Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

08/09/2020

Khác biệt lớn giữa Trump và Biden

Nguyễn Gia Kiểng

Không đầy hai tháng nữa người Mỹ sẽ bầu lại tổng thống. Câu hỏi cần và phải được đặt ra trong lúc này là có gì khác biệt nếu Donald Trump tái đắc cử hay Joe Biden đắc cử ? Câu trả lời là có khác biệt rất lớn cho cả nước Mỹ lẫn thế giới và Việt Nam, nhất là Việt Nam. Đối với nước ta cuộc bầu cử này có thể là một khúc quanh lịch sử lớn.

joe1

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2020 : Donald Trump và Joe Biden - Ảnh minh họa

Trước hết hãy nói sơ qua về chính sách đối nội của hai bên.

Sơ qua thôi vì chúng ta sẽ còn nhiều dịp để thảo luận đề tài này. Một cách tóm lược, đối với Trump những gì ông đã làm trong gần bốn năm qua là tuyệt vời, chỉ cần tiếp tục. More of the same. Biden trái lại có cái nhìn khác hẳn. Ông báo động là sự chênh lệch giầu nghèo quá lớn đang hủy hoại nền dân chủ Mỹ và chính nước Mỹ. Ông chủ trương tăng thuế lợi nhuận của các công ty từ 21% lên 28%, xóa bỏ phần giảm thuế của Donald Trump cho các gia đình có thu nhập trên 400.000 USD mỗi năm. Số thuế thu được thêm sẽ được dùng để bảo đảm chi phí sức khỏe cho người nghèo và nhất là để đầu tư vào giáo dục và đào tạo. Người ta chỉ có thể chia sẻ quan điểm của Joe Biden. Nước Mỹ không thể nào phục hồi ở quy mô lớn những công nghiệp sản xuất kỹ thuật thấp, như hầm mỏ, luyện kim, cơ khí, nhiệt điện than, may mặc v.v. Bằng cớ là Donald Trump đã chẳng tạo thêm được một việc làm nào trong các ngành này ngay cả trước Covid-19. Lý do giản dị là vì các sản phẩm này có thể sản xuất được với chi phí công nhân nhiều lần rẻ hơn tại các nước chưa hoặc đang phát triển. Mỹ không có giải pháp nào khác hơn là sống phù hợp với mức độ giầu có của mình, nghĩa là tập trung vào những công nghiệp kỹ thuật cao như năng lượng sạch, tầu điện cao tốc, kỹ thuật số, mạng 5G, trí khôn nhân tạo, thuốc trị ung thư v.v.

Quan trọng hơn nhiều là về chính sách đối ngoại.

Biden sẽ đảo ngược hẳn chính sách của Trump. Thay vì co cụm lại và gây sự với các đồng minh Biden sẽ cố gắng hòa giải với họ để tăng cường liên minh dân chủ, để có sức mạnh đương đầu với các chế độ độc tài và dân túy. Bài "Tại sao Hoa Kỳ phải lấy lại vai trò lãnh đạo" (Why America must lead again) mà ông viết trên tạp chí Foreign Affairs trình bày cô đọng chiến lược quốc tế mà Biden đã đưa ra trong cuộc tranh cử sơ bộ và trong đại hội Đảng Dân Chủ.

joe2

Cựu Phó Tổng thống và ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2020 Joe Biden - Ảnh minh họa

Biden cam kết nếu đắc cử ông sẽ triệu tập và tiếp đón tại Mỹ ngay trong năm 2021 một Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu vì Dân chủ (Global Summit for Democracy) để thành lập một mặt trận thống nhất bao gồm các đồng minh và các nước bạn của Mỹ để tăng cường dân chủ trên thế giới với một chương trình hành động chung và thẳng thắn đương đầu với các nước chống dân chủ. Hội nghị thượng đỉnh này cũng sẽ có sự tham dự của các tổ chức xã hội dân sự đã từng luôn luôn có mặt tại các tuyến đầu trong cuộc đấu tranh bảo vệ dân chủ và nhân quyền.

Biden nêu đích danh hai nước chính trong số các nước mà ông coi là chống dân chủ : chính quyền Putin tại Nga -mà ông gọi là một chế độ độc tài cướp bóc- và nhất là chế độ cộng sản Trung Quốc mà ông coi là đối thủ chính. Biden khẳng định Hoa Kỳ sẽ sánh vai với các đồng minh dân chủ để áp đặt trật tự thế giới chứ không để cho Nga và Trung Quốc áp đặt luật chơi của họ. Thái độ đối với các chính quyền Tập Cận Bình và Vladimir Putin khó có thể được phát biểu một cách quả quyết và dứt khoát hơn.

Niềm tin của Biden là dân chủ sẽ thắng bởi vì tương quan lực lượng rất thuận lợi. Mỹ, Châu Âu và các đồng minh dân chủ có trọng lượng kinh tế và sức mạnh quân sự áp đảo. Về sức mạnh quân sự, Biden coi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO như là cốt lõi và sẽ còn cần được tăng cường thêm với sự hợp tác của các đồng minh Châu Á. Một cách long trọng, Biden tuyên bố rằng sự gắn bó của Mỹ với NATO là thiêng liêng và không điều kiện. Với kiến thức và kinh nghiệm của ông Biden hiểu rõ điều mà Trump không hiểu là NATO và các căn cứ quân sự khắp nơi của Mỹ trước hết cần cho Mỹ, để duy trì vai trò của đồng đô-la như là đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế. Biden cam kết Mỹ sẽ liên tục giữ chi phí quốc phòng ở mức độ đầy đủ để duy trì sức mạnh quân sự vượt trội. Sức mạnh quân sự này sẽ không được dùng để tấn công Trung Quốc và Nga mà để đương đầu với những hành động bành trướng của họ. Tuy không nói ra Biden đã khẳng định lại chiến lược Ngăn Chặn (Containment) mà nhà chiến lược George Kennan đề xướng ra từ sau Thế Chiến II và đã khiến Liên Xô sụp đổ mà không xảy ra thế chiến. Tóm lại đối với Trung Quốc và Nga chiến lược của Biden là đối đầu quả quyết, không sợ chiến tranh nhưng cũng không chủ động gây chiến, liên tục cô lập va tạo áp lực, rồi chờ đợi sự sụp đổ chắc chắn sẽ đến của các chế độ độc tài này do những mâu thuẫn nội bộ của chúng.

Phải chăng thế giới sẽ đi vào một giai đoạn chiến tranh lạnh mới như Trung Quốc và Nga cảnh báo ? Không, bởi vì một cuộc chiến tranh lạnh như sau Thế Chiến II gồm hai yếu cốt lõi hoàn toàn vắng mặt trong bối cảnh hiện nay. Một là, một cuộc đấu tranh ý thức hệ, trong đó mỗi bên đề cao lý tưởng của mình đồng thời tố giác những khuyết tật của hệ thống đối nghịch. Hai là, những cuộc chiến tranh ủy nhiệm dưới hình thức nội chiến có hỗ trợ từ bên ngoài -thí dụ như cuộc nội chiến Việt Nam trước 1975- trong nhiều quốc gia mà mục đích là lôi kéo từng nước vào một trong hai ý thức hệ đối nghịch. Hiện nay không còn đấu tranh ý thức hệ, Nga chỉ cố tự bào chữa rằng mình cũng là một nước dân chủ, còn Trung Quốc thì tuy vẫn nói cho có lệ là theo chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng hoàn toàn không có ý định truyền bá nó sang một nước nào cả. Cả hai cũng không đỡ đầu và cũng không có tham vọng đỡ đầu cho một cuộc nội chiến nào.

Như vậy cuộc đấu mà Biden chủ trương trên thực tế sẽ chỉ là cuộc đấu một chiều, tương tự như chính sách trừng phạt đối với Triều Tiên hiện nay nhưng ở quy mô lớn hơn. Mỹ và các đồng minh dân chủ sẽ bao vây và cô lập Trung Quốc và Nga đồng thời, với một vài nước ngoan cố vi phạm nhân quyền, sẽ dùng sức mạnh quân sự áp đảo để ngăn chặn những hành động bành trướng khiêu khích như trên Biển Đông của Việt Nam hay trên eo biển Đài Loan. Rồi chờ sự sụp đổ chắc chắn sẽ phải đến của các chế độ độc tài Trung Quốc và Nga.

Chiến lược này có mọi triển vọng sẽ thành công khá sớm. Joe Biden nếu đắc cử sẽ là vị tổng thống Mỹ đầu tiên hiểu biết về thế giới, ông sẽ có sự khiêm tốn và khả năng thuyết phục cần thiết để hòa giải với các đồng minh và tranh thủ sự hợp tác của họ. Cố gắng này sẽ không khó vì Châu Âu, Ấn Độ, Nhật và thế giới nói chung đều đã nhận ra một sự thực là Trung Quốc ngày càng hiện rõ như một đe dọa cho hòa bình và công pháp quốc tế. Mặt khác, cả hai chế độ Trung Quốc của Tập Cận Bình và Nga của Putin đều không mong gì hơn là co cụm lại để cố kéo dài thời gian tồn tại.

