Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/09/2021

Chống cộng và đấu tranh cho dân chủ khác nhau thế nào ?

Việt Hoàng

 

Từ trước đến nay người dân Việt Nam mặc định tất cả những người lên tiếng chỉ trích chế độ cộng sản đều là phong trào dân chủ Việt Nam. Từ khi xuất hiện Donald Trump thì đã bắt đầu có sự khác nhau trong việc đánh giá và nhìn nhận thế nào là một người dân chủ. Việc chính quyền Việt Nam bắt giam một người bất đồng chính kiến là Bùi Văn Thuận, một giáo viên trung học sống tại Thanh Hóa hôm 30/8/2021 theo điều 117 với tội danh ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’ khiến một số người tiếp tục đặt câu hỏi thế nào là một người dân chủ.

Mặc dù chưa được nhiều người quan tâm và chú ý nhưng việc ‘thắc mắc’ thế nào là một người dân chủ chứng tỏ kiến thức về dân chủ của một số người Việt đã được nâng cao thêm một bậc. Theo chúng tôi, không nên tránh né thảo luận những vấn đề ‘nhạy cảm’ vì chỉ có thảo luận một cách thẳng thắn thì chúng ta mới làm sáng tỏ được vấn đề về những khái niệm liên quan đến chính trị và hoạt động chính trị.

Trước hết thế nào là ‘chống cộng’ và chống cộng là chống cái gì ? Theo tôi thì ‘cộng’ ở đây tức là cộng sản. Chống cộng là chống cộng sản. Cộng sản có ba thành tố : Chủ nghĩa cộng sản, Đảng cộng sản và Những người cộng sản. Chống cộng là đúng vì cộng sản là hiện thân của cái xấu, cái ác, cái lạc hậu cần phải xóa bỏ. Năm 2006, Nghị viện Châu Âu đã thông qua nghị quyết 1481 lên án chủ nghĩa cộng sản và xác quyết chủ nghĩa cộng sản đã phạm tội ác chống lại loài người.

Liên Hợp Quốc đã thảo luận về khái niệm ‘khủng bố’ trong hơn nửa thế kỷ và năm 2005 đã đạt được một định nghĩa tóm tắt như sau :

"Khủng bố là hành động dùng bạo lực để sát hại hoặc gây thương tích cho những người không phải là chiến binh trong mục đích gây kinh sợ hoặc tạo áp lực để buộc một chính quyền hoặc một tập thể phải làm hoặc phải không làm một việc nào đó".

Đây là một cố gắng lớn vì vấp phải sự chống đối của các nước cộng sản. Với định nghĩa này thì các nhà nước độc tài, toàn trị và cộng sản mặc nhiên bị nhìn nhận như là những tổ chức khủng bố.

black1

Bìa cuốn "Sách đen của chủ nghĩa cộng sản : Tội ác, khủng bố, đàn áp" (The Black Book of Communism : Crimes, Terror, Repression) của một số nhà nghiên cứu Châu Âu. Các tác giả ước tính đã có khoảng 100 triệu người bị giết chết dưới các chế độ cộng sản.

Nên biết một điều khá thú vị là Đặng Tiểu Bình đã công khai từ bỏ chủ nghĩa cộng sản toàn nguyên, dù chỉ là trên lý thuyết khi ông phát biểu rằng Trung Quốc đi theo con đường xã hội chủ nghĩa nhưng mang màu sắc Trung Quốc. Putin, nhà độc tài cai trị nước Nga bằng bàn tay sắt cũng không có ý định dựng dậy thây ma cộng sản mà nếu muốn, ông hoàn toàn có thể làm được. Trong khi đó, cho đến giờ Đảng cộng sản Việt Nam và ông Nguyễn Phú Trọng vẫn hô hào toàn dân kiên định tiến lên chủ nghĩa cộng sản.

Những người "đấu tranh cho dân chủ" là ai ? Đó là những người tranh đấu nhằm mục đích thiết lập một chế độ dân chủ cho Việt Nam. Những người đấu tranh cho dân chủ có chống cộng không ? Câu trả lời là có. Tuy nhiên với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì chúng tôi chỉ chống Chủ nghĩa cộng sản và Đảng cộng sản chứ không chống ‘những người cộng sản’ vì họ cũng chỉ là nạn nhân của sự mù quáng và thiếu hiểu biết. Tập Hợp cũng ‘chống cộng’ nhưng đó không phải là mục đích cuối cùng. Chống cộng chỉ là một công việc trên chặng đường dài để đi đến mục đích sau cùng là thiết lập và xây dựng một chế độ dân chủ cho Việt Nam.

