Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

05/08/2020

Donald Trump và chủ nghĩa dân túy

Việt Hoàng

Thế nào là chủ nghĩa dân túy (populism) ? Hiểu đơn giản thì đó là sự lợi dụng tình trạng phẫn nộ, có thể chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mị dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng không thể thực hiện được vì vừa sai vừa nguy hiểm.

Đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy là :

- Lợi dụng những người ít học, thuộc tầng lớp thấp, ít thông tin và thiếu hiểu biết. Khai thác các bất mãn và mâu thuẫn chính đáng của những người bị thua thiệt để giành quyền lực.

- Tranh thủ và lôi kéo những người không theo kịp đà tiến hóa của xã hội, bị bỏ rơi, tiếc nuối quá khứ bằng cách hứa hẹn đưa họ quay lại thời gian tươi đẹp đã từng có.

- Cổ vũ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, co cụm lại trong biên giới quốc gia hay trong giai cấp của mình. Khai thác sự bất dung, chống lại tất cả những người không thuộc về giai cấp mình, quốc gia mình thay vì mở rộng vòng tay để kết bạn và hợp tác với thế giới.

Phong trào cộng sản là lực lượng dân túy lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đã lợi dụng sự phẫn nộ của tầng lớp công nhân sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để đưa ra "giải pháp đấu tranh giai cấp, xóa bỏ quyền tư hữu và tiêu diệt giai cấp tư sản". 

Phát xít Đức cũng là dân túy. Hit-le đã lợi dụng sự phẫn nộ chính đáng của người Đức sau Thế chiến thứ nhất, khi nước Đức vì thua trận, bị mất đất và phải bồi thường chiến tranh trong khi một số tài phiệt Do Thái hành xử một cách vô trách nhiệm, để đưa ra giải pháp "tiêu diệt người Do Thái và tuyên chiến với các nước Châu Âu".

Các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan cũng là dân túy khi khai thác sự phẫn nộ của một bộ phận dân chúng Hồi giáo trước sự suy thoái không thể đảo ngược của nhân sinh quan (ý thức hệ) Hồi giáo bằng cách đổ lỗi cho Phương Tây và kêu gọi "giải pháp thánh chiến".

populist1

Một số nhà lãnh đạo dân túy tiêu biểu hiện nay trên thế giới : Hàng trên : Donald Trump, Jair Bolsonaro, Benjamin Netanyahu và Narendra Modi. Hàng dưới : Recep Tayyip Erdoğan, Rodrigo Duterte, Xi Jinping, Vladimir Putin, Viktor Orbán. Nguồn : EPA, Getty, Reuters, AP

Chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh trở lại với trường hợp Duterte tại Philippines, Putin tại Nga, Stracher và đảng FPO tại Áo, Le Pen tại Pháp, Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Maduro tại Venezuela, phong trào Brexit tại Anh, Bolsonaro tại Brasil, v.v. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất và đáng thảo luận nhất là trường hợp Donald Trump, tổng thống 45 của Mỹ, quốc gia dân chủ hùng mạnh nhất.

Chưa có một tổng thống Mỹ nào gây chia rẽ nước Mỹ và thế giới dân chủ như Donald Trump. Trong 4 năm qua Trump đã làm cho nước Mỹ trở nên hỗn loạn và phân cực chưa từng thấy trong lịch sử. Rồi Trump sẽ ra đi nhưng vết thương gây ra cho nước Mỹ phải rất lâu mới hàn gắn được. Với thế giới thì vai trò lãnh đạo của Mỹ đã chấm dứt một cách không thể đảo ngược.

