Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/02/2018

Nga : Chỗ đứng nào cho thế hệ đối lập trẻ ?

Françoise Daucé

Sau một phần tư thế kỷ cầm quyền với bàn tay thép, tổng thống Nga Vladimir Putin, 66 tuổi, tự tin sẽ tái đắc cử thêm 6 năm, nhiệm kỳ cuối cùng, trừ phi ông lại đổi luật chơi, sửa Hiến Pháp một lần nữa. Nhà đối lập chính, luật sư Alexei Navalny bị cấm ra tranh cử, cấm biểu tình và tổ chức của ông, đảng Tiến Bộ, sắp bị cắt nguồn tài chính. Trong bối cảnh này, các tổ chức đối lập Nga tranh đấu như thế nào ? Qua thùng phiếu hay xuống đường ?

nga1

Áp phích quảng cáo trong chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống Putin trên đường phố Moskva. Ảnh ngày 05/02/2018. Reuters

RFI đặt câu hỏi với chuyên gia Françoise Daucé, giám đốc Trường Cao Đẳng Xã Hội EHESS, Paris.

Bằng mọi cách, tổng thống Nga Vladimir Putin không để cho nhà đối lập Alexei Navalny, khắc tinh của ông, trở thành thánh tử đạo. Trong tháng đầu năm 2018, luật sư chống tham nhũng hô hào tẩy chay bầu cử 18/03/2018, huy động hàng ngàn người biểu tình ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin vẫn để cho "khắc tinh" tự do bởi vì con chim đầu đàn của thế hệ đối lập trẻ bị cấm ra tranh cử, và đảng Tiến Bộ đối lập, sắp bị cắt nguồn tài chính.

Một thế hệ mới

Bị cấm tranh cử, Alexei Navalny không bó tay. Ngày 28/01/2018, luật sư nhân quyền kêu gọi biểu tình trên khắp nước. Theo AFP, ít nhất 4.000 người tuần hành tại Moskva. Phong trào đối lập không huy động được 100.000 người như vào mùa đông 2016 phản đối bầu cử gian lận nhưng theo thông tín viên RFI Daniel Vallot, từ thủ đô nước Nga, điều quan trọng là chiến lược của phe đối lập, hiện nay đang bị chia rẽ.

Chủ trương thứ nhất tham gia bầu cử để Putin không thể một mình tự tung tự tác. Cho dù nền dân chủ Nga bị hạn chế và tiến trình bầu cử bị kiểm soát nhưng tại Nga một thế hệ ứng cử viên mới đã xuất hiện : các nữ phóng viên Ksenia Sobchak, Ekaterina Gordon, doanh nhân thì có Pavel Grunidine, ứng cử viên của đảng cộng sản… Bên cạnh những nhà dân chủ từ ngày đầu thời hậu cộng sản như Grigori Iavlinski sáng lập viên đảng Iabloko Dân Chủ.

Trong khi đó, đường lối của Alexei Navalny, nhà đối lập số một, là tẩy chay cuộc bầu cử mà ông cho là đã được dàn dựng. Chỉ tiêu của chính quyền Nga là làm sao ông Putin tái đắc cử với 75% phiếu và tỷ lệ đi bầu cũng phải trên 75%. Do vậy, chiến lược của Alexei Navalny, đánh vào tính chính đáng của chủ nhân điện Kremlin, là làm sao phá được "hai chỉ tiêu" này.

Tận dụng không gian còn tương đối thoáng

Pavel, một sinh viên biểu tình cho biết vì sao anh ngán ngẩm Putin : "Tôi không thể nào ngôi yên ở nhà. Tôi phải ra đây góp mặt bởi tương lai, định mệnh của chúng tôi ở nơi này. Thế hệ chúng tôi không hiểu vì sao mà cuộc sống lại tồi tệ như thế. Thế hệ lớn tuổi, sống qua thời thập niên 1990, thì cho rằng với Putin, tình hình nước Nga có cải thiện. Nhưng thế hệ chúng tôi, từ khi sinh ra đời đã có Putin. Cả đời chỉ thấy có Putin. Chúng tôi cần một thứ gì khác : đó là quyền tự do phát biểu và quyền được sống thoải mái. Tôi đi biểu tình vì lòng phẫn nộ, chúng tôi không muốn Putin làm tổng thống vì ông ta không phải là đại diện chính đáng của thế hệ trẻ".

Trong bối cảnh bầu cử tổng thống đã được ấn định với cơ sở tỷ lệ đi bầu và tỷ lệ phiếu chiến thắng dự báo trước, câu hỏi đầu tiên là phải chăng người dân Nga nào cũng chán ông Putin sau 25 năm cầm quyền độc đoán ?

Chuyên gia Françoise Daucé, giám đốc viện nghiên cứu EHESS, thường xuyên sang Nga nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến xã hội và nhân quyền cho biết :

Françoise Daucé : "Tôi không nghĩ lời phát biểu của người biểu tình này là tiêu biểu của dân Nga bởi vì tình hình nước Nga phức tạp hơn nhiều. Rất khó mà nhận biết được hết sự khác biệt giữa vùng miền, giữa thành thị và nông thôn. Anh thanh niên này là người ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny nên nói lên quan điểm như thế. Đúng là tại Nga có nhiều tiếng nói chỉ trích chính quyền. Dân chúng phê phán về tình trạng xã hội, kinh tế, về những khó khăn trong đời sống hàng ngày, về tình trạng bê bối, tắc trách trong bộ máy hành chánh, ở bệnh viện, ở trường học… Tuy nhiên, những công kích này không tập trung vào tổng thống Putin mà chỉ nhắm vào các cơ quan công quyền địa phương, lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố.Vấn đề là đối lập có huy động được những bất bình này biến thành một phong trào phản kháng trên toàn quốc hay không" ?

Tình hình phe đối lập hiện nay ra sao ? Họ biết đoàn kết, hợp tác với nhau để phát động một phong trào chống Putin từ những bất bình của người dân trong cuộc sống hang ngày ?

Françoise Daucé : "Tình hình đối lập cũng phức tạp rắc rối hơn chúng ta nghĩ. Bởi vì ở các thành phố có phong trào tranh đấu cho tự do dân chủ và công kích đảng cầm quyền. Nhưng ở những vùng xa xôi thì hai lực lượng mạnh nhất là phe dân tộc chủ nghĩa LDPR của Vladimir Jirinovski và đảng cộng sản Nga. Thông tín viên RFI ở Matx cơva có nhắc đến ứng cử viên của đảng Cộng sản Nga là Pavel Grodinine, người mà theo tôi, sẽ thu hút được lá phiếu của cử tri bất bình ở các tỉnh xa".

Qua các cuộc bầu cử địa phương gần đây, liệu có thể đánh giá chính xác sức mạnh, uy tín của đối lập Nga trong một nước mà mọi sinh hoạt thông tin đều bị Nhà nước chi phối ?

Françoise Daucé : "Thật ra, chúng ta không có những chỉ dấu đáng tin cậy để dự báo uy tín đối lập lên hay xuống bởi vì tiến trình bầu cử bị chính quyền kiểm soát toàn diện. Chúng ta không có đủ yếu tố để nghiên cứu. Phân tích các kết quả thăm dò ý kiến cũng là một chuyện khó khăn.

Những kết quả bầu cử địa phương năm 2016 cho thấy đối lập lên điểm ở nhiều thành phố. Phe chính quyền bị mất một số quận ở Moskva là yếu tố cho phép bắt mạch xu hướng đang lên của phong trào tự do dân chủ nhưng ở Hạ Viện Duma, đảng của tổng thống Putin vẫn chiếm đa số và vai trò "đối lập" thì nằm trong tay của phe dân tộc chủ nghĩa LDPR và đảng cộng sản Nga. Trong khi đó thì phe tự do dân chủ hầu như không được ghế nào.

Do vậy, phải để ý đến yếu tố khác biệt vùng miền và thêm vào đó là trường hợp các nước cộng hòa độc lập xa xôi, nơi mà bầu cử, ứng cử luôn bị kiểm soát chặt chẽ với hệ quả là đảng của tổng thống Putin, luôn được từ "90%" trở lên".

Nếu tỷ lệ cử tri đi bầu thấp thì liệu chiến thắng của Putin có giá trị gì ?

Françoise Daucé : "Nếu tỷ lệ dân đi bầu thấp thì điều này sẽ làm cho chuyện tái đắc cử của Putin mất đi phần nào tính chính danh. Chính quyền Nga rất sợ viễn cảnh này. Vì thế mà họ để yên cho một vài ứng cử viên đối lập hoạt động, tạo phần nào sinh khí cho sân khấu chính trị. Câu hỏi đặt ra là liệu đối lập có nên tham gia vào cuộc chơi của chính quyền hay không hay là chọn thái độ đứng xa ra không tham gia, không nhắc đến".

Tận dụng không gian mạng

Trong năm 2017, Navalny ba lần bị bắt và kết án tù giam và do vậy bị cấm tranh cử. Khắc tinh của Putin lên án điện Kremlin dàn dựng các bản án giả tạo để ngăn chận một đối thủ chính trị lợi hại.

Dứt khoát chọn đấu tranh đường phố, Navalny tung lời kêu gọi trên mạng :

"Tiến trình bầu cử mà chế độ kêu gọi chúng ta tham gia không phải là một cuộc bầu chọn đúng nghĩa. Chỉ có một mình Putin tranh cử với một số ứng cử viên mà ông ta đích thân lựa chọn và không một người nào đủ uy tín đe dọa chiếc ghế tổng thống của ông ta. Những ứng cử viên này cho đến nay chưa một lần đi vận động cử tri và họ cũng sẽ không bao giờ làm công việc này.

Về phần chúng ta, chúng ta không đóng cửa các văn phòng vận động tranh cử mà sẽ biến nó thành những trung tâm vận động "đình công bầu cử". Chúng ta không khoanh tay ngồi yên nhìn thế sự xoay vần mà chúng ta phải trở thành những nhà quan sát. Chúng ta không kiểm chứng được kết quả bầu cử của các ứng cử viên giả hiệu nhưng chúng ta có thể tập trung vào tỷ lệ cử tri vắng mặt vì điện Kremlin quyết tâm sửa đổi con số này. Chúng ta sẽ vận động người dân tẩy chay bầu cử vì đi bầu là bầu cho tham nhũng, bầu cho gian lận, bầu chống tương lai của nước Nga" .

Tẩy chay bầu cử hay tham gia ứng cử là hai con đường của phe đối lập. Đâu là chiến lược tối ưu : trong phòng phiếu hay trên đường phố ?

Françoise Daucé : "Đối lập Nga chia rẻ trên câu hỏi này. Phân hóa trong phe đối lập không phải mới đây mới có. Từ thập niên 2000, các đảng đối lập chính đã không đồng thuận với nhau về một chiến lược chung đối phó với chính sách kiểm soát cử tri của chính quyền Nga. Một số ứng cứ viên lý giải rằng cần phải tranh cử để có cơ hội nói lên quan điểm, chủ trương của đối lập.

Đó là trường hợp của đảng Iabloko, Dân Chủ Thống Nhất, được giới trí thức ở thành phố ủng hộ. Đó cũng là lập trường của nữ phóng viên truyền hình Ksenia Sobtchak, cũng thuộc phe tự do và thuộc thế hệ trẻ. Ksenia Sobtchak là con gái của cựu thị trưởng cố đô Saint Peterburg, cha đỡ đầu chính trị của ông Vladimir Putin.

Phe chủ trương ngược lại là Alexei Navalny, vừa bị chính quyền cấm tranh cử, nên kêu gọi "đình công bầu cử" và tẩy chay.

Con đường vào điện Kremlin của đối lập Nga do vậy bị hai cản lực lớn : một là cuộc bầu cử bị chính quyền khống chế toàn diện và thứ hai là nội bộ chia rẽ".

Câu hỏi then chốt là "nếu như đối lập đoàn kết" thì có hạ được Putin trong kỳ bầu cử 18/03 hay không ?

Cho đến bây giờ Alexei Navalny cương quyết tận dụng không gian mạng để tranh đấu. Bị tổng thống Putin xem là "khắc tinh" và sử dụng mọi thủ đoạn kể cả mượn tay tư pháp để ngăn chận, Alexei Navalny có chút cơ may nào để thành công ?

Với lập trường của một chính trị gia cánh trung, Navalny có thể tập họp hai phe tả hữu về với mình, một bên là phe tự do dân chủ, phe kia là phong trào yêu nước, dân tộc chủ nghĩa. Đây chính là mục tiêu của Alexei Navalny trong bối cảnh chính trị đặc biệt của nước Nga. Đó là kết luận, không bàn chuyện thắng thua, của nhà phân tích Françoise Daucé, Trường Cao Đẳng Xã Hội Paris EHESS.

Tú Anh

Nguồn : RFI, 08/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 699 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)