Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 05 décembre 2020 20:37

Bài học Donald Trump

Chính quyền Việt Nam hôm 1/12/2020 đã gửi điện mừng đến tổng thống đắc cử Joe Biden sau gần một tháng im lặng. Dù vậy không ít người dân Việt Nam vẫn hoang tưởng cho rằng Trump có thể lật ngược được kết quả. Sự mê muội này sẽ kết thúc sau hai tuần nữa khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu chọn tổng thống Mỹ, một hành động mang tính tượng trưng. Muộn nhất là sau ngày 20/1/2021, khi Biden tuyên thệ nhậm chức thì nạn cuồng Trump mới có thể chấm dứt.

Cơn mê nào rồi cũng qua đi. Chỉ sau một thời ngắn thì đa số những người Việt cuồng Trump hôm nay sẽ quên đi việc họ từng ủng hộ Trump. Một số ít sẽ cảm nhận được sự bẽ bàng và nông cạn của mình. Thật ra người dân không đáng trách. Đáng trách và đáng buồn là những người xem mình trí thức nhưng đã lên tiếng ủng hộ Trump. Những người này hoặc là quá thiếu kiến thức về chính trị hoặc là gian. Gian là những người biết Trump xấu nhưng vẫn tung hô để câu like hoặc kiếm tiền trên Youtube. Họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nông cạn của quần chúng để kiếm tiền. Họ giam hãm trí tuệ của quần chúng trong tăm tối và đẩy người dân lún sâu vào sự mê muội.

trump1

Nhiều kẻ gian, biết Trump xấu nhưng vẫn tung hô và lợi dụng để kiếm tiền…

Người dân và trí thức Việt Nam cần rút ra bài học gì từ Donald Trump ?

Cần học hỏi để có kiến thức về chính trị

Văn hóa Khổng giáo và di sản lịch sử để lại một ngộ nhận nguy hiểm khi cho rằng chính trị không cần phải học. Nhiều người không biết gì về chính trị nhưng luôn xác quyết một cách chắc nịch về chính trị. Môi trường học hỏi về chính trị là các tổ chức chính trị có tư tưởng và chiều sâu. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là một môi trường như thế. Một người quan tâm đến chính trị và có ưu tư với đất nước thì chỉ cần đọc Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ HaiTổ Quốc Ăn Năn và các bài viết thường xuyên của anh em Tập Hợp là có thể có được kiến thức khá đầy đủ về chính trị. Các bài viết và ý kiến của các thân hữu (cảm tình viên) Tập Hợp trên Facebook đã chứng minh cho điều đó.

Chính trị rất khó khăn và phức tạp chứ không hề dễ dàng vì chính trị là bộ môn tổng hợp của tất cả các bộ môn. Bài học đầu tiên và quan trọng nhất là phải xem chính trị và các hoạt động chính trị như là một lĩnh vực cao quí và trong sáng như bao nghề nghiệp khác chứ không phải là thủ đoạn và gian manh. Nếu ngay từ đầu đã mặc định trong đầu rằng chính trị là bẩn thỉu và xấu xa thì có lý do gì để bàn luận hoặc tham gia vào chính trị ?

Cần cảnh giác với chủ nghĩa dân túy

Chủ nghĩa dân túy (populism) là gì ? Hiểu đơn giản thì đó là sự lợi dụng tình trạng phẫn nộ, có thể chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mị dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng không thể thực hiện được vì vừa sai vừa nguy hiểm (1).

Tất cả các chính trị gia dân túy đều mị dân. Chủ nghĩa cộng sản, phát xít, Hồi giáo cực đoan… cũng là dân túy. Đối tượng đầu tiên mà họ nhắm vào là tầng lớp ít học, thiếu hiểu biết và thiếu kiến thức. Họ chinh phục tầng lớp này và dùng lực lượng này để gây áp lực lên xã hội và giành chiến thắng. Họ sẽ thất bại trong thời gian ngắn sau khi đập phá đất nước và gây ra nhiều đổ vỡ kinh hoàng.

Donald Trump không chỉ gây chia rẽ trầm trọng cho nước Mỹ mà còn chia rẽ thêm một dân tộc khác là Việt Nam. Nếu không phân tích và nhận diện sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân túy thì trong tương lai, một lực lượng dân túy như vậy có thể giành được chính quyền khi Đảng cộng sản tan rã và rút lui khỏi chính trường. Họ sẽ lợi dụng và khai thác tối đa các bất mãn trong xã hội khiến cho đất nước rơi vào tình trạng nội chiến hoặc hỗn loạn. Khi đó chính Đảng cộng sản và các đảng viên sẽ là nạn nhân đầu tiên của chính quyền dân túy. Việc Đảng cộng sản ủng hộ Donald Trump và chủ nghĩa dân túy là một sai lầm lớn vì họ chính là đối tượng bị người dân thù ghét nhất.

Phong trào cộng sản tại Việt Nam năm 1945 là dân túy, họ khai thác và dựa vào sự bất mãn chính đáng của người dân trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước để kêu gọi làm cách mạng. Nhóm người họ nhắm vào đầu tiên là dân nghèo, thiếu hiểu biết và không có kiến thức về chính trị nhằm tạo ra một đám đông ủng hộ cơ bản. Đám đông ít học này rất ồn ào, to tiếng và dễ bị kích động. Sự cuồng nhiệt của đám đông này sẽ lôi kéo sự chú ý của dư luận và một số trí thức. Sự tham gia của các trí thức sau đó càng làm cho phong trào sôi nổi và gây tác động mạnh mẽ lên toàn xã hội. Khi đã trở thành một làn sóng thì phong trào dân túy sẽ cuốn đi tất cả, không còn ai dám chống lại và nghĩ khác. Các tiếng nói khác biệt, nếu có cũng sẽ nhanh chóng bị đè bẹp bởi đám đông. Khi mọi người chợt tỉnh thì đã muộn vì mọi việc đã đi quá xa.

trump2

Đảng Cộng hòa Mỹ hoàn toàn bị Trump chi phối thay vì chi phối Trump.

Phải dứt khoát nói không với chế độ tổng thống

Hầu hết các chính trị gia trong chế độ tổng thống đều là dân túy. Quan tâm của họ là làm sao mị dân cho giỏi để lấy được nhiều phiếu hơn là ưu tư về một giải pháp chính trị cho đất nước. Chế độ tổng thống tập trung quyền lực vào một người nên hậu quả tự nhiên của nó là vô hiệu hóa và làm tan nát các chính đảng. Đảng Cộng hòa Mỹ hoàn toàn bị Trump chi phối thay vì chi phối Trump.

Chế độ tổng thống khiến cho tư tưởng chính trị và dân trí xuống cấp, bởi vì các chính đảng vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến vừa là cỗ xe chuyên chở các ý kiến tới quần chúng. Trên thực tế, Mỹ hiện nay không còn các chính đảng. Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ chỉ còn là những bộ máy gây quỹ và tranh cử.

Chúng ta có thể thấy chủ nghĩa dân túy chỉ bùng phát và thành công ở các nước theo chế độ tổng thống trong khi đó ảnh hưởng của nó rất giới hạn tại các nước theo chế độ nghị viện.

Việt Nam trong tương lai nên chọn chế độ chính trị "đại nghị và tản quyền" vì tính dân chủ và giản dị của nó.

"Trong chế độ đại nghị, quyền hành pháp ở trong tay một thủ tướng do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Như thế khi bầu ra một Quốc hội, một cách gián tiếp, người dân cũng chọn lựa một thủ tướng. Ưu điểm của chế độ đại nghị là người dân bầu trước hết cho một dự án chính trị của một đảng thay vì cho một người và sau đó chọn lựa một dân biểu trong số những ứng cử viên sinh hoạt gần gũi với họ mà họ có điều kiện để đánh giá ; qua dân biểu của họ, họ cũng có khả năng theo dõi và kiểm soát một cách thường trực sinh hoạt của chính phủ".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, "Chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng hòa Việt Nam")

Donald Trump ở tận nước Mỹ mà còn gây chia rẽ người dân Việt Nam, nếu một người như Donald Trump xuất hiện ở Việt Nam thì nội chiến xảy ra là điều khó tránh. Việt Nam trong tương lai phải dứt khoát nói không với chế độ tổng thống.

Tranh đấu phải có tư tưởng

Tư tưởng chính trị là gì ? Tư tưởng chính trị là toàn bộ những suy nghĩ về các vấn đề chính trị của quốc gia cũng như quốc tế. Tư tưởng chính trị là những suy nghĩ nghiêm chỉnh về các vấn đề liên quan đến phương thức tổ chức xã hội (2).

Tư tưởng chính trị giống như một cái la bàn để những người đấu tranh không bị mất phương hướng. Tư tưởng chính trị là thứ bắt buộc phải có với một chính đảng dù là trong một chế độ đã có dân chủ hay đang tranh đấu.

Tư tưởng chính trị giúp cho những người tranh đấu không bị lạc đường hoặc sa đà vào những biến cố xảy ra thường xuyên. Tư tưởng chính trị giúp cho người tranh đấu có chiều sâu và kiến thức căn bản về các khái niệm của dân chủ. Nhiều người tranh đấu ủng hộ cuồng nhiệt Trump vì họ bị lẫn lộn các giá trị. Họ không nhìn thấy sự khiếm khuyết và thiếu hụt các giá trị đạo đức và dân chủ nơi con người Trump.

Tư tưởng chính trị cũng giúp người tranh đấu biết mình cần gì, muốn gì và đâu là cái đích cuối cùng…

Chính vì không có tư tưởng và không nắm vững các khái niệm căn bản của dân chủ, không hiểu rõ các phẩm giá cần thiết của một người dân chủ nên nhiều người tranh đấu đã đặt niềm tin vào Trump mà không dựa trên một cơ sở nào. Tình cảm đã thay thế cho lý trí.

trump3

Tư tưởng chính trị đã giúp cho Tập Hợp không bao giờ bị lạc đường…

Đấu tranh là phải có tổ chức

Muốn có tư tưởng chính trị thì phải tham gia vào một tổ chức chính trị. Tổ chức là nơi sàng lọc và sản xuất các ý kiến. Chỉ có những người có kiến thức và hiểu biết ngang nhau mới có thể thảo luận về chính trị một cách có hiệu quả. Các cuộc thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội thường không đi đến đâu vì sự bát nháo của thành phần tham gia. Cũng chỉ có những người quan tâm thật sự đến đất nước và chia sẻ với nhau các giá trị chung thì mới có thể đào sâu được vấn đề.

Chính trị là công việc khó khăn và đòi hỏi nhiều ưu tư, kiến thức tổng hợp mà không phải ai cũng có vì vậy những người làm chính trị luôn là một thiểu số. Bỏ qua tầng lớp thiểu số trí thức này để đi thẳng vào quần chúng là một sai lầm. Nên nhớ tổ chức chính trị là cỗ xe chuyên chở kiến thức chính trị đến với người dân chứ không phải các câu lạc bộ trí thức hay các giảng đường đại học.

Tổ chức cũng là nơi cho chúng ta sức mạnh và sự dũng cảm vì "hợp quần gây sức mạnh".

Nhiều trí thức Việt Nam đã ủng hộ Trump vì bị đám đông quần chúng lôi cuốn. Họ là những cá nhân cô đơn nên không dám lội ngược dòng để bảo vệ chính kiến và lẽ phải. Những trí thức dũng cảm khi phản đối Trump ở trong nước như Phạm Đình Trọng, Võ Văn Tạo, Phạm Lê Vương Các, Hồ Trung Tú, Huy Đức… chỉ là thiểu số nhỏ.

Anh em Tập Hợp biết rõ và có lý do chính đáng khi chỉ trích Trump vì chúng tôi thường xuyên thảo luận với nhau. Chúng tôi cũng rất may mắn được ông Nguyễn Gia Kiểng, một nhà tư tưởng chính trị lớn của Việt Nam tận tình hướng dẫn và chỉ bảo. Cũng nhờ có tổ chức mà chúng tôi có kiến thức và sự tự tin nên luôn vững vàng trước mọi sóng gió. Chúng tôi biết rõ đâu là cái đích của mình. Chúng tôi đi chậm nhưng sẽ không bao giờ lạc đường. Những bạn trẻ muốn tranh đấu cho một nước Việt Nam dân chủ mà không muốn lạc đường hãy tham gia và nhập cuộc cùng chúng tôi.

Việt Hoàng

(5/12/2020)

-------------------

(1) Việt Hoàng, "Donald Trump và chủ nghĩa dân túy", Thông Luận, 05/08/2020

(2) Việt Hoàng, "Sức mạnh của tư tưởng chính trị", Thông Luận, 18/08/2020

Published in Quan điểm
mercredi, 05 août 2020 07:27

Donald Trump và chủ nghĩa dân túy

Thế nào là chủ nghĩa dân túy (populism) ? Hiểu đơn giản thì đó là sự lợi dụng tình trạng phẫn nộ, có thể chính đáng và sự thiếu hiểu biết của một thành phần dân chúng để đưa ra những giải pháp mị dân có vẻ rất giản dị và thực tiễn nhưng không thể thực hiện được vì vừa sai vừa nguy hiểm.

Đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy là :

- Lợi dụng những người ít học, thuộc tầng lớp thấp, ít thông tin và thiếu hiểu biết. Khai thác các bất mãn và mâu thuẫn chính đáng của những người bị thua thiệt để giành quyền lực.

- Tranh thủ và lôi kéo những người không theo kịp đà tiến hóa của xã hội, bị bỏ rơi, tiếc nuối quá khứ bằng cách hứa hẹn đưa họ quay lại thời gian tươi đẹp đã từng có.

- Cổ vũ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, co cụm lại trong biên giới quốc gia hay trong giai cấp của mình. Khai thác sự bất dung, chống lại tất cả những người không thuộc về giai cấp mình, quốc gia mình thay vì mở rộng vòng tay để kết bạn và hợp tác với thế giới.

Phong trào cộng sản là lực lượng dân túy lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó đã lợi dụng sự phẫn nộ của tầng lớp công nhân sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất để đưa ra "giải pháp đấu tranh giai cấp, xóa bỏ quyền tư hữu và tiêu diệt giai cấp tư sản". 

Phát xít Đức cũng là dân túy. Hit-le đã lợi dụng sự phẫn nộ chính đáng của người Đức sau Thế chiến thứ nhất, khi nước Đức vì thua trận, bị mất đất và phải bồi thường chiến tranh trong khi một số tài phiệt Do Thái hành xử một cách vô trách nhiệm, để đưa ra giải pháp "tiêu diệt người Do Thái và tuyên chiến với các nước Châu Âu".

Các lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan cũng là dân túy khi khai thác sự phẫn nộ của một bộ phận dân chúng Hồi giáo trước sự suy thoái không thể đảo ngược của nhân sinh quan (ý thức hệ) Hồi giáo bằng cách đổ lỗi cho Phương Tây và kêu gọi "giải pháp thánh chiến".

populist1

Một số nhà lãnh đạo dân túy tiêu biểu hiện nay trên thế giới : Hàng trên : Donald Trump, Jair Bolsonaro, Benjamin Netanyahu và Narendra Modi. Hàng dưới : Recep Tayyip Erdoğan, Rodrigo Duterte, Xi Jinping, Vladimir Putin, Viktor Orbán. Nguồn : EPA, Getty, Reuters, AP

Chủ nghĩa dân túy đang hồi sinh trở lại với trường hợp Duterte tại Philippines, Putin tại Nga, Stracher và đảng FPO tại Áo, Le Pen tại Pháp, Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, Maduro tại Venezuela, phong trào Brexit tại Anh, Bolsonaro tại Brasil, v.v. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất và đáng thảo luận nhất là trường hợp Donald Trump, tổng thống 45 của Mỹ, quốc gia dân chủ hùng mạnh nhất.

Chưa có một tổng thống Mỹ nào gây chia rẽ nước Mỹ và thế giới dân chủ như Donald Trump. Trong 4 năm qua Trump đã làm cho nước Mỹ trở nên hỗn loạn và phân cực chưa từng thấy trong lịch sử. Rồi Trump sẽ ra đi nhưng vết thương gây ra cho nước Mỹ phải rất lâu mới hàn gắn được. Với thế giới thì vai trò lãnh đạo của Mỹ đã chấm dứt một cách không thể đảo ngược.

Như anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phân tích, Donald Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của nền chính trị Mỹ đã quá xuống cấp. Trump là sự cảnh báo cần thiết để nước Mỹ thay đổi và tiến tới. Trump không biết gì về chính trị và không có bản lĩnh nên hậu quả mới chỉ có thế, nếu không thì nước Mỹ đã có một Hít-le mới. Mô hình chính trị "tổng thống chế" đã chứng minh sự tồi dở của nó. Chế độ tổng thống đã dành quá nhiều quyền lực cho một người và rất khó để thay thế người được dân chúng bầu lên. Trong một chế độ đại nghị thì Trump đã bị phế truất từ lâu. Ngay cả một thủ tướng nổi tiếng dân túy như Boris Jonhson của Anh cũng không thể tùy tiện và bạt mạng như Donald Trump.

