Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

18/08/2020

Sức mạnh của tư tưởng chính trị

Việt Hoàng

Chúng ta đang sống trong những ngày tháng 8 lịch sử. Cách đây 75 năm, ngày 19/8/1945 Cách mạng tháng 8 thành công và ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời. Đất nước ta chính thức rơi vào tai họa cộng sản từ đó đến giờ.

Đã có rất nhiều nghiên cứu của người Việt về biến cố lịch sử trọng đại này nhưng có lẽ các bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng về Cách mạng tháng 8 là công phu và rõ ràng nhất. Không ai có thể biết chính xác những gì đã xảy ra trong những ngày đầy biến động đó. Các biến cố quốc tế xảy ra dồn dập, 7/5 Đức đầu hàng, 6/8 Mỹ thả hai trái bom nguyên tử xuống Hirosima và Nagasaki, 15/8 Nhật đầu hàng đồng minh. Trong nước thì ngày 7/8 chính quyền Trần Trọng Kim đã tan rã vì không còn nhận được được sự ủng hộ của Nhật. Việt Nam trong tình trạng hoàn toàn vô chính phủ. Với khoảng trống quyền lực đó, Việt minh, tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, một tổ chức nhỏ chưa ai biết đến trước đó, chỉ với 2.000 người đã giành được chính quyền một cách dễ dàng.

ttk1

Chính phủ Trần Trọng Kim không phải là một chính đảng mà chỉ là một nhóm nhân sĩ kết hợp vội vã nên tan vỡ là đương nhiên.

Chiến thắng của Việt minh được giải thích với nhiều lý do. Theo anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) thì lý do quan trọng nhất là vào thời điểm đó người Việt không hề có tư tưởng chính trị và bất cứ một dự án chính trị nào cho đất nước. Các đảng phải chính trị Việt Nam đều ‘hữu danh vô thực’. Việt Nam Quốc Dân Đảng là tổ chức chính trị lớn nhất, kiên cường nhất nhưng vì không có tư tưởng chính trị nên sau khi đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các lãnh đạo (13 người) bị thực dân Pháp xử tử ở Yên Bái (1930) thì đảng gần như tan rã. Trí thức Việt Nam thay vì thức tỉnh sau biến cố đau thương đó thì lại đắm chìm vào thơ văn trữ tình, lãng mạn…Ngày hôm nay đất nước cũng đang đứng trước tình hình đầy biến động như hồi năm 1945 nhưng người dân nói chung và trí thức Việt Nam nói riêng cũng chưa ý thức được tầm quan trọng của tư tưởng chính trị để chuẩn bị cho một cuộc đổi đời sắp xảy ra.

Cho đến gần đây phong trào dân chủ Việt Nam chỉ còn các tiếng nói cá nhân chứ không có tiếng nói của các tổ chức chính trịTập Hợp là một trong những số rất ít các tổ chức chính trị còn hoạt động. Tập Hợp cũng là tổ chức gần như duy nhất chú trọng đến tư tưởng chính trị và một dự án chính trị cho đất nước. Chúng tôi cho rằng một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và gắn bó được các thành viên với nhau xung quanh một tư tưởng chính trị. Nhờ thế Tập Hợp vẫn tồn tại và tiếp tục tiến về phía trước một cách vững chắc. Tập Hợp cũng là tổ chức chính trị cung cấp cho người dân Việt Nam các khái niệm và kiến thức căn bản về chính trị và các hoạt động chính trị.

Thế nào là chính trị : Chính trị là cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức trong sinh hoạt xã hội đồng thời nâng cao trình độ tinh thần và vật chất cho người dân. Chính trị trả lời cho hai câu hỏi : Phải sống, hành động như thế nào để có hạnh phúc và thế nào là một cuộc sống xứng đáng. Chính trị và đạo đức là một. Chính trị là đạo đức trên qui mô quốc gia và đạo đức là chính trị trên qui mô cá nhân vì thế chính trị không thể gian trá.

Tư tưởng chính trị là toàn bộ những suy nghĩ về các vấn đề chính trị của quốc gia cũng như quốc tế. Theo ông Nguyễn Gia Kiểng thì : "Tư tưởng chính trị là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về các vấn đề liên quan đến phương thức tổ chức xã hội", như : Thế nào là một quốc gia lành mạnh ? Cứu cánh của nhà nước là gì ? Nhà nước có vai trò gì ? Nhà nước quan trọng hơn hay cá nhân quan trọng hơn ? Quyền hạn của nhà nước phải dừng lại ở chỗ nào để tự do cá nhân có thể bắt đầu ? Có thể kiểm soát hoạt động kinh tế tới mức độ nào mà không triệt tiêu những quyền tự do chính trị ? Một đại biểu quốc hội có quyền bầu theo lập trường mà mình nghĩ là có lợi cho cử tri hay phải bầu cho điều mà mình nghĩ rằng đa số cử tri muốn ? Những mầm mống chia rẽ trong dân tộc xuất hiện như thế nào và phải được giải quyết ra sao ? v.v.

Trên những câu hỏi này người ta chỉ có thể suy nghĩ nghiêm chỉnh nếu có kiến thức chính trị vững vàng. Kiến thức chính trị bao gồm : Những kiến thức cơ bản về luật, nhất là luật hiến pháp ; những nghiên cứu về các thể chế chính trị đã và đang được thử nghiệm ; địa lý và lịch sử nước mình cũng như thế giới ; những kiến thức khá vững chắc về kinh tế, tài chính, công nghiệp, xã hội học, v.v. Sự hiểu biết về địa lý và lịch sử đặc biệt quan trọng cho một người hoạt động chính trị. Có thể tóm tắt chính trị là chuyên môn tổng hợp của mọi chuyên môn, là kiến thức tổng hợp của mọi kiến thức.

ttk2

Triết gia Aristotle với câu nói nổi tiếng : "Con người là một sinh vật chính trị".

Tập Hợp cho rằng tư tưởng chính trị là rất quan trọng đối với một tổ chức cũng như với đất nước. Tai họa cộng sản mà chúng ta mắc phải hồi năm 1945 là vì chúng ta đã thiếu vắng hoàn toàn về mặt tư tưởng chính trị.

Tư tưởng chính trị không hề cao siêu, trừu tượng hay vô ích như chúng ta tưởng mà chúng rất giản dị, gần gũi và quan trọng đối với các tổ chức chính trị cũng như với mỗi quốc gia. Chương 4, Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai viết:

"Thời đại của các chủ nghĩa và ý thức hệ đã chấm dứt. Từ nay không còn những chân lý không thể đặt lại. Tuy vậy, một tập hợp chính trị trong mỗi giai đoạn vẫn cần đồng thuận trên một số nhận định nền tảng.

Giữa những thay đổi dồn dập đòi hỏi những chính sách và biện pháp đa dạng và phức tạp để thích nghi với tình thế, mọi người cần nắm vững những chọn lựa nền tảng, nghĩa là những gì không thay đổi và giải thích cái tại sao của các biện pháp và chính sách. Đó là điều kiện để đất nước không mất phương hướng và để người dân có thể hiểu và đóng góp một cách có ý thức vào sinh hoạt quốc gia. Chúng ta là một dân tộc đông đảo và phải đương đầu với rất nhiều vấn đề trầm trọng, gai góc và khẩn cấp, công việc của chúng ta chắc chắn là rất phức tạp. Chính sự phức tạp đó đòi hỏi các tổ chức chính trị phải minh định những chọn lựa có tính chủ thuyết, chủ thuyết được hiểu theo nghĩa không phải là chủ nghĩa hay ý thức hệ, cũng không phải là những học thuyết với cấu trúc lý luận phức tạp, mà là những ý kiến đơn giản được coi là đúng và được lấy làm căn bản cho các chính sách và biện pháp trong một giai đoạn khá dài".

(Chương 4 : Nền tảng tư tưởng cho kỷ nguyên dân chủ)

Có ý kiến cho rằng Tập Hợp làm "chính trị salon" vì chỉ thấy "lý thuyết suông" chứ không thấy có các hành động cụ thể. Thật sự không phải như vậy. Người Việt Nam chưa hiểu rằng, con người chỉ có thể đoàn kết và chia sẻ bởi một "hư cấu" chứ không phải trên những vấn đề cụ thể. Các tôn giáo là hư cấu, các chủ nghĩa và tư tưởng là hư cấu, tiền bạc và cổ phiếu cũng là hư cấu. Ví dụ, chúng ta có thể đem một xấp giấy (gọi là tiền) để đổi lấy mọi thứ như nhà cửa, xe cộ, vật dụng cần thiết… Hư cấu cũng có cái xấu cái tốt, cái hay cái dở, cái thiện cái ác. Chủ nghĩa cộng sản và phát xít là hư cấu nhưng đã được thực tế chứng mình là sai lầm và độc hại nên bị tẩy chay. Các tôn giáo hay những giấc mơ như "giấc mơ Mỹ", "giấc mơ Việt Nam" là những hư cấu đẹp và hướng thiện nên chúng được tìm kiếm và hướng tới. Ông Nguyễn Gia Kiểng từng chia sẻ với anh em Tập Hợp rằng : "Chính các nhà tư tưởng chính trị mới là những người dẫn dắt và lãnh đạo thực sự thế giới này, còn các chính phủ hay các ông/bà thủ tướng, tổng thống cũng chỉ là người thừa hành, thực thi mà thôi".