Nhưng nếu Donald Trump tái đắc cử thay vì Joe Biden ?

joe3

Tổng thống Donald Trump - Ảnh minh họa

Cho dù hiện nay mọi thăm dò dư luận cũng như mọi phân tích đều dự đoán thắng lợi của Biden nhưng điều gì chưa xẩy ra vẫn có thể không xảy ra. Nếu Donald Trump thắng, sự chống đối toàn cầu đối với Nga và Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tiếp tục mạnh lên nhưng sẽ không đủ để làm hai chế độ này chao đảo vì thiếu sức mạnh hợp tác. Sẽ không có hội nghị thượng đỉnh dân chủ và mặt trận dân chủ thống nhất vì không nước nào muốn hợp tác với Trump. Ông ta không tôn trọng những cam kết và có thể trở mặt một cách rất sỗ sàng. Có thể các cộng sự viên thân cận của Trump đã ít nhiều khuyên bảo được ông là Hoa Kỳ rất cần có những đồng minh, bằng cớ là từ một thời gian gần đây ông không còn khiêu khích nữa, hơn nữa còn để cho ngoại trưởng Mike Pompeo sang tranh thủ sự hợp tác của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng Pompeo đã không thành công vì Trump đã đi quá xa, nhất là đã chứng tỏ có thể trở mặt một cách vừa vô lý vừa bất ngờ. Tóm lại, nếu Trump tái đắc cử thì làn sóng dân chủ thứ tư, dù vẫn liên tục thêm sức mạnh, sẽ phải đợi thêm bốn năm nữa trước có thể khi trào dâng.

Còn Việt Nam sẽ ra sao trong giả thuyết Biden sẽ thắng cử ?

Câu hỏi đầu tiên là liệu Việt Nam có được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu vì Dân chủ không ? Câu trả lời là có xác xuất 90% là CÓ. Chính Biden đã là kiến trúc sư của chiến lược lôi kéo Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và đến gần với Hoa Kỳ. Cũng chính ông là người đã thay mặt tổng thống Obama để mở tiệc khoản đãi phái đoàn Nguyễn Phú Trọng năm 2015 và hân hoan mượn hai câu thơ Kiều :

"Trời còn cho có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời"

để hoan hô một giai đoạn mới trong quan hệ Việt – Mỹ. Biden sẽ cho Đảng cộng sản Việt Nam một cơ hội.

Nhưng Việt Nam có sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh này không ? Câu trả lời dài hơn : chế độ cộng sản Việt Nam trong lòng thực sự không muốn, nhưng có nhiều triển vọng sẽ có mặt. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam dĩ nhiên không muốn phải chịu áp lực quá mạnh để phải cam kết dân chủ hóa nhưng họ cũng không thể từ chối, bởi vì như vậy là tương đương với xác nhận đứng ngoài cuộc chơi chung và sẽ mất một phần quan trọng các thị trường lớn cũng như nhiều dự án đầu tư, điều mà họ không dám vì chế độ quá lệ thuộc vào ngoại thương và đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, đứng ngoài là rất vô lý bởi vì Trung Quốc không còn là một chỗ dựa. Họ không có khả năng và cũng không muốn là một chỗ dựa cho Việt Nam nữa. Họ chỉ còn muốn lấn chiếm thôi. Nếu đứng ngoài liên minh các nước dân chủ -dù vì không được mời hay từ chối tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu vì Dân chủ- Việt Nam vừa mất những phần thị trường và cơ hội lớn vừa là mồi ngon cho những hành động lấn chiếm của Bắc Kinh. Như vậy có nhiều triển vọng Việt Nam sẽ có mặt trong hội nghị thượng đỉnh này.

joe4

Từ chối hội nhập vào thế giới dân chủ không tránh cho Đảng cộng sản khỏi bị đào thải mà chỉ chuốc lấy một sự đào thải thảm khốc hơn. Ảnh minh họa 

Có nhiều triển vọng nhưng không hoàn toàn chắc chắn bởi vì Đảng cộng sản không đặt quyền lợi đất nước lên trên hết. Đối với họ sự tồn tại của Đảng quan trọng hơn sự sống còn của Đất nước và họ biết rằng tham dự hội nghị thượng đỉnh này, với sự gia nhập tự nhiên sau đó vào một mặt trận dân chủ toàn cầu, tương đương với chấp nhận từ bỏ chế độ toàn trị. Nhưng điều mà họ không hiểu là họ không có chọn lựa nào khác vì đàng nào đảng của họ cũng không có tương lai. Từ chối hội nhập vào thế giới dân chủ không tránh cho Đảng cộng sản khỏi bị đào thải mà chỉ chuốc lấy một sự đào thải thảm khốc hơn. Vấn đề của họ chỉ giản dị là rời bỏ trong những điều kiện đỡ xấu nhất trên một con tầu sắp chìm.

Đất nước rất có thể sắp đi vào một khúc quanh lịch sử. Điều này hình như nhiều người chưa hiểu và vẫn chỉ cãi cọ ồn ào về nhân vật Donald Trump.

Nguyễn Gia Kiểng

(08/09/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 4030 times

1 comment

  • Comment Link Sophie Marsh vendredi, 11 septembre 2020 00:13 posted by Sophie Marsh

    Không cần phải nói nhiều, chỉ nhìn vào thực tế: Joe Biden đa hơn 40 năm làm chánh trị, vậy ông đã làm được những gì cho đất nước? Hay chỉ lo làm giàu cho gia đình và thằng con trai, bị tông ra khỏi quân đội vì có máu xì ke? Hồ sơ tham nhủng vụ Ukran của cha con Biden chưa được xét xử. Thử hỏi ông ta có xứng đáng làm tổng thống của chúng ta không?

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)