảnh hưởng bởi Khổng giáo nặng như Việt Nam, và đã tiến bộ nhanh hơn Việt Nam, vì nền văn hoá nền tảng của họ không phải là nền văn minh phù sa. Một thí dụ là Mông Cổ, với nền văn hoá nền tảng là văn hoá du mục, vốn mang tích chất phóng khoáng hơn nhiều nền văn minh phù sa, nên dù bị ảnh hưởng nhiều bởi Trung Quốc, Khổng giáo cũng không thể bén rễ sâu vào xã hội của họ, ngày nay Mông Cổ là một nước dân chủ, dù bị kẹp giữa bởi hai quốc gia độc tài khổng lồ. Với sự bện chặt giữa nền văn minh phù sa và Khổng giáo khiến xã hội Việt Nam không tiến hoá nổi, cho tới đầu thế kỷ 20, sau hơn 1000 năm kể từ bước tiến về tư tưởng chính trị đầu tiên, chúng ta không sản sinh ra nổi một nhà tư tưởng chính trị nào.
Văn minh phù sa-lúa nước cộng với Khổng giáo đã giam hãm tư tưởng của dân tộc ta suốt chiều dài lịch sử.
Sự thất bại của các lực lượng quốc gia trước và trong Cách Mạng Tháng Tám
Với sự thiếu hụt về tư tưởng quốc gia như vậy, sự thất bại của các lực lượng quốc gia vào đầu thế kỷ 20 là điều không thể tránh được, dù những con người đã tham gia vào cuộc đấu tranh này có thừa sự dũng cảm và nhiệt huyết. Đó là điều tất yếu của lịch sử, mọi cuộc cách mạng là để đưa xã hội tiến tới một trình độ phát triển mới, và muốn vậy, thì các lực lượng cách mạng phải có tư tưởng chính trị, nếu không, chỉ có thể thất bại. Cũng chính khoảng trống về tư tưởng quốc gia này, cùng với sự yếu kém của tinh thần dân tộc, đã cho phép đảng cộng sản, một lực lượng với tư tưởng xây dựng thế giới đại đồng, phủ nhận vai trò của quốc gia, phát triển rồi tận dụng thời cơ để nắm được chính quyền. Thảm kịch nằm ở chỗ tư tưởng cộng sản không phải là một bước tiến mà là một bước lùi so với chế độ thuộc địa. Bước lùi về tư tưởng chính trị này đã đưa Việt Nam từ một trong những nước có tiềm năng vươn lên nhất thành một nước chậm tiến và tụt hậu nhất.
75 năm sau chúng ta vẫn chưa thoát khỏi bước lùi này. Nguyên nhân được nhiều người giải thích là sự yếu kém, chia rẽ của các lực lượng đối lập, nhưng đó cũng là tình trạng mà các lực lượng quốc gia gặp phải trước và sau Cách Mạng tháng Tám, nó là hệ quả tự nhiên của việc thiếu đồng thuận trên một tư tưởng chính trị, không có đồng thuận thì chia rẽ là hiển nhiên. Chúng ta vẫn chưa giải quyết được chế độ này vì chúng ta vẫn chưa vượt lên trên được cái di sản của lịch sử đã đưa chúng ta tới ngày hôm nay.
Bước nhảy vọt tiếp theo về tư tưởng chính trị
May mắn hơn những thế hệ đầu thế kỷ 20 - nhập cuộc mà không có tư tưởng dẫn đường, thế hệ đầu thế kỷ 21 không xuất phát từ con số không. Nhìn thấy nguyên nhân khiến đất nước ta đã phải trải qua hết thảm kịch này tới thảm kịch khác là do sự thiếu hụt về tư tưởng chính trị, thế hệ đi trước đã xây dựng nên một tư tưởng chính trị mới với tham vọng kết hợp những người còn ý chí và niềm tin vào đất nước để thay đổi hướng đi của dân tộc. Tư tưởng chính trị này được trình bày trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, đó là nhiệm vụ là lịch sử của thời đại chúng ta, là bối cảnh thế giới và đất nước cũng như những hi vọng và thử thách, là những giá trị nền tảng và những định hướng lớn cho một nước Việt Nam tương lai, là cách tổ chức xã hội hợp lý cho một nước Việt Nam mới, và chắc chắn không thể thiếu là tiến trình để đánh bại chế độ độc tài và chuyển hoá thành công về dân chủ (2). Với dự án chính trị này chúng ta sẽ không còn phải lần mò trong bóng tối để rồi đi vào tai họa như thế hệ trước đã mắc phải cách đây gần một thế kỷ. Bước nhảy vọt về tư tưởng chính trị này, sớm muộn, cũng dẫn tới một bước tiến lớn cho đất nước.
"Giấc mơ Việt Nam" mới thay thế cho giấc mơ cộng sản (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)
Giấc mơ Việt Nam
Nhìn lại thời kỳ "dựng nghiệp" của Đảng cộng sản cho phép chúng ta rút ra một vài kết luận. Trong khi các lực lượng quốc gia đã gục ngã sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, thì với đảng cộng sản, dù bị đàn áp dã man sau Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, rồi một lần nữa sau Nam Kỳ Khởi Nghĩa 1940, họ vẫn gượng dậy được, để rồi là lực lượng duy nhất trụ vững tới tháng 8/1945, và sau đó chúng ta đều đã rõ. Tại sao ? Đó là vì họ có một lý tưởng, một giấc mơ cộng sản. Chính vì thế mà dù gặp khó khăn hay thất bại nặng nề tới đâu họ vẫn gượng dậy được. Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… những lãnh đạo cao nhất lần lượt bị sát hại nhưng vẫn không thể đánh gục được đảng cộng sản. Một giấc mơ chung đã mang lại cho đảng cộng sản một khả năng động viên ghê gớm. Và chính nó cũng lý giải thích tình trạng rệu rã của đảng cộng sản hiện nay - họ không còn giấc mơ hay lý tưởng chung gì nữa. Vậy thì đã đến lúc chúng ta cần một giấc mơ mới, một giấc mơ chung để động viên người Việt Nam tham gia vào một dự án xây dựng tương lai mới, thay thế cho dự án cộng sản độc hại và đã phá sản. Đó cũng là nội dung của chương cuối trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, một giấc mơ chung để động viên mọi trái tim, mọi khối óc, mọi bàn tay tham gia vào sự nghiệp xây dựng tương lai chung.
"Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.
Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.
Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát" (2).
Với giấc mơ này chúng ta sẽ dân chủ hóa đất nước.
"Rồi chúng ta sẽ thấy đất nước này thay da đổi thịt, rồi chúng ta sẽ thấy dân tộc này vùng dậy chồm tới chinh phục tương lai. Chúng ta sẽ khám phá ra sự mầu nhiệm của những giá trị rất đơn giản như tự do dân chủ, hòa hợp dân tộc. Chúng ta sẽ thấy là một chế độ dân chủ pháp trị thành công ngay cả trong những điều kiện kỹ thuật, văn hóa, xã hội và nhân sự khó khăn vì có khả năng tự điều chỉnh và cải tiến. Đất nước nhất định sẽ đứng dậy, đi tới và tiến lên rất mạnh mẽ" (2).
Trần Hùng
(02/09/2020)
1. Các độc giả có thể tìm hiểu kỹ hơn về Khổng giáo cũng như nền văn minh phù sa trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng.