Tiến sĩ Khuất Thu Hồng gửi thỉnh nguyện thư đề nghị điều tra rốt ráo
Một tiến sĩ xã hội học người Việt Nam viết thư cho Chủ tịch nước đề nghị dừng thi hành án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng, với hy vọng vụ việc sẽ được tiếp tục điều tra để chắc rằng "bản án đúng người, đúng tội".
Bố mẹ Nguyễn Văn Chưởng (ở giữa) cùng với mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (phía bên trái ảnh) và mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh - FB Nguyễn Trường Chinh/ RFA edited
Trong thư ngỏ đăng tải trên Facebook cá nhân Tiến sĩ Khuất Thu Hồng viết :
"Mục đích của pháp luật là để bảo vệ người dân đạt được công lý nhưng xây dựng và thực thi pháp luật là con người. Vì vậy sự nhầm lẫn hoặc những kẽ hở trong quá trình điều tra có thể xảy ra.
Những bản án oan sai đã từng được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới. Việt Nam cũng đã từng có Huỳnh Văn Nén, Hàn Văn Long, Nguyễn Thanh Chấn… bị kết án oan.
Nhưng cũng nhờ sự thận trọng và kiên nhẫn của các cơ quan thực thi pháp luật mà công lý đã chiến thắng và những người tử tù đã được giải oan và trở về với cuộc sống".
Cũng theo bà, "cuộc sống của Nguyễn Văn Chưởng chỉ còn tính từng ngày. Quyết định (tạm hoãn thi hành án-PV) của ông (Chủ tịch nước -PV) có thể giữ lại mạng sống của một con người và cứu vãn tương lai của cả gia đình anh ấy, nhất là của đứa con gái chưa từng được gặp mặt cha.
Hơn thế, quyết định của ông sẽ giúp khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật, thu phục nhân tâm, làm tăng niềm tin của người dân vào Nhà nước, vào pháp luật và khuyến khích nhân dân tuân thủ pháp luật".
Hôm 14/8/2023 từ Hà Nội, tác giả của bức thỉnh nguyện thư với tư cách công dân, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, người đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) và là một Ủy viên trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về quyết định gửi thư ngỏ cho lãnh đạo nhà nước Việt Nam :
"Tôi không có động cơ nào khác ngoài sự thúc giục của lương tâm là đứng trước tính mạng của một người đồng bào của mình, và khi tôi theo dõi những thông tin xung quanh vụ án này, tôi thấy rằng còn có một số tình tiết chưa rõ ràng.
Điều này không phải là tôi kết luận, tôi không đủ thông tin để kết luận nhưng tôi dựa vào kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, của các cựu Đại biểu Quốc hội như là ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Dương Trung Quốc, của một số luật sư, họ cũng nêu ra một số tình tiết chưa được rõ ràng.
Một khi mà chưa được rõ ràng mà đã có một bản án như vậy, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến những sai lầm. Đã có những tiền lệ những vụ án oan rồi, ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước trên thế giới, thế thì việc hoãn thi hành án để có thể điều tra tốt hơn, kỹ hơn tôi nghĩ là việc rất nên làm".
Theo bà, việc làm này không rõ có làm thay đổi quyết định của người đứng đầu nhà nước không, tuy nhiên theo bà, với "trách nhiệm của một người sống trong đất nước này, trong xã hội này, tôi muốn xã hội ấy được hòa bình hơn, nhân văn hơn, công lý được đảm bảo tốt hơn. Nếu có thể làm một điều gì đó để góp phần vào việc đó, tôi nghĩ rất đáng để làm".
Về vấn đề án tử hình ở Việt Nam và nhà nước có nên bỏ hình phạt này đi hay không trong hệ thống pháp luật của mình, đặc biệt trong bối cảnh có những trường hợp được cho là có án oan sai như với các tử tù như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh… được biết hiện nay ở Việt Nam, Tiến sĩ xã hội học Khuất Thu Hồng nói tiếp với RFA tiếng Việt :
"Từ lâu, tôi đã lên tiếng là Việt Nam nên bỏ án tử hình, cá nhân tôi, tôi không tán thành án tử hình một chút nào cả… Án tử hình đó không giúp lấy lại mạng sống của người đã bị giết…
Người ta hay nói đấy là công lý, nó sẽ rất không hợp lý khi chúng ta bình tĩnh tước đi mạng sống của một người mà lúc đó người ta không làm bất cứ một hành động gì để có thể dẫn đến việc chúng ta phải giết người đó cả.
Điều ấy làm cho tôi rất dằn vặt và tôi nghĩ là rằng nên bỏ án tử hình. Có thể là chung thân, có thể là kéo dài những năm tháng mà người ta phải bị giam giữ để người ta cải tạo, cũng là một hình thức làm gương cho những người khác".
Cũng từ phân tích, nhận định của bà Hồng, bản án tử hình đối với một người cũng chính là "án tử" đối với những thành viên vô tội còn lại của gia đình đó, đó là những người cha mẹ, những người con, người vợ, người chồng.
"Bản án đó có thể tước đi cơ hội sống, cơ hội làm việc, học tập, hôn nhân, sống một cuộc sống bình thường nhất của tất cả thành viên gia đình đó", cũng theo nhà khoa học đang sinh sống tại Việt Nam.
Trước ý kiến trong dịp này cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh vai trò, chức năng của những cơ quan, ủy ban với vai trò, chức năng phù hợp và độc lập tốt hơn để tiến hành rà soát liên tục công tác tư pháp, đặc biệt liên quan các bản án được cho là có yếu tố ‘oan sai’, trong đó có các bản án tử hình được tuyên, và không chỉ thực hiện với một, hai trường hợp cá biệt nào, mà nên coi đó là công việc thường xuyên hơn, bà Khuất Thu Hồng nói :
"Đương nhiên, tôi nghĩ đấy là điều lý tưởng, nếu làm được như vậy thì quá là lý tưởng, nhưng điều đó thực sự là thách thức, không chỉ với nền lập pháp, tư pháp và hành pháp của Việt Nam mà đó cũng là bài toán của rất nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Mỹ hay nhiều nước khác cũng có rất nhiều những vụ án oan, chứ không phải chỉ riêng ở Việt Nam…, mọi người đều biết án oan là một điều rất tệ hại và tôi nghĩ chẳng một quốc gia nào muốn một điều như vậy xảy ra, cho dù quốc gia ấy có phải là quốc gia mà ưa thích những hình phạt khốc liệt nhất hay không, thì không ai muốn án oan cả. Nhưng để đảm bảo không có án oan, tôi nghĩ rằng cực kỳ khó khăn và đòi hỏi một sự nỗ lực, sự giám sát rất lớn".
Theo quan điểm riêng của bà Hồng, việc giảm án oan hoàn toàn có thể làm được cùng với trách nhiệm của cơ quan chức năng và phương tiện kỹ thuật, tuy vậy khó có thể 100% không có án oan. Chính vì thế, theo bà nên bỏ hình phạt này để khi có sai sót vẫn còn có thể "khắc phục" (*).
Trong một diễn biến khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội Việt Nam, cựu Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng, trong một chia sẻ trên truyền thông tại Việt Nam đã khẳng định ông cũng đã nhắn tin tới Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng để lưu ý ông về vụ án ‘oan’ với tử tù Nguyễn Văn Chưởng, và ông Lưu Bình Nhưỡng khẳng định đã nhận được tin nhắn hồi đáp, khẳng định ông Võ Văn Thưởng đã nhận được thông điệp này.
Cũng hôm 14/8/2023, từ Hà Nội, liên quan câu hỏi Việt Nam cần làm gì để tránh những vụ án, bản án oan sai, với tiếp cận hướng tới giải quyết có tính chất căn bản, gốc rễ, căn cơ của vấn đề này, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện độc lập IDS (đã tự giải thể) nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Tôi nghĩ rằng tư pháp phải độc lập, cái đấy là quan trọng, tư pháp của Việt Nam không độc lập, cho nên nó có thể dẫn đến những sự oan sai không thể tưởng tượng nổi, mà vụ Nguyễn Văn Chưởng hay là Hồ Duy Hải chỉ là một vài vụ mà người ta thấy trong thời gian gần đây.
Bao nhiêu những vụ trước kia đã bị rồi, từ ông Nguyễn Thanh Chấn, cho đến ông Hàn Đức Long, nếu không có những kẻ thủ ác tự đầu thú thì chưa biết chừng mấy ông đó đã bị tử hình mất rồi. Tôi nghĩ sự không độc lập của ngành tư pháp là nguyên nhân chính dẫn đến những án oan sai như vậy.
Và ở đây, tôi lưu ý một điểm là có lẽ thời khoảng năm 1945, 1946 trở đi, lúc ấy các vị lãnh đạo (Việt Nam) có lẽ còn đang chịu ảnh hưởng của Pháp hay của phương Tây, thì còn có điều gọi là ‘Hội thẩm nhân dân’, nếu những vụ án lớn, đại hình như thế, mà có một bồi thẩm đoàn của nhân dân, tức là lựa chọn ngẫu nhiên từ những người dân ra 12 hay là 24 vị như bên Mỹ hay bên phương Tây, những vị ấy, nếu chỉ cần một người nói rằng ‘án tử hình này là không được’, thì phải xem xét lại, nên có ‘Bồi thẩm đoàn’ nhân dân như thế được đưa vào.
Mà thực sự người ta đã muốn đưa vào từ ban đầu, nhưng về sau do độc quyền, cho nên tất cả công tố, tức là Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra, rồi công an và Tòa án, ba cơ quan này đồng tình kết hợp với nhau, và nhất trí từ trước để giải quyết vụ án nói chung ; tức là có thể nói rằng nền tư pháp của Việt Nam phải cải tổ một cách rất triệt để và đường hướng ấy là tư pháp phải độc lập và phải khôi phục lại điều được gọi là ‘Bồi thẩm đoàn nhân dân’, thì sẽ tránh được những vụ oan sai", ông Nguyễn Quang A nêu quan điểm riêng.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 16/08/2023
(*) Đính chính lúc 3 giờ 40 phút ngày 16/8 :
Bà Khuất Thu Hồng viết bức thư với tư cách là cá nhân, mặc dù bà đang là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) và là một Ủy viên trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.
Án mạng giết hại thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh đêm 14/7/2007 ở đường vào cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng là bản án quá đơn giản, không có gì phức tạp, không khó phá án, không khó tìm ra bàn tay vấy máu nạn nhân Nguyễn Văn Sinh.
Ba bóng đen trùm xuống bản án tử hình oan Nguyễn Văn Chưởng : Đỗ Hữu Ca, Dương Tự Trọng và Trương Hòa Bình
Nhưng cũng như vụ án hai cô gái ở bưu điện Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An bị giết hại tối 13/1/2008, cơ quan điều tra không hướng vào truy tìm kẻ thủ ác đích thực nên vội vàng hủy tang vật vụ án. Con dao, cái thớt ở chỗ hai cô gái bị giết, dính máu nạn nhân đương nhiên cũng có cả dấu vết bàn tay tội ác. Con dao bị giấu nhẹm. Cái thớt bị thiêu trong đống lửa. Cảnh sát điều tra ra chợ mua dao thớt mới thay thế chỉ cốt cho có tang vật thì rõ ràng họ không cần truy tìm kẻ đích thực giết hai cô gái.
Tang chứng của thủ phạm đích thực bị hủy bỏ mất tăm tích để tạo ra tang chứng áp đặt bằng bạo lực nhục hình ép cung, buộc tội người ngoại phạm. Bạo lực nhục hình ép cung đã tạo ra nhiều bản án tử hình oan rải ra trong không gian rộng lớn trên cả nước và kéo dài trong thời gian nhiều chục năm qua mà những tử tù oan Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn và những cái chết oan như Ngô Thanh Kiều là dẫn chứng.
Bản án tử hình Nguyễn Văn Chưởng cũng trong vòng xoáy bạo lực nhục hình, ép cung như bản án tử hình với Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long nhưng khủng khiếp hơn, trắng trợn hơn và trùng trùng nhiều tầng lớp áp đặt hơn. Thiếu minh bạch, không có ánh sáng công lí nên trong bản án tử hình oan Nguyễn Văn Chưởng thấy lù lù những bóng đen, những khoảng tối trùm xuống bản án. Bịt bùng nhất, nặng nề nhất và khủng khiếp nhất là ba bóng đen Đỗ Hữu Ca, Dương Tự Trọng và Trương Hòa Bình.
Huyết thư kêu oan gửi Chủ tịch nước của ông Nguyễn Trường Chinh
Trong đó hai bóng đen tạo ra bản án tử hình oan cho Chưởng là Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng. Bóng đen Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Tối Cao đủ tầm bao phủ chặn kín cánh cửa giải oan, xóa án oan cho dân đen lương thiện Nguyễn Văn Chưởng. Bóng đen bịt kín buồng giam tử tù Nguyễn Văn Chưởng không còn một khe hở cho ánh sáng công lí soi vào đến nỗi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã từng là Chánh án Tòa án Tối cao phải ngửa mặt lên trời than cho phận dân đen phải chịu oan khiên tức tưởi và tuyệt vọng : "Vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng hết đường kháng nghị !".
Án mạng giết thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh đêm mưa gió 14/7/2007 ở đường vào cảng Đình Vũ, Hải Phòng xảy ra khi đại tá Ca đang là trưởng phòng điều tra tội phạm kiêm phó giám đốc công an Hải Phòng. Vụ án xảy ra khi Ca đang hau háu nhìn lên chiếc ghế giám đốc và thượng tá Trọng là phó của Ca ở phòng điều tra tội phạm đang nôn nóng chờ Ca lên giám đốc để lại chiếc ghế trưởng phòng điều tra tội phạm kiêm phó giám đốc công an thành phố cho Trọng. Thèm khát chức quyền, có vụ án xảy ra, cả hai đều lấy bạo lực, nhục hình, ép cung làm phép màu phá án nhanh. Ca và Trọng đều rất rành phá án nhanh bằng bạo lực. Lúc này càng phải tỏ ra là người hùng phá án nhanh, ghi điểm son để lên chức.
Người dân và chính quyền tranh chấp đất đai chỉ là tranh chấp dân sự thường tình của cuộc sống vốn luôn phát sinh mâu thuẫn. Tranh chấp đất đai đã và đang diễn ra gay gắt trên khấp đất nước. Công an cưỡng chế thu hồi đất tay khiên, tay dùi cui dàn hàng ngang đối mặt với hàng ngàn dân giữ đất kéo dài suốt nhiều năm. Khi căng thẳng nhất công an cũng chỉ vung tay, vung chân với dân. Dữ dội nhất cũng chỉ dùi cui khua loang loáng, gạch đá bay rào rào. Không ở đâu công an nỡ dàn trận, xả súng bắn dân tranh chấp đất đai với chính quyền.
Cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ông Nguyễn Trường Chinh bị ngất xỉu khi đang vận động kêu oan cho con.
Nhưng trong tranh chấp giữa gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn với chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng về mảnh đất gia đình Vươn đã đổ mồ hôi, đổ cả máu khai hoang lấn biển, Ca và Trọng đã huy động hơn một trăm tay súng công an dàn thế trận đối đầu bằng súng đạn với dân, xả đạn vào ngôi nhà đơn sơ, mỏng manh nơi vợ con Vươn, nơi đàn bà và trẻ con đang nương náu. Nổ súng bắn vào đàn bà, trẻ con, bắn vào người dân một nắng hai sương khai hoang lấn biển, mở đất sản xuất làm ra của cải và đóng thuế cho nhà nước mà Ca hỉ hả sung sướng khoe trận đánh đẹp. Phá án nhanh của đại tá Ca, của thượng tá Trọng là vậy ! Phá án bằng bạo lực tàn bạo, man rợ, không còn tính người.
Án mạng giết thiếu tá Sinh có màu sắc, có bóng dáng cuộc thanh toán của xã hội đen, của thế giới ngầm. Không hề có chỉ dấu của vụ giết người, cướp của. Giết người cướp của phải nhằm vào người có của và tay không, yếu thế. Chẳng dại gì nhằm vào công an có súng. Công an đi công vụ trong đêm cũng chẳng ai mang theo của. Có chăng chỉ vài đồng tiền lẻ. Một vụ cướp có tổ chức, có chủ mưu mà Chưởng bị vu cho là chủ mưu không khi nào ra tay giết một mạng người chỉ vì vài đồng tiền lẻ.
Trời mưa gió. Đêm khuya. Đường vắng. Thiếu tá Sinh mặc áo mưa đi xe máy một mình thì không thể là đi tuần. Lâu không thấy Sinh về, đồng đội của Sinh là cảnh sát Phạm Hồng Quang đi tìm thấy Sinh bị giết thì ứng xử của Quang cũng không phải là ứng xử của một cảnh sát với một án mạng, lại là án mạng với đồng đội của mình.
Với cảnh sát, xử lí án mạng là việc thường ngày, là kĩ năng nghiệp vụ. Nghiệp vụ phá án hàng đầu cảnh sát nào cũng phải thuộc lòng là bảo vệ hiện trường, bảo quản nguyên trạng tang vật. Nhưng Quang đến nơi Sinh bị giết liền xóa bỏ ngay hiện trường, thu giấu ngay tang vật.
Quang lột áo mưa, áo cảnh sát, dép… của Sinh gửi ở phòng bảo vệ công ty gần nơi án mạng. Quang thu giữ điện thoại di động, khẩu súng ngắn của Sinh đến chiều hôm sau, 15/7/2007 mới giao lại cho đơn vị đưa vào tang vật vụ án. Quang giữ điện thoại của Sinh một đêm và nửa ngày, liệu lịch sử những cuốc liên lạc của điện thoại có còn nguyên vẹn và đầy đủ ?
Vội vàng xóa bỏ nguyên trạng hiện trường vụ án, Quang như muốn che giấu nguyên nhân đích thực dẫn đến cái chết của Sinh. Đây là chi tiết rất quan trong, một hướng cần khai thác đến nơi đến chốn để truy tìm ra kẻ thủ ác đích thực.
Nhưng Ca và Trọng không quan tâm đến sự việc và con người có thật trong vụ án. Ỷ vào bạo lực, có sự táng tận lương tâm, có sự trống rỗng tính người để bắt bất kì dân đen, thân cô thế cô nào cho nếm bạo lực "trận đánh đẹp" của Ca, cho nếm nhục hình, ép cung của đàn em Ca và Trọng, đều phải nhận tội giết người. Đó là thủ thuật phá án nhanh nhất của Ca và Trọng.
Chưởng đã kê khai các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng, 0974.863.087, tối ngày 14/7/2007 là căn cứ rất xác đáng, đủ cơ sở xác định vị trí và hành vi của Chưởng ở thời điểm xảy ra vụ án giết thiếu tá Sinh. Xác minh điều đó là xác minh sự ngoại phạm của Chưởng nên Ca và Trọng lờ đi. Ca và Trọng chỉ dùng bạo lực, nhục hình, ép cung mới nhanh chóng buộc Chưởng phải nhận tội giết thiếu tá Sinh đêm 14/7/2007 !
Bạo lực nhục hình, ép cung của lũ cô hồn trong trại giam của công an Hải Phòng chưa đủ, Ca và Trọng còn liên kết với công an Bắc Giang, nơi có nhà giam Kế với những cô hồn máu lạnh, thành thục xài bạo lực, nhục hình, ép cung tạo ra những án oan tử hình Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long chấn động cả nước. Bị đòn nhừ tử ở trại giam công an Hải Phòng, Nguyễn Văn Chưởng lại bị dẫn giải lên Bắc Giang, tống vào nhà giam Kế cho những cô hồn đã buộc Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn chỉ được lựa chọn một trong hai sự nghiệt ngã : Hoặc nhận tội giết người. Hoặc ân đòn đến chết. Với sự ra đòn của những cô hồn đó, dù không giết người, Chưởng cũng phải nhận tội giết người để được sống mà kêu oan.
Bạo lực, nhục hình, ép cung cả với những tiếng nói trung thực. Nguyễn Trọng Đoàn, em Chưởng, Trần Quang Tuất, Trịnh Xuân Trường cùng quê với Chưởng đã viết giấy xác nhận tối 14/7/2007 Chưởng có mặt ở quê, thôn Trung Tính, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương, cách nơi án mạng giết thiếu tá Sinh 40 cây số. Bạo lực, nhục hình, ép cung buộc Đoàn, Tuất, Trường phải viết giấy bác bỏ giấy xác nhận cũ, phải viết lại theo lời mớm của công an.
Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng đã làm ra bản án tử hình của Nguyễn Văn Chưởng bằng bạo lực nhục hình, ép cung như vậy. Những bản án tử hình oan với Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải tạo nên bóng đen trung cổ man rợ trùm lên nền văn minh sông Hồng, trùm lên đất nước văn hiến đang cùng loài người đi vào nền văn minh sáng lạn, văn minh tin học.
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng và bức màn bí mật về việc thi hành án tử ở Việt Nam
BBC, 10/08/2023
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng sắp bị đưa ra hành hình khiến dư luận dậy sóng vì vụ việc có những dấu hiệu oan sai. Gần 5.000 người đã ký kiến nghị gửi đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xin hoãn thi hành án đối với ông Chưởng.
Bên cạnh việc kêu gọi Chủ tịch nước ân xá, xem xét lại án tử hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Chưởng, nhiều người, đặc biệt là các luật sư cũng lên tiếng chính phủ Việt Nam nên cân nhắc bỏ án tử hình.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, tính đến cuối năm 2022, có tổng cộng 144 nước xóa bỏ hình phạt tử hình trong pháp luật và trong thực tế. Hiện chỉ còn 55 nước vẫn đang duy trì hình phạt tử hình, trong đó có Việt Nam.
Trong năm 2022, Việt Nam có thêm 102 bản án tử hình và tổng cộng có hơn 1.200 án tử.
Bí mật quốc gia
Việt Nam cùng Trung Quốc và Bắc Hàn là ba quốc gia luôn che giấu thông tin về số vụ hành quyết với lý do "bí mật quốc gia", theo một báo cáo hồi tháng 5 của Ân xá Quốc tế.
Bà Chiara Sangiorgio, chuyên gia về vấn đề án tử hình từ Ân xá Quốc tế nói với BBC hôm 8/8 rằng, việc thực hiện án tử hình tại Việt Nam là vấn đề cực kỳ đáng lo ngại, xét cả về những điều được giữ bí mật lẫn những gì chúng ta biết được từ thông tin ít ỏi có sẵn.
"Sự tiếp diễn của bức màn bí mật này khiến cho việc hiểu được những gì xảy ra sau bức tường nhà tù là điều không thể, từ thời điểm thi hành án, đến tội danh bị tuyên án tử, đến số lượng bao nhiêu án được thi hành. Các con số tỉ lệ phần trăm tăng hoặc giảm các vụ thi hành án tử mà thỉnh thoảng nhà chức trách chia sẻ thực ra không cho thấy sự bắt đầu trong việc giải quyết vấn đề minh bạch hóa việc thực thi án tử hình tại nước này.
"Thông tin không chỉ quan trọng cho việc theo dõi xu hướng, mà nó còn cần thiết để công chúng được biết về thực tế án tử hình tại Việt Nam và tác động của nó đối với quyền con người", bà Sangiorgio phân tích.
Hôm 4/8, gia đình ông Nguyễn Văn Chưởng nhận được văn bản của Tòa Án Thành Phố Hải Phòng về việc nhận thi thể ông mà không được thông tin thêm gì về thời gian, địa điểm thi hành án.
Ngay sau đó, cha mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã gửi đơn kiến nghị, thỉnh cầu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tạm hoãn thi hành án tử hình đối với trường hợp của ông Chưởng nhưng vẫn chưa có được phản hồi từ người đứng đầu nhà nước Việt Nam.
Gần 5.000 người khác cũng đã ký vào một đơn kiến nghị với yêu cầu tương tự. Nhiều người đã đổi ảnh đại diện trên Facebook hình những con hưu được chính tay ông Nguyễn Văn Chưởng dùng tăm đan từ những chiếc túi nilon gói hàng để có thể bí mật gửi thư kêu oan ra ngoài trong suốt 17 năm trời ròng rã.
Trong ngày 4/8, nhà báo Nguyễn Đức- Biên tập viên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên Facebook việc ông đã nhắn tin cho Chủ tịch nước và nhận được phản hồi. Đồng thời, ông Đức cũng viết trên Facebook rằng ông Lưu Bình Nhưỡng- Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH khóa 14 cũng đã nhắn tin đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào sáng 5/8/2023.
