Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phong trào toàn cầu hóa không chấm dứt mà chỉ thay đổi để biến thành hợp tác toàn cầu giữa các nước dân chủ. Toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận bất chấp chế độ chính trị nhường chỗ cho toàn cầu hóa đặt nền tảng trên các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và công pháp quốc tế.

220324f-006

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bruxelles ngày 24/03/2022 để tham dự ba hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp bất thường về cuộc chiến Ukraine : NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu.

Ngày thứ năm 24/03/2022 vừa qua phải được coi là một cột mốc lớn của lịch sử thế giới dù ít ai lưu ý. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bruxelles và trong cùng một ngày đã tham dự ba hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp bất thường về cuộc chiến Ukraine : NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu.

Cùng với những tuyên bố chung lên án quyết liệt cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine là quyết định của Liên Hiệp Châu Âu giảm một nửa lượng dầu khí nhập khẩu từ Nga ngay trước mùa hè, rồi 2/3 trước cuối năm 2022, để sau cùng 100% trước năm 2030.

Tại sao 2030

Chấm dứt phong trào toàn cầu hóa ?

Ai cũng biết là cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine sẽ không kéo dài, những nhà chính trị và bình luận thận trọng nhất cũng chỉ dự đoán nó sẽ kết thúc trong vòng một hai năm là cùng. Lý do giản dị là nó không thể kéo dài. Nga không có khả năng tiếp tục lâu hơn cuộc chiến hao tổn này với một kinh tế quá yếu. Trước cuộc chiến GDP của Nga chỉ bằng 1.450 tỷ USD, hay 1,7% GDP thế giới, bây giờ đã thiệt hại rất nhiều rồi và sẽ còn thiệt hại nhiều hơn nữa trong những ngày sắp tới vì những biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc ở mức độ chưa từng thấy. Thời điểm 2030 như vậy có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu sẽ hoàn toàn không còn mua dầu khí từ Nga nữa dù tình hình biến chuyển thế nào. Nói cách khác Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định chấm dứt hẳn mọi hợp tác với Nga và đây cũng là quyết định chung của Mỹ và các nước dân chủ phát triển bởi vì xuất phát từ thượng đỉnh G7.

Ngay sau đó các công ty Mỹ và Âu đã đóng cửa các cơ sở của họ tại Nga hoặc tuyên bố sẽ rút hẳn khỏi Nga trong thời gian ngắn. Vài ngày sau, trong một thư gửi các cổ đông Larry Fink, tổng giám đốc quỹ đầu tư BlackRock, tuyên bố "cuộc chiến tranh Ukraine đã kết thúc phong trào toàn cầu hóa như đã thấy trong ba thập niên qua". Miệng kẻ sang có gang có thép, Fink đã nói như vậy thì các quỹ đầu tư khác và các công ty đa quốc lớn cũng khó làm ngược lại. Ông ta là người quyền thế nhất trên kinh tế thế giới hiện nay. Quỹ đầu tư BlackRock mà ông ta điều hành là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với số vốn xấp xỉ 10.000 tỷ USD, gần bằng GDP của Trung Quốc và gấp 50 lần GDP của Việt Nam. Cũng nên biết rằng đa số các công ty lớn do các quỹ đầu tư kiểm soát và 12 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới có tổng số vốn khoảng 45.000 tỷ USD, cao hơn một nửa GDP của toàn thế giới.

Thực ra Larry Fink chỉ nói thẳng ra để công khai hóa và đẩy mạnh một khuynh hướng mà BlackRock và các quỹ đầu tư khác ít nhiều đã bắt đầu theo từ vài năm nay là rút dần đầu tư khỏi các nước độc tài, cụ thể là Trung Quốc.

Các nước dân chủ đã tẩy chay Nga thì cũng không còn bất cứ lý do nào để hợp tác với Trung Quốc. Nga không nguy hiểm bằng Trung Quốc, tầm quan trọng chiến lược của Ukraine không bằng Biển Đông và eo biển Đài Loan. Qua các chỉ số chứng khoán người ta có thể thấy Trung Quốc không phải là "ngư ông đắc lợi" như nhiều người có thể nghĩ. Các chỉ số này trước hết đo lường sức thu hút đầu tư của hoạt động kinh tế ; từ đầu năm nay, chủ yếu là từ khi Nga xâm lăng Ukraine, chúng  đã sút giảm mạnh hơn hẳn tại Trung Quốc so với Mỹ và Châu Âu.

joe2

Phong trào toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận này còn được thời cơ thuận lợi nhờ chủ nghĩa tân phóng khoáng đã thịnh hành từ giữa thập niên 1970. Ảnh minh họa Tượng bò bằng đồng trước Thị trường chứng khoán Phố Wall Street, New York

Thế giới đã bừng tỉnh

Phải nói Putin đã đánh thức các nước dân chủ. Khuynh hướng áp đảo sau năm 1991, khi Liên Xô và phong trào cộng sản thế giới sụp đổ, là cho rằng lịch sử -hiểu như là sự xung đột ý thức hệ giữa các quốc gia và giữa các khuynh hướng chính trị trong mỗi quốc gia- đã chấm dứt và từ nay chỉ còn ưu tư kinh tế.

Nước Mỹ đã chặn đứng làn sóng dân chủ thứ ba năm 1992 khi bầu Bill Clinton, một tổng thống trẻ đẹp ăn chơi ra ứng cử với khẩu hiệu "chỉ làm kinh tế" (economy, stupid). Các nước trong Liên Hiệp Châu Âu nói chung đã giảm một nửa ngân sách quốc phòng. Riêng nước Đức tỏ ra đặc biệt lạc quan và thực tiễn. Cả hai thủ tướng tả và hữu kế tiếp nhau, Gerhard Schroder và Angela Merkel, trong hơn 20 năm đã thi đua gia tăng hợp tác với Nga và Trung Quốc để tận dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ lớn. Riêng bà Angela Merkel thì phá mọi kỷ lục của sự thiển cận. Đường dẫn khí Nord Stream II -với tác dụng là khiến Châu Âu lệ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga một khi đi vào hoạt động- đã được khởi sự thi công năm 2018, sau khi Putin đã san bằng Grozny và tàn sát người Chechen, đã xâm lăng Georgia, đã sử dụng bom hóa học để bảo vệ chính quyền sát nhân Al Assad tại Syria, đã lấn chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Và đã ám sát các thành phần đối lập một cách rất sáng tạo bằng dao, bằng súng, thuốc độc và cả phóng xạ nguyên tử. Đúng là coi thường đạo đức và công pháp quốc tế, nhưng cũng nhờ vậy mà kinh tế Đức tăng trưởng tốt và bà Merkel đã được cảm tình của cử tri Đức và giữ được ghế thủ tướng trong 16 năm. Người ta lấy ước muốn làm sự thực và cố tình tin rằng hợp tác kinh tế sẽ khiến Nga và Trung Quốc dần dần dân chủ hóa, hay ít nhất hiền lành hơn, mặc dù tất cả mọi bằng chứng ngược lại.

Phong trào toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận này còn được thời cơ thuận lợi nhờ chủ nghĩa tân phóng khoáng (neoliberalism) đã thịnh hành từ giữa thập niên 1970. Tác dụng tổng hợp của cả hai là các công ty ào ạt chuyển các nhà máy sang Trung Quốc, biến Mỹ từ một cường quốc sản xuất thành một cường quốc tiêu thụ với chênh lệch giầu nghèo ở mức độ nguy kịch, khiến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO chết lâm sàng và chủ nghĩa dân túy bùng phát.

Mặc dầu vậy làn sóng dân chủ vẫn lặng lẽ tràn tới bởi vì nó là ước vọng nền tảng của loài người ngày càng ý thức được các quyền không thể chuyển nhượng của mình nhờ các tiến bộ về giao thông và truyền thông. Từ vài năm nay tham vọng bá chủ lộ liễu và chính sách xiết lại chống dân chủ của Tập Cận Bình đã dần dần khiến Phương Tây tỉnh ngộ. Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin về bản chất cũng là một cuộc phản công chống dân chủ, nó đã giáng một đòn ơn huệ vào ảo tưởng còn lại là toàn cầu hóa sẽ giải quyết tất cả. Thế giới đã bừng tỉnh. NATO đã hồi sinh. Các nước Châu Âu trong và ngoài Liên Hiệp Châu Âu nhất trí hơn bao giờ hết về những biện pháp trừng phạt thẳng tay đối với Nga và tận tình giúp Ukraine. Hàng trăm viên chức ngoại giao Nga đã và sắp bị trục xuất khỏi các nước Châu Âu bất chấp đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao của Nga. Thế giới dân chủ đoàn kết và quyết tâm như chưa bao giờ thấy.

Đồng thuận hiện nay của các chính quyền dân chủ phát triển, các quỹ đầu tư và các công ty đa quốc là, một mặt, phải rút ngắn đường dây sản xuất và, mặt khác, đem sản xuất lại gần với tiêu thụ. Rút ngắn đường dây sản xuất có nghĩa là một thành phẩm, thí dụ như một xe ô-tô, thay vì gồm những thành tố đến từ mười nước khác nhau sẽ chỉ do sự hợp tác của khoảng năm nước thôi. Còn thế nào là "gần" ? Chắc chắn không phải là khoảng cách địa lý bởi vì những tiến bộ về giao thông và vận tải đã khiến thời gian và chi phí chuyên chở không còn quan trọng nữa. Gần phải được hiểu là gần về chế độ chính trị để tránh tiếp tay cho những bạo quyền với những hậu quả tai hại không ngờ. Như vậy phong trào toàn cầu hóa không chấm dứt mà chỉ thay đổi để biến thành hợp tác toàn cầu giữa các nước dân chủ. Toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận bất chấp chế độ chính trị nhường chỗ cho toàn cầu hóa đặt nền tảng trên các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và công pháp quốc tế.

joe3

Thế giới từ sau chiến tranh lạnh có ba siêu cường quân sự tranh giành ảnh hưởng : Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Bối cảnh thế giới mới

Thế giới từ sau chiến tranh lạnh có ba siêu cường quân sự tranh giành ảnh hưởng : Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ở những mức độ khác nhau, cả ba đều đang trong tình trạng nguy ngập. Bối cảnh thế giới mới sẽ rất khác. Mọi quốc gia phải nhìn rõ để thích nghi, nhất là các nước đang phát triển, để tránh những vấp ngã và tận dụng các cơ hội.

Cuộc chiến Ukraine ngay lúc này đã là một thất bại thê thảm cho Nga. Nó đã khiến Nga tổn thất rất nặng nề ở mức không thể chịu đựng nổi với một nước chỉ có trong lượng chưa tới 2% GDP thế giới và một thu nhập bình quân trên đầu người chưa đạt mức trung bình thế giới. Nó cũng đã khiến Nga  hoàn toàn bị cô lập trong sự kinh tởm phẫn nộ của cả thế giới. Tuy vậy nó khó có thể kết thúc nhanh chóng, thảm bại tại mặt trận miền Bắc đã chỉ khiến Putin tái phối trí lực lượng để tập trung tấn công phía Đông Nam. Putin cần một chiến thắng hay ít nhất một cái gì đó cho phép ông ta ngụy biện cho là một chiến thắng. Cao điểm của cuộc chiến vẫn còn chưa đạt tới. Tệ hơn nữa cho nước Nga là dù cuộc chiến Ukraine đã là một thảm kịch và một thảm bại cho nước Nga, chính quyền Putin sẽ còn kéo dài để khiến Nga tiếp tục phá sản vì những biện pháp trừng phạt chưa từng có, trừ khi có biến cố bất ngờ. Ông ta đã ám sát hay bỏ tù những đối thủ chính trị chính, đã dẹp tan các tổ chức đối lập, đã bỏ tù hoặc trục xuất ra nước ngoài phần lớn những người đối lập, đã chỉ để lại trong guồng máy nhà nước, quân đội và công an những phần tử phục tùng không điều kiện. Điều có thể nhìn thấy ngay lúc này là đàng nào Liên Bang Nga cũng sẽ bị suy sụp và không còn một ảnh hưởng đáng kể nào trên thế giới trước khi tan vỡ như Liên Bang Xô Viết trước đây.

Đối với Trung Quốc vấn đề không phải là bao giờ Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế mà chỉ là Trung Quốc còn che giấu được sự khủng hoảng đến bao giờ. Không nên tin những thống kê của Bắc Kinh. Trong thời kỳ Bước Nhảy Vọt rồi Đại Cách Mạng Văn Hóa hơn 10% dân chúng Trung Quốc đã chết đói nhưng các con số kinh tế bao giờ cũng vượt chỉ tiêu. Kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng trong khi ba ngành xây dựng, đóng tầu và đường sắt -chiếm gần 40% GDP- hoàn toàn tê liệt. 

Sai lầm của phần lớn các nhà nghiên cứu là họ lý luận về Trung Quốc như một quốc gia trong khi Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một đế quốc. Lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng một đế quốc luôn luôn phải đặt nền tảng trên một ý thức hệ và khi ý thức hệ đó sụp đổ, ngay cả để nhường chỗ cho một ý thức hệ đúng hơn, thì đế quốc không thể tồn tại. Đó đã là số phận của tất cả các đế quốc trong lịch sử thế giới, gần đây nhất là Liên Bang Xô Viết. Đó cùng sẽ là số phận sắp tới của "tiểu đế quốc" Nga.

Đế quốc Trung Hoa đã đặt nền tảng trên Khổng Giáo và tồn tại cùng với Khổng Giáo rồi tiếp tục tồn tại dưới chế độ cộng sản vì chủ nghĩa Mác – Lênin không khác Khổng Giáo bao nhiêu. Hiện nay Trung Quốc đang phải đương đầu với tiến trình dân chủ hóa bắt buộc nhưng dân chủ lại không chỉ khác hẳn mà còn đối chọi với Khổng Giáo và chủ nghĩa Mác – Lênin. Trung Quốc bắt buộc phải dân chủ hóa (nhắc lại : vì đó là khuynh hướng tất yếu của cả loài người) nhưng lại không thể dân chủ hóa cho nên đang gặp khó khăn lớn và chắc chắn sẽ không thể tiếp tục tồn tại với cùng một lãnh thổ và dân số. Lịch sử thế giới cũng cho thấy rằng trong tiến trình suy sụp, các đế quốc không gây chiến với bên ngoài -trừ khi bị trực tiếp tấn công- mà thường co cụm lại để đương đầu với các khó khăn bên trong. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh tỏ ra hiền lành trong lúc này. Với một sự thận trọng tối thiểu các nước trong khu vực sẽ không có lý do nghiêm trọng để lo âu về Trung Quốc.

Còn Mỹ ? Điều mà cả ba thượng đỉnh bất thường ngày 24/03 vừa qua tại Bruxelles cho thấy là Mỹ không còn vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ. Joe Biden đã tham dự ba hội nghị thượng đỉnh như một đồng minh để cùng thảo luận về một lập trường chung chứ không còn như một bá chủ đến để thông báo những quyết định đơn phương. Giai đoạn Mỹ tự ý tấn công rồi tự ý rút lui, như tại Iraq và Afghanistan, đã cáo chung. Không thể khác, uy tín của Mỹ đã xuống rất thấp sau quá nhiều sai lầm và trọng lượng kinh tế của Mỹ cũng đã sút giảm nhiều. Và chính Mỹ cũng đang khủng hoảng lớn về định chế chính trị, về đạo đức, về dân trí cũng như về chính tinh thần quốc gia. Tương lai của nước Mỹ cũng đầy bất trắc.

Tóm lại, trong ba siêu cường thì Nga sẽ sụp đổ trong tương lai rất gần, Trung Quốc sẽ trở thành một trung tâm khủng hoảng trong tương lai không xa. Cả hai sẽ phải chấp nhận một giai đoạn chuyển hóa dài và khó khăn về dân chủ dù cái giá phải trả là rất có thể sẽ vỡ ra thành nhiều khối. Mỹ cũng đang khủng hoảng, vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ đã chấm dứt và sẽ cần một phép mầu để còn nguyên vẹn.

Như vậy bối cảnh thế giới sắp tới sẽ ra sao ? 

Chắc chắn là sẽ có phân cực giữa hai khối dân chủ và độc tài nhưng sẽ không có thế chiến. Khối các nước dân chủ, với trọng lượng kinh tế trên 2/3 GDP thế giới và với một mức độ phát triển văn hóa khoa học và kỹ thuật vượt trội, không muốn chiến tranh vì không cần chiến tranh trong khi Nga và Trung Quốc không có sức mạnh để gây chiến. Sự phân cực như vậy sẽ có nghĩa là khối các nước dân chủ vẫn hòa hoãn và thân thiện nhưng không hợp tác với các chế độ độc tài, các trao đổi chỉ giới hạn ở mức thực sự cần thiết và có điều kiện, trong tinh thần khuyến khích dân chủ hóa.

Trật tự thế giới mới sẽ là trật tự dân chủ không còn nước bá chủ với Liên Hiệp Quốc đóng vai trò quản lý luật pháp quốc tế, trọng tài các tranh tụng và điều hợp các cố gắng chung. Đó là trật tự mọi quốc gia đều mong muốn và đang hình thành.

joe0

Lối thoát duy nhất, cũng là con đường thênh thang tiến về tương lai của nước ta, là dân chủ hóa nhanh chóng trước khi quá trễ.

Việt Nam sẽ ra sao trong bối cảnh thế giới mới này ?

Vào năm 2019, tất cả mọi quan sát viên đều đồng ý rằng Việt Nam là nước có cơ hội thuận lợi nhất không chỉ trong vùng mà trên cả thế giới. Các nước dân chủ cần tranh thủ Việt Nam để ngăn chặn tham vọng chiếm lĩnh Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam là điểm đến chính của các công ty đang ào ạt rời Trung Quốc. Nhưng rồi dịch Covid-19 ập tới đình hoãn lại tất cả. Và từ nay phong trào toàn cầu hóa xô bồ đang nhanh chóng nhường chỗ cho một toàn cầu hóa giữa các nước dân chủ. Chẳng bao lâu thế giới cũng sẽ nhận ra là Trung Quốc không còn là một đe dọa lớn đến nỗi phải chiều chuộng Việt Nam bằng mọi giá. Các nguồn đầu tư sẽ không còn lý do để đến một nước Việt Nam vẫn do một Đảng Cộng Sản độc quyền cai trị. Lá phiếu trắng của Việt Nam trong cuộc biểu quyết đòi Putin chấm dứt cuộc xâm lăng Ukraine sẽ còn được nhớ tới rất lâu. Trong khi đó thì kinh tế Việt Nam, với ngoại thương lớn gấp hai lần GDP, hoàn toàn lệ thuộc vào bối cảnh bên ngoài và sẽ rất khốn khổ nếu không được đặc biệt chiếu cố, chưa nói nếu bị cô lập. Đảng Cộng Sản có thể lại đang làm đất nước mất đi một vận hội lớn không thể nào tìm lại được nữa.

Lối thoát duy nhất, cũng là con đường thênh thang tiến về tương lai của nước ta, là dân chủ hóa nhanh chóng trước khi quá trễ. Hơn lúc nào hết những người dân chủ Việt Nam phải ý thức được trách nhiệm lịch sử của mình. Vào lúc này đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài và thiết lập dân chủ cũng là đấu tranh cứu nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(07/04/2022)

Published in Quan điểm

Chiến tranh Ukraine : Thảm sát thường dân Bucha, tội ác man rợ

Vụ thảm sát thường dân ở Bucha, là tâm điểm chú ý của các báo hôm 04/04/2022. Hàng trăm xác dân thường bị lính Nga bắn chết được phát hiện ở vùng ngoại ô Kiev, Mỹ, Pháp, Anh tố cáo tội ác chiến tranh và kêu gọi mở điều tra. 

manro1

Các quân nhân Ukraine bên cạnh xác một thường dân ở Bucha, ngoại ô Kiev, 02/04/2022. Họ cảnh giác vì quân Nga trước khi rút đi đã gài mìn ở nhiều nơi, kể cả dưới thi thể các nạn nhân. AP - Vadim Ghirda

Libération không ngần ngại đăng lên trang nhất ảnh một con đường với những xác người nằm rải rác, chạy tựa "Sự man rợ". Các nhật báo khác, trừ Le Monde xuất bản từ hôm trước, đều có những bài tường thuật tại chỗ của đặc phái viên mỗi tờ.

Thảm sát người vô tội ở Bucha, Trostianets…

Đặc phái viênLibération mô tả khung cảnh "tận thế" tại Trostianets, ngôi làng nhỏ ở đông bắc bị quân Nga chiếm đóng ngay trong ngày đầu tiên 24/02 và vừa được lực lượng Ukraine tái chiếm. Tại con đường đối diện nhà ga, chỉ có một chiếc xe tăng còn nguyên vẹn. Mỉa mai của lịch sử : đó là một xe bọc thép từ thời Đệ nhị Thế chiến được đặt trên bục để vinh danh Hồng quân. Tất cả khu vực xung quanh đều biến thành tro bụi, nhựa đường biến mất, mặt đất bị cày xới, những xác xe tăng, mảnh đạn pháo vương vãi. Một cư dân làng lân cận tỏ ra kinh hoàng : Đâu rồi những cột điện, băng đá, kiosque, ngân hàng... trước đây ? Cứ như là trong cơn ác mộng.

manro00

Quay lại Trostianets sau một tháng bị chiếm đóng, tỉnh trưởng Sumy, Dmytro Jyvytsky cho biết khi gặp những người quen trên đường phố, ông có cảm giác như họ già thêm 20 tuổi. Ngôi làng nhỏ 20.000 dân lẽ ra chỉ là nơi đoàn quân xâm lược đi ngang qua, nhưng quân Ukraine kháng cự mạnh mẽ đến nỗi hơn 1.000 quân Nga bị cầm chân tại đây. Lính Nga cướp phá các tiệm buôn, lấy đi từ rượu, thuốc lá, thực phẩm cho đến điện thoại. Ngay từ ngày 27/02, họ bắt đầu bắn vào dân để đe dọa, mỗi ngày đều có hai, ba thường dân bị hạ sát. Xe tăng Nga còn bắn thẳng vào bệnh viện. Có bao nhiêu nạn nhân ? Không ai có thể đưa ra được con số.

Khủng khiếp nhất là tại Bucha, thông tín viên của Libération cho biết, những thi thể mặc đồ dân sự nằm dọc theo đường phố, chỉ riêng phóng viên AFP đã tự phát hiện ít nhất 20 xác. Theo chưởng lý Ukraine, có 410 xác người đã được tìm thấy ở ngoại ô Kiev sau khi quân Nga rút đi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tố cáo những hình ảnh "không thể chịu đựng nổi ở Bucha", chính quyền Nga "phải trả lời về tội ác này". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả "nỗi đau thắt lòng" ; ngoại trưởng Anh Liz Truss, thủ tướng Đức Olaf Scholz và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đòi mở điều tra.

Human Rights Watch (HRW) đã thu thập được bằng chứng tội ác tại nhiều thành phố bị quân Nga chiếm đóng. Đặc biệt là tại Bucha, do nằm gần Kiev và nhất là cách phi trường Hostomel tức Antonov chỉ vài cây số, nên trở thành mục tiêu chiến lược của Moskva. Cư dân trong đó có nhiều người lớn tuổi phải trốn trong hầm nhà, không ít người bị bắn chết khi cố chạy về Kiev.

Sống sót nhờ được phán "Niet" !

Đặc phái viên La Croix đã đến tận làng Stoyanka ở gần Kiev vừa được giải phóng. Gia đình Choulga khi trở về thấy ngôi nhà tan hoang, lính Nga phá két sắt, lục soát tài sản trong nhà. Họ kinh hoàng khi phát hiện ba thi thể dưới hầm, đều là công nhân bình thường, bị tra tấn trước khi chết. Maria Prakhofina, một bà cụ láng giềng 80 tuổi cho biết Anatoli Trochimets, một trong ba nạn nhân mỗi ngày đều mang củi và nước giếng đến cho bà. Khi anh biến mất, bà rất buồn vì ngỡ rằng Anatoli đã di tản mà không cho hay.

Maria hoàn toàn cô độc với những ngày dài đầy tiếng đạn moọc-chê rít bên tai. Cho đến một hôm, một chiếc xe tăng ngừng lại trước nhà, khi bà cụ đang ở ngoài sân với những con mèo và đàn gà. Một người lính Nga nói : "Tôi bắn nhé ?", người khác trả lời "Niet". Và thế là bà còn sống, nhưng vẫn đau đáu với câu hỏi "Tại sao họ lại giết Anatoli của tôi ?".

Cũng tại Stoyanka, đặc phái viên Les Echos nhận thấy tất cả các khu nhà ở đều mang dấu vết những trận đánh : cửa sổ vỡ toang, tường sập, mặt tiền ghim đầy vết đạn. Ở khu trung tâm, một chiếc xe do quân Nga bỏ lại, trong cốp chất đầy máy tính xách tay, điện thoại... Phóng viên mô tả cụ thể đoạn đường rải rác những thi thể đàn ông, đàn bà mặc thường phục, những tiếng súng vẫn còn xa xa chứng tỏ vẫn chưa yên.

Chiến tranh và những con người biến thành quỷ dữ

Xã luận "Tội ác chiến tranh" của La Croix lưu ý, những phát hiện ở Bucha nhắc nhở chúng ta rằng chiến tranh không chỉ là chiến lược quân sự hay vấn đề địa chính trị. Chiến tranh, trước hết là những người lớn, trẻ em hoảng loạn, những tử thi và những người lính trẻ biến thành quỷ dữ. Như nhà văn Henri Barbusse đã viết, sẽ là tội ác nếu chỉ cho thấy những khía cạnh đẹp đẽ của chiến tranh, vì không có cuộc chiến nào lại "sạch" được.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Không còn là chiến tranh, mà đó là thảm sát", Libération khẳng định những chỉ dấu về tội phạm chiến tranh của Nga ngày càng nhiều, và Vladimir Putin một ngày nào đó sẽ phải trả lời trước pháp luật. Tờ báo nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các phóng viên chiến trường, có những nhà báo đã phải trả giá bằng mạng sống trong cuộc chiến Ukraine. Hôm Chủ nhật, những hình ảnh họ gởi về được đưa liên tục trên truyền thông toàn thế giới, chứng minh cách hành xử của quân Nga tại những vùng mới được giải phóng sau nhiều tuần lễ bị chiếm đóng. Những người đàn ông bị bắn chết, tay bị trói sau lưng ; những người phụ nữ bị hãm hiếp rồi thiêu chết, xác bị xe tăng cán nát...

Tất nhiên vẫn phải thận trọng, việc điều tra sẽ xác định những tội ác của Nga tại Ukraine. Khi mà hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cư dân bị bắn vào gáy hoặc cưỡng hiếp, không chỉ phải đưa ra bằng chứng trước tư pháp quốc tế, mà còn phải đẩy nhanh trừng phạt - hôm qua phương Tây đã đồng thanh lên án. Nhưng vẫn khó thể hiểu được vì sao có những con người hành động như thú dữ đối với những người dân mà mới hôm qua còn được coi là anh em. Vladimir Putin chịu trách nhiệm lớn lao, vì là thủ phạm đã xách động rồi thả những kẻ ấy sang Ukraine ; và kể cả những người thân tín của ông ta đã ngậm miệng vì sợ hãi. Tất cả, một ngày nào đó sẽ phải trả giá.

Đưa tổng thống Nga ra trước công lý về tội xâm lăng ?

Trả lời phỏng vấn của Libération, luật sư Philippe Sands chuyên về công pháp quốc tế kêu gọi nhanh chóng điều tra và khởi tố những người chịu trách nhiệm về chính trị và quân sự về tội ác ở Ukraine. Theo ông, những vụ hành quyết ở Bucha và việc vây hãm Mariupol có thể được coi là tội phạm chiến tranh.

Chẳng hạn cảnh một thường dân trên xa lộ đã xuống xe, giơ tay lên đầu nhưng vẫn bị bắn chết ! Thậm chí việc sát hại dã man từ người lớn đến trẻ em ở Bucha còn có thể gọi là tội ác chống nhân loại, nếu việc bắn giết là mặc nhiên. Vladimir Putin và những người thân tín phải chịu trách nhiệm vì phải có lệnh từ cấp cao nhất mới hành xử như vậy, nhưng hiện chưa thể khẳng định được. Cần có những cơ quan độc lập như Hồng thập tự, Liên Hiệp Quốc, Tòa án Hình sự Quốc tế, các công tố viên, nhà báo, giảng viên giúp tìm ra sự thật, với những tư liệu, nhân chứng.

Theo luật sư Philippe Sands, những nghi can quan trọng nhất là Putin, ngoại trưởng Sergey Lavrov và bộ trưởng quốc phòng Sergey Shoigu. Luật sư kêu gọi lập ra tòa án đặc biệt xử tội xâm lăng, tội danh duy nhất có thể đưa Vladimir Putin ra trước công lý. Tội danh này theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc là khi "một Nhà nước dùng vũ lực xâm hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của một Nhà nước khác".

Đế quốc dối lừa của Putin

Les Echosnói về "Putin, đế quốc dối trá", một chế độ mà lớp tinh hoa tương lai không còn tin vào bất cứ điều gì. Những người có học thức không hề nghi ngờ về thất bại của cuộc xâm lăng Ukraine.

Putin có thể khống chế nhân dân nhưng đối với giới tinh hoa thì không dễ dàng, dù theo thăm dò thì uy tín của ông ta tăng lên từ ngày 24/02, cũng như sau khi chiếm được Crimea năm 2014. Những người thạo tin tuy cũng dân tộc chủ nghĩa nhưng biết rằng Nga sẽ yếu đi thay vì mạnh lên, đất nước bị cô lập chỉ vì nỗi ám ảnh của một con người duy nhất. Họ không bị đe dọa bởi bom đạn nhưng vì nạn kiểm duyệt của chế độ tập quyền mạnh nhất kể từ thời Stalin.

Tính toán và sợ hãi khiến nước Nga trở thành đế quốc dối lừa, mặc nhiên bóp méo thông tin, cấp dưới không dám nói sự thật - một yếu tố đóng góp vào thất bại ở Ukraine. Một ngày nào đó, sẽ không còn có thể nói dối nữa : những chiếc quan tài quay về, những người lính bị chấn thương kể lại sự thật với người thân. Với GDP đã giảm từ 10 đến 20%, mọi thứ chỉ mới bắt đầu. Putin có ý thức được thế yếu về chiến lược, ngoại giao và kinh tế của Nga hay không ? Dù sao ông ta còn vũ khí năng lượng và những lá bài bí mật nữa để làm yếu đi Châu Âu, và nói chung là thế giới tự do.

Nhà bình luận Dominique Moisi cho rằng tại Pháp, lá bài này là Marine Le Pen, thủ lãnh đảng cực hữu. Nếu bà Le Pen được bầu làm tổng thống vào ngày 24/04 tới, sẽ là lá bài tẩy được tung ra vào phút chót để cân bằng lại trò chơi. Trong quá khứ, bà Le Pen từng được sự trợ giúp của các ngân hàng Nga. Trước sự kiện chiến tranh lại diễn ra ở Châu Âu, vấn đề địa chính trị trở thành sống còn, cử tri cần sáng suốt kể cả những cử tri bất mãn với chính quyền.

Nước Pháp sẽ ra sao nếu thủ lãnh cực hữu đắc cử tổng thống ?

La Croix chạy tựa trang nhất "Xu hướng bầu để phản kháng", báo động : còn sáu ngày nữa đến cuộc bầu cử vòng 1, chưa bao giờ xu thế bỏ phiếu cho những ứng cử viên chống lại hệ thống lên cao đến như vậy. Tương tự trên Les Echos, tác giả Jacques Attali cảnh báo "Marine Le Pen có thể chiến thắng".

Có ít nhất bốn lý do : chưa có tổng thống nào tái đắc cử sau nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, đã có ít nhất hai ứng cử viên từng được cho là chắc chắn sẽ thắng nhưng bất ngờ thất bại, liên kết giữa các đối thủ trước tổng thống mãn nhiệm, và phe cực hữu đã trình ra bộ mặt dễ chấp nhận hơn.

Nếu thủ lãnh cực hữu trở thành tổng thống Pháp, điều gì sẽ xảy ra ? Nước Pháp sẽ rơi vào khủng hoảng chưa từng thấy và không thể đảo ngược, mà chính cử tri của bà Le Pen sẽ là nạn nhân đầu tiên. Về sức mua, các biện pháp của bà sẽ làm gia tăng lạm phát. Về sinh thái, tất cả những dự án điện gió bị hủy bỏ. Về xã hội, hàng triệu người sẽ trở nên vô gia cư, tay nghề cao trong nhiều lãnh vực bị thiếu. Các đề nghị cải cách về tư pháp và an ninh vi phạm tất cả những nguyên tắc hiến định, tầm nhìn văn hóa bị thu hẹp.

Nước Pháp có nguy cơ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), quân đội và đối ngoại nằm trong tay một nhân vật mà đồng minh duy nhất trên thế giới là các ông Putin và Orban. Tóm lại là cả một sự đảo lộn : Pháp sẽ liên minh với Nga chống lại Ukraine, đi ngược với EU và NATO ! Giáo sư Attali lưu ý cần tránh chọn lựa điều tệ hại nhất.

Chiến tranh Ukraine tác động đến Ấn Độ-Thái Bình Dương

Nhìn sang Châu Á, Le Monde nhận thấy cuộc chiến Ukraine đã làm đảo lộn cân bằng an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương : Ấn Độ gây bối rối cho Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản. Ấn Độ là thành viên duy nhất của Bộ Tứ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lăng của Nga.

New Delhi không muốn làm mất lòng Moskva : Từ 2010 đến 2020, Ấn mua đến 1/3 số vũ khí xuất khẩu của Nga – xe tăng, máy bay, trực thăng, đại bác – là khách hàng chính của Nga, bỏ xa Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ cần Mỹ, Châu Âu, Úc, Nhật để đối phó với Bắc Kinh. Bộ Tứ, hơn bao giờ hết, là một phương trình phức tạp.

Về phía Trung Quốc, cuộc họp thượng đỉnh với EU được Le Monde mô tả là "đối thoại giữa những người điếc", "thượng đỉnh của bất đồng". Việc Bắc Kinh từ chối dùng ảnh hưởng với Moskva để chấm dứt chiến tranh, cũng không muốn từ bỏ việc giúp Nga giảm nhẹ tác động cấm vận, không phải là điều đáng ngạc nhiên. Cũng không phải tình cờ mà Vladimir Putin khởi động cuộc chiến với Ukraine sau khi Thế vận hội Bắc Kinh kết thúc. Thế nên Châu Âu cần đánh giá lại chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, chú trọng vào Nhật Bản và Hàn Quốc, trước hiện trạng quan hệ của Trung Quốc và Ấn Độ với Nga. Cú sốc chiến tranh tại Ukraine không tránh né khu vực này.

Thụy My

Published in Quốc tế

Chiến tranh tại Ukraine và nguy cơ nạn đói trên thế giới

Có hai chủ đề chính chia sẻ trang nhất các báo Pháp ra ngày 28/03/2022 : Chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 10/04 chính thức mở ra và tình hình nóng bỏng tại Ukraine với các phóng sự từ chiến trường của đặc phái viên các báo, hay các bài phân tích về các hệ quả của cuộc chiến do Nga khởi động đối với Châu Âu và thế giới, đặc biệt là nguy cơ nạn đói bùng lên trên thế giới, đặc biệt là tại Châu Phi. 

nandoi1

Thu hoạch lúa mì gần làng Tbilisskaya (Nga) ngày 21/07/2021. AP - Vitaly Timkiv

Trong bài phân tích mang tựa đề "Dưới chiến tranh là nạn đói", nhật báo Le Figaro cho rằng cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã mở ra một "kỷ nguyên chiến lược" mới với sự trở lại của chiến tranh cường độ cao ở Châu Âu, kéo theo sự đối đầu trực tiếp giữa các chế độ độc tài và các nền dân chủ.

Đây cũng là một cú sốc lớn và kéo dài đối với nền kinh tế toàn cầu trên mọi mặt. Điều đáng ngại, theo tờ báo, là "nếu chiến tranh vẫn tập trung ở Châu Âu, thì một cuộc khủng hoảng lương thực sẽ tỏa ra toàn cầu".

Vựa thóc Ukraine vừa không sản xuất, vừa không xuất khẩu được

Le Figaro giải thích : Cuộc tấn công vào Ukraine đã làm gián đoạn luồng giao thương về nông sản và làm tổn hại đến an ninh lương thực của nhiều nước. Lý do là Nga và Ukraine chiếm 29% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới, 20% lượng ngô và lúa mạch, 80% dầu hướng dương và 35% hạt hướng dương. Nga cũng cung cấp 15% lượng phân đạm xuất khẩu trên thế giới toàn cầu.

Xung đột làm giảm đáng kể tiềm năng nông nghiệp Ukraine và gây nguy hiểm cho vụ thu hoạch năm 2022, vì 30% diện tích đất canh tác nằm trong vùng chiến sự trong thời kỳ gieo cấy.

Ngoài ra, giao thông của các cảng ở Biển Đen, nơi đảm bảo 30% lượng ngũ cốc vận chuyển, bị gián đoạn hoàn toàn, trong khi mạng lưới đường bộ và đường sắt bị phá hủy hoặc cắt đứt. 

Các quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực thực phẩm đặc biệt có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt và thậm chí là nạn đói. 

Theo Le Figaro, tác động tàn phá sẽ rất lớn đối với cư dân các quốc gia phương nam, những nước phải nhập khẩu thực phẩm. Tại Ai Cập, giá thực phẩm đã tăng 17,5% kể từ tháng 2. Đây là một yếu tố đáng ngại vì tại Ai Cập, thực phẩm chiếm 44% ngân sách hộ gia đình (so với 15% ở Châu Âu và 10% ở Hoa Kỳ). Các nước Tunisia và Lebanon đang bị thiếu bột mì và bột khoai mì. Ở Sudan cũng như ở vùng Sahel ở Châu Phi, một nửa dân số đang bị nạn đói đe dọa.

Tác động tàn phá với các nước nhập khẩu, vừa thiếu hàng, vừa bị giá cao

Nhật báo La Croix cũng dành một hồ sơ dài cho nguy cơ thế giới, đặc biệt là Châu Phi bị đói kém vì cuộc chiến tranh Ukraine.

Trong bài "Hành tinh lúa mì đang sôi sục", La Croix cũng nêu bật số liệu Nga và Ukraine chiếm 30% xuất khẩu lúa mì thế giới. Nỗi lo thiếu hụt khiến giá lúa mì bùng nổ, khiến các nước nghèo bị lệ thuộc nặng nhất càng dễ bị tác hại.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến trước cửa ngõ Châu Âu, hành tinh ngũ cốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lúa mì từ Nga và Ukraine, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày càng sử dụng thêm nhiều lúa mì. Theo ông Sébastien Abis, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược (Iris) của Pháp : "Mỗi năm, chúng ta tiêu thụ 800 triệu tấn lúa mì, so với vỏn vẹn 600 triệu khoảng 20 năm trước đây. Trong số 800 triệu tấn đó, một phần tư đến từ thương mại quốc tế, trong khi con số này chỉ chiếm 15% vào đầu những năm 2000".

Vấn đề là nếu lúa mì bây giờ được tiêu thụ ở khắp mọi nơi, thì việc sản xuất lại đòi hỏi điều kiện khí hậu đặc biệt, khiến cho không phải nơi nào cũng trồng được. Theo ông Pierre Blanc, giảng viên trường Nông Nghiệp Bordeaux Sciences Agro : "85% lúa mì trên thế giới do khoảng mười quốc gia sản xuất. Do đó, khả năng cung cấp cho những quốc gia cần đến trở thành một vấn đề chiến lược, cả về thương mại lẫn chính trị.

Theo La Croix, các kho thóc chính của thế giới hiện nay là Nga (khoảng 33 triệu tấn xuất khẩu vào năm 2021), Liên Hiệp Châu Âu (32 triệu, trong đó có khoảng 20 triệu từ Pháp), Ukraine (24 triệu), sau đó là Hoa Kỳ và Úc (23 triệu tấn)…

Và hiện nay, có hơn 20 quốc gia phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine hoặc Nga với hơn 50% lượng nhập khẩu của họ. Đây là trường hợp của Somalia, 100%, Sudan (75%), hay thậm chí là Ai Cập, với hơn 80%, cũng là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.

Câu hỏi từng được đặt ra là cuộc chiến ở Ukraine có thể dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống lương thực toàn cầu hay không ? Hôm 14/03, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã nói lên nỗi lo sợ về một "cơn lốc của nạn đói". Trong ngắn hạn, toàn bộ câu hỏi đặt ra là liệu lượng dự trữ sẵn có có đủ trong khi chờ vụ thu hoạch tiếp theo vào mùa hè này hay không.

Một vấn đề khác đáng lo ngại là giá cả tăng vọt. Trước khi khủng hoảng nổ ra, giá 1 tấn lúa mì biến chuyển từ 180 đến 220 euro. Giờ đây, giá này đã tăng vọt lên thành 400 euro.

Kharkov kiên cường dưới bom đạn Nga

Như nói ở trên, chủ đề quan trọng được báo chí Pháp hôm nay khai thác là tình hình nóng bỏng tại Ukraine. Le Figaro đã dành tựa lớn trang nhất cho cuộc kháng cự mạnh mẽ của người Ukraine và ghi nhận : "Kharkov kiên cường dưới bom đạn của Nga". 

Le Figaro đã cử đặc phái viên của mình đến tận thành phố lớn thứ hai của Ukraine để tìm hiểu về cuộc sống của những con người Kharkov đã không bỏ chạy mà đã chấp nhận ở lại một thành phố bị bom đạn Nga biến thành đống hoang tàn đổ nát sau một tháng bị tấn công và dội bom, nhưng vẫn không rơi vào tay quân xâm lược. 

Ngoài cuộc kháng chiến đáng ca ngợi của người Ukraine tại Kharkov, Le Figaro cũng chú ý đến tình hình tại Lviv, ở miền tây Ukraine, vừa bị Nga oanh kích dữ dội cuối tuần qua.  

Lviv bị tấn công vì là ngõ chuyển vận viện trợ phương Tây

Trong bài "Ở miền tây Ukraine, hành lang hẹp để chuyển vận vũ khí phương Tây", Le Figaro ghi nhận là Nga thường xuyên bắn phá o khu vực gần biên giới Ba Lan nơi trung chuyển viện trợ của phương Tây cho Ukraine. 

Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, khu vực này đã bị bắn phá hai lần, lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 3, khi hai chục tên lửa tầm xa, được bắn từ Nga, theo Lầu Năm Góc, đã rơi xuống căn cứ quân sự Yavoriv, ​​rt sát biên giới Ba Lan, khiến hơn 35 người thiệt mạng. Bốn ngày sau, một xưởng sửa chữa máy bay liền kề với sân bay của thành phố bị phá hủy. 

Theo quan điểm của Nga, việc tấn công vào các cơ sở hạ tầng này là điều hiển nhiên. Khu vực Lviv đã trở thành một trung tâm nhân đạo và quân sự, với số lượng thiết bị từ Ba Lan chuyển vào Ukraine ngày càng tăng do việc Hungary và Romania đã từ chối cho mượn lãnh thổ của họ cho các hoạt động như vậy. 

Một nguồn tin an ninh Châu Âu nêu bật : "Người Mỹ đã chậm hành động, nhưng một khi họ bắt tay vào việc, khối lượng viện trợ đã tăng một cách rất ấn tượng, tương đương với cả một cầu không vận thực sự". 

Thách thức mới cho Châu Âu là tái võ trang

Cũng liên quan đến cuộc chiến Ukraine, nhưng dưới lăng kính hệ quả, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos nêu bật trong hàng tựa lớn trang nhất : "Châu Âu : Thách thức của việc tái vũ trang".

