Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 8 lịch sử. Cách đây 75 năm, ngày 19/8/1945 Cách mạng tháng 8 thành công và ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Đất nước ta chính thức rơi vào tai họa cộng sản từ đó đến giờ.
Đã có rất nhiều nghiên cứu của người Việt về biến cố lịch sử trọng đại này nhưng có lẽ các bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng về Cách mạng tháng 8 là công phu và rõ ràng nhất. Không ai có thể biết chính xác những gì đã xảy ra trong những ngày đầy biến động đó. Các biến cố quốc tế xảy ra dồn dập, 7/5 Đức đầu hàng, 6/8 Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki, 15/8 Nhật đầu hàng đồng minh. Trong nước thì ngày 7/8 chính quyền Trần Trọng Kim đã tan rã vì không còn nhận được được sự ủng hộ của Nhật. Việt Nam trong tình trạng hoàn toàn vô chính phủ. Với khoảng trống quyền lực đó, Việt minh, tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, một tổ chức nhỏ chưa ai biết đến trước đó, chỉ với 2.000 người đã giành được chính quyền một cách dễ dàng.
Chính phủ Trần Trọng Kim không phải là một chính đảng mà chỉ là một nhóm nhân sĩ kết hợp vội vã nên tan vỡ là đương nhiên.
Chiến thắng của Việt minh được giải thích với nhiều lý do. Theo anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) thì lý do quan trọng nhất là vào thời điểm đó người Việt không hề có tư tưởng chính trị và bất cứ một dự án chính trị nào cho đất nước. Các đảng phải chính trị Việt Nam đều ‘hữu danh vô thực’. Việt Nam Quốc Dân Đảng là tổ chức chính trị lớn nhất, kiên cường nhất nhưng vì không có tư tưởng chính trị nên sau khi đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các lãnh đạo (13 người) bị thực dân Pháp xử tử ở Yên Bái (1930) thì đảng gần như tan rã. Trí thức Việt Nam thay vì thức tỉnh sau biến cố đau thương đó thì lại đắm chìm vào thơ văn trữ tình, lãng mạn…Ngày hôm nay đất nước cũng đang đứng trước tình hình đầy biến động như hồi năm 1945 nhưng người dân nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của tư tưởng chính trị để chuẩn bị cho một cuộc đổi đời sắp xảy ra.
Cho đến gần đây phong trào dân chủ Việt Nam chỉ còn các tiếng nói cá nhân chứ không có tiếng nói của các tổ chức chính trị. Tập Hợp là một trong những số rất ít các tổ chức chính trị còn hoạt động. Tập Hợp cũng là tổ chức gần như duy nhất chú trọng đến tư tưởng chính trị và một dự án chính trị cho đất nước. Chúng tôi cho rằng một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và gắn bó được các thành viên với nhau xung quanh một tư tưởng chính trị. Nhờ thế Tập Hợp vẫn tồn tại và tiếp tục tiến về phía trước một cách vững chắc. Tập Hợp cũng là tổ chức chính trị cung cấp cho người dân Việt Nam các khái niệm và kiến thức căn bản về chính trị và các hoạt động chính trị.
Thế nào là chính trị : Chính trị là cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức trong sinh hoạt xã hội đồng thời nâng cao trình độ tinh thần và vật chất cho người dân. Chính trị trả lời cho hai câu hỏi : Phải sống, hành động như thế nào để có hạnh phúc và thế nào là một cuộc sống xứng đáng. Chính trị và đạo đức là một. Chính trị là đạo đức trên qui mô quốc gia và đạo đức là chính trị trên qui mô cá nhân vì thế chính trị không thể gian trá.
Tư tưởng chính trị là toàn bộ những suy nghĩ về các vấn đề chính trị của quốc gia cũng như quốc tế. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì : "Tư tưởng chính trị là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về các vấn đề liên quan đến phương thức tổ chức xã hội", như : Thế nào là một quốc gia lành mạnh ? Cứu cánh của nhà nước là gì ? Nhà nước có vai trò gì ? Nhà nước quan trọng hơn hay cá nhân quan trọng hơn ? Quyền hạn của nhà nước phải dừng lại ở chỗ nào để tự do cá nhân có thể bắt đầu ? Có thể kiểm soát hoạt động kinh tế tới mức độ nào mà không triệt tiêu những quyền tự do chính trị ? Một đại biểu quốc hội có quyền bầu theo lập trường mà mình nghĩ là có lợi cho cử tri hay phải bầu cho điều mà mình nghĩ rằng đa số cử tri muốn ? Những mầm mống chia rẽ trong dân tộc xuất hiện như thế nào và phải được giải quyết ra sao ? v.v.
Trên những câu hỏi này người ta chỉ có thể suy nghĩ nghiêm chỉnh nếu có kiến thức chính trị vững vàng. Kiến thức chính trị bao gồm : Những kiến thức cơ bản về luật, nhất là luật hiến pháp ; những nghiên cứu về các thể chế chính trị đã và đang được thử nghiệm ; địa lý và lịch sử nước mình cũng như thế giới ; những kiến thức khá vững chắc về kinh tế, tài chính, công nghiệp, xã hội học, v.v. Sự hiểu biết về địa lý và lịch sử đặc biệt quan trọng cho một người hoạt động chính trị. Có thể tóm tắt chính trị là chuyên môn tổng hợp của mọi chuyên môn, là kiến thức tổng hợp của mọi kiến thức.
Triết gia Aristotle với câu nói nổi tiếng : "Con người là một sinh vật chính trị".
Tập Hợp cho rằng tư tưởng chính trị là rất quan trọng đối với một tổ chức cũng như với đất nước. Tai họa cộng sản mà chúng ta mắc phải hồi năm 1945 là vì chúng ta đã thiếu vắng hoàn toàn về mặt tư tưởng chính trị.
Tư tưởng chính trị không hề cao siêu, trừu tượng hay vô ích như chúng ta tưởng mà chúng rất giản dị, gần gũi và quan trọng đối với các tổ chức chính trị cũng như với mỗi quốc gia. Chương 4, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai viết:
"Thời đại của các chủ nghĩa và ý thức hệ đã chấm dứt. Từ nay không còn những chân lý không thể đặt lại. Tuy vậy, một tập hợp chính trị trong mỗi giai đoạn vẫn cần đồng thuận trên một số nhận định nền tảng.
Giữa những thay đổi dồn dập đòi hỏi những chính sách và biện pháp đa dạng và phức tạp để thích nghi với tình thế, mọi người cần nắm vững những chọn lựa nền tảng, nghĩa là những gì không thay đổi và giải thích cái tại sao của các biện pháp và chính sách. Đó là điều kiện để đất nước không mất phương hướng và để người dân có thể hiểu và đóng góp một cách có ý thức vào sinh hoạt quốc gia. Chúng ta là một dân tộc đông đảo và phải đương đầu với rất nhiều vấn đề trầm trọng, gai góc và khẩn cấp, công việc của chúng ta chắc chắn là rất phức tạp. Chính sự phức tạp đó đòi hỏi các tổ chức chính trị phải minh định những chọn lựa có tính chủ thuyết, chủ thuyết được hiểu theo nghĩa không phải là chủ nghĩa hay ý thức hệ, cũng không phải là những học thuyết với cấu trúc lý luận phức tạp, mà là những ý kiến đơn giản được coi là đúng và được lấy làm căn bản cho các chính sách và biện pháp trong một giai đoạn khá dài".
(Chương 4 : Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ)
Có ý kiến cho rằng Tập Hợp làm "chính trị salon" vì chỉ thấy "lý thuyết suông" chứ không thấy có các hành động cụ thể. Thật sự không phải như vậy. Người Việt Nam chưa hiểu rằng, con người chỉ có thể đoàn kết và chia sẻ bởi một "hư cấu" chứ không phải trên những vấn đề cụ thể. Các tôn giáo là hư cấu, các chủ nghĩa và tư tưởng là hư cấu, tiền bạc và cổ phiếu cũng là hư cấu. Ví dụ, chúng ta có thể đem một xấp giấy (gọi là tiền) để đổi lấy mọi thứ như nhà cửa, xe cộ, vật dụng cần thiết… Hư cấu cũng có cái xấu cái tốt, cái hay cái dở, cái thiện cái ác. Chủ nghĩa cộng sản và phát xít là hư cấu nhưng đã được thực tế chứng mình là sai lầm và độc hại nên bị tẩy chay. Các tôn giáo hay những giấc mơ như "giấc mơ Mỹ", "giấc mơ Việt Nam" là những hư cấu đẹp và hướng thiện nên chúng được tìm kiếm và hướng tới. Ông Nguyễn Gia Kiểng từng chia sẻ với anh em Tập Hợp rằng : "Chính các nhà tư tưởng chính trị mới là những người dẫn dắt và lãnh đạo thực sự thế giới này, còn các chính phủ hay các ông/bà thủ tướng, tổng thống cũng chỉ là người thừa hành, thực thi mà thôi".
Sai lầm lớn là cho rằng chỉ có thể đoàn kết trên những công việc và hành động cụ thể. Sự tan vỡ của Nhà xuất bản Tự Do của Đoan Trang là một ví dụ. Đây chỉ là một tổ chức thuộc xã hội dân sự với sự kết hợp của vài người và cùng hướng đến một mục tiêu rất cụ thể là "in sách". Chúng tôi không biết gì về nội bộ họ nên không có ý kiến gì về chuyện đổ vỡ đó mà chỉ muốn chia sẻ một điều là "xây dựng và gìn giữ một tổ chức là rất khó khăn".
Đảng cộng sản Việt Nam giành được chính quyền năm 1945 là nhờ họ chia sẻ một hư cấu là chủ nghĩa cộng sản với hứa hẹn mang lại công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Thực tế đã chứng mình chủ nghĩa cộng sản là sai, nhảm nhí và là tội ác chống lại nhân loại. Đảng cộng sản đã hoàn toàn bế tắc về mặt tư tưởng và lý luận dẫn đến hệ quả là họ không còn bất cứ dự án hay giải pháp nào cho đất nước. Sở dĩ dù họ đã thất bại hoàn toàn nhưng vẫn còn tồn tại được vì trước mặt họ là một khoảng trống của đối lập dân chủ. Đất nước không thể vô chính phủ dù chỉ một ngày vì rất nguy hiểm. Một nhóm khủng bố hay dân túy nào đó có thể cướp chính quyền và dựng nên một chính quyền mới, còn tệ hại hơn cả chế độ cộng sản.
Thiếu vắng tư tưởng chính trị nên Việt Nam đã rơi vào tai họa cộng sản từ năm 1945…
Phong trào dân chủ Việt Nam cũng rơi vào bế tắc không khác gì các đảng phái quốc gia hồi năm 1945 vì sự thiếu vắng tư tưởng chính trị. Ngoài chuyện lên án và chỉ trích chính quyền cộng sản thì phong trào đối lập không có một giải pháp nào cho đất nước. Hậu quả là lòng người ly tán, đạo đức xã hội suy đồi, tan nát, mạnh ai nấy chạy, dẫm đạp lên nhau để sống. Những dấu hiệu cuối cùng báo hiệu cho sự suy vong của Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng rõ ràng. Họ không thể lấy bất cứ một thay đổi hay quyết định gì quan trọng được nữa. Việc ‘điện một giá’ với giá gần 3000 VNĐ/kw là một ví dụ.
