Lời tòa soạn : Nhân dịp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang qua đời chúng tôi đăng lại sau đây bài xã luận của số báo Tổ Quốc 242, số báo cuối cùng của bán nguyệt san Tổ Quốc sau mười năm phát hành, để tưởng nhớ Nguyễn Thanh Giang, sáng lập viên và tổng biên tập đầu tiên, đồng thời cũng để ghi nhận đóng góp của nhiều người dân chủ khác đã tiếp tay với ông trong một cố gắng khó khăn nhưng hiệu quả nhằm đem lại tự do và dân chủ cho đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang vừa qua đời sáng ngày 28/07/2019, tại Hà Nội, thọ 83 tuổi.
----------------------
Tờ Tổ Quốc số 242 này là số báo cuối cùng đến với quý độc giả.
Đáng lẽ số báo trước, số 241 ra ngày 01/01/2017, đã là số báo cuối cùng. Nhưng vào phút chót anh tổng biên tập Sơn Dương lại lưỡng lự cho rằng không nên chấm dứt một công tác vào giữa ngày bắt đầu một năm mới và quyết định ra thêm một số nữa.
Thực ra quyết định đình bản bán nguyệt san Tổ Quốc đã có từ hơn một năm rồi. Chính Nguyễn Thanh Giang, người đầu tiên đề nghị với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phát hành bán nguyệt san Tổ Quốc, đã đưa ra đề nghị này từ tháng 9 năm ngoái và chúng tôi cũng đồng ý. Lý do hiển nhiên là tờ báo không còn lý do để tiếp tục nữa vì khối độc giả chính mà nó nhắm phục vụ không còn. Chúng tôi đồng ý nhưng cũng quyết định tiếp tục thêm một năm nữa để tờ báo được đủ mười năm và cũng để chiều ý một số độc giả kỳ cựu cuối cùng.
Tổ Quốc ra đời để nhắm động viên một thành phần rất đặc biệt : những cán bộ và đảng viên cộng sản cao cấp đã nghỉ hưu. Nhận định của chúng tôi là các vị này vừa có tiếng nói rất có trọng lượng đối với các đảng viên cộng sản vừa ít có vấn đề an ninh. Họ có công lớn đối với chế độ và khó có thể bị đàn áp mà không gây ra cho chế độ cộng sản những thiệt hại còn lớn hơn là nếu làm ngơ. Các vị này những nhân chứng lịch sử vì thế không thể bị buộc tội bịa đặt, xuyên tạc. Họ cũng có công lớn đối với chế độ và không thể bị coi là thuộc "thế lực thù địch". Mặt khác phương thức gần như duy nhất để động viên họ là báo giấy vì trong đại đa số họ không biết dùng máy vi tính để có thể đọc trên mạng. Chúng tôi đã không lầm. Tổ Quốc đã động viên rất nhiều cán bộ cao cấp hưu trí tham gia cuộc vận động dân chủ và họ đã thuyết phục được rất nhiều đảng viên cộng sản về sự vô lý và tồi dở của chế độ. Nó đã gây nhức nhối lớn cho Đảng cộng sản nhưng vẫn không thể bị đàn áp thô bạo như đối với một tờ báo chui bình thường.
Tờ báo được lên trang tại hải ngoại dù ban biên tập gồm cả anh em trong cũng như ngoài nước. Anh Nguyễn Thanh Giang đã là người tổng biên tập đầu tiên. Sau khi lên trang nó được gửi về trong nước và cũng chính anh Nguyễn Thanh Giang in ra và phân phối. Một số vị lão thành cách mạng đã hăng say tiếp tay phổ biến. Các cụ Trần Lâm, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, và sau này Trần Nhơn, đã là những cộng sự viên tích cực nhất. Họ vừa đóng góp bài viết vừa phân phát.
Ở thời điểm cao độ nhất Nguyễn Thanh Giang đã in ra 300 tờ báo giấy. Tờ báo sau đó được đưa vào câu lạc bộ cán bộ nghỉ hưu Hà Nội và nhiều cụ khác cũng tự ý làm thêm photocopy để phân phối. Trong Nam tờ báo cũng được in và phân phát cho một số vị lão thành trong Câu Lạc Bộ Những Người Kháng Chiến Cũ. Ngoài ra một số thân hữu cũng tiếp tay in thêm và phổ biến tại một số tỉnh.
Chúng tôi đặc biệt ghi nhận sự đóng góp của Trần Anh Kim, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Phương Anh. Trần Anh Kim cũng đồng thời là một người viết tích cực, cùng với Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Vũ Bình, Vi Đức Hồi. Sau này còn có thêm Nguyễn Thượng Long và Phạm Đình Trọng và cựu thứ trưởng Trần Nhơn. Ba người sau này vẫn còn tích cực đến nay. Phải thành thực nể sức viết của Phạm Đình Trọng và nguồn thơ bất tận của Trần Nhơn. Trong số những người được gọi là "lão thành cách mạng" Trần Nhơn và Phạm Đình Trọng là hai người đáng phục vì lập trường minh bạch, không hề mảy may mang hương vị "phản biện trung thành".
Như dự đoán báo Tổ Quốc đã không bị đàn áp thô bạo. Một số anh em đã bị bắt và kết án tù, nhưng không phải vì Tổ Quốc mà vì những hoạt động đấu tranh khác. Không đàn áp thô bạo nhưng sách nhiễu thì nhiều và rất nhiều. Những buổi làm việc cả ngày, những thăm viếng đầy giọng hăm dọa, công an gác nhà ngăn chặn và hạch hỏi khách viếng thăm v.v. Và những áp lực cho gia đình. Nguyễn Thanh Giang nhường vai trò tổng biên tập cho Phạm Quế Dương chỉ để thêm Phạm Quế Dương bị quấy nhiễu thêm chứ áp lực cho riêng mình không hề giảm. Phó tổng biên tập Nguyễn Thượng Long cũng gian lao. Cuối cùng chúng tôi chọn giải pháp chỉ định một tổng biên tập tại nước ngoài. Trương Nhân Tuấn đảm nhiệm trong hơn hai năm, rồi đến Sơn Dương cho tới nay. Thực ra chỉ thay đổi hình thức, công việc và vai trò của mỗi người vẫn thế.
Tuy nhiên thời gian đã làm công việc tàn phá của nó. Khối cán bộ lão thành thưa thớt đi với tốc độ ngày càng nhanh. Đa số đã ra đi vĩnh viễn, các vị còn lại thì phần đông đã quá già yếu không còn đọc được nữa. Số lượng báo in từ hai năm nay không còn bao nhiêu. Bán nguyệt san Tổ Quốc đã hoàn thành sứ mạng của nó và đã đến lúc Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên phải dành ưu tiên cho những công tác khác.
Tổ Quốc đã đóng góp quan trọng cho tiến trình dân chủ hóa. Nó đã góp phần quyết định làm thay đổi quan điểm của những người có công nhất đối với chế độ, biến họ từ những người hãnh diện vì chế độ và quyết tâm bảo vệ chế độ thành những người lên án chủ nghĩa Mác Lenin và cổ võ cho tiến trình dân chủ hóa. Đến lượt họ đã góp phần thức tỉnh và động viên các cán bộ, đảng viên đang hoạt động. Có thể nói Tổ Quốc đã tịch thu trí nhớ của Đảng cộng sản và thay vào đó bằng mệnh lệnh dân chủ hóa.
Xin cảm ơn tất cả các vị đàn anh và các bạn đã đóng góp cho bán nguyệt san Tổ Quốc. Chúng ta đã cùng nhau hoàn tất tốt đẹp một công tác quan trọng và đáng tự hào.
Nguyễn Gia Kiểng
******************
Đọc thêm
Mừng 6 năm công tích của Tập San Tổ Quốc (15/09/2006 - 15/09/2012)
Phạm Tuấn Xa, Danlambao, 02/09/2012
Bán Nguyệt San Tổ Quốc - Truyền bá tư tưởng tự do dân chủ và nhân quyền
Nhớ lại năm 2007, tôi phải lén lút đạp xe cách nhà 3 km để đọc nhờ Bán nguyệt san Tổ Quốc. Nay ở Thành phố Hải Dương tôi cũng có thể tìm đọc tờ báo rất nhiều người ngưỡng mộ và háo hức đón đọc từng số, từng số này. Tập san Tổ Quốc đã ra được hơn 140 số và đến 15 tháng 9 năm 2012 này đã tròn 6 năm tồn tại trong sứ mệnh thiêng liêng truyền bá tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền cho nhân dân Việt Nam.
Báo chí "lề phải" với số lượng 700 tờ nhưng chỉ để tô hồng chủ trương đường lối và thành tích của Đảng cộng sản Việt Nam mà rất ít sự thật và thiếu vắng tư duy nhân loại chính thống. Tập san Tổ Quốc giúp chúng tôi bổ sung phần khiếm khuyết đó .
Cầm Bán nguyệt san Tổ Quốc trên tay, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng hình hài tổ quốc Việt Nam qua tấm bản đồ hình cong chữ S trải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau ngay trên trang bìa mà còn đọc được những ước vọng sáng ngời cùng bao suy tư trăn trở da diết đang cồn cào trong lòng nó.
Nay Mục Nam Quan đã nằm sâu hàng trăm mét về nước Trung Quốc. Thác Bản Giốc, Cao Bằng bị cắt làm hai để nhường lại cho người bạn láng giềng xấu bụng một nửa. Nhiều cột mốc dọc theo biên giới Việt-Trung từ thời nhà Thanh nay đã bị nhổ lên nắn lại đất cho Trung Quốc lấn chiếm. Ngoài Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa để thành lập thành phố Tam Sa…
Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã bị Trung Quốc xâm lược ngấm ngầm và trắng trợn….
Với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhiều người dân Việt Nam đã đứng lên biểu tình hô vang khẩu hiệu : "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", vậy mà nhà cầm quyền Hà Nội nỡ cho công an cùng với bọn xã hội đen đàn áp, đánh đập bắt giam những người biểu tình. Đây là hành động bán nước của bọn "Cõng rắn cắn gà nhả", "Hèn với giặc, ác với dân". Hành động này trái với lời Phật dạy : "Phàm việc gì cũng phải xét đến hậu quả của nó".
Tập san Tổ Quốc đã bênh vực và biểu dương những người biểu tình yêu nước đó.
Đọc tập san Tổ Quốc người ta mới thấm hiểu sâu sắc về những quyền tự do cơ bản mà chế độ độc tài đảng trị đã tước đoạt : quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền tự do bầu cử. Bầu cử do Đảng cộng sản Việt Nam tổ chức chỉ là trò chơi dân chủ giả hiệu, giả dối để đánh lừa dư luận tiến bộ. Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ rất tốn kém để thông qua nhiều đạo luật kém chất lượng... Luật đất đai là luật lớn nhất nhưng lại sai sót nhiều nhất. Chỉ cần nêu một câu của luật đất đai đã thấy kỳ quặc rồi : "Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân và quyền quản lý của Nhà nước". Để bảo vệ quyền lợi cho Đảng cộng sản Việt Nam, người làm luật giả vờ ngu dốt, cố tình không hiểu thành ngữ của Việt Nam : "Cha chung không ai khóc", "Lắm sãi không ai đóng cửa chùa".
Đọc bài : "Đất đai nguồn sống và hiểm họa" của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tôi càng nhận thấy luật đất đai của Việt Nam là vô luật. Vì vậy đã xảy ra nhiều hệ lụy đau lòng như ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng – Hải Phòng, Văn Giang – Hưng Yên, Vụ Bản – Nam Định và hẩu hết 64 tỉnh thành trong cả nước. Hệ lụy này còn kéo dài cho đến khi chế độ độc tài đảng trị không còn. Đảng thu hồi đất đai của dân bán cho Tư bản đỏ và bọn Tư bản nước ngoài để có hàng tỉ đô la gửi vào các ngân hàng thế giới. Đây là tiền mồ hôi xương máu và nước mắt của nhân dân Việt Nam, phải trả lại cho nhân dân Việt Nam. Dân mất đất đai đi khiếu kiện đòi lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp thì bị đàn áp, đánh đập và bỏ tù. Công an được dân nuôi nhưng lại quay ra đàn áp dân. Một vị Ủy viên Bộ Chính trị đã nói toạc ra rằng : "Cứ để cho dân đi khiếu kiện, dưới chuyển đơn lên, trên hất xuống xem lên trời mà kiện à".
Thật là vô cảm, tàn nhẫn !
Đọc Bán Nguyệt san Tổ quốc tôi mới được biết để thấy kính nể các nhà bất đồng chính kiến như : Nguyễn Hộ, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Lữ Phương, Hoàng Minh Chính, Trần Huỳnh Duy Thức...
Tôi cũng rất tôn trong và khâm phục các tác giả thường xuyên góp bài đăng trên Tổ Quốc như : Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Trần Lâm, Phạm Quế Dương, Vi Đức Hồi, Nguyễn Gia Kiểng, Bùi Tín, Phạm Hồng Sơn, Phạm Đình Trọng, Việt Hoàng, Mai Thái Lĩnh... Họ là những người có nhiều trí tuệ và nhân cách hơn hẳn những trí thức cơ hội đang "vào luồn, ra cúi", vâng dạ bọn độc tài, mù quáng vô đạo. Họ vừa có tâm, vừa có tầm. Tên tuổi họ xứng đáng được ghi trong lịch sử đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.
Đọc Bán Nguyệt san Tổ Quốc ta thấy Đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra bao thảm họa cho nhân dân Việt Nam từ sau năm 1954 đến nay như : Cải cách ruộng đât, vụ Nhân văn Giai phẩm, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính… Hiện tại Đảng cộng sản Việt Nam dang đang thực hiện "đường lối phát triển kinh tế" để đưa dân tới đói khổ, tụt hậu. Một chế độ vừa định hướng xã hội chủ nghĩa vừa cơ chế thị trường thì làm sao có thể đưa đất nước thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Kinh tế quốc doanh vẫn nắm vai trò chủ đạo để ngân sách Nhà nước rót vào doanh nghiệp nhà nước để cán bộ của đảng chia nhau quyền lợi. Những vụ án động trời như Tăng Minh Phụng, Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Vinashin, Vinalines và bọn lâm tặc, bọn địa tặc ở đâu chui ra nếu không phải từ chính trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam ?
Hệ quả của đường lối phát triển kinh tế là cả nước có nhiều bãi thải công nghiệp và nhập khẩu phế thải bẩn thỉu ở nước ngoài, ô nhiễm môi trường, tài nguyên cạn kiệt là "bờ xôi ruộng mật" bị san lấp để bỏ hoang.
Tục ngữ Việt Nam có câu : "có nằm trong chăn mới biết chăn có rận". Hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải (nguyên phó Chủ tịch Thành phố Đà Lạt) và ông Huỳnh Nhật Tấn (nguyên Phó giám đốc Trường đảng tỉnh Lâm Đồng) đã quyết định "treo ấn từ quan" xin ra đảng, bỏ về.
Ông Huỳnh Nhật Hải nói : "Tôi không tin Đảng cộng sản Việt Nam nữa".
Ông Huỳnh Nhật Tấn : "Còn nhớ trong lá đơn xin ra khỏi đảng...", ông viết : "Tôi đã có lỗi với dân tộc, chính cái hăng hái nhiệt huyết của tôi đã góp phần dựng lên chế độ độc tài hiện nay". Hai ông đã nhận ra sự thật về Đảng cộng sản Việt Nam.
Mong sao có nhiều cán bộ của đảng biết sám hối như hai anh em ông Huỳnh Nhật Hải và Huỳnh Nhật Tấn để Đảng cộng sản Việt Nam sớm chấm dứt vai trò lãnh đạo độc tài đảng trị để cho nhân dân Việt Nam được tự do lựa chọn một chế độ dân chủ như nhân dân Miến Điện hiện nay.
Sáu năm, một khoảng thời gian còn rất ngắn, Bán Nguyệt san Tổ quốc còn rất trẻ nhưng đã phải vượt qua một chặng đường đầy gian khó, nguy nan, với tràn đầy tâm huyết và trí tuệ đã góp phần xứng đáng truyền bá những tư tưởng tiến bộ, cổ vũ cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam.
Xin cảm ơn Bán Nguyệt san Tổ Quốc. Chúc tờ báo của nhân dân chúng tôi ngày càng phát triển vững mạnh và sự thực trở thành lực lượng vật chất cho công cuộc cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ngày 02 tháng 9 năm 2012
Phạm Tuấn Xa, Nhà giáo
Số nhà 31 – ngõ 207 Trương Mỹ
Thành phố Hải Dương
Tel : 01644 996 929
Nguồn : danlambaovn.blogspot.com, 15/09/2012
Phần III :
"Về với Thiên thu…"
…Nhìn tôi tập tễnh bước thấp, bước cao vì cái khớp ngón chân bị gout xưng đỏ, viên Thượng tá an ninh ái ngại : ông bị gout nặng mà ngày ngày ông cứ đều đặn 2 bữa bia hơi, như thế thì nguy lắm.
Nhà báo Nguyễn Thượng Long - Ảnh minh họa
Tôi bảo : Từ ngày giã từ bục giảng, tôi thấy sức khỏe tôi sa sút nhanh quá. Trong khi tôi rất dị ứng với câu nói "Hãy sống chung với lũ !"… thì cái không khí lãng đãng khi bước chân vào cái không gian "Gần mực là bia hơi !" có sức hấp dẫn tôi đến là kì lạ. Nhiều ý tưởng, nhiều bài viết của tôi đã chợt lóe lên trong cái không gian đặc biệt đó đấy ông ạ.
Viên đội trưởng chỉ ừ hữ và không tỏ ra tán thưởng hay phản đối tôi về cái thói quen bia bọt của tôi, ông ân cần hỏi han lần tôi trở về quê nhà chịu tang người anh trưởng tộc vừa qua đời. Tôi bầy tỏ sự ưu tư khi câu "Nghĩa tử là nghĩa tận" vẫn được những người đã bắt giữ tôi tôn trọng.
Tôi buồn bã nói với viên Thượng tá : Tôi sẽ có tội và sẽ hối hận suốt đời nếu ngày hôm qua vợ chồng tôi không được về chịu tang anh tôi. Anh tôi là đích tôn của ông nội tôi, cụ Chánh Cố, nguyên Bắc Kỳ Nhân dân Đại biểu, người nổi tiếng một thời vì tư tưởng bài Pháp và thương dân nghèo. Anh tôi lìa xa thế gian này ở tuổi 93, anh tôi là một trong những trang lứa giác ngộ cộng sản rất sớm ở vùng bãi bờ Sông Đáy, Mĩ Đức Hà Tây. Với 93 tuổi đời và ngót 70 tuổi Đảng, anh tôi đã kinh qua các cương vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền vùng Sêu - Đặng suốt từ những ngày Tổ Đổi Công đến thời Hợp tác xã Nông nghiệp bậc cao bậc thấp… Anh tôi là một chứng nhân, là người chứng kiến và nếm trải đủ cay đắng và ngọt bùi của kỉ nguyên mới trên quê hương tôi trong ngót một thế kỉ đã trôi qua. Không rõ vì lý do gì mà trong Cải Cách Ruộng Đất từ vị trí một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, anh tôi bị lôi ra đấu tố là một phần tử Quốc Dân Đảng, bị giam giữ nhiều tháng, bị lăng nhục đến ê chề… Nếu lệnh sửa sai của Hồ Chí Minh về muộn vài ngày, anh tôi chắc đã nằm trong số % mà các cố vấn Trung Quốc chỉ đạo là phải gạt ra khỏi đời sống xã hội sau một phiên tòa của Bần Cố Nông trong Cải Cách Ruộng Đất. Chiều hôm qua, vợ chồng tôi là những người cuối cùng rời khỏi nghĩa trang dòng họ, bên nấm mộ mới đắp, vợ tôi tấm tức khóc cho những đắng cay mà anh tôi đã nếm trải hay là khóc cho những gì mà tôi cũng đang nếm trải.
Thấy tôi như vẫn chưa qua hết những bi lụy vì một tang gia…, viên Thượng tá khéo léo : Tôi nghĩ rằng ở tuổi 93, ông cụ đã có một cuộc vỗ cánh về với Thiên thu thật xúc động. Ngày hôm trước là một ngày nắng lửa, ngày ông về chịu tang đất trời trở về dịu mát như trời thu. Tôi bảo : Nếu ngày hôm qua mà vẫn cứ 40 độ, chắc là tôi cũng "Thấy bóng Thiên Đường" mất rồi… Ơn Trời điều đó đã chưa xẩy ra.
***
viên Thượng tá An ninh chính trị quả là người có biệt tài định hướng các cuộc làm việc, chẳng mấy chốc ông ta đã lái cuộc thẩm vấn vào những bài viết thật cụ thể, những tác giả rất cụ thể. Tôi thật sự bất ngờ khi đã là buổi làm việc thứ 9 rồi mà lại quay về với bài thơ "Rừng ơi" của nhà thơ Bảo Quốc và về tác giả Dân Ngôn với bài thơ "Trường ca sân gôn" (Tổ Quốc 89). Tôi cứ tưởng những vấn đề này đã dứt điểm được từ những lần làm việc trước với một nữ điều tra viên rất trẻ có gương mặt dịu dàng như một cô giáo và một nam điều tra viên luống tuổi có dáng dấp như Giáo Thứ trong "Sống mòn" của Nam Cao.
Trước sự phê phán rất quyết liệt của viên thượng tá về câu Bảo Quốc viết :
"Năm 60 Đảng bảo phá rừng
Lấy gỗ về dựng xây đất nước…",
theo viên Thượng tá viết thế là không được, là vu khống cho Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một lần nữa tôi khẳng định năm 1960 lúc đó tôi đã 13 – 14 tuổi rồi, tôi cổ quàng khăn đỏ đã đứng trước toàn trường nghêu ngao hát "Bài ca người thợ rừng" (Ai bảo rừng xanh là quái ác…). Ca khúc đó được giải nhất trong cuộc thi sáng tác bài hát về thi đua khai thác rừng năm đó. Những người thuộc trang lứa 60 – 70 chưa ai quên những ngày tháng người ta coi khai phá được nhiều rừng để lấy gỗ, lấy đất canh tác… là làm giầu cho đất nước, là lập thành tích để báo cáo lên cấp trên. Thử hỏi, nếu không có chủ trương của Đảng thì làm sao lại có những cuộc thi đua phá rừng như thế ! Thi đua sáng tác bài hát về khai thác rừng như thế ! Đảng lãnh đạo toàn diện, đảng là đỉnh cao trí tuệ kia mà !
Vì quá thấm đòn việc ngày ngày tôi phải đi đi lại lại làm việc với cơ quan an ninh dưới trời nắng nóng liên tục 40 độ C, tôi suýt nổi quạu. May quá tôi vẫn giữ được giọng từ tốn : "Nếu để bảo vệ được rừng thượng nguồn, nếu giữ được môi trường sinh thái cho tất cả mọi người, cho muôn đời con cháu thì hôm nay tôi có phải "Dựa Cột" tôi cũng cam lòng".
Về điều gọi là mối quan hệ của tôi với tác giả Dân Ngôn, trước sau tôi vẫn nói : Tôi chỉ gặp anh Dân Ngôn đúng có một lần tại Nhà hàng Đức Tín, Hà Đông, cùng vài anh bạn Giáo Dục. Tôi rất tôn trọng Thượng tá Dân Ngôn khi anh là một con người thi ca, lúc khác anh là một con người công dân khi anh sống với những bức xúc đời thường và trước sau tôi luôn khẳng định : Bài "Việc này có nên" của anh đăng trên Tổ Quốc 2008 là một bài báo hay, một tiếng nói rất dũng cảm. Sau khi tác giả Dân Ngôn kiên trì gõ cửa 7 tòa báo Lề Phải trong nước, không một tờ báo nào dám đăng, bài báo đó đã được Tổ Quốc 2008 đăng tải, nhờ đó mà nhân dân Việt Nam mới biết được một hiện thực thật đau lòng. Khi đời sống nhân dân đa phần còn đói nghèo mà Quốc hội lại bỏ ra một lượng tiền bạc khổng lồ để làm 500 bức tranh chân dung 500 vị Đại biểu quốc hội khảm đá quý với giá mỗi bức không dưới từ 3.000 đến 4.000 USD ! Việc làm đó rất cần phải lên án.
Về bài "Trường ca sân gôn" của anh Dân Ngôn, trước sau tôi vẫn nói : Khi quyết định chọn đăng bài này trên Tổ Quốc 89 tôi đã đọc rất kĩ bài lục bát đó. Về niêm luật, về nghệ thuật xử lý ngôn từ trong thể thơ Lục Bát…, tôi luôn coi Dân Ngôn là một tài năng không thua kém Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn, những ông Hoàng trong làng 6-8. Viết "Trường ca sân gôn", Dân Ngôn phải sử dụng bút pháp chính luận, lại phải khai thác tối đa tính ước lệ và ẩn dụ của thi pháp đa thanh, rất dễ tạo ra một phảng phất phóng túng, đó là điều rất nguy hiểm. Với giới cầm bút thì thông cảm được, với những người có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ thì đó là điều không thể tha thứ.
Trước lối phê phán theo kiểu chiết tự, cắt câu, quy nạp rồi kết tội rất nặng cho tác giả Dân Ngôn, tôi hoàn toàn bất lực và trước cơ quan an ninh tôi cũng đã phải ký nhận phần trách nhiệm của mình trong việc cho phép xuất hiện bài này trên Tổ Quốc 89, nhưng tôi vẫn thấy bài thơ đó đã phần nào nói được cái nỗi đau của người nông dân bị mất đất, mất ruộng cho các dự án sân gôn. Kết tội nặng nề cho tác giả Dân Ngôn, không biết cơ quan an ninh có thấy áy náy & bất công không khi chính ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải có những điều chỉnh về chuyện này.
Trong lúc tôi hết sức trân trọng những sản phẩm tinh thần mà anh Dân Ngôn đã tặng tôi, thì trong con mắt của các nhân viên an ninh, đó là thứ văn thơ xấu (!?) và có lẽ trong một căn phòng khác, trước sức tấn công áp đảo của các nhân viên thẩm vấn rất chuyên nghiệp anh Ngôn đã quá dễ dàng sám hối rồi đi đến quyết định chối bỏ "Những đứa con tinh thi ca" của mình. Về chuyện này, tôi nghĩ tác giả Dân Ngôn cũng đã là "Một người cha" thiếu trách nhiệm với những sản phẩm tinh thần của mình.
Không một người Việt Nam nào lại không biết Kiều (ND), tác phẩm vĩ đại có thể làm rạng danh mọi nền văn học, thế mà vẫn có người chê Kiều và họ cấm vợ con trong nhà không được đọc. Học giả Đào Duy Anh năm 1953 đã từng ra một đề luận cho tú tài là : "Anh hay chị hãy chứng minh Kiều là một dâm thư", thì bài "Trường ca sân gôn" của Dân Ngôn có thể tôi cho là hay, cơ quan an ninh lại cho là dở… điều đó cũng là lẽ thường tình của một đời sống văn học ngày càng cởi mở.
Điều càng đáng đau lòng hơn, vì một lý do nào đó, anh Dân Ngôn lại đưa ra những lời khai không đúng và rất bất lợi cho tôi xung quanh việc bài "Trường ca sân gôn" xuất hiện trên Tổ Quốc 89. Tôi rất buồn, nhưng tôi không giận anh Ngôn lâu. Tôi mong muốn cơ quan an ninh nên có cái nhìn cảm thông với những con người đã từng vô tư hy sinh những năm tháng đẹp nhất của đời mình trong đội hình :
"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai".
Những con người đã từng lâng lâng trong cảm hứng hết sức lãng mạn của thứ thi ca cũng hết sức xến : "Đường ra trận mùa này đẹp lắm !". Nhưng hôm nay họ đang vô cùng hẫng hụt và đau khổ trước những gì mà họ đã, đang nhìn thấy. Thượng tá Dân Ngôn nằm trong lớp người này. Là người đã chọn bài, biên tập và quyết định đăng tải bài "Trường ca sân gôn" trên Tổ Quốc 89…mọi lỗi lầm là ở nơi tôi, do tôi mọi bề.
***
Tôi chủ động thể tình tiếp :
Hôm nay đã là ngày làm việc thứ 9 rồi thưa ông ! Tôi nghĩ : Tôi chỉ thực sự bị coi là có tội khi tôi đối diện với sự phán quyết của Tòa Án, vậy mà nhiều lúc tôi có mặc cảm mình đã là người mất tự do. Đó là một chỉ dấu không bình thường cho một xã hội được cai quản bằng pháp luật và một xã hội mà quyền con người luôn được tôn trọng.
Thưa ông ! Cuộc làm việc giữa các ông, những người có trách nhiệm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ với tôi, người phê phán những sai lầm của đảng, của chế độ rất khó có thể có một tiếng nói chung. Tôi nghĩ điều mà chúng ta vẫn có thể ôn tồn ngồi với nhau suốt 9 ngày qua chính là cả 2 phía đều muốn thượng tôn những gì mà Hiến pháp và Pháp luật đã khẳng định. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy viên Thượng tá an ninh nói : Chúng ta tạm đình tra vào hôm nay, ông ra về, sau này có làm việc tiếp, chúng tôi sẽ báo sau. Mong rằng ông tiếp tục có tinh thần hợp tác tốt.
Trong khi các nhân viên an ninh hối hả hoàn tất các biên bản ghi lời khai, tôi như bị rơi vào một trạng thái rất lạ như là hiện tượng "Nhập Đồng". Không cần biết những người đang ngồi trước tôi có để ý gì đến tôi nữa không, tôi rỉ rả độc thoại cho tôi, cho người thân của tôi và cho tất cả mọi người :
Tôi cũng đã từng bị rơi vào tình cảnh như những gì mà Đỗ việt Khoa đang phải chịu. Thôi thì buông xả đi cho những người làm Giáo Dục đã và vẫn đang vẽ râu vẽ ria cho chúng tôi, sau lưng chúng tôi. Trong sự cố xẩm chiều 15/06/2010 vừa qua, có ai chê trách gì được tôi, vợ tôi, các con tôi, các cháu nội, cháu ngoại của tôi khi tất cả những đồ đạc tài sản chẳng đáng giá bao nhiêu của gia đình đã bị hất tung và lục soát.
Có ai trách cứ được tôi khi tôi cũng biết bỏ ngoài tai mà tìm đến trạng thái Vô Ngã để mỉm cười trước những lời cay độc của người đời :
- Nằm trên đống sách, vở, tài liệu… như thế ông này tránh sao khỏi chứng "Tẩu Hỏa Nhập Ma".
- Ông này đâu có còn là con trẻ mà không hiểu nổi câu : "Hy sinh đời bố để củng cố đời con !" (ý họ chê tôi là không biết tự chế để cho con trai tôi được đề bạt giám đốc. Người chê tôi đâu có biết kể cả khi tôi trơn như một con lươn, hoặc điêu toa thớ lợ như một thằng điếm, một con điếm bẩn thỉu đứng đường thì con tôi cũng không thể được đề bạt giám đốc "Trung tâm Dự báo" được, khi mà cuộc chơi đó chỉ dành cho các đại gia, các băng nhóm. Kể cả khi tôi là người có tiền thì tôi cũng không thể làm việc đó, làm việc đó là tôi tự phủ định những giá trị mà tôi đã theo đuổi và tôn thờ…
Tôi nay nếu chưa dám nhận là mình đã già, thì cũng chẳng ai bảo tôi là còn đầu xanh tuổi trẻ nữa. Mọi phẩm chất trong tôi đều đã định hình và sơ cứng. Những việc tôi đã làm là kết quả biện chứng của những giá trị tiềm ẩn trong tôi. Giờ đây nếu tôi đưa ra những hối hận xướt mướt, những van vỉ để được khoan hồng… là tôi một lần lừa giối cơ quan an ninh đấy.
Tôi luôn ý thức được rằng, tôi đã sống không đến nỗi nào trước cuộc đời này. Trước những gì mà tôi đã làm, tôi không phải cúi mặt trước gia đình, quê hương, người thân, bạn bè và lớp lớp học trò mà tôi đã góp phần đào tạo. Nếu có điều gì đó không ổn là do năng lực của tôi còn hạn chế, bởi tôi cũng chỉ là một thực thể bình thường trong một trần gian chưa bao giờ là hoàn chỉnh và càng chưa bao giờ là toàn mĩ.
Một khi tôi thực sự là kẻ có tội với Tổ Quốc tôi, Nhân Dân tôi thì "lưới Trời lồng lộng – chậy đâu cũng không khỏi nắng". Tôi chấp nhận sự phải trả giá cho những tội lỗi mà tôi đã gây ra & tội tôi đến đâu tôi chịu đến đó.
Như bất cứ ai, tôi cũng ái - ố - hỉ - nộ…, cũng hy vọng rồi lại thất vọng, cũng minh triết rồi lại u mê, cũng mong manh như một kẻ lạc loài giữa một đám đông hỗn độn, cũng là đáng thương trong những bi kịch dạng : "Trong một tập thể toàn những anh "Gù" thì thằng nào "Thẳng Lưng" sẽ bị gọi là thằng "Tật Nguyền" !
"Trong một đám đông toàn những ông "Câm Lặng" thì thằng nào biết "Nói", dám "Nói" sẽ bị coi là thằng "Tâm Thần" ! Và để sống sót được thôi cũng đành :
"Cứ tự mình dán băng keo vào miệng
Con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ
Yêu Tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ" (!?)
(Lại chào đất nước – Thơ Thanh Thảo)
Đây chính là bi kịch lớn nhất trong các bi kịch của người Việt Nam đương đại. Đó chính là sự toàn thắng của thái độ sống giối trá trước cuộc đời.
Qua 9 ngày làm việc vừa qua, thông điệp mà cơ quan an ninh đặt ra trước tôi là, tôi sẽ phải bàn giao lại cho ông Nguyễn Thanh Giang những gì mà ông Giang đã nhờ cậy tôi, đã tấn phong cho tôi và từ nay tôi không được giữ một vai trò gì với tờ Tổ Quốc nữa (?!). Với tôi, kể cả những lúc lạc quan nhất, tôi luôn nghĩ : "Một cánh chim cô đơn, không mang lại một Mùa Xuân", có tôi hay không có tôi thì mặt bằng Đệ Tứ Quyền (quyền tự do ngôn luận – tự do báo chí) của người Việt Nam vẫn như thế thôi.
Trước áp lực của chính quyền, những người làm báo Tổ Quốc trong nưởc khó mà tránh khỏi một giải pháp tương tự như cuộc "Tuẫn Tiết Tập Thể" của các trí thức trong cơ quan IDS (Viện nghiên cứu phát triển ) mấy tháng vừa qua. Những ngày qua, ca từ trong một ca khúc về Hà Nội của Lê Vinh : "Cháy hết mình cánh Phượng nhẹ nhàng rơi…" cứ luẩn quẩn mãi trong tôi như một điềm gở, một ám ảnh buồn. Những cánh hoa… không ngừng lả tả rơi xuống lòng Đất Mẹ Việt Nam để ngày mai sẽ tái sinh trên mặt đất có quá nhiều đau khổ & nghịch lý này một viễn cảnh huy hoàng : "Trăm hoa đua nở - Trăm nhà đua tiếng !".
Đó là hy vọng, còn lúc này, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục lỗi hẹn với Nhân dân Việt Nam. Viễn cảnh về một Việt Nam thực sự được hưởng tự do ngôn luận – tự do báo chí vẫn còn xa vời lắm. Viễn cảnh đó vẫn còn ở nơi rất xa, rất xa… nơi đó vẫn còn ở phía dưới đường chân trời & đồng bào tôi vẫn tiếp tục, tiếp tục đợi chờ ! một cuộc đợi chờ mỏi mòn xuyên thế kỷ.
Hồ Núi Cốc 17/7/2010 cùng các đồng môn Địa Lý
Lớp B 1967/1970 gặp mặt sau 40 năm ra trường.
Nguyễn Thượng Long
*****************
Phần IV :
"Thôi xin ơn đời…" (Trịnh Công Sơn)
Trong trả lời phỏng vấn của Thanh Trúc ( RFA – Đài Á Châu Tự Do ), ngày 26 tháng 6 năm 2010, tôi đã hồn nhiên bầy tỏ :
"… tình nguyện dấn thân trên con đường làm báo tự do, tôi chỉ có một khát vọng, khát vọng cháy bỏng là qua ngòi bút của mình, qua sản phẩm báo chí của mình… tôi muốn được nói với đất nước tôi, dân tộc tôi rằng : Chúng ta đang thực sự sống trong một giai đoạn như thế nào ?".
Bán nguyệt san Tố Quốc số 152 - Ảnh minh họa
Tôi cũng đã từng hồn nhiên tin tưởng Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và xã hội… mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã long trọng cam kết với quốc tế đã cho phép tôi tiến hành cuộc dấn thân nhọc nhằn và nguy hiểm đó. Và ngay những ngày còn đứng trên bục giảng, tôi đã nằm lòng lời nhắc nhở của cụ Phạm Quỳnh, chủ bút tờ Tạp Chí Nam Phong rằng :
"Nước Nam ta sau này hay hay dở, một phần là tùy thuộc vào những người làm báo đấy !".
Chỉ đến khi căn nhà đơn xơ của tôi bị nhiều chục nhân viên an ninh tràn ngập và lục soát trong xẩm chiều 15 tháng 6 năm 2010 và nhìn gương mặt lo âu của vợ, con, cháu nội, cháu ngoại… những người hoàn toàn chẳng liên quan gì đến cuộc dấn thân của tôi, tôi mới bừng tỉnh ra được nhiều điều. Hóa ra tôi chưa nói được với dân tộc tôi là bao thì tôi đã nói cho người thân trong gia đình tôi được quá nhiều điều về cuộc sống này.
Không đa đoan, không la làng, không vật vã, không làm mình làm mẩy… tôi âm thầm chấp nhận tất cả những gì là cay đắng đến với tôi như đón nhận những tất yếu… những gì phải đến thì sẽ đến thôi.
Nhiều ngày sau vụ tôi bị bắt giữ và thẩm vấn liên tục 9 ngày liền, tôi vẫn chưa thể lý giải nổi câu hỏi : Vì sao bán nguyệt san Tổ Quốc đã tồn tại được nhiều năm qua 88 số… nay nó lại bất ngờ làm cơ quan an ninh nổi giận đến thế !? Và câu trả lời đã đến cũng rất bất ngờ khi tôi đọc được một bản tin trên mạng :
"Ngày 03 tháng 6 năm 2010, ông Trương Tấn Sang Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, nhân vật quan trọng thứ nhì trong Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ông Sang hỏi Cụ Vĩnh 3 câu :
Ông Sang : Sao cụ không chờ Bộ Chính trị trả lời mà lại để những thông tin đó lan ra ngoài nội bộ của Đảng như thế ?
Cụ Vĩnh : Ngay ông Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã gửi mấy thư mà các anh có trả lời gì đâu thì chúng tôi chờ đợi làm cái gì.
Ông Sang : Tại sao cụ lại để nhiều người kí tên vào đó thế ?
Cụ Vĩnh : Chúng tôi đồng ý với nhau về những vấn đề đó thì chúng tôi cùng ký chứ làm gì có ai để cho ai ký.
Ông Sang : Tại sao cụ lại để cho nhiều nơi bất hợp pháp người ta đăng bản đó thế ?
Cụ Vĩnh : Cái đó tôi không biết, tôi chỉ gửi cho những nơi cần gửi thôi. Mà người ta đăng thì phải hoan nghênh chứ sao lại nói người ta là bất hợp pháp.
Văn bản mà ông Sang hỏi cụ Vĩnh, chính là Thư gửi Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương khóa 10 của 19 tướng lĩnh, cựu chiến binh, lão thành cách mạng ký ngày 24/04/2010 đòi kỉ luật 04 nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Nông Đức Manh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa), những người theo 19 cụ là có những việc làm không bình thường và điều mà Ông Sang nói về "… nơi Bất Hợp Pháp" (!?) và Cụ Vĩnh lại bảo : " phải hoan nghênh họ chứ, sao lại nói người ta là "bất hợp pháp" (!?)… chính là bán nguyệt san Tổ Quốc số 87, số báo đã dũng cảm đăng tải lá thư này trang trọng ở ngay trang đầu.
Chỉ đến lúc tôi đọc được thông tin này, tôi mới lý giải được câu hỏi vì sao cơ quan an ninh lại bất ngờ nổi giận đến thế và việc tôi bị bắt giữ, tư gia bị lục soát, bị thẩm vấn nhiều ngày… chính là cái giá tôi phải trả cho "trọng tội khi quân" (!?).
Giữa lúc bạn bè, bạn đọc của tờ Tổ Quốc hết sức lo lắng bởi trọng tội mà tôi đã phạm thì tôi lại cứ mơ hồ loay hoay với Điều 69 ! với tuyên ngôn này, công ước nọ… Tình cảnh tôi quả thật là bi đát. Tôi đã đùa giỡn với tử thần trong một cuộc chơi chết người mà không hay biết.
Rất may mắn cho tôi, những tiếng nói bạn bè, sự chia sẻ sớm nhất đến với tôi lại chính là cơ quan truyền thông trong nước.
Trước hết, tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới trang mạng bauxite.vn của giáo sư Huệ Chi, giáo sư Phạm Toàn và giáo sư Nguyễn Thế Hùng. Ngày 15/06/2010 tôi lâm nạn thì ngay sáng 16/06/2010 Bauxite.vn đã biên tập và đăng tải bài "Ai sẽ phải đắc lỗi với tiền nhân" của tôi cùng với thông báo về tình trạng tôi bị bắt giữ trên trang Web Đối Thoại.
Tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, bậc lão thành cách mạng rất khả kính đã có những lời thanh minh cho bán nguyệt san Tổ Quốc khi tờ báo này dám đăng "Tứ Trảm Sớ" của các tướng lĩnh, lão thành cách mạng gửi Bộ Chính trị đòi kỉ luật bốn nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tôi có lời cám ơn tới các cơ quan truyền thông quốc tế như Đài RFA (Á Châu Tự Do), Đài Chân Trời Mới, Đài BBC… là những cơ quan truyền thông quốc tế sớm nhất phỏng vấn và đưa tin về tình trạng bi đát của tôi sau ngày bị bắt giữ.
Tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới các bloggers đã rất sớm đăng tải tin tức về tôi trên các trang Blog của mình.
Tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới những người bạn dân chủ, những người đang ngày đêm khát khao "tự do-dân chủ-nhân quyền" sớm trở thành hiện thực trên quê hương Việt Nam như :
- Cụ Lê Hồng Hà (nguyên Bí thư đảng đoàn Bộ Công an, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an).
- Cụ Trần Lâm (nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).
- Cựu Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Quế Dương (nhà báo, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc Phòng).
- Cựu chiến binh Điện Biên Phủ, nhà báo Vũ Cao Quận (Hải Phòng)
- Giáo sư Trần Khuê (Thành phố Sài Gòn)
- Cựu Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Thế Kỷ (nhà báo quân đội)
- Bác sĩ Phạm Hồng Sơn (nhà báo, nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, Chủ tịch Hội cựu tù nhân chính trị và tôn giáo)
- Nhà giáo Vi Đức Hồi (cựu Hiệu trưởng Trường Đảng, Huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn)
- Bác Nguyễn Minh Quân (40 tuổi đảng – Hà Nội)
- Luật sư Lê Thị Công Nhân (Hà Nội)
- Bà quả phụ Trần Thị Lệ (thân mẫu của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân)
- Kĩ sư hóa học Nguyễn Phương Anh (Hà Nội)
- Nhà báo Bằng Phong Đặng Văn Âu (USA)
- Nghệ sĩ Phan Đình Minh (USA)
- Nhà văn Phạm Đình Trọng (Thành phố Sài Gòn)
- Ký giả Đặng Đình Đông (Hòa Bình)
- Nghệ sĩ nhân dân Quang Phùng (Hà Nội)
- Nhạc sĩ Phan Phúc Đức (Hà Nội)
- Giáo sư Đào Quang Tâm – Nhà nghiên cứu Âm nhạc. (Thành phố Sài Gòn)
- Nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp Bùi Thị Bích Ngọc (Thành phố Sài Gòn)
- Nhà ngôn ngữ học Đặng Phát Tân (Hà Nội)
- Nhà giáo – nhà thơ Ngũ Phúc Thanh Khê (Hà Nội)
- Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng (Hà Nội)
- Nhà giáo Hoàng Xuân Văn (Thanh Oai – Hà Nội)
- Nhà giáo Nguyễn Vũ Hoàn Lê (Thanh Oai – Hà Nội)
- Nghệ sĩ – nhà giáo Đồng Đức Nghi (Hà Nội)
- Nhà giáo Lê Vũ Hùng Sinh (Hà Nội)
- Nhà giáo, nhà doanh nghiệp Trần Văn Kiếu (Hà Đông Hà Nội)
- Nhà giáo, nhà viết sách Tuấn Minh (Hà Nội)
- Cử nhân triết Nguyễn Huy (Hải Phòng)
- Nhà báo Trần Tâm Đắc (Ninh Bình)
- Bà Nguyễn Thị Tâm – nhà doanh nghiệp (Thành phố Sài Gòn)
- Cháu Bùi Xuân Tuyên, ĐT : 09148……..
Cùng các đồng nghiệp trong bán nguyệt san Tổ Quốc và rất đông đảo độc giả của tờ báo này đã điện hỏi, nhắn tin, Gmail cho tôi ngay trong và sau ngày tôi bị hoạn nạn.
Tôi xin phép được gửi những lời tri ân tới những người đã rất cố gắng để gián tiếp thông báo sớm cho tôi biết về khả năng sẽ nổ ra vụ bắt giữ tôi… và tôi đã hoàn toàn không giải mã được những cố gắng này.
Tôi xin được ghi nhận những lời thăm hỏi, chia sẻ, cảm thông của những người dân nơi tôi và gia đình đang cư trú ngay trong và sau khi gia đình tôi bị quăng quật, bị dảo lộn bởi cuộc lục soát chiều 15/06/2010.
Những gì đã xẩy ra trong những ngày hạ bán tháng sáu 2010 đã đặt tôi vào vị trí phải đối diện với những thử thách thật khốc liệt. Tôi đã vượt qua được những thời khắc ngặt nghèo đó một phần là do tâm tưởng tôi, lương tâm tôi luôn luôn bình ổn, tôi không hề bị rơi vào tình trạng bấn loạn. Để tôi có được tâm thế bình ổn như thế, phần quan trọng nhất là nhờ sự lên tiếng rất sớm của các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, sự chia sẻ rất kịp thời của bè bạn. Đây chính là những điểm tựa để tôi đứng được trên những chân giá trị mà tôi đã lựa chọn và theo đuổi.
Hôm nay vậy là đã tròn một tháng sau vụ tôi bị bắt giữ… ngoái nhìn lại những gì đã xẩy ra, trong nắng lửa của mùa hè tháng 6, ngước nhìn con đường thiên lý mà tôi và nhiều người Việt Nam yêu nước theo đuổi, con đường đó dù có gian chuân và nhọc nhằn đến thế nào, tôi vẫn vững tin " minh triết Việt Nam không hiểu sai những người như tôi – Lịch sử sẽ không viết sai về những người như chúng tôi !".
Hà Đông 15 tháng 7 năm 2010
Nguyễn Thượng Long
Nguyên Giáo viên dạy Địa Lý của Sở Giáo dục và đào tạo Hòa Bình & Hà Tây
Nguyên Thanh tra kiêm nhiệm Hà Tây.
Chỗ ở : Văn La – Phường Phú La Quận Hà Đông
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Xem thêm : Phần I và Phần II : Thiên đường… mùi mịt & Pecarande
Phần I : Thiên đường… mù mịt
Buổi sáng định mệnh
9g sáng ngày 15/6/2010, tôi bị một tốp công an bắt giữ tại một cửa hàng Photo quen thuộc quận Hà Đông khi trong tay tôi là 7 tập bán nguyệt san Tổ Quốc vẫn còn đang nóng hổi chưa kịp bập ghim. Cháu vừa in Tổ Quốc 89 cho tôi từ USB, đứng lên chuyển bản gốc cho cháu khác photo, đoạn cháu hấp tấp cầm điện thoại bước vội ra ngoài đường… Không đầy 5 phút sau một tốp công an Phường Quang Trung đã xuất hiện. Nhìn thái độ không bình thường của các cháu, tôi đã hiểu hết tất cả. Tôi đã rơi thẳng vào cái "Dọ" mà công an đã kỳ công tạo dựng.
Báo Tổ Quốc - Ảnh minh họa
Chưa cần biết công an sẽ làm gì với tôi, tôi buột miệng với các nhân viên công lực : Các cháu này chỉ là nạn nhân, người phải chịu trách nhiệm là tôi, xin các ông một sự lượng thứ cho các cháu. Tốp công an dường như không thèm để ý đến lời thỉnh cầu vớ vẩn của tôi, họ hối hả phân công nhau áp giải tôi và cháu thợ Photo về đồn công an phường Quang Trung Hà Đông cũng ở gần đó.
Tôi được đưa lên tầng 2 của trụ sở công an phường, đó là một hội trường nhỏ, trên tường là những khẩu hiệu hết sức đại ngôn nhắc nhở đến phẩm hạnh và nhiệm vụ của người Công an nhân dân khi thực thi công vụ.
Trong giây phút còn tự do hiếm hoi trước khi bị tịch thu điện thoại, tôi đã kịp gửi tới nhà giáo Vi Đức Hồi ở Lạng Sơn mẩu tin : "Tôi đã bị bắt ở Thị Xã Hà Đông khi đang photo bán nguyệt san Tổ Quốc…".
Ngồi chưa kịp ấm chỗ thì một tốp các nhân viên thuộc phòng điều tra xét hỏi công an thành phố Hà Nội bất ngờ ào ào xuất hiện. Đi đầu là viên thượng tá an ninh chính trị đã từng làm việc với tôi nhiều lần tại số 6 đường Quang Trung Hà Đông.
Gặp lại tôi trong cảnh ngộ này, viên Thượng tá phủ đầu luôn : "Ông biết ông sẽ phải làm gì bây giờ rồi chứ ? Ông hãy bỏ điện thoại, bỏ hết những gì có trong ba lô của ông ra". Thấy tôi như có vẻ còn lưỡng lự, để gia tăng áp lực cho mệnh lệnh mà ông vừa đưa ra, ông mở ca táp lấy ra một tờ giấy nhỏ rồi trịnh trọng đọc cho tôi nghe Thông tư 232 của Bộ Thông tin và tuyên Truyền ký ngày 26/3/2010 có đóng dấu MẬT.
Trong lúc viên Thượng tá mải đọc… chiếc điện thoại của tôi đỏ chuông liên hồi trên bàn làm việc. Tôi thở phào… vậy là tin tôi bị bắt đã loang khắp các trang mạng xã hội và họ đang ào ạt gọi về máy của tôi. Tôi loáng thoáng nghe được những gì mà viên Thượng tá đang đọc : "Trang web toquoc.net không được nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận, nghiêm cấm các hành vi Photo, lưu hành, phát tán bán nguyệt san Tổ Quốc dưới mọi hình thức…".
Vậy là, với Thông tư 232, Cơ quan an ninh đã tạo thế bắt giữ tôi là bắt giữ một kẻ phạm tội quả tang ! Tất cả những gì đã diễn ra chính xác, hoàn hảo so với kịch bản tới từng milimet, nhưng thực ra kịch bản đó cũng hết sức lỏng lẻo. Thử hỏi ? với một thông tư cấp bộ mới ký từ ngày 26/3/2010 lại đóng dấu MẬT (!?) không công khai cho toàn dân biết thì làm sao mà tôi và mọi người biết để mà điều chỉnh hành vi ?
Có thể nói rằng, nếu chỉ đọc Hiến pháp của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Luật Mẹ) thì ai ai cũng phải công nhận chỉ riêng Điều 69, điều khoản quy định các loại quyền mà người Việt Nam được hưởng… thì người Việt Nam đâu có thua kém gì người dân các nước phương Tây về những gì mà họ đang được hưởng ! Vậy mà những gì tốt đẹp mà Hiến pháp đã hứa hẹn cho người Việt Nam đã trở thành số không khi xuất hiện những Nghị định kiểu NĐ 97 tung ra để bịt mồm viện IDS của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nay là Thông tư 232 để trói chân tay những người làm báo Tổ Quốc… cùng với những Điều 4 Hiến pháp, Điều 88 Bộ luật hình sự… người dân Việt Nam đã hoàn toàn trắng tay về những gì gọi là quyền con người.
Cuộc thu giữ tài liệu trong người tôi diễn ra nhanh gọn rồi tất cả lại tiếp tục ra xe để trở về số 6 đường Quang Trung Hà Đông. Ngồi giữa những sĩ quan an ninh chính trị trong bộ đồ dân sự lần này, tôi hiện diện là một kẻ vi phạm điều cấm của chế độ mà những người đang ngồi xung quanh tôi có trách nhiệm phải ra tay. Chắc chắn với tôi lần làm việc này chẳng hứa hẹn một điều gì là tốt đẹp.
***
"Để gió cuốn đi…" (Trịnh Công Sơn)
Buổi sáng 15/06/2010 là ngày đầu tiên của đợt nắng nóng khủng khiếp nhất trong mùa hè 2010. Ngay từ sớm bầu không khí đã hầm hập, trời trong veo không một gợn mây, nắng ràn rạt trên Đường Quang Trung vừa bị vặt trụi hàng cây xanh tốt để lại trồng một hàng cây khác (!?). Nhiệt độ ngay từ 8–9 giờ đã rất cao với cực trị trong ngày tới 40 độ C trong lều khí tượng. Cái nóng hành hạ dòng người đang lầm lũi ngoài đường. Cái nóng nung nhừ con người trong các phòng làm việc bị mất điện triền miên.
Có một điều tôi thấy hơi là lạ, ngay trong buổi sáng ngoài việc thu giữ điện thoại và tài liệu trong balo… còn lại chỉ là những câu hỏi thăm dò, vô thưởng vô phạt. Nhiều lúc tôi như kẻ vật vờ trong phòng thẩm vấn. Tôi mệt mỏi rã rời trong bối cảnh không được nghỉ trưa lại có những lúc hàng giờ ngồi nhìn người ra người vào tấp nập, họ dửng dưng nhìn tôi như nhìn một thứ của nợ.
Duy nhất có một lần, một ông nhìn tôi lom lom rồi nhún vai buông một câu không chủ ngữ : "Nom hao hao Trần Tiến. Không biết có quan hệ họ hàng gì không ?". Chẳng cần biết tôi sẽ đối lời như thế nào, người đó sau khi nhận được từ viên Thượng tá đội trưởng một tập dầy những tài liệu tôi viết mà công an thu giữ được, ông ta bỏ ra ngoài. Nghe câu hỏi đó tôi thấy thật buồn. Không phải chỉ Công an, trong con mắt nhiều người Việt Nam giai đoạn này cứ ai bị Nhà báo, Nhà đài, Nhà truyền hình "Sờ gáy" là kẻ đó là người xấu rồi.
Buổi trưa, một nhân viên an ninh cao lớn như một võ sĩ quyền anh đặt trước mặt tôi một cốc mì dội nước sôi, phía trong có sẵn thìa nhựa để ăn xong là vứt luôn không phải rửa. Tôi vừa ăn vừa quan sát, bên cạnh tôi mấy nhân viên an ninh cũng mỗi người một cốc mì, bàn phía xa viên Thượng tá Đội trưởng cũng một cốc mì có đặc biệt hơn là một nữ an ninh mang tới cho ông ta một chai bia Hà Nội. Tôi cố gắng để nuốt hết cốc mì, bụng bảo dạ : Mình không ăn là rất bất lợi. Tôi có linh cảm, công an chưa có ý định đánh gục tôi bằng những đòn knock out qua thẩm vấn, họ muốn quan sát tôi sẽ nói năng, suy nghĩ, hành xử thế nào khi phải đối diện với một lộ trình làm việc cực nhọc không được nghỉ ngơi.
Buổi chiều vẫn tiếp tục làm việc theo một cung cách rất khó chịu như vậy. Rất mệt mỏi, nhưng tôi vẫn ráng chịu đựng. Cơ quan an ninh quyết định thu giữ của tôi 7 số Tổ Quốc 89 mà tôi đã photo, thu giữ của tôi chiếc USB mà ngày nào Đỗ Việt Khoa tặng tôi, những ngày tôi và Khoa cùng nhau tranh đấu cho những kỳ thi trung thực. Tiếc vô cùng họ thu của tôi loạt bài tôi viết về "Lãnh đạo Đảng và Chính quyền Hà Đông – Hà Nội sẽ nói gì trước các Đại hội ?". Tiếc làm sao khi họ thu giữ của tôi bài "Trò chuyện với cựu Đại tá Lê Hồng Hà – nguyên Bí thư Đảng đoàn Bộ công an, nguyên Chánh văn phòng Bộ Công an", bài viết còn ở dạng bản thảo viết tay chưa được cụ Hà duyệt.
Sau khi ký vào biên bản thu giữ tang vật, tôi thu xếp vào ba lô những gì còn lại, tôi tưởng mình sắp được ra về, nhưng tôi đã nhầm to, tất cả mới là màn dạo đầu thôi. Đúng 5 giờ chiều, tôi thấy các nhân viên an ninh Thành phố Hà Nội và cả một số nam nữ nhân viên an ninh rất trẻ, tôi đoán họ là người của PA42 (An ninh Bộ) lục tục đứng dậy, viên Thượng tá nghiêm nghị : "Mời ông ra xe !". Tôi bước theo đoàn cán bộ an ninh mà vẫn không biết là sẽ đi đâu vào thời điểm cuối một ngày làm việc rồi. Thôi đành người ta bảo mình đi đâu thì mình đi đấy.
Tôi lên xe ngồi lọt thỏm giữa tốp an ninh lực lưỡng lạnh lùng với những gương mặt hết sức hình sự. Chiếc xe nhanh chóng trườn ra lòng đường Quang Trung đang quằn quại vì nắng quái lúc chiều hôm rồi lao nhanh về trung tâm Quận Hà Đông, qua Nhà Thi Đấu xe rẽ phải vào Đồn Kim Chi để đón nhiều xe khác đang chờ sẵn. Đoàn xe hỗn hợp gồm An ninh bộ, PA38, PA25 Sở Công an Hà Nội, Công an quận Hà Đông với chiếc xe dẫn đầu chở tôi hú còi bật đèn chớp từ từ lăn bánh rồi băng băng lao về hướng Ba La Bông Đỏ quặt trái rẽ vào Văn La nơi cư trú của tôi và gia đình. Suốt dọc đường từ Đường số 6 vào tới nhà tôi tràn ngập công an mặc sắc phục và thường phục. Đến lúc này tôi mới giật mình : "Khám nhà !" thì cũng là lúc đoàn xe lục tục dừng lại ở khoảng trống trước cửa đình.
Tiếng phanh xe rít lên đồng loạt, tiếng xập mở đóng cửa xe ầm ầm cùng với đèn chớp trên nóc các xe làm cho cái ngõ nhỏ, xóm nhỏ nhà tôi ở đó bỗng sôi lên như cảnh các nhân viên FBI (Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ) bắt giữ trấn áp tội phạm ở Chicago, như cảnh Cơ Quan An Ninh Italia truy quét các băng đảng Mafia ở Palermo, ở Xi xin trong các phim hành động của phương tây.
Bốn năm về trước (2006) người dân nơi tôi ở ngạc nhiên khi thấy đoàn xe chở phóng viên Đài Truyền hình trung ương với lỉnh kỉnh camera, máy ảnh đến phỏng vấn làm chương trình truyền hình tại nhà tôi, nay họ lại thấy tôi đi giữa một tốp đông nhân viên an ninh, công an các loại cũng lỉnh kỉnh những camera, máy ảnh, an ninh mạng khệ nệ vác máy in laser… Tôi đọc được những ánh mắt lo lắng ngạc nhiên của người dân nơi tôi ở khi thấy tôi trở về trong khung cảnh ấn tượng đến như thế này.
Con đường từ nơi đoàn xe bắt giữ tôi đỗ đến nhà tôi mọi khi có đáng mấy bước chân mà sao hôm nay lại dài đến thế ? Tôi hỏi nhỏ viên an ninh trẻ măng có tên là C… Người này cứ luôn mồm gọi tôi là ông giáo… đang kè sát bên tôi : "Sao không còng tay cho thêm phần hoành tráng !". Anh ta nói đủ để mình tôi nghe được : "Đến lúc này mà ông giáo vẫn còn văn nghệ được ?". Lách qua đám đông những người dân kéo đến trước cửa nhà tôi không biết từ bao giờ, tôi đột ngột xuất hiện trước các thành viên trong gia đình đang tề tựu đầy căng thẳng. Chưa kịp nói lời động viên với bất cứ ai thì vị đại diện cho Công an Quận Hà Đông đã trịnh trọng giới thiệu ông Trưởng thôn, ông Công an khu vực và một người dân địa phương đến làm chứng, đoạn ông nghiêm trang đọc lệnh khám xét tư gia của tôi. Sau khi lấy được chữ ký của tôi, của vợ tôi, cuộc lục soát bắt đầu.
Tôi phải dẫn tốp nhân viên lục soát & ghi hình lên căn gác xép nóng như lò lửa của tôi. Từ giây phút đó, tủ sách, giá sách, máy tính, thư từ, băng đĩa… bị hất tung để họ tìm những gì mà họ cần tìm. Có thể nói trong nháy mắt căn gác xép nơi thực sự là góc riêng tư bé nhỏ của tôi đã trở thành một bãi chiến trường tanh bành. Ruột gan tôi như rối bời, không phải là tôi sợ mất tiền mất bạc trong cái gác xép nóng như lò bánh mì đó. Thôi thì, đến nước này thì họ muốn lấy gì của tôi ở đây thì họ cứ lấy.
Tôi lo thắt ruột khi biết chắc là huyết áp của bà vợ tôi đang ở giới hạn sẽ bục vỡ bất tử lúc nào. Tôi lách ngưòi ra phía cầu thang nói lớn với các con tôi ở phía dưới rằng : "Hãy cho mẹ uống thuốc đi !". Thú thực ngồi chứng kiến cuộc lục soát, tôi không giận gì những người đang làm đảo lộn cuộc sống gia đình tôi. Trong con mắt tôi, họ chỉ là những người thừa hành mệnh lệnh mà thôi. Nhưng không thể hiểu nổi, làm sao mà trên cõi đời này lại có những con người có thể mẫn cán, vô cảm và nhẫn tâm đến như vậy ? Phải hàng tháng sau, tôi cứ để cái bãi chiến trường đó ở trạng thái nguyên trạng và vào những lúc cô đơn, tôi lại lặng lẽ ngồi nhìn những tanh bành còn xót lại và lạ thay ! Tôi cũng nghe trong gió thấy "Tiếng sông Hồng thở than !".
Cuộc lục soát nào rồi cũng phải đến lúc chấm dứt. Trong biên bản thu giữ tài liệu gọi là phạm pháp tại nơi ở của tôi, thấy ghi : Cơ quan an ninh đã làm thủ tục thu giữ một CPU máy tính đã niêm phong, một hòm các tông nhét chặt cỡ 50kg tài liệu. Đây là những bài viết của tôi về Giáo dục, nhiều số bán nguyệt san Tổ Quốc, nhiều hồi ký của các Tướng lLĩnh, Lão thành cách mạng, Trí thức, Văn nghệ sĩ có tên tuổi trong ngoài nước như :
- "Tổ Quốc Ăn Năn" (Nguyễn Gia Kiểng)
- Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh
- Hồi ký Tô Hải
- Hồi ký Đoàn Duy Thành
- Hồi ký Trần Quang Cơ
- Hồi ký Lê Quang Đạo
- "Mao Trạch Đông ngàn năm công tội" (Đại tá Tân Tử Lăng)
- "Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất" (Nguyễn Khải)
-"Tôi chỉ có một Đảng Việt Nam" (Nhiều tác giả)
- "Sứ Mạng Công Dân" (Nguyễn Thanh Giang)…
Tài liệu tôi khai thác được từ mạng, từ bạn bè biếu tặng, đặc biệt tôi tiếc đến ngẩn ngơ khi ngót cả ngàn trang đơn thư, kêu cứu của dân oan xa gần trong ngoài tỉnh, người mất đất, người mất nhà, người là mẹ lệt sĩ, vợ liệt sĩ, con liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ, có người là cựu sĩ quan cao cấp của quân đội nhân dân Việt Nam, có người là giáo viên, có người là chủ doanh nghiệp… Họ gửi tôi nhờ tôi tư vấn, lên tiếng hộ, chí ít thì cũng là để chia sẻ giữa những người đồng bào, tất cả đã bị thu giữ như thu giữ những tài liệu không được phép lưu giữ !
Tôi biết, khi tôi viết : Tôi tiếc đến ngẩn ngơ ngót cả ngàn trang đơn thư kêu cứu của dân oan gửi tôi đã bị công an thu giữ là tôi đã vô tình kích hoạt những nghi vấn rất bất lợi cho tôi. Những não trạng thực dụng, suy bụng ta ra bụng người sẽ hoài nghi tôi là một thứ "Cò" lấy những khổ đau của người dân làm can cớ để kiếm ăn. Nhân đây xin thưa, cuộc lục soát xẩm chiều 15/6/2010 vừa qua, Cơ quan An ninh mới lấy đi được một phần hai lượng đơn thư, kêu cứu của người dân đã gửi tôi thôi ạ. Tôi đố ai tìm ra được một bằng cớ chứng tỏ tôi đã thu tiền, bớt xén, ăn chặn một xu tiền tài trợ của Hải Nội, Hải ngoại đã dành cho các thân chủ đứng đơn gửi cho tôi.
Nhân đây tôi xin kể một "Quả Đậm" mà tôi đã gặt hái được. Dịp 2008, khi Người đương thời được cả nước yêu thích nhất 2006 Đỗ Việt Khoa bị xã hội đen đến nhà săn sóc, cướp máy ảnh. Tôi đã đến gặp Đỗ Việt Khoa để thăm hỏi, chia sẻ và tặng Khoa bài viết "Đỗ Việt Khoa Anh Hùng hay Tội Đồ ?". Chưa kịp về đến nhà, tôi đã nhận được điện thoại của Khoa rền rĩ : "Thầy giết em rồi ?". Tôi không hiểu khi tôi ra về, những ai đã ập vào nhà Khoa, đe dọa Khoa mà Khoa lại đặt tôi vào vị trí của một sát thủ ? Hóa ra khi tôi ra về, Khoa đã phải chịu một sức ép quá lớn từ lực lượng an ninh làm biến dạng hình ảnh tôi trong con mắt Khoa và Khoa cũng đã tự bộc lộ cái yếu nhất của Khoa là dễ nhầm lẫn trong những tình huống đòi hỏi phải quyết đoán.
Lần đó có một tác giả viết : "Trong cuộc chiến với tiêu cực của Giáo dục và đào tạo, Người đương thời Đỗ Việt Khoa bị mất phương hướng đành rút súng bắn lung tung !". Tôi thấy viết thế là không ổn. Khoa nã đạn vào những vấn nạn của Giáo dục và đào tạo… là hoàn toàn chính xác. Riêng lần Khoa bị áp lực của ai mà rút điện thoại "bắn" thẳng vào tôi (2008) là một sai lầm đáng tiếc. Vì đại cuộc, tôi nén đau chịu đựng và vẫn tiếp tục đứng bên Khoa như ngày nào tôi đã đến với Khoa. Truyện đã xưa rồi, giờ tôi mới kể để chứng minh rằng, tôi không phải là một thứ "Cò" như những người thực dụng ở mọi phía trong cuộc sống này đã từng nghi ngờ về tôi.
Ký xong biên bản khám nhà, tôi quay ra phía đám đông quần chúng đang tụ tập rất đông bên các Cameraman đang cố ghi những hình ảnh của tôi bên những tang vật bị thu giữ, tôi nói lớn :
"Tôi là người viết báo và làm báo, tôi chỉ có một khát vọng là được nói với mọi người rằng, chúng ta đang sống trong một giai đoạn như thế nào ? Những gì vừa xẩy ra trước mắt các quý vị, là cái giá mà tôi phải trả. Tôi nghĩ rằng việc làm đó là không thuyết phục".
Ra đến cổng tôi quay lại nói với vợ con tôi, các cháu nội, cháu ngoại tôi mới về nghỉ hè :
"Gia đình chúng ta đang có biến cố, đang có những thử thách. Mình cùng con cháu hãy yên tâm và vững tin ở tôi. Người ta muốn làm gì thì làm, tôi vô tội. Hãy để nguyên những gì còn lại trên căn gác xép. Tôi sẽ trở về".
Trên đường trở lại bãi đỗ xe, tôi đi trước, bám sát sau tôi là một tốp nhân viên an ninh chính trị của PA38 Sở Công an thành phố Hà Nội, PA42 An ninh Bộ Công an, Nhân viên an ninh mạng khệ nệ vác CPU của tôi… những người này sẽ trực tiếp thẩm vấn tôi, kế đến là số công an tăng cường của đồn Kim Chi, họ là những chuyên gia lục soát có nghề. Người thì lỉnh kỉnh với camera, người thì è vai vác thùng sách báo tài liệu mà họ vừa thu giữ được.
Đoàn xe bắt giữ tôi chẳng mấy chốc đã lại chớp đèn, hú còi hòa vào dòng xe cộ băng băng lao trên đường Quang Trung lúc này đã lên đèn và hướng về tòa nhà số 6. Tôi được tốp các chuyên viên an ninh mạng dẫn giải vào một căn phòng nhỏ được nối mạng Internet. Đến thời điểm này, sau 12 tiếng đồng hồ không một phút nghỉ ngơi trong thời tiết nắng nóng ở mức địa ngục, tôi rũ ra như một tầu lá héo. Tôi gục xuống mặt bàn, cho đám Cameraman, đám phó nháy… mặc sức ghi hình đặc tả tôi. Nếu mục tiêu của những người bắt giữ tôi là phải có bằng được những tấm hình, những videoclip đặc tả Nguyễn Thượng Long – Phó Tổng biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc đã suy sụp, hết hơi đến như thế nào ? Họ đã thành công mĩ mãn, vượt chỉ tiêu đề ra mà họ không hề bị mang tiếng.
Bước qua tất cả những quy định, tôi lặng lẽ xếp lại gần nhau 4 chiếc ghế tựa rồi đổ vật xuống chiếc giường tự tạo đó bỏ mặc bên cạnh tôi, các nhân viên an ninh mạng mặc sức mổ xẻ, moi móc ruột, gan, phèo, phổi… chiếc CPU tài sản có giá nhất trong gia đình tôi. Bất ngờ một an ninh mạng dựng tôi dậy với mệnh lệnh : "Ông hãy mở Email (Hộp thư điện tử ) của ông ra !". Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi vẫn thấy buồn thay khi quyền tự do thư tín của cá nhân bị xâm hại một cách thô bạo đến như vậy ! Tôi linh cảm biết rằng, tôi sắp rơi vào tình trạng vô thức rồi, không cưỡng lại được, tôi cố gượng dậy gõ password để mở hộp thư rồi lại ngã vào cái giường tự tạo và nhanh chóng chìm vào trong những ảo giác, chênh vênh…
…Tôi như đang đi giữa lằn ranh của những gì hư, hư–thực, thực… Tôi như lạc vào một thứ chợ âm hồn. Xung quanh tôi toàn là những thực thể bất thành nhân dạng. Nhác thấy ông Nguyễn Đức Thuận nguyên Chủ tịch Tổng Công Đoàn Lao Động Việt Nam đang ngồi bên những ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… Ở góc khác lại thấy cả ông Diệm, ông Nhu… thấy cả những người lính Cộng Hòa ngồi bên những người lính Bắc Việt… gương mặt họ quá u buồn mình mẩy họ đầy máu me thương tích và họ im lặng nhìn tôi chẳng nói một điều gì.
Ông Thuận (1916–1956), trước 1954 là Trung ương ủy viên Đảng Lao động Việt Nam (Tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam). Sau Hiệp nghị Giơ ne vơ ông được Đảng cài lại Miền Nam làm đối trọng với ông Diệm. Cuối 1956 ông bị rơi vào tay các nhân viên an ninh của Tổng Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn. Sau một ngày thẩm vấn liên hồi ở Pecarande trong tư thế đứng nghiêng 2 tay chống vào tường, sau gáy là 2 đèn pha hàng ngàn watt… Ông Thuận cũng đã đổ kềnh xuống nền nhà với 2 ống quyển xuống máu chật căng trong ống quần âu. (Xin đọc "Bất Khuất" – Tác phẩm bắt buộc học trong chương trình văn học phổ thông từ những năm giữa 1960). Không biết chuyện này có giống chuyện đuốc sống Lê Văn Tám, chuyện Võ Thị Sáu, chuyện Tô Vính Diện hay không ? Chỉ biết các thầy tôi đã khai tâm, khai trí cho chúng tôi như thế. Đó là những gì mà thế hệ chúng tôi được cài đặt như là những hành trang bắt buộc trên đường ra trận.
Ông Thuận bị bắt cuối năm 1956, ngày đó ông vừa 40 tuổi. Còn tôi ngày hôm nay (15/6/2010) tôi phải vào Pecarande số 6 đường Quang Trung Hà Đông Hà Nội, tôi là một ông già xuýt xoát 63 rồi. Nếu ông Thuận bị đọa đầy đến đổ vật xuống nền nhà vì thẩm vấn liên hồi trong thế đứng quái đản lại bị 2 cái đèn pha ngàn watt khoan vào óc thì suốt 12 tiếng liền, thì tôi chưa bị thẩm vấn nhưng hoàn toàn bị mất tự do trong cái nắng nóng kinh hồn hành hạ, lại phải chứng kiến cảnh tư gia bị lục soát tanh bành, vợ, con, cháu nội, cháu ngoại, giọt ngắn giọt dài… Một đòn cân não, dằn mặt nặng ký, một thử thách cay đắng không thể gọi là bình thường với bất cứ ai.
Gần đây có một ông học sinh cũ của tôi cũng ngấp nghé lục thập làm Thư ký tòa soạn một tạp chí "Lề Phải" đang phất, không biết ông này có biết gì về hậu vận của ông Thuận không mà lại khụng khiệng, mỉa mai hỏi tôi : "Thầy đã ở tuổi nghỉ ngơi rồi, Thầy còn muốn giữ chức gì nữa ? Thầy chuốc lấy khổ hạnh như thế làm gì ?". Tôi thất vọng đến ê chề, nhưng vẫn bình thản trả lời : Cái chức mà tôi ao ước, đơn giản lắm, tôi muốn giữ chức là "Người không ăn gian nói dối"… Còn hỏi tôi… để làm gì ? Cũng đơn giản lắm, các ông "Lề Phải" không hiểu được đâu : "Để gió cuốn đi" (Trịnh Công Sơn) & từ hôm nay xin ông đừng bao giờ gọi tôi là Thầy nữa. Sau 40 năm, tôi không dám nhận là Thầy của những học trò như ông".
Một mình trong căn phòng trống trải, tôi miên man chìm trong những vọng niệm hỗn độn từ trong quá vãng ào về. Tôi giật mình trước tiếng kẹt cửa, một nữ an ninh đứng tuổi mặt lạnh như tiền tiến vào nhắc tôi bằng một thứ ngôn ngữ hình sự cũng lạnh băng : "Ông có thể về, đúng 7 giờ sáng mai ông đến làm việc tiếp". Tôi vụt hiểu : "Thế là người ta không dùng biện pháp tạm giữ tôi 9 ngày".
Bước ra đường Quang Trung, đường phố đã lên đèn từ bao giờ. Kim đồng hồ trên nóc tòa nhà Bưu Điện tỉnh chỉ 11 h đêm mà bầu không khí vẫn nóng hầm hập. Tôi bước những bước chân mỏi mệt sau một ngày dài không một phút ngơi nghỉ cùng biết bao sự kiện phũ phàng ập đến gia đình tôi. Ngang qua những đám đông trên hè phố đang vô tư bên những màn hình lớn. Họ hò reo theo dõi trận chung kết World Cup 2010 tại Nam Phi. Họ đâu có biết giữa tôi và những người đang bắt giữ tôi cũng đang có một trận "Cung kết" cho chuyên án "Nguyễn Thượng Long và đồng bọn can tội làm báo trái phép có nội dung chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Trong cuộc đấu không cân sức này, tôi là kẻ cô thế hoàn toàn, trong tay không có một cái gì hết, ngoài niềm tin tôi là người vô tội. Tôi biết : "Qua 9 ngày thẩm vấn… nếu tôi không chứng minh được điều nói trên… sẽ là lệnh tạm giam 4 tháng & sau đó sẽ thấy bóng "Thiên Đường…" và bèo nhất cũng phải lận lưng 5 cuốn lịch".
Hà Đông 6/2010
******************
Phần II : "Pecarande"…
Hơn 50 năm trước, ở tuổi hoa niên, tôi đã từng mê mẩn trước những trang hồi ký có tên "Bất Khuất" viết về những hoạt động của ông Nguyễn Đức Thuận, một Trung ương ủy viên Đảng cộng sản Việt Nam được Đảng chủ động cài lại miền Nam để chuẩn bị cho những bước phát triển mới của chính trường Miền Nam sau Hiệp định Giơ ne vơ 1954. Cuốn sách đó do tác giả Trần Đĩnh viết, xuất hiện vào năm 1965. Cuốn sách này một thời được đưa vào giảng dậy trong chương trình văn học hệ phổ thông 10 năm và đã từng được thế hệ tôi suy tôn như một mẫu mực nghệ thuật, một biểu tượng hoành tráng, một tượng đài vô song của điều gọi là "Chủ nghĩa anh hùng cách mạng".
Nhưng... mỉa mai thay, chính Trần Đĩnh lại là nhà văn phản tỉnh và "phản động" (xin nhớ là tôi để trong ngoặc kép" sớm nhất. Với tác phẩm "Đèn Cù" xuất bản tại Mỹ 2014, ông lại tiếp tục làm đổ nhào những tượng đài cứ ngỡ là sẽ "đời đời" và "mãi mãi", làm bật tung những góc khuất nhếch nhác đến thê thảm trong đời sống cung đình của Việt Nam mà thế hệ U70 – U80 chúng tôi đã hồn nhiên tin tưởng... nên lĩnh đủ.
Trần Đĩnh và tác phẩm Đèn Cù
Gần 50 năm đã trôi qua, giờ đây nếu ai hỏi tôi : Chương đoạn nào của cuốn Bất Khuất là hay nhất ? Tôi xin thưa : Đó là chương viết về cuộc bắt giữ ông Thuận giữa đường phố Sài Gòn của một nhân viên an ninh có biệt danh Sáu đen và những cuộc thẩm vấn liên hồi dưới những đèn pha cực mạnh của các nhân viên an ninh trong Tổng nha Cảnh sát đô thành Sài Gòn dành cho ông Nguyễn Đức Thuận tại một căn phòng nằm gần Sở Thú Sài Gòn. Căn phòng ghê gớm đó có biệt danh Pecarande.
Thật trớ trêu, ngót 50 năm trước tôi thích cảnh nào thì nay trời trao cho tôi cảnh vậy. Đúng 8g30 sáng ngày 03/2/2010 tôi phải bước vào phòng thẩm vấn, một thứ Pecarande của chế độ mới ở số 6 đường Quang Trung Hà Đông - Hà Nội theo giấy triệu tập của công an Thành phố Hà Nội.
Khi cánh cửa phòng thẩm vấn khép lại, tôi biết tôi sẽ phải đối diện với hàng loạt câu hỏi và câu trả lời của tôi sẽ đem lại sự hiểu biết đúng đắn về tôi và cũng có thể lắm nếu tôi danh không chính, ngôn không thuận... họ sẽ hiểu sai về tôi, về tờ báo của chúng tôi và hệ luỵ sẽ đến với tôi là vô lường.
…Và thời gian đã trễ nải trôi trong tiếng máy ro ro êm êm của các thiết bị ghi âm, ghi hình đang chĩa vào tôi và tôi không nhầm một đường truyền Audio đã được thiết lập nối liền phòng thẩm vấn tôi với một trung tâm ở đâu đó…mà trước máy sẽ là các sĩ quan cao cấp, các chuyên viên phân tích lời khai giám sát chặt chẽ từng lời khai, từng nét mặt của tôi trong từng thời điểm, từng tình huống.
Trong lúc cô thư ký có gương mặt của một cô giáo hơn là gương mặt của một sĩ quan an ninh đang hoàn thiện những thủ tục ban đầu cho một bản cung và các nhân viên an ninh khác trong phòng đang nghiêng ngả loang loáng chụp ảnh tôi từ mọi góc độ, tôi lơ đãng nhìn ra bên ngoài qua một khe cửa hẹp mà trong lòng man mác buồn. Nếu thực sự là một đời sống pháp quyền thì kể cả khi tôi đứng bên vành móng ngựa, tôi vẫn phải được đối xử như đối xử với người chưa có tội. Bụng bảo dạ, truyện này cũng nhỏ thôi quan tâm làm gì, thế mà tôi lại buột miệng :
"Các quý vị đã quay, chụp tôi quá nhiều. Tôi có một đề nghị : Khi sử dụng các hình ảnh của tôi, xin quý vị chọn những hình ảnh nào phản ánh đúng con người tôi, xin đừng như báo An ninh Thế giới số 815 ra ngày thứ tư ngày 10/12/2008 đã chọn hình ảnh thật bất xứng với tư chất của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh để minh họa cho bài "Chất độc hại trong một cuốn hồi kí" của nhà nghiên cứu Thượng Nguyên. Ai đời, ông Nguyễn Đăng Mạnh, một nhà giáo nhân dân, một nhà văn, một giáo sư văn chương, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật cấp nhà nước, người đã góp sức đào tạo ra biết bao những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ văn chương… mà lại hiện diện trên mặt tờ báo có lượng độc giả đáng nể trong hình hài như một đầu gấu đầy chất bặm trợn !?
Biết đâu đấy, nay mai rồi sẽ có một bài báo của một ông Y ông Z nào đó có nhan đề : "Kẻ cơ hội chính trị Nguyễn Thượng Long đã cúi đầu nhận tội" (!?) kèm với một tấm hình tôi bơ phờ, ủ rũ như một kẻ bụi đời, một gã cô hồn trước mắt mọi người. Đáp lại lời buột miệng của tôi, các nhân viên an ninh chỉ im lặng. Tôi cũng chẳng giận gì họ, thôi thì việc cấp trên giao cho họ thì họ cứ làm, việc tôi tôi làm và câu hỏi đầu tiên của viên Thượng tá đã đưa tôi ra khỏi những tạp niệm xét cho cùng cũng là vô nghĩa giữa cõi thế gian đang bị lấp đầy bởi những điều phi lý này.
Hỏi : Trưởng thành từ các môi trường sư phạm, hoàn thành nghĩa vụ lao động trong công việc của người thầy, cuối đời lại vương nghiệp báo chí… ! điều gì đã xẩy ra vậy ?
Trả lời : Không biết có phải cuộc đời tôi là một dẫn chứng sinh động cho 4 cái nghề như có họ với nhau : Nhà văn, Nhà báo, Nhà giáo, Nhà nghèo không ? Tôi đến với hoạt động báo chí là sự phát triển tự nhiên và tất yếu. Những người lần đầu gặp tôi đều nghĩ tôi là nhà báo, chẳng ai nghĩ tôi làm nghề dậy học. Có lẽ tôi sinh ra để cầm máy ghi âm, cầm máy ảnh chứ không phải là cầm phấn đứng trên bục giảng. Thế hệ tôi là thế hệ không được tự do khẳng định thiên hướng nghề nghiệp cho mình. Công bằng mà nói tôi cũng là một thứ hèn, đã cúi mặt chấp nhận tư thế "Nhà nước đặt đâu - Con dân ngồi đấy". Tôi và Giáo dục và đào tạo suốt 40 năm... tuy không phải là một cuộc "Hôn nhân vì tình yêu", tôi vẫn tự hào là tôi vẫn giữ được phẩm hạnh của người cầm phấn trước học trò của mình.
Hôm nay ông hỏi điều gì đã xẩy ra ? Xin thưa, nếu ngành giáo dục đừng bộc lộ những gì là bất xứng, có lẽ tôi cũng tẻ nhạt như mấy ông giáo già ù lì nơi tôi thôi. Sự đời lại không như vậy, trước sự tụt dốc đến thảm hại của nghề cao quý, ngay từ giữa những năm 1990 tôi đã có hàng loạt bài viết cảnh báo về sự băng hoại của Giáo dục, tôi đã từng như "Con Thiêu Thân" trong nỗ lực tố cáo những giối trá trong thi cử của Giáo dục và đào tạo Hà Tây. Tôi cũng đã từng quyên mình nhẩy ra bênh vực những "con thiêu thân" khác lâm nạn trong các nỗ lực tương tự như những nỗ lực của tôi, những Đỗ Việt Khoa (Giáo viên Hà Tây), Edu Lê Đình Hoàng (Giáo Viên Nghệ An)… và tôi đã đến với báo chí trong những lộn xộn và láo nháo như vậy.
Hỏi : "Quá trình đến với bán nguyệt san Tổ Quốc của ông đã diễn ra như thế nào ? Ai đã đưa ông đến với những chức danh như thành viên của Ban biên tập, Phó tổng biên tập… Theo ông, tờ báo này là sản phẩm của ai ? Ông nghĩ gì về tờ báo này ?
Trả lời : Tôi nghĩ, nếu không có nhóm những nhà trí thức Việt Nam ở Pháp, những người có tấm lòng thành với đất nước thì không thể có tờ Tổ Quốc, mặc dù bộ phận Tổ Quốc trong nước có những gương mặt trí thức nổi trội, những lão thành cách mạng bậc tiền bối, những cây viết chính luận xuất sắc... họ đã công khai ghi danh trong Ban cố vấn, trong Ban biên tập.
Còn tôi, tôi bắt đầu viết bài cho bán nguyệt san Tổ Quốc lúc tôi mới rời ngành Giáo dục và đào tạo để nghỉ hưu. Đó cũng là lúc ông Đỗ Việt Khoa giáo viên Địa Lý Hà Tây được VTV3 Đài truyền hình TW vinh danh là Người Đương Thời được cả nước yêu thích nhất 2006. Đó cũng là lúc tân Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Đào Tạo Nguyễn Thiện Nhân xuất hiện trong ánh hào quang của một Minh Chủ, người có sứ mạng đạp phanh để cứu đoàn tầu GD lúc đó đang băng băng lao xuống vực thẳm bằng cuộc vận động Hai không (Không gian dối trong thi cử và không vị thành tích trong thi đua).
Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi một thời gian ngắn sau thời điểm đó, Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng đã mời ông Nhân tham chính trong cương vị một Phó Thủ tướng trẻ tuổi. Tôi đến với bán nguyệt san Tổ Quốc lúc báo chí chính thống không còn mặn mà với cuộc vận động hai không, hàng loạt tờ báo chính thống đã từng đăng tải loạt bài phanh phui những tiêu cực của Giáo dục và đào tạo Hà Tây của tôi trong giai đoạn trước thì nay đều đồng loạt hờ hững với bài vở của tôi. Tôi đến với tờ Tổ Quốc trong linh cảm cay đắng rằng nếu tôi chưa về hưu thì không sớm thì muộn cả tôi cả Đỗ Việt Khoa sẽ bị hạ nhục và sẽ bị người ta "hành quyết" như hành quyết những kẻ tội đồ và "Phát súng hai không" của ông Nhân rồi cũng sẽ trở thành những gì tương tự như một điều lố bịch.
Như vậy, tôi đến với tờ Tổ Quốc có khác gì đâu một cuộc hẹn hò của định mệnh, như một tất yếu. Khi thấy tên mình trong Ban biên tập của tờ Tổ Quốc, tôi không quan tâm lắm,vì theo tôi tờ Tổ Quốc lúc đó chỉ là một thực thể ảo khi Việt Nam đã hòa nhập vào WTO với biết bao lời hứa của Đảng cộng sản với cộng đồng quốc tế về tự do ngôn luận, tự do báo chí cho Nhân Dân Việt Nam và khi internet đã len lỏi vào từng căn nhà, từng chiếc bàn làm việc thậm chí cả trong buồng ngủ của mỗi gia đình. Nên khi Tiến sĩ Địa Vật Lý Nguyễn Thanh Giang nói với tôi : "Giai đoạn này tôi muốn dành thời gian cho việc hoàn thiện một số công trình thuộc chuyên môn của tôi và tôi cũng muốn hoàn thiện một số cuốn sách còn đang viết dở. Long giúp tôi trông nom tờ Tổ Quốc với cương vị là một phó tổng biên tập".
Trước khi tôi chấp nhận lời thỉnh cầu của ông Giang, tôi biết những gì ông Giang nói với tôi, ông cũng đã từng mang đi để chiêu dụ bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình… song cả 2 anh đều từ chối. Tôi nhận công việc đó là vì lương tâm, lương tri tôi mách bảo : Đó là một tờ báo tốt. Như vậy tôi không hề bị động trong công việc của một Phó tổng biên tập tờ Tổ Quốc. Từ Tổ Quốc số 60 trở đi tôi dốc sức cùng với các trí thức khác ở trong nước cũng như ngoài nước, những người có tấm lòng thành với đất nước và bằng kinh nghiệm, sự hiểu biết của mình tôi cùng với mọi người nỗ lực đẩy lùi, loại bỏ những bài viết bất lợi cho dân tộc, bất lợi cho tiến trình đi đến Tự do – Dân chủ và Nhân quyền cho người Việt Nam để tờ báo luôn luôn :
* Là tiếng nói ôn hòa thể hiện những suy tư và ước vọng của người Việt Nam.
* Là tờ báo không khơi gợi những hận thù, không tán thành bạo loạn, lật đổ.
* Là tờ báo dũng cảm đối diện với những vấn đề nóng, vấn đề gai góc, vấn đề được coi là nhậy cảm mà hơn 700 tờ báo chính thống trong nước đồng loạt né tránh.
* Là một kênh phản biện tích cực đầy tinh thần trách nhiệm để Đảng cộng sản, Chính quyền trong nước dựa vào đó mà có những điều chỉnh chính sách sao cho có lợi nhất cho đất nước, cho dân tộc.
* Là sự tập dượt cho người Việt Nam trong nước chuẩn bị bước vào giai đoạn Đảng cộng sản chấp nhận tự do ngôn luận, tự do báo chí cho Nhân Dân Việt Nam như những gì
Đảng cộng sản đã hứa với cộng đồng quốc tế.
* Tờ bán nguyệt san Tổ Quốc tiếp tục là tờ báo không đặt ra mục đích kinh doanh, không có chế độ nhuận bút, tất cả chỉ vì sự nghiệp nâng cao dân trí, vì sự thay đổi nhận thức cho người dân theo hướng văn minh và tiến bộ.
Hỏi : Trong tay tôi là bán nguyệt san Tổ Quốc số 80, để ra được một số báo có 32 trang như thế này, Phó tổng biên tập đã có quá trình làm việc thế nào ?
Trả lời : Tôi không biết giai đoạn trước, để ra được một số Tổ Quốc thì những người có trách nhiệm ngày đó đã xoay sở như thế nào ?
Từ số 60 mà tôi làm việc với chức danh Phó tổng biên tập thì quá trình đó là :
Tôi dành nhiều thời gian để đọc rất kĩ những bài mà các tác giả đã gửi vào Email của tôi, đọc kĩ các bài trên các trang mạng.
Tuyển lựa những bài có lợi cho đất nước, có lợi cho Nhân Dân trong giai đoạn phấn đấu hướng tới Tự do - Dân chủ - Nhân quyền.
Với những bài có nội dung tốt nhưng có thể vì trạng thái tâm lý của người viết không ổn nên họ có những lời lẽ cực đoan, thì tôi biên tập lại để bài báo đó vẫn giữ được ý tưởng tốt của người viết mà lại tránh được những dị ứng không cần thiết của người đọc.
Ví dụ : Một tác giả khá nổi tiếng, vì quá bức xúc trước thái độ sống dối trá đang trở thành một thứ hội chứng lây lan ra toàn xã hội đã viết : "Đu ma ba quân giả dối đời…", tôi thẳng thừng xóa bỏ động từ quá dung tục đó và thay bằng : "Bá Ngọ ba quân giả dối đời…". Câu chửi vẫn là một câu chửi, nhưng rõ ràng lọt tai người nghe hơn.
Cũng bằng cách thức đó, tôi cùng với anh em biên tập làm việc cật lực để tờ báo tránh những rắc rối không cần thiết khi phải đối diện với những đề tài, những lĩnh vực được coi là nhậy cảm và sản phẩm báo chí của chúng tôi khi đến với người đọc phải sáng bừng là những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, là tấm lòng trong sáng, là thông điệp hòa bình của người viết muốn gửi đến người đọc và nhờ đó mối quan hệ của người viết và người biên tập là mối quan hệ của những người bạn với những người bạn dựa trên sự tin tưởng nhau.
Khi đã tuyển chọn được một lượng bài cần thiết, tôi gửi Gmail cho các thành viên khác trong tờ báo để anh em cùng biên tập lại kĩ càng hơn rồi anh em đó lên khuôn một bản thảo. Sau khi bản chính thức được lên khuôn, anh em lại gửi qua Gmail cho tôi và ông Giang để chúng tôi đọc duyệt lần cuối cùng. trước khi chính thức FW đi các Email của bè bạn để cùng thưởng thức.
Với một quy trình làm báo hết sức thiện nguyện, hết sức có nguyên tắc, và cũng hết sức có trách nhiệm với cộng đồng như thế, tờ Tổ Quốc đã thực sự trở thành một sản phẩm báo chí được người đọc trong nước và ngoài nước đón nhận với thái độ trọng thị và tin tưởng. Tờ bán nguyệt san Tổ Quốc cùng với nhiều kênh thông tin khác như IDS, Bauxit info… nhiều năm tháng qua đã làm xã hội Việt Nam ngày càng đậm nét dân sự hơn và chất trại lính của một xã hội toàn trị kiểu Stalin, Mao Trạch Đông và Pôn Pốt... đã ít nhiều nhạt nhòa và nứt vỡ.
Cuối 2008 một chiến dịch tổng lực của truyền thông được khởi động nhằm xóa xổ bán nguyệt san Tổ Quốc. Hàng loạt báo lề phải tung ra những đòn đánh, những loạt bài bôi nhọ, miệt thị tờ báo của chúng tôi là tờ báo phản động của bọn cơ hội chính trị, bọn bất mãn, những nhà dân chủ yêu Đô la hơn yêu nước … (!?). Đến nay tôi tin rằng, số những "Sát Thủ" sẵn sàng xuống tay hạ sát tờ Tổ Quốc theo kịch bản thô thiển như thế ngày càng ít đi và vào thời điểm này nếu vì một lí do nào đó họ buộc phải viết theo chỉ thị của ai đó thì nếu còn là người có lương tri... luơng tâm họ sẽ phải cắn rứt.
Hỏi : Vì sao đến số 80 tờ Tổ Quốc lại quay về cơ cấu nhân sự như từ số 1 ? (Tức là không còn ghi chức danh cho các thành viên của Ban biên tập).
Trả lời : Theo tôi truyện đó cũng không có gì là đặc biệt. Kể cả lúc tờ Tổ Quốc ghi danh tôi là Phó tổng biên tập thì cũng chẳng bao giờ tôi coi tôi là nhân vật quan trọng của tờ báo, là yếu nhân của tờ báo. Câu hỏi này cơ quan an ninh nên đặt ra cho những người khởi xướng ra tờ báo thì hợp lý hơn.
Trong mắt tôi tờ Tổ Quốc chỉ là một tập hợp của một số trí thức cả trong nước, cả ngoài nước có tấm lòng thành thực với đất nước và dân tộc. Mọi người cùng nhìn nhau mà làm việc trên tinh thần thiện nguyện, tự giác và tôn trọng nhau. Theo tôi về phương diện nhân sự tờ Tổ Quốc không hề có vấn nạn chạy chọt quyền chức như hơn 700 tờ báo thuộc lề phải trong nước. Việc tờ Tổ Quốc giai đoạn này cơ cấu nhân sự chỉ có Ban cố vấn và Ban biên tập là hợp lý.
Hỏi : Tờ Tổ Quốc nay đã ra được 80 số trong hơn 3 năm, vấn đề tài chính của tờ báo đã được giải quyết như thế nào ?
Trả lời : Tôi chưa bao giờ chủ trương tìm hiểu kĩ về truyện này, nếu vào dịp cuối năm 2008, đầu 2009 không có chiến dịch đánh tờ Tổ Quốc của một loạt báo lề phải, tôi cũng sẽ chẳng biết gì về truyện này.
Tôi nhớ để trả lời những chất vấn của nhiều người, giai đoạn đó ông Giang đã một lần hé mở : "Nguồn tài chính cho tờ Tổ Quốc là do 3 nguồn, gồm : Sự giúp đỡ của ông Nguyễn Gia Kiểng - một trí thức yêu nước ở Pháp, cũng là nhà lãnh đạo của "Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên", sự giúp đỡ của các mạnh thường quân ở hải ngoại… Ngay từ những ngày đầu đến với tờ Tổ Quốc, tôi đã biết tờ Tổ Quốc không có chế độ nhuận bút, không đặt ra mục đích kinh doanh nên không có cơ chế kế toán, không có động thái giải trình về thu chi hàng năm. Nếu ai muốn tìm hiểu kĩ càng về chuyện này xin hỏi ông Giang thì hợp lý hơn.
Hỏi : Ông có bao giờ nghĩ rằng, sự tồn tại của tờ Tổ Quốc là sự tồn tại trái với Hiến pháp và Pháp luật của Việt Nam không ?
Trả lời : Tôi không bao giờ nghĩ như thế. Nếu tôi nghĩ như thế tôi đã không tìm đến với tờ báo này. Tôi nghĩ rằng, những người làm báo Tổ Quốc chỉ lúng túng khi nhà nước yêu cầu xuất trình giấy phép xuất bản. Tờ báo của chúng tôi không thể xin được thứ giấy này. Nhưng thay vì trình giấy phép, chúng tôi sẽ trình ra :
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Điều 53 : Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân.
Điều 69 : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Điều 19 : Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm, kể cả bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như sự tự do tìm kiếm, thu nhập truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới.
Điều 30 : Không cho phép bất cứ một quốc gia nào, nhóm người hay một cá nhân nào được quyền tham gia vào bất cứ hành vi nào nhằm phá hoại bất cứ quyền và tự do nào nêu trong bản tuyên ngôn này.
Công ước quốc tế về những quyền dân sự chính trị (Liên Hiệp Quốc biểu quyết 1966, Việt Nam tham gia 1982)
Xin trích lục :
Điều 19 : Mọi người có quyền giữ vững quan điểm mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do phát biểu quan điểm. Quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm dưới hình thức nghệ thuật hay mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
Điều 5 : Không một quốc gia nào, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền tiêu diệt những quyền tự do đã được Công ước thừa nhận hoặc để giới hạn các quyền tự do này.
Xung quanh chuyện này có người đã bắn tin đến tôi rằng : Những điều ông Long nói là đúng thôi, thế với Luật xuất bản và Luật báo chí thì những người làm báo Tổ Quốc nghĩ gì ?
Tôi đã trả lời : Một đất nước thực sự là Pháp quyền – Pháp trị thì luôn luôn coi Hiến pháp là "Luật Mẹ", mọi bộ luật, mọi đạo luật chỉ là "Luật con" và "Luật con" có nhiệm vụ cụ thể hóa nội dung của "Luật Mẹ" để người dân có điều kiện thụ hưởng những gì mà Hiến pháp đã quy định. Tôi nghĩ rằng, nhìn nhận sự hiện diện của tờ Tổ Quốc có thể vận dụng cách nói của ông luật sư danh tiếng Lê Công Định, người vừa phải thụ án tù 5 năm tù giam : "bán nguyệt san Tổ Quốc, xét theo hành vi khách quan thì đó là tờ báo không có giấy phép !" có vậy thôi.
Nói thật lòng với nhau, xã hội Việt Nam như bà Ngô Bá Thành đã từng thẳng thừng nói giữa Quốc hội rằng : Việt Nam có cả một rừng luật, nhưng khi thực thi người ta lại chỉ quen dùng luật rừng !" thì những người làm báo Tổ Quốc khi không có giấy phép nhưng lại rất đúng về Hiến pháp, về Tuyên ngôn nhân quyền, về Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị… là điều hoàn toàn có thể lí giải được.
Hỏi : Có dư luận… nhờ có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang mà thầy giáo Địa Lý Nguyễn Thượng Long mới trở thành nhà tranh đấu cho dân chủ... Ông nghĩ gì về điều này ?
Trả lời : Mặc dù ông Giang là Tiến sĩ Địa Vật Lý (Geophysics), tôi chỉ là một Cử nhân Địa lý (Geography) bình thường… tôi chưa bao giờ là học trò của ông Giang. Nói tôi đã từng vì ngưỡng mộ ông Giang mà tự tìm đến ông Giang, đã từng viết nhiều bài bênh vực ông Giang thì đúng hơn. Sau sự kiện không biết ông Giang chịu áp lực từ đâu ? Có người nói là từ cơ quan an ninh mà ông đùng đùng bắt tôi và cụ Luật sư Trần Lâm phải tạm đình bản tờ Tổ Quốc mà không hề đưa ra một lý do thuyết phục nào.
Tôi thực sự bị sốc, bị bất ngờ vì sự kiện này. Lần đầu tiên tôi được mục kích chân dung đích thực của thần tượng mà tôi đã từng vì kính nể mà hộ giá. Nhân đây tôi cũng chính thức bác bỏ sự kiện một kẻ nào đó đó mạo danh tôi lên diễn đàn hội luận dân chủ cho Việt Nam lớn tiếng kể tội ông Giang. Tôi cũng cười khẩy với bài viết "Nguyễn Thượng Long sau sự cố vấp ngã" của Nickname "Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser." viết về tôi. Lại một lần nữa tôi chứng kiến sự thấp kém về trí tuệ của những kẻ lưu manh chính trị trà trộn vào phong trào dân chủ mượn bút để kiếm ăn. Người ta chỉ nói là vấp ngã khi đã làm một việc gì sai trái rồi phải hối hận.
Tôi luôn trân trọng và tự hào về chức danh Phó tổng biên tập bán nguyệt san Tổ Quốc... thì không thể gọi là vấp ngã, càng không thể có cái gọi là hối hận. Người nào phản bội tờ Tổ Quốc, người đó sẽ phải hối hận. Tôi không phản bội ai hết. Từ chỗ quá ngưỡng mộ con người Nguyễn Thanh Giang cũng như quá yêu quý tờ Tổ Quốc, đến lúc tôi bỗng tá hỏa khi thấy tờ báo này... ngoài sứ mệnh là diễn đàn của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, nó còn là sân chơi cuả cơ quan an ninh thông qua bàn tay Nguyễn Thanh Giang. Điều này tôi chưa từng nghĩ đến, đã bắt tôi phải chọn trạng thái lãnh cảm trước những gì mà tôi đã chứng kiến.
Hãy để các nhân vật của một vở kịch lớn nhiều lớp lang, nhiều tuyến nhân vật diễn hết vai diễn của mình trong một cuộc chơi vô cùng tội lỗi với nhân dân đang vô cùng đau khổ và bế tắc.
Xin trả lại Nickname "Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser." tất cả những gì mà quý vị đã gán ghép cho tôi như : "Nguyễn Thượng Long… nhà dân chủ, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng nhưng đã vô ơn với người đã giúp đỡ mình" để tôi mãi mãi thanh thản với công việc cầm bút với một khát khao duy nhất là được viết, được nói với đồng bào đau khổ của mình rằng : "Chúng ta đang sống những ngày tháng như thế nào ?". Tất cả chỉ có vậy thôi.
Để giữ gìn cái toàn cục, tôi chủ động tạm thời không duy trì mối quan hệ nào với ông Giang nữa, kể cả khi ông Giang tung bài đánh tôi và cụ Luật Sư lão thành nổi tiếng Trần Lâm lên mạng xã hội, tôi vẫn kiên định chủ trương trước sau là không đối lời. Và tôi vững tin : "bán nguyệt san tổ quốc không thể đình bản vào lúc này".
Hỏi : Nếu nhà nước yêu cầu bán nguyệt san Tổ Quốc phải đình bản ! Ông nghĩ gì ?
Trả lời : Thưa ông ! Tờ Tổ Quốc đứng vững được bấy lâu nay, trước hết là nhờ chất lượng bài vở của những người viết. Khi tờ báo của chúng tôi đã được đông đảo các giới bạn đọc đón nhận bằng thái độ trân trọng thì chúng tôi cũng phải có trách nhiệm với họ. Chúng tôi buông bút một cách quá dễ dãi, người đọc sẽ nghĩ gì về chúng tôi. Mặt khác phần quan trọng sức sống của tờ báo đâu có nằm trong tay Đại tá Phạm Quế Dương với chức danh Chủ nhiệm, trong tay Tổng biên tập Nguyễn Thanh Giang, Phó Tổng biên tập Nguyễn Thượng Long cùng toàn bộ Ban cố vấn… mà là đến từ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên của học giả Nguyễn Gia Kiểng ở hải ngoại. Nếu hôm nay nhà nước yêu cầu bộ phận trong nước của tờ Tổ Quốc phải im tiếng ! Xin nhà nước cũng có một cái gì đó tương tự như Nghị định 97 mà nhà nước đã đưa ra để giải quyết vụ IDS và chúng tôi sẽ hội ý nhau để có một giải pháp hợp lý.
Buổi sáng kết thúc bằng một tranh luận cũng rất ôn hòa giữa tôi và cô thư ký. Chẳng hiểu sao tôi không hề một lần nói tới cụm từ "Như thế những người làm báo Tổ Quốc chúng tôi đã vi phạm Hiến pháp và Pháp luật", vậy mà cụm từ đó lại xuất hiện trong biên bản ? Tôi yêu cầu xóa bỏ cụm từ đó. Tôi chỉ công nhận bán nguyệt san Tổ Quốc là tờ báo không có giấy phép, có vậy thôi.
* * *
Buổi chiều, viên Thượng tá khệ nệ đặt trước mặt tôi ngót 30 tập bài viết đã xuất hiện trên tờ Tổ Quốc và yêu cầu tôi kí xác nhận bút tích của mình. Tôi thực sự bất ngờ về sức viết chỉ tính từ ngày tôi ra khỏi ngành giáo dục. Tôi lúi húi làm theo lời chỉ dẫn của cô thư kí xinh đẹp, kí vào từng trang viết, từng bài viết của mình vừa ngẫm nghĩ :
Trên con đường người Việt Nam đi tìm tự do ngôn luận, tự do báo chí như bất cứ một dân tộc văn minh nào khác, những người làm báo Tổ Quốc đã đặt được một cột mốc đáng tự hào và không thể phủ nhận. Tôi cũng không quên những gì đã đến với tôi trong những năm tháng qua.
Quên sao được lời khuyên nhủ tôi kéo "Cờ trắng" của một ông cũng có số má trên các trận chiến đánh võ mồm trên mạng, rồi cũng lại chính ông kễnh này đi đâu cũng rêu rao rằng : "An ninh nói với Moa, hãy tránh xa Nguyễn Thượng Long ra, ông ta đã đặt một chân xuống hố rồi ! Vấn đề chỉ là công an bắt lúc nào thôi !".
Lại có một nhà đối kháng trong lúc hoang mang đã nhắc nhở tôi : "Rồi Công an sẽ bắt ông thôi !". Tôi có thói quen không đối lời trước những lời tương tự, cũng là bởi : "Nếu tôi có tội với Tổ Quốc thì "lưới trời lồng lộng - Chạy đâu cũng không khỏi nắng và nếu tôi có lỗi với nhân dân đau khổ của tôi thì tội tôi đến đâu tôi chịu đến đó. Tôi không để ai phải chịu thay cho tôi". Điều giản dị đó có được trong tôi là vì trên mọi nẻo đường, trên từng suy nghĩ, tôi không là phiên bản của ai, tôi không a dua ai, nói leo ai, ăn theo ai.
Đặt bút xuống mặt bàn sau khi kí xác nhận xong các tài liệu, các văn bản, tôi lơ đãng quan sát các nhân viên an ninh đang lặng lẽ tháo rỡ máy móc, thiết bị trong phòng thẩm vấn thì viên Thượng tá an ninh chia tay tôi bằng một câu thật bất ngờ : "Sao ông không búi tó như hơn 2 năm trước chúng ta đã gặp nhau ?". Tôi vui vẻ trả lời : "Thực ra tôi hợp với mái tóc như thế, phải cái là đám học trò tôi chúng lại cứ hay bắt chước. Năm đó tôi kỉ niệm một năm ngày "Rửa tay cất phấn", đám học trò đến với tôi ông nào cũng búi tó như các hảo thủ, các lãng tử tìm nhau trên Lương Sơn Bạc. Lần đó tôi vô cùng bối rối trước bao nhiêu người. Người thông cảm thì không sao, kẻ ác khẩu dạng ông kễnh nọ bảo "Thầy nào trò ấy".
Suốt dọc đường về, tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về câu hỏi lúc chia tay tôi của viên Thượng tá an ninh đó. Tôi nghĩ ông ta cũng thật lòng mà hỏi cái chuyện tóc tai đó thôi và thật may tôi cũng không buột miệng theo lối trình diễn đối kháng rất thời thượng thường thấy trong làng Dân Chủ ở Việt Nam giai đoạn này mỗi khi một số người phải đối diện với cơ quan an ninh. Việc tôi có giữ được là tôi trong phòng thẩm vấn hay không là phụ thuộc vào những gì mà tôi đã thể hiện trong cả ngày 3/2/2010 chứ đâu chỉ phụ thuộc vào một lời xét cho cùng cũng là vô thưởng vô phạt.
Những ngày Tết năm Canh Dần 2010,
Đến những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018
Nguyễn Thượng Long
Nguyên Giáo viên Địa Lý Giáo dục Hòa Bình & Hà Tây
Nguyên Thanh tra Giáo dục kiêm nhiệm Hà Tây.
Địa chỉ : Thôn Văn La - Phường Phú La - Hà Đông - Hà Nội.
Điện thoại 0433521066 & 0352 323836.
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.