Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/02/2019

Về với Thiên thu... & Thôi xin ơn Đời

Nguyễn Thượng Long

Phần III :

"Về với Thiên thu…"

…Nhìn tôi tập tễnh bước thấp, bước cao vì cái khớp ngón chân bị gout xưng đỏ, viên Thượng tá an ninh ái ngại : ông bị gout nặng mà ngày ngày ông cứ đều đặn 2 bữa bia hơi, như thế thì nguy lắm.

toquoc1

Nhà báo Nguyễn Thượng Long - Ảnh minh họa

Tôi bảo : Từ ngày giã từ bục giảng, tôi thấy sức khỏe tôi sa sút nhanh quá. Trong khi tôi rất dị ứng với câu nói "Hãy sống chung với lũ !"… thì cái không khí lãng đãng khi bước chân vào cái không gian "Gần mực là bia hơi !" có sức hấp dẫn tôi đến là kì lạ. Nhiều ý tưởng, nhiều bài viết của tôi đã chợt lóe lên trong cái không gian đặc biệt đó đấy ông ạ.

Viên đội trưởng chỉ ừ hữ và không tỏ ra tán thưởng hay phản đối tôi về cái thói quen bia bọt của tôi, ông ân cần hỏi han lần tôi trở về quê nhà chịu tang người anh trưởng tộc vừa qua đời. Tôi bầy tỏ sự ưu tư khi câu "Nghĩa tử là nghĩa tận" vẫn được những người đã bắt giữ tôi tôn trọng.

Tôi buồn bã nói với viên Thượng tá : Tôi sẽ có tội và sẽ hối hận suốt đời nếu ngày hôm qua vợ chồng tôi không được về chịu tang anh tôi. Anh tôi là đích tôn của ông nội tôi, cụ Chánh Cố, nguyên Bắc Kỳ Nhân dân Đại biểu, người nổi tiếng một thời vì tư tưởng bài Pháp và thương dân nghèo. Anh tôi lìa xa thế gian này ở tuổi 93, anh tôi là một trong những trang lứa giác ngộ cộng sản rất sớm ở vùng bãi bờ Sông Đáy, Mĩ Đức Hà Tây. Với 93 tuổi đời và ngót 70 tuổi Đảng, anh tôi đã kinh qua các cương vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền vùng Sêu - Đặng suốt từ những ngày Tổ Đổi Công đến thời Hợp tác xã Nông nghiệp bậc cao bậc thấp… Anh tôi là một chứng nhân, là người chứng kiến và nếm trải đủ cay đắng và ngọt bùi của kỉ nguyên mới trên quê hương tôi trong ngót một thế kỉ đã trôi qua. Không rõ vì lý do gì mà trong Cải Cách Ruộng Đất từ vị trí một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, anh tôi bị lôi ra đấu tố là một phần tử Quốc Dân Đảng, bị giam giữ nhiều tháng, bị lăng nhục đến ê chề… Nếu lệnh sửa sai của Hồ Chí Minh về muộn vài ngày, anh tôi chắc đã nằm trong số % mà các cố vấn Trung Quốc chỉ đạo là phải gạt ra khỏi đời sống xã hội sau một phiên tòa của Bần Cố Nông trong Cải Cách Ruộng Đất. Chiều hôm qua, vợ chồng tôi là những người cuối cùng rời khỏi nghĩa trang dòng họ, bên nấm mộ mới đắp, vợ tôi tấm tức khóc cho những đắng cay mà anh tôi đã nếm trải hay là khóc cho những gì mà tôi cũng đang nếm trải.

Thấy tôi như vẫn chưa qua hết những bi lụy vì một tang gia…, viên Thượng tá khéo léo : Tôi nghĩ rằng ở tuổi 93, ông cụ đã có một cuộc vỗ cánh về với Thiên thu thật xúc động. Ngày hôm trước là một ngày nắng lửa, ngày ông về chịu tang đất trời trở về dịu mát như trời thu. Tôi bảo : Nếu ngày hôm qua mà vẫn cứ 40 độ, chắc là tôi cũng "Thấy bóng Thiên Đường" mất rồi… Ơn Trời điều đó đã chưa xẩy ra.

***

viên Thượng tá An ninh chính trị quả là người có biệt tài định hướng các cuộc làm việc, chẳng mấy chốc ông ta đã lái cuộc thẩm vấn vào những bài viết thật cụ thể, những tác giả rất cụ thể. Tôi thật sự bất ngờ khi đã là buổi làm việc thứ 9 rồi mà lại quay về với bài thơ "Rừng ơi" của nhà thơ Bảo Quốc và về tác giả Dân Ngôn với bài thơ "Trường ca sân gôn" (Tổ Quốc 89). Tôi cứ tưởng những vấn đề này đã dứt điểm được từ những lần làm việc trước với một nữ điều tra viên rất trẻ có gương mặt dịu dàng như một cô giáo và một nam điều tra viên luống tuổi có dáng dấp như Giáo Thứ trong "Sống mòn" của Nam Cao.

Trước sự phê phán rất quyết liệt của viên thượng tá về câu Bảo Quốc viết :

"Năm 60 Đảng bảo phá rừng

Lấy gỗ về dựng xây đất nước…",

theo viên Thượng tá viết thế là không được, là vu khống cho Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một lần nữa tôi khẳng định năm 1960 lúc đó tôi đã 13 – 14 tuổi rồi, tôi cổ quàng khăn đỏ đã đứng trước toàn trường nghêu ngao hát "Bài ca người thợ rừng" (Ai bảo rừng xanh là quái ác…). Ca khúc đó được giải nhất trong cuộc thi sáng tác bài hát về thi đua khai thác rừng năm đó. Những người thuộc trang lứa 60 – 70 chưa ai quên những ngày tháng người ta coi khai phá được nhiều rừng để lấy gỗ, lấy đất canh tác… là làm giầu cho đất nước, là lập thành tích để báo cáo lên cấp trên. Thử hỏi, nếu không có chủ trương của Đảng thì làm sao lại có những cuộc thi đua phá rừng như thế ! Thi đua sáng tác bài hát về khai thác rừng như thế ! Đảng lãnh đạo toàn diện, đảng là đỉnh cao trí tuệ kia mà !

Vì quá thấm đòn việc ngày ngày tôi phải đi đi lại lại làm việc với cơ quan an ninh dưới trời nắng nóng liên tục 40 độ C, tôi suýt nổi quạu. May quá tôi vẫn giữ được giọng từ tốn : "Nếu để bảo vệ được rừng thượng nguồn, nếu giữ được môi trường sinh thái cho tất cả mọi người, cho muôn đời con cháu thì hôm nay tôi có phải "Dựa Cột" tôi cũng cam lòng".

Về điều gọi là mối quan hệ của tôi với tác giả Dân Ngôn, trước sau tôi vẫn nói : Tôi chỉ gặp anh Dân Ngôn đúng có một lần tại Nhà hàng Đức Tín, Hà Đông, cùng vài anh bạn Giáo Dục. Tôi rất tôn trọng Thượng tá Dân Ngôn khi anh là một con người thi ca, lúc khác anh là một con người công dân khi anh sống với những bức xúc đời thường và trước sau tôi luôn khẳng định : Bài "Việc này có nên" của anh đăng trên Tổ Quốc 2008 là một bài báo hay, một tiếng nói rất dũng cảm. Sau khi tác giả Dân Ngôn kiên trì gõ cửa 7 tòa báo Lề Phải trong nước, không một tờ báo nào dám đăng, bài báo đó đã được Tổ Quốc 2008 đăng tải, nhờ đó mà nhân dân Việt Nam mới biết được một hiện thực thật đau lòng. Khi đời sống nhân dân đa phần còn đói nghèo mà Quốc hội lại bỏ ra một lượng tiền bạc khổng lồ để làm 500 bức tranh chân dung 500 vị Đại biểu quốc hội khảm đá quý với giá mỗi bức không dưới từ 3.000 đến 4.000 USD ! Việc làm đó rất cần phải lên án.

