Một lời sau cùng cho Việt Nam.
Thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc với cuộc chiến tranh Ukraine là tâm điểm, dầu lửa - khí đốt, trận chiến năng lượng giữa phương Tây – Nga, là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm 01/04/2022. Một chủ đề bao trùm khác là cuộc tranh cử tổng thống Pháp, mà vòng một sẽ diễn ra trong hơn tuần nữa. Một cuộc bầu cử tổng thống "bất thường", "đầy bất trắc", là cảm nhận chung của nhiều báo.
Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen (P) AFP – Eric Piermont
Le Monde, Le Figaro, Les Echos, La Croix đều nói đến nguy cơ lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen có thể tạo bất ngờ. Xã luận nhật báo công giáo La Croix mang tựa đề "Cạm bẫy", nhấn mạnh đến ba cuộc khủng hoảng : khủng hoảng Covid, chiến tranh Ukraine và cuộc khủng hoảng với phong trào Áo Vàng chống tăng giá xăng dầu (bùng lên cuối 2018). Hiện tại, với cuộc chiến tại Ukraine, giá xăng dầu tiếp tục tăng vọt, khiến cuộc sống của nhiều gia đình nghèo trở nên bấp bênh hơn. Bất mãn chồng bất mãn có thể làm bùng nổ một quyết định phản kháng thông qua lá phiếu.
La Croix nhấn mạnh là vấn đề "sức mua", hay khả năng mua sắm, đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Pháp, có thể khiến họ quyết định bầu cho ai. Cho dù "sức mua" tại Pháp về cơ bản đã gia tăng trong nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Emmanuel Macron, nhưng vấn đề này có thể có thể là đầu mối gây bất mãn lớn, trong bối cảnh lạm phát tăng ở mức chưa từng có kể từ năm 1985, và "căng thẳng về khí đốt Nga những ngày gần đây khiến tình hình trở nên bất lợi hơn".
Nhật báo công giáo nhấn mạnh là các bất mãn tích đọng có thể khuyến khích nhiều người bỏ phiếu chống lại chính quyền Macron, và điều này có lợi cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, hiện đang tìm cách "lợi dụng làn sóng bất mãn" trong dân chúng. Ứng cử viên cực hữu đảng Tập hợp Quốc gia (RN) tự khẳng định là người đã nhận ra đầu tiên tầm quan trọng của vấn đề "sức mua" của người dân. Khi nhấn mạnh đến vấn đề vốn dễ nhận được sự đồng thuận của người dân này, và thường là một "chiếc bẫy" đối với các chính phủ mãn nhiệm, ứng viên cực hữu đang tìm cách che khuất các khía cạnh khác của một dự án chính trị "rõ ràng mang tính cực hữu".
Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng nói về cuộc bầu cử tổng thống với đầy lo ngại. Bài xã luận "Lịch sử và bầu cử" nhấn mạnh là không cần có tư vấn của các chuyên gia, cũng có thể hiểu rằng "không thể nói nước Pháp đang ở trước ngưỡng cửa của một kỳ bầu cử bình thường". Các khủng hoảng đang diễn ra cộng với những ám ảnh về tương lai, như viễn cảnh tụt hạng kinh tế, biến động lớn về thành phần dân cư, khí hậu bị hâm nóng, "tác động sâu sắc" đến cách cảm nhận, cách nghĩ của cử tri.
Trong bối cảnh các hiểm họa chồng chất, Le Figaro khuyến cáo công chúng cảnh giác với những quyết định vội vã nhất thời : trong thời gian mười ngày tới, cử tri cần "bình tĩnh suy xét, so sánh, thậm chí chiêm nghiệm, bởi nếu không bản năng sẽ lấn át lý trí, nỗi giận lấn át sự tỉnh táo". Le Figaro nhấn mạnh là "trong các xã hội dân chủ, có hàng ngàn phương tiện trong tầm tay. Các thăm dò dư luận, báo chí, trình bày quan điểm, mít tinh, chương trình truyền thông, các mạng xã hội có thể giúp chúng ta hiểu hơn, soi sáng cho chúng ta". Nhật báo thiên hữu kết luận, với những đảo lộn lớn như hiện nay, "mọi thứ đều có thể" trong cuộc bầu cử này.
Hiện tại ứng cử viên cực hữu còn ở một khoảng cách khá xa với ứng cử viên tổng thống tái tranh cử Emmanuel Macron, theo nhiều thăm dò dư luận, nhưng ứng viên cực hữu "Marine Le Pen có thể thắng" là nhận định của học giả Jacques Attali trên báo Les Echos. Kinh tế gia Pháp, người từng dự đoán đúng thắng lợi của ông Emmnuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, đã nêu ra "ít nhất bốn lý do" khiến việc lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia chiến thắng là điều có thể. Trong số các lý do được nêu có việc ít nhất hai ứng cử viên từng được coi là người chắc chắn sẽ giành chiến thắng rút cuộc đã thất cử (đó là tổng thống tái tranh cử Valéry Giscard d'Estaing năm 1981 và thủ tướng Lionel Jospin ra tranh cử năm 2002). Ứng cử viên tổng thống tái cử không loại trừ sẽ phải đối mặt với làn sóng phản kháng trong xã hội, tập hợp mọi phe phái bất luận tả hữu, liên minh của tất cả phe phái chống lại chính quyền mãn nhiệm cũng chính là sức mạnh đã dẫn đến thành công khá bất ngờ của ông Macron hồi 2017.
Một nguyên do khác được học giả Attali nêu bật là quan điểm của đảng cực hữu của Marine Le Pen đang được đông đảo xã hội nhìn nhận như một quan điểm chính trị bình thường, khác hơn với cách đây 5 năm, khi bà Marine Le Pen thể hiện như một người cực đoan, thiếu hiểu biết, giờ đây lãnh đạo đảng cực hữu tỏ ra là một người có quan điểm ôn hòa, hiểu biết vấn đề, và như vậy dễ được chấp nhận hơn là Eric Zemmour, một ứng cử viên cực hữu hàng đầu khác.
Nhật báo Le Monde dành hồ sơ chính hôm nay để giải mã cương lĩnh chính trị thực sự của ứng cử viên cực hữu Le Pen. Nhật báo chạy tựa lớn trang nhất : "Marine Le Pen : Đằng sau một quan điểm đã trở nên bình thường hóa là một cương lĩnh cực hữu". Sửa đổi Hiến pháp để lập ra "một Nhà nước chuyên chế" là chủ trương thực sự của bà Le Pen. Mở đầu bài viết, Le Monde nhắc đến bộ phim vừa ra rạp ngày 30/03, mang tựa đề "Thế giới hôm qua" của đạo diễn Diastème, với chủ đề chính là bầu cử tổng thống Pháp. Trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống, một cộng sự của tổng thống tái cử cảnh báo là ứng cử viên cực hữu "không làm ai sợ hãi cả trong hiện tại", nhưng "rất nguy hiểm", nhân vật này sẽ "bắt đầu hành động một cách êm ái và kết quả sẽ là… kinh hoàng".
Về hình thức, cương lĩnh tranh cử của bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia, chứa đầy các ngôn từ mang tính dân chủ, cộng hòa. Nhưng Le Monde dẫn lời các chuyên gia, nhà quan sát, chỉ ra tính chất độc tài chuyên chế sâu xa trong dự án chính trị của bà Le Pen. Một trong những điểm chủ yếu mà lãnh đạo cực hữu sẽ tấn công đầu tiên, một khi lên nắm quyền, là "tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi luật về nhập cư và bản sắc quốc gia", nền tảng cho quan điểm chính trị của bà Marine Le Pen.
Hàng loạt hiệp ước mà Pháp ký kết trong lĩnh vực nhân quyền sẽ bị xem xét lại, các quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do hôn nhân (hôn nhân đồng tính), quyền của người tị nạn bị thách thức. Việc đưa đòi hỏi "ưu tiên quốc gia" vào Hiến pháp trên thực tế sẽ làm Hiến pháp của nước Pháp mất đi giá trị nhân quyền căn bản, với "nguyên tắc bình đẳng" của Tuyên ngôn nhân quyền 1789, "quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm" của tất cả mọi người "không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay tin ngưỡng" đã được ghi trong Hiến pháp Pháp.
Vẫn về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, nhật báo thiên tả Libération tập trung nói về chủ đề vụ "McKinsey". Theo báo cáo của ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp (hiện do cánh hữu kiểm soát), công bố cùng ngày tổng thống Macron khởi sự chương trình tái tranh cử, chính quyền Macron bị tố cáo chi đến hơn một tỉ euro chi trả cho các dịch vụ cố vấn của các văn phòng tư vấn, trong đó văn phòng McKinsey. Xã luận Libération, với tựa đề "Ảnh hưởng" cho rằng chính quyền Macron đã lúng túng trước vụ việc này, phản ứng quá trễ trong việc chứng minh sự minh bạch. Đây có thể coi là lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu ứng viên tổng thống tái cử.
Cuộc chiến tranh chống Ukraine của Nga bao trùm thượng đỉnh Liên Âu (EU) – Trung Quốc. Le Figaro dành hai bài viết cho chủ đề này : "Trung Quốc tìm cách xoa dịu Châu Âu đang phẫn nộ" và "Liên Âu tìm cách ngăn chặn trục Nga – Trung". Thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc đầu tiên kể từ tháng 6/2020, diễn ra trong bối cảnh hết sức bất thường. Chiến tranh diễn ra ở cửa ngõ Liên Âu, với kẻ gây chiến là Nga, và Bắc Kinh đang được coi là đồng minh quan trọng của Moskva, bất chấp việc Trung Quốc kể từ đầu cuộc chiến tranh đang có phần tỏ ra "trung lập". Bài "Trung Quốc tìm cách xoa dịu Châu Âu đang phẫn nộ" dự báo thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ lại một lần nữa quảng bá cho nguyên tắc "hai bên cùng thắng", và cổ vũ cho việc tái khởi động quan hệ thương mại song phương.
Chính quyền Trung Quốc hy vọng sử dụng thượng đỉnh này, diễn ra một tuần sau chuyến công du của tổng thống Mỹ đến châu Âu, để quyến rũ Liên Âu, ngăn cản mối đoàn kết Âu – Mỹ xuyên Đại Tây Dương, vừa được siết chặt để đối phó với đe dọa Nga. Tuy nhiên, lập trường hồ hởi thúc đẩy quan hệ Trung-Âu của Bắc Kinh tương phản với thái độ giá lạnh tại Bruxelles. Liên Hiệp Châu Âu báo trước "chủ đề chính sẽ là chiến tranh tại Ukraine", và đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhân đạo do "cuộc xâm lược của Nga". Các nhà ngoại giao hai bên được trông đợi sẽ có các đối thoại cứng rắn hơn.
Áp lực Liên Âu phải cứng rắn hơn với Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền cũng gia tăng, với việc 46 tổ chức phi chính phủ, Hồng Kông, Đài Loan, Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng gửi thư chung đến các lãnh đạo Liên Âu, kêu gọi EU giảm phụ thuộc về kinh tế vào Nga, và vào Trung Quốc, để bảo đảm an ninh của chính mình.
Bài phân tích thứ hai của Le Figaro về thượng đỉnh Liên Âu -Trung Quốc ghi nhận, cho dù không khí thượng đỉnh lần này là căng thẳng, EU có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Tin tưởng vào việc Trung Quốc đóng vai trò môi giới hòa bình Nga – Ukraine là ảo tưởng, theo chuyên gia Sylvie Bernman, viện Jacques Delors. Cùng lúc đó cả hai bên đều không muốn quan hệ trở nên tồi tệ hơn. Le Figaro dự báo, trong hiện tại, khi EU đang vất vả tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho dầu khí Nga, sẽ không có việc mở thêm một mặt trận khác với Trung Quốc, và như vậy, thượng đỉnh này có thể là một thượng đỉnh "duy trì nguyên trạng". Sẽ không có họp báo, tuyên bố chung.
Về chủ đề này, Les Echos có bài phân tích trang nhất : "Liên Âu buộc Trung Quốc làm rõ lập trường với Nga". Nhật báo kinh tế dự báo Liên Âu sẽ gia tăng áp lực để buộc Bắc Kinh phải "góp phần ngừng cuộc chiến tranh". Les Echos dẫn lời đại diện châu Âu tại Bắc Kinh, Nicolas Chapuis, trước thượng đỉnh ít hôm. : "Trong cuộc chiến tranh này, không có chỗ cho thái độ giả vờ trung lập". Trung Quốc cần phải hiểu được điều đó.
Cuộc chiến năng lượng Nga – phương Tây là chủ đề trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Để đối phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng Hoa Kỳ quyết định tung ra thị trường số lượng dầu mỏ chưa từng có, lấy từ khoản dự trữ chiến lược. Trung bình 1 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, đây là một trong các nội dung chính của chuyên mục Căng thẳng năng lượng Nga – Phương Tây trên Les Echos. Tương đương với gần một phần ba dự trữ chiến lược của Mỹ. Sau khi Mỹ mở kho dự trữ, giá dầu WTI sụt giảm 5%.
Trọng Thành
Tranh cử tổng thống Pháp với cuộc phỏng vấn dài trên truyền hình của đương kim tổng thống Emmacron, hôm thứ Tư, 15/12, bốn tháng trước cuộc bầu cử, là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm 17/12/2021.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trả lời phỏng vấn TF1 và LCI, ngày 15/12/2021. AFP – Ludovic Marin
Le Monde chạy tựa trang nhất : "Chiến dịch quyến rũ cử tri của Macron với đích ngắm 2022". Tờ báo tóm lược một số nét lớn của cuộc trả lời phỏng vấn ngày 15/12 với hai đài truyền hình TF1 và LCI. Mục tiêu chính của cuộc phỏng vấn là để nguyên thủ Pháp bảo vệ các thành quả của nhiệm kỳ tổng thống 5 năm sắp khép lại. Điểm đáng chú ý là, trong cuộc phỏng vấn này, ông Macron đã cố gắng thể hiện thái độ khiêm nhường và đồng cảm, bảo đảm là đã "học" được nhiều từ "các sai lầm".
Tổng thống Emmanuel Macron chưa chính thức ra tái tranh cử, nhưng cuộc phỏng vấn nói trên có thể coi như là một hoạt động tranh cử thực sự, theo bài xã luận của Le Monde, có nhan đề "Cuộc biện hộ của người gần như là ứng cử viên". Bài viết nhận xét : nguyên thủ Pháp tìm cách tránh đòn và phản công lại các đối thủ, tuy không chỉ đích danh ai. Không chỉ đích danh, nhưng theo Le Monde, đối thủ chính của ông Macron không ai khác hơn là bà Valérie Pécresse, ứng cử viên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR), "đối thủ nguy hiểm nhất" sau chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của LR.
Ứng cử viên Valérie Pécresse đã từng tấn công trực diện vào "thành tích" của Macron với nhận định một "nhiệm kỳ 5 năm không mang lại gì". Hiện tại, tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp được đẩy lùi mang lại lợi thế cho Macron, vị tổng thống từng hứa hẹn sẽ mang lại "sự thay đổi". Cải cách về bảo hiểm thất nghiệp và cải cách liên quan đến công chức cấp cao là những điểm mạnh của tổng thống Macron.
Nhưng theo Le Monde, cuộc cải cách chế độ hưu trí không được thực hiện, vốn là một cam kết chủ yếu của Macron, sẽ trở thành điểm yếu căn bản của ứng viên tái tranh cử, có thể bị cánh hữu lên án là "bảo vệ nguyên trạng". Về vấn đề này, Macron khẳng định sẽ tiếp tục dự án dang dở này sau năm 2022, với một kế hoạch mở rộng, bao gồm việc đầu tư cho những người tàn tật, "một lĩnh vực bị bỏ rơi khác". Thay đổi cách quản lý y tế, quản lý giáo dục, đào tạo sẽ tiếp tục là các ưu tiên lớn… Tất cả những điều đó được nói ra với ẩn ý mà Le Monde muốn nêu bật. Đó là "bởi vì "có nhiều thứ đang thay đổi", vậy thay thế phi công có tốt không ?".
Tóm lại, theo Le Monde, cương lĩnh tranh cử của ông Macron vẫn giống như năm 2017, đó là "người tạo thay đổi", tái lập lại giá trị của "công trạng, tài năng và trách nhiệm" (vốn được coi là các giá trị cơ bản được cánh hữu tôn vinh). Tuy nhiên, nhật báo cánh trung cũng nhấn mạnh là "sự thức dậy của cánh hữu cũng khiến Macron không được quên các cử tri cánh tả đã từng bầu cho ông cách nay 4 năm". Khi khẳng định các giá trị của "tương trợ" và "đoàn kết", tổng thống Macron khẳng định ông đứng về phía phe Xã hội – Dân chủ. Macron lên án chủ trương "thô bạo" của ứng cử viên cánh hữu cắt giảm mạnh số lượng công chức (với khoảng 200.000 người, theo bà Pécresse).
"Macron tìm cách nối lại quan hệ với người Pháp" là một bài chính của Le Monde về chủ đề này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình, nguyên thủ Pháp đã thừa nhận sai lầm, liên quan đến những câu nói "gây xúc phạm", hồi mới nhậm chức, khi ông đối lập "những người thành đạt" với những người "không là gì cả", khi ông nói với một thanh niên chỉ cần "bước sang bên kia đường" là có được một chỗ làm. Tổng thống Macron thừa nhận sai lầm, thừa nhận đã hành động thiếu tôn trọng, và "cam kết không lặp lại".
Khẳng định "sức mua" (hay mức sống) của những người nghèo nhất tại Pháp không sụt giảm kể từ năm 2017 là một thông điệp chủ yếu khác của tổng thống. Về hồ sơ này, Le Monde có bài "Sức mua, một chủ đề căn bản trong cuộc tranh cử". Bài viết giới thiệu kết quả khảo sát của Viện Chính sách Công (IPP), phản bác quan điểm của chính phủ, theo đó, "mức sống của 5% người Pháp nghèo nhất sụt giảm trong nhiệm kỳ tổng thống, trong lúc 1% giàu nhất lại kiếm được nhiều tiều hơn phần còn lại của xã hội". Viện tư vấn Terre Nova đứng về phía Viện Chính sách Công (IPP), phản bác các kết luận của bộ Tài Chính, rút ra từ số liệu của INSEE.
Cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục là một chủ đề chính của Le Figaro thiên hữu hôm nay, sau khi đã dành trang nhất và xã luận hôm qua với tựa đề "Tự khen ngợi" để chỉ trích ông Macron. Trang nhất Le Figaro hôm nay dành một hồ sơ trang nhất cho chủ đề "Chiến dịch truyền thông của ông Macron trước dịp Noel".
Về chủ đề này, Le Figaro có bài phân tích về việc tổng thống Macron muốn ông trở thành chủ đề trong các cuộc trò chuyện trong gia dình người Pháp bên bàn ăn đón Giao thừa. "Ba lần phát biểu" của tổng thống liên tiếp "trong vòng chưa đầy mươi hôm" được Le Figaro ví với ba món "Khai vị, món chính và tráng miệng" trong bữa tiệc giao thừa của dân Pháp.
Le Figaro đặc biệt chú ý đến cuộc trả lời phỏng vấn hơn mười phút, được phát vào giờ vàng, trong đó tổng thống trả lời các em nhỏ về đủ loại chủ đề, từ khủng hoảng y tế, bóng đá, đến quyết định ứng cử tổng thống…, với khẳng định ông sẽ suy nghĩ về việc ra ứng cử trong kỳ nghỉ Noel - Năm mới.
Nhật báo thiên hữu chế giễu đương kim tổng thống sử dụng thủ đoạn "con gà Tây Noel", tự đặt mình vào vị trí tâm điểm của các chủ đề được thảo luận trong các gia đình người Pháp trong dịp này, thời điểm mà các quan điểm thường bắt đầu định hình trong các trao đổi. Le Figaro dẫn lời một người được coi là "thân cận với tổng thống", khẳng định : đó là chiến thuật hành xử của một người thách đấu, nỗi sợ bị quên, những thiếu hụt về uy tín cần được lấp đầy…
Một bài viết khác của Le Figaro lạnh lùng hơn, nhận định cuộc trả lời phỏng vấn dài gần hai giờ của tổng thống trên hai đài TF1 và LCI ít thuyết phục dân Pháp. Theo thăm dò dư luận của Odoxa-Backbone Consulting cho Le Figaro, chỉ có 9% dân Pháp theo dõi đầy đủ, 16% theo dõi một phần (thấp hơn hẳn so với số lượng 64% hay 71% người Pháp trong các cuộc nói chuyện trước đó trên truyền hình của tổng thống). Trong số những người đã coi, chỉ có 37% cảm thấy quan điểm của tổng thống là thuyết phục.