Như anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phân tích, Donald Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của nền chính trị Mỹ đã quá xuống cấp. Trump là sự cảnh báo cần thiết để nước Mỹ thay đổi và tiến tới. Trump không biết gì về chính trị và không có bản lĩnh nên hậu quả mới chỉ có thế, nếu không thì nước Mỹ đã có một Hít-le mới. Mô hình chính trị "tổng thống chế" đã chứng minh sự tồi dở của nó. Chế độ tổng thống đã dành quá nhiều quyền lực cho một người và rất khó để thay thế người được dân chúng bầu lên. Trong một chế độ đại nghị thì Trump đã bị phế truất từ lâu. Ngay cả một thủ tướng nổi tiếng dân túy như Boris Jonhson của Anh cũng không thể tùy tiện và bạt mạng như Donald Trump.

Các ứng cử viên trong chế độ tổng thống đều là dân túy. Quan tâm duy nhất của họ là làm sao mị dân cho giỏi để lấy được nhiều phiếu nhất chứ không phải ưu tư về một giải pháp chính trị cho đất nước. Chúng ta có thể thấy rõ là chủ nghĩa dân túy chỉ bùng phát và thành công ở các nước theo chế độ tổng thống trong khi đó ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy rất giới hạn tại các nước theo chế độ nghị viện.

Chủ nghĩa dân túy vô cùng nguy hiểm. Phong trào cộng sản đã gây ra cái chết cho hơn 100 triệu người và khiến nhiều quốc gia chìm đắm trong độc tài và nghèo khó đến tận bây giờ, trong đó có Việt Nam. Chủ nghĩa phát xít Đức, Nhật, Ý đã làm cho các quốc gia này tan nát cùng với 60 triệu người thiệt mạng trên khắp thế giới. Putin làm cho nước Nga hoàn toàn kiệt quệ và không còn tương lai. Donald Trump đang làm cho nước Mỹ cũng như trật tự thế giới đổ vỡ và trở nên hỗn loạn sau 75 năm tương đối ổn định.

populist2

Donald Trump là một tổng thống dân túy.

Tập Hợp chỉ trích Donald Trump vì ông ta là một tổng thống dân túy. Mọi chế độ dân túy đều nguy hiểm vì chúng bất chấp các giá trị đạo đức, lẽ phải, nhân quyền và đó là những lý do dẫn đến xung đột, bế tắc và cuối cùng là chiến tranh. Các cuộc chiến trên thế giới không bao giờ xảy ra giữa hai nước dân chủ mà chỉ xảy ra giữa một nước dân chủ với một nước độc tài hoặc là giữa hai nước độc tài với nhau.

Việt Nam rất dễ rơi vào chủ nghĩa dân túy vì sự hời hợt chính trị của trí thức nói riêng và người dân nói chung. Sự ủng hộ cuồng nhiệt của người Việt trong nước lẫn ngoài nước đối với Donald Trump là ví dụ. Nếu không lên tiếng cảnh báo thì rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào chủ nghĩa dân túy nhất là khi Đảng cộng sản đang bế tắc và không ít đảng viên muốn chuyển hóa Việt Nam theo kiểu Putin của nước Nga, với vỏ là dân chủ nhưng ruột vẫn là độc tài.

Các chính quyền dân túy sẽ sớm thất bại vì không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Muốn lấy những giải pháp khó khăn thì phải có sự quyết tâm và đồng thuận. Chỉ có các chính đảng đúng nghĩa trong các thể chế đại nghị mới có khả năng đưa ra các dự án nghiêm túc cho đất nước và buộc các lãnh đạo đảng cầm quyền phải thực thi các dự án đó.

Phải biết một điều quan trọng rằng các chính đảng là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Đó là những người luôn có ưu tư và quan tâm tới việc nước. Các tổ chức chính trị là cỗ xe chuyên chở tư tưởng chính trị đến với quần chúng. Nước Mỹ không thiếu các nhà tư tưởng chính trị xuất sắc, các cuộc thảo luận tư tưởng luôn diễn ra nhưng chỉ trong phạm vi hẹp của các giảng đường đại học, các câu lạc bộ. Tư tưởng chính trị đó không đến được với quần chúng Mỹ vì mô hình "tổng thống chế". Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không giống các chính đảng thực thụ ở các nước theo mô hình đại nghị. Trong môi trường bát nháo đó thì kẻ nào to tiếng nhất và mị dân tốt nhất sẽ chiến thắng thay vì có một dự án chính trị tốt. Donald Trump không biết gì về chính trị vẫn có thể trở thành tổng thống.

populist3

Chế độ chính trị theo mô hình "đại nghị và tản quyền" buộc các chính đảng phải có một Dự án chính trị.

