Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

07/04/2022

Chiến tranh Ukraine thay đổi thế giới như thế nào ?

Nguyễn Gia Kiểng

Phong trào toàn cầu hóa không chấm dứt mà chỉ thay đổi để biến thành hợp tác toàn cầu giữa các nước dân chủ. Toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận bất chấp chế độ chính trị nhường chỗ cho toàn cầu hóa đặt nền tảng trên các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và công pháp quốc tế.

220324f-006

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bruxelles ngày 24/03/2022 để tham dự ba hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp bất thường về cuộc chiến Ukraine : NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu.

Ngày thứ năm 24/03/2022 vừa qua phải được coi là một cột mốc lớn của lịch sử thế giới dù ít ai lưu ý. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến Bruxelles và trong cùng một ngày đã tham dự ba hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp bất thường về cuộc chiến Ukraine : NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu.

Cùng với những tuyên bố chung lên án quyết liệt cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine là quyết định của Liên Hiệp Châu Âu giảm một nửa lượng dầu khí nhập khẩu từ Nga ngay trước mùa hè, rồi 2/3 trước cuối năm 2022, để sau cùng 100% trước năm 2030.

Tại sao 2030

Chấm dứt phong trào toàn cầu hóa ?

Ai cũng biết là cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine sẽ không kéo dài, những nhà chính trị và bình luận thận trọng nhất cũng chỉ dự đoán nó sẽ kết thúc trong vòng một hai năm là cùng. Lý do giản dị là nó không thể kéo dài. Nga không có khả năng tiếp tục lâu hơn cuộc chiến hao tổn này với một kinh tế quá yếu. Trước cuộc chiến GDP của Nga chỉ bằng 1.450 tỷ USD, hay 1,7% GDP thế giới, bây giờ đã thiệt hại rất nhiều rồi và sẽ còn thiệt hại nhiều hơn nữa trong những ngày sắp tới vì những biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc ở mức độ chưa từng thấy. Thời điểm 2030 như vậy có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu sẽ hoàn toàn không còn mua dầu khí từ Nga nữa dù tình hình biến chuyển thế nào. Nói cách khác Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định chấm dứt hẳn mọi hợp tác với Nga và đây cũng là quyết định chung của Mỹ và các nước dân chủ phát triển bởi vì xuất phát từ thượng đỉnh G7.

Ngay sau đó các công ty Mỹ và Âu đã đóng cửa các cơ sở của họ tại Nga hoặc tuyên bố sẽ rút hẳn khỏi Nga trong thời gian ngắn. Vài ngày sau, trong một thư gửi các cổ đông Larry Fink, tổng giám đốc quỹ đầu tư BlackRock, tuyên bố "cuộc chiến tranh Ukraine đã kết thúc phong trào toàn cầu hóa như đã thấy trong ba thập niên qua". Miệng kẻ sang có gang có thép, Fink đã nói như vậy thì các quỹ đầu tư khác và các công ty đa quốc lớn cũng khó làm ngược lại. Ông ta là người quyền thế nhất trên kinh tế thế giới hiện nay. Quỹ đầu tư BlackRock mà ông ta điều hành là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới với số vốn xấp xỉ 10.000 tỷ USD, gần bằng GDP của Trung Quốc và gấp 50 lần GDP của Việt Nam. Cũng nên biết rằng đa số các công ty lớn do các quỹ đầu tư kiểm soát và 12 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới có tổng số vốn khoảng 45.000 tỷ USD, cao hơn một nửa GDP của toàn thế giới.

Thực ra Larry Fink chỉ nói thẳng ra để công khai hóa và đẩy mạnh một khuynh hướng mà BlackRock và các quỹ đầu tư khác ít nhiều đã bắt đầu theo từ vài năm nay là rút dần đầu tư khỏi các nước độc tài, cụ thể là Trung Quốc.