Về cuộc phỏng vấn của ông Macron, Libération có bài về Khí hậu, "chủ đề bị quên lãng". "Khủng hoảng khí hậu" là một mảng trống hoàn toàn trong cuộc phỏng vấn, cũng như vấn đề chính sách năng lượng. Nhật báo thiên tả lên án thái độ này, với nhận định đầy phẫn nộ : ông ấy làm như việc khí hậu bị hâm nóng đã không gây ra các thiệt hại, sẽ không làm thay đổi mạnh nền nông nghiệp của chúng ta, như thể là biến đổi khí hậu không có trách nhiệm gì với việc các thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, mãnh liệt hơn. Libération kết luận, trong lúc tổng thống Macron diễn giảng về "cuộc cách mạng" mà ông đã khai mào vào năm 2017, "đang diễn ra", và "về "thế giới mới" mà ông hy vọng sẽ góp phần mang đến", người ta "có ấn tượng cay đắng về sự trở về với một thế giới chính trị và truyền thông xưa cũ". Quên lãng cuộc khủng hoảng khí hậu là quên lãng đi nguồn gốc của những tai họa kinh hoàng, cuộc khủng hoảng lớn "là nguồn gốc của tất cả những khủng hoảng khác".
Sự vắng mặt của khí hậu, của các thảo luận về vấn đề sinh thái trong cuộc tranh cử tổng thống tại Pháp cũng là lo ngại của Le Monde. Bài "Trung hòa về khí thải : Mọi kịch bản đều phải tính đến việc tiết kiệm năng lượng" nhấn mạnh đến một nghịch lý lớn. Đó là, trong lúc tính khẩn cấp về hành động khí hậu, phải được tiến hành ngay trong những năm trước mắt, ngay trong thập niên này (với 8 năm còn lại), nhưng giới chính trị Pháp "đã không thể tổ chức được một cuộc thảo luận dân chủ thực sự, tại Quốc hội và trong xã hội".
Vẫn về thời sự nước Pháp, Airbus thành công rực rỡ trong năm 2021 là chủ đề trang nhất của Les Echos. "2021 – Năm của Airbus" là tựa lớn của nhật báo kinh tế trên nền hình ảnh một phi cơ chở khách của Airbus trên sân bay Orly (Pháp).
Tổng cộng hãng hàng không Châu Âu – Pháp đã có được đơn đặt mua hơn 6.000 máy bay A320. Tuy nhiên ngày 16/12 này thực sự là một ngày lịch sử, "ngày của ông già Noel" với Airbus. Chỉ trong một ngày, tập đoàn chế tạo máy bay Châu Âu đã giành được hai chiến thắng. Hai khách hàng truyền thống của Boeing đã đặt mua tổng cộng 302 máy bay của Airbus.
Chiến thắng thứ nhất là hàng không Úc đặt mua 134 khi cơ A320 và A220. Chiến thắng thứ hai là AirFrance-KLM đặt mua 168 chiếc, với tổng trị giá 10 tỉ đô la. Với quyết định này AirFrance – KLM đã hoàn toàn ngoảnh mặt với Boeing 737. Les Echos nhấn mạnh đây là "một đòn nặng với tập đoàn Mỹ Boeing".
Nghiệp đoàn CGT thất bại trong dự định "phong tỏa hoàn toàn" đường sắt là chủ đề chính của nhật báo Le Figaro. Theo nhật báo thiên hữu, nghiệp đoàn CGT đã phải từ bỏ dự kiến bãi công vào chiều hôm qua. Giao thông đường sắt sẽ trở lại bình thường vào kỳ nghỉ cuối tuần này.
Bài xã luận Le Figaro với nhan đề "Cỗ máy địa ngục", chỉ trích chính sách của nghiệp đoàn CGT bắt hành khách làm con tin, khi đưa ra các đe dọa bãi công đúng vào giai đoạn trước kỳ nghỉ, để gây áp lực đòi tăng lương bổng.
CGT rút cục đã phải rút lại quyết định bãi công, vì công đoàn viên lo ngại các khoản tiền thưởng trong kỳ nghỉ cuối năm sẽ bị mất, do bãi công. Tuy nhiên, cho dù nghiệp đoàn CGT quyết định lùi bước, hàng nghìn hành khách đã bị lỡ chuyến hôm nay.
Đường sắt cũng là tựa trang nhất của La Croix. Kể từ ngày mai, tàu cao tốc Ý của tập đoàn Trenitalia bắt đầu hoạt động trên tuyến Lyon – Paris. Đây là lần đầu tiên một công ty nước ngoài cạnh tranh trực tiếp với công ty đường sắt Pháp SNCF trên địa bàn này. Theo La Croix, dự định bãi công của công đoàn hỏa xa CGT mang lại lợi thế cho công ty Ý.
Trọng Thành