Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/09/2020

Tư tưởng chính trị có thể làm được những gì ?

Trần Hùng

Sau khi Nhật bắt tay với Pháp đàn áp phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng và trục xuất những du học sinh khỏi Nhật, thay vì bỏ cuộc, hàng loạt các du học sinh Việt Nam vẫn tiếp tục con đường cứu nước của mình, người thì qua Trung Quốc, Thái Lan tham gia vào những tổ chức chủ trương cách mạng bạo động để cứu nước, rồi bị mật thám của Pháp bắt cóc và thủ tiêu, người thì về Việt Nam kích động và tham gia vào những cuộc nổi dậy tại quê nhà, nhưng tất cả đều bị Pháp đàn áp một cách dã man. Đó là con đường mà Hoàng Hùng, Đặng Tư Mân, Lương Ngọc Quyến, Đàm Kỳ Sinh, Hoàng Trọng Mậu và rất nhiều những thanh niên thế hệ của họ đã đi. Tinh thần này tiếp tục được tiếp nối bởi Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và rất nhiều những anh hùng khác trong Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó cũng là tinh thần chung của các lực lượng quốc gia trong cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ cho đất nước cách đây gần một thế kỷ.

xhds1 (2)

Xã hội dân sự Việt Nam đang cởi trói và mạnh lên trong khi lý tưởng cộng sản của bộ máy cai trị ngày càng thu nhỏ và yếu đi. Ảnh minh họa những bàn tay giơ cao của những dân tộc bị áp bức đòi tự do dân chủ 

Những con người tham gia vào cuộc đấu tranh này là những con người đáng quý nhất của một dân tộc, thay vì chọn con đường công danh cho mình, họ đã chọn tham gia vào cuộc đấu tranh cho đất nước, dù biết sẽ phải trả giá đắt. Họ có thừa sự dũng cảm và nhiệt huyết, họ sẵn sàng chết cho đất nước và nhiều người thực sự đã chết cho đất nước. Nhưng họ đã thất bại. Tại sao ? Nếu sự dũng cảm và nhiệt huyết không đủ, thì cái gì mới là yếu tố quyết định thành công của một cuộc cách mạng ? Câu trả lời có lẽ là tư tưởng chính trị. 

Tư tưởng chính trị 

Các cuộc cách mạng, xét cho cùng, cũng có mục đích là đưa xã hội tiến tới một trình độ phát triển mới. Và yếu tố quyết định làm nên bước tiến của một xã hội chính là tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị là khái niệm đặt ra để trả lời câu hỏi một quốc gia nên được tổ chức và sinh hoạt như thế nào. Nó là yếu tố quyết định sức sống của một quốc gia hay một phong trào, một chế độ chính trị. Nhận định này cho phép chúng ta nhìn rõ tình trạng hiện nay của đất nước và của chế độ cộng sản. 

Nhiều người cho rằng chế độ cộng sản Việt Nam cũng như Trung Quốc đã mạnh lên nhiều nhờ những tiến bộ vượt bậc về kinh tế. Nhưng không. Sức mạnh của một chế độ độc tài không đến từ những con số tăng trưởng kinh tế mà đến từ khả năng duy trì được quyền lực tuyệt đối của mình lên xã hội, và khả năng này đến từ tư tưởng nền tảng của chế độ. 

Cách đây hơn nửa thế kỷ, xã hội Việt Nam vẫn còn rất yếu, ngay cả những nhu cầu tối thiểu nhất vẫn còn chưa được thoả mãn, những kết hợp dân sự và chính trị đều đã bị nghiền nát bởi chính sách đàn áp của đảng cộng sản. Trong khi đó bộ máy cai trị lại rất mạnh và gắn kết nhờ sự cuồng tín vào lý tưởng cộng sản. Những tội ác đẫm máu như Cải Cách Ruộng Đất cũng không thể làm lung lay được chế độ vì nó được thực hiện nhân danh một lý tưởng quảng đại mà nhiều đảng viên và người dân đều tin là đúng. Một bộ máy cai trị mạnh chỉ phải đối đầu với một xã hội còn rất yếu đã giúp chế độ cộng sản dễ dàng khống chế được cả xã hội miền Bắc, rồi tấn công miền Nam, và áp đặt ách cai trị lên toàn bộ đất nước. 