Chế độ tổng thống đã thất bại ở khắp nơi, tưởng chừng như nước Mỹ là ngoại lệ nhưng rõ ràng là không có ngoại lệ nào. Các nước chưa có thói quen sinh hoạt dân chủ như Việt Nam càng nguy hiểm. Chính vì thế mà Tập Hợp đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai là "chế độ đại nghị và tản quyền". Chế độ tổng thống có ít nhất hai tật nguyền :

"Tật nguyền đầu tiên ở ngay trong thể thức bầu cho một người thay vì cho một chính đảng. Lối bầu này khiến các chính đảng không lớn mạnh được vì điều kiện chính để nắm chính quyền là một nhân vật có sức thu hút cử tri, như thế điều kiện cốt lõi là có một ủy ban vận động tranh cử tốt chứ không phải một bộ máy đảng. Ông hay bà ta có thể được bầu vì những lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v. hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước.

Tật nguyền thứ hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người trong một thời gian được quy định trước. Trong hoàn cảnh của một nước chưa có truyền thống dân chủ, nó rất dễ dẫn tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là đàn áp, bạo loạn, thậm chí nội chiến. Hơn nữa nếu tổng thống vì bất cứ lý do nào bị mất uy tín giữa nhiệm kỳ thì sinh hoạt quốc gia sẽ bế tắc nguy hiểm trong suốt thời gian còn lại vì tổng thống không thể bị thay thế".

Việt Nam nên chọn chế độ đại nghị và tản quyền vì :

"Trong một chế độ đại nghị, quyền hành pháp ở trong tay một thủ tướng do quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Như thế khi bầu ra một quốc hội, một cách gián tiếp, người dân cũng chọn lựa một thủ tướng. Ưu điểm của chế độ đại nghị là người dân bầu trước hết cho một dự án chính trị của một đảng thay vì cho một người và sau đó chọn lựa một dân biểu trong số những ứng cử viên sinh hoạt gần gũi với họ mà họ có điều kiện để đánh giá; qua dân biểu của họ, họ cũng có khả năng theo dõi và kiểm soát một cách thường trực sinh hoạt của chính phủ.

Thể chế đại nghị là thể chế dân chủ nhất và cũng là thể chế đúng đắn nhất, với điều kiện là không dẫn tới tình trạng lạm phát chính đảng và một quốc hội tê liệt vì bị phân hóa giữa nhiều khuynh hướng đối nghịch. Điều kiện này, như kinh nghiệm đã chứng minh, có thể thỏa mãn được bằng cách bầu tất cả hoặc phần lớn các dân biểu quốc hội theo phương thức bầu cử đơn danh và một vòng.

Chúng ta chọn lựa chế độ đại nghị vì sự giản dị và tính dân chủ cao của nó".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng hòa Việt Nam)

Các cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh nhân vật đặc biệt là Donald Trump theo chúng tôi là có lợi cho phong trào dân chủ nói riêng và tương lai Việt Nam nói chung. Hy vọng là sau khi hiện tượng Donald Trump kết thúc thì người Việt Nam có cơ hội và lý do để chiêm nghiệm và suy tư về chính trị như tầm quan trọng của tư tưởng chính trị, các giá trị mà các chính trị gia cần phải có và mô hình chính trị phù hợp với Việt Nam…