Về bài "Trường ca sân gôn" của anh Dân Ngôn, trước sau tôi vẫn nói : Khi quyết định chọn đăng bài này trên Tổ Quốc 89 tôi đã đọc rất kĩ bài lục bát đó. Về niêm luật, về nghệ thuật xử lý ngôn từ trong thể thơ Lục Bát…, tôi luôn coi Dân Ngôn là một tài năng không thua kém Nguyễn Duy và Đồng Đức Bốn, những ông Hoàng trong làng 6-8. Viết "Trường ca sân gôn", Dân Ngôn phải sử dụng bút pháp chính luận, lại phải khai thác tối đa tính ước lệ và ẩn dụ của thi pháp đa thanh, rất dễ tạo ra một phảng phất phóng túng, đó là điều rất nguy hiểm. Với giới cầm bút thì thông cảm được, với những người có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ thì đó là điều không thể tha thứ.

Trước lối phê phán theo kiểu chiết tự, cắt câu, quy nạp rồi kết tội rất nặng cho tác giả Dân Ngôn, tôi hoàn toàn bất lực và trước cơ quan an ninh tôi cũng đã phải ký nhận phần trách nhiệm của mình trong việc cho phép xuất hiện bài này trên Tổ Quốc 89, nhưng tôi vẫn thấy bài thơ đó đã phần nào nói được cái nỗi đau của người nông dân bị mất đất, mất ruộng cho các dự án sân gôn. Kết tội nặng nề cho tác giả Dân Ngôn, không biết cơ quan an ninh có thấy áy náy & bất công không khi chính ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phải có những điều chỉnh về chuyện này.

Trong lúc tôi hết sức trân trọng những sản phẩm tinh thần mà anh Dân Ngôn đã tặng tôi, thì trong con mắt của các nhân viên an ninh, đó là thứ văn thơ xấu (!?) và có lẽ trong một căn phòng khác, trước sức tấn công áp đảo của các nhân viên thẩm vấn rất chuyên nghiệp anh Ngôn đã quá dễ dàng sám hối rồi đi đến quyết định chối bỏ "Những đứa con tinh thi ca" của mình. Về chuyện này, tôi nghĩ tác giả Dân Ngôn cũng đã là "Một người cha" thiếu trách nhiệm với những sản phẩm tinh thần của mình.

Không một người Việt Nam nào lại không biết Kiều (ND), tác phẩm vĩ đại có thể làm rạng danh mọi nền văn học, thế mà vẫn có người chê Kiều và họ cấm vợ con trong nhà không được đọc. Học giả Đào Duy Anh năm 1953 đã từng ra một đề luận cho tú tài là : "Anh hay chị hãy chứng minh Kiều là một dâm thư", thì bài "Trường ca sân gôn" của Dân Ngôn có thể tôi cho là hay, cơ quan an ninh lại cho là dở… điều đó cũng là lẽ thường tình của một đời sống văn học ngày càng cởi mở.

Điều càng đáng đau lòng hơn, vì một lý do nào đó, anh Dân Ngôn lại đưa ra những lời khai không đúng và rất bất lợi cho tôi xung quanh việc bài "Trường ca sân gôn" xuất hiện trên Tổ Quốc 89. Tôi rất buồn, nhưng tôi không giận anh Ngôn lâu. Tôi mong muốn cơ quan an ninh nên có cái nhìn cảm thông với những con người đã từng vô tư hy sinh những năm tháng đẹp nhất của đời mình trong đội hình :

"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai".

Những con người đã từng lâng lâng trong cảm hứng hết sức lãng mạn của thứ thi ca cũng hết sức xến : "Đường ra trận mùa này đẹp lắm !". Nhưng hôm nay họ đang vô cùng hẫng hụt và đau khổ trước những gì mà họ đã, đang nhìn thấy. Thượng tá Dân Ngôn nằm trong lớp người này. Là người đã chọn bài, biên tập và quyết định đăng tải bài "Trường ca sân gôn" trên Tổ Quốc 89…mọi lỗi lầm là ở nơi tôi, do tôi mọi bề.

                       ***

Tôi chủ động thể tình tiếp :

Hôm nay đã là ngày làm việc thứ 9 rồi thưa ông ! Tôi nghĩ : Tôi chỉ thực sự bị coi là có tội khi tôi đối diện với sự phán quyết của Tòa Án, vậy mà nhiều lúc tôi có mặc cảm mình đã là người mất tự do. Đó là một chỉ dấu không bình thường cho một xã hội được cai quản bằng pháp luật và một xã hội mà quyền con người luôn được tôn trọng.

Thưa ông ! Cuộc làm việc giữa các ông, những người có trách nhiệm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ với tôi, người phê phán những sai lầm của đảng, của chế độ rất khó có thể có một tiếng nói chung. Tôi nghĩ điều mà chúng ta vẫn có thể ôn tồn ngồi với nhau suốt 9 ngày qua chính là cả 2 phía đều muốn thượng tôn những gì mà Hiến pháp và Pháp luật đã khẳng định. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy viên Thượng tá an ninh nói : Chúng ta tạm đình tra vào hôm nay, ông ra về, sau này có làm việc tiếp, chúng tôi sẽ báo sau. Mong rằng ông tiếp tục có tinh thần hợp tác tốt.

Trong khi các nhân viên an ninh hối hả hoàn tất các biên bản ghi lời khai, tôi như bị rơi vào một trạng thái rất lạ như là hiện tượng "Nhập Đồng". Không cần biết những người đang ngồi trước tôi có để ý gì đến tôi nữa không, tôi rỉ rả độc thoại cho tôi, cho người thân của tôi và cho tất cả mọi người :

Tôi cũng đã từng bị rơi vào tình cảnh như những gì mà Đỗ việt Khoa đang phải chịu. Thôi thì buông xả đi cho những người làm Giáo Dục đã và vẫn đang vẽ râu vẽ ria cho chúng tôi, sau lưng chúng tôi. Trong sự cố xẩm chiều 15/06/2010 vừa qua, có ai chê trách gì được tôi, vợ tôi, các con tôi, các cháu nội, cháu ngoại của tôi khi tất cả những đồ đạc tài sản chẳng đáng giá bao nhiêu của gia đình đã bị hất tung và lục soát.

Có ai trách cứ được tôi khi tôi cũng biết bỏ ngoài tai mà tìm đến trạng thái Vô Ngã để mỉm cười trước những lời cay độc của người đời :

- Nằm trên đống sách, vở, tài liệu… như thế ông này tránh sao khỏi chứng "Tẩu Hỏa Nhập Ma".

- Ông này đâu có còn là con trẻ mà không hiểu nổi câu : "Hy sinh đời bố để củng cố đời con !" (ý họ chê tôi là không biết tự chế để cho con trai tôi được đề bạt giám đốc. Người chê tôi đâu có biết kể cả khi tôi trơn như một con lươn, hoặc điêu toa thớ lợ như một thằng điếm, một con điếm bẩn thỉu đứng đường thì con tôi cũng không thể được đề bạt giám đốc "Trung tâm Dự báo" được, khi mà cuộc chơi đó chỉ dành cho các đại gia, các băng nhóm. Kể cả khi tôi là người có tiền thì tôi cũng không thể làm việc đó, làm việc đó là tôi tự phủ định những giá trị mà tôi đã theo đuổi và tôn thờ…

Tôi nay nếu chưa dám nhận là mình đã già, thì cũng chẳng ai bảo tôi là còn đầu xanh tuổi trẻ nữa. Mọi phẩm chất trong tôi đều đã định hình và sơ cứng. Những việc tôi đã làm là kết quả biện chứng của những giá trị tiềm ẩn trong tôi. Giờ đây nếu tôi đưa ra những hối hận xướt mướt, những van vỉ để được khoan hồng… là tôi một lần lừa giối cơ quan an ninh đấy.

Tôi luôn ý thức được rằng, tôi đã sống không đến nỗi nào trước cuộc đời này. Trước những gì mà tôi đã làm, tôi không phải cúi mặt trước gia đình, quê hương, người thân, bạn bè và lớp lớp học trò mà tôi đã góp phần đào tạo. Nếu có điều gì đó không ổn là do năng lực của tôi còn hạn chế, bởi tôi cũng chỉ là một thực thể bình thường trong một trần gian chưa bao giờ là hoàn chỉnh và càng chưa bao giờ là toàn mĩ.