Chúng ta thử tưởng tượng là nếu vì một lý do gì đó Đảng cộng sản tan rã ngay ngày hôm nay thì tổ chức nào sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước lâm thời? Tổ chức đó đã chuẩn bị những giải pháp gì cho quá trình chuyển tiếp về dân chủ? Ngoài Tập Hợp ra thật tình là chúng tôi chưa thấy ai. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nên không còn chuyện âm thầm xây dựng và tập hợp lực lượng rồi chờ cơ hội nổi dậy cướp chính quyền như Việt minh làm hồi năm 1945. Người dân Việt Nam phải nói không dứt khoát với các tổ chức như vậy. Sai lầm năm 1945 đã phải trả giá rất đắt, nước ta rơi vào họa cộng sản 75 năm nay là vì thế.
Chúng ta cùng nhớ lại một biến cố cũng rất quan trọng, ngày này 29 năm trước (19/8/1991) cuộc đảo chính của phe bảo thủ trong Đảng cộng sản Liên xô đã bị Boris Yeltsin đè bẹp và xóa sổ luôn đảng cộng sản. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và hùng mạnh nhất thế giới đã kết thúc trong sự thờ ơ đến khó tin của dân chúng. Đối lập Nga chưa kịp hình thành và cũng không hề có tư tưởng hay dự án chính trị gì cho đất nước nên nước Nga lại rơi vào tay một nhà độc tài mới là Putin. Tương lai nước Nga hoàn toàn u ám và mờ mịt.
Nhà nước cộng sản đầu tiên và hùng mạnh nhất thế giới tan vỡ trong sự vui mừng của người dân Xô-Viết…
Bài học lớn nhất mà người Việt Nam cần rút ra từ Cách mạng tháng 8 là phải ủng hộ cho những tổ chức chính trị đứng đắn, có dự án chính trị rõ ràng để căn cứ vào đó mà giám sát, phản biện và kiểm tra xem tổ chức đó có thực hiện đúng như đã đề nghị hay không. Quản trị một đất nước trong thời kỳ toàn cầu hóa là rất khó khăn chứ không thể đến đâu hay đến đấy. Một chính phủ lương thiện, viễn kiến và có trách nhiệm sẽ đưa đất nước hội nhập trọn vẹn vào dòng chảy của thời đại. Đảng cầm quyền phải có tư tưởng chính trị, như một chiếc la bàn giúp họ chèo lái con thuyền đất nước đi đến đích mà không mất phương hướng hay gặp phải những rủi ro và tai nạn trên hành trình dài và gian nan đó.
Việt Hoàng
(18/08/2020)
Thế nào là chủ nghĩa dân túy (populism) ? Hiểu đơn giản thì đó là sự lợi dụng tình trạng phẫn nộ, có thể chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mị dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng không thể thực hiện được vì vừa sai vừa nguy hiểm.
Đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy là :
- Lợi dụng những người ít học, thuộc tầng lớp thấp, ít thông tin và thiếu hiểu biết. Khai thác các bất mãn và mâu thuẫn chính đáng của những người bị thua thiệt để giành quyền lực.
- Tranh thủ và lôi kéo những người không theo kịp đà tiến hóa của xã hội, bị bỏ rơi, tiếc nuối quá khứ bằng cách hứa hẹn đưa họ quay lại thời gian tươi đẹp đã từng có.
- Cổ vũ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, co cụm lại trong biên giới quốc gia hay trong giai cấp của mình. Khai thác sự bất dung, chống lại tất cả những người không thuộc về giai cấp mình, quốc gia mình thay vì mở rộng vòng tay để kết bạn và hợp tác với thế giới.
Phong trào cộng sản là lực lượng dân túy lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đã lợi dụng sự phẫn nộ của tầng lớp công nhân sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để đưa ra "giải pháp đấu tranh giai cấp, xóa bỏ quyền tư hữu và tiêu diệt giai cấp tư sản".
Phát xít Đức cũng là dân túy. Hit-le đã lợi dụng sự phẫn nộ chính đáng của người Đức sau Thế chiến thứ nhất, khi nước Đức vì thua trận, bị mất đất và phải bồi thường chiến tranh trong khi một số tài phiệt Do Thái hành xử một cách vô trách nhiệm, để đưa ra giải pháp "tiêu diệt người Do Thái và tuyên chiến với các nước Châu Âu".
Các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan cũng là dân túy khi khai thác sự phẫn nộ của một bộ phận dân chúng Hồi giáo trước sự suy thoái không thể đảo ngược của nhân sinh quan (ý thức hệ) Hồi giáo bằng cách đổ lỗi cho Phương Tây và kêu gọi "giải pháp thánh chiến".
Một số nhà lãnh đạo dân túy tiêu biểu hiện nay trên thế giới : Hàng trên : Donald Trump, Jair Bolsonaro, Benjamin Netanyahu và Narendra Modi. Hàng dưới : Recep Tayyip Erdoğan, Rodrigo Duterte, Xi Jinping, Vladimir Putin, Viktor Orbán. Nguồn : EPA, Getty, Reuters, AP
Chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh trở lại với trường hợp Duterte tại Philippines, Putin tại Nga, Stracher và đảng FPO tại Áo, Le Pen tại Pháp, Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Maduro tại Venezuela, phong trào Brexit tại Anh, Bolsonaro tại Brasil, v.v. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất và đáng thảo luận nhất là trường hợp Donald Trump, tổng thống 45 của Mỹ, quốc gia dân chủ hùng mạnh nhất.
Chưa có một tổng thống Mỹ nào gây chia rẽ nước Mỹ và thế giới dân chủ như Donald Trump. Trong 4 năm qua Trump đã làm cho nước Mỹ trở nên hỗn loạn và phân cực chưa từng thấy trong lịch sử. Rồi Trump sẽ ra đi nhưng vết thương gây ra cho nước Mỹ phải rất lâu mới hàn gắn được. Với thế giới thì vai trò lãnh đạo của Mỹ đã chấm dứt một cách không thể đảo ngược.