Tình hình ngày nay đã khác hẳn. Xã hội Việt Nam đã mạnh lên nhiều, và sẽ tiếp tục mạnh lên, nhờ sự cải thiện về mức sống, sự tiến bộ về công nghệ và truyền thông, sự gia tăng của thương mại và du lịch, nhiều đòi hỏi, suy tư mới đã xuất hiện. Trong khi đó bộ máy cai trị lại yếu đi nhiều, và ngày một yếu thêm, do các đảng viên đã mất hết niềm tin vào lý tưởng cộng sản, thay vì đoàn kết với nhau trong một lý tưởng chung thì các đảng viên lại quay ra tiêu diệt lẫn nhau để tranh giành quyền lợi và quyền lực. Tương quan sức mạnh giữa bộ máy cai trị và xã hội Việt Nam đã thay đổi hẳn và ngày một nghiêng dần về phía xã hội, tới một lúc nào đó nó sẽ nghiêng hẳn về phía xã hội và sự thay đổi chắc chắn sẽ đến. Vấn đề chỉ là khi nào và như thế nào. Trong chiều sâu, chính việc lý tưởng cộng sản mất hết nội dung đã là nguyên nhân đưa chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đi tới đoạn cuối của tiến trình sụp đổ. 

Những bước tiến đầu tiên 

Nhưng không chỉ thế, tư tưởng chính trị cũng là yếu tố quyết định sự tiến hoá của một dân tộc. Những bước tiến về tư tưởng chính trị đầu tiên của dân tộc ta có lẽ bắt đầu từ thời Đường (Trung Quốc). Với ảnh hưởng của Phật Giáo, thời Đường được xem là triều đại thịnh vượng nhất của Trung Hoa với sự lên ngôi của hội họa và thi ca. Theo các nhà sử học đây cũng là thời kỳ áp lực hán hoá mạnh nhất, với bộ máy cai trị được tăng cường tới tận các cấp cơ sở, những người di cư từ phương bắc xuống nhiều hơn, kéo theo sự phát triển của giáo dục và văn hoá, mang theo một khối lượng đồ sộ những từ ngữ và khái niệm dùng để chuyên chở tư tưởng và các ý niệm trừu tượng vào tiếng Việt.

Ngày nay phần lớn các từ ngữ chính trị của chúng ta là từ Hán Việt, như là di sản của thời kỳ này. Chính sự xuất hiện của các từ ngữ chính trị trong tiếng Việt cùng với những ý niệm mà chúng chuyên chở đã mang lại cho những kết hợp chính trị một nội dung, một khả năng tổ chức, thu hút và động viên mới, giúp những kết hợp chính trị này đủ sức mạnh để đương đầu với những cuộc xâm lăng mới từ phương bắc. Không thể xây dựng ra những kết hợp chính trị nếu không có ngôn ngữ chính trị. Bước tiến đầu tiên về mặt tư tưởng chính trị này, dù chỉ mới ở mức độ sơ khai, kết hợp với những điều kiện có sẵn về địa lý và nhân văn đã đưa lịch sử Việt Nam rẽ vào một khúc quanh mới, từ sau thời Đường, các triều đại của Trung Quốc không còn khả năng để tái lập ách đô hộ tại Việt Nam nữa.

Tuy vậy, ngay sau khi đạt được bước tiến đầu tiên, chúng ta lại dẫm chân tại chỗ trong gần 1000 năm tiếp theo về tư tưởng chính trị, kéo theo đó, đương nhiên, là sự trì trệ của xã hội, sự thay đổi tiếp theo chỉ tới khi chúng ta tiếp xúc với phương Tây. Tại sao ? Có hai nguyên nhân. 