Một khi tôi thực sự là kẻ có tội với Tổ Quốc tôi, Nhân Dân tôi thì "lưới Trời lồng lộng – chậy đâu cũng không khỏi nắng". Tôi chấp nhận sự phải trả giá cho những tội lỗi mà tôi đã gây ra & tội tôi đến đâu tôi chịu đến đó.

Như bất cứ ai, tôi cũng ái - ố - hỉ - nộ…, cũng hy vọng rồi lại thất vọng, cũng minh triết rồi lại u mê, cũng mong manh như một kẻ lạc loài giữa một đám đông hỗn độn, cũng là đáng thương trong những bi kịch dạng : "Trong một tập thể toàn những anh "Gù" thì thằng nào "Thẳng Lưng" sẽ bị gọi là thằng "Tật Nguyền" !

"Trong một đám đông toàn những ông "Câm Lặng" thì thằng nào biết "Nói", dám "Nói" sẽ bị coi là thằng "Tâm Thần" ! Và để sống sót được thôi cũng đành :

"Cứ tự mình dán băng keo vào miệng

Con gọi Mẹ chỉ còn nghe ú ớ

Yêu Tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ" (!?)

(Lại chào đất nước – Thơ Thanh Thảo)

Đây chính là bi kịch lớn nhất trong các bi kịch của người Việt Nam đương đại. Đó chính là sự toàn thắng của thái độ sống giối trá trước cuộc đời.

Qua 9 ngày làm việc vừa qua, thông điệp mà cơ quan an ninh đặt ra trước tôi là, tôi sẽ phải bàn giao lại cho ông Nguyễn Thanh Giang những gì mà ông Giang đã nhờ cậy tôi, đã tấn phong cho tôi và từ nay tôi không được giữ một vai trò gì với tờ Tổ Quốc nữa (?!). Với tôi, kể cả những lúc lạc quan nhất, tôi luôn nghĩ : "Một cánh chim cô đơn, không mang lại một Mùa Xuân", có tôi hay không có tôi thì mặt bằng Đệ Tứ Quyền (quyền tự do ngôn luận – tự do báo chí) của người Việt Nam vẫn như thế thôi.

Trước áp lực của chính quyền, những người làm báo Tổ Quốc trong nưởc khó mà tránh khỏi một giải pháp tương tự như cuộc "Tuẫn Tiết Tập Thể" của các trí thức trong cơ quan IDS (Viện nghiên cứu phát triển ) mấy tháng vừa qua. Những ngày qua, ca từ trong một ca khúc về Hà Nội của Lê Vinh : "Cháy hết mình cánh Phượng nhẹ nhàng rơi…" cứ luẩn quẩn mãi trong tôi như một điềm gở, một ám ảnh buồn. Những cánh hoa… không ngừng lả tả rơi xuống lòng Đất Mẹ Việt Nam để ngày mai sẽ tái sinh trên mặt đất có quá nhiều đau khổ & nghịch lý này một viễn cảnh huy hoàng : "Trăm hoa đua nở - Trăm nhà đua tiếng !".

Đó là hy vọng, còn lúc này, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục lỗi hẹn với Nhân dân Việt Nam. Viễn cảnh về một Việt Nam thực sự được hưởng tự do ngôn luận – tự do báo chí vẫn còn xa vời lắm. Viễn cảnh đó vẫn còn ở nơi rất xa, rất xa… nơi đó vẫn còn ở phía dưới đường chân trời & đồng bào tôi vẫn tiếp tục, tiếp tục đợi chờ ! một cuộc đợi chờ mỏi mòn xuyên thế kỷ.

Hồ Núi Cốc 17/7/2010 cùng các đồng môn Địa Lý

Lớp B 1967/1970 gặp mặt sau 40 năm ra trường.