Như anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phân tích, Donald Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của nền chính trị Mỹ đã quá xuống cấp. Trump là sự cảnh báo cần thiết để nước Mỹ thay đổi và tiến tới. Trump không biết gì về chính trị và không có bản lĩnh nên hậu quả mới chỉ có thế, nếu không thì nước Mỹ đã có một Hít-le mới. Mô hình chính trị "tổng thống chế" đã chứng minh sự tồi dở của nó. Chế độ tổng thống đã dành quá nhiều quyền lực cho một người và rất khó để thay thế người được dân chúng bầu lên. Trong một chế độ đại nghị thì Trump đã bị phế truất từ lâu. Ngay cả một thủ tướng nổi tiếng dân túy như Boris Jonhson của Anh cũng không thể tùy tiện và bạt mạng như Donald Trump.
Các ứng cử viên trong chế độ tổng thống đều là dân túy. Quan tâm duy nhất của họ là làm sao mị dân cho giỏi để lấy được nhiều phiếu nhất chứ không phải ưu tư về một giải pháp chính trị cho đất nước. Chúng ta có thể thấy rõ là chủ nghĩa dân túy chỉ bùng phát và thành công ở các nước theo chế độ tổng thống trong khi đó ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy rất giới hạn tại các nước theo chế độ nghị viện.
Chủ nghĩa dân túy vô cùng nguy hiểm. Phong trào cộng sản đã gây ra cái chết cho hơn 100 triệu người và khiến nhiều quốc gia chìm đắm trong độc tài và nghèo khó đến tận bây giờ, trong đó có Việt Nam. Chủ nghĩa phát xít Đức, Nhật, Ý đã làm cho các quốc gia này tan nát cùng với 60 triệu người thiệt mạng trên khắp thế giới. Putin làm cho nước Nga hoàn toàn kiệt quệ và không còn tương lai. Donald Trump đang làm cho nước Mỹ cũng như trật tự thế giới đổ vỡ và trở nên hỗn loạn sau 75 năm tương đối ổn định.
Donald Trump là một tổng thống dân túy.
Tập Hợp chỉ trích Donald Trump vì ông ta là một tổng thống dân túy. Mọi chế độ dân túy đều nguy hiểm vì chúng bất chấp các giá trị đạo đức, lẽ phải, nhân quyền và đó là những lý do dẫn đến xung đột, bế tắc và cuối cùng là chiến tranh. Các cuộc chiến trên thế giới không bao giờ xảy ra giữa hai nước dân chủ mà chỉ xảy ra giữa một nước dân chủ với một nước độc tài hoặc là giữa hai nước độc tài với nhau.
Việt Nam rất dễ rơi vào chủ nghĩa dân túy vì sự hời hợt chính trị của trí thức nói riêng và người dân nói chung. Sự ủng hộ cuồng nhiệt của người Việt trong nước lẫn ngoài nước đối với Donald Trump là ví dụ. Nếu không lên tiếng cảnh báo thì rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào chủ nghĩa dân túy nhất là khi Đảng cộng sản đang bế tắc và không ít đảng viên muốn chuyển hóa Việt Nam theo kiểu Putin của nước Nga, với vỏ là dân chủ nhưng ruột vẫn là độc tài.
Các chính quyền dân túy sẽ sớm thất bại vì không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Muốn lấy những giải pháp khó khăn thì phải có sự quyết tâm và đồng thuận. Chỉ có các chính đảng đúng nghĩa trong các thể chế đại nghị mới có khả năng đưa ra các dự án nghiêm túc cho đất nước và buộc các lãnh đạo đảng cầm quyền phải thực thi các dự án đó.
Phải biết một điều quan trọng rằng các chính đảng là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Đó là những người luôn có ưu tư và quan tâm tới việc nước. Các tổ chức chính trị là cỗ xe chuyên chở tư tưởng chính trị đến với quần chúng. Nước Mỹ không thiếu các nhà tư tưởng chính trị xuất sắc, các cuộc thảo luận tư tưởng luôn diễn ra nhưng chỉ trong phạm vi hẹp của các giảng đường đại học, các câu lạc bộ. Tư tưởng chính trị đó không đến được với quần chúng Mỹ vì mô hình "tổng thống chế". Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không giống các chính đảng thực thụ ở các nước theo mô hình đại nghị. Trong môi trường bát nháo đó thì kẻ nào to tiếng nhất và mị dân tốt nhất sẽ chiến thắng thay vì có một dự án chính trị tốt. Donald Trump không biết gì về chính trị vẫn có thể trở thành tổng thống.
Chế độ chính trị theo mô hình "đại nghị và tản quyền" buộc các chính đảng phải có một Dự án chính trị.
Chế độ tổng thống đã thất bại ở khắp nơi, tưởng chừng như nước Mỹ là ngoại lệ nhưng rõ ràng là không có ngoại lệ nào. Các nước chưa có thói quen sinh hoạt dân chủ như Việt Nam càng nguy hiểm. Chính vì thế mà Tập Hợp đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai là "chế độ đại nghị và tản quyền". Chế độ tổng thống có ít nhất hai tật nguyền :
"Tật nguyền đầu tiên ở ngay trong thể thức bầu cho một người thay vì cho một chính đảng. Lối bầu này khiến các chính đảng không lớn mạnh được vì điều kiện chính để nắm chính quyền là một nhân vật có sức thu hút cử tri, như thế điều kiện cốt lõi là có một ủy ban vận động tranh cử tốt chứ không phải một bộ máy đảng. Ông hay bà ta có thể được bầu vì những lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v. hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước.