Trước hết là do khoảng cách phát triển giữa xã hội Việt Nam và nền văn minh Trung Hoa mà chúng ta hấp thụ. Trước khi tiếp xúc với nền văn minh Trung Hoa, chúng ta mới chỉ phát triển ở một trình độ rất thấp. Một thí dụ là chúng ta vẫn chưa có chữ viết - phương tiện để truyền thông, thống kê, ghi chép và lưu trữ - điều kiện bắt buộc phải có để xây dựng nên những kết hợp của rất nhiều người trên một khu vực rộng lớn như chính quyền hay quốc gia. Có lẽ khi đó chúng ta chỉ mới đạt tới trình độ bộ tộc, có mọi khả năng Văn Lang và Âu Lạc chỉ là liên minh giữa các bộ tộc. Trong khi đó nền văn minh Trung Hoa đã phát triển đầy đủ cả về ngôn ngữ, chữ viết, cũng như cách tổ chức xã hội, tư tưởng chính trị đã đủ mạnh để đặt nền tảng cho một bộ máy cai trị có thể bao phủ trên một khu vực rất rộng lớn từ vùng Hoa Bắc tới miền Bắc Việt Nam, nền văn minh Trung Hoa đã đi trước chúng ta hàng ngàn năm. Chúng ta đã chỉ có khả năng tổ chức ra các chính quyền sau khi du nhập chữ viết và tư tưởng chính trị từ phương bắc. 

Với tổ tiên ta lúc đó, nền văn minh Trung Hoa là bước nhảy vọt quá lớn, tới gần 1000 năm sau ông cha ta cũng không thể tiêu hoá nổi bước nhảy vọt này. Một thí dụ là vào thế kỷ 19, sau gần 1000 năm độc lập, nhưng lịch sử được giảng dạy trong các trường học vào đầu thời Nguyễn không phải là sử Việt Nam mà là sử Tàu. Trong chiếu Cần Vương, một văn bản kêu gọi người Việt đứng lên chống ngoại xâm, nhưng lại viết bằng chữ Hán thay vì chữ Nôm vốn đã rất thịnh hành vào thời kỳ đó, trong văn bản này, Hàm Nghi cũng hoàn toàn không nhắc tới những anh hùng dân tộc đã có công chống ngoại xâm như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi hay Nguyễn Trãi mà chỉ nhắc tới những nhân vật và điển tích bên Tàu, thời Chu, thời Đường. Sự việc tầng lớp tinh hoa nhất của xã hội Việt Nam học và say mê sử Tàu, bỏ quên sử Việt, cho thấy tinh thần dân tộc của chúng ta rất thấp, nếu không muốn nói là không có gì. Không có gì bất ngờ khi nhà Nguyễn nhanh chóng sụp đổ trước đội quân vài ngàn người của Pháp. Giới trí thức ngày nay vẫn chưa chứng tỏ mình đã đoạn tuyệt được với di sản này. Lòng yêu nước và ý niệm quốc gia vẫn là những khái niệm quá mới. 

Một lý do khác xuất phát từ chính nền văn minh Trung Hoa (Khổng giáo) mà chúng ta hấp thụ. Khổng giáo là một nền văn hoá nô lệ, nó nô lệ hoá tầng lớp sĩ - tầng lớp có học nhất của xã hội (1). Những tiến bộ về tư tưởng chính trị chỉ có thể xuất phát từ tầng lớp có khả năng nhất trong xã hội, và như thế, một khi tầng lớp này bị vô hiệu hoá thì đương nhiên xã hội không thể tiến hoá thêm. Nhưng không chỉ thế, Khổng giáo là gì ? Nó là kết tinh của nền văn minh phù sa hình thành trên hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử. Nền văn minh nền tảng của Việt Nam là gì ? Cũng là nền văn minh phù sa hình thành cùng với con đê sông Hồng. Chính vì thế mà Khổng giáo đã rất dễ dàng du nhập cũng như ăn sâu bám rễ vào xã hội Việt Nam, những dấu ấn của nền văn minh phù sa lên xã hội như sự bạo ngược, sự thủ cựu, thiển cận, thiếu sáng kiến và thiếu óc mạo hiểm cũng là những giá trị được đề cao trong Khổng giáo. Không chỉ nô lệ hoá tầng lớp sĩ, Khổng giáo kết hợp với di sản của nền văn minh phù sa đã nô lệ hoá cả xã hội Việt Nam. 

Điều này giải thích tại sao những dấu ấn của Khổng giáo lên xã hội Việt Nam lại mạnh mẽ như vậy, cho tới ngày này, sự hiện diện của nó vẫn rất rõ, nhất là tại khu vực nông thôn. Nhận định này cũng giải thích tại sao các nước Đông Á, dù cũng tiếp xúc nhiều với nền văn minh Trung Hoa nhưng lại không bị ảnh hưởng bởi Khổng giáo nặng như Việt Nam, và đã tiến bộ nhanh hơn Việt Nam, vì nền văn hoá nền tảng của họ không phải là nền văn minh phù sa. Một thí dụ là Mông Cổ, với nền văn hoá nền tảng là văn hoá du mục, vốn mang tích chất phóng khoáng hơn nhiều nền văn minh phù sa, nên dù bị ảnh hưởng nhiều bởi Trung Quốc, Khổng giáo cũng không thể bén rễ sâu vào xã hội của họ, ngày nay Mông Cổ là một nước dân chủ, dù bị kẹp giữa bởi hai quốc gia độc tài khổng lồ. Với sự bện chặt giữa nền văn minh phù sa và Khổng giáo khiến xã hội Việt Nam không tiến hoá nổi, cho tới đầu thế kỷ 20, sau hơn 1000 năm kể từ bước tiến về tư tưởng chính trị đầu tiên, chúng ta không sản sinh ra nổi một nhà tư tưởng chính trị nào. 

xhds2

Văn minh phù sa-lúa nước cộng với Khổng giáo đã giam hãm tư tưởng của dân tộc ta suốt chiều dài lịch sử.

Sự thất bại của các lực lượng quốc gia trước và trong Cách Mạng Tháng Tám

Với sự thiếu hụt về tư tưởng quốc gia như vậy, sự thất bại của các lực lượng quốc gia vào đầu thế kỷ 20 là điều không thể tránh được, dù những con người đã tham gia vào cuộc đấu tranh này có thừa sự dũng cảm và nhiệt huyết. Đó là điều tất yếu của lịch sử, mọi cuộc cách mạng là để đưa xã hội tiến tới một trình độ phát triển mới, và muốn vậy, thì các lực lượng cách mạng phải có tư tưởng chính trị, nếu không, chỉ có thể thất bại. Cũng chính khoảng trống về tư tưởng quốc gia này, cùng với sự yếu kém của tinh thần dân tộc, đã cho phép đảng cộng sản, một lực lượng với tư tưởng xây dựng thế giới đại đồng, phủ nhận vai trò của quốc gia, phát triển rồi tận dụng thời cơ để nắm được chính quyền. Thảm kịch nằm ở chỗ tư tưởng cộng sản không phải là một bước tiến mà là một bước lùi so với chế độ thuộc địa. Bước lùi về tư tưởng chính trị này đã đưa Việt Nam từ một trong những nước có tiềm năng vươn lên nhất thành một nước chậm tiến và tụt hậu nhất. 

75 năm sau chúng ta vẫn chưa thoát khỏi bước lùi này. Nguyên nhân được nhiều người giải thích là sự yếu kém, chia rẽ của các lực lượng đối lập, nhưng đó cũng là tình trạng mà các lực lượng quốc gia gặp phải trước và sau Cách Mạng tháng Tám, nó là hệ quả tự nhiên của việc thiếu đồng thuận trên một tư tưởng chính trị, không có đồng thuận thì chia rẽ là hiển nhiên. Chúng ta vẫn chưa giải quyết được chế độ này vì chúng ta vẫn chưa vượt lên trên được cái di sản của lịch sử đã đưa chúng ta tới ngày hôm nay. 

Bước nhảy vọt tiếp theo về tư tưởng chính trị

May mắn hơn những thế hệ đầu thế kỷ 20 - nhập cuộc mà không có tư tưởng dẫn đường, thế hệ đầu thế kỷ 21 không xuất phát từ con số không. Nhìn thấy nguyên nhân khiến đất nước ta đã phải trải qua hết thảm kịch này tới thảm kịch khác là do sự thiếu hụt về tư tưởng chính trị, thế hệ đi trước đã xây dựng nên một tư tưởng chính trị mới với tham vọng kết hợp những người còn ý chí và niềm tin vào đất nước để thay đổi hướng đi của dân tộc. Tư tưởng chính trị này được trình bày trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, đó là nhiệm vụ là lịch sử của thời đại chúng ta, là bối cảnh thế giới và đất nước cũng như những hi vọng và thử thách, là những giá trị nền tảng và những định hướng lớn cho một nước Việt Nam tương lai, là cách tổ chức xã hội hợp lý cho một nước Việt Nam mới, và chắc chắn không thể thiếu là tiến trình để đánh bại chế độ độc tài và chuyển hoá thành công về dân chủ (2). Với dự án chính trị này chúng ta sẽ không còn phải lần mò trong bóng tối để rồi đi vào tai họa như thế hệ trước đã mắc phải cách đây gần một thế kỷ. Bước nhảy vọt về tư tưởng chính trị này, sớm muộn, cũng dẫn tới một bước tiến lớn cho đất nước. 

xhds3

"Giấc mơ Việt Nam" mới thay thế cho giấc mơ cộng sản (Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai)

Giấc mơ Việt Nam

Nhìn lại thời kỳ "dựng nghiệp" của Đảng cộng sản cho phép chúng ta rút ra một vài kết luận. Trong khi các lực lượng quốc gia đã gục ngã sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, thì với đảng cộng sản, dù bị đàn áp dã man sau Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, rồi một lần nữa sau Nam Kỳ Khởi Nghĩa 1940, họ vẫn gượng dậy được, để rồi là lực lượng duy nhất trụ vững tới tháng 8/1945, và sau đó chúng ta đều đã rõ. Tại sao ? Đó là vì họ có một lý tưởng, một giấc mơ cộng sản. Chính vì thế mà dù gặp khó khăn hay thất bại nặng nề tới đâu họ vẫn gượng dậy được. Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… những lãnh đạo cao nhất lần lượt bị sát hại nhưng vẫn không thể đánh gục được đảng cộng sản. Một giấc mơ chung đã mang lại cho đảng cộng sản một khả năng động viên ghê gớm. Và chính nó cũng lý giải thích tình trạng rệu rã của đảng cộng sản hiện nay - họ không còn giấc mơ hay lý tưởng chung gì nữa. Vậy thì đã đến lúc chúng ta cần một giấc mơ mới, một giấc mơ chung để động viên người Việt Nam tham gia vào một dự án xây dựng tương lai mới, thay thế cho dự án cộng sản độc hại và đã phá sản. Đó cũng là nội dung của chương cuối trong Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, một giấc mơ chung để động viên mọi trái tim, mọi khối óc, mọi bàn tay tham gia vào sự nghiệp xây dựng tương lai chung.

"Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn.

Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát" (2).

Với giấc mơ này chúng ta sẽ dân chủ hóa đất nước.

"Rồi chúng ta sẽ thấy đất nước này thay da đổi thịt, rồi chúng ta sẽ thấy dân tộc này vùng dậy chồm tới chinh phục tương lai. Chúng ta sẽ khám phá ra sự mầu nhiệm của những giá trị rất đơn giản như tự do dân chủ, hòa hợp dân tộc. Chúng ta sẽ thấy là một chế độ dân chủ pháp trị thành công ngay cả trong những điều kiện kỹ thuật, văn hóa, xã hội và nhân sự khó khăn vì có khả năng tự điều chỉnh và cải tiến. Đất nước nhất định sẽ đứng dậy, đi tới và tiến lên rất mạnh mẽ" (2).

Trần Hùng

(02/09/2020)

1. Các độc giả có thể tìm hiểu kỹ hơn về Khổng giáo cũng như nền văn minh phù sa trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của tác giả Nguyễn Gia Kiểng. 

2. Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Hùng
Read 1575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)