Việt Hoàng

(05/08/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2586 times

2 comments

  • Comment Link VH jeudi, 06 août 2020 14:36 posted by VH

    Thưa anh Tuấn Trần.
    Người VN rất thực dụng và hời hợt về chính trị nên rất dễ rơi vào chủ nghĩa dân túy. Tập Hợp chỉ trích Trump là để cảnh báo cho người VN.
    Năm 1945 vì trí thức không quan tâm đến chính trị nên đất nước đã mắc nạn cộng sản.
    Không thể điều đó xảy ra một lần nữa nên anh em Tập Hợp phải phân tích cho mọi người hiểu được sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy.
    Cám ơn anh luôn hiểu cho Tập Hợp.
    Việt Hoàng

  • Comment Link Tuấn Trần jeudi, 06 août 2020 01:13 posted by Tuấn Trần

    Bài viết phân tích xuất sắc về nội dung của chủ nghĩa dân túy, Đặc biệt là thời điểm của bài viết khi nước Mỹ đang bước vào mùa bầu cử TT. Đây là khoảnh khắc quyết định vận mệnh chính trị của Trump- người đại diện lớn nhất của chủ nghĩa dân túy trên thế giới.
    Gần đây, anh Việt Hoàng đã nhận định rằng, Trump là một Tổng Thống dân tuý, nhưng lại rất nhát gan. Tôi rất đồng tình với ý kiến này.
    - Trump có một sự khác biệt với các nhà dân tuý khác. Đó là, Trump là một tỷ phú. Và 1 tỷ phú như Trump sẽ nhát gan khi đương đầu với những chế độ độc tài và tàn ác trên thế giới. Lý do có thể như sau:
    Một là, vì Trump vẫn để cho con cái kinh doanh trên toàn thế giới nên mọi quyết định luôn đặt quyền lợi của tổ quốc và gia đình đi đôi trong quan hệ với các nước. Ví dụ, Trump là trùm bất động sản- một lĩnh vực dễ kiếm tiền ở các môi trường do các nhà độc tài lãnh đạo. Điều này giải thích, vì sao Bắc Triều Tiên và Iran đều dính dáng đến việc chế tạo trái phép vũ khí hạt nhân, nhưng Trump quyết trừng phạt Iran, dù nước này đã tuân thủ sự giám sát của quốc tế. Trong lúc đó, Trump lại đặt bàn tiệc mời Kim jong Un tham dự như thượng khách. Vì sao vậy? Thực tế là, ở những nước mới xóa bỏ cộng sản như TQ và VN trước đây, chỉ sau vài năm mở cửa, giá bất động sản đã tăng lên hàng chục lần. Đúng là miếng mồi quá thơm ngon của các trùm BĐS thế giới, như gia đình Trump.
    Hai là, khi cho rằng tên tướng Iran chuẩn bị khủng bố quân đội Mỹ tại Iraq, Trump ra lệnh cho máy bay không người lái tiêu diệt. Điều tệ hại là, Trump đã không thể chứng minh việc chuẩn bị hành động của tên tướng này, dẫn đến hành động trả đũa của Iran. Hàng trăm quả tên lửa của Iran đã bắn vào quân đội Mỹ ở Iraq với một số tổn thất đáng kể cho quân đội Mỹ. Nhưng Trump không dám trả đũa. Sự chùn bước này của Trump đã tạo cơ hội cho Iran lấn tới, truy tố Trump và yêu cầu tòa hình sự quốc tế bắt giữ. Và cho biết, họ sẽ theo đuổi việc này đến cùng, thậm chí khi Trump hết nhiệm kỳ. Việc này tuy chỉ mang tính hình thức, nhưng đã giáng một cú đấm mạnh vào uy tín của Trump, khi Trump không dám có phản ứng gì. Với an nguy của các thành viên trong gia đình và tài sản rải rác trên khắp thế giới, nhiều người cho rằng sự nhượng bộ của Trump là có thể hiểu được. Mặt khác, hãy tưởng tượng, chỉ cần một hành động hăm doạ hoặc khủng bố vào 1 cơ sở kinh tế của Trump trên thế giới, các tên độc tài sẽ chắc chắn làm cho cổ phiếu các công ty Trump lao dốc không phanh. Tỷ phú là tài sản, và chắc chắn Trump sẽ cân nhắc điều đó.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)