Vào ngày mà cả nước đang tri ân thầy cô giáo của mình và nghề giáo, có một nghề như bị lãng quên, dù nó cao quý và đáng trân trọng khi quyết định mọi vấn đề trong cuộc sống của chúng ta : Nghề làm chính trị. Ngày Hiến chương các nhà giáo (20/11) cũng nên xem là ngày tri ân với những người "làm chính trị".
Ngày Hiến chương các nhà giáo (20/11) cũng nên xem là ngày tri ân với những người "làm chính trị".
Ngày 20/11 của Việt Nam
Ngày 20/11 là ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo, kỷ niệm việc xây dựng bản "Hiến chương các nhà giáo" năm 1949 tại Warszawa-Ba Lan, gồm 15 chương. Công đoàn giáo dục Việt Nam, là thành viên của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE) từ năm 1953 tổ chức kỉ niệm ngày này lần đầu trên toàn miền Bắc Việt Nam năm 1958. Các nội dung chủ yếu của hiến chương là:
- Đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học.
- Đấu tranh chống lại các chế độ bạc đãi, coi khinh nghề dạy học và ra sức bảo vệ những quyền lợi về vật chất, tinh thần chính đáng cho các nhà giáo.
- Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học…
Ngày 20/11 ở Việt Nam chính là dịp để thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình. Tuy nhiên, không ai dám chắc lời tri ân đó là thực lòng hay không khi nhìn vào thực trạng xã hội ngày hôm nay: Nghề giáo đã thực sự bị xem là một nghề kiếm tiền. Nếu với mức lương không đủ sống, áp lực cuộc sống sẽ khiến thầy cô, bằng cách này hay cách khác, đẩy vấn đề đó sang phụ huynh, bằng dạy học thêm hay bằng quà cáp. Với giáo dục tư thục, đó đơn thuần chỉ còn là việc bỏ tiền ra mua kiến thức. Tính nhân văn đã mất đi trong nghề nghiệp vốn có vai trò cao quý trong mọi xã hội, dù các chế độ chuyên chế (xem giáo dục là công cụ truyền bá cho Đảng và tước đi trạng thái tự do học thuật) cũng không dám phủ nhận vai trò của nó.
Khi Việt Nam chưa "mở cửa" và dù đảng cộng sản vẫn cai trị xã hội bằng ý thức hệ sau nội chiến 1975 nhưng xã hội vẫn sản sinh ra những người thầy tử tế giữ được đạo làm thầy, để dạy học trò đạo làm người. Từ khi Đảng làm kinh tế, mọi thứ quay cuồng theo lợi ích của Đảng. Chính quyền mượn giáo dục và lấy độc quyền chính trị để rao giảng thế nào là yêu nước, bóp méo tôn giáo và đảo lộn mọi đạo lý. Tất cả chỉ để người Việt hiểu làm người trước tiên là phải thừa nhận sự độc tôn vai trò của Đảng. Chúng ta không còn thấy hiến chương các nhà giáo đâu nữa. Những quyền lợi chính đáng của nhà giáo quy cả ra tiền. Với chế độ cộng sản thì hoàn toàn có thể đổi tiền để lấy điểm hay lấy bằng. Nghề giáo thành nghề bán cả lương tâm.
Khi lương tâm cũng bị mang ra bán, nghề giáo thành một nghề rẻ tiền hơn những nghề khác, vì sứ mệnh nghề giáo là dạy làm người. Muốn làm người tử tế thì người làm nghề giáo dục cũng phải tử tế. Lời tri ân sâu sắc của học trò với Thầy Cô không phải ở kiến thức được truyền dạy trong thời đại Internet này, mà ở nhân cách của người dạy, để học trò hình thành nhân cách của người học. Bó hoa tặng thầy cô với cả tấm lòng đã bị mất đi ý nghĩa của nó.