Sai lầm lớn là cho rằng chỉ có thể đoàn kết trên những công việc và hành động cụ thể. Sự tan vỡ của Nhà xuất bản Tự Do của Đoan Trang là một ví dụ. Đây chỉ là một tổ chức thuộc xã hội dân sự với sự kết hợp của vài người và cùng hướng đến một mục tiêu rất cụ thể là "in sách". Chúng tôi không biết gì về nội bộ họ nên không có ý kiến gì về chuyện đổ vỡ đó mà chỉ muốn chia sẻ một điều là "xây dựng và gìn giữ một tổ chức là rất khó khăn".  

Đảng cộng sản Việt Nam giành được chính quyền năm 1945 là nhờ họ chia sẻ một hư cấu là chủ nghĩa cộng sản với hứa hẹn mang lại công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Thực tế đã chứng mình chủ nghĩa cộng sản là sai, nhảm nhí và là tội ác chống lại nhân loại. Đảng cộng sản đã hoàn toàn bế tắc về mặt tư tưởng và lý luận dẫn đến hệ quả là họ không còn bất cứ dự án hay giải pháp nào cho đất nước. Sở dĩ dù họ đã thất bại hoàn toàn nhưng vẫn còn tồn tại được vì trước mặt họ là một khoảng trống của đối lập dân chủ. Đất nước không thể vô chính phủ dù chỉ một ngày vì rất nguy hiểm. Một nhóm khủng bố hay dân túy nào đó có thể cướp chính quyền và dựng nên một chính quyền mới, còn tệ hại hơn cả chế độ cộng sản.

ttk3

Thiếu vắng tư tưởng chính trị nên Việt Nam đã rơi vào tai họa cộng sản từ năm 1945…

Phong trào dân chủ Việt Nam cũng rơi vào bế tắc không khác gì các đảng phái quốc gia hồi năm 1945 vì sự thiếu vắng tư tưởng chính trị. Ngoài chuyện lên án và chỉ trích chính quyền cộng sản thì phong trào đối lập không có một giải pháp nào cho đất nước. Hậu quả là lòng người ly tán, đạo đức xã hội suy đồi, tan nát, mạnh ai nấy chạy, dẫm đạp lên nhau để sống. Những dấu hiệu cuối cùng báo hiệu cho sự suy vong của Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng rõ ràng. Họ không thể lấy bất cứ một thay đổi hay quyết định gì quan trọng được nữa. Việc ‘điện một giá’ với giá gần 3000 VNĐ/kw là một ví dụ.

Chúng ta thử tưởng tượng là nếu vì một lý do gì đó Đảng cộng sản tan rã ngay ngày hôm nay thì tổ chức nào sẽ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo đất nước lâm thời? Tổ chức đó đã chuẩn bị những giải pháp gì cho quá trình chuyển tiếp về dân chủ? Ngoài Tập Hợp ra thật tình là chúng tôi chưa thấy ai. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 nên không còn chuyện âm thầm xây dựng và tập hợp lực lượng rồi chờ cơ hội nổi dậy cướp chính quyền như Việt minh làm hồi năm 1945. Người dân Việt Nam phải nói không dứt khoát với các tổ chức như vậy. Sai lầm năm 1945 đã phải trả giá rất đắt, nước ta rơi vào họa cộng sản 75 năm nay là vì thế.

Chúng ta cùng nhớ lại một biến cố cũng rất quan trọng, ngày này 29 năm trước (19/8/1991) cuộc đảo chính của phe bảo thủ trong Đảng cộng sản Liên xô đã bị Boris Yeltsin đè bẹp và xóa sổ luôn đảng cộng sản. Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và hùng mạnh nhất thế giới đã kết thúc trong sự thờ ơ đến khó tin của dân chúng. Đối lập Nga chưa kịp hình thành và cũng không hề có tư tưởng hay dự án chính trị gì cho đất nước nên nước Nga lại rơi vào tay một nhà độc tài mới là Putin. Tương lai nước Nga hoàn toàn u ám và mờ mịt.

ttk4

Nhà nước cộng sản đầu tiên và hùng mạnh nhất thế giới tan vỡ trong sự vui mừng của người dân Xô-Viết…

Bài học lớn nhất mà người Việt Nam cần rút ra từ Cách mạng tháng 8 là phải ủng hộ cho những tổ chức chính trị đứng đắn, có dự án chính trị rõ ràng để căn cứ vào đó mà giám sát, phản biện và kiểm tra xem tổ chức đó có thực hiện đúng như đã đề nghị hay không. Quản trị một đất nước trong thời kỳ toàn cầu hóa là rất khó khăn chứ không thể đến đâu hay đến đấy. Một chính phủ lương thiện, viễn kiến và có trách nhiệm sẽ đưa đất nước hội nhập trọn vẹn vào dòng chảy của thời đại. Đảng cầm quyền phải có tư tưởng chính trị, như một chiếc la bàn giúp họ chèo lái con thuyền đất nước đi đến đích mà không mất phương hướng hay gặp phải những rủi ro và tai nạn trên hành trình dài và gian nan đó.