Các nước dân chủ đã tẩy chay Nga thì cũng không còn bất cứ lý do nào để hợp tác với Trung Quốc. Nga không nguy hiểm bằng Trung Quốc, tầm quan trọng chiến lược của Ukraine không bằng Biển Đông và eo biển Đài Loan. Qua các chỉ số chứng khoán người ta có thể thấy Trung Quốc không phải là "ngư ông đắc lợi" như nhiều người có thể nghĩ. Các chỉ số này trước hết đo lường sức thu hút đầu tư của hoạt động kinh tế ; từ đầu năm nay, chủ yếu là từ khi Nga xâm lăng Ukraine, chúng  đã sút giảm mạnh hơn hẳn tại Trung Quốc so với Mỹ và Châu Âu.

joe2

Phong trào toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận này còn được thời cơ thuận lợi nhờ chủ nghĩa tân phóng khoáng đã thịnh hành từ giữa thập niên 1970. Ảnh minh họa Tượng bò bằng đồng trước Thị trường chứng khoán Phố Wall Street, New York

Thế giới đã bừng tỉnh

Phải nói Putin đã đánh thức các nước dân chủ. Khuynh hướng áp đảo sau năm 1991, khi Liên Xô và phong trào cộng sản thế giới sụp đổ, là cho rằng lịch sử -hiểu như là sự xung đột ý thức hệ giữa các quốc gia và giữa các khuynh hướng chính trị trong mỗi quốc gia- đã chấm dứt và từ nay chỉ còn ưu tư kinh tế.

Nước Mỹ đã chặn đứng làn sóng dân chủ thứ ba năm 1992 khi bầu Bill Clinton, một tổng thống trẻ đẹp ăn chơi ra ứng cử với khẩu hiệu "chỉ làm kinh tế" (economy, stupid). Các nước trong Liên Hiệp Châu Âu nói chung đã giảm một nửa ngân sách quốc phòng. Riêng nước Đức tỏ ra đặc biệt lạc quan và thực tiễn. Cả hai thủ tướng tả và hữu kế tiếp nhau, Gerhard Schroder và Angela Merkel, trong hơn 20 năm đã thi đua gia tăng hợp tác với Nga và Trung Quốc để tận dụng tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ lớn. Riêng bà Angela Merkel thì phá mọi kỷ lục của sự thiển cận. Đường dẫn khí Nord Stream II -với tác dụng là khiến Châu Âu lệ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga một khi đi vào hoạt động- đã được khởi sự thi công năm 2018, sau khi Putin đã san bằng Grozny và tàn sát người Chechen, đã xâm lăng Georgia, đã sử dụng bom hóa học để bảo vệ chính quyền sát nhân Al Assad tại Syria, đã lấn chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Và đã ám sát các thành phần đối lập một cách rất sáng tạo bằng dao, bằng súng, thuốc độc và cả phóng xạ nguyên tử. Đúng là coi thường đạo đức và công pháp quốc tế, nhưng cũng nhờ vậy mà kinh tế Đức tăng trưởng tốt và bà Merkel đã được cảm tình của cử tri Đức và giữ được ghế thủ tướng trong 16 năm. Người ta lấy ước muốn làm sự thực và cố tình tin rằng hợp tác kinh tế sẽ khiến Nga và Trung Quốc dần dần dân chủ hóa, hay ít nhất hiền lành hơn, mặc dù tất cả mọi bằng chứng ngược lại.

Phong trào toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận này còn được thời cơ thuận lợi nhờ chủ nghĩa tân phóng khoáng (neoliberalism) đã thịnh hành từ giữa thập niên 1970. Tác dụng tổng hợp của cả hai là các công ty ào ạt chuyển các nhà máy sang Trung Quốc, biến Mỹ từ một cường quốc sản xuất thành một cường quốc tiêu thụ với chênh lệch giầu nghèo ở mức độ nguy kịch, khiến Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO chết lâm sàng và chủ nghĩa dân túy bùng phát.

Mặc dầu vậy làn sóng dân chủ vẫn lặng lẽ tràn tới bởi vì nó là ước vọng nền tảng của loài người ngày càng ý thức được các quyền không thể chuyển nhượng của mình nhờ các tiến bộ về giao thông và truyền thông. Từ vài năm nay tham vọng bá chủ lộ liễu và chính sách xiết lại chống dân chủ của Tập Cận Bình đã dần dần khiến Phương Tây tỉnh ngộ. Cuộc xâm lăng Ukraine của Putin về bản chất cũng là một cuộc phản công chống dân chủ, nó đã giáng một đòn ơn huệ vào ảo tưởng còn lại là toàn cầu hóa sẽ giải quyết tất cả. Thế giới đã bừng tỉnh. NATO đã hồi sinh. Các nước Châu Âu trong và ngoài Liên Hiệp Châu Âu nhất trí hơn bao giờ hết về những biện pháp trừng phạt thẳng tay đối với Nga và tận tình giúp Ukraine. Hàng trăm viên chức ngoại giao Nga đã và sắp bị trục xuất khỏi các nước Châu Âu bất chấp đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao của Nga. Thế giới dân chủ đoàn kết và quyết tâm như chưa bao giờ thấy.

Đồng thuận hiện nay của các chính quyền dân chủ phát triển, các quỹ đầu tư và các công ty đa quốc là, một mặt, phải rút ngắn đường dây sản xuất và, mặt khác, đem sản xuất lại gần với tiêu thụ. Rút ngắn đường dây sản xuất có nghĩa là một thành phẩm, thí dụ như một xe ô-tô, thay vì gồm những thành tố đến từ mười nước khác nhau sẽ chỉ do sự hợp tác của khoảng năm nước thôi. Còn thế nào là "gần" ? Chắc chắn không phải là khoảng cách địa lý bởi vì những tiến bộ về giao thông và vận tải đã khiến thời gian và chi phí chuyên chở không còn quan trọng nữa. Gần phải được hiểu là gần về chế độ chính trị để tránh tiếp tay cho những bạo quyền với những hậu quả tai hại không ngờ. Như vậy phong trào toàn cầu hóa không chấm dứt mà chỉ thay đổi để biến thành hợp tác toàn cầu giữa các nước dân chủ. Toàn cầu hóa xô bồ duy lợi nhuận bất chấp chế độ chính trị nhường chỗ cho toàn cầu hóa đặt nền tảng trên các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền và công pháp quốc tế.

joe3

Thế giới từ sau chiến tranh lạnh có ba siêu cường quân sự tranh giành ảnh hưởng : Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Bối cảnh thế giới mới

Thế giới từ sau chiến tranh lạnh có ba siêu cường quân sự tranh giành ảnh hưởng : Mỹ, Trung Quốc và Nga. Ở những mức độ khác nhau, cả ba đều đang trong tình trạng nguy ngập. Bối cảnh thế giới mới sẽ rất khác. Mọi quốc gia phải nhìn rõ để thích nghi, nhất là các nước đang phát triển, để tránh những vấp ngã và tận dụng các cơ hội.

Cuộc chiến Ukraine ngay lúc này đã là một thất bại thê thảm cho Nga. Nó đã khiến Nga tổn thất rất nặng nề ở mức không thể chịu đựng nổi với một nước chỉ có trong lượng chưa tới 2% GDP thế giới và một thu nhập bình quân trên đầu người chưa đạt mức trung bình thế giới. Nó cũng đã khiến Nga  hoàn toàn bị cô lập trong sự kinh tởm phẫn nộ của cả thế giới. Tuy vậy nó khó có thể kết thúc nhanh chóng, thảm bại tại mặt trận miền Bắc đã chỉ khiến Putin tái phối trí lực lượng để tập trung tấn công phía Đông Nam. Putin cần một chiến thắng hay ít nhất một cái gì đó cho phép ông ta ngụy biện cho là một chiến thắng. Cao điểm của cuộc chiến vẫn còn chưa đạt tới. Tệ hơn nữa cho nước Nga là dù cuộc chiến Ukraine đã là một thảm kịch và một thảm bại cho nước Nga, chính quyền Putin sẽ còn kéo dài để khiến Nga tiếp tục phá sản vì những biện pháp trừng phạt chưa từng có, trừ khi có biến cố bất ngờ. Ông ta đã ám sát hay bỏ tù những đối thủ chính trị chính, đã dẹp tan các tổ chức đối lập, đã bỏ tù hoặc trục xuất ra nước ngoài phần lớn những người đối lập, đã chỉ để lại trong guồng máy nhà nước, quân đội và công an những phần tử phục tùng không điều kiện. Điều có thể nhìn thấy ngay lúc này là đàng nào Liên Bang Nga cũng sẽ bị suy sụp và không còn một ảnh hưởng đáng kể nào trên thế giới trước khi tan vỡ như Liên Bang Xô Viết trước đây.

Đối với Trung Quốc vấn đề không phải là bao giờ Trung Quốc sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế mà chỉ là Trung Quốc còn che giấu được sự khủng hoảng đến bao giờ. Không nên tin những thống kê của Bắc Kinh. Trong thời kỳ Bước Nhảy Vọt rồi Đại Cách Mạng Văn Hóa hơn 10% dân chúng Trung Quốc đã chết đói nhưng các con số kinh tế bao giờ cũng vượt chỉ tiêu. Kinh tế Trung Quốc không thể tăng trưởng trong khi ba ngành xây dựng, đóng tầu và đường sắt -chiếm gần 40% GDP- hoàn toàn tê liệt. 

Sai lầm của phần lớn các nhà nghiên cứu là họ lý luận về Trung Quốc như một quốc gia trong khi Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một đế quốc. Lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng một đế quốc luôn luôn phải đặt nền tảng trên một ý thức hệ và khi ý thức hệ đó sụp đổ, ngay cả để nhường chỗ cho một ý thức hệ đúng hơn, thì đế quốc không thể tồn tại. Đó đã là số phận của tất cả các đế quốc trong lịch sử thế giới, gần đây nhất là Liên Bang Xô Viết. Đó cùng sẽ là số phận sắp tới của "tiểu đế quốc" Nga.

Đế quốc Trung Hoa đã đặt nền tảng trên Khổng Giáo và tồn tại cùng với Khổng Giáo rồi tiếp tục tồn tại dưới chế độ cộng sản vì chủ nghĩa Mác – Lênin không khác Khổng Giáo bao nhiêu. Hiện nay Trung Quốc đang phải đương đầu với tiến trình dân chủ hóa bắt buộc nhưng dân chủ lại không chỉ khác hẳn mà còn đối chọi với Khổng Giáo và chủ nghĩa Mác – Lênin. Trung Quốc bắt buộc phải dân chủ hóa (nhắc lại : vì đó là khuynh hướng tất yếu của cả loài người) nhưng lại không thể dân chủ hóa cho nên đang gặp khó khăn lớn và chắc chắn sẽ không thể tiếp tục tồn tại với cùng một lãnh thổ và dân số. Lịch sử thế giới cũng cho thấy rằng trong tiến trình suy sụp, các đế quốc không gây chiến với bên ngoài -trừ khi bị trực tiếp tấn công- mà thường co cụm lại để đương đầu với các khó khăn bên trong. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Bắc Kinh tỏ ra hiền lành trong lúc này. Với một sự thận trọng tối thiểu các nước trong khu vực sẽ không có lý do nghiêm trọng để lo âu về Trung Quốc.

Còn Mỹ ? Điều mà cả ba thượng đỉnh bất thường ngày 24/03 vừa qua tại Bruxelles cho thấy là Mỹ không còn vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ. Joe Biden đã tham dự ba hội nghị thượng đỉnh như một đồng minh để cùng thảo luận về một lập trường chung chứ không còn như một bá chủ đến để thông báo những quyết định đơn phương. Giai đoạn Mỹ tự ý tấn công rồi tự ý rút lui, như tại Iraq và Afghanistan, đã cáo chung. Không thể khác, uy tín của Mỹ đã xuống rất thấp sau quá nhiều sai lầm và trọng lượng kinh tế của Mỹ cũng đã sút giảm nhiều. Và chính Mỹ cũng đang khủng hoảng lớn về định chế chính trị, về đạo đức, về dân trí cũng như về chính tinh thần quốc gia. Tương lai của nước Mỹ cũng đầy bất trắc.

Tóm lại, trong ba siêu cường thì Nga sẽ sụp đổ trong tương lai rất gần, Trung Quốc sẽ trở thành một trung tâm khủng hoảng trong tương lai không xa. Cả hai sẽ phải chấp nhận một giai đoạn chuyển hóa dài và khó khăn về dân chủ dù cái giá phải trả là rất có thể sẽ vỡ ra thành nhiều khối. Mỹ cũng đang khủng hoảng, vai trò lãnh đạo thế giới dân chủ đã chấm dứt và sẽ cần một phép mầu để còn nguyên vẹn.

Như vậy bối cảnh thế giới sắp tới sẽ ra sao ? 

Chắc chắn là sẽ có phân cực giữa hai khối dân chủ và độc tài nhưng sẽ không có thế chiến. Khối các nước dân chủ, với trọng lượng kinh tế trên 2/3 GDP thế giới và với một mức độ phát triển văn hóa khoa học và kỹ thuật vượt trội, không muốn chiến tranh vì không cần chiến tranh trong khi Nga và Trung Quốc không có sức mạnh để gây chiến. Sự phân cực như vậy sẽ có nghĩa là khối các nước dân chủ vẫn hòa hoãn và thân thiện nhưng không hợp tác với các chế độ độc tài, các trao đổi chỉ giới hạn ở mức thực sự cần thiết và có điều kiện, trong tinh thần khuyến khích dân chủ hóa.

Trật tự thế giới mới sẽ là trật tự dân chủ không còn nước bá chủ với Liên Hiệp Quốc đóng vai trò quản lý luật pháp quốc tế, trọng tài các tranh tụng và điều hợp các cố gắng chung. Đó là trật tự mọi quốc gia đều mong muốn và đang hình thành.

joe0

Lối thoát duy nhất, cũng là con đường thênh thang tiến về tương lai của nước ta, là dân chủ hóa nhanh chóng trước khi quá trễ.

Việt Nam sẽ ra sao trong bối cảnh thế giới mới này ?

Vào năm 2019, tất cả mọi quan sát viên đều đồng ý rằng Việt Nam là nước có cơ hội thuận lợi nhất không chỉ trong vùng mà trên cả thế giới. Các nước dân chủ cần tranh thủ Việt Nam để ngăn chặn tham vọng chiếm lĩnh Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam là điểm đến chính của các công ty đang ào ạt rời Trung Quốc. Nhưng rồi dịch Covid-19 ập tới đình hoãn lại tất cả. Và từ nay phong trào toàn cầu hóa xô bồ đang nhanh chóng nhường chỗ cho một toàn cầu hóa giữa các nước dân chủ. Chẳng bao lâu thế giới cũng sẽ nhận ra là Trung Quốc không còn là một đe dọa lớn đến nỗi phải chiều chuộng Việt Nam bằng mọi giá. Các nguồn đầu tư sẽ không còn lý do để đến một nước Việt Nam vẫn do một Đảng Cộng Sản độc quyền cai trị. Lá phiếu trắng của Việt Nam trong cuộc biểu quyết đòi Putin chấm dứt cuộc xâm lăng Ukraine sẽ còn được nhớ tới rất lâu. Trong khi đó thì kinh tế Việt Nam, với ngoại thương lớn gấp hai lần GDP, hoàn toàn lệ thuộc vào bối cảnh bên ngoài và sẽ rất khốn khổ nếu không được đặc biệt chiếu cố, chưa nói nếu bị cô lập. Đảng Cộng Sản có thể lại đang làm đất nước mất đi một vận hội lớn không thể nào tìm lại được nữa.

Lối thoát duy nhất, cũng là con đường thênh thang tiến về tương lai của nước ta, là dân chủ hóa nhanh chóng trước khi quá trễ. Hơn lúc nào hết những người dân chủ Việt Nam phải ý thức được trách nhiệm lịch sử của mình. Vào lúc này đấu tranh chấm dứt chế độ độc tài và thiết lập dân chủ cũng là đấu tranh cứu nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(07/04/2022)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 1943 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)