Như vậy người ‘chống cộng’ và ‘đấu tranh cho dân chủ’ giống nhau ở điểm là cùng... chống cộng nhưng khác nhau ở mục đích. Cả hai là đồng minh của nhau nhưng những người đấu tranh cho dân chủ có lộ trình và mục đích rõ ràng trong khi những người chống cộng thì không có điều đó. Vì thế, tiêu chí để nhận diện những người chống cộng và người đấu tranh cho dân chủ đó là những người đấu tranh cho dân chủ có tổ chức và có một dự án chính trị rõ ràng còn người chống cộng thì không. Trong hai yếu tố tổ chức và dự án chính trị thì dự án chính trị quan trọng hơn vì có nhiều tổ chức chống cộng nhưng không có dự án chính trị. Ví dụ, tổ chức của Đào Minh Quân không thể gọi là dân chủ vì họ chống cộng cực đoan theo kiểu khủng bố.

Chống cộng là đúng nhưng chỉ dừng ở đấy thì cũng không đạt được kết quả gì vì ngay cả họ cũng không hình dung được cái gì sẽ đến sau khi không còn cộng sản. Họ lý luận hời hợt và giản dị rằng cứ đánh sập cộng sản đi đã rồi hẵng tính. Đó là sự thụ động, đến đâu thì đến và kết quả là Việt Nam có thể rơi vào tình trạng như nước Nga khi chế độ độc tài đảng trị sụp đổ và nhường chỗ cho một chế độ độc tài cá nhân trị.

Những người chống cộng thường chống luôn cả người cộng sản bằng những chỉ trích nặng lời, khiêu khích và thậm chí sỉ nhục lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Điều đó làm Đảng cộng sản tức giận và tự ái. Cũng vì lòng kiêu ngạo cộng sản nên Đảng cộng sản đã đàn áp dữ dội những người chống cộng ôn hòa, chỉ dùng lời nói làm vũ khí.

Chống lại cái xấu, cái ác là bản năng trong mỗi con người lương thiện và có hiểu biết nhưng chỉ chống cộng thôi thì không thể thay đổi được điều gì. Đảng cộng sản cũng sẽ ‘lắng nghe và sửa chữa’ nhưng chỉ là những thứ vụn vặt mang tính mị dân chứ họ không bao giờ thay đổi bản chất.

Trong khi đó, với những người đấu tranh dân chủ như Tập Hợp thì chúng tôi cho rằng mặt trận chính của cuộc cách mạng dân chủ lần này là trên lĩnh vực tư tưởng và lý luận vì vậy không cần khiêu khích Đảng cộng sản. Nhiệm vụ quan trọng nhất trong lúc này là thuyết phục người dân Việt Nam ủng hộ cho một truyện thuyết mới, một dự án tương lai chung cho tất cả mọi người Việt Nam. Khi có được sự ủng hộ của một bộ phận quần chúng và trí thức Việt Nam thì việc tiếp theo sẽ là kết hợp lại với nhau để hình thành nên một đối lập có tầm vóc. Theo chúng tôi, chỉ khi đó phong trào dân chủ Việt Nam mới có thể làm áp lực buộc Đảng cộng sản thay đổi về hướng dân chủ.

Khó khăn lớn nhất đối với một tổ chức chính trị là thuyết phục và kết hợp được khoảng 500 đến 1000 người đầu tiên. Sau đó, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Cũng như một chiếc xe, khó nhất và cần nhiều lực nhất là lúc khởi động, khi nó đã chuyển động thì sẽ tăng tốc rất nhanh và dễ dàng. Người dân không kiên nhẫn, không lãng mạn mà rất thực tế. Họ chỉ ủng hộ một tổ chức đã có tầm vóc và tổ chức đó phải cho họ niềm tin chiến thắng, niềm tin vào tương lai. Họ cần biết rõ chỗ đứng và tương lai của họ trong truyện thuyết mới. Xin nhắc lại, muốn thay thế một truyện thuyết đã cũ và lạc hậu như truyện thuyết cộng sản thì cần phải có một truyện thuyết mới. Ví dụ truyện thuyết dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp đề nghị.

Muốn Việt Nam có dân chủ thì phải có những tổ chức dân chủ và những con người dân chủ. Người dân chủ là người có tinh thần, văn hóa và kiến thức dân chủ. Phải dứt khoát nói không với bạo lực. Phải có sự bao dung để chấp nhận các ý kiến khác biệt. Phải sẵn sàng thảo luận mọi vấn đề với thái độ khiêm tốn, cầu tiến và hòa nhã. Văn hóa Khổng giáo mà phiên bản cải tiến của nó là chủ nghĩa cộng sản đã để lại nhiều tật nguyền cho người Việt Nam như sự vô lễ với kiến thức chính trị, sự hời hợt và nông nổi trong tư duy, thiếu văn hóa thảo luận và trên hết là không biết kết hợp lại với nhau để thực hiện những dự án lớn cho bản thân cũng như cho đất nước.

