Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chúng ta đã ra sao qua một năm 2022? Một nhà nước Việt Nam với dáng dấp của một sự vô chính phủ, "loạn lạc" đã diễn ra.

Đầu tiên, không ai trong chúng ta có thể quên thảm kịch Covid 19. Thảm họa này đã đi qua nhưng nó để lại nhiều hậu quả, ảnh hưởng cực kỳ nặng nề đến các mặt của đất nước như kinh tế, y tế, dịch vụ… Thật không thể tưởng tượng nổi sau bao nhiêu năm, không còn là thời kỳ chiến tranh nữa, nhưng cách mà chế độ cộng sản cư xử với người dân, với đất nước vẫn rừng rú và lưu manh không khác gì thập niên 70 thế kỷ trước. Họ tùy tiện sử dụng lực lượng vũ trang để trấn áp, bắt giữ, cai trị thô bạo với mọi người. Nhà nước Việt Nam đã biến thành một dạng Nhà nước Cảnh sát (Police-State) trong con mắt người dân và có thể là quốc tế - mặc dầu chỉ là trong một giai đoạn ngắn ngủi của dịch nhưng đó đã trở thành hình ảnh rất xấu trong thời kỳ mà các quyền con người được coi là phép tôn trọng tối thiểu và hiển nhiên ngày nay.

daunam1

Chiến dịch giải cứu người Việt ở nước ngoài khi xảy ra đại dịch Covid-19 kết thúc với việc hàng lô quan chức ngoại giao bị tống vào lò…

Chúng ta cũng không quên được hình ảnh về những bài báo ca ngợi công lao chế độ cộng sản trong thành tích chống dịch, giải cứu người dân về nước bằng những từ ngữ đao to búa lớn như "ngạo nghễ Việt Nam"... và rồi sau đó vở kịch này hạ màn cùng với một lô quan chức bị bắt vì vụ Kit test Việt Á và chiến dịch giải cứu người Việt ở nước ngoài. Thật kinh khủng. Họ thậm chí lợi dụng và trục lợi từ cả đồng bào mình ngay cả khi đại dịch diễn ra. Tình đồng bào ở đâu, lòng yêu nước ở đâu, nó ở vị trí nào trong họ ?

Cùng với đó, sự ứng xử kém cỏi, thiếu suy nghĩ của đảng cộng sản trong cuộc chiến Nga – Ukraine và Trung Quốc đã khiến nước ta mất đi rất nhiều cơ hội vàng quý giá trong việc tranh thủ mâu thuẫn đó, kéo các nước dân chủ bạn bè về phía chúng ta nhiều hơn. Giống như Trung Quốc, thậm chí là nặng nề hơn, chúng ta lệ thuộc vào ngoại thương trong phần lớn tỷ trọng kinh tế (ngoại thương Việt Nam lớn hơn 200% GDP).

Hiển nhiên, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã thể hiện thái độ đứng về phe độc tài. Đáp trả lại hành động đó, các quốc gia dân chủ chuyển từ thái độ để mắt, nâng niu, vuốt ve Việt Nam sang một thái độ dè chừng, nheo mày và lắc đầu ngao ngán. Điều đó thể hiện ở việc các công ty tập đoàn lớn của nước ngoài đang dần rút khỏi Việt Nam như Samsung. Một người bạn của tôi nói rằng công ty đối tác của cậu ta ở Sài Gòn vào đầu năm 2023 này đã cắt giảm 80% nhân sự. Kinh hoàng !

viethuy2

Hàng trăm ngàn công nhân bị mất việc ngay trước Tết và sẽ còn rất nhiều người tiếp tục bị mất việc trong thời gian tới…

Đúng với những tuyên bố của lãnh đạo cộng sản, năm 2023 sẽ có khoảng 600.000 người lao động mất việc trên cả nước. Đó là con số họ nói với nhau nhưng tôi nghĩ sự thực sẽ còn nhiều hơn (riêng ở Sài Gòn là 100.000 người lao động mất việc). Thử làm phép tính đơn giản là sẽ có bao nhiêu gia đình, bao nhiêu con người bị ảnh hưởng bởi những biến cố đó ? Xã hội sẽ thế nào với một số lượng lớn người thất nghiệp cùng với những phát sinh về an sinh, trật tự xã hội ?

Thị trường bất động sản cũng chết đứng. Với một xã hội đặt nền tảng trên việc bóc lột tài nguyên thiên nhiên mà không có sự sáng tạo trong lao động sản xuất như Việt Nam, chắc chắn một điều là giá của tài nguyên hiện hữu dễ thấy nhất là đất đã bị đẩy vọt lên…trên trời. Cơn khủng hoảng này sẽ còn trầm trọng nữa vì bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của chúng ta. Từ đất lên trời ! Đảng cộng sản quá giỏi trong việc đẩy mọi thứ lên… trời.

Chiến dịch đốt lò của của ông Trọng lại là một kinh hoàng nữa thể hiện rõ bộ mặt của chế độ. Chỉ trong một năm trời, các cuộc đấu đá, thanh trừng của họ đã đi lên đỉnh điểm khi một loạt quan chức bị bắt về sai phạm, nhẹ thì kỷ luật đảng, nặng thì bị tống giam. Họ đâu có còn là một cơ thể thống nhất. Ngay cả những nơi dường như là vùng cấm, vùng đỏ của đảng mà cũng bị… đốt. Đến mức độ, dân gian Việt Nam còn nói vui với nhau, nghề quan chức ở Việt Nam hiện tại mới là nghề nguy hiểm nhất.

Đảng cộng sản đã mất hoàn toàn đồng thuận chung. Đồng thuận của họ bây giờ, tôi nghĩ chính là sự hung hăng trong việc thanh trừng phe phái, tiêu diệt lẫn nhau để… câu giờ trong lúc họ đau đớn suy nghĩ về một đồng thuận mới cho đất nước: chấp nhận làn sóng dân chủ đang tới và nhường chính trường lại cho những tổ chức xứng đáng.

vt-3

Hai ông phó thủ tướng bị nghỉ việc ngay trước Tết cho thấy Đảng cộng sản không còn đồng thuận chung.

Chúng ta đã trải qua một năm 2022 kinh hoàng tột độ về mọi thứ mà chế độ này có thể làm cho đất nước.

Họ càng ngày càng chứng tỏ sự thất bại toàn diện của họ về tư tưởng, quản trị đất nước, khả năng điều hành kinh tế, quản lý và ngoại giao...

Đó là tất cả những gì họ có thể làm và đã làm.

Tôi thành thật nói rằng, họ cũng đang rất lúng túng và họ cần một người bạn có thể chìa tay ra giúp cho họ có giải pháp mới, lạc quan cho đất nước. Người bạn đó chính là chúng ta – những trí thức chính trị còn lòng dạ với đất nước.

Đó là suy nghĩ tôi dành cho các bạn, trước thềm năm mới 2023 !

Việt Thủy

(15/01/2023)

Published in Quan điểm

Năm 2022 vừa đi qua, năm mới 2023 đã đến với những mong đợi và lo toan. Những sự kiện đã xảy ra trong năm 2022 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2023, cả tích cực và tiêu cực, chúng ta cùng nhìn lại một số sự kiện nổi bật trong năm 2022 và có khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2023.

vn1

Một khảo sát của VietNamnet về mức thu nhập của người dân trong năm 2022

1. Hai đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu

Hai đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu đã bộc lộ mọi khuất tất trong cách vận hành của nền kinh tế Việt Nam và mối quan hệ mờ ám giữa quan chức và doanh nghiệp. Việt Á là một vụ án tham nhũng và hối lộ nhưng được thực hiện trên một quy mô lớn, bài bản, liên quan đến mọi cấp, từ Trung ương đến địa phương.

Vụ chuyến bay giải cứu còn nghiêm trọng hơn vụ Việt Á, vì nó được chính quan chức trong Bộ Ngoại giao và các đại sứ quán thực hiện. Ngay từ đầu, người dân đã nhận ra vấn đề vì mức giá vé cao ngất ngưởng của những chuyến bay được tung hô là "nhân đạo", là "giải cứu". Nhưng chính quyền lại không hề làm gì để ngăn chặn. Chỉ đến khi mọi việc đã kết thúc, đại dịch cũng đã lui, lúc đó chính quyền mới ra tay "phanh phui".

Hàng loạt quan chức cấp cao đã bị bắt vì liên quan đến 2 đại án này. Hai đại án này cho thấy rõ, Việt Nam không có cơ chế ngăn chặn thảm họa ngay khi nó mới manh nha. Bởi vì, Việt Nam không có hệ thống kiểm soát, không minh bạch và không có tư pháp độc lập để điều tra.

2. Kinh tế suy thoái, người dân thất nghiệp nhưng chỉ số kinh tế rất "đẹp"

vietnam2

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – nơi điều hành các chính sách tài chính tiền tệ

Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cộng thêm chính sách thắt chặt tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu, đã có một năm đình đốn. Nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng.

Hàng trăm nghìn công nhân trên cả nước bị mất việc làm, hàng triệu người chỉ làm việc cầm chừng, thu nhập giảm đáng kể. Tình trạng này có khả năng còn kéo dài sang năm 2023 do kinh tế thế giới chưa phục hồi và doanh nghiệp trong nước đã kiệt sức.

Tuy nhiên, đến cuối năm, Việt Nam công bố tăng trưởng GDP ở mức 8% và lạm phát 4%, những chỉ số rất "đẹp", bất chấp thực tế giá cả thị trường đang leo thang và thu nhập của người dân sụt giảm nghiêm trọng. Một khảo sát trên trang Vietnamnet cho thấy, 57% người được hỏi trả lời thu nhập của họ giảm, 22% giữ nguyên và chỉ có 21% tăng.

RFA từng nhận định : "Những con số thống kê của Việt Nam về tăng trưởng và lạm phát là có nhiều vấn đề. Như RFA đã phân tích hồi tháng 9, những con số thống kê về kinh tế Việt Nam của Tổng cục Thống kê có những mâu thuẫn. Điều đó có thể đặt ra vấn đề về mức độ tin cậy của thống kê kinh tế ở Việt Nam".

3. Trái phiếu doanh nghiệp

Các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp quá lỏng lẻo, dẫn đến việc chính quyền để mặc cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và mất kiểm soát. Theo Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong năm 2022 là 144.000 tỷ, năm 2023 là 271 ngàn tỷ, năm 2024 là 330 ngàn tỷ và 3 năm tiếp theo là 745.400 tỷ đồng. Đây là khối ung nhọt rất lớn của nền kinh tế. Nó phá hủy niềm tin của người dân, của nhà đầu tư đối với thị trường. Nó dẫn đến tình trạng người dân tự cất giữ tài sản để tự bảo vệ. Khi tiền dự trữ trong dân không còn được lưu thông trong thị trường thì nền kinh tế khó mà phát triển được.

Cho đến bây giờ, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào cho vấn đề này. Mặc kệ nạn nhân của SCB, Sunshine, Egroup… lăn lóc kêu la vì bị lừa, bị mất tiền, Chính phủ vẫn đang tai điếc mắt ngơ.

4. Thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán suy giảm mạnh và sự bất ổn của hệ thống ngân hàng

Vào đầu và giữa năm 2022, Bộ Công an Việt Nam cho bắt một loạt đại gia bất động sản như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, cùng với đó là chính sách siết chặt tín dụng đã gây nên những tác động mạnh, làm thị trường bất động sản đóng băng. Tuy nhiên, việc thị trường bất động sản đóng băng thực chất là hậu quả của một thời gian dài phát triển nóng, "bong bóng" phình to và sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào. Ngành bất động sản đóng góp hơn 24% GDP nên nó có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Sự sụp đổ của ngành bất động sản cũng bộc lộ ra những điểm chết người của nền kinh tế Việt Nam. Về luật pháp, các doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng được phép sở hữu chéo lẫn nhau, khiến hệ thống tài chính bị lệ thuộc vào bất động sản. Sở hữu chéo cũng khiến cho nhiều ngân hàng trở thành sân sau của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp làm bậy, dối trá, lừa đảo, bất chấp hậu quả, rồi sau đó rũ bỏ trách nhiệm. Điển hình là mối quan hệ tay 3 giữa Vạn Thịnh Phát – Chứng khoán Tân Việt – Ngân hàng SCB.

Vì những mối quan hệ lằng nhằng này mà khi bất động sản đóng băng đã dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng của thị trường chứng khoán và việc hệ thống ngân hàng bị mất thanh khoản. Cũng vì những mối quan hệ này mà tình trạng nợ xấu ngân hàng trở nên tồi tệ.

Sự sụp đổ của bất động sản, ngân hàng và chứng khoán sẽ kéo theo sự sụp đổ của cả nền kinh tế, vì vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải ra tay "giải cứu". Và tất nhiên, việc giải cứu này sẽ để lại những hậu quả lâu dài cho nền kinh tế.

vn3

Biểu đồ VnIndex trong năm 2022

5. VinFast xuất khẩu xe sang Mỹ

Cuối năm 2022, hãng xe điện VinFast thuộc Tập đoàn VinGroup đã xuất khẩu 999 chiếc xe đi Mỹ. Hoạt động này đáng lẽ ra sẽ có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm công nghệ, thay vì xuất khẩu tài nguyên hay chỉ gia công.

Tuy nhiên, do thói quen làm ăn cẩu thả và dối trá, "nói như rồng leo, làm như mèo mửa", sản phẩm của VinFast đã bị vạch trần là kém chất lượng, quảng cáo quá sự thật, giá cả cao khó cạnh tranh… Chưa kể, VinFast còn có vấn đề về sức khỏe tài chính. Cho nên, nhiều chuyên gia cho rằng, VinFast khó có thể thành công.

6. Quan hệ Việt – Trung

Ngay sau khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc, ông Nguyễn Phú Trọng đã đi thăm chính thức Trung Quốc, và trở thành lãnh đạo đầu tiên đến Bắc Kinh chúc mừng ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ 3. Trong chuyến đi này, 13 thỏa thuận đã được ký kết và 2 bên đưa ra một bản "Tuyên bố chung". Điểm đáng chú ý của "Tuyên bố chung" này là : 2 bên nhất trí "bàn bạc các biện pháp chung… không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên ; tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà 2 bên đều có thể chấp nhận được". Tuy nhiên, lập trường và quan điểm của Trung Quốc và Việt Nam về Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vốn hoàn toàn trái ngược.

Tuy tiếp đãi ông Nguyễn Phú Trọng rất nồng hậu và đưa ra những lời tuyên bố có vẻ hữu hảo, nhưng Trung Quốc đã hoàn tất trang bị vũ khí tấn công hiện đại tại Trường Sa. Cuối năm 2022, Trung Quốc đã hoàn thành một phần việc xây dựng một số bãi đá ở Trường Sa, biến chúng trở thành những đảo nhân tạo. Hãng thông tấn Bloomberg đưa tin, Trung Quốc đã xây dựng ở bãi đá Ba Đầu, An Nhơn, Tri Lễ và Đá Én Đất.

Tú Ngọc (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 03/01/2023

Published in Diễn đàn
samedi, 24 décembre 2022 23:59

Một năm qua, thử nhìn lại

Cuối năm, còn vài ngày nữa là 2023 bắt đầu, một năm cũ trôi qua, thử ngồi ngẫm lại, thật đáng sợ.

thatnghiep2

Tổ chức ILO dự báo 1,3 triệu lao động Việt Nam thất nghiệp trong năm 2022 - Ảnh minh họa

Bạn đang sao chép nội dung của Trí Thức VN. Nếu là cá nhân sử dụng, vui lòng ghi rõ nguồn trithucvn.org. Nếu là website, kênh truyền thông, vui lòng chỉ sử dụng nội dung khi có sự cho phép của Trí Thức VN.

Một chuỗi những ký ức buồn của năm cũ, trong đó vẫn còn chập chờn bóng ma của những năm đại dịch, Sài Gòn trở thành cái lò thiêu tập thể của người nghèo và là nơi tiêu thụ những chính sách sai lầm, những ý tưởng điên rồ, mất tính người của Bộ Y tế cùng các cơ quan liên đới.

Một tương lai mịt mờ phía trước, dù muốn im lặng không nói ra thì nó vẫn rất mịt mờ. Nó mịt mờ đến độ một người công nhân trong một xí nghiệp may phải tăng ca đêm liên tục mà lương chỉ được tăng 20% nhưng chị vẫn reo mừng vì "may mắn quá, chưa mất việc, người ta mất việc hàng loạt".

Năm 2023 liệu có tốt đẹp thêm chút nào, thay đổi được gì cho người lao động hay không chứ năm 2022 là một năm quá kinh khủng đối với giới lao động, hầu hết thợ xây, phụ hồ hoàn toàn thất nghiệp trong gần một năm, đời sống lây lất với mô hình BAD, tức Bán Ăn Dần, trước đây tích cóp được chỉ vàng nào thì giờ cố gắng làm loa lấp chuyện gì đó kiếm vài đồng đi chợ, bám ruộng (nếu có) mà mua gạo, bám con heo, con gà mà sống, chỉ cần có chuyện hơi quan trọng thì phải bán nửa chỉ vàng, bán một chỉ vàng mà cầm hơi, vàng của người nghèo, mỗi chỉ chở cả tấn nước mắt.

Hơn 6300 người chết vì tai nạn giao thông trong năm qua, đây là con số thống kê của nhà nước, còn con số thực tế lại rất khác, bởi có một thứ qui luật ngầm trong nhân dân rất phổ biến là khi bị tai nạn giao thông, tốt nhất tự thương lượng, lỡ chết người chăng nữa cũng tự thương lượng, đừng dây dưa với công an và bảo hiểm, chỉ phiền toái, mất tiền. Nên chi con số thật, có lẽ nhiều hơn và điều khủng khiếp nhất vẫn là cảnh sát giao thông, dường như họ ngày càng lộ rõ gương mặt hung thần trên đường hơn là kẻ giữ trật tự giao thông, nơi nào có họ xuất hiện, nơi đó trở nên lộn xộn và rối rắm, dễ xảy ra tai nạn.

Hơn 130 người chết vì sốt xuất huyết, đây là con số chưa đầy đủ, nó cũng giống như con số chưa đầy đủ về số người chết vì Covid-19 trong hai năm dịch bùng phát. Bởi tại Việt Nam hiện nay, mọi con số báo chí đều là con số chính trị, con số thật không bao giờ được báo chí (nhà nước) công bố.

Cho đến lúc này, chính phủ Việt Nam vẫn cố chấp trong việc tiêm vaccine Covid-19 mặc dù kết quả tiêm trong suốt hai năm qua chỉ cho thấy không những việc tiêm chủng không mang lại giá trị sức khỏe, không chống hay ngăn ngừa được virus N_corona mà nó còn gây tác dụng phụ đến sức khỏe của người bị tiêm. Thế nhưng chính sách tuyên truyền ráo riết từ "vaccine ông ngoại" quần hùng tranh thực thiếu điều mẻ đầu sứt trán cho đến vaccine ế hàng hiện nay nhưng chính phủ vẫn liên tục tuyên truyền (kỳ thực là dùng chính sách bắt buộc với số đông nhân dân), kêu gọi "tiêm vaccine để đảm bảo sức khỏe".

Chưa năm nào lò Tổng Trọng lại cháy ngùn ngụt vì củi lớn như năm nay. Thế nhưng tình hình đất nước không thể cải thiện mà nó càng chao đảo hơn, bởi hầu hết những con cá mập, những ông lớn trong nền kinh tế Việt Nam bị bắt, điều này gây ảnh hưởng dây chuyền đến tình hình kinh tế xã hội. Và điều này cũng cho thấy rằng hình như nền kinh tế thị trường có gắn cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" tại Việt Nam lâu nay đã mắc phải sai lầm trầm trọng, bằng chứng là nó đã dung túng quá nhiều sâu bọ, nó trở thành cái nôi của những thứ tội ác nấp sau gương mặt chính trị và nó càng đạo mạo bao nhiêu thì máu lạnh của nó càng mạnh bấy nhiêu.

Hình ảnh cảnh sát giao thông trấn áp, đánh đập người dân thấp cổ bé miệng ngày càng nhiều, mới đây nhất, trên Tiktok xuất hiện một đoạn clip dài gần một phút hình ảnh cảnh sát giao thông kẹp cổ, khóa sống và giật rút một người đàn ông được cho là thanh niên dân tộc thiểu số. Cú đòn này vô cùng hiểm ác, nó có thể gây chết người về sau do tổn thương cơ lưng, sống lưng và giãn tủy sống. Đây là đòn triệt đối phương mà giới võ lâm chỉ dùng duy nhất khi gặp giặc cướp hoặc kẻ xâm lăng. Nhưng anh cảnh sát nhân dân này đã dùng nó với ông chủ nhân dân của anh. Nguy cơ người thanh niên này khi về nhà sẽ bại xuội, chết dần chết mòn là khó tránh khỏi.