Tuy dư luận xôn xao nhưng điều kỳ lạ là ngoài trang Dân Việt, báo trong nước như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress đều không đưa tin về vụ việc này dù trước đó vào năm 2014, 2015, họ từng đưa tin rất mạnh mẽ về những khúc mắc trong vụ án của ông Nguyễn Văn Chưởng.
Phân tích với BBC trường hợp của ông Nguyễn Văn Chưởng, bà Chiara Sangiorgio nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà chức trách Việt Nam phải ngay lập tức ban lệnh đình chỉ tất cả các vụ thi hành án tử.
Theo bà, các vụ án gây chú ý dư luận này đã giúp cung cấp cái nhìn về việc các cơ quan chính quyền sẵn sàng và tùy tiện lấy đi mạng sống của con người một cách bất lương sau các phiên xử bất công, dựa trên bằng chứng có được từ tra tấn và bất chấp yêu cầu xem xét lại các vụ án từ Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc các ủy ban của Quốc hội.
"Rõ ràng chúng cũng đã phơi bày các tác động mà án tử hình và sự bí mật gây ra cho gia đình của những người đối mặt với nguy cơ bị hành quyết - gia đình của Nguyễn Văn Chưởng chỉ biết về việc án tử hình của anh ta sắp diễn ra vì họ được yêu cầu sắp xếp cho việc an táng, nhưng họ không được thông báo về thời điểm thi hành án.
"Họ đã không ngừng gửi đơn thỉnh cầu cho anh ta suốt nhiều năm, khó có thể tưởng tượng được họ phải trải qua những ngày đáng sợ này thế nào đối, trong mối đe dọa của bản án tử hình", chuyên gia từ Ân xá Quốc tế ý kiến.
Trong khối ASEAN, chỉ còn Việt Nam, Myanmar và Singapore là ba quốc gia vẫn thực thi án tử hình trong năm 2022 và nằm trong số 19 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp quốc áp dụng hình phạt này.
Dựa trên những tiết lộ một phần từ các cơ quan chính quyền và thông tin về các án tử hình mà công chúng có thể theo dõi hàng năm, có thể thấy có vẻ án tử hình vẫn được sử dụng rộng rãi, bao gồm cả các tội danh không đến mức "những tội phạm nghiêm trọng nhất" - cái ngưỡng mà việc sử dụng hình phạt này phải bị hạn chế theo các luật và tiêu chuẩn quốc tế.
Các tội danh này bao gồm các tội liên quan đến ma túy và các tội phạm kinh tế. Là một bên tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ những hạn chế này, thế nhưng thay vào đó, điều chúng ta thấy là việc vi phạm thường xuyên, dẫn lời bà Chiara Sangiorgio.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từ ngày 1 tháng 10 năm 2020 đến ngày 31/7/2021, chính phủ nhấn mạnh số người bị kết án tử hình tăng nhanh, gần 30% ; và 11 cơ sở thi hành án bằng tiêm thuốc độc đã được đưa vào sử dụng, với những người từ các địa điểm khác được chuyển đến đó để thi hành án tử hình.
Đáng chú ý, Đại học Cornell (Mỹ) nói họ đã không tìm thấy "bất kỳ thông tin gì về các loại thuốc độc được sản xuất trong nước [Việt Nam] đã được sử dụng, hay chất lượng, độ tin cậy và hiệu quả". Vì vậy, không có bằng chứng nào cho việc tiêm thuốc độc sẽ có tính nhân đạo hơn đối với tử tù.
Hành hình là việc 'không thể đảo ngược'
Các vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn và nhiều vụ nhức nhối khác khiến cho dư luận tin rằng, những sự vụ có dấu hiệu oan sai càng cần được cân nhắc trước khi các tử tù bị đưa ra hành hình.
Đối với trường hợp của ông Nguyễn Văn Chưởng, luật sư Lê Văn Hòa - nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương đã chỉ ra nhiều tình tiết còn nghi vấn, cho thấy ông Chưởng có dấu hiệu bị oan.
Nổi bật nhất là việc ông Chưởng có chứng cứ ngoại phạm, nhưng không được điều tra làm rõ. Cụ thể, nhiều nhân chứng xác nhận thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan.
Ông Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) nộp các xác nhận ngoại phạm đó lại bị Cơ quan điều tra bắt khẩn cấp về tội "Che giấu tội phạm" và bị xử hai năm tù.
Luật sư Hòa cũng phân tích trên Facebook cá nhân rằng, căn cứ vào diễn biến vụ án do chính các cơ quan tiến hành tố tụng kết luận, thì trong suốt quá trình chuẩn bị phạm tội cũng như quá trình phạm tội của nhóm Chưởng, Hoàng, Trung không có sự bàn bạc, phân công vai trò của từng người, không có sự phân công việc chuẩn bị hung khí, không có sự bàn bạc về cách thức sẽ đi cướp.
Đặc biệt, không bàn đến việc sẽ giết người để cướp tài sản, nhưng Chưởng bị quy kết vai trò chủ mưu tội giết người. Trong hồ sơ thể hiện, chứng cứ kết tội Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân chỉ là chứng cứ gián tiếp, lời khai của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn, chưa đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ.
Trong đơn kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ông nói rằng mình bị tra tấn, nhục hình. Luật sư Hoàng Văn Quánh (Ðoàn luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ cho Nguyễn Văn Chưởng ở phiên phúc thẩm, cùng từng thông tin rằng, tại tòa cả hai anh em Chưởng khai bị đánh đập nên phải nhận tội. Các bản cung phía dưới chữ ký Chưởng đều viết chữ "EC" (tức bị ép cung).
Mặt sau chiếc áo của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, với bài thơ kêu oan bằng tăm, được gửi ra từ trại giam
Năm 2011, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hủy bản án hình sự phúc thẩm. Theo đó, vụ án có một số vấn đề cần phải làm rõ, đề nghị xem xét về phần hình phạt theo hướng giảm nhẹ cho Nguyễn Văn Chưởng từ tử hình xuống chung thân.
Tuy nhiên tháng 12/2011, Tòa án nhân dân tối cao có quyết định giám đốc thẩm, không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên án phúc thẩm.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) khu vực Châu Á nói với BBC có rất nhiều bằng chứng cho thấy cảnh sát đã sử dụng tra tấn để thẩm vấn các nghi phạm hình sự, vì vậy không thể dễ dàng bác bỏ những cáo buộc này.
Đại diện HRW cho rằng cần có các điều tra viên độc lập, những người có thể đảm bảo những cáo buộc này được điều tra kỹ lưỡng và công bằng và phải cho những nhân chứng cung cấp lời khai các bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng.
"Trong một vụ án không chắc chắn như thế này, tốt hơn là nên tiến hành một cách thận trọng hơn là vội vàng và có khả năng phạm phải một hành động bất công nghiêm trọng không thể đảo ngược", ông Robertson nói.
Việt Nam đã từng có những trường hợp như của Hồ Duy Hải, người được hoãn thi hành án vào giờ chót hồi tháng 12/2014. Việc có những đại biểu quốc hội, đảng viên, người dân lên tiếng về trường hợp của ông Nguyễn Văn Chưởng phần nào cho thấy niềm mong mỏi về công lý trong lòng công chúng.
Bà Nguyễn Thị Loan mẹ của Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Trường Chinh bố của Nguyễn Văn Chưởng. Cả hai người đều đã kêu oan cho con trai mình liên tục trong những năm qua
Một nhà hoạt động ẩn danh từ Sài Gòn nói với BBC rằng, việc dư luận quan tâm liên tục về vụ của ông Nguyễn Văn Chưởng là một tín hiệu tích cực, cho thấy tinh thần xem trọng mạng sống con người và niềm hy vọng vào giới chức Việt Nam.
"Tôi nghĩ với lòng dân hiện tại thì có thể không ai dám ký lệnh tiêm thuốc nếu vẫn thi hành án tử. Ngược lại, tôi cũng không chắc Chủ tịch nước có dám ký lệnh ân xá hay hoãn thi hành án không vì với nền tư pháp Việt Nam, tòa án không được độc lập làm công việc của tòa án mà làm theo ý chí của đảng và Bộ Chính trị, các quyết định của tòa trong những vụ án như vầy không dựa trên pháp luật.
"Một số quan chức nhúng tay vào vụ ông Chưởng như ông Đỗ Hữu Ca, khi đó là Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hải Phòng và cấp phó là Đại tá Dương Tự Trọng đều đã ngã ngựa. Nhưng vấn đề là chính phủ Việt Nam sẽ không bao giờ nhận sai nên sẽ rất khó có bước ngoặt nào", nhà hoạt động này nói.
Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận với BBC rằng, quyết định xử tử một người là đến từ chính con người, mà con người thì không hoàn hảo và có thể có sai lầm.
"Do đó, nếu một quốc gia tôn trọng sinh mạnh người dân, thì luật pháp phải luôn luôn dự liệu sẵn quy định để sửa sai. Nếu luật pháp của một quốc gia không dự liệu sẵn quy định sửa sai, chứng tỏ quốc gia đó không tôn trọng sinh mạng người dân.
"Hơn nữa, bên cạnh luật pháp, thì công chúng đã từng chứng kiến tiền lệ hoãn thi hành án tử hình với em Hồ Duy Hải bằng sự can thiệp của một ông chủ tịch nước. Điều đó có thể lập lại lần nữa với em Nguyễn Văn Chưởng mà bất chấp có quy định luật pháp hay không. Điều cần là họ có thực hiện hay không mà thôi", luật sư Mạnh nói.
Chưa phải dấu chấm hết
Báo Tuổi Trẻ năm 2015 có bài viết "Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã "hết đường" kháng nghị, có đoạn dẫn lời Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện :
"Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vụ này nếu có sai cũng hết đường kháng nghị, bởi quyết định của pháp luật về tố tụng hình sự thì quyết định của Hội đồng thẩm phán là quyết định cuối cùng".
Tuy nhiên, luật sư Đặng Đình Mạnh lý giải rằng, trái với sự hiểu nhầm của nhiều người, thì bản án của Hội đồng thẩm phán đối với ông Nguyễn Văn Chưởng vẫn chưa phải là dấu chấm hết.
"Vì lẽ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì hai cơ quan của quốc hội, gồm Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Ủy ban Tư pháp và hai chức danh tư pháp gồm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vẫn có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định của mình.
"Chỉ khi nào Hội đồng Thẩm phán đã có quyết định giải quyết các yêu cầu hoặc kiến nghị đó, thì đó mới là dấu chấm hết sự việc", theo luật sư Mạnh.
Ngoài ra, ở điều 404 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có viết :
"Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó".
Vấn đề đặt ra là, năm 2011, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bác kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mà không suy xét những tình tiết còn đầy uẩn khúc mà các luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Văn Chưởng đã nêu, như vậy những tình tiết này đến nay có được xem là "là tình tiết quan trọng mới" hay không.
Câu trả lời một lần nữa phụ thuộc vào ý chí chính trị của những người cầm quyền. Luật sư Lê Văn Hòa viết trên Facebook ngày 9/8 :
"Dừng thi hành án Nguyễn Văn Chưởng để kiểm tra oan sai không chỉ cứu nền Tư pháp, cao hơn là cứu Niềm tin của Nhân dân vào Chế độ".
Luật sư Đặng Đình Mạnh thì nói với BBC, từ lâu công chúng đã hoàn toàn mất lòng tin vào hệ thống tư pháp Việt Nam.
"Cho nên, nếu chính quyền có chủ trương mang vụ án ông Nguyễn Văn Chưởng ra thực hiện hình phạt tử hình, bất chấp công luận có lên tiếng phản đối thì cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Nhưng nếu chính quyền tạm hoãn việc thi hành, thì điều đó mới đáng lạ.
"Cho dù điều đó [tạm hoãn thi hành án] có xảy ra, mang ý nghĩa tích cực, thì cũng chưa đáng lạc quan. Vì lẽ, công chúng mất lòng tin về hệ thống tư pháp từ lâu, thất vọng quá nhiều, thì một hiện tượng chưa đủ hồi phục được lòng tin của họ", luật sư Mạnh phân tích.
Pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định rõ ràng về thời hạn thi hành hình phạt tử hình. Theo luật sư Mạnh, điều này còn lệ thuộc và nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố có điều kiện thi hành án hay không.
"Như đã biết, đã có quyết định thay đổi hình thức tử hình, từ xử bắn sang tiêm thuốc độc. Đã có lúc, cơ quan thi hành án không có thuốc độc để tiêm tử tù, thực hiện hình phạt".
Ông Nguyễn Trường Chinh, cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã cùng vợ hơn 16 năm nay đã lặn lội đi đòi công lý cho con trai mình. Ông đổi từ việc cầm băng rôn sang mặc áo thêu lời tố cáo để khi bị kéo đi, bị xô đẩy thì chiếc áo với những lời kêu cầu công lý đanh thép không bị giật khỏi ổng như các băng rôn mỏng manh kia. Để tìm kiếm tự do cho con trai mình, vợ chồng ông đã không còn tự do vì liên tục bị canh chừng.
Ông Chinh nói với BBC News Tiếng Việt rằng về tinh thần, gia đình ông rơi xuống đáy của xã hội :
"Nếu giết một người không có tội, thì làm sao sửa sai ?" ông nói.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 10/08/2023
***********************
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng : Còn 'uẩn khúc' gì sau hơn 16 năm ?
BBC, 09/08/2023
"Nếu giết một người không có tội, thì làm sao sửa sai ?", cha của tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với BBC News Tiếng Việt ngày 8/8.
Ông Nguyễn Trường Chinh nhận được quyết định thi hành án tử hình của con mình từ Tòa án nhân dân Hải Phòng vào ngày 4/8.
"Tôi là một người cha đã kêu oan cho con 16 năm rồi. Ngày 4/8, tôi cảm giác vô vọng, không thể tin nổi vào mắt mình sau khi nhận được thông báo kêu làm đơn nhận tro hay thi hài", ông nói với BBC.
Ông Nguyễn Trường Chinh cho biết khi gia đình yêu cầu muốn biết ngày thi hành án tử hình, thì những cán bộ từ Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết "ngoài thẩm quyền của mình", điều mà theo ông là "sự lập lờ".
Từ ngày nhận thông báo đến nay, gia đình ông không nhận thêm thông tin nào khác.
Trước đó, ngày 12/6/2008, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Văn Chưởng tử hình tội "Giết người" liên quan đến vụ án mạng.
Nạn nhân là Thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh (Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) vào ngày 14/7/2007.
Gia đình và Chưởng đã kêu oan trong những năm qua, với lý do thời điểm xảy ra vụ án mạng, Chưởng không có mặt ở Hải Phòng mà đang ở quê Hải Dương.
'Hoàn toàn không khách quan' ?
Nói đến vụ án mạng ngày 14/7/2007, nạn nhân là Thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh (Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng), Luật sư Lê Văn Hòa cho rằng "Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình oan, vì rất nhiều vi phạm tố tụng ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa được làm rõ".
Luật sư Lê Văn Hòa từng là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2016, ông về hưu và tham gia Đoàn Luật sư Hà Nội.
Ông cho biết những đơn kiến nghị không thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng đã được ông gửi đi từ năm 2014 đến nay, tuy nhiên đã không nhận được phản hồi nào.
Ông cho rằng Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành. "Ủy ban tư pháp của Quốc hội phải là cơ quan chủ trì. để kiểm tra, làm rõ lại vụ án này", ông nói.
Ông đề cập với BBC News Tiếng Việt về điều mà ông xem là "rất nghiêm trọng" trong vụ án mà ông gọi là "hoàn toàn không khách quan".
"Tôi bắt đầu tham gia kiến nghị vụ án này, xuất xứ từ cuối năm 2013. Lúc đó tôi đang công tác ở Ban Nội chính Trung ương Đảng. Lúc đó ông Nguyễn Bá Thanh, thành lập tổ công tác gồm ba người, tôi làm tổ trưởng".
"Cuối tháng 1/2014, ông Nguyễn Bá Thanh mời hai nhân vật rất quan trọng tham dự họp, là ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao vào Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an sang cùng nghe".
"Trong buổi đó, tôi đã chất vấn ông Nguyễn Văn Sơn, đề nghị ông ấy cho tôi biết tại sao lại ngăn cản việc tổ công tác của Ban Nội chính Trung ương tiếp cận hồ sơ vụ án của Nguyễn Văn Chưởng là như thế nào. Ông Sơn trả lời không có văn bản nào của đảng và nhà nước đồng ý cho phép các tổ công tác của ban, đảng được nghiên cứu, tiếp cận hồ sơ của vụ án".
"Rất nghiêm trọng là ở chỗ đó".
"Tôi chất vấn, đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Sơn cho biết là có văn bản nào của đảng, nhà nước cấm không cho các ban, đảng được nghiên cứu hồ sơ vụ án này không. Vì đây là vụ án bình thường, không có gì liên quan đến an ninh, chính trị, an ninh quốc gia. Lý do gì lại ngăn cản. Thế là ông ta không trả lời được".
"Rất tiếc ngày hôm sau, ông Nguyễn Bá Thanh không đồng ý cho tổ công tác nghiên cứu của chúng tôi tiếp tục nghiên cứu hồ sơ vụ án này nữa. Ông ấy gọi chúng tôi đến phòng làm việc nói vụ án này Ban Nội chính trung ương không tham gia nữa".
Luật sư Lê Văn Hòa từng là nguyên Tổ trưởng Kiểm tra án oan của Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 2016, ông về hưu và tham gia Đoàn Luật sư Hà Nội.
Luật sư Lê Văn Hòa đã nêu một số vấn đề về vụ án trong bản tóm tắt gửi đến BBC News Tiếng Việt. Chúng tôi trích dẫn nguyên văn từ ông như sau :
- Vụ giết người xảy ra hồi 21g00 ngày 14/7/2007 (thời điểm đó khu vực hiện trường trời mưa), nhưng đến 15g30 ngày hôm sau mới tổ chức khám nghiệm hiện trường.
- Cơ quan điều tra không tổ chức bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ án ; việc thu giữ, quản lý vật chứng của vụ án rất tùy tiện.
- Dấu vết để lại trên áo và thi thể nạn nhân khẳng định nạn nhân không chỉ bị tấn công, tác động tại hiện trường, mà có thể đã bị tấn công, tác động trước đó ở một địa điểm khác.
- Biên bản giám định không kết luận vân tay ở cò khẩu súng K59 thu tại hiện trường là của ai.
- Người lạ bí ẩn không được làm rõ.
- Việc quy kết Hoàng, Trung, Chưởng chém nạn nhân Sinh nhằm cướp tài sản là không thuyết phục.
- Về chứng cứ kết tội Chưởng là chủ mưu và tham gia chém nạn nhân là chứng cứ gián tiếp, không khách quan. Lời khai của các bị cáo và một số nhân chứng cho thấy có nhiều mâu thuẫn, không đủ cơ sở kết luận Chưởng là chủ mưu, nhưng không được làm rõ.
- Có dấu hiệu bức cung, nhục hình.
'Phải triệu tập hai nhân vật quan trọng'
Khi lật lại vụ án, luật sư Lê Văn Hòa đề nghị hai nhân vật mà tổ điều tra liên ngành phải gặp đó là ông Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an thành phố Hải Phòng và ông Dương Tự Trọng, cựu Phó Giám đốc công an Hải Phòng.
"Tôi cho rằng vụ án này phải gặp hai đối tượng đặc biệt quan trọng là ông Đỗ Hữu Ca, nguyên giám đốc Công an thành phố Hải Phòng. Thời gian đó, ông ấy là Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, thủ trưởng cơ quan điều tra thành phố Hải Phòng".
"Nhân vật thứ hai là Dương Tự Trọng, cựu Phó Giám đốc công an Hải Phòng, lúc ấy là Trưởng cơ quan điều tra hình sự, người đã ký kết luận điều tra vụ án này".
"Tôi cho rằng đây là yếu tố rất quan trọng", Luật sư Lê Văn Hòa cho biết.
Ông Dương Tự Trọng đã hoàn tất bản án 17 năm 3 tháng tù sau khi bị kết án vì tội 'Tổ chức cho người khác ra nước ngoài'.
Luật sư Lê Văn Hòa cho biết ông Dương Tự Trọng mới ra tù vài năm nay, và đang làm nghề châm cứu.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca đang bị khởi tố, tạm giam từ tháng 2/2023 với các cáo buộc có liên quan đến một vụ án hình sự "trốn thuế, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" ở Quảng Ninh và Hải Phòng.
Ông Đỗ Hữu Ca được biết đến nhiều nhất với vai trò chỉ huy vụ cưỡng chế đất 'Tiên Lãng' vào tháng Giêng năm 2012 lúc ông đương chức Giám đốc Công an Hải Phòng.
Khi đó vụ cưỡng chế thu hồi đất với gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng đã trở thành sự kiện chính trị lớn tại Việt Nam.
Năm 2019, ông Đỗ Hữu Ca thôi chức Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng.
Ròng rã kêu oan cho con
Ông Nguyễn Trường Chinh cho BBC biết hằng tháng đều gửi đơn kêu oan cho con ở bốn nơi, gồm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, không bỏ ngày nào.
"Năm 2014, gia đình tôi đã nhận được thông báo bằng miệng là cuối tháng 12 sẽ thi hành án tử hình mà họ cũng không nói rõ ngày nào".
17 năm nay, ông cho biết cả gia đình ông đã tan nát vì "không biết con tôi ngày nào sống hay chết".
"Bà con, họ hàng xa lánh, chính quyền để ý dòm ngó, kinh tế thất bại Con trai tôi Nguyễn Trọng Đoàn ra tù thì không công ty nào nhận Về tinh thần thì gia đình tôi rơi xuống đáy của xã hội".
"Nếu giết một người không có tội, thì làm sao sửa sai ?"
Ông Chinh cho biết gia đình đã bị an ninh Việt Nam canh gác từ năm 2014, đến 2017 thì có nới lỏng, hết gác ở nhà, điều mà ông gọi là "khủng bố tinh thần, khiến gia đình quá mệt mỏi".
"Không biết tiền đâu mà một ngày họ cử 11 người gác nhà tôi, lúc đông nhất thì 12 người, ít nhất là 5 người. Khi có họp quốc hội, đại hội đảng, thì họ gác trước bảy ngày. Khi nào bế mạc thì họ mới ngưng. Còn khi có xử nhà hoạt động dân chủ, nhà báo độc lập thì họ canh gác trước ba ngày".
"Thế nhưng từ ngày 4/8 thì lại đi gác tôi tiếp như năm 2014. Tôi đi vào nhà trọ, bưu điện, nhà trọ thì họ gác tôi".
"Ngày 7/8, khi tôi phải nhập viện thì có hai nhân viên an ninh gác ở ngoài ngay cửa phòng cấp cứu, tôi và vợ đi gửi đơn thì họ cũng đi theo. Tiền thuế của dân thì lại phung phí như vậy".
Tổ chức quốc tế nói gì ?
Trong một tuyên bố ngày 7/8, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cho rằng :
"Chính quyền Việt Nam phải ngay lập tức chấm dứt bất kỳ nỗ lực nhằm thi hành án tử hình đối với người đàn ông trong một vụ án còn chứa những quan ngại nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm quyền được xét xử công bằng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra độc lập và bất thiên vị nhằm vào những cáo buộc [Chưởng] đã bị tra tấn và ép cung trong khi bị cảnh sát giam giữ".
Số vụ tử hình tại Việt Nam vẫn được phân loại là diện bí mật quốc gia. Việt Nam chỉ có một hình thức thi hành án tử hình duy nhất bằng tiêm thuốc độc.
Khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định : "1- Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định. 2- Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử"".
Tuyên bố của Amnesty International có nội dung :
"Tra tấn và đối xử tàn tệ bị cấm theo luật quốc tế nhưng vẫn được chính quyền Việt Nam sử dụng phổ biến. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Là một thành viên của công ước này, Việt Nam phải thực thi tất cả các biện pháp để đảm bảo không ai bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân tính."..
"Một án tử hình được tuyên theo sau quá trình xét xử được cho không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về tính công bằng, bao gồm trong Điều khoản 14 của ICCPR, mà Việt Nam đã gia nhập, điều này vi phạm luật pháp quốc tế, cho thấy việc tử hình là mang tính tùy tiện".
Amnesty International tuyên bố phản đối án tử hình trong tất cả các trường hợp.
Cho đến nay, trong 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đã có 112 quốc gia bãi bỏ án tử hình. Việt Nam nằm trong số ít các nước còn lại duy trì án tử hình.
Nguồn : BBC tiếng Việt, 09/08/2023