Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/04/2022

Điểm báo Pháp - Ứng viên cực hữu có thể gây bất ngờ

RFI tiếng Việt

Bất trắc bao trùm bầu cử tổng thống Pháp : Ứng viên cực hữu có thể gây bất ng

Thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc với cuộc chiến tranh Ukraine là tâm điểm, dầu lửa - khí đốt, trận chiến năng lượng giữa phương Tây – Nga, là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm 01/04/2022. Một chủ đề bao trùm khác là cuộc tranh cử tổng thống Pháp, mà vòng một sẽ diễn ra trong hơn tuần nữa. Một cuộc bầu cử tổng thống "bất thường", "đầy bất trắc", là cảm nhận chung của nhiều báo.

phap1

Ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen (P) AFP – Eric Piermont

Le Monde, Le Figaro, Les Echos, La Croix đều nói đến nguy cơ lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen có thể tạo bất ngờ. Xã luận nhật báo công giáo La Croix mang tựa đề "Cạm bẫy", nhấn mạnh đến ba cuộc khủng hoảng : khủng hoảng Covid, chiến tranh Ukraine và cuộc khủng hoảng với phong trào Áo Vàng chống tăng giá xăng dầu (bùng lên cuối 2018). Hiện tại, với cuộc chiến tại Ukraine, giá xăng dầu tiếp tục tăng vọt, khiến cuộc sống của nhiều gia đình nghèo trở nên bấp bênh hơn. Bất mãn chồng bất mãn có thể làm bùng nổ một quyết định phản kháng thông qua lá phiếu.

Le Pen tập trung vào "sức mua" để thu hút cử tri

La Croix nhấn mạnh là vấn đề "sức mua", hay khả năng mua sắm, đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cử tri Pháp, có thể khiến họ quyết định bầu cho ai. Cho dù "sức mua" tại Pháp về cơ bản đã gia tăng trong nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Emmanuel Macron, nhưng vấn đề này có thể có thể là đầu mối gây bất mãn lớn, trong bối cảnh lạm phát tăng ở mức chưa từng có kể từ năm 1985, và "căng thẳng về khí đốt Nga những ngày gần đây khiến tình hình trở nên bất lợi hơn".

Nhật báo công giáo nhấn mạnh là các bất mãn tích đọng có thể khuyến khích nhiều người bỏ phiếu chống lại chính quyền Macron, và điều này có lợi cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen, hiện đang tìm cách "lợi dụng làn sóng bất mãn" trong dân chúng. Ứng cử viên cực hữu đảng Tập hợp Quốc gia (RN) tự khẳng định là người đã nhận ra đầu tiên tầm quan trọng của vấn đề "sức mua" của người dân. Khi nhấn mạnh đến vấn đề vốn dễ nhận được sự đồng thuận của người dân này, và thường là một "chiếc bẫy" đối với các chính phủ mãn nhiệm, ứng viên cực hữu đang tìm cách che khuất các khía cạnh khác của một dự án chính trị "rõ ràng mang tính cực hữu".

Cử tri hãy bình tĩnh suy xét

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng nói về cuộc bầu cử tổng thống với đầy lo ngại. Bài xã luận "Lịch sử và bầu cử" nhấn mạnh là không cần có tư vấn của các chuyên gia, cũng có thể hiểu rằng "không thể nói nước Pháp đang ở trước ngưỡng cửa của một kỳ bầu cử bình thường". Các khủng hoảng đang diễn ra cộng với những ám ảnh về tương lai, như viễn cảnh tụt hạng kinh tế, biến động lớn về thành phần dân cư, khí hậu bị hâm nóng, "tác động sâu sắc" đến cách cảm nhận, cách nghĩ của cử tri. 

Trong bối cảnh các hiểm họa chồng chất, Le Figaro khuyến cáo công chúng cảnh giác với những quyết định vội vã nhất thời : trong thời gian mười ngày tới, cử tri cần "bình tĩnh suy xét, so sánh, thậm chí chiêm nghiệm, bởi nếu không bản năng sẽ lấn át lý trí, nỗi giận lấn át sự tỉnh táo". Le Figaro nhấn mạnh là "trong các xã hội dân chủ, có hàng ngàn phương tiện trong tầm tay. Các thăm dò dư luận, báo chí, trình bày quan điểm, mít tinh, chương trình truyền thông, các mạng xã hội có thể giúp chúng ta hiểu hơn, soi sáng cho chúng ta". Nhật báo thiên hữu kết luận, với những đảo lộn lớn như hiện nay, "mọi thứ đều có thể" trong cuộc bầu cử này.

Jacques Attali : Những lý do khiến Le Pen có thể đắc cử

Hiện tại ứng cử viên cực hữu còn ở một khoảng cách khá xa với ứng cử viên tổng thống tái tranh cử Emmanuel Macron, theo nhiều thăm dò dư luận, nhưng ứng viên cực hữu "Marine Le Pen có thể thắng" là nhận định của học giả Jacques Attali trên báo Les Echos. Kinh tế gia Pháp, người từng dự đoán đúng thắng lợi của ông Emmnuel Macron trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017, đã nêu ra "ít nhất bốn lý do" khiến việc lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia chiến thắng là điều có thể. Trong số các lý do được nêu có việc ít nhất hai ứng cử viên từng được coi là người chắc chắn sẽ giành chiến thắng rút cuộc đã thất cử (đó là tổng thống tái tranh cử Valéry Giscard d'Estaing năm 1981 và thủ tướng Lionel Jospin ra tranh cử năm 2002). Ứng cử viên tổng thống tái cử không loại trừ sẽ phải đối mặt với làn sóng phản kháng trong xã hội, tập hợp mọi phe phái bất luận tả hữu, liên minh của tất cả phe phái chống lại chính quyền mãn nhiệm cũng chính là sức mạnh đã dẫn đến thành công khá bất ngờ của ông Macron hồi 2017.

Một nguyên do khác được học giả Attali nêu bật là quan điểm của đảng cực hữu của Marine Le Pen đang được đông đảo xã hội nhìn nhận như một quan điểm chính trị bình thường, khác hơn với cách đây 5 năm, khi bà Marine Le Pen thể hiện như một người cực đoan, thiếu hiểu biết, giờ đây lãnh đạo đảng cực hữu tỏ ra là một người có quan điểm ôn hòa, hiểu biết vấn đề, và như vậy dễ được chấp nhận hơn là Eric Zemmour, một ứng cử viên cực hữu hàng đầu khác.

Đằng sau ngôn từ "dân chủ" là mục tiêu Nhà nước chuyên chế

Nhật báo Le Monde dành hồ sơ chính hôm nay để giải mã cương lĩnh chính trị thực sự của ứng cử viên cực hữu Le Pen. Nhật báo chạy tựa lớn trang nhất : "Marine Le Pen : Đằng sau một quan điểm đã trở nên bình thường hóa là một cương lĩnh cực hữu". Sửa đổi Hiến pháp để lập ra "một Nhà nước chuyên chế" là chủ trương thực sự của bà Le Pen. Mở đầu bài viết, Le Monde nhắc đến bộ phim vừa ra rạp ngày 30/03, mang tựa đề "Thế giới hôm qua" của đạo diễn Diastème, với chủ đề chính là bầu cử tổng thống Pháp. Trước vòng một cuộc bầu cử tổng thống, một cộng sự của tổng thống tái cử cảnh báo là ứng cử viên cực hữu "không làm ai sợ hãi cả trong hiện tại", nhưng "rất nguy hiểm", nhân vật này sẽ "bắt đầu hành động một cách êm ái và kết quả sẽ là… kinh hoàng".

Về hình thức, cương lĩnh tranh cử của bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia, chứa đầy các ngôn từ mang tính dân chủ, cộng hòa. Nhưng Le Monde dẫn lời các chuyên gia, nhà quan sát, chỉ ra tính chất độc tài chuyên chế sâu xa trong dự án chính trị của bà Le Pen. Một trong những điểm chủ yếu mà lãnh đạo cực hữu sẽ tấn công đầu tiên, một khi lên nắm quyền, là "tổ chức trưng cầu dân ý để sửa đổi luật về nhập cư và bản sắc quốc gia", nền tảng cho quan điểm chính trị của bà Marine Le Pen.

Hàng loạt hiệp ước mà Pháp ký kết trong lĩnh vực nhân quyền sẽ bị xem xét lại, các quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do hôn nhân (hôn nhân đồng tính), quyền của người tị nạn bị thách thức. Việc đưa đòi hỏi "ưu tiên quốc gia" vào Hiến pháp trên thực tế sẽ làm Hiến pháp của nước Pháp mất đi giá trị nhân quyền căn bản, với "nguyên tắc bình đẳng" của Tuyên ngôn nhân quyền 1789, "quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm" của tất cả mọi người "không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay tin ngưỡng" đã được ghi trong Hiến pháp Pháp.

Lưỡi gươm Damocles lơ lửng trên đầu ứng viên Macron

Vẫn về cuộc tranh cử tổng thống Pháp, nhật báo thiên tả Libération tập trung nói về chủ đề vụ "McKinsey". Theo báo cáo của ủy ban điều tra của Thượng Viện Pháp (hiện do cánh hữu kiểm soát), công bố cùng ngày tổng thống Macron khởi sự chương trình tái tranh cử, chính quyền Macron bị tố cáo chi đến hơn một tỉ euro chi trả cho các dịch vụ cố vấn của các văn phòng tư vấn, trong đó văn phòng McKinsey. Xã luận Libération, với tựa đề "Ảnh hưởng" cho rằng chính quyền Macron đã lúng túng trước vụ việc này, phản ứng quá trễ trong việc chứng minh sự minh bạch. Đây có thể coi là lưỡi gươm Damoclès treo lơ lửng trên đầu ứng viên tổng thống tái cử.

Thượng đỉnh EU – Trung Quốc : Chiến tranh Ukraine là chủ đề chính

Cuộc chiến tranh chống Ukraine của Nga bao trùm thượng đỉnh Liên Âu (EU) – Trung Quốc. Le Figaro dành hai bài viết cho chủ đề này : "Trung Quốc tìm cách xoa dịu Châu Âu đang phẫn nộ" và "Liên Âu tìm cách ngăn chặn trục Nga – Trung". Thượng đỉnh Liên Âu – Trung Quốc đầu tiên kể từ tháng 6/2020, diễn ra trong bối cảnh hết sức bất thường. Chiến tranh diễn ra ở cửa ngõ Liên Âu, với kẻ gây chiến là Nga, và Bắc Kinh đang được coi là đồng minh quan trọng của Moskva, bất chấp việc Trung Quốc kể từ đầu cuộc chiến tranh đang có phần tỏ ra "trung lập". Bài "Trung Quốc tìm cách xoa dịu Châu Âu đang phẫn nộ" dự báo thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ lại một lần nữa quảng bá cho nguyên tắc "hai bên cùng thắng", và cổ vũ cho việc tái khởi động quan hệ thương mại song phương.

Chính quyền Trung Quốc hy vọng sử dụng thượng đỉnh này, diễn ra một tuần sau chuyến công du của tổng thống Mỹ đến châu Âu, để quyến rũ Liên Âu, ngăn cản mối đoàn kết Âu – Mỹ xuyên Đại Tây Dương, vừa được siết chặt để đối phó với đe dọa Nga. Tuy nhiên, lập trường hồ hởi thúc đẩy quan hệ Trung-Âu của Bắc Kinh tương phản với thái độ giá lạnh tại Bruxelles. Liên Hiệp Châu Âu báo trước "chủ đề chính sẽ là chiến tranh tại Ukraine", và đặc biệt là cuộc khủng hoảng nhân đạo do "cuộc xâm lược của Nga". Các nhà ngoại giao hai bên được trông đợi sẽ có các đối thoại cứng rắn hơn.

Áp lực Liên Âu phải cứng rắn hơn với Trung Quốc trong lĩnh vực nhân quyền cũng gia tăng, với việc 46 tổ chức phi chính phủ, Hồng Kông, Đài Loan, Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng gửi thư chung đến các lãnh đạo Liên Âu, kêu gọi EU giảm phụ thuộc về kinh tế vào Nga, và vào Trung Quốc, để bảo đảm an ninh của chính mình.

Liên Âu – Trung Quốc : Nhiều khả năng duy trì nguyên trạng

Bài phân tích thứ hai của Le Figaro về thượng đỉnh Liên Âu -Trung Quốc ghi nhận, cho dù không khí thượng đỉnh lần này là căng thẳng, EU có thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Tin tưởng vào việc Trung Quốc đóng vai trò môi giới hòa bình Nga – Ukraine là ảo tưởng, theo chuyên gia Sylvie Bernman, viện Jacques Delors. Cùng lúc đó cả hai bên đều không muốn quan hệ trở nên tồi tệ hơn. Le Figaro dự báo, trong hiện tại, khi EU đang vất vả tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế cho dầu khí Nga, sẽ không có việc mở thêm một mặt trận khác với Trung Quốc, và như vậy, thượng đỉnh này có thể là một thượng đỉnh "duy trì nguyên trạng". Sẽ không có họp báo, tuyên bố chung.

Về chủ đề này, Les Echos có bài phân tích trang nhất : "Liên Âu buộc Trung Quốc làm rõ lập trường với Nga". Nhật báo kinh tế dự báo Liên Âu sẽ gia tăng áp lực để buộc Bắc Kinh phải "góp phần ngừng cuộc chiến tranh". Les Echos dẫn lời đại diện châu Âu tại Bắc Kinh, Nicolas Chapuis, trước thượng đỉnh ít hôm. : "Trong cuộc chiến tranh này, không có chỗ cho thái độ giả vờ trung lập". Trung Quốc cần phải hiểu được điều đó.

Cuộc chiến năng lượng Nga – phương Tây

Cuộc chiến năng lượng Nga – phương Tây là chủ đề trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Để đối phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng Hoa Kỳ quyết định tung ra thị trường số lượng dầu mỏ chưa từng có, lấy từ khoản dự trữ chiến lược. Trung bình 1 triệu thùng dầu trong vòng 6 tháng, đây là một trong các nội dung chính của chuyên mục Căng thẳng năng lượng Nga – Phương Tây trên Les Echos. Tương đương với gần một phần ba dự trữ chiến lược của Mỹ. Sau khi Mỹ mở kho dự trữ, giá dầu WTI sụt giảm 5%.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 280 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)