Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến bài trừ nạn nghiện rượu ở Nga là một "câu chuyện về sự thành công" và đáng được các quốc gia Châu Âu khác học hỏi. Trên đây là nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới.

cai1

Trung tâm chữa trị chứng nghiện rượu ở Moskva, Nga. Wikimedia Common.

Theo một báo cáo được tổ chức này công bố hồi tháng 10/2019, lượng rượu tiêu thụ tính theo đầu người ở Nga đã giảm 43% trong giai đoạn 2003-2016. Tỉ lệ này là 67% đối với rượu mạnh. Số người nghiện rượu cũng giảm mạnh từ 2.444.000 người vào cuối những năm 1990 xuống còn 1.305.000 vào năm 2018. Không chỉ có số người chết vì rượu và doanh thu bán rượu giảm, mà số vụ ngộ độc rượu, các rối loạn tâm lý do uống nhiều rượu cũng giảm.

Theo các tác giả bản báo cáo, chính việc giảm tiêu thụ rượu đã góp phần khiến tuổi thọ trung bình của người Nga được cải thiện đáng kể, đạt mức kỷ lục vào năm 2018 : 78 tuổi (nữ) và 68 tuổi (nam). Nga là nước có chênh lệch về tuổi thọ giữa nam và nữ cao nhất thế giới. Vào những năm 1990, tuổi thọ trung bình của đàn ông Nga chỉ là 57 tuổi. Từ năm 2003 đến năm 2017, tỉ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch cũng đã giảm khoảng 50%.

Tất cả những thành quả nói trên là nhờ, như phát biểu của ông Oleg Salagay, thứ trưởng Y tế Nga, một chính sách mà chính quyền đã quyết tâm thực hiện từ đầu những năm 2000, và được đẩy mạnh từ năm 2009. Nước Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin đã kiên quyết bài trừ nạn nghiện rượu.

Hàng loạt biện pháp hạn chế

Chính sách bài trừ nạn nghiện rượu ở Nga dựa trên hàng loạt biện pháp hạn chế. Ban đầu là quy định về giá bán rượu tối thiểu (hiện giờ là khoảng 250 rúp/50cl rượu vodka), tiếp theo đó, các loại rượu có nồng độ cồn cao nhất bị cấm bán sau 23 giờ đêm. Về sau này, có nhiều nơi công cộng mà người dân bị cấm uống rượu, quảng cáo rượu bị cấm, lệnh cấm bán rượu cho trẻ em cũng được thi hành triệt để. Hiện nay, chính quyền đang bàn thảo về việc cấm bán rượu cho những người dưới 21 tuổi. Từ năm 2011, bia cũng được coi là thức uống có cồn và cũng phải áp dụng các biện pháp hạn chế như đối với rượu.

Le Monde ngày 01/12 trích dẫn ông Evgueni Brioun, một chuyên gia nổi tiếng chứng nghiện rượu, theo đó các vấn đề về dân cư là hồi chuông báo động, thúc đẩy chính quyền Nga có các chính sách hợp lý hơn, chặt chẽ hơn. Công tác cai nghiện rượu cũng được cải thiện, làm giảm nguy cơ tái nghiện rượu. 

Theo chuyên gia Brioun, điều đáng ngại hiện nay liên quan đến các loại rượu lậu được bán ở các vùng quê, nhất là rượu "samogon" được dán nhãn là chưng cất thủ công. Loại rượu này chiếm 1/3 tổng lượng rượu tiêu thụ tại Nga. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới nói là nhà chức trách Nga đã thành công trong việc kiểm soát thị trường rượu lậu ngay từ đầu những năm 2000, làm giảm 50% lượng rượu lậu, nhưng thông tín viên Benoit Vitkine tại Moskva của báo Le Monde nhận định các vụ ngộ độc rượu vẫn thường xảy ra và cho thấy rượu lậu vẫn chưa được bài trừ.

Chiến dịch răn đe trong quá khứ

Thực ra, đây không phải lần đầu tiên nước Nga có chiến dịch bài trừ nạn nghiện rượu. Ngay từ cuối thế kỷ XIX, Sa hoàng đã có nhiều biện pháp, chẳng hạn lệnh hạn chế bán rượu từ 22 giờ đêm đến 7 giờ sáng hôm sau. Ở nông thôn, rượu chỉ được bán sau 10 giờ sáng. Dưới thời Xô Viết, có một số chiến dịch đặc biệt mang tính răn đe, nhiều người vi phạm bị bắt giữ và thậm chí là bị vào trại tập trung.

Một trong những chiến dịch mạnh nhất là ở thời Mikhail Gorbachev (1985-1991), với nhiều biện pháp hạn chế về giá cả và giờ giấc bán rượu… Theo nhiều ước tính, 1,5 triệu người đã giữ được mạng sống nhờ các biện pháp này. Tuy nhiên, giai đoạn này là quá ngắn để có thể làm thay đổi lâu dài thói quen và suy nghĩ của người dân. 

Chống thói nghiện rượu - Cách mạng văn hóa của tổng thống Putin

Ngược lại, theo các nhà quan sát, những thay đổi gần đây tại nước Nga về thói quen uống rượu chắc sẽ được bền lâu. Những thay đổi trong 15 năm qua rất sâu sắc, gần như một cuộc cách mạng về văn hóa. Tổng thống Putin là một minh họa rõ nét. Nếu người tiền nhiệm Boris Yeltsin (1991-1999) nổi tiếng về sức khỏe thể chất yếu kém, thì tổng thống Vladimir Putin lại nổi tiếng là người rất chú ý đến thể lực, hình thể. Chính điều này góp phần khiến ông trở nên được lòng dân.

Tổng thống Vladimir Putin đã không chấp nhận đưa rượu vào danh sách các giá trị truyền thống mà chính quyền ca tụng. Các phong trào thanh niên ủng hộ chính quyền của tổng thống Putin nối tiếp nhau, cùng với nhiều nhóm cực hữu, trong những năm qua, đã tiến hành nhiều chiến dịch bài rượu trên đường phố.

Lối sống của người Nga đã thay đổi. Một phóng viên của hãng tin Nga RIA-Novosti viết : "Không giống như cách nay 40 năm, quý vị không còn có thể nói với lãnh đạo cơ quan là không thể làm việc vì đã uống rượu suốt 3 ngày". Thái độ dung thứ của xã hội với những người nghiện rượu dường như cũng đã thay đổi. Theo một khảo sát của viện VTsiOM hồi năm 2018, chỉ có 14% số người được hỏi có thái độ chê trách người nghiện rượu, 46% cho rằng đó là một "căn bệnh" và 31% xem đó là một "vấn đề xã hội". Hồi năm 2010, 57% người Nga coi nạn nghiện rượu là vấn đề số 1 của đất nước.

Theo chuyên gia Brioun, những thay đổi nói trên rõ nét hơn ở các thành phố lớn. Những người làm công ăn lương không còn uống rượu vào buổi trưa, thay vào đó họ đến các phòng tập thể thao. Nhưng ngay cả ở các vùng nông thôn, hình ảnh những người đàn ông lảo đảo, loạng choạng vì say rượu trên phố vào ban ngày cũng rất hiếm gặp.

Nhà báo hãng tin Nga RIA-Novosti hài hước : Nếu còn một nơi nào đó mà người Nga có thể uống rượu "đã đời", thì đó có lẽ là ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong các chuyến du lịch kiểu "all-inclusive". Ở nơi đây, ngay từ cửa hàng miễn thuế ở sân bay, du khách Nga đã có thể thoát khỏi hệ thống kiểm soát ở quê nhà và "xả stress" với các phương pháp dân gian của cha ông : pha trộn rượu gin, bia và rượu rhum.

Thùy Dương

Published in Quốc tế

Đây là tấm ảnh chụp ông Donald Trump và Vladimir Putin ở hội nghị thượng đỉnh G7 tại Helsinki giữa tháng 7 năm 2018. Tấm ảnh chụp cách đây gần một năm nhưng những điều tấm ảnh toát ra vẫn có giá trị cho đến ngày hôm nay.

putin1

Một tấm ảnh nói lên ngàn lời

Bạn nghĩ gì khi nhìn tấm ảnh này ?

Cho dù có nghĩ gì đi nữa thì bạn cũng không thể chối bỏ một điều : Đi bên cạnh tổng thống Nga Vladimir Putin với khuôn mặt ngẩng cao, tươi cười với sự tự tin thì ngược lại, Donald Trump, tổng thống Mỹ bước đi với vẻ mặt buồn bã, chịu đựng, mắt nhìn xuống dưới sàn nhà.

Trên khuôn mặt ông Trump, hoàn toàn không có những ánh mắt tóe lửa, những cái mím môi, chu miệng gầm gừ, biểu lộ giận dữ, hùng hổ, thù ghét, không có sự câng câng, khinh khỉnh bất chấp người chung quanh là ai như trong các cuộc họp báo với giới truyền thông, báo chí.

Khoan bàn đến bản báo cáo của Ủy viên Công tố đặc biệt Robert Mueller bị bộ trưởng tư pháp do ông Trump bổ nhiệm là William Barr xóa mất 12% là ông Trump có dính dáng, liên hệ, cấu kết gì với người Nga trong việc phá hoại bầu cử không, tấm ảnh trên cũng nói lên đầy đủ vị thế của ông Trump bên cạnh lãnh đạo của nước thù địch số 1 của Mỹ.

Tấm hình này giải thích phần nào lý do tại sao những việc sau đây xẩy ra :

1. Trong vòng hơn 2 năm qua, từ khi bước chân vào tòa Bạch Ốc, chưa một lần nào ông Trump lên tiếng phê bình ông Putin, cho dù chỉ là một lời chỉ trích bóng gió, nhẹ nhàng. Tất cả những lời phát biểu của Trump về Putin đều là những ca ngợi ông Putin mạnh mẽ, thông minh, khôn ngoan.

2. Ngay cả sau khi Putin tái đắc cử tổng thống Nga trong một cuộc bầu cử bị phe đối lập vạch rõ là gian lận, bất chấp lời khuyên, cảnh cáo của cố vấn an ninh quốc gia, Trump vẫn làm theo ý mình, gửi điện văn chúc mừng Putin.

3. Khi 19 cơ quan tình báo Mỹ đồng kết luận là Nga đã nhúng tay phá hoại cuộc bầu cử của Mỹ năm 2016, Trump đã sỉ nhục lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ là nên về đi học lại chuyên môn, Trump tuyên bố tin tưởng Putin hơn giới tình báo Mỹ.

4. Trong vấn đề giải giới vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Trump cũng tuyên bố đặt trọn niềm tin vào Putin, một cựu trung tá tình báo KGB.

Ngoài ra, vài sự kiện gần đây, có thể thấy ảnh hưởng nặng nề của Putin lên các quyết định của Donald Trump trong các vấn đề về bang giao hay xung đột quốc tế.

Tương tự như việc Mỹ rút quân khỏi Syria, khi Putin gửi thêm quân sang Venezuela, Trump đã lờ tịt luôn chuyện dự định can thiệp vào tình hình chính trị nước này, bỏ hẳn ý định yểm trợ phong trào đối lập của Juan Guaido đòi lật đổ Maduro.

Thứ năm tuần trước, khi Iran bắn rơi chiếc máy bay thám thính không người lái Global Hawk RQ-4A trị giá trên trăm triệu USD, Trump đã ra lệnh cho quân đội Mỹ chuẩn bị đánh trả tương xứng bằng hỏa tiễn vào các cứ điểm quân sự của Iran nhưng khi Putin cảnh cáo, ho lên vài tiếng : "attack Iran would be a disaster for America", Trump hủy bỏ lệnh tấn công 10 phút trước khi chiến dịch bắt đầu, sau đó nói về sự hủy bỏ quyết định này, Trump tweet rằng ông "thương 150 người dân Iran sẽ bị thiệt mạng nếu tấn công trả đũa".

Hơn nữa, nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa ông Trump với Putin ở Helsinki tháng 7 năm 2018, không ai biết hai người đã nói chuyện, thỏa thuận, cam kết với nhau những gì. Không điều gì được ghi chép, lưu giữ làm biên bản, cũng không có sự hiện diện của giới truyền thông, báo chí hay người nào trong nội các của Trump ngoài thông dịch viên.

Chuyện này sẽ xẩy ra lần thứ hai trong cuộc gặp gỡ giữa Trump và Putin bên lề hội nghị G20 ở Osaka đang diễn ra. Trước đây vài ngày, khi bị phóng viên báo chí hỏi ông sẽ nói gì với Putin trong lần gặp gỡ tới bên lề cuộc hội nghị thượng đỉnh, Trump đã sửng cồ nói rằng : "Đó không phải là chuyện của mấy người" ! Nguyên văn: "It is none of your business".

Một số người ví von Donald Trump với những nhân vật bá đạo trong chuyện chuyện kiếm hiệp của Kim Dung, cho rằng Donald Trump đã bị Thiên Sơn Đồng Mỗ Valadimir Putin cấy "Sinh Tử Phù" nên mỗi lần gặp gỡ Putin, Trump đều nhũn như con chi chi, mất hẳn vẻ tự tin, cao ngạo, hách dịch thường ngày và luôn phải tuân theo những chỉ thị của Putin.

Nếu quả thật có chuyện này thì miếng Sinh Tử Phù Putin cấy vào người Donald Trump làm bằng gì? Có lẽ chẳng có gì ngoài những đồng tiền dính dáng đến chuyện kinh doanh của Trump và gia đình trong quá khứ.

Thạch Đạt Lang

(29/06/2019)

Published in Diễn đàn

Trump và Putin, hai chuyên gia nói dối hàng đầu thế giới

Tác giả Alain Frachon trong bài viết "Hai chuyên gia nói dối hàng đầu thế giới"đăng trên Le Monde đã chỉ ra trong số những điểm chung, tổng thống Mỹ Donald Trump và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin có cùng "sự nghi hoặc trước thực tế" - một cách diễn đạt lịch sự, thay vì nói họ "nói dối một cách trắng trợn".

noidoi1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Mỹ Donald Trump có vẻ "tâm đầu ý hợp". Ảnh chụp ngày 11/11/2017. ReutersS/Jorge Silva

Dối trá là chuyện thường tình trong chính trị, tuy nhiên đây lại là nguyên thủ của hai cường quốc nguyên tử, đã nhào nặn lại thực tế ở mức bậc thầy. Theo tác giả, cả hai ông Putin và Trump đã làm cho biên giới giữa sự thật và giả trá trở nên nhập nhằng một cách đáng ngại.

Vladimir Putin dối trá để đóng vai nạn nhân

Tổng thống Nga thì nói dối theo kiểu chối bay chối biến. "Tất nhiên là không !". Hỏa tiễn đã bắn vào chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines hôm 17/07/2014 làm cho 298 người thiệt mạng "không phải là của Nga". Vào thời đó, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Nga đã phản đối việc lập tòa án quốc tế để điều tra nghi án này. Hà Lan bèn đứng ra mở điều tra quốc tế, và kết luận đã được công bố vào tuần trước.

Các nhà điều tra khẳng định "không còn nghi ngờ gì nữa", thủ phạm là một hỏa tiễn Buk bắn đi từ vùng đất do phe nổi dậy thân Nga kiểm soát. Hỏa tiễn này được đưa từ căn cứ quân sự của lữ đoàn phòng không 53 đặt tại thành phố Kursk của Nga sang Đông Ukraine, rồi lại được đưa trở về Nga sau thảm kịch. Tại La Haye, ngoại trưởng Hà Lan tuyên bố có thể vẽ lại chính xác đường đi của hệ thống hỏa tiễn này, với các bằng chứng có sẵn trong tay.

Steve Rosenberg, thông tín viên BBC tại Moskva giải thích, chối cãi sự thật là một phần của "hệ thống Putin"".Cho dù đó là vụ bắn rơi MH17, ám sát cựu điệp viên nga Alexander Litvinenko sống lưu vong ở Luân Đôn, mưu toan đầu độc điệp viên hai mang Skripal và con gái mới đây, hay doping cấp nhà nước nơi các vận động viên Nga, can thiệp vào bầu cử của các nước khác, Putin đều có cùng một tuyên bố : ‘Chúng tôi không làm điều đó’". Có nghĩa, Nga là "nạn nhân bị phương Tây vu khống".

Donald Trump nói dối như cơm ăn nước uống

Còn nơi ông Trump thì sự dối trá ít tinh tế hơn. Tổng thống Mỹ nói dối, lăng mạ, sáng tác… rồi lại chối rằng chưa bao giờ phát ngôn như thế. Ông mô tả "những người Ả Rập" gào lên sung sướng trước các vụ tấn công ngày 11/9, khẳng định Barack Obama không sinh ra trên đất Mỹ, tố cáo cha của địch thủ Ted Cruz có liên quan đến vụ ám sát tổng thống Kennedy… Tờ Washington Post thống kê từ khi bước vào Nhà Trắng, Donald Trump đã nói dối gần 2.000 lần.

Vladimir Putin không ưa bị đối diện với sự thật mà mình muốn che giấu : ông cau có, mắng mỏ người đặt câu hỏi hay đơn giản là làm ngơ. Nhưng đối với Donald Trump thì chẳng có vấn đề gì khi sự thật được chứng minh rõ ràng là ngược lại.

"Ông Trump đã biến dối trá thành việc hoàn toàn bình thường" - Michael V. Hayden, cựu giám đốc CIA nói. Trên 80% cử tri của Donald Trump vẫn trung thành với ông, chẳng hề quan tâm đến. New York Times viết, Trump "nói dối một cách thoải mái như lang băm".

Moskva dối trá nhằm viết lại sự kiện theo kiểu của mình, quy cho "phương Tây" tất cả mọi cái xấu của đất nước. Nếu ở Putin, nói dối là tính toán chính trị, thì nơi Trump lại mang màu sắc bệnh lý, và theo tác giả Alain Frachon, thì cả hai đều nguy hiểm.

Dàn dựng vụ nhà báo Babtchenko bị ám sát, Ukraine làm lợi cho Nga

Cũng liên quan đến dối trá, nhưng lần này lại ở phía Ukraine. Bài xã luận của Le Monde bực tức lên án "Ukraine, một thủ đoạn tai hại". Đó là vụ nhà báo đối lập Nga Arkadi Babtchenko đang tị nạn ở Ukraine được loan tin là bị Nga ám sát chết, rồi lại xuất hiện bình an vô sự.

Theo như tình báo Ukraine và công tố viên trưởng Iouri Loutsenko hôm thứ Tư 30/05/2018, thì có âm mưu thực sự ám sát nhà báo Babtchenko, nhưng một người Ukraine được Moskva giao cho công việc này đã cho biết thông tin. Thế là Kiev quyết định giăng bẫy, ngụy tạo ra vụ ông Babtchenko bị giết chết, nhờ đó đã bắt được kẻ trung gian người Ukraine làm việc cho Nga.

Le Monde đặt câu hỏi, có nên tin hay không ?

Từ mùa hè 2016, đã xảy ra nhiều vụ nổ súng hoặc tấn công bằng xe gài chất nổ, nhằm sát hại các nhân viên an ninh Ukraine và cựu chiến binh Donbass, nhất là người Tchetchenya. Tháng 3/2017, Denis Voronenkov, cựu dân biểu Nga tị nạn tại Kiev bị bắn chết ngay tại trung tâm thủ đô Ukraine. Tháng 7/2016, đến lượt giám đốc trang tin tức Oukrainska Pravda là Pavel Cheremet, quốc tịch Nga, bị chết khi chiếc xe ông cầm lái nổ tung. Như vậy việc sát hại nhà báo Arkadi Babtchenko không có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng hậu quả của vụ dàn dựng trên là sự khả tín của cơ quan cảnh sát và tư pháp Ukraine đã bị tổn hại nghiêm trọng. Người ta có thể hiểu được việc giăng bẫy kẻ sát nhân, nhưng việc dàn cảnh mà nhà báo trên cùng với gia đình và báo chí là đồng lõa, thì khó thể chấp nhận.

Trước hết, "fake news" này tạo cơ hội cho những người theo thuyết âm mưu và không ưa giới truyền thông đắc thắng tố cáo báo chí. Kế đến, nó tăng cường sức mạnh cho chiến lược dối trá của điện Kremlin. Tình báo Ukraine được đào tạo cùng một sách vở với tình báo Nga : từ KGB. Trong cuộc chiến giữa các nhà dân chủ cải cách và bảo thủ tại Kiev, vào lúc còn một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống, Le Monde cho rằng thật đáng tiếc khi vụ nhào nặn thông tin về Babtchenko lại phục vụ cho Vladimir Putin.

Thép : Donald Trump gây thù chuốc oán

Sự kiện tổng thống Mỹ áp đặt thuế về thép lên Châu Âu, Canada và Mexico được tất cả các báo Pháp chú ý. "Trump gây thù chuốc oán về thép", "Trump kích hoạt cuộc chiến thương mại", theo Le Figaro. "Thép : Trump tạo thù địch", theo Les Echos. Libération chơi chữ "Hoa Kỳ - EU, thép đã tôi", nhưng thay chữ "trempé" (cứng rắn) bằng tên tổng thống Mỹ "trumpé". La Croix tố cáo "Chủ nghĩa đơn phương thô bạo của Donald Trump".

Libération ghi nhận, vì Donald Trump vẫn hay nói rồi làm ngược lại, nên nhiều người vẫn hy vọng tổng thống Mỹ chỉ đe dọa mà thôi. Nhưng rốt cuộc quyết định này đã được đưa ra, bất kể nguy cơ làm tăng trưởng thế giới sụt giảm và gây hoảng loạn trên các thị trường chứng khoán.

Cho dù hiện nay việc nhập khẩu xe hơi lắp ráp tại Châu Âu vẫn chưa bị ảnh hưởng, nhưng Washington cho rằng 65 tỉ đô la thặng dư thương mại giữa Đức và Mỹ là không thể chấp nhận được, nên hồ sơ xe hơi sắp tới sẽ nằm trong tầm ngắm. Chính quyền Đức hôm qua cảnh báo, lời đáp trả cho "Nước Mỹ trước hết" sẽ là "Châu Âu đoàn kết".

Các đồng minh của Hoa Kỳ đang sẵn sàng trả đũa. La Croix dẫn lời ông Sébastien Jean, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Viễn cảnh và Thông tin Quốc tế (CEPII) nhận định : "Sự leo thang này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại tai hại cho tất cả các bên, nhưng hiện giờ chưa đến mức đó. Nguy cơ thực sự là cách thức Hoa Kỳ hoàn toàn dựa vào sức mạnh đơn phương, có thể phá vỡ các khung luật pháp mà cho đến nay vẫn giúp giải quyết những tranh chấp thương mại".

Tuổi thọ : Dân Trung Quốc có hy vọng sống lâu hơn Mỹ

Về mặt xã hội, Le Monde báo động "Tuổi thọ, một bi kịch Mỹ". Ai có thể tin được rằng lần đầu tiên trong lịch sử, nếu sinh ra ở Trung Quốc sẽ có hy vọng sống lâu và khỏe mạnh hơn ở Hoa Kỳ ? Theo thống kế mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, một em bé Trung Quốc có hy vọng sống đến 68,7 tuổi với sức khỏe tốt, còn Mỹ chỉ có 68,5 tuổi.

Hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn đứng trên Trung Quốc, với tuổi thọ bình quân lần lượt là 78,5 và 76,4 ; nhưng từ vài năm qua xu hướng này đang bị đảo ngược. Trên thế giới, chỉ có năm nước đi thụt lùi trong năm 2016 : Mỹ, quốc gia giàu mạnh nhất thế giới nay bị xếp cạnh Somalie, Afghanistan, Gruzia và quần đảo Saint-Vincent-et-les-Grenadines !

Vì đâu nên nỗi ? Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh của Mỹ (CDC), đó là do sự bùng nổ các trường hợp tử vong do sử dụng ma túy quá liều. Với 63.000 trường hợp trong năm 2016, đây là nguyên nhân gây chết người đứng thứ ba tại Hoa Kỳ, sau bệnh tim và ung thư. Tỉ lệ chết vì ma túy nơi thanh niên 25-34 tuổi đã tăng 50% từ 2014 đến 2015. Và do xu hướng này còn tiếp tục năm 2017, đây sẽ là lần đầu tiên tuổi thọ ở nước Mỹ bị giảm sút kể từ sau dịch cúm Tây Ban Nha hoành hành trên thế giới trong thập niên 20.

Bất bình đẳng tăng cao, bảo hiểm y tế yếu kém và chất lượng giáo dục ở cấp học ban đầu kém cỏi, cũng đóng vai trò nhất định trong "bi kịch Mỹ" này. Tuy vậy kế hoạch chống ma túy mà ông Donald Trump hứa hẹn vẫn chẳng thấy tăm hơi.

Yemen, cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Hồi giáo Sunni và Shia

Tựa chính của các báo Paris hôm nay khá đa dạng. Les Echos chạy tít trang nhất "Thương mại : Trump tuyên chiến với Châu Âu". Le Monde quan tâm đến việc "Bruxelles muốn giảm hẳn trợ cấp cho nhà nông", còn La Croix tập trung cho chủ đề "Châu Âu trước thách thức di dân". Libération đòi hỏi "Một chỗ đứng (trong xã hội) cho những người béo mập". Riêng Le Figaro cám cảnh "Yemen : Trong hỗn loạn, một cuộc chiến bị lãng quên".

Trong bài xã luận mang tựa đề "Ở trung tâm bóng tối", Le Figaro nhận định, đó là một trong những cuộc xung đột mà tiếng súng không vượt qua khỏi đường biên giới. Người dân bị giết hại, bị chết vì thiếu ăn, thiếu thuốc men và cả vì tuyệt vọng. Trên 10.000 người đã chết trong bốn năm qua, ba triệu người di tản, đất nước bị cắt làm đôi, nhưng thảm kịch này diễn ra trong sự dửng dưng của một thế giới đã bị bão hòa bởi các cuộc khủng hoảng và bạo lực.

Tình trạng Yemen gợi nhớ đến thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, khi hai khối đối địch lao vào những cuộc chiến tranh ủy nhiệm. Nay ở Yemen là hai địch thủ Trung Đông đối đầu : Saudi Arabia và Iran, hai nước dẫn đầu khối Hồi giáo Sunni và Shia. Theo tờ báo, cần rút ra bài học Afghanistan, tránh đẩy đất nước này vào bóng tối âm u của địa ngục.

Việt Nam ngấp nghé thị trường chứng khoán các nước mới nổi

Cuối cùng là những thông tin hiếm hoi về Việt Nam trên báo Pháp. Nhật báo kinh tế Les Echos khi nói về thị trường chứng khoán dành cho các quốc gia mới nổi MSCI Emerging Markets đã nêu ra triển vọng của ba quốc gia : Saudi Arabia, Argentina, Việt Nam.

Riêng Việt Nam được cho là đang ngấp nghé ngưỡng cửa thị trường này, với thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng đến 31% trong vòng một năm, trong ba tháng đầu năm nay, đã thu hút được 440 triệu đô la đầu tư, theo Bloomberg. Tăng trưởng mạnh (7,4% trong quý I) nhờ xuất khẩu, Nhà nước mở cửa thị trường vốn trong các lãnh vực hấp dẫn (bia, dầu khí, tài chính), và thanh khoản cao hơn Philippines. Tuy nhiên điểm yếu là năm loại cổ phiếu chính đến đã chiếm đến gần 40% chỉ số của thị trường này.

Về xã hội, La Croix thường đăng tấm hình độc đáo nhất trong ngày trên trang cuối, hôm nay chọn bức ảnh một chiếc xe lửa đang luồn qua một ngõ hẹp tại một khu phố cổ kính ở Hà Nội. Ảnh được chụp hôm 30/05/2018, chú thích bằng một câu của cố nhà văn Pháp Gilbert Cesbron : "Những căn nhà xây dọc theo đường rầy xe lửa có vẻ tiều tụy vì chúng bị mất ngủ".

Thụy My

Published in Quốc tế

Putin : Người kiểm soát toàn diện

Bầu cử tổng thống Nga hôm qua, 18/03/2018, kết quả không có gì bất ngờ. Ông Putin – không có đối thủ thực sự - đắc cử lần thứ tư, ngay từ vòng đầu. Báo Pháp dành một số bài cho sự kiện này, đáng chú ý hơn cả là phân tích của La Croix, giới thiệu chân dung của lãnh đạo Nga, sau gần 20 năm cầm quyền, vẫn tiếp tục là một nhân vật bí ẩn.

putin1

Ông Putin bỏ phiếu tại một đơn vị bầu cử ở Moskva, 18/03/2018.Ảnh : Sergei Chirkov/POOL via Reuters

Bài viết mang tựa đề : "Putin, con người khống chế toàn bộ", mô tả những nét chính làm nên diện mạo Putin. "17 năm trôi qua, mọi thứ, hoặc gần như tất cả đã được viết về cựu đại tá an ninh Nga, người từng thương thuyết với các tổng thống Mỹ Clinton, George W. Bush, với Brack Obama và với Donald Trump hiện nay. Ông Putin được biết đến như là người đưa nước Nga ra khỏi hỗn loạn, hạ bệ các nhà tài phiệt, giới hạn các quyền tự do xã hội, bóp nghẹt đối lập, mang lại cho Giáo Hội Chính Thống sức mạnh, chấn hưng quân đội. Người tiến hành bốn cuộc chiến tranh (Chechnya, Georgia, Ukraine và Syria hiện nay), người sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ, và đảo lộn trật tự thế giới". Nhưng cho dù Putin được biết đến rất nhiều, lãnh đạo Nga vẫn còn là một ẩn số.

Trên thực tế, cựu sĩ quan an ninh Nga, 65 tuổi, đã hết sức kín đáo trong tất cả những gì liên quan đến đời tư. Ngay từ khi bước chân vào điện Kremlin, nhà chính trị với "cái nhìn sắc lạnh" này đã chọn ba nhà báo, để dựng lên cho mình một tiểu sử, với những nét chính, mà gần như mọi người đều biết. Từ một thiếu niên lêu lổng ở Saint Petersburg, phát hiện môn judo, học ngành luật, được tuyển vào KGB (mật vụ Nga), thăng tiến tại chính quyền thành phố Petersbourg, đột nhiên được bổ nhiệm đứng đầu KGB, và sau đó trở thành thủ tướng Nga.

Những nguyên tắc của Putin

La Croix tìm cách vén màn bí ẩn che phủ Putin. Theo cựu đại sứ Pháp tại Nga Claude Blanchemaison (tác giả cuốn sách mới ra mắt "Vivre avec Putin/Sống với Putin"), ông Putin nổi tiếng là "biết quyến rũ người khác", đặc biệt nhờ ở thái độ biết lắng nghe, và chịu khó tìm hiểu, trước khi tiếp xúc, để biết được các sở thích của đối tác.

Nét tính cách nổi bật thứ hai của Putin là ông ta duy trì nhiều nguyên tắc bất di bất dịch, bất kể thời thế, bất kể ý thức hệ. Đó là tìm mọi cách để duy trì các nước Liên Xô cũ trong quỹ đạo của nước Nga. Một vấn đề có tính nguyên tắc khác của Putin, đó là không bao giờ, hoặc gần như không bao giờ thay đổi các cộng sự thân cận nhất, trong đó bao gồm chủ yếu là các thành phần "diều hâu", xuất thân từ quân đội và an ninh. Tổng thống Nga nhìn nhận về thế giới chủ yếu qua các báo cáo tình báo.

Về mặt đối nội, ông Putin tìm cách tập trung tập trung toàn bộ quyền lực trong tay, bằng cách xóa bỏ chính sách tản quyền dưới thời tiền nhiệm Yeltsin, và coi việc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp Nhà nước kiểm soát nền kinh tế, là điều kiện để thúc đẩy phát triển (kinh tế Nhà nước chiếm đến 70% trọng lượng GDP).

"Theo năm tháng, đứa con thành Petersburg năm xưa nắm ngày càng nhiều quyền hành, đặc biệt thông qua bộ máy tuyên truyền, đàn áp đối lập có trọng điểm và tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ giả hiệu", nhà chính trị học Dmitri Oreshkin nhận xét.

La Croix khép lại bài phân tích với nhận xét ít nhiều hài hước của một cựu cộng sự của Putin : "Trong vòng 18 năm, ông ấy đã chuyển từ môn judo sang môn khúc côn cầu, tóc ông ấy rụng nhiều, Putin đã ly dị. Nhưng não trạng chính trị của ông ấy thì không hề thay đổi. Nước Nga đã thay đổi. Nhưng tổng thống của chúng ta không thay đổi cùng nhịp với đất nước. Có một khoảng cách giữa Putin và xã hội Nga, cho dù chưa đến mức nguy hiểm… Putin vẫn là đồng chí (hay "Tovaritch" – trong tiếng Nga) của chúng ta".

Nắm quyền bằng mọi giá

Le Monde dành nhiều bài viết về Putin, nước Nga và quan hệ giữa Moskva với phương Tây. Bài "Vladimir Putin, hồi V" lưu ý lập trường nắm quyền "bằng mọi giá" của Putin. Chỉ với khoảng vài chục cộng sự, Putin kiểm soát mọi nguồn lực "về kinh tế, hành chính và quân sự", cho phép thống trị đất nước.

Vấn đề lớn nhất, mà Le Monde gọi là "gót chân Achille" của Putin, đó là viễn cảnh chuyển giao quyền lực sau khi nhiệm kỳ lần này kết thúc. Putin chiến đấu đến cùng để nắm quyền, để khẳng định uy lực cá nhân, vượt lên mọi định chế chính trị. Le Monde dự đoán, với việc từ chối chuẩn bị cho một thế hệ kế nhiệm mới, xây dựng hình ảnh mình như người bảo vệ một dân tộc đang lâm nguy, tổng thống Nga sẽ trì hoãn mọi cải cách, buộc nước Nga phải sống liên tục trong trạng thái xung đột.

Nga-Phương Tây : Vòng xoáy kích động truyền thông

Le Monde còn có hai bài bình luận khác về quan hệ Nga – phương Tây. Bài của chuyên gia về Nga Jean Radvanyi, nhấn mạnh đến "vòng xoáy đe dọa" giữa hai bên, đang ngày một trở nên tồi tệ hơn, một lần nữa được kích phát với nghi án cựu điệp viên Nga Skrypal bị đầu độc tại Anh.

Theo tác giả, một mặt cần lên án các hành động phiêu lưu chính trị nguy hiểm của tổng thống Nga, khi chúng đi ngược lại các quy tắc quốc tế, nhưng mặt khác cũng cần kiềm chế, không nên để cho một số phương tiện truyền thông kích động không khí Chiến tranh Lạnh, với các sản phẩm kiểu như bộ phim tài liệu Inside the War Room, về một cuộc Thế chiến thứ Ba, sau biến cố tại Latvia. Phim được BBC sản xuất năm 2016.

Cùng về truyền thông, nhưng về phía Nga, phát triển trên Le Monde, ông Oleksiy Makukhin, thành viên một tổ chức phi chính phủ Ukraine, tố cáo các kênh truyền thông lớn của nước Nga tấn công một cách hệ thống "các giá trị (tự do) của Châu Âu", "bóp méo tình hình tại Châu Âu". Hoạt động biểu tình, phản kháng ôn hòa, của nhiều tầng lớp xã hội tại Châu Âu, vốn là các hành động biểu thị quyền tự do ngôn luận trong các xã hội dân chủ, được truyền thông Nga mô tả như là hậu quả của tình trạng yếu kém của Châu Âu về kinh tế, chính trị, an ninh.

Phố Wall : Mỹ Trung "ly dị", trước giờ Trump nổ súng

Về kinh tế quốc tế, đáng chú ý có bài "Cuộc ly dị Mỹ-Trung tại Wall Street (Phố Wall), trước giờ tấn công của Donald Trump". Nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal dự báo tháng Ba này là tháng "đụng độ lớn". Washington đã "mài gươm" từ mùa hè năm ngoái để chuẩn bị cho đòn phản công kinh tế, nhằm mục tiêu buộc Bắc Kinh phải giảm bớt 100 tỉ đô la xuất siêu sang Mỹ. Kể từ hai tuần nay, nhiều biện pháp được đưa ra, như đe dọa đánh thuế vào thép và nhôm, và hàng chục tỉ đô la hàng hóa khác.

Trong những ngày gần đây, Bắc Kinh rút khỏi hàng loạt đầu tư vào các cơ sở, một thời từng được coi là biểu tượng cho quan hệ song phương có đi có lại. Điển hình là việc ra khỏi quỹ đầu tư Blackstone của tỉ phú Schwarzman. Quỹ này được lập ra với mục tiêu thu hút các sinh viên trên toàn thế giới đến theo học tại trường Thanh Hoa (Tsinghua), một đại học danh tiếng của Trung Quốc, để siết chặt quan hệ với Bắc Kinh, ngăn ngừa "một cuộc chiến không tránh khỏi giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ", theo tiên đoán của giáo sư Allison, đại học Havard. Nhìn chung, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ giảm 35% trong năm 2017, đầu tư mới giảm đến mức thấp nhất kể từ 6 năm nay, theo trung tâm tư vấn Rhodium Group.

Trung Quốc : "Vua chống tham nhũng" trở lại

Vẫn về Trung Quốc, Le Monde chú ý đến việc cộng sự hàng đầu của lãnh đạo họ Tập, ông Vương Kỳ Sơn – 69 tuổi - được bầu vào vị trí phó chủ tịch. Le Monde dự đoán "ông vua chống tham nhũng" sẽ chiếm một vị trí trung tâm trong chính trường. Theo truyền thống chính trị dưới thời cộng sản Trung Quốc, chức vụ phó chủ tịch nước thường chỉ mang tính tượng trưng, tuy nhiên với "ông vua chống tham nhũng", cận thần của lãnh đạo Tập Cận Bình, chắc chắn vị trí này sẽ còn quan trọng hơn cả chức thủ tướng.

Le Monde điểm lại các cương vị chủ chốt trong bộ máy chính trị Trung Quốc mà Vương Kỳ Sơn từng đảm nhiệm, đặc biệt là lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đầu tiên lên sàn chứng khoán trong những năm 90, phó thủ tướng vào thời điểm xảy ra khủng hoảng kinh tế thế giới 2008, mà ông Vương vào thời kỳ đó không ngừng nhắc lại, đó là "một cơ hội chiến lược" cho Trung Quốc.

Theo Le Monde, vị trí cao cấp này cho phép Vương tránh được mọi hành động trả thù. Bởi sau 5 năm lãnh đạo bộ máy thanh trừng trong đảng, Vương Kỳ Sơn đã hạ bệ tổng cộng "250 con hổ", tức quan chức cao cấp, và hơn 2 triệu công chức cấp thấp.

Đánh thuế tập đoàn tin học : Liên Âu tuyên chiến với Mỹ

Trong lúc tổng thống Mỹ khởi sự cuộc chiến về thuế trên nhiều mặt trận, với Trung Quốc, nhưng kể cả với các đồng minh, hôm nay, Liên Hiệp Châu Âu khởi sự bàn thảo về chính sách thuế mới nhắm vào các tập đoàn internet lớn, mà tất cả đều là của Mỹ. "Châu Âu sẵn sàng thách thức Donald Trump" là tựa lớn của báo kinh tế Les Echos.

Theo Les Echos, thuế đánh vào các tập đoàn như Apple, Facebook hay Amazon, có thể mang lại cho Châu Âu từ 5 tỉ đến 8 tỉ euro tiền thuế/ một năm. Khoản thuế mới được đề nghị sẽ dựa vào doanh thủ của các doanh nghiệp tại Châu Âu, chứ không căn cứ theo trụ sở của các doanh nghiệp, vốn vẫn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này lách thuế, bằng cách không đặt cơ sở ở nước sở tại.

Ủy Ban Châu Âu sẽ ra các quyết định đầu tiên về vấn đề này, kể từ thứ Tư. Song song với Liên Hiệp Châu Âu, OCDE (Cơ Quan Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế) cũng vừa công bố một bản báo cáo sơ bộ về thuế với các tập đoàn kỹ thuật số, kết quả làm việc của một nhóm chuyên gia, đại diện cho 110 quốc gia. Theo Les Echos, Hoa Kỳ không chấp nhận việc đánh thuế các tập đoàn Mỹ trong nhóm GAFA.

Vẫn về chủ đề này, Libération có bài "Đối phó với GAFA, cách tự vệ tốt nhất là đánh thuế", cho biết thêm, Liên Âu tuy nỗ lực tìm giải pháp, để việc đánh thuế không làm thui chột các doanh nghiệp nhỏ của Châu Âu, mới nổi lên, cụ thể là chỉ đánh thuế với các công ti có doanh thu 750 triệu euro trở lên. Theo Libération, cuộc thảo luận về chính sách thuế của Châu Âu sẽ kéo dài đến tháng Sáu, khả năng đạt đồng thuận là không cao. Nguy cơ mà Châu Âu phải đối mặt là, nếu không đồng thuận, thị trường Châu Âu trong lĩnh vực này sẽ bị chia năm, xẻ bảy với quyết định riêng rẽ của mỗi quốc gia.

Dự án Châu Âu : Pháp – Đức nỗ lực thống nhất quan điểm

Để Liên Hiệp Châu Âu tìm được tiếng nói chung, nỗ lực của Pháp và Đức là then chốt. Theo Les Echos, thứ Sáu vừa rồi, thủ tướng Đức có cuộc hội kiến tổng thống Pháp tại điện Elysée. Lãnh đạo hai nước hứa sẽ coi dự án xây dựng Châu Âu là ưu tiên số một. Cuộc hội kiến Pháp – Đức được tổ chức, ngay sau khi thủ tướng Đức Agela Merkel chính thức được tái bổ nhiệm, sau 6 tháng thương lượng cam go, để thành lập liên minh với đảng Xã Hội Dân Chủ.

Cùng với cuộc hội kiến Emmanuel Macron – Angela Merkel, hai bộ trưởng Tài Chính Pháp – Đức cũng có buổi làm việc để bàn về các vấn đề cụ thể, như khu vực đồng euro, thống nhất chế độ thuế, thuế nhắm vào các tập đoàn kỹ thuật số, hay kiểm soát vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược. Tuy nhiên, một số lãnh đạo Châu Âu cũng bắn tiếng với lãnh đạo Pháp-Đức là họ không muốn bị gạt sang lề. Thủ tướng Hà Lan vào hôm qua tái khẳng định sẵn sàng có quan điểm ngược lại với các đề xuất của Paris và Berlin, cụ thể như về ngân sách chung của khối euro, hay việc tăng đóng góp cho ngân sách của Liên Hiệp.

Cũng Les Echos có hai bài viết đáng chú ý khác, về "Châu Âu – nền dân chủ tự do duy nhất còn lại", sau khi nước Mỹ của Donald Trump co mình với chủ nghĩa bảo hộ, cần "thức tỉnh trước các đe dọa".

Lịch sử người da đen Mỹ qua triển lãm búp bê Paris

Trong lĩnh vực văn hóa, Libération giới thiệu về một triển lãm đặc biệt về búp bê Mỹ tại Paris. Triển lãm mang tên "Black Dolls" (tạm dịch là Búp bê da đen). Cuộc triển lãm giới thiệu với công chúng về sưu tập hiếm có về các búp bê của trẻ em da đen ở Mỹ, được sản xuất trong khoảng thời gian từ 1840 đến 1940, được một nữ luật sư Mỹ sưu tầm từ 20 năm nay.

Chỉ căn cứ vào các dấu vết lưu lại trên các búp bê, cũng có thể nhận ra đằng sau chúng là những cuộc đời thực, những bàn tay nhỏ bé mâm mê, ve vuốt… Tuy nhiên, điều gây xúc động đặt biệt qua trưng bày này là, câu chuyện xung quanh các búp bê cho thấy nhiều mặt khuất trong lịch sử đau thương, gian truân của người gốc Phi tại Mỹ, từ chế độ nô lệ, đến xã hội kỳ thị chủng tộc, trước khi giành được quyền bình đẳng, trên nguyên tắc, với người da trắng.

Khép lại cuộc triển lãm là một bộ phim tài liệu, kể lại một nghiên cứu tại Mỹ trong những năm 1940, cho thấy trẻ em da đen nhìn chung đều chỉ thích búp bê người da trắng, được coi là "đẹp hơn", hay "tốt hơn" là người da đen.

Triển lãm của Deborah Neff tại Maison rouge, quận 12 Paris sẽ mở cửa đến ngày 20/05.

Trang nhất các báo

Les Echos chạy tựa trang nhất : Châu Âu thách thức tổng thống Mỹ, với dự án tăng thuế các tập đoàn tin học đa quốc gia. Phong trào phản kháng xã hội khắp nơi tại Maroc, quốc gia Bắc Phi vốn được coi là bình yên nhất trong thế giới Ả Rập, tựa của Le Monde.

Libération tố cáo chính quyền Damascus sử dụng cưỡng hiếp làm công cụ đàn áp đối lập "một cách có hệ thống", ngay từ năm 2011, với bài phóng sự dài dẫn lời các nhân chứng, và giới thiệu báo cáo của một ủy ban quốc tế về Syria, được công bố ngày 15/03. Do các hủ tục truyền thống, các nạn nhân thường bị gia đình và chồng từ bỏ. Một số người phải tìm đến cái chết.

Tựa chính của La Croix : Tiền từ thiện tại Pháp hơn 7 tỉ đô la một năm, ngang chi phí cho ngành tư pháp. Hồ sơ số một của Le Figaro là tình hình bất ổn tại Mayotte, tỉnh hải ngoại của Pháp, trên Ấn Độ Dương, tê liệt từ một tháng nay, do chính quyền địa phương bất lực trước nạn quá tải nhập cư, đời sống khổ cực. Khoảng 75% trẻ sơ sinh tại bệnh viện có mẹ là dân nước ngoài, mà đa số là người vượt biên.

Trái đất đang khô kiệt nhanh chóng

Về môi trường, Les Echos có bài "Hạn hán : Trái đất đang khô kiệt nhanh chóng", giới thiệu một báo cáo của Liên Hiệp Quốc về nước, khai mạc hôm nay, tại Brasilia. Bên cạnh vấn đề khí hậu Trái đất nóng lên do khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhu cầu sử dụng nước tăng lên rất mạnh là một nguyên nhân khác.

Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu nước đến 2025 sẽ tăng gấp 60% so với hiện nay, khiến các mạch nước ngầm ngày càng nhanh chóng cạn kiệt. Vấn đề chia sẻ nguồn nước là chủ đề trung tâm của hội nghị quốc tế về nước lần thứ tám.

Pháp : 3 tháng thảo luận công dân về "năng lượng Xanh"

Từ ngày 19/03/2018, trong vòng ba tháng, 400 công dân Pháp – theo kết quả rút thăm – sẽ thảo luận về chiến lược chuyển sang năng lượng Xanh. 400 công dân bày tỏ ý kiến về "400 hoặc 500 vấn đề quan trọng", tại chỗ hoặc qua mạng internet, để phục vụ xây dựng kế hoạch thực hiện các cam kết của Pháp và Châu Âu.

Trọng Thành 

Published in Quốc tế

Nước Nga với năm "mùa" tổng thống Putin

Bầu cử tổng thống Nga 18 /03/2018 đang gần kề, một số tạp chí tuần này đã dành hồ sơ chính trang bìa và hàng chục trang trong cho "Nước Nga của Putin" như tựa của L’Obs, hoặc ngắn gọn : "Poutin", như tựa của L’Express, bên dưới nói đến "Hậu trường của mùa thứ 5"… trên nền một bức ảnh đập mắt của ông Putin, gợi lên loạt phim bộ truyền hình nhiều mùa, trình chiếu từ năm này qua năm khác.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc diễn văn tại Moskva, ngày 01/03/2018. Sputnik/Alexei Nikolskyi/Kremlin via Reuters

Tạp chí Courrier International thì chọn ảnh thời sự làm hồ sơ chính. Bên trên bức ảnh một thiếu niên Syria bị thương, đầu bị băng bó, mặt đầy máu me, tờ báo lấy câu hỏi : "Nên hay không nên cho thấy cảnh hãi hùng ?" làm tựa trang nhất. Nhưng tạp chí cũng không quên ông Putin, nhất là ảnh hưởng của ông đối với một số lãnh đạo Châu Âu.

Riêng The Economist, tuần báo Anh thiên về kinh tế, thì dành trang bìa để nói về quyết định đánh thuế trên nhôm, thép nhập khẩu của tổng thống Mỹ Donald Trump, với nhận định "Mối đe dọa đối với nền thương mại toàn cầu", bên trên hình một trái lựu đạn mang vẻ mặt của tổng thống Mỹ.

Putin mùa thứ 5 - "Poutine saison 5"

Như nói ở trên, tuần báo Pháp L’Express đã dành hồ sơ lớn cho tổng thống Nga Putin, nhân dịp nước này sắp bầu lại tổng thống.

Trang bìa tờ báo được trình bày giống như một tờ áp-phích quảng cáo phim bộ nhiều kỳ, với tựa phim chữ hoa, khổ lớn, POUTINE, bên dưới một hàng chữ nhỏ hơn giới thiệu nội dung phim "Cầm quyền từ 18 năm nay, ông ta sẽ tái đắc cử". Tiểu tựa hóm hỉnh "Hậu trường của mùa thứ 5", được giải thích bằng tựa đề ba bài viết trang trong : "Bí quyết của một sự tái đắc cử", "Những yếu nhân trong điện Kremlin", và "Nỗi buồn của giới trẻ Nga".

L’Express nhận thấy là vị chủ nhân lạnh như tiền của điện Kremlin đã làm cho người ta ít sợ hơn trước, không phải vì ông bớt lạnh lùng hơn mà là vì sau nhiều năm như vậy, thì gương mặt vị cựu đại tá tình báo KGB đã trở nên quen thuộc. L’Express tính nhẩm : Putin đã đồng hành với chúng ta 18 năm rồi !

Khi Boris Yeltsin giới thiệu với thế giới nhân vật trẻ tóc vàng này vào ngày 31/12/1999, thì Bill Clinton đã ở Nhà Trắng Mỹ, và Jacques Chirac ở điện Elysée Pháp ! Với thời gian, tổng thống Nga đã biết đến 3 đời tổng thống Mỹ và Pháp khác nhau. Tính đến năm 2017, Putin đã cầm cương nước Nga còn lâu hơn cả Leonid Brejnev (1964-1982), ông đã kinh qua 4 cuộc chiến tranh (Tchetchenia, Gruzia, Ukraina, Syria), đã sát nhập vùng Crimea vào Nga và tăng cường sức mạnh quân đội Nga.

Ông còn chủ tọa lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sotchi vào năm 2014, sắp tới sẽ chủ tọa Cúp Bóng Đá Thế giới 2018, đã xen vào cuộc bầu cử Mỹ và gồng mình chống đỡ cấm vận của phương Tây…

Vào ngày 18/03/2018, ông Putin sẽ tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. L’Express tỏ vẻ không mấy tán đồng với từ "tranh", vì cuộc bầu cử chỉ là hình thức : ông Putin đã nắm chắc phần thắng trong tay.

Nhưng dường như có cái gì đó mỉa mai khi bên cạnh những bài viết mang tính chất phê phán đối với Vladimir Putin, L’Express lại giới thiệu và quảng cáo cho Hội Chợ Sách Paris năm nay, mở ra từ ngày 16 đến ngày 19/03, với khách mời danh dự lần này là nước Nga !

5 bí mật về "Sa Hoàng" Putin

Tạp chí L'Obs thì dành cả 40 trang nhìn về những thay đổi của nước Nga trong 20 năm qua, từ bình diện xã hội, văn hóa, cho đến chính trị, ngoại giao, và đặc biệt chú ý đến lực lượng người cosaque, hầu như được tái sinh. Trên 3 trang, tạp chí cũng không quên các đồng nghiệp nhà báo Nga hiện đang phải khó khăn đối mặt với chính quyền. Trên bình diện kinh tế, L’Obs đưa độc giả đến một nông trại Nga. Do bị cấm vận, không nhập được hàng, giờ đây người Nga phải tự sản xuất phô mát cho mình !

Riêng về bản thân ông Putin, trong bài viết "5 bí mật của "Sa Hoàng" (Putin)", L’Obs đã phân tích sâu hơn về một số điểm hiếm hoi mà người ta được biết về Vladimir Putin, cựu đại tá tình báo KGB, được tờ báo mệnh danh là "ông hoàng của đêm tối", biết khoác cho mình một tấm màn âm u đáng sợ.

Trong năm điều về ông Putin được tuần báo Pháp ghi nhận, đi đầu là sự kiện ông xuất thân là một siêu điệp viên. Kế đến ông là một người rất mưu mô, biết dùng thủ đoạn để vươn lên đỉnh cao quyền lực. Ngoài ra, còn có những thông tin cho rằng ông là một tỷ phú biết che giấu của cải. Trong chính trường Nga, theo L’Obs, Putin đã trở thành trọng tài của mọi phe nhóm.

Riêng trong cuộc sống cá nhân, ông nổi tiếng là một người bay bướm, đào hoa. Có điều, như tuần báo Pháp nhận định, đời sống tình cảm của ông Putin chính là bí mật được giữ kín nhất tại Nga, nhà báo nào dám khui ra là lập tức bị điện Kremlin hỏi chuyện ngay lập tức.

Dẫu sao thì đối với L’Obs, năm 2018 và sự kiện ông Putin tái đắc cử tổng thống chắc chắn sẽ đánh dấu ngày nước Nga trở lại manh mẽ trên chính trường quốc tế.

Tạp chí Le Point chú ý đến Nga nhưng chỉ giới thiệu trên một trang hai bộ phim tài liệu sẽ chiếu trên đài truyền hình Pháp France 5, ngày 16 và 18/03.

Vô số Tiểu Putin tại Châu Âu

Cũng nhìn về Putin, nhưng tuần báo Courrier International lại thấy một khía cạnh khác : Sự xuất hiện của một loạt những lãnh đạo, chính khách Châu Âu được tờ báo mệnh danh là "Mini-Putin", tạm dịch là Tiểu Putin, có những chủ trương rất giống tổng thống Nga.

Trích dẫn tờ Magyar Nemzet, xuất bản ở thủ đô Hungary, tờ báo đã liệt Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và lãnh đạo Czech Milos Zeman, nổi tiếng là thân Nga và mới được bầu lên gần đây.

Theo nhật báo Hung : "Những người bạn đó của nước Nga cũng từ chối việc bị Bruxelles, tức là Liên Hiệp Châu Âu, và Washington chỉ đạo trong cách hành động. Họ đòi quyền được bảo vệ lợi ích quốc gia, giống như những gì tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm".

Trong số các Tiểu Putin, còn có Thủ tướng Slovakia Robert Fico, đảng cực hữu Đức AfD, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và tổng thống đảo Chyprus Nicos Anastasiades.

Đối với tác giả bài báo, sự xuất hiện của các Mini Putin đó nằm trong trào lưu "phục hưng bảo thủ", đang vươn lên nhờ sự suy yếu của giới tinh hoa truyền thống và cuộc khủng hoảng của tiến trình toàn cầu hóa.

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un sẽ đến Bàn Môn Điếm phó hội

Về Châu Á, Courrrier International là một trong những tuần báo Pháp hiếm hoi lần này chú ý đến khu vực, cụ thể là đến tình hình bán đảo Triều Tiên. Tuần báo Pháp không ngần ngại loan báo ngắn gọn : "Thượng đỉnh Liên Triều sẽ diễn ra cuối tháng Tư".

Courrier International đã trích các báo, từ Nhật Bản - với tờ Nihon Keizai Shimbun, đến Hàn Quốc - với hai tờ Korea Times, Hankyoreh, vốn đều loan báo là Seoul và Bình Nhưỡng đã đồng ý tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, lần đầu tiên từ năm 2007 đến nay, và ở Bàn Môn Điếm.

Sau căng thẳng tột độ, tình hình có vẻ tươi sáng lên, Bình Nhưỡng còn muốn nối lại đàm phán với Washington trên vấn đề phi hạt nhân hóa và bang giao. Tất cả những thông tin trên được đưa ra sau chuyến đi của đoàn đặc sứ Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng.

Tờ Hankyoreh theo dõi kỹ chuyến đi còn mô tả là đoàn Hàn Quốc đã ăn tối với Kim Jong-un và phu nhân Ri Sol-ju, và bữa tiệc kéo dài đến 4 tiếng 15 phút. Đây là lần đầu tiên mà Kim Jong-un chính thức gặp các quan chức Hàn Quốc, và cũng là lần đầu tiên mà đoàn Hàn Quốc được đảng Lao Động tiếp đón ở trụ sở của họ.

Thế nhưng, ngoài những thông tin "hình thức" nói trên, về nội dung cuộc gặp, tờ báo vẫn thấy chưa thỏa mãn. Tờ báo trích lời người phát ngôn chính phủ Hàn Quốc nói rằng : "Người ta cho tôi biết là cuộc gặp đã đạt một cái gì đấy và không gây thất vọng"… Tờ Hankyoreh suy ra là Bắc Triều Tiên ít ra là đã chịu ngưng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa.

Báo Korea Times nhắc lại là trước đó Kim Jong-un đã mời tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Bình Nhưỡng, nhưng ông Moon đã đưa ra điều kiện cho chuyến thăm là nối lại đối thoại Mỹ-Bắc Triều Tiên trên vấn đề phi hạt nhân hóa.

Donald Trump và mối đe dọa đối với thương mại thế giới

Khác với các đồng nghiệp Pháp, tuần báo Anh Quốc The Economist đã rất quan tâm đến nguy cơ luật lệ đang chi phối nền thương mại thế giới trở thành luật rừng sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đơn phương đánh thuế trên thép và nhôm nhập vào Hoa Kỳ, một quyết định mà tờ báo cho rằng có thể chỉ là một sự bắt đầu.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Hệ thống (thương mại) dựa trên luật lệ lâm nguy", The Economist trước hết công nhận rằng Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên đơn phương đánh thuế đối với hàng nhập khẩu. Kể từ thời Jimmy Carter, chủ nhân nào của Phòng Bầu Dục cũng đều áp đặt một số biện pháp hạn chế nhập khẩu mang tính chất bảo hộ mậu dịch, thường là đối với thép.

Mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm mà ông Trump quy định trên các mặt hàng nhập vào Mỹ, tự nó cũng không thể tàn phá nền kinh tế thế giới vì lẽ hai mặt hàng này chỉ chiếm 2% trong tổng số hàng mà Hoa Kỳ nhập khẩu vào năm ngoái, tương đương với vỏn vẹn 0,2% GDP của Mỹ. Nhìn dưới khía cạnh đó, việc ông Trump làm đơn giản là một hành động tự gây tổn thương vô nghĩa.

Thế nhưng, theo tuần báo Anh, đó lại là một tai hoạ tiềm tàng - cho cả nước Mỹ lẫn nền kinh tế thế giới.

Không như những người tiền nhiệm, ông Trump là một người rất nghi kỵ thương mại tự do. Ông đã chế nhạo hệ thống thương mại đa phương, bị ông coi là một thỏa thuận không tốt đối với Mỹ… Việc ông Gary Cohn quyết định từ chức cố vấn kinh tế chính của tổng thống vào ngày 06/03/2018, đã làm cho Nhà Trắng mất đi một người hiếm hoi bảo vệ quyền tự do mậu dịch, dự báo rằng chính quyền Mỹ đã rơi hoàn toàn vào tay phe chủ trương bảo hộ mậu dịch. Kể từ khi ra đời vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến, chưa bao giờ hệ thống thương mại toàn cầu lại đã phải đối mặt với một hiểm họa như vậy.

Nguy cơ này có nhiều khía cạnh. Thứ nhất là nguy cơ gia tăng trả đũa qua lại. Sau khi Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẽ trả đũa thuế thép nhôm của Hoa Kỳ bằng các biện pháp trừng phạt đánh vào hàng hoá Mỹ, từ rượu Bourbon cho đến xe mô tô Harley-Davidson, ông Trump đã đe dọa tấn công vào ô tô nhập từ Châu Âu.

Nguy cơ thứ hai nằm ở lý do ông Trump viện dẫn để tăng thuế trên nhôm thép nhập khẩu : đó là dựa vào một đạo luật rất ít được sử dụng, cho phép tổng thống bảo vệ ngành công nghiệp nhân danh nền an ninh quốc gia. Lý do đó rõ ràng là sai lạc. Hầu hết hết thép nhập khẩu của Mỹ đều đến từ Canada, Liên Hiệp Châu Âu, Mexico và Hàn Quốc, các đồng minh của Mỹ. Canada và Mexico dường như tạm thời được miễn áp thuế, nhưng chỉ vì ông Trump muốn dùng điều đó để gây áp lực trên hai đồng minh trong việc thương lượng lại Hiệp Định Tự Do Thương Mại Bắc Mỹ, không liên quan gì đến an ninh quốc gia.

Đối với The Economist, khi viện dẫn lý do an ninh quốc gia để đánh thuế, ông Trump đang tạo ra một tiền lệ mà các quốc gia khác chắc chắn sẽ khai thác để bảo vệ giới sản xuất trong nước họ, với những lý do giả tạo như là của ông Trump.

Mai Vân

Published in Quốc tế

Sau một phần tư thế kỷ cầm quyền với bàn tay thép, tổng thống Nga Vladimir Putin, 66 tuổi, tự tin sẽ tái đắc cử thêm 6 năm, nhiệm kỳ cuối cùng, trừ phi ông lại đổi luật chơi, sửa Hiến Pháp một lần nữa. Nhà đối lập chính, luật sư Alexei Navalny bị cấm ra tranh cử, cấm biểu tình và tổ chức của ông, đảng Tiến Bộ, sắp bị cắt nguồn tài chính. Trong bối cảnh này, các tổ chức đối lập Nga tranh đấu như thế nào ? Qua thùng phiếu hay xuống đường ?

nga1

Áp phích quảng cáo trong chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống Putin trên đường phố Moskva. Ảnh ngày 05/02/2018. Reuters

RFI đặt câu hỏi với chuyên gia Françoise Daucé, giám đốc Trường Cao Đẳng Xã Hội EHESS, Paris.

Bằng mọi cách, tổng thống Nga Vladimir Putin không để cho nhà đối lập Alexei Navalny, khắc tinh của ông, trở thành thánh tử đạo. Trong tháng đầu năm 2018, luật sư chống tham nhũng hô hào tẩy chay bầu cử 18/03/2018, huy động hàng ngàn người biểu tình ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin vẫn để cho "khắc tinh" tự do bởi vì con chim đầu đàn của thế hệ đối lập trẻ bị cấm ra tranh cử, và đảng Tiến Bộ đối lập, sắp bị cắt nguồn tài chính.

Một thế hệ mới

Bị cấm tranh cử, Alexei Navalny không bó tay. Ngày 28/01/2018, luật sư nhân quyền kêu gọi biểu tình trên khắp nước. Theo AFP, ít nhất 4.000 người tuần hành tại Moskva. Phong trào đối lập không huy động được 100.000 người như vào mùa đông 2016 phản đối bầu cử gian lận nhưng theo thông tín viên RFI Daniel Vallot, từ thủ đô nước Nga, điều quan trọng là chiến lược của phe đối lập, hiện nay đang bị chia rẽ.

Chủ trương thứ nhất tham gia bầu cử để Putin không thể một mình tự tung tự tác. Cho dù nền dân chủ Nga bị hạn chế và tiến trình bầu cử bị kiểm soát nhưng tại Nga một thế hệ ứng cử viên mới đã xuất hiện : các nữ phóng viên Ksenia Sobchak, Ekaterina Gordon, doanh nhân thì có Pavel Grunidine, ứng cử viên của đảng cộng sản… Bên cạnh những nhà dân chủ từ ngày đầu thời hậu cộng sản như Grigori Iavlinski sáng lập viên đảng Iabloko Dân Chủ.

Trong khi đó, đường lối của Alexei Navalny, nhà đối lập số một, là tẩy chay cuộc bầu cử mà ông cho là đã được dàn dựng. Chỉ tiêu của chính quyền Nga là làm sao ông Putin tái đắc cử với 75% phiếu và tỷ lệ đi bầu cũng phải trên 75%. Do vậy, chiến lược của Alexei Navalny, đánh vào tính chính đáng của chủ nhân điện Kremlin, là làm sao phá được "hai chỉ tiêu" này.

Tận dụng không gian còn tương đối thoáng

Pavel, một sinh viên biểu tình cho biết vì sao anh ngán ngẩm Putin : "Tôi không thể nào ngôi yên ở nhà. Tôi phải ra đây góp mặt bởi tương lai, định mệnh của chúng tôi ở nơi này. Thế hệ chúng tôi không hiểu vì sao mà cuộc sống lại tồi tệ như thế. Thế hệ lớn tuổi, sống qua thời thập niên 1990, thì cho rằng với Putin, tình hình nước Nga có cải thiện. Nhưng thế hệ chúng tôi, từ khi sinh ra đời đã có Putin. Cả đời chỉ thấy có Putin. Chúng tôi cần một thứ gì khác : đó là quyền tự do phát biểu và quyền được sống thoải mái. Tôi đi biểu tình vì lòng phẫn nộ, chúng tôi không muốn Putin làm tổng thống vì ông ta không phải là đại diện chính đáng của thế hệ trẻ".

Trong bối cảnh bầu cử tổng thống đã được ấn định với cơ sở tỷ lệ đi bầu và tỷ lệ phiếu chiến thắng dự báo trước, câu hỏi đầu tiên là phải chăng người dân Nga nào cũng chán ông Putin sau 25 năm cầm quyền độc đoán ?

Chuyên gia Françoise Daucé, giám đốc viện nghiên cứu EHESS, thường xuyên sang Nga nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến xã hội và nhân quyền cho biết :

Françoise Daucé : "Tôi không nghĩ lời phát biểu của người biểu tình này là tiêu biểu của dân Nga bởi vì tình hình nước Nga phức tạp hơn nhiều. Rất khó mà nhận biết được hết sự khác biệt giữa vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Anh thanh niên này là người ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny nên nói lên quan điểm như thế. Đúng là tại Nga có nhiều tiếng nói chỉ trích chính quyền. Dân chúng phê phán về tình trạng xã hội, kinh tế, về những khó khăn trong đời sống hàng ngày, về tình trạng bê bối, tắc trách trong bộ máy hành chánh, ở bệnh viện, ở trường học… Tuy nhiên, những công kích này không tập trung vào tổng thống Putin mà chỉ nhắm vào các cơ quan công quyền địa phương, lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố.Vấn đề là đối lập có huy động được những bất bình này biến thành một phong trào phản kháng trên toàn quốc hay không" ?

Tình hình phe đối lập hiện nay ra sao ? Họ biết đoàn kết, hợp tác với nhau để phát động một phong trào chống Putin từ những bất bình của người dân trong cuộc sống hang ngày ?

Françoise Daucé : "Tình hình đối lập cũng phức tạp rắc rối hơn chúng ta nghĩ. Bởi vì ở các thành phố có phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ và công kích đảng cầm quyền. Nhưng ở những vùng xa xôi thì hai lực lượng mạnh nhất là phe dân tộc chủ nghĩa LDPR của Vladimir Jirinovski và đảng cộng sản Nga. Thông tín viên RFI ở Matx cơva có nhắc đến ứng cử viên của đảng Cộng sản Nga là Pavel Grodinine, người mà theo tôi, sẽ thu hút được lá phiếu của cử tri bất bình ở các tỉnh xa".

Qua các cuộc bầu cử địa phương gần đây, liệu có thể đánh giá chính xác sức mạnh, uy tín của đối lập Nga trong một nước mà mọi sinh hoạt thông tin đều bị Nhà nước chi phối ?

Françoise Daucé : "Thật ra, chúng ta không có những chỉ dấu đáng tin cậy để dự báo uy tín đối lập lên hay xuống bởi vì tiến trình bầu cử bị chính quyền kiểm soát toàn diện. Chúng ta không có đủ yếu tố để nghiên cứu. Phân tích các kết quả thăm dò ý kiến cũng là một chuyện khó khăn.

Những kết quả bầu cử địa phương năm 2016 cho thấy đối lập lên điểm ở nhiều thành phố. Phe chính quyền bị mất một số quận ở Moskva là yếu tố cho phép bắt mạch xu hướng đang lên của phong trào tự do dân chủ nhưng ở Hạ Viện Duma, đảng của tổng thống Putin vẫn chiếm đa số và vai trò "đối lập" thì nằm trong tay của phe dân tộc chủ nghĩa LDPR và đảng cộng sản Nga. Trong khi đó thì phe tự do dân chủ hầu như không được ghế nào.