Hình ảnh quan lại đánh nhân dân, trước đây cũng có nhưng rõ ràng nó không được công khai, hay nói khác đi là nó phải qua nhiều lớp lưới lọc, một kiểu mượn tay kẻ khác để đánh hoặc mượn cớ mình bị hành hung để "tự vệ", nó khác xa hình ảnh một ông Hội Đồng tại Quảng Nam đã dùng gậy đánh một nữ nhân viên sân Golf đến bất tỉnh và cây gậy gãy đôi. Tuy nhiên, ông Dũng, kẻ đã đánh người vẫn nhơn nhơn tự đắc, vẫn chưa bị bất kì thứ kỉ luật thích đáng nào. Bản thân Dũng tự xin nghỉ một số chức vụ nhưng vẫn giữ nguyên cái chân Hội Đồng, không dừng ở đó, "ngài Hội Đồng Dũng" còn yêu cầu xử lý nghiêm những cơ quan báo chí hay phương tiện truyền thông nào loan tin ngài đã đánh gái gãy gậy, vì theo ngài, làm như vậy gây ảnh hưởng xấu đến hội đồng nhân dân. Thú thực một điều, chưa bao giờ trong lịch sử cận và hiện đại lại xuất hiện một con lợn lộng hành như ông Dũng, về mặt nhân cách và văn hóa ứng xử, rõ ràng ông Dũng ngu như lợn, về mặt quyền lực, ông lộng hành như lợn đực sổng chuồng, không hơn không kém.

Có thể nói rằng năm 2022 là năm lộ diện, quá nhiều gương mặt diễn trò đạo đức và ngồi trên ghế cao đầy tớ nhân dân, cho đến trước lúc bị bắt, hắn vẫn rao giảng đạo đức và sẵn sàng xoa đầu dạy đời cấp dưới, dạy đời nhân dân và thậm chí dạy đời cả nhân loại nếu có cơ hội về lòng trung thành, về nhân phẩm, về đạo đức, về giá trị làm người, về tự do… Cho đến lúc bị bắt, người ta mới hiểu rằng y/thị đã giết người, đã bóp nghẹt cuống họng đồng loại để làm giàu trong lúc mồm vẫn rao giảng đạo đức.

Năm 2022 đi qua một cách nặng nề và mệt mỏi, và hình như nếu chịu khó ngồi điểm lại, chưa có năm nào đi qua thanh thản tại xứ sở này. Bởi điều quan trọng nhất là cơ chế chính trị, không khí văn hóa và sinh quyển xã hội Việt Nam không những không có tự do mà còn đầy bóng tối đe dọa, đầy những thủ đoạn từ bên trên và đầy những cấm đoán dưới mức con người. Chính cái sinh quyển xã hội như vậy đã kéo mọi thứ trở nên nặng nề, mệt mỏi.

Và đặc biệt, trong nhân dân, chưa bao giờ tình hình nồi da xáo thịt trong từng ngõ ngách gia đình lại diễn ra kinh khủng như năm nay, bởi sau đại dịch, mọi thứ trì trệ, u tối, người ta dựa vào mô hình BAD (bán ăn dần), mà trong đời này có thứ gì bán ăn tốt hơn đất đai. Những cú bơm ảo, lũng đoạn thị trường của những con cá mập bất động sản và những cú cướp bóc trắng trợn của giới quan lại địa phương đã nhanh chóng đẩy không khí tranh đoạt vào tận ngóc ngách xã hội, người ta bất chấp tình nghĩa, bất chấp lý lẽ, bất chấp pháp luật, bất chấp tình người chỉ vì đất.

Hi vọng rằng năm 2023 đến, mọi thứ sẽ đỡ u tối, bớt xám xịt và dễ thở hơn !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 24/12/2022

Published in Diễn đàn