Nguyễn Thượng Long

*****************

Phần IV :

"Thôi xin ơn đời…" (Trịnh Công Sơn)

Trong trả lời phỏng vấn của Thanh Trúc ( RFA – Đài Á Châu Tự Do ), ngày 26 tháng 6 năm 2010, tôi đã hồn nhiên bầy tỏ :

"… tình nguyện dấn thân trên con đường làm báo tự do, tôi chỉ có một khát vọng, khát vọng cháy bỏng là qua ngòi bút của mình, qua sản phẩm báo chí của mình… tôi muốn được nói với đất nước tôi, dân tộc tôi rằng : Chúng ta đang thực sự sống trong một giai đoạn như thế nào ?".

toquoc2

Bán nguyệt san Tố Quốc số 152 - Ảnh minh họa

Tôi cũng đã từng hồn nhiên tin tưởng Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và xã hội… mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã long trọng cam kết với quốc tế đã cho phép tôi tiến hành cuộc dấn thân nhọc nhằn và nguy hiểm đó. Và ngay những ngày còn đứng trên bục giảng, tôi đã nằm lòng lời nhắc nhở của cụ Phạm Quỳnh, chủ bút tờ Tạp Chí Nam Phong rằng :

"Nước Nam ta sau này hay hay dở, một phần là tùy thuộc vào những người làm báo đấy !".

Chỉ đến khi căn nhà đơn xơ của tôi bị nhiều chục nhân viên an ninh tràn ngập và lục soát trong xẩm chiều 15 tháng 6 năm 2010 và nhìn gương mặt lo âu của vợ, con, cháu nội, cháu ngoại… những người hoàn toàn chẳng liên quan gì đến cuộc dấn thân của tôi, tôi mới bừng tỉnh ra được nhiều điều. Hóa ra tôi chưa nói được với dân tộc tôi là bao thì tôi đã nói cho người thân trong gia đình tôi được quá nhiều điều về cuộc sống này.

Không đa đoan, không la làng, không vật vã, không làm mình làm mẩy… tôi âm thầm chấp nhận tất cả những gì là cay đắng đến với tôi như đón nhận những tất yếu… những gì phải đến thì sẽ đến thôi.

Nhiều ngày sau vụ tôi bị bắt giữ và thẩm vấn liên tục 9 ngày liền, tôi vẫn chưa thể lý giải nổi câu hỏi : Vì sao bán nguyệt san Tổ Quốc đã tồn tại được nhiều năm qua 88 số… nay nó lại bất ngờ làm cơ quan an ninh nổi giận đến thế !? Và câu trả lời đã đến cũng rất bất ngờ khi tôi đọc được một bản tin trên mạng :

"Ngày 03 tháng 6 năm 2010, ông Trương Tấn Sang Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, nhân vật quan trọng thứ nhì trong Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ông Sang hỏi Cụ Vĩnh 3 câu :

Ông Sang : Sao cụ không chờ Bộ Chính trị trả lời mà lại để những thông tin đó lan ra ngoài nội bộ của Đảng như thế ?

Cụ Vĩnh : Ngay ông Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã gửi mấy thư mà các anh có trả lời gì đâu thì chúng tôi chờ đợi làm cái gì.

Ông Sang : Tại sao cụ lại để nhiều người kí tên vào đó thế ?

Cụ Vĩnh : Chúng tôi đồng ý với nhau về những vấn đề đó thì chúng tôi cùng ký chứ làm gì có ai để cho ai ký.

Ông Sang : Tại sao cụ lại để cho nhiều nơi bất hợp pháp người ta đăng bản đó thế ?

Cụ Vĩnh : Cái đó tôi không biết, tôi chỉ gửi cho những nơi cần gửi thôi. Mà người ta đăng thì phải hoan nghênh chứ sao lại nói người ta là bất hợp pháp.

Văn bản mà ông Sang hỏi cụ Vĩnh, chính là Thư gửi Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương khóa 10 của 19 tướng lĩnh, cựu chiến binh, lão thành cách mạng ký ngày 24/04/2010 đòi kỉ luật 04 nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Nông Đức Manh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng, Tô Huy Rứa), những người theo 19 cụ là có những việc làm không bình thường và điều mà Ông Sang nói về "… nơi Bất Hợp Pháp" (!?) và Cụ Vĩnh lại bảo : " phải hoan nghênh họ chứ, sao lại nói người ta là "bất hợp pháp" (!?)… chính là bán nguyệt san Tổ Quốc số 87, số báo đã dũng cảm đăng tải lá thư này trang trọng ở ngay trang đầu.

Chỉ đến lúc tôi đọc được thông tin này, tôi mới lý giải được câu hỏi vì sao cơ quan an ninh lại bất ngờ nổi giận đến thế và việc tôi bị bắt giữ, tư gia bị lục soát, bị thẩm vấn nhiều ngày… chính là cái giá tôi phải trả cho "trọng tội khi quân" (!?).

Giữa lúc bạn bè, bạn đọc của tờ Tổ Quốc hết sức lo lắng bởi trọng tội mà tôi đã phạm thì tôi lại cứ mơ hồ loay hoay với Điều 69 ! với tuyên ngôn này, công ước nọ… Tình cảnh tôi quả thật là bi đát. Tôi đã đùa giỡn với tử thần trong một cuộc chơi chết người mà không hay biết.

Rất may mắn cho tôi, những tiếng nói bạn bè, sự chia sẻ sớm nhất đến với tôi lại chính là cơ quan truyền thông trong nước.

Trước hết, tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới trang mạng bauxite.vn của giáo sư Huệ Chi, giáo sư Phạm Toàn và giáo sư Nguyễn Thế Hùng. Ngày 15/06/2010 tôi lâm nạn thì ngay sáng 16/06/2010 Bauxite.vn đã biên tập và đăng tải bài "Ai sẽ phải đắc lỗi với tiền nhân" của tôi cùng với thông báo về tình trạng tôi bị bắt giữ trên trang Web Đối Thoại.

Tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới cụ Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, bậc lão thành cách mạng rất khả kính đã có những lời thanh minh cho bán nguyệt san Tổ Quốc khi tờ báo này dám đăng "Tứ Trảm Sớ" của các tướng lĩnh, lão thành cách mạng gửi Bộ Chính trị đòi kỉ luật bốn nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi có lời cám ơn tới các cơ quan truyền thông quốc tế như Đài RFA (Á Châu Tự Do), Đài Chân Trời Mới, Đài BBC… là những cơ quan truyền thông quốc tế sớm nhất phỏng vấn và đưa tin về tình trạng bi đát của tôi sau ngày bị bắt giữ.

Tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới các bloggers đã rất sớm đăng tải tin tức về tôi trên các trang Blog của mình.

Tôi có lời cám ơn chân thành gửi tới những người bạn dân chủ, những người đang ngày đêm khát khao "tự do-dân chủ-nhân quyền" sớm trở thành hiện thực trên quê hương Việt Nam như :

- Cụ Lê Hồng Hà (nguyên Bí thư đảng đoàn Bộ Công an, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Công an).

- Cụ Trần Lâm (nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

- Cựu Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Quế Dương (nhà báo, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc Phòng).

- Cựu chiến binh Điện Biên Phủ, nhà báo Vũ Cao Quận (Hải Phòng)

- Giáo sư Trần Khuê (Thành phố Sài Gòn)

- Cựu Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam Thế Kỷ (nhà báo quân đội)

- Bác sĩ Phạm Hồng Sơn (nhà báo, nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền, Chủ tịch Hội cựu tù nhân chính trị và tôn giáo)

- Nhà giáo Vi Đức Hồi (cựu Hiệu trưởng Trường Đảng, Huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn)

- Bác Nguyễn Minh Quân (40 tuổi đảng – Hà Nội)

- Luật sư Lê Thị Công Nhân (Hà Nội)

- Bà quả phụ Trần Thị Lệ (thân mẫu của nữ luật sư Lê Thị Công Nhân)

- Kĩ sư hóa học Nguyễn Phương Anh (Hà Nội)

- Nhà báo Bằng Phong Đặng Văn Âu (USA)

- Nghệ sĩ Phan Đình Minh (USA)

- Nhà văn Phạm Đình Trọng (Thành phố Sài Gòn)

- Ký giả Đặng Đình Đông (Hòa Bình)