Livre TL

Sự khác nhau giữa những người đấu tranh cho dân chủ và chống cộng là một bên có dự án chính trị còn một bên thì không.

Có thể khẳng định rằng phong trào dân chủ Việt Nam mới chỉ dừng ở mức 'chống cộng'. Chỉ có một số ít, rất ít đạt được mức cao hơn là 'đấu tranh cho dân chủ'. Để nâng cấp bản thân từ một người chống cộng thành một người đấu tranh cho dân chủ cần có sự cố gắng để vượt thoát lên chính bản thân mình. Không cần phải ‘đao to búa lớn’ hay hô hào hy sinh này nọ mà mỗi người chỉ cần thành thật với chính bản thân mình là mình có thật sự yêu nước, yêu đồng bào mình không ? Có muốn thay đổi tương lai cho dân tộc Việt Nam không và đã có kế hoạch gì để biến giấc mơ đó thành sự thật hay không ?

Tổ chức chỉ là phương tiện chứ không phải cứu cánh. Không có phương tiện thì không thể đi đến đích. Người đấu tranh cho dân chủ phải hiểu và ý thức được điều đó để sẵn sàng tham gia và đóng góp cho một tổ chức nào đó. Trừ một vài trường hợp như các nhà nghiên cứu hay các học giả, những người không tham gia hoặc không ủng hộ cho bất cứ tổ chức nào thì chưa phải là một người đấu tranh cho dân chủ. Những người không coi trọng đạo đức chính trị và kiến thức chính trị cũng không phải là người dân chủ. Ví dụ những người cuồng Trump. Trump là mẫu người làm chính trị lý tưởng trong văn hóa Khổng giáo. Đó là mẫu người không cần học hỏi về chính trị, không có đạo đức, thủ đoạn, dối trá... nhưng vẫn thành công và nắm giữ quyền lực. Người Việt ủng hộ Trump là ‘đương nhiên’ vì đó là  quán tính của văn hóa Khổng giáo đã ngấm vào trong máu mỗi người Việt Nam trong hàng ngàn năm mà thậm chí chúng ta không nhận ra. Phải rất bản lĩnh mới vượt lên được chính mình.

Tổ chức sẽ giúp chúng ta cải thiện và thay đổi văn hóa độc hại đó. Khi tham gia và sinh hoạt trong một tổ chức đứng đắn thì những tư duy và thói quen xấu sẽ được nhận diện và được mọi người góp ý, nhắc nhở để cùng nhau chế ngự chúng. Ví dụ, với Tập Hợp thì tinh thần thảo luận luôn là ‘không có chủ đề nào là cấm đưa ra và không có ý kiến nào là không được bàn đến’. Anh em Tập Hợp luôn phát biểu thẳng thắn mọi vấn đề của đất nước nhưng chúng tôi luôn cẩn trọng, ôn hòa và kiềm chế cảm xúc cá nhân. Chúng tôi luôn nghĩ đến uy tín và thanh danh của tổ chức. Chúng tôi trân trọng và bảo vệ tổ chức vì đó là phương tiện đưa chúng tôi và mọi người đến tương lai. Nhờ vậy mà chúng tôi ít mắc phải sai lầm. Trong khi đó, một người chống cộng cô đơn rất dễ bị cảm xúc chi phối. Họ khó giữ được bình tĩnh khi bị tấn hay khiêu khích trong lúc thảo luận. Với một số nhân sĩ thì khi họ mắc sai lầm cũng không ai dám hay muốn góp ý nên nhiều khi họ sai mà không hề hay biết.

Chúng tôi hiểu và thông cảm với những người cuồng Trump. Theo chúng tôi thì không nên giận họ mà nên kiên nhẫn và bao dung với họ. Rồi đến một lúc nào đó họ sẽ nhận ra rằng những người làm chính trị rất cần đến kiến thức chính trị và đạo đức chính trị. Có kiến thức để không làm sai, làm ẩu. Có đạo đức để không làm càn, làm bậy. Những quyết định cực đoan trong việc chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam là bằng chứng cho sự thiếu hụt về kiến thức và đạo đức chính trị của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.

Tập Hợp tranh đấu để chiến thắng và mong muốn trở thành đảng cầm quyền để thực hiện dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Dù vậy chúng tôi sẽ không dùng bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục đích mà chúng tôi luôn cố gắng thuyết phục người dân Việt Nam ủng hộ cho một truyện thuyết mới, truyện thuyết dân chủ đa nguyên. Chúng tôi sẽ tuân thủ luật chơi, tôn trọng và chấp nhận sự lựa chọn của người dân Việt Nam trong các cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong tương lai.

Việt Hoàng

(15/9/2021)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1335 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)