Việt Hoàng

(18/08/2020)


 
Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1866 times

2 comments

  • Comment Link VH jeudi, 20 août 2020 07:13 posted by VH

    Cám ơn anh Hoàng Trường Sa đã bổ túc thêm cho bài viết.
    Chính trị là chủ đề được thảo luận hơn 2000 năm qua và vẫn đang tiếp tục.
    Rất khó để đạt được sự đồng thuận về chính trị và các hoạt động chính trị.
    Đúng như anh nói, những ý kiến trên là của anh em Tập Hợp mà thôi. Chúng tôi sẽ cố gắng để tạo ra một tập hợp các quan niệm về chính trị và đạo đức cho tổ chức mình.
    Việt Hoàng

  • Comment Link Hoàng Trường Sa jeudi, 20 août 2020 01:20 posted by Hoàng Trường Sa

    Trích bài chủ : “Chính trị là cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức trong sinh hoạt xã hội đồng thời nâng cao trình độ tinh thần và vật chất cho người dân. Chính trị trả lời cho hai câu hỏi : Phải sống, hành động như thế nào để có hạnh phúc và thế nào là một cuộc sống xứng đáng. Chính trị và đạo đức là một. Chính trị là đạo đức trên qui mô quốc gia và đạo đức là chính trị trên qui mô cá nhân vì thế chính trị không thể gian trá” (hết trích)

    Theo ngu ý của tôi, định nghĩa trên đây của từ “chính trị” là quá lý tưởng và trong một chừng mực nào đó, có vẻ quá rộng và quá cá biệt, không theo cách hiểu chung của từ này. Nếu dùng nó để định nghĩa cụm từ “chính trị vương đạo” (ngược với “chính trị bá đạo” hay “chính trị tà đạo”) thì có lẽ thích hợp hơn.

    “Chính trị”, hiểu theo nghĩa trung lập, phi đạo đức, chỉ đơn giản có nghĩa là những hoạt động đóng góp vào việc điều hành hay cai trị một đất nước. Có chính trị TỐT và cũng có chính trị XẤU. Hiểu một cách sỗ sàng nhất thì hoạt động chính trị là những hành vi có mục đích tối hậu là nắm được chính quyền để thực hiện những điều mà chính trị gia mong muốn. Khó mà phủ nhận rằng những kẻ như Adolf Hitler của Đức Quốc Xã, hay Mao Trạch Đông của Trung Cộng không phải là nhà chính trị. Họ là những nhà chính trị, nhưng là nhà chính trị bá đạo.

    Theo cách hiểu cụm từ “tư tưởng chính trị” của ông Nguyễn Gia Kiểng rằng : "Tư tưởng chính trị là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về các vấn đề liên quan đến phương thức tổ chức xã hội"(sic), ta có thể tách ra hai phần. Phần đầu gồm “những suy nghĩ nghiêm chỉnh” tương ứng với từ ghép “tư tưởng”, và phần sau “về các phương thức tổ chức xã hội” tương ứng với từ ghép “chính trị”. Từ đấy, ta có thể nhận ra rằng, trong một chừng mực nhất định, ông Nguyễn Gia Kiểng cũng chấp nhận định nghĩa CHUNG của từ “chính trị” là đóng góp vào việc tổ chức và điều hành xã hội. Còn cái chuyện tổ chức theo cách đạo đức hay “vương đạo” chỉ là phần mong muốn thêm của ông và Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, mà cá nhân tôi, đương nhiên là đồng ý và ủng hộ.

    Luôn thể, xin nhắc lại rằng từ “politics” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tên của một công trình cổ điển của Aristotle, “Politiká” (“Πολιτικά”) tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “việc của các thành phố”. Người Nhật là những người đầu tiên ở châu Á đã dịch từ “politics” này ra tiếng Nhật Hán tự Kanji là 政治 (Chính trị) mà người Tàu và người Việt ta đã sử dụng theo. Những trí thức Nhật này cũng có ước vọng rằng làm chính trị là cai trị đất nước một cách ngay thẳng, đúng đắn, không gian xảo, dối tá, tà đạo, như từ Hán 政 (Chính) đã diễn đạt.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)