- Nghệ sĩ nhân dân Quang Phùng (Hà Nội)

- Nhạc sĩ Phan Phúc Đức (Hà Nội)

- Giáo sư Đào Quang Tâm – Nhà nghiên cứu Âm nhạc. (Thành phố Sài Gòn)

- Nghệ sĩ, nhà doanh nghiệp Bùi Thị Bích Ngọc (Thành phố Sài Gòn)

- Nhà ngôn ngữ học Đặng Phát Tân (Hà Nội)

- Nhà giáo – nhà thơ Ngũ Phúc Thanh Khê (Hà Nội)

- Nhà giáo Vũ Mạnh Hùng (Hà Nội)

- Nhà giáo Hoàng Xuân Văn (Thanh Oai – Hà Nội)

- Nhà giáo Nguyễn Vũ Hoàn Lê (Thanh Oai – Hà Nội)

- Nghệ sĩ – nhà giáo Đồng Đức Nghi (Hà Nội)

- Nhà giáo Lê Vũ Hùng Sinh (Hà Nội)

- Nhà giáo, nhà doanh nghiệp Trần Văn Kiếu (Hà Đông Hà Nội)

- Nhà giáo, nhà viết sách Tuấn Minh (Hà Nội)

- Cử nhân triết Nguyễn Huy (Hải Phòng)

- Nhà báo Trần Tâm Đắc (Ninh Bình)

- Bà Nguyễn Thị Tâm – nhà doanh nghiệp (Thành phố Sài Gòn)

- Cháu Bùi Xuân Tuyên, ĐT : 09148……..

Cùng các đồng nghiệp trong bán nguyệt san Tổ Quốc và rất đông đảo độc giả của tờ báo này đã điện hỏi, nhắn tin, Gmail cho tôi ngay trong và sau ngày tôi bị hoạn nạn.

Tôi xin phép được gửi những lời tri ân tới những người đã rất cố gắng để gián tiếp thông báo sớm cho tôi biết về khả năng sẽ nổ ra vụ bắt giữ tôi… và tôi đã hoàn toàn không giải mã được những cố gắng này.

Tôi xin được ghi nhận những lời thăm hỏi, chia sẻ, cảm thông của những người dân nơi tôi và gia đình đang cư trú ngay trong và sau khi gia đình tôi bị quăng quật, bị dảo lộn bởi cuộc lục soát chiều 15/06/2010.

Những gì đã xẩy ra trong những ngày hạ bán tháng sáu 2010 đã đặt tôi vào vị trí phải đối diện với những thử thách thật khốc liệt. Tôi đã vượt qua được những thời khắc ngặt nghèo đó một phần là do tâm tưởng tôi, lương tâm tôi luôn luôn bình ổn, tôi không hề bị rơi vào tình trạng bấn loạn. Để tôi có được tâm thế bình ổn như thế, phần quan trọng nhất là nhờ sự lên tiếng rất sớm của các cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, sự chia sẻ rất kịp thời của bè bạn. Đây chính là những điểm tựa để tôi đứng được trên những chân giá trị mà tôi đã lựa chọn và theo đuổi.

Hôm nay vậy là đã tròn một tháng sau vụ tôi bị bắt giữ… ngoái nhìn lại những gì đã xẩy ra, trong nắng lửa của mùa hè tháng 6, ngước nhìn con đường thiên lý mà tôi và nhiều người Việt Nam yêu nước theo đuổi, con đường đó dù có gian chuân và nhọc nhằn đến thế nào, tôi vẫn vững tin " minh triết Việt Nam không hiểu sai những người như tôi – Lịch sử sẽ không viết sai về những người như chúng tôi !".

Hà Đông 15 tháng 7 năm 2010

Nguyễn Thượng Long

Nguyên Giáo viên dạy Địa Lý của Sở Giáo dục và đào tạo Hòa Bình & Hà Tây

Nguyên Thanh tra kiêm nhiệm Hà Tây.

Chỗ ở : Văn La – Phường Phú La Quận Hà Đông

Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

Xem thêm : Phần I và Phần II : Thiên đường… mùi mịt & Pecarande

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)