Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

03/08/2021

Hệ thống Westminster : Mô hình chính trị lý tưởng

Thiên Cầm

I. Nguồn gốc

Hệ thống chính trị Westminster hay còn gọi là Hệ thống Dân chủ Đại nghị Cộng hòa có nguồn gốc từ Anh quốc, nói chính xác hơn là từ cung điện Westminster ở London, Anh. Là nơi Lưỡng viện Quốc hội bao gồm Viện Nguyên lão (sau này là Thượng viện) và Viện Thứ dân (sau này là Hạ viện) nhóm họp. Cung điện Westminster ban đầu là nơi ở của vua nhưng không có vị vua nào ở đó từ thế kỉ XVI mà được nhượng lại cho Lưỡng viện để Quốc hội bàn thảo và quyết định các vấn đề quốc gia.

II. Cách thức hoạt động

Nét nổi bật của hệ thống Westminster là một chuỗi quy trình hoạt động của cơ quan lập pháp. Nó được dùng trong các cơ quan lập pháp cấp quốc gia và ở cấp địa phương thấp hơn ở các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung hiện nay và trước đây. Và trong quốc hội có thể có nghị viện đối lập.

1. Bầu cử

Hạ viện được thành lập thông qua bầu cử các dân biểu vào quốc hội. Thể thức bầu thường là đầu phiếu đa số tương đối (còn gọi là đơn danh một vòng) và một số ứng viên sẽ được chọn ra theo thể thức đại diện tỉ lệ tại khu vực bầu cử. Tại một số nước còn có phương thức bầu cử ưu tiên theo hình thức đánh số ưu tiên vào tên các dân biểu có trong lá phiếu. Hạ viện là viện đại diện cho người dân ở khu vực bầu cử.

Thượng viện được thành lập thông qua bầu cử trực tiếp hoặc không trực tiếp. Thượng viện đại diện cho các khu vực. Trong hệ thống Westminster đã được sửa đổi hiến pháp thì thượng nghị sĩ được chọn bằng thể thức bầu đơn danh một vòng nhưng phải đạt được số phiếu nhất định theo tỉ lệ dân số của khu vực mà người đó đại diện, nếu không ai đạt số phiếu ấn định thì sẽ được bầu bằng hệ thống Phiếu bầu Ưa thích. Thường thì thượng nghị sĩ có nhiệm kì lâu hơn hạ nghị sĩ.

Thủ tướng được quốc hội bầu ra, nắm quyền hành pháp. Khi điều hành quốc gia, thủ tướng lập nội các để đảm bảo việc thực hiện các dự án chính trị. Nội các của thủ tướng có thể chọn từ Thượng viện hoặc Hạ viện và thường chọn người cùng chính đảng, cũng có trường hợp thủ tướng chọn người thuộc những đảng có xu hướng trung dung hoặc đảng đối lập. Thủ tướng là người chịu trách trước quốc hội và nắm quyền hành pháp, thủ tướng có thể bị phế truất bất cứ lúc nào khi có cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện diễn ra.

hethong1

Thủ tướng Anh, Boris Johnson trong một phiên họp tại quốc hội.

Toàn quyền do Nữ hoàng Anh bổ nhiệm để thay mặt nữ hoàng tại các nước thuộc khối thịnh vượng chung Anh. Những nước không có Toàn quyền sẽ bầu tổng thống thông qua cuộc bầu cử được thực hiện bởi các dân biểu và thượng nghị sĩ trung ương. Tổng thống không giữ quyền hành pháp nhưng lại đứng trên cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tổng thống là người "biểu tượng" cho tinh thần đoàn kết quốc gia.

Cơ quan tư pháp hay Pháp viện tối cao được thành lập do Toàn quyền (hoặc tổng thống) tấn phong (bổ nhiệm) từ các luật gia để trở thành các thẩm phán. Toàn quyền tấn phong dựa trên ý kiến đề nghị của Hội đồng Cơ mật Nữ hoàng và ý kiến đã được tham khảo từ thủ tướng đương nhiệm, cũng có ý kiến của phó Toàn quyền, các đại diện Nữ hoàng Anh tham gia. Với nước có tổng thống thì ngoài tổng thống có quyền bổ nhiệm thì còn có chủ tịch quốc hội, chủ tịch Thượng viện chọn ra các bồi thẩm đoàn làm việc trong hệ thống tư pháp.

2. Một chuỗi lập pháp khép kín

Khi một dự luật đang còn phôi thai thì nó sẽ được kiến nghị cho thủ tướng và nội các của vị thủ tướng đó xem xét. Dự luật sẽ không được đưa ra Hạ viện để tranh luận nếu không có sự đồng ý của cả thủ tướng và nội các, nhiều trường hợp dự luật đã được thủ tướng đồng ý nhưng nội các không thông qua thì dự luật đó cũng không được trình ra trước quốc hội.

Dự luật nếu được nội các và thủ tướng đương nhiệm thông qua thì sẽ đem ra Hạ viện để tranh luận, trong quá trình tranh luận thì tự dự luật đó được bổ sung và hoàn thiện và nếu dự luật được Hạ viện thông qua thì nó được đưa lên Thượng viện xem xét.

Dự luật sẽ không được thi hành nếu Thượng viện không thông qua. Tại Thượng viện thì không khí chính đảng thường rất ôn hòa, các thượng nghị sĩ cũng là người có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, thời gian thông qua dự luật cũng không quá khắt khe, do đó Thượng viện thường tỏ ra sáng suốt khi xem xét các dự luật mà Hạ viện đưa lên. Vai trò của Thượng viện rất quan trọng vì nó là viện cuối cùng xét lại các dự luật, nó cho phép các quyết định tại trung ương không bị sai lầm, kìm hãm hoặc bác bỏ các dự luật cực đoan. Thượng viện cũng là viện thứ hai có thể bảo vệ quyền lợi của thiểu số nhân dân và đảm bảo việc phục vụ đa số quần chúng.

Sau khi dự luật được Thượng viện thông qua thì nó sẽ được nhánh hành pháp thi hành và thể hiện qua các đạo luật hành chính và văn bản pháp quy. Các vấn đề về đạo luật nếu bị người dân phản đối thì ngành tư pháp cũng có quyền kiến nghị sửa đổi lên quốc hội.

3. Trách nhiệm và quyền hạn

Trong ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp thì quyền lập pháp là quyền cao nhất và đứng thứ hai là 2 quyền hành pháp và tư pháp. Nhưng nếu căn cứ vào thực tiễn thì quyền hành pháp có tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội, thậm chí là văn hóa thông qua các định chế và đạo luật.

Hệ thống Westminster hoàn toàn không xảy ra tình trạng lạm quyền vì nhánh hành pháp phải được sự ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp của nhánh lập pháp trong quá trình đưa dự luật được thực thi vào xã hội. Sự giám sát của quốc hội trong mọi hành động của thủ tướng đương nhiệm khiến vị thủ lãnh đó buộc phải thực hiện đúng quyền hành pháp và phải thật sự trong sạch trong việc chi tiêu chính phủ.

Dù trên lí thuyết thì quyền lực của thủ tướng có vẻ lớn như có quyền giải tán quốc hội nếu dự luật không được Thượng viện chấp nhận 3 lần, nắm quyền hành pháp chính phủ, được quyền chọn ra bộ trưởng...Nhưng quyền hành thật sự đã bị phân phối ngang bằng với quốc hội, thủ tướng không thể thực hiện quyền hành pháp nếu không có sự đồng thuận của cơ quan lập pháp.

Tổng thống, Toàn quyền hay Nữ hoàng chỉ là nguyên thủ quốc gia, không nắm quyền nào trong 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng vẫn có quyền cố vấn cho các cơ quan chính phủ.

hethong2

Mô hình nghị viện tại Úc.

4. Đảo chính tại chính trường

Thường được nhắc đến bằng cái tên mĩ miều "đảo chánh cung đình", các cuộc đảo chính diễn ra tại quốc hội các nước sử dụng hệ thống Westminster diễn ra không theo nhiệm kì thủ tướng nào cả. Mầm mống đảo chính sẽ xuất hiện khi thủ tướng đương nhiệm không thể kìm hãm đối lập, gây mất lòng tin trong quần chúng và đặc biệt là bất tín nhiệm trước đơn vị bầu cử của mình. Tuổi thọ của mỗi nhiệm kì thủ tướng tại các quốc gia này rất ngắn vì dự án chính trị mà thủ tướng cùng chính đảng của vị đó đưa ra thường phù hợp trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai và khi dự án đó không còn phù hợp mà chính phủ đang nắm quyền không kịp thời thay đổi chính sách thì đảo chánh cung đình sẽ diễn ra.

Đó là phương pháp chữa lửa tạm thời của các chính đảng khi họ nhìn thấy khói trước khi nó trở thành một đám cháy có thể khiến chính đảng đó mất đi đa số ghế ở quốc hội trong các cuộc bầu cử tiếp theo. Theo đó, khi nhận thấy nguy cơ bất tín nhiệm trong quốc hội có khả năng phế truất thủ tướng đương nhiệm bằng những vị thủ lãnh đối lập hoặc độc lập của các chính đảng khác, nội các của thủ tướng đương nhiệm và bộ trưởng ngồi ở hàng ghế trước sẽ thuyết phục những người ngồi ở hàng ghế sau (chưa nắm bộ nào) rằng thủ tướng đương nhiệm không còn khả năng nắm quyền hành pháp, một cuộc bỏ phiếu diễn ra và một vị thủ lãnh mới sẽ thế chân thủ tướng đương nhiệm. Nếu chính đảng của thủ tướng đương nhiệm bế tắc trong việc thay thế thì cơ hội dành cho các đảng đối lập và trung dung.

III. Các nước theo mô hình chính trị Westminster

1. Nhóm nước lấy nguyên mẫu Anh quốc

Canada và Australia và hai nước tiêu biểu trong thể chế Westminster đã lấy nguyên mẫu mô hình Nghị viện từ Anh quốc. Với tư duy linh hoạt, hiến pháp tại hai nước đã được điều chỉnh để phù hợp với thành phần dân cư đa dạng và vùng đất đai rộng lớn cùng khí hậu có phần khác với "mẫu quốc". Canada và Australia được coi là có tiếng nói có trọng lượng trong khối thịnh vượng chung Anh và là hai nước có sự cởi mở chính trường rất cao.

2. Nhóm nước có tổng thống là nguyên thủ quốc gia

Singapore và India là hai nước tiêu biểu của việc dung hòa thể chế Tổng thống và thể chế Đại Nghị Dân Chủ. Có nhiều đánh giá cho rằng sự dung hợp này có tính phức tạp trong môi trường chính trị tại các quốc gia áp dụng. Có nhiều nước cho phép tổng thống nắm một phần quyền hành pháp với thủ tướng, có nước chỉ có thủ tướng nắm quyền hành pháp còn tổng thống chỉ là nguyên thủ quốc gia.

3. Nhóm nước thành công trong chuyển hóa dân chủ

Bước ra từ thế chiến thứ II là những kẻ bại trận: Nhật, Ý, Đức là 3 quốc gia từng là những lò lửa chiến tranh, những trại lính khổng lồ mang đầy hận thù và chủ nghĩa dân túy. Nhờ quyết định đúng đắn trong việc lựa chọn thể chế chính trị mà không đi theo con đường dân chủ kiểu Mỹ mà các quốc gia này đã vực dậy một cách mạnh mẽ trong những năm sau thời chiến và có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế. Tinh thần quốc gia được nâng cao và lòng hận thù đã không còn trong những quốc gia đó.

4. Xu hướng cải tổ chính trị

Tản quyền chính là xu hướng tất yếu mà mọi quốc gia đang hướng tới nhằm đạt được những giá trị dân chủ, cũng như nhân quyền và các vấn đề xã hội khác. Tản quyền không đưa đến sự rối loạn trong bộ máy chính quyền mà nó nâng cao tinh thần trách nhiệm và kỉ luật của các chính quyền địa phương. Tản quyền mang lại sự trong sạch cần có của mỗi cá nhân trong chính trường và những lá phiếu dễ dàng thể hiện thái độ của nhân dân lên chính quyền đương nhiệm.

Tuy nhiên, tản quyền là một chuyện, tổ chức mô hình chính trị là một chuyện khác. Các học giả như Juan Linz, Fred Rígg, Bruce Ackerman, và Robert Dahl cho rằng thể chế đại nghị giúp hạn chế những biến động chính trị dẫn đến sự sụp đổ các chế độ cầm quyền. Họ chỉ ra rằng kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, hai phần ba các nước thế giới thứ ba với chính quyền đại nghị đã chuyển đổi thành công sang dân chủ. Ngược lại, không một nước nào thuộc thế giới thứ ba theo tổng thống chế đã chuyển đổi thành công để trở thành một nền dân chủ mà không xảy ra đảo chính hoặc thay đổi hiến pháp. Theo Bruce Ackerman, có 30 quốc gia đã thử nghiệm hệ thống kiểm tra và cân bằng quyền lực kiểu Mỹ, và "Tất cả những nước này, không có ngoại lệ, đều phải trải qua những cơn ác mộng triền miên". Nhiều nước sau nhiều năm theo thể chế tổng thống cảm thấy khó khăn khi thực hiện chuyển đổi sang thể chế Đại nghị Dân chủ một cách ôn hòa vì thiếu những chính đảng đúng nghĩa và sự suy đồi của đạo đức chính trị là những tảng đá lớn để chuyển hóa mô hình chính trị.

Dân chủ Đại nghị đưa đến sự ổn vững về chính trị tương đối (tuyệt đối là các quốc gia độc tài), sự minh bạch, quyền lực phân đều và những dự án chính trị cho tương lai một đất nước, nó đem đến sự ổn định xã hội một cách hoàn hảo mà bất cứ quốc gia tổng thống chế nào cũng khao khát.

Thiên Cầm

(3/8/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thiên Cầm
Read 1678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)