Trong lòng chế độ chuyên chế này vẫn có một nghề bị người đời cho rằng là dơ bẩn, thủ đoạn và xấu xa là "nghề làm chính trị". Hoàn toàn sai. Đó là một nghề cao quý và đáng tôn trọng như là nghề giáo. Nghề này là nghề duy nhất có thể thay đổi số phận dân tộc và sửa sai cho nghề giáo.
Nghề chính trị ở Việt Nam
Ông Nguyễn Gia Kiểng đã viết : "Một cách giản dị chính trị là đạo đức ứng dụng, là sự thể hiện các giá trị đạo đức trong xã hội. Đạo đức và chính trị nhắm trả lời cùng một câu hỏi phải sống và hành động như thế nào. Chỉ khác nhau ở qui mô, đạo đức tìm câu trả lời ở qui mô cá nhân trong khi chính trị tìm giải đáp ở qui mô xã hội".
Đạo đức tìm câu trả lời ở qui mô cá nhân trong khi chính trị tìm giải đáp ở qui mô xã hội".
Phải sống thế nào cho đúng trong chế độ cộng sản ? Đó là câu hỏi không dễ có lời giải. Tư tưởng chuyên chế của Đảng cộng sản bao trùm xã hội. Độc đảng tự tôn vai trò của nó và phủ nhận tất cả những tư tưởng khác biệt. Dĩ nhiên nó phủ nhận bất kỳ hình thức giáo dục nào không đề cao vai trò của Đảng. Một cách thủ đoạn, Đảng cộng sản cố tình nhồi nhét vào đầu người dân rằng "chính trị là thủ đoạn và nhơ bẩn" cho nên cứ để mặc họ làm, người tử tế không cần quan tâm. Lâu dần quan niệm bất thành văn ấy hình thành trong vô thức người dân khiến họ xem thường sự quan trọng của lĩnh vực này. Thậm chí không ít trí thức cho rằng không làm chính trị trở thành một niềm tự hào của bản thân.
Để thay đổi số phận dân tộc cần thay đổi nhận thức về quan niệm chính trị. Phải trả bản chất của chính trị về với đúng tính chất và sự cao quí của nó, đó là các giải pháp mang lại sự thịnh vượng và phát triển cho mọi quốc gia. Phải hiểu và đồng ý với nhau rằng một nghề quyết định cuộc sống và tương lai của bao nhiêu người không thể bẩn thỉu và thủ đoạn. Thay đổi suy nghĩ đó là nhiệm vụ của những người trí thức.
Thể chế chính trị chính là nỗ lực và trí tuệ của mỗi dân tộc. Chế độ cộng sản sở dĩ kéo dài bởi vì chúng ta vẫn còn cho rằng chính trị là việc riêng của các tổ chức chính trị chứ không phải của mỗi người. Quan niệm "chính trị là đạo đức ứng dụng" phải là một niềm tin tất yếu cho những người đấu tranh dân chủ Việt Nam thì phong trào dân chủ mới có tương lai.
Nhìn rộng ra phạm vi thế giới chúng ta có thể thấy những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, di dân, khủng bố, phát triển kinh tế và an toàn sinh thái không phải là vấn đề riêng của mỗi quốc gia. Xét rộng ra, loài người liên kết với nhau không chỉ vì yêu thương nhau mà còn vì phải liên kết để sinh tồn, từ nhu cầu trị thuỷ hay chung tay đối phó dịch bệnh hoặc biến đổi khí hậu. Đó là chưa nói tới những thay đổi lớn về công nghệ, đang ập đến rất nhanh và làm thay đổi cấu trúc xã hội mà không quốc gia đơn lẻ nào giải quyết được. Thế giới cần hợp tác trong sự liên đới. Thế giới chỉ có thể phát triển hài hòa và tốt đẹp khi xem chính trị là đạo đức ứng dụng.