Các ứng cử viên trong chế độ tổng thống đều là dân túy. Quan tâm duy nhất của họ là làm sao mị dân cho giỏi để lấy được nhiều phiếu nhất chứ không phải ưu tư về một giải pháp chính trị cho đất nước. Chúng ta có thể thấy rõ là chủ nghĩa dân túy chỉ bùng phát và thành công ở các nước theo chế độ tổng thống trong khi đó ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy rất giới hạn tại các nước theo chế độ nghị viện.

Chủ nghĩa dân túy vô cùng nguy hiểm. Phong trào cộng sản đã gây ra cái chết cho hơn 100 triệu người và khiến nhiều quốc gia chìm đắm trong độc tài và nghèo khó đến tận bây giờ, trong đó có Việt Nam. Chủ nghĩa phát xít Đức, Nhật, Ý đã làm cho các quốc gia này tan nát cùng với 60 triệu người thiệt mạng trên khắp thế giới. Putin làm cho nước Nga hoàn toàn kiệt quệ và không còn tương lai. Donald Trump đang làm cho nước Mỹ cũng như trật tự thế giới đổ vỡ và trở nên hỗn loạn sau 75 năm tương đối ổn định.

populist2

Donald Trump là một tổng thống dân túy.

Tập Hợp chỉ trích Donald Trump vì ông ta là một tổng thống dân túy. Mọi chế độ dân túy đều nguy hiểm vì chúng bất chấp các giá trị đạo đức, lẽ phải, nhân quyền và đó là những lý do dẫn đến xung đột, bế tắc và cuối cùng là chiến tranh. Các cuộc chiến trên thế giới không bao giờ xảy ra giữa hai nước dân chủ mà chỉ xảy ra giữa một nước dân chủ với một nước độc tài hoặc là giữa hai nước độc tài với nhau.

Việt Nam rất dễ rơi vào chủ nghĩa dân túy vì sự hời hợt chính trị của trí thức nói riêng và người dân nói chung. Sự ủng hộ cuồng nhiệt của người Việt trong nước lẫn ngoài nước đối với Donald Trump là ví dụ. Nếu không lên tiếng cảnh báo thì rất có thể Việt Nam sẽ rơi vào chủ nghĩa dân túy nhất là khi Đảng cộng sản đang bế tắc và không ít đảng viên muốn chuyển hóa Việt Nam theo kiểu Putin của nước Nga, với vỏ là dân chủ nhưng ruột vẫn là độc tài.

Các chính quyền dân túy sẽ sớm thất bại vì không thể có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Muốn lấy những giải pháp khó khăn thì phải có sự quyết tâm và đồng thuận. Chỉ có các chính đảng đúng nghĩa trong các thể chế đại nghị mới có khả năng đưa ra các dự án nghiêm túc cho đất nước và buộc các lãnh đạo đảng cầm quyền phải thực thi các dự án đó.

Phải biết một điều quan trọng rằng các chính đảng là môi trường thảo luận chính trị, sản xuất, sàng lọc và truyền bá tư tưởng chính trị. Đó là những người luôn có ưu tư và quan tâm tới việc nước. Các tổ chức chính trị là cỗ xe chuyên chở tư tưởng chính trị đến với quần chúng. Nước Mỹ không thiếu các nhà tư tưởng chính trị xuất sắc, các cuộc thảo luận tư tưởng luôn diễn ra nhưng chỉ trong phạm vi hẹp của các giảng đường đại học, các câu lạc bộ. Tư tưởng chính trị đó không đến được với quần chúng Mỹ vì mô hình "tổng thống chế". Hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không giống các chính đảng thực thụ ở các nước theo mô hình đại nghị. Trong môi trường bát nháo đó thì kẻ nào to tiếng nhất và mị dân tốt nhất sẽ chiến thắng thay vì có một dự án chính trị tốt. Donald Trump không biết gì về chính trị vẫn có thể trở thành tổng thống.

populist3

Chế độ chính trị theo mô hình "đại nghị và tản quyền" buộc các chính đảng phải có một Dự án chính trị.

Chế độ tổng thống đã thất bại ở khắp nơi, tưởng chừng như nước Mỹ là ngoại lệ nhưng rõ ràng là không có ngoại lệ nào. Các nước chưa có thói quen sinh hoạt dân chủ như Việt Nam càng nguy hiểm. Chính vì thế mà Tập Hợp đề nghị mô hình chính trị cho Việt Nam trong tương lai là "chế độ đại nghị và tản quyền". Chế độ tổng thống có ít nhất hai tật nguyền :

"Tật nguyền đầu tiên ở ngay trong thể thức bầu cho một người thay vì cho một chính đảng. Lối bầu này khiến các chính đảng không lớn mạnh được vì điều kiện chính để nắm chính quyền là một nhân vật có sức thu hút cử tri, như thế điều kiện cốt lõi là có một ủy ban vận động tranh cử tốt chứ không phải một bộ máy đảng. Ông hay bà ta có thể được bầu vì những lý do hời hợt như trẻ đẹp, đi đứng duyên dáng, nói năng hùng hồn, v.v. hơn là vì uy tín của đảng mình và khả năng chính trị của mình. Ứng cử viên này một khi đã đắc cử sẽ chế ngự đảng chứ không lệ thuộc đảng. Kinh nghiệm cho thấy là trong mọi chế độ tổng thống, kể cả Hoa Kỳ, không có những chính đảng mạnh như trong các chế độ đại nghị và đây là một thiệt hại lớn vì các chính đảng vừa là lò đào tạo ra nhân tài chính trị vừa là môi trường sản xuất và sàng lọc các ý kiến trên những vấn đề lớn đặt ra cho đất nước.

Tật nguyền thứ hai là nó dành quá nhiều quyền cho một người trong một thời gian được quy định trước. Trong hoàn cảnh của một nước chưa có truyền thống dân chủ, nó rất dễ dẫn tới lạm quyền và độc tài với hậu quả là đàn áp, bạo loạn, thậm chí nội chiến. Hơn nữa nếu tổng thống vì bất cứ lý do nào bị mất uy tín giữa nhiệm kỳ thì sinh hoạt quốc gia sẽ bế tắc nguy hiểm trong suốt thời gian còn lại vì tổng thống không thể bị thay thế".

Việt Nam nên chọn chế độ đại nghị và tản quyền vì :

"Trong một chế độ đại nghị, quyền hành pháp ở trong tay một thủ tướng do quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước quốc hội. Như thế khi bầu ra một quốc hội, một cách gián tiếp, người dân cũng chọn lựa một thủ tướng. Ưu điểm của chế độ đại nghị là người dân bầu trước hết cho một dự án chính trị của một đảng thay vì cho một người và sau đó chọn lựa một dân biểu trong số những ứng cử viên sinh hoạt gần gũi với họ mà họ có điều kiện để đánh giá; qua dân biểu của họ, họ cũng có khả năng theo dõi và kiểm soát một cách thường trực sinh hoạt của chính phủ.

Thể chế đại nghị là thể chế dân chủ nhất và cũng là thể chế đúng đắn nhất, với điều kiện là không dẫn tới tình trạng lạm phát chính đảng và một quốc hội tê liệt vì bị phân hóa giữa nhiều khuynh hướng đối nghịch. Điều kiện này, như kinh nghiệm đã chứng minh, có thể thỏa mãn được bằng cách bầu tất cả hoặc phần lớn các dân biểu quốc hội theo phương thức bầu cử đơn danh và một vòng.

Chúng ta chọn lựa chế độ đại nghị vì sự giản dị và tính dân chủ cao của nó".

(Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, Chương 6 : Thể chế và Hiến pháp cho Cộng hòa Việt Nam)

Các cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh nhân vật đặc biệt là Donald Trump theo chúng tôi là có lợi cho phong trào dân chủ nói riêng và tương lai Việt Nam nói chung. Hy vọng là sau khi hiện tượng Donald Trump kết thúc thì người Việt Nam có cơ hội và lý do để chiêm nghiệm và suy tư về chính trị như tầm quan trọng của tư tưởng chính trị, các giá trị mà các chính trị gia cần phải có và mô hình chính trị phù hợp với Việt Nam…

Việt Hoàng

(05/08/2020)

Published in Quan điểm