Do vậy, phải để ý đến yếu tố khác biệt vùng miền và thêm vào đó là trường hợp các nước cộng hòa độc lập xa xôi, nơi mà bầu cử, ứng cử luôn bị kiểm soát chặt chẽ với hệ quả là đảng của tổng thống Putin, luôn được từ "90%" trở lên".

Nếu tỷ lệ cử tri đi bầu thấp thì liệu chiến thắng của Putin có giá trị gì ?

Françoise Daucé : "Nếu tỷ lệ dân đi bầu thấp thì điều này sẽ làm cho chuyện tái đắc cử của Putin mất đi phần nào tính chính danh. Chính quyền Nga rất sợ viễn cảnh này. Vì thế mà họ để yên cho một vài ứng cử viên đối lập hoạt động, tạo phần nào sinh khí cho sân khấu chính trị. Câu hỏi đặt ra là liệu đối lập có nên tham gia vào cuộc chơi của chính quyền hay không hay là chọn thái độ đứng xa ra không tham gia, không nhắc đến".

Tận dụng không gian mạng

Trong năm 2017, Navalny ba lần bị bắt và kết án tù giam và do vậy bị cấm tranh cử. Khắc tinh của Putin lên án điện Kremlin dàn dựng các bản án giả tạo để ngăn chận một đối thủ chính trị lợi hại.

Dứt khoát chọn đấu tranh đường phố, Navalny tung lời kêu gọi trên mạng :

"Tiến trình bầu cử mà chế độ kêu gọi chúng ta tham gia không phải là một cuộc bầu chọn đúng nghĩa. Chỉ có một mình Putin tranh cử với một số ứng cử viên mà ông ta đích thân lựa chọn và không một người nào đủ uy tín đe dọa chiếc ghế tổng thống của ông ta. Những ứng cử viên này cho đến nay chưa một lần đi vận động cử tri và họ cũng sẽ không bao giờ làm công việc này.

Về phần chúng ta, chúng ta không đóng cửa các văn phòng vận động tranh cử mà sẽ biến nó thành những trung tâm vận động "đình công bầu cử". Chúng ta không khoanh tay ngồi yên nhìn thế sự xoay vần mà chúng ta phải trở thành những nhà quan sát. Chúng ta không kiểm chứng được kết quả bầu cử của các ứng cử viên giả hiệu nhưng chúng ta có thể tập trung vào tỷ lệ cử tri vắng mặt vì điện Kremlin quyết tâm sửa đổi con số này. Chúng ta sẽ vận động người dân tẩy chay bầu cử vì đi bầu là bầu cho tham nhũng, bầu cho gian lận, bầu chống tương lai của nước Nga" .

Tẩy chay bầu cử hay tham gia ứng cử là hai con đường của phe đối lập. Đâu là chiến lược tối ưu : trong phòng phiếu hay trên đường phố ?

Françoise Daucé : "Đối lập Nga chia rẻ trên câu hỏi này. Phân hóa trong phe đối lập không phải mới đây mới có. Từ thập niên 2000, các đảng đối lập chính đã không đồng thuận với nhau về một chiến lược chung đối phó với chính sách kiểm soát cử tri của chính quyền Nga. Một số ứng cứ viên lý giải rằng cần phải tranh cử để có cơ hội nói lên quan điểm, chủ trương của đối lập.

Đó là trường hợp của đảng Iabloko, Dân Chủ Thống Nhất, được giới trí thức ở thành phố ủng hộ. Đó cũng là lập trường của nữ phóng viên truyền hình Ksenia Sobtchak, cũng thuộc phe tự do và thuộc thế hệ trẻ. Ksenia Sobtchak là con gái của cựu thị trưởng cố đô Saint Peterburg, cha đỡ đầu chính trị của ông Vladimir Putin.

Phe chủ trương ngược lại là Alexei Navalny, vừa bị chính quyền cấm tranh cử, nên kêu gọi "đình công bầu cử" và tẩy chay.

Con đường vào điện Kremlin của đối lập Nga do vậy bị hai cản lực lớn : một là cuộc bầu cử bị chính quyền khống chế toàn diện và thứ hai là nội bộ chia rẽ".

Câu hỏi then chốt là "nếu như đối lập đoàn kết" thì có hạ được Putin trong kỳ bầu cử 18/03 hay không ?

Cho đến bây giờ Alexei Navalny cương quyết tận dụng không gian mạng để tranh đấu. Bị tổng thống Putin xem là "khắc tinh" và sử dụng mọi thủ đoạn kể cả mượn tay tư pháp để ngăn chận, Alexei Navalny có chút cơ may nào để thành công ?

Với lập trường của một chính trị gia cánh trung, Navalny có thể tập họp hai phe tả hữu về với mình, một bên là phe tự do dân chủ, phe kia là phong trào yêu nước, dân tộc chủ nghĩa. Đây chính là mục tiêu của Alexei Navalny trong bối cảnh chính trị đặc biệt của nước Nga. Đó là kết luận, không bàn chuyện thắng thua, của nhà phân tích Françoise Daucé, Trường Cao Đẳng Xã Hội Paris EHESS.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 08/02/2018

Published in Diễn đàn

Thủ lãnh đối lập Navalny bị cấm tranh chức tổng thống Nga 2018 (VOA, 25/12/2017)

Nhân vật đi lp hàng đu ca Nga, ông Alexei Navalny, kêu gi ty chay cuc bu c tng thng nước ông vào năm ti sau khi các gii chức bu c loi ông ra, không cho ông ra d tranh.

navalny1

Thủ lãnh đi lp Nga Alexei Navalny đã np đ h sơ và được hu thun đ ra tranh c. Ông phát biu trước y ban Bu c trung ương Moscow, ngày 25/12/2017. (Evgeny Feldman/Navalny Campaign via AP)

y ban bu c trung ương Nga (gi tt là CEC) hôm th Hai 25/12 biu quyết cm ông Navalny ra tranh c trong cuc bu c tng thng Nga s din ra vào tháng Ba năm 2018. y ban bu c vin lý do là vì ông Navalny đã b kết ti hình s trong mt v xét x mà ông Navalny, một blogger chng tham nhũng, và nhng người ng h ông cho là mang đng cơ chính tr.

Quyết đnh ca y ban bu c được đưa ra mt ngày sau khi ông Navalny tuyên b đã thu thp được đ s đơn hu thun trên khp nước đ tr thành mt ng cử viên tổng thng.

Tiếp theo sau quyết đnh ca CEC, ông Navalny ph biến mt băng video, kêu gi các ng h viên ca ông hãy ty chay cuc bu c Tng thng.

Ông Navalny phát biểu :

"Chúng tôi đã tiên đoán CEC có thể đưa ra quyết đnh đó, và chúng tôi đã có sẵn môt kế hoch rõ ràng và chính xác… Chúng tôi đang tuyên b ‘mt cuc đình công ca c tri’, da trên lp trường th tc theo đó chúng tôi được kêu gi tham gia, không phi là mt cuc bu c".

Ông Navalny nói ê kíp của ông gi đây s vn đng chng li vic tham gia cuc bu c tng thng Nga.

Thủ lãnh đi lp Nga tuyên b mt lá phiếu b trong cuc bu c này là mt lá phiếu "bu cho la đo và tham nhũng".

Tổng thng Vladimir Putin hi đu tháng này loan báo s ra d tranh đ giành chiếc ghế Tng thng trong cuc bu c ngày 18/3/2018.

Ông Putin được tin rng rãi là người s đc c đ giành thêm mt nhim kỳ Tng thng th tư.

*****************

Nga : Biểu tình ủng hộ ứng cử viên đối lập Navalny trên toàn quốc (RFI, 24/12/2017)

Hàng ngàn người ngày 24/12/2017 xuống đường tại khoảng 20 thành phố nước Nga để ủng hộ ứng cử viên Alexei Navalny, nhà đối lập muốn thách thức tổng thống Vladimir Putin trong kỳ bầu cử tháng 3/2018.

navalny2

Nhà đối lập Nga, Alexei Navalny. Ảnh ngày 22/10/2017. Vasily MAXIMOV / AFP

Từ Vladivostok (vùng Viễn Đông) tới Rostov-sur-le-Don (tây nam), hay thủ đô Moskva, Saint-Petersbourg (tây bắc), những người ủng hộ đã tập hợp lại theo lời kêu gọi của luật sư kiêm blogger chống tham nhũng 41 tuổi, nhân dịp ông ra tranh cử.

Hồi tháng 10/2017, nhà đối lập hàng đầu này đã bị Ủy ban bầu cử truất quyền tham gia cho đến năm 2028 vì một bản án về tội biển thủ, mà ông cho là hoàn toàn bịa đặt. Theo luật, một ứng viên độc lập cần được một nhóm tối thiểu 500 cử tri ủng hộ mới có thể đề nghị Ủy ban bầu cử trung ương ghi tên vào danh sách các ứng cử viên chính thức. Khi kêu gọi tập hợp tại 20 thành phố, mỗi nơi 500 người, Alexei Navalny hy vọng sẽ gây được áp lực.

Ông Navalny trong nhiều tháng qua đã tiến hành chiến dịch vận động giúp tạo được một lớp người ủng hộ trung thành, đa số là giới trẻ, thông qua các video tố cáo nạn tham nhũng trong giới cầm quyền.

Hồi tháng Ba và tháng Sáu, nhà đối lập nổi tiếng cũng đã tổ chức được các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng thấy, kể từ sau phong trào phản kháng năm 2011 và 2012 khiến hàng trăm người bị bắt giữ.

Tuy nhiên, Alexei Navalny không thể nào so kè được với Vladimir Putin, hiện có tỉ lệ tín nhiệm lên đến 80%. "Ứng cử viên độc lập" Putin, 65 tuổi, được nhiều người dân ủng hộ chủ yếu do kinh tế tương đối ổn nhờ nguồn thu nhập từ dầu lửa, và việc đưa nước Nga quay lại vị trí trên trường quốc tế.

Thụy My

Published in Quốc tế
Trang 3 đến 3