Ở Việt Nam, muốn thay đổi quan niệm "chính trị là dơ bẩn" thành "chính trị là đạo đức" rất cần một lớp người hiểu đúng, tôn trọng và dám dấn thân để truyền bá các giá trị đó và dĩ nhiên, phải đi ngược lại "ánh sáng soi đường" của Đảng cộng sản để trả chính trị về với ý niệm nhân văn, như nghề giáo. Nếu nghề giáo ở đất nước này đã trở thành một nghề, như bao nghề khác thì phải đoạn tuyệt với quan niệm xem chính trị là thủ đoạn, để chính trị có thể sửa sai và kiến tạo lại tương lai cho cả dân tộc. Chỉ có những quan niệm về chính trị tử tế mới tạo ra được thể chế tử tế và con người tử tế.
Chính trị là đạo đức ứng dụng
Hành trình của nhân loại là hành trình đi tìm ánh sáng của tự do, của sự sống, của những ham muốn cá nhân và tập thể, của sự giải thoát khỏi sự ràng buộc bất công và vô lý. Từ đời sống tự nhiên hoang dã loài người tiến đến việc xây dựng nên các thể chế văn minh và các hình thức tổ chức xã hội phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Nguồn lực từ tự nhiên là hữu hạn, tham muốn con người thì vô hạn. Vì vậy, bạo lực được xem là phương tiện đầu tiên để giải quyết sự sinh tồn khi phải tranh đoạt lẫn nhau. Đứng trước sự sống còn, mạnh được yếu thua, khi muôn loài tranh đoạt từ thức ăn, nơi cư ngụ, đến giao phối… loài người tạo ra chiến tranh và nghĩ ra những tư tưởng mới thiết lập lại thế giới.
Nhân loại đã chứng kiến chủ nghĩa phát xít, sô vanh, cộng sản… hủy hoại thế giới tàn khốc như thế nào trong thế kỉ 20. Nhân loại, sau khi đổ máu và tàn sát lẫn nhau đã nhận ra sự nguy hiểm của chiến tranh và tìm cách loại trừ các chế độ độc tài chuyên chế bằng cách khác.
Nhân loại, sau khi đổ máu và tàn sát lẫn nhau đã nhận ra sự nguy hiểm của chiến tranh và tìm cách loại trừ các chế độ độc tài chuyên chế bằng cách khác.
Con người không chỉ có trí khôn mà còn có tâm hồn, đó là điểm khác biệt lớn nhất so với các động vật. Nhận thức rằng vòng xoáy bạo lực chỉ dẫn đến sự diệt vong khiến cho nhân loại chọn phương pháp đấu tranh bất bạo động, tức là bằng tư tưởng chính trị. Con người cũng hiểu rằng bạo lực phải được xếp cuối trong các phương thức đấu tranh, kể cả vì chính nghĩa.
Trong các thể chế chuyên chế như Việt Nam thì Đảng quyết định tất cả và mọi chân lý cũng đảo lộn. Công lý luôn là điều xa xỉ khi luật pháp thay vì bảo vệ công lý thì đi bảo vệ Đảng. Đạo đức là những giá trị của mỗi cá nhân để tư duy và ứng xử trong một xã hội văn minh. Đạo đức là chính trị trên phạm vi quốc gia. Một lần nữa, chính trị và đạo đức là một. Những người Việt Nam đấu tranh cho dân chủ phải tôn trọng và đề cao đạo đức như là phẩm chất cao nhất.
Chúng ta chưa từng có một tầng lớp trí thức chia sẻ khái niệm chính trị là đạo đức. Lịch sử của dân tộc ta là nội chiến và tiêu diệt lẫn nhau, đời này qua đời khác. Muốn thay đổi thực trạng đau buồn ngày hôm nay thì cần phải có bước nhảy vọt về tư tưởng chính trị. Phải xem chính trị và đạo đức là một để đất nước có một tương lai khác. Internet là một công cụ vĩ đại để mang tư tưởng dân chủ đến cho mọi người. Vấn đề còn lại, là những ai đã lãnh hội được vấn đề thì cần tập hợp lại với nhau thành một lực lượng đủ mạnh để có thể áp đặt được thay đổi cho đất nước và dân tộc.
Nhân ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam mong rằng mỗi chúng ta nên suy nghĩ và quan niệm lại về chính trị vì đó là lĩnh vực quan trọng nhất để vãn hồi trật tự, sửa sai cho nghề giáo đã bị bóp méo và kiến thiết lại đất nước. Phải xem chính trị là một nghề cao quý vì nó dạy làm người tử tế và chỉ có chính trị tử tế mới cứu được dân tộc Việt Nam.
Quốc Bảo
(20/11/2020)
Chưa bao giờ mà một tổng thống Mỹ lại có thể làm người Việt chia rẽ đến thế. Cũng chưa bao giờ mà người Việt mạt sát nhau thậm tệ vì một người xa lạ đến như vậy. Nhiều người thân, bạn bè đã từ mặt nhau vì Donald Trump. Lạ kỳ nhất là chỉ còn hơn 3 tháng nữa là Donald Trump hết nhiệm kỳ và những gì Trump làm được đã quá rõ nhưng "tình cảm" của người Việt "thích Trump" vẫn không hề thay đổi. Điều đáng buồn là đa số trí thức Việt Nam trong và ngoài nước đều ủng hộ Trump. Những trí thức không ưa Trump chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Rất nhiều bài viết tâm huyết, phân tích cụ thể về con người Trump và những việc Trump đã làm của các tác giả người Việt nói riêng và các nhân vật nổi tiếng ngay trong chính trường Mỹ nói chung như các tướng lĩnh và chính trị gia Mỹ, hay mới nhất là hai cuốn sách của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia và bà Mary Trump, tiến sĩ tâm lý, cháu gái Donald Trump… đều không thể thay đổi thái độ của những người thích Trump. Vậy nên lý giải hiện tượng này như thế nào ? Theo tôi thì trường hợp đặc biệt này không thể giải thích bằng lý lẽ vì mọi lý lẽ đều vô ích. Chỉ có thể giải mã hiện tượng Donald Trump bằng cảm xúc. Có thể gọi đó là một cuộc lên đồng tập thể.
Thế nào là "lên đồng" ? Hiểu đơn giản thì lên đồng là những hành động, lời nói được thực hiện trong một trạng thái mất ý thức tạm thời do/bị một thế lực khác điều khiển, ví dụ một vị thần, thánh nào đó. Người lên đồng rơi vào tình trạng biến đổi ý thức do tự ám thị. Tình trạng này không kéo dài mà chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Người Việt đang lên đồng vì Donald Trump.
Có hai lý do khiến người Việt Nam "thích Trump" một cách vô điều kiện (lên đồng tập thể) đó là sự thiếu kiến thức về chính trị và không coi trọng các giá trị đạo đức.
Nhiều người Việt Nam có bằng cấp rất cao trong các lĩnh vực khác nhau nhưng điều đó không có nghĩa là họ có kiến thức về chính trị. Trí thức khoa bảng và trí thức chính trị hoàn toàn khác nhau. Chính trị là kiến thức tổng hợp của các loại kiến thức, là chuyên môn tổng hợp của các loại chuyên môn. Không có trường học nào dạy về chính trị vì đó là môn không thể dạy. Kiến thức chính trị chỉ có thể học ở trong một môi trường duy nhất là các tổ chức chính trị. Tổ chức đó phải được hướng dẫn bởi một nhà tư tưởng chính trị uyên bác và có viễn kiến.
Lịch sử Việt Nam chưa từng xuất hiện tầng lớp trí thức chính trị và các nhà tư tưởng chính trị lại càng không. Các trí thức đã xác nhận điều đó qua bài viết của Quốc Phương trên BBC : "Không đánh thức và dẫn đường thì không phải là trí thức" (*). Di sản văn hóa Khổng giáo khiến Việt Nam không có tầng lớp trí thức chính trị chính vì thế cho đến tận bây giờ trí thức Việt Nam vẫn không có ý định dấn thân chính trị và nếu có cũng không biết đấu tranh chính trị là thế nào.
Donald Trump là một tổng thống dân túy. Cộng sản và phát xít cũng là dân túy. Đặc điểm chung của chủ nghĩa dân túy là :
- Lợi dụng những người ít học, thuộc tầng lớp thấp, ít thông tin và thiếu hiểu biết. Khai thác các bất mãn và mâu thuẫn chính đáng của những người bị thua thiệt để dành quyền lực.
- Tranh thủ và lôi kéo những người không theo kịp đà tiến hóa của xã hội, bị bỏ rơi, tiếc nuối quá khứ bằng cách hứa hẹn đưa họ quay lại thời gian tươi đẹp đã từng có. Khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump là "Make America Great Again", tức là quay trở lại quá khứ.
- Cổ vũ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, co cụm lại trong biên giới quốc gia hay trong giai cấp của mình. Khai thác sự bất dung, chống lại tất cả những người không thuộc về giai cấp mình, quốc gia mình thay vì mở rộng vòng tay để kết bạn và hợp tác với thế giới. Tóm lại là chống đối tất cả những gì khác với mình (như chủ nghĩa cộng sản).
Những người Mỹ da trắng ủng hộ Donald Trump cuồng nhiệt đều là thành phần ít học, nuối tiếc quá khứ và cảm thấy bị xã hội bỏ rơi. Theo một tổng kết tại Mỹ năm 2018 thì người Việt Nam không học giỏi như chúng ta tưởng. Chỉ có 26% người Việt tại Mỹ tốt nghiệp đại học, thấp nhất trong các nước châu Á. Philippines là 47% và đứng đầu là Ấn Độ với 70%. Tỉ lệ đó trái ngược hoàn toàn với sự ủng hộ dành cho Donald Trump. Việt Nam đứng đầu bảng với 64% trong khi quốc gia đồng minh thân thiết của Mỹ là Nhật thì chỉ có 14% ủng hộ Donald Trump và Hàn Quốc là 32%.
Bảng tổng kết học vấn của người Việt Nam tại Mỹ và tỉ lệ ủng hộ Donald Trump.
Tỉ lệ ủng hộ Donald Trump tại các nước Châu Âu rất kinh hoàng. Cuộc khảo sát do tổ chức phi lợi nhuận Korber-Stiftung công bố gần đây cho thấy chỉ có 2% dân Pháp xem Donald Trump là lãnh đạo thế giới. 10% dân Đức cho rằng Mỹ là đối tác quan trọng. Tỉ lệ đó ở Anh quốc là 13%. Tuần báo Irish Times hồi tháng 4/2020 viết trong một bài bình luận rằng : "Hơn hai thập kỷ qua, Mỹ đã làm dấy lên vô vàn cảm xúc cho toàn thế giới, bao gồm cả yêu mến và thù hận, sợ hãi và hy vọng, ghen tỵ và khinh miệt, dè chừng và phẫn nộ. Tuy nhiên, có một cảm xúc đối với Mỹ chưa từng xuất hiện cho tới bây giờ, đó là thương hại".
Không có kiến thức về chính trị nên trí thức Việt Nam không biết gì về chính trị. Họ vẫn cho rằng làm chính trị là tìm kiếm thành công cá nhân và tranh đấu theo kiểu nhân sĩ. Họ không hiểu mối liên quan mật thiết giữa chính trị và đạo đức vì thực ra chúng chỉ là một. Đạo đức là chính trị trên quy mô cá nhân trong khi chính trị là đạo đức trên quy mô quốc gia. Những người thiếu đạo đức cần phải bị loại bỏ ngay tức khắc và không nể nang khỏi mọi hoạt động liên quan đến chính trị. Điều này là giản dị và đương nhiên với thế giới văn minh nhưng với người Việt Nam thì đó là chuyện lạ. Với người Việt, chính trị là phải thủ đoạn. Cứu cánh có thể biện minh cho phương tiện. Đó cũng là lý do giải thích cho việc Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại và cai trị suốt 75 năm qua dù họ vấp hết sai lầm này đến sai lầm khác.
Những người thích Donald Trump vẫn biết và đồng ý rằng Trump đạo đức kém, nhưng không sao, miễn làm được việc là được. Khổ nỗi những người không có đạo đức thì không thể làm được bất cứ điều gì tốt đẹp, cho bất cứ ai. "Non sông dễ đổi, bản tính khó dời". Nếu cho rằng xấu-tốt không quan trọng thì việc gì chúng ta phải dạy dỗ con cái những điều tốt đẹp, nhân nghĩa, tử tế ? Chính vì không coi trọng vấn đề đạo đức đối với những người làm chính trị nên Việt Nam vẫn mãi đắm chìm trong độc tài và nghèo khó. Một ông vua, người có quyền quyết định số phận của cả dân tộc với một tên tướng cướp đều giống nhau nên ông bà ta mới có câu "được làm vua thua làm giặc" hay "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Tuy nhiên dù ông vua và tướng cướp giống nhau về bản chất nhưng thái độ của người Việt Nam đối với họ lại khác nhau. Một bên thì quị lụy và đội lên đầu, một bên là khinh bỉ và xa lánh.
Thiếu đạo đức và kiến thức nên người Việt Nam dù chẳng hơn ai nhưng lại có tâm lý kỳ thị chủng tộc. Đây cũng là di sản của lịch sử. Hết Trịnh-Nguyễn phân tranh rồi bị thực dân đô hộ và mới nhất là cuộc chiến Quốc-Cộng 1954-1975. Không ít người Việt Nam kỳ thị tất cả những gì khác với mình, từ vùng miền đến tôn giáo. Trump đã "giải phóng" tâm lý kỳ thị chất chứa và bị đè nén lâu ngày trong lòng nhiều người Việt. Đây là điều rất nguy hiểm.
Thiếu đạo đức nên những người Việt thích Donald Trump không có thái độ tương kính trong lúc tranh luận. Họ mạt sát tất cả những người trái ý kiến với họ. Ngay cả với ông Nguyễn Gia Kiểng cũng vậy. Bất chấp việc ông là một người lớn tuổi, một trí thức uyên bác, một nhà tư tưởng chính trị đầu tiên của Việt Nam…Họ chụp mũ và chửi bới một cách vô lối. Vì sao ông Nguyễn Gia Kiểng chấp nhận chuyện đó ? Quá dễ để ông và Tập Hợp im lặng hay hùa theo quần chúng. Tuy nhiên ông luôn cho rằng bổn phận của trí thức là hướng dẫn quần chúng chứ không phải chạy theo quần chúng. Tập Hợp không bao giờ mị dân. Chúng tôi sẵn sàng chịu mọi búa rìu của dư luận để thức tỉnh quần chúng : "Mất lòng trước, được lòng sau". Ông Kiểng chấp nhận bị mạt sát để khai sáng cho đồng bào mình, ông hiểu việc mình làm. Sự cao cả của ông là ở chỗ đó. Những kẻ nặng lời với ông rồi sẽ hối hận nếu họ còn có lương tâm.
Sau năm 1975 những người Việt Nam may mắn đào thoát ra hải ngoại đều bị một cú sốc quá lớn, ngoài tầm hiểu biết của họ nên đã lên đồng tập thể bằng cách chắt góp từng đồng bạc kiếm được trong khó nhọc để ủng hộ kháng chiến quân (Mặt trận Hoàng Cơ Minh) về "quang phục lại quê hương". Ông Nguyễn Gia Kiểng vì phản đối giải pháp vũ trang, kêu gọi đấu tranh Bất bạo động và Hòa giải dân tộc nên đã bị đâm trọng thương tại Hà Lan bởi những người Việt Nam quá khích. Hôm nay còn ai nhắc đến đấu tranh vũ trang và mấy ai còn phản đối chuyện Hòa giải dân tộc để người Việt tiếp tục cùng chung sống với nhau ? Hầu như là không có.
Người Việt từng lên đồng khi ủng hộ kháng chiến quân về "quang phục quê hương"
Giờ đây, sau 45 năm thất vọng và tuyệt vọng vì chế độ cộng sản vẫn lù lù ra đó mà không ai biết phải làm gì nên người Việt lại lên đồng một lần nữa, qua sự xúc tác của một vị thánh là Donald Trump. Những lời lẽ đao to búa lớn của một diễn viên nhiều kinh nghiệm đã đánh trúng tâm lý người Việt và thôi miên họ. Họ tin rằng Trump sẽ đánh gục Trung Quốc rồi nhờ thế mà chế độ cộng sản Việt Nam sẽ sụp đổ theo. Không ít người vẫn mơ quay về chế độ Việt Nam Cộng Hòa và thậm chí có những trí thức còn cố gắng vận động để Hiệp định Paris được thực thi. Họ là những con người tuyệt vọng và bất lực. Lên đồng là giải pháp duy nhất để giải tỏa tâm lý cho họ.
Tập Hợp là tổ chức chính trị có tham vọng thay đổi dòng lịch sử Việt Nam, chúng tôi phải tỉnh táo và nhất là không thể im lặng hoặc giả vờ lên đồng tập thể cùng với những người thích Trump. Rất may mắn cho chúng tôi là vẫn có 1/3 người Việt tại Mỹ cùng đồng hành. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ trong số họ đã mạnh mẽ và dứt khoát bảo vệ chính kiến của mình đối với Donald Trump. Họ dùng lý lẽ để nhìn nhận và đánh giá vấn đề của nước Mỹ và Donald Trump. Họ ôn hòa, không chửi bới và chụp mũ, không sản xuất và lưu truyền tin giả. Những thành phần tiến bộ này đang tìm đến nhau và cùng nhau lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Dù họ không ồn ào và vẫn đang là thiểu số nhưng vì họ đứng về lẽ phải, bằng lý trí chứ không phải là cảm xúc nhất thời nên họ sẽ ngày càng mạnh lên và sẽ thuyết phục được đám đông đang phân vân.
Hiện tượng Donald Trump sẽ sớm kết thúc và sự lên đồng của những người thích Trump cũng phải chấm dứt. Trump sẽ phải trả giá cho việc tham gia vào chính trị mà không biết gì và không có kiến thức gì về chính trị. Phải làm gì sau khi Donald Trump ra đi ? Cần thay đổi những gì để những người thích Trump trở lại trạng thái bình thường ? Có lẽ cần một thời gian để trấn tĩnh và sau đó là cần mở rộng vòng tay, tấm lòng và tâm hồn mình để hướng về tương lai. Mạnh mẽ để đón nhận mọi sự thay đổi vì bánh xe lịch sử luôn tiến về phía trước. Tự tin để chinh phục tương lai thay vì co cụm lại trong chủ nghĩa dân túy hẹp hòi, quá khích, bất dung. Nên phát huy tinh thần bác ái của các tôn giáo như sự vị tha, bao dung, cởi mở. Phải xem khoan dung và hòa giải như là một giá trị tinh thần nền tảng để người Việt Nam có thể chung sống với nhau lâu dài.
Mong muốn lớn nhất của Tập Hợp là sau này người Việt Nam sẽ có một thái độ đúng đắn với kiến thức chính trị. Phải đề cao các giá trị đạo đức đối với những người làm chính trị. Phải xem đó là yếu tố bắt buộc và quan trọng nhất.
Việt Hoàng
(13/07/2020)
(*) Quốc Phương, "Không đánh thức và dẫn đường thì không phải là trí thức", 10/07/2020