Tật nguyền thứ hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người trong một thời gian được quy định trước. Trong hoàn cảnh của một nước chưa có truyền thống dân chủ, nó rất dễ dẫn tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là đàn áp, bạo loạn, thậm chí nội chiến. Hơn nữa nếu tổng thống vì bất cứ lý do nào bị mất uy tín giữa nhiệm kỳ thì sinh hoạt quốc gia sẽ bế tắc nguy hiểm trong suốt thời gian còn lại vì tổng thống không thể bị thay thế".
Việt Nam nên chọn chế độ đại nghị và tản quyền vì :
"Trong một chế độ đại nghị, quyền hành pháp ở trong tay một thủ tướng do quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Như thế khi bầu ra một quốc hội, một cách gián tiếp, người dân cũng chọn lựa một thủ tướng. Ưu điểm của chế độ đại nghị là người dân bầu trước hết cho một dự án chính trị của một đảng thay vì cho một người và sau đó chọn lựa một dân biểu trong số những ứng cử viên sinh hoạt gần gũi với họ mà họ có điều kiện để đánh giá; qua dân biểu của họ, họ cũng có khả năng theo dõi và kiểm soát một cách thường trực sinh hoạt của chính phủ.
Thể chế đại nghị là thể chế dân chủ nhất và cũng là thể chế đúng đắn nhất, với điều kiện là không dẫn tới tình trạng lạm phát chính đảng và một quốc hội tê liệt vì bị phân hóa giữa nhiều khuynh hướng đối nghịch. Điều kiện này, như kinh nghiệm đã chứng minh, có thể thỏa mãn được bằng cách bầu tất cả hoặc phần lớn các dân biểu quốc hội theo phương thức bầu cử đơn danh và một vòng.
Chúng ta chọn lựa chế độ đại nghị vì sự giản dị và tính dân chủ cao của nó".
(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng hòa Việt Nam)
Các cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh nhân vật đặc biệt là Donald Trump theo chúng tôi là có lợi cho phong trào dân chủ nói riêng và tương lai Việt Nam nói chung. Hy vọng là sau khi hiện tượng Donald Trump kết thúc thì người Việt Nam có cơ hội và lý do để chiêm nghiệm và suy tư về chính trị như tầm quan trọng của tư tưởng chính trị, các giá trị mà các chính trị gia cần phải có và mô hình chính trị phù hợp với Việt Nam…
Việt Hoàng
(05/08/2020)
Chỉ còn vài tháng nữa là Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội 13. Đáng lẽ ra đây là thời điểm rất sôi động trước mỗi kỳ đại hội. Về phía đảng cộng sản, họ sẽ đưa ra nhiều chương trình, mục tiêu (bánh vẽ) cho 5 năm tới và kêu gọi người dân đóng góp ý kiến, thảo luận. Về phía dư luận, đây là "thời vụ" của các đơn từ kiến nghị đảng thay đổi cái nọ cái kia, hoặc tố cáo người này người khác. Các nhân sĩ thì tùy theo nhân vật "mến mộ" mà họ sẽ nâng người này lên tận mây xanh hoặc dìm người kia xuống tận bùn đen như hồi Đại hội 12.
Chỉ còn vài tháng nữa là Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội 13.
Đại hội lần này hoàn toàn im lặng, một sự im lặng bất thường. Đảng cộng sản không nói gì nhiều về đại hội đã đành mà ngay cả dư luận cũng hầu như không ai quan tâm. Đơn từ kiến nghị cũng không thấy, phe nọ đánh phe kia cũng không và đặc biệt nhất là không thấy các trí thức nhân sĩ lên tiếng ngoài một vài người ủng hộ ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm tổng thống.
Trong không khí ảm đạm đó thì sự xuất hiện của tập tài liệu với tên gọi "Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho đảng" của một nhóm đảng viên là rất đáng chú ý. Điều đặc biệt nhất của tài liệu này là nó kêu gọi sự thay đổi gần như là toàn diện và triệt để về hướng dân chủ chứ không vuốt ve hoặc đề nghị cải cách lặt vặt như trước đây. Điều thiếu vắng trong tài liệu này là không đề cập gì đến vai trò của đối lập dân chủ Việt Nam. Họ chỉ muốn đảng cộng sản tự dân chủ hóa đất nước một mình. Chúng tôi đã phân tích về sự bất khả thi trong bài viết trước "Lực lượng chính trị nào sẽ dân chủ hóa Việt Nam ?" (*).
Trong bài viết này chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn về những gì mà Đảng cộng sản có thể làm và nên làm. Theo chúng tôi thì nhiệm vụ (sứ mệnh) quan trọng nhất, cần làm nhất của Đảng cộng sản hiện nay là "tổ chức sự thất bại cho chính họ". Điều này có nghĩa là Đảng cộng sản cần tìm cách rút lui thế nào để có thể "hạ cánh an toàn". Hãy cùng tìm hiểu với chúng tôi.
Cuộc triệt thoái trong hỗn loạn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa khỏi Ban Mê Thuột hồi giữa tháng 3/1975 đã biến thành một thảm kịch và dẫn đến sự sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa không lâu sau đó.
Lịch sử thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng được ghi dấu bằng các trận chiến lớn. Các cuộc chiến đó làm thay đổi cục diện thế giới với nhiều tên tuổi đã đi vào huyền thoại. Không nhất thiết phải là một nhà quân sự tài ba thì chúng ta cũng có thể thấy được là trong một trận chiến thì việc triệt thoái và rút lui luôn khó khăn hơn là tổ chức một cuộc tấn công. Hầu hết các cuộc triệt thoái đều dẫn đến hỗn loạn và mất kiểm soát do các điều kiện đã thay đổi, dẫn đến việc không làm chủ được tình thế. Cuộc triệt thoái trong hỗn loạn của quân đội Việt Nam Cộng Hòa khỏi Ban Mê Thuột hồi giữa tháng 3/1975 đã biến thành một thảm kịch và dẫn đến sự sụp đổ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa không lâu sau đó.
Trong kinh doanh, chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau rằng "kiếm được tiền đã khó nhưng giữ được tiền lại càng khó hơn" và sự thực là như thế. Những ai sống ở Đông Âu đều biết đến hai cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 1998 và 2008. Đặc biệt cuộc khủng hoảng năm 2008, rất nhiều người Việt Nam kinh doanh tại đây đã mất hết tài sản và cơ nghiệp sau hàng chục năm gầy dựng. Nhiều người đã quay lại điểm xuất phát, chỉ có một số ít bảo toàn được tài sản. Lý do chính là họ đã không có kịch bản, không chuẩn bị cho sự thất bại của chính họ. Tất cả những người thất bại đều không tính đến chuyện thua mà chỉ tính đến chuyện thắng. Khi gặp khủng hoảng họ không vượt qua được, thậm chí có người đã tìm đến cái chết vì quá tuyệt vọng.
Đảng cộng sản đang trong hoàn cảnh như vậy. Họ không còn bất cứ giải pháp hay sự đồng thuận nào. Họ không thể đồng hành cùng dân tộc tiến về tương lai vì họ không có dự án nào cho đất nước. Việc quan trọng nhất của họ bây giờ là tổ chức sự rút lui sao cho an toàn. Nhưng chuyện này lại không hề dễ dàng chút nào. Tổ chức sự thất bại cho chính mình là công việc vô cùng khó khăn đối với những con người quá nhỏ bé, về trí tuệ lẫn uy tín như ban lãnh đạo Đảng cộng sản hiện nay. Một việc dễ nhất mà đảng cộng sản cũng phải bó tay là việc "kỷ luật" các quan chức của mình. Chỉ vì bị "cảnh cáo" mà cả chủ tịch lẫn bí thư tỉnh Quảng Ngãi đều viết đơn xin "nghỉ việc". Điều này không hề bình thường chút nào. Nó phản ánh sự bất ổn và bất phục tùng trong nội bộ Đảng cộng sản.
Gần 100 cán bộ đảng viên cao cấp bị kỷ luật thời gian qua…
Năm 1945 Đảng cộng sản đã giành được chính quyền và sau đó tổ chức một cuộc triệt thoái thành công lên Việt Bắc để tiếp tục kháng Pháp và đã chiến thắng...là nhờ những người như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn. Họ (vào thời đó) là những người có bản lĩnh, quyết tâm và một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản và họ đã thành công. Hiện tại, Đảng cộng sản không có những con người như vậy. Có hai lý do, thứ nhất Đảng cộng sản không có nhu cầu cải tiến hoặc cạnh tranh với các đảng đối lập vì họ đã tiêu diệt tất cả các tổ chức đối lập từ trong trứng nước. Thứ hai, cơ chế bầu chọn trong nội bộ đảng với tiêu chí "hồng hơn chuyên" đã loại bỏ hết những người tài giỏi và có bản lĩnh. Ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng cộng sản, ngay cả trước khi bị bệnh cũng không phải là người có trí tuệ và viễn kiến. Đảng cộng sản cũng giống như các triều đại phong kiến trong lịch sử, chỉ có những người theo vua dựng nước thời kỳ đầu là có bản lĩnh và tài giỏi còn sau khi đã dành được chính quyền thì chỉ biết hưởng thụ, tranh dành và đấu đá lẫn nhau khiến triều đại bị diệt vong.
Một dẫn chứng cho thấy sự tăm tối của Đảng cộng sản là họ đã không ý thức được những tác hại kinh khủng do Covid-19 gây ra đối với Việt Nam. Họ vẫn rất huênh hoang. Đúng là Việt Nam rất may mắn khi không có ai chết trong đại dịch này nhưng Covid-19 sẽ làm cho kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại trong nhiều năm. Tính đến tháng 6/2020 đã có đến 7,8 triệu người lao động mất việc. 40 triệu người bị ảnh hưởng do Covid-19. 35.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường và 75% doanh nghiệp phải thu hẹp qui mô sản xuất trong quí 1 năm 2020. Lý do cũng dễ hiểu, các nước lớn, mua nhiều hàng và đầu tư nhiều vào Việt Nam đang gặp khó khăn vì phải đối phó với Covid-19. Việt Nam có thể đánh mất cơ hội phát triển vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong những năm tới.
Covid-19 sẽ làm cho kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại trong nhiều năm
Thế giới đang đứng trước những thay đổi rất sâu sắc, một trật tự dân chủ mới sắp hình thành, hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại. Một liên minh dân chủ sẽ ra đời để thay thế cho vai trò lãnh đạo thế giới mà Mỹ đã từ nhiệm. Trong trật tự dân chủ mới đó không có chỗ cho những nước độc tài dù đó là Trung Quốc hay Nga đi chăng nữa. Chủ nghĩa dân túy (mà Donald Trump là tiêu biểu) đang tàn lụi sau những lời lẽ "đao to búa lớn" nhưng không có kết quả. Thế giới sẽ phải xét lại mô hình chính trị - xã hội bằng cách tăng cường sự liên đới và bình đẳng để dân chủ có nội dung.
Nếu Đảng cộng sản có viễn kiến thì họ phải hiểu rằng triệt thoái về dân chủ là lối thoát duy nhất cho họ. Muốn triệt thoái mà không gây ra hỗn loạn thì đòi hỏi phải có những con người thật sự có bản lĩnh, tài giỏi, quyết tâm và đồng thuận. Di sản của Đảng cộng sản quá cồng kềnh và nặng nề khiến sự triệt thoái của họ càng khó khăn.
Không khó để nhận thấy là ban lãnh đạo Đảng cộng sản hiện nay không có ý định và khả năng đó mà chỉ có những người cấp tiến trong đảng, là những người thật sự có tinh thần dân chủ mới có thể làm được việc đó. Liên Xô đã thành công trong việc tổ chức sự tan rã trong hòa bình. Nobel Hòa Bình (1990) cho Gorbachev là xứng đáng. Trung Quốc hiện nay có nhiều khả năng là không làm được như vậy. Họ sẽ tan rã trong đỗ vỡ và hỗn loạn, Hồng Kông là một ví dụ. Ngay cả siêu cường số 1 thế giới là Mỹ cũng đang chứng tỏ là họ không thể tổ chức sự triệt thoái (khỏi vai trò lãnh đạo thế giới) trong trật tự và êm thắm. Nước Mỹ sẽ còn phải giải quyết nhiều vấn đề nội bộ nhức nhối, gai góc và phức tạp sau khi Donald Trump ra đi.
Ban lãnh đạo Đảng cộng sản hiện nay chỉ có những con người quá nhỏ bé về tư tưởng chính trị và tầm nhìn cho nên không phù hợp với những đòi hỏi cấp bách của thời cuộc. Họ sẽ không có giải pháp cho chính họ. Muốn hay không thì lực lượng dân chủ và cấp tiến trong đảng cũng phải đứng dậy để nhận lãnh trách nhiệm của mình. Lực lượng này phải có quyết tâm và đội ngũ để tạo ra sự thay đổi. Muốn có dân chủ thật sự cho Việt Nam thì lực lượng dân chủ trong đảng phải đối thoại với các tổ chức đối lập dân chủ nhằm hình thành một liên minh dân chủ hùng mạnh để áp đặt sự thay đổi. Chỉ có một liên minh như vậy mới đoàn kết được mọi thành phần trong xã hội Việt Nam.
Hòa giải và Hòa hợp dân tộc sẽ là tinh thần nền tảng của liên minh dân chủ để mọi người Việt Nam có thể tiếp tục chung sống với nhau trong hòa bình. Một cuộc cách mạng diễn ra trong trật tự như đề nghị của tài liệu "Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho đảng" là cần thiết để đất nước không đỗ vỡ và đây cũng là điều kiện cần để xây dựng một thể chế dân chủ cho Việt Nam.
Những đảng viên cấp tiến trong đảng nên ủng hộ cho "giải pháp cứu nguy" trên vì đó cũng là giải pháp duy nhất cứu nguy cho chính mình và giúp đảng cộng sản hạ cánh an toàn.
Triệt thoái về dân chủ là lối thoát duy nhất cho đảng cộng sản. Ban lãnh đạo đảng hiện nay không có ý định lẫn khả năng đó. Chỉ một kết hợp của những đảng viên thật sự có bản lĩnh và viễn kiến mới có thể thay đổi tình thế.
Việt Hoàng
(03/07/2020)
(*) Việt Hoàng, Lực lượng chính trị nào sẽ dân chủ hóa Việt Nam ?, Thông Luận, 30/06/2020
Cách đây không lâu, Luật Khoa Tạp Chí đăng một bài viết có tựa đề là "Hội đồng Lý luận Trung ương và vai trò của think tank với các tổ chức chính trị" (*). Tác giả bài viết nhận định rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang thiếu định hướng và đường lối đấu tranh, cũng như là sự thiếu phẩm chất trong các ý kiến phản biện Đảng cộng sản.
Để giải thích cho hiện tượng này, tác giả bài viết cho rằng những người dân chủ đã không đầu tư đúng mức cho việc nghiên cứu các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Từ đó, tác giả đề xuất thành lập các think tank, hiểu theo nghĩa một nhóm các chuyên gia cùng nhau nghiên cứu trên một vấn đề cụ thể, để giải quyết vấn đề thiếu hụt các chính sách cho nước Việt Nam dân chủ. Nhưng liệu giải pháp này có khả thi ?
Trang mạng Tạp Chí Luật Khoa - Ảnh minh họa
Trước hết, cần nhận thức rõ đâu là nguyên nhân của vấn đề. Cho đến nay, phong trào dân chủ tỏ ra yếu kém về mặt lý luận và đường lối là vì nó không coi trọng vấn đề đấu tranh có tổ chức. Bởi vì bất cứ một tổ chức chính trị nào, nếu muốn tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng thì bắt buộc phải có một một dự án chính trị trong đó trình bày những chính sách và định hướng cho đất nước. Chính sách nào cũng có người ủng hộ và người chống nhưng nếu không có chính sách thì sẽ không có ai ủng hộ. Và để viết ra được một dự án chính trị thì không có cách nào khác ngoài nghiên cứu và thảo luận. Do đó, nhu cầu nghiên cứu đối với một tổ chức chính trị cũng tự nhiên như nhu cầu ăn cơm đối với một con người.
Trái ngược với các tổ chức, các nhân sĩ không có thời gian để nghiên cứu vì họ quá bận rộn trong các hoạt động gây tiếng vang để đánh bóng tên tuổi. Đối với họ, sự nổi tiếng là tất cả, và do đó phải xuất hiện trên truyền thông càng nhiều càng tốt trong khi việc nghiên cứu và thảo luận lại là những công việc mang tính chất thầm lặng. Chính vì phần lớn những người dân chủ đấu tranh theo lối nhân sĩ nên các phát biểu của họ thường thiếu phẩm chất vì chúng chưa được trải qua thử thách và sàng lọc trong các buổi thảo luận.
Mặc dù cả hai đều là những lò sản xuất ý kiến nhưng trong khi các tổ chức chính trị có lý tưởng, quyết tâm và thực quyền để áp dụng các chính sách của mình thì các think tank chỉ là một nhóm người nghiên cứu theo đơn đặt hàng, thường là từ các chính quyền hoặc các công ty lớn.
Một kinh nghiệm trong quá khứ là trường hợp của Viện Nghiên Cứu Phát Triển (IDS). Các thành viên của nó là những người tự coi mình có khuynh hướng dân chủ nhưng cũng chỉ kết hợp với nhau để lập một think tank nhằm góp ý cho Đảng cộng sản. Xin nhấn mạnh là góp ý chứ không phải phản biện vì sau khi chính quyền cộng sản ban hành quyết định 97, theo đó các tổ chức nghiên cứu khoa học, nếu có phản biện ngược với chính sách của chính phủ thì không được công bố công khai, họ đã tuyên bố tự giải tán chứ không hề có một nghiên cứu nào để đóng góp cho phong trào dân chủ nhằm phản biện chính quyền.
Một thí dụ khác là các giảng viên chương trình thạc sĩ chính sách công của đại học Fullbright. Trường này cũng là một dạng think tank nhưng các thành viên của nó chỉ là những người muốn phục vụ cho chế độ.
Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai
Nhưng như vậy không có nghĩa là phong trào dân chủ hoàn toàn không có một nghiên cứu chất lượng nào. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã ra mắt Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai từ năm 2015, trong đó trình bày bối cảnh trong nước và quốc tế, những định hướng lớn của mô thức Việt Nam, thể chế và hiến pháp cho Cộng Hòa Việt Nam, phương pháp đấu tranh thiết lập dân chủ đa nguyên và cuối cùng là những chính sách trong giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ. Đó là kết quả của những nghiên cứu tâm huyết trong nhiều năm. Nhưng tại sao tác giả bài viết lại không nhắc đến tài liệu này ? Thay vào đó, anh ta nhắc đến ba bản đề xuất hiến pháp của các nhóm đối lập. Bản đầu tiên của Đảng Dân Chủ Việt Nam, một đảng gần như đã ngừng hoạt động. Bản thứ hai của nhóm Kiến Nghị 72, gồm các nhân sĩ đã lớn tuổi. Và bản cuối cùng là của Trung Tâm Dân Chủ Việt Nam, được viết bằng tiếng Anh và chỉ bán trên Amazon !
Theo lẽ thường, một người quan tâm tới tương lai đất nước thì phải đọc những nghiên cứu liên quan đến đường lối đấu tranh và xây dựng đất nước, chưa kể số lượng của các tài liệu này cũng rất ít, theo chính lời của tác giả. Nhưng tại sao các trí thức có tên tuổi lại không bao giờ nhắc đến tài liệu này ? Ngay cả nếu họ không đồng ý về mặt nội dung thì tại sao họ cũng không phản biện ? Chỉ có thể hiểu là họ hoàn toàn không muốn quần chúng biết đến Tập Hợp. Nguyên nhân của tình trạng này có thể liên quan đến sự khác biệt về đường lối của Tập Hợp và các nhân sĩ.
Trong khi Tập Hợp luôn cổ vũ cho phương pháp đấu tranh có tổ chức và đề nghị thể chế đại nghị, một thể chế khuyến khích sự phát triển của các đảng phái, thì các nhân sĩ lại đấu tranh dưới tư cách cá nhân và đề xuất chế độ tổng thống (như đã thấy trong bản hiến pháp của nhóm Kiến Nghị 72), một chế độ thích hợp với lối làm chính trị nhân sĩ. Có lẽ trong thâm tâm họ sợ rằng thành công của Tập Hợp, cũng là thành công của đất nước, là một thất bại đối với họ. Trong một chế độ đại nghị, một tổ chức nếu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thì các thành viên của nó sẽ điều hành chính quyền. Trái lại, một nhân sĩ nếu đắc cử tổng thống buộc phải tìm đến các nhân sĩ khác để thành lập chính phủ. Sở dĩ nước Mỹ có nhiều think tank nhất cũng là vì nó theo chế độ tổng thống.
Trong cuốn hồi ký Một Cơn Gió Bụi, Trần Trọng Kim kể rằng khi được Bảo Đại yêu cầu thành lập chính phủ, ông phải xin Bảo Đại vài ngày để đi tìm người làm bộ trưởng vì ông chỉ có một mình. Và tất nhiên những người được ông chọn cũng đều là các nhân sĩ có tiếng tăm. Một trường hợp khác là Ngô Đình Diệm, sau khi được người Pháp đưa lên cầm quyền, vì không có tổ chức nên buộc phải sử dụng người nhà để rồi bị mang tiếng là gia đình trị. Trong cả hai trường hợp, họ đều thất bại trước một đối thủ có tổ chức là Đảng cộng sản.
Như vậy, dù có thành lập hàng trăm cơ quan nghiên cứu nhưng không có một tổ chức chính trị mạnh thì chúng ta sẽ không bao giờ có được dân chủ vì quần chúng bao giờ cũng chỉ ủng hộ và bầu cho các đảng phái chính trị thay vì các think tank. Do đó, một trong những cách hiệu quả nhất để đóng góp cho phong trào dân chủ là tiếp tay phổ biến dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai đến với thật nhiều người. Một khi phong trào dân chủ đạt được đồng thuận về một giải pháp chung cho đất nước thì thắng lợi sẽ đến rất nhanh chóng.
Hồng Việt
(02/04/2020)
---------------------
(*) Hội đồng Lý luận Trung ương và vai trò của think tank với các tổ chức chính trị
Trịnh Hữu Long, Luật Khoa tạp chí, 15/03/2020
Tiêu đề bài viết này nghe có thể lố bịch với nhiều người, bởi Hội đồng Lý luận Trung ương từ lâu đã bị một bộ phận của phong trào đối lập gọi là "Hội đồng Lú lẫn Trung ương". Sau khi một cán bộ cấp cao của cơ quan này bị phát hiện có lối sống xa hoa, cơ quan này càng trở thành trò cười cho công chúng.