Theo tờ báo, cuộc chiến ở Ukraine đang thúc đẩy các nước Liên Âu xây dựng một Châu Âu thực sự có năng lực về phòng thủ. Để làm được điều này, các nhà sản xuất vũ khí và các quốc gia phải học cách hợp tác. Đối với Les Echos, từ drone, vệ tinh, cho đến tàu sân bay, chiến đấu cơ… các ưu tiên rất nhiều. 

Pháp : Cuộc bầu cử tổng thống sẽ bị tỷ lệ vắng mặt kỷ lục

Chủ đề bầu cử tổng thống Pháp đã được ba tờ La Croix, Le Monde Libération nêu bật trong tựa lớn trang nhất, và được các báo còn lại dành cho nhiều bài vở bên trong. Nhìn chung, báo giới Pháp đều tỏ ý lo ngại trước nguy cơ cử tri lơ là phòng phiếu. 

Hàng tựa lớn của tờ báo thiên tả Libération đã nêu bật nỗi lo ngại chung khi ghi nhận : "Vắng mặt tối đa, động viên toàn diện". Theo tờ báo, vào cuối tuần qua, dù ở Marseille, Toulouse hay Paris, các ứng cử viên chủ chốt trong cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra đều nỗ lực vận động những người còn do dự tích cực tham gia cuộc bỏ phiếu. 

Nguy cơ cử tri không đi bầu, theo Libération là có thật, vì theo một cuộc thăm dò dư luân của hãng BVA-Orange được công bố vào tuần trước, có thể có đến gần một phần ba cử tri Pháp - chính xác là 29% - tẩy chay cuộc bầu cử tổng thống ngày 10/04 tới đây, tương tự như tỷ lệ vắng mặt kỷ lục năm 2002 là 28,4%. 

Về lý do khiến cho cử tri lơ là cuộc bỏ phiếu, trả lời báo Libération, nhà phân tích chính trị Pháp Bruno Cautrès cho rằng một trong những lý do là việc kết quả như đã được an bài trước, đó là tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron sẽ tái đắc cử, đúng theo những dự báo liên tiếp của các viện thăm dò trong thời gian gần đây. 

Cho dù vậy, Libération cũng ghi nhận là bản thân ứng cử viên Macron và những người thân cận với ông vẫn không cảm thấy yên tâm. Tờ báo nhấn mạnh tuyên bố thường được nghe thấy gần đây của chính ông Macron theo đó thì "Chưa có gì là ngã ngũ cả". Libération tự hỏi : "Liệu đây là nỗi lo ngại thực sự trước một sự cố có thể xảy ra khi bỏ phiếu, hay là một chiến lược nhằm động viên cử tri ủng hộ mình ?".

Nỗi lo ngại của Macron, ứng cử viên sáng giá nhất

Thái độ lo lắng của ứng cử viên - đương kim tổng thống đã được Le Monde nêu bật thành tựa lớn trang nhất : "Macron : Những rủi ro của một chiến dịch tranh cử không có động lực". 

Đối với Le Monde, bị cuộc chiến ở Ukraine làm cho phân tâm, nguyên thủ quốc gia Pháp hiện đang phải cố gắng rất nhiều để hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày của người Pháp, hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống. 

Điều đáng lo ngại là cương lĩnh tranh cử mà ông Macron công bố hôm 17 tháng 3 không những không tạo ra một đông lực nào cho chiến dịch vận động tranh cử của ông, mà lại còn làm dấy lên nhiều tranh cãi, đặc biệt trên hồ sơ Tiền Trợ Cấp RSA cho những người lợi tức thấp và kế hoạch nâng tuổi hưu pháp định lên mức 65 tuổi. 

Theo Le Monde, các tranh cãi bùng lên đang khiến cho một số người ủng hộ ông Macron lo lắng trong bối cảnh hai đối thủ nặng ký của ông trong cuộc bầu cử là ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen và cực tả Jean-Luc Mélenchon đang vươn lên trong các cuộc thăm dò ý kiến. 

Cú sốc của các cương lĩnh tranh cử

Nhật báo công giáo La Croix cũng dành trang nhất cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhưng có cái nhìn toàn diện hơn và ghi nhận : "Cú sốc của các chương trình tranh cử"

Theo tờ báo, với việc chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp chính thức mở ra hôm nay, độc giả cần hiểu rõ hơn về các chương trình hành động của các ứng cử viên. Trên cơ sở đó, La Croix đã thiết lập một bảng so sánh cương lĩnh của 8 ứng cử viên chủ chốt, và sẽ lần lượt phân tích từng điểm một, khởi đầu bằng đề xuất liên quan đến vấn đề nhập cư. 

Vấn đề này, theo La Croix, đang bị cuộc chiến tranh Ukraine tác động. 

"Sức sống của nền dân chủ"

Dù không nêu lên thành tựa lớn trang nhất, nhưng nhật báo thiên hữu Pháp Le Figaro đã dành bài xã luận của mình cho cuộc vận động tranh cử bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút, và không ngần ngại ca ngợi trong hàng tựa : "Sức sống của nền dân chủ". 

Theo tờ báo, vào lúc tỷ lệ cử tri vắng mặt cực lớn có thể đánh dấu vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống trong 13 ngày tới đây, chắc hẳn là các ứng cử viên đã muốn phản bác kết quả của các cuộc thăm dò dư luận bằng cách cho thấy là từ quảng trường Trocadero ở Paris cho đến Bãi Prado ở Marseille, họ vẫn thu hút được đám đông, làm rộ lên những tràng pháo tay và vẫn khơi dậy hy vọng cho những ngày mai tươi sáng khác". 

Le Figaro không che giấu thái độ vui mừng, khi ghi nhận rằng : "Sau nhiều tháng vận động gay go và trải qua những thời điểm trồi sụt, các ứng cử viên đều chứng tỏ quyết tâm muốn thuyết phục cử tri". 

Đối với tờ báo, đây quả là đoạn đua nước rút trước vòng đầu tiên của cuộc bầu cử, trong bối cảnh "các cuộc thăm dò dư luận đang thu hẹp khoảng cách giữa Emmanuel Macron và Marine Le Pen, cho thấy khó khăn của Valérie Pécresse và Éric Zemmour trong việc vươn lên, vào lúc mà Jean-Luc Mélenchon đang có thêm một động lực nhỏ". 

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế