Anh ra luật trục xuất di dân sang Rwanda : Tiền lệ "đáng lo" và "nguy hiểm"
Nhiều dấu hiệu kinh tế Châu Âu phục hồi sau 18 tháng trì trệ. Bộ Tài Chính Pháp trình dự luật với 50 biện pháp "đơn giản hóa" thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, được giới chủ hoan nghênh. Báo cáo 500 trang của Amnesty International tố cáo tội ác chống thường dân của Israel tại Gaza với sự "đồng lõa" của nhiều nước phương Tây. Luân Đôn ra luật cho phép đưa dân nhập cư bất hợp pháp vào Anh sang Rwanda. Trên đây là một số chủ đề trang nhất của báo chí Pháp hôm nay.
Một chuyến tàu đưa người vượt eo biển Manche sang Anh : ảnh chụp tại bãi biển Gravelines, gần Dunkerque, bắc nước Pháp, ngày 12/10/2022. AFP – Sameer al-Doumy
"Luật Rwanda" của Anh là chủ đề được nhiều báo Pháp đưa tin và bình luận. Nhật báo Le Figaro cho biết : "sau hai năm tranh đấu về chính trị và pháp lý, nhiều tuần lễ đá qua đá lại giữa lưỡng viện, luật đã được Hạ Viện Anh Quốc thông qua trong đêm ngày thứ hai 22 qua ngày 23 tháng 4. Luật sẽ cho phép trục xuất về quốc gia Đông Phi này những người xin tị nạn nhập cư bất hợp pháp vào Anh." Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh : "đây là biện pháp tiêu biểu của chính phủ (Anh) trong cuộc chiến chống nạn nhập cư lậu", và đây cũng là một chủ đề quan trọng trong cuộc tranh cử Nghị Viện mà thủ tướng Sunak đang gặp khó khăn.
Chuyển toàn bộ dân nhập cư lậu ra khỏi Anh là giải pháp mà chính phủ đảng bảo thủ lựa chọn để ngăn chặn làn sóng vượt eo biển Manche, mà Luân Đôn và các đối tác Châu Âu gần như bất lực. Năm 2022, có đến 45.000 người liều thân vượt biển đến được miền đất hứa. Năm 2023, có khoảng 30.000 người. Từ đầu năm đến nay, số người vượt biển gia tăng trở lại. Theo Le Figaro, di dân người Việt vượt biên sang Anh thông qua các băng đảng tội phạm là một lý do chính khiến số lượng này gia tăng.
Tư pháp Anh và Châu Âu nhiều lần ngăn chặn "kế hoạch Rwanda"
"Kế hoạch Rwanda" của chính phủ Anh từng bị Tòa án Nhân quyền Châu Âu (CEDH) ngăn chặn hồi tháng 6/2022. Liên tiếp trong hai năm, tòa án nhiều cấp của Anh Quốc đã đưa ra các quyết định ngăn chặn. Tháng 11/2023, tòa phúc thẩm Anh Quốc ra phán quyết khẳng định kế hoạch này là "bất hợp pháp", vì dân di cư có thể sẽ bị Rwanda trục xuất về bản quán, nơi các đương sự có thể bị đàn áp. Đạo luật mà Hạ Viện Anh vừa thông qua bác bỏ quan điểm này, khi khẳng định Rwanda là một "quốc gia an toàn".
Luật này cũng cho phép chính phủ Anh không tuân thủ phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu (mà Anh là thành viên), yêu cầu Luân Đôn "tránh trục xuất." Thủ tướng Anh tuyên bố chắc nịch : "Không một tòa án nước ngoài nào có thể ngăn chặn" các chuyến bay trục xuất. Le Figaro cho biết, ngay sau khi Anh ra luật Rwanda, Hội đồng Toàn Châu Âu, và nhiều định chế Liên Hiệp Quốc đã lên án mạnh mẽ quyết định của Anh. Đảng Lao Động đối lập, được dự báo sẽ thắng trong cuộc bầu cử mùa thu tới, khẳng định sẽ chống lại "kế hoạch Rwanda".
"Những chuyến bay ô nhục"
"Luật Rwanda" của Anh là chủ đề trang nhất của Libération. Nhật báo thiên tả bày tỏ thái độ phản đối dữ dội với hàng tựa : "Dân di cư : Những chuyến bay ô nhục", với nhận định "nhiều quốc gia Châu Âu khác cũng có thể sẵn sàng rớt xuống vực thẳm thảm họa đạo lý này". Xã luận Libération, với tựa đề "Phi nhân tính", thì mỉa mai : bỏ ra hàng trăm triệu euro để trục xuất sang Rwanda những người xin tị nạn, điều tưởng như không thể có ngay cả trong một cuốn truyện khoa học viễn tưởng, vậy mà đang diễn ra trước mắt chúng ta. Xứ Rwanda, Châu Phi, giờ đây đã trở thành một nơi "an toàn", cho phép Luân Đôn trục xuất cả những người Afghanistan, đã từng cộng tác với Quân đội Anh.
Với Libération, chính quyền Anh Quốc và nhiều quốc gia đã lựa chọn một xử sự "phi nhân tính" đối với những người phải chạy trốn đói khát và chiến tranh. Libération lên án phe bảo thủ cầm quyền tại Anh "không chỉ dối trá với người dân Anh về viễn cảnh tươi sáng khi rời khỏi Liên Âu (Brexit), điều mà nhiều người đã hối tiếc sau đó, mà giờ đây đang tiếp tục biến nước Anh thành một pháo đài, để có thể tiếp tục duy trì quyền thống trị tại những nơi mà họ còn có uy quyền".
"Vô nhân tính" và phi lý
Nhật báo thiên tả vạch ra tính chất vừa phi lý, vừa vô nhân tính của kế hoạch Rwanda của thủ tướng Anh Sunak : "Có một sự ngẫu nhiên quái ác, đó là ít nhất 5 người di cư đã bị chết đuối tại eo biển Manche chính trong đêm ngày thứ hai qua ngày thứ ba (vào thời điểm Hạ Viện Anh thông qua luật). Khi người ta đã phải sẵn sàng liều mạng sống đến như vậy, liệu họ có chùn bước chỉ vì lo sợ bị gửi sang Rwanda hay không ?".
"Điều đáng buồn nhất" theo Libération là đã không có nhiều người Anh xuống đường để bày tỏ sự phẫn nộ. "Điều đáng lo nhất là Liên Âu cũng đang từng bước dựng lên các hàng rào ngăn chặn dân tị nạn", và "điều nguy hiểm nhất là tất cả các giá trị cho phép chúng ta đoàn kết lại đang mất dần đi, do sự vô cảm".
Từ bỏ thái độ "đạo đức giả" để tìm giải pháp tận gốc
Bài xã luận của nhật báo công giáo La Croix, nhan đề "Đạo đức giả", cũng nhấn mạnh đến nguy cơ nhiều nước Châu Âu đang sẵn sàng "vượt qua lằn ranh đỏ", noi theo Anh Quốc, "phản bội lại các nguyên tắc" của các xã hội dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Hành động như vậy, không sớm thì muốn các quốc gia Châu Âu sẽ trượt vào con đường của "chế độ toàn trị", như cảnh báo của triết gia Đức Hanna Arendt trước đây.
Nhật báo công giáo không đơn thuần lên án hành xử của nước Anh về mặt đạo lý. La Croix muốn hướng đến xem xét triệt để hơn vấn đề di dân trong kỷ nguyên của "siêu toàn cầu hóa", với những dòng người di cư lớn, và sự thao túng của các băng đảng mafia, là điều mà Công ước Geneve về người tị nạn hồi 1951 chắc chắn đã không thể dự kiến được.
Xem xét lại để tìm ra các giải pháp thực tế hơn. Theo La Croix, rõ ràng là các nước Châu Âu một mặt vẫn cần bảo vệ các thành quả liên quan đến "quy chế người tị nạn", nhưng mặt khác, hoàn cảnh mới đòi hỏi các quốc gia Châu Âu có thêm các biện pháp khác, để cho phép "điều chỉnh dòng người di cư bất hợp pháp". La Croix thừa nhận, không chỉ có nước Anh, mà giờ đây Thỏa ước Liên Âu về nhập cư cũng dự kiến phải tính đến "việc xử lý (hồ sơ người tị nạn) ngoài biên giới Liên Âu", như tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia, hay Albania.
Tập trận Balikatan đối phó với Trung Quốc : Lần đầu tiên Pháp tham gia
Cuộc tập trận hải quân Balikatan tại Biển Đông giữa Mỹ và các đồng minh là một chủ đề trang nhất của Le Figaro. Mục tiêu của cuộc tập trận ngoài khu vực lãnh hải 12 hải lý của Philippines trước hết là để siết chặt liên minh quân sự Mỹ-Philippines, và là một tín hiệu mạnh gửi đến Trung Quốc. 85 năm sau trận chiến của Mỹ giành lại đảo Palawan từ tay đế quốc Nhật trong Thế chiến Hai, Philippines lại trở thành điểm nóng, nhưng lần này là để chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc.
Le Figaro chú ý đến việc Pháp lần đầu tiên tham gia của cuộc tập trận Balikatan, với một tàu chiến và khoảng một trăm binh sĩ. Một trong các bài tập chính của cuộc tập trận là tái chiếm đảo bị vây hãm, và oanh kích tàu chiến tại phía bắc đảo Luzon, cách Đài Loan chỉ vài trăm cây số. Theo Le Figaro, một hỏa tiễn do tập đoàn MBDA Pháp sản xuất sẽ được bắn thử trong dịp này. Nhà nghiên cứu Edcel Ibarra, Đại học Philippines nhấn mạnh "đây là cuộc tập trận Balikatan quy mô lớn chưa từng có, và trọng tâm chuyển từ đất liền sang bảo vệ an ninh trên biển. Và đây là điều mà Trung Quốc căm ghét".
Ấn Độ - Thái Bình Dương : Pháp, Đức, Tây Ban Nha tập trận không quân
Pháp không chỉ tham gia tập trận Hải quân. Theo Le Figaro, Pháp cùng Đức và Tây Ban Nha đang chuẩn bị đợt diễn tập không quân chung tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cuộc diễn tập mang tên Pacific Skies 24 sẽ diễn ra từ ngày 26/06 đến 15/08, với sự tham gia của 10 phi cơ Pháp (trong đó có 4 máy bay phản lực Rafale), 28 phi cơ Đức (trong đó có 8 chiến đấu cơ Eurofighter) và 6 phi cơ Tây Ban Nha. Mục tiêu của cuộc diễn tập là cho phép khẳng định không quân Châu Âu có khả năng triển khai nhanh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Cuộc diễn tập này là một tín hiệu "ngoại giao" mạnh gửi đến các đồng minh, đối tác tại khu vực, cho thấy Châu Âu sẵn sàng can thiệp hỗ trợ, tương tự như việc các nước ngoài Châu Âu, như Úc, tham gia hỗ trợ Ukraine. Tư lệnh Không quân Pháp, tướng Stéphane Mille, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của "ưu thế về không quân" trong trường hợp chiến tranh bùng nổ. Trong những thập niên gần đây, phương Tây chiếm ưu thế tuyệt đối về mặt này, nhưng giờ đây tương quan lực lượng đang thay đổi mạnh mẽ với sự lên ngôi của drone, chiến tranh điện tử và sức mạnh gia tăng của "nhiều cường quốc cạnh tranh".
Tội ác chiến tranh Gaza : Ân Xá Quốc Tế tố cáo phương Tây "đồng lõa"
Báo cáo dài 500 trang của Ân Xá Quốc Tế về các tội ác chiến tranh của quân đội Israel ở Gaza công bố hôm qua. Bài giới thiệu của Libération về báo cáo này nhấn mạnh đến trách nhiệm của phương Tây : chưa bao giờ mà các hứa hẹn về tính phổ quát của các quyền con người căn bản, mà phương Tây cổ vũ, lại bị thách thức đến như vậy. Để trả đũa cuộc tấn công khủng bố của tổ chức Hamas trên đất Israel khiến hơn 1.100 người thiệt mạng, Israel đã tiến hành cuộc can thiệp quân sự kéo dài hơn 6 tháng tại dải Gaza.
Theo báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, cuộc can thiệp quân sự của Israel với mục tiêu tiêu diệt tổ chức Hamas cũng là một cuộc chiến trừng phạt chống lại người dân Palestine tại Gaza, với các cuộc oanh kích hoặc bừa bãi, hoặc cố tính nhằm với thường dân và các cơ sở hạ tầng dân sự, ngăn chặn viện trợ nhân đạo và cố tính đẩy xã hội Gaza vào nạn đói. Ít nhất 34.000 người, trong đó một phần ba là trẻ em thiệt mạng. Điều mà báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh là thái độ bị lên án là "đồng lõa" của nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, trước các hành động xâm phạm trắng trợn các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Genève, Công ước ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng và luật pháp quốc tế về nhân quyền.
Thủ tướng Israel lo ngại bị Tòa án quốc tế truy tố
Về chiến tranh tại Gaza, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết thủ tướng Israel đang lo ngại về khả năng Tòa án quốc tế truy tố. Nhiều bộ trưởng và quan chức cao cấp trong Quân đội Israel cũng có thể bị nhắm đến. Theo Les Echos, cho đến nay việc thủ tướng Israel có thể bị kết án vì tội ác chiến tranh, bị tòa án quốc tế truy nã chỉ là ước mơ của một số quốc gia hay các tổ chức phi chính phủ phản đối Israel, thế nhưng giờ đây, chính ông Benyamin Netanyahu đang "xem xét rất nghiêm túc" khả năng này.
Trong những ngày gần đây, thủ tướng Israel đã tổ chức một cuộc họp khẩn với một số thành viên chính phủ. Mục tiêu là chuẩn bị các bào chữa để chống lại các khả năng bị Tòa án Hình sự Quốc tế, có trụ sở tại La Haye, truy tố. Theo truyền thông Israel, văn phòng thủ tướng đã nhận được thông tin về việc tòa án đang chuẩn bị phát lệnh truy nã một số thủ phạm Israel can dự vào các tội ác chiến tranh tại Gaza. Nhà cầm quyền Israel cũng bị cáo buộc đã cố tình gây ra các thảm họa nhân đạo, hoặc ít nhất là đã không cố gắng để ngăn chặn.
Đầu mùa hè : Nhiệt độ 45°C tại nhiều nước Đông Nam Á
Trong lĩnh vực khí hậu, môi trường, Le Monde cho biết khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với đợt nóng ghê gớm. Tại Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam hay Philippines, nhiệt độ nhiều nơi lên đến 40°C, thậm chí 45°C. Nhiệt độ nhiều nơi vượt quá kỷ lục năm ngoái. Lễ hội cổ truyền té nước đầu năm Songkran của Thái Lan ngày 13/04 thiếu nước. Cơ quan khí tượng Thái Lan dự báo nhiệt độ cao đến 43°C tại nhiều tỉnh phía nam trong suốt tháng 4, mới là tháng đầu của mùa khô, nóng.
Cuộc chiến khí hậu : Viện tư vấn Pháp đề xuất biện pháp thu hút người dân
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết trở nên ngày càng khắc nghiệt hơn không chỉ là vấn đề riêng của Đông Nam Á, hay Châu Á, mà là của toàn cầu. Viện tư vấn Pháp Jean Jaurès hôm qua công bố một báo cáo, gửi đến các lãnh đạo chính trị Châu Âu, để khuyến nghị các chính sách giúp cho chiến lược chuyển sang nền kinh tế xanh có thể thu hút được sự tham gia nhiều hơn của người dân.
Trọng Thành
Hôm 27/9/2023 cảnh sát Pháp đã chặn một xe tải chở sáu phụ nữ, trong đó có 4 người Việt và 2 người Iraq, nghi là người nhập cư bất hợp pháp trên một đường cao tốc ở Pháp.
Video clip gửi tới BBC cho thấy các di dân ngồi trong một diện tích chật hẹp của thùng xe tải chở hoa quả hôm 27/9/2023
Đây không phải là một cuộc chặn bắt tình cờ và chính vì nó có những yếu tố ly kỳ khiến tin tức về vụ việc này ngay lập tức được truyền đi khắp thế giới và được nhiều cơ quan truyền thông quốc tế cũng như địa phương loan tải rộng rãi.
Lý do chính giúp cơ quan hữu trách Pháp thực hiện được vụ chặn bắt phát xuất từ BBC tiếng Việt ở Luân Đôn, Anh Quốc, chính xác là từ chị Bình Khuê, một nhân viên thuộc ban này.
Bình Khuê mô tả rất sinh động về nỗ lực giải cứu, được thực hiện ngay sau khi chị nhận được tin nhắn trên màn hình : "Chị ơi, có mấy bạn vượt biên đi từ Pháp sang Anh, đang trong xe thùng đông lạnh" và ngay sau đó là cú điện thoại trong đó người gọi hốt hoảng cầu cứu : "Chị ơi, có phải là chị ở Châu Âu không ? Chị giúp với. Gấp quá rồi".
Tuy vậy kết thúc có hậu đã xảy ra và tất cả 6 người được cứu. Kết thúc này khác hẳn sự việc bi thảm xảy ra hôm 23/10/2019 khi 39 người Việt chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh.
Một chiếc xe tải đông lạnh đã "trở thành ngôi mộ" của 39 nạn nhân là di dân người Việt trong hành trình vượt biên bất thành, được phát hiện tử vong tại Essex hồi năm 2019, theo nội dung đệ trình lên Tòa Thượng thẩm tại London
Câu nói "Chị giúp với. Gấp quá rồi" và "Lạnh lắm, nó [máy làm lạnh] cứ xả" của cô gái hôm 27/9/2023 có gì đó tương tự với lời nhắn bốn năm trước đấy của cô gái ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh trước giờ chết : "Con chết vì không thở được. Con đường đi nước ngoài không thành. Mẹ ơi con xin lỗi bố mẹ nhiều. Mẹ ơi con thương bố mẹ nhiều. Mẹ ơi".
Khi đọc thông tin về việc này, một trong những câu hỏi đầu tiên chợt nảy sinh trong đầu tôi : tại sao những người hoảng loạn và đang bên bờ vực sinh tử lần này không gọi đến những nơi khác, chẳng hạn như, nếu không gọi được người thân quen thì gọi cho cảnh sát sở tại hoặc đại sứ quán hay lãnh sự quán của Việt Nam ở hai nước này, mà lại chọn BBC ban tiếng Việt ?
Cứ tạm coi như họ không có người thân quen hoặc không gọi cho cảnh sát sở tại vì trở ngại ngôn ngữ. Nếu họ gọi cho cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Pháp hay Anh thì sao ? Thì nhân viên của các cơ quan này của Việt Nam hẳn sẽ ngay lập tức thông báo cho các cơ quan hữu trách của Pháp, Anh để nhờ hỗ trợ vì theo trang web của Văn phòng Chính phủ, cơ sở và giới chức ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có nhiệm vụ "...bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài..". (trang web của Văn phòng Chính phủ Việt Nam về "Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao").
Vậy tại sao những người này lại gọi cho BBC, cơ quan truyền thông có nhiều lúc không được lòng chính quyền Việt Nam ?
"Đài phản động hàng đầu"
Tờ Quân đội Nhân dân hôm 27/6/2022 đăng bài viết có nhan đề "Đừng nhân danh tự do để vi phạm tự do một cách trắng trợn" trong đó có đoạn :
"Từ lâu, một số cơ quan truyền thông phương Tây, nhất là các trang tiếng Việt của những "ông lớn" như VOA, RFA, RFI, BBC... luôn nhân danh tự do, bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận để vi phạm một cách trắng trợn hoặc tinh vi, bóp méo sự thật khiến thông tin bị sai lệch, gây phương hại đến sự phát triển của quốc gia khác, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ quốc tế".
Hôm 3/10/23, dưới tiêu đề "Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, chống phá đòi "Tự do báo chí" Trang Thông tin Điện tử Công an tỉnh Sơn La viết :
"Không những vậy, một số cơ quan truyền thông phương Tây thiếu thiện chí với Việt Nam như : BBC, RFI, RFA, VOA… và các hội nhóm, các cá nhân phản động trên YouTube, Facebook mỗi khi có sự kiện, vụ việc cụ thể liên quan đến báo chí lại la lối, suy diễn, xuyên tạc tình hình trong nước. Với sự cổ súy, giúp sức của các tổ chức thù địch, một số đối tượng phản động trong nước tự đứng ra thành lập các hội nhóm phi pháp nhằm cổ xúy cho cái gọi là "tự do báo chí", "xã hội dân sự" theo mưu đồ của chúng nhằm đối trọng với Đảng cộng sản Việt Nam..".
Nếu để ý, người đọc sẽ thấy BBC thường được ‘ưu ái’ xếp trong danh sách các đài phản động hàng đầu và nhiều khi phải chịu những lời công kích rất mạnh mẽ.
Nếu chịu khó tìm hiểu, độc giả cũng sẽ thấy không chỉ Việt Nam, nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, BBC cũng thường bị nhà cầm quyền nước này ưu tiên ‘chiếu cố’. Về phần mình, BBC (tất cả các ban, từ tiếng Anh tới tiếng nước ngoài) đều hãnh diện là công việc truyền thông của mình dựa trên bốn trụ cột chính : chính xác, trung lập, độc lập, công bằng.
Cách nay gần 30 năm, ngày tôi mới vào BBC ban Việt Ngữ, trên chuyến taxi từ phi trường Heathrow về trụ sở của ban Thế Giới Vụ BBC, khi hai chúng tôi, bà Judy Stowe, trưởng ban Việt Ngữ, người đón tôi từ sân bay và tôi, nói chuyện với nhau về vụ lùm xùm vừa mới xảy ra có liên quan tới một đài ở Úc : đài này loan tin Nữ hoàng Anh Quốc Elizabeth II vừa từ trần. Sở dĩ có tin ‘dỏm’ như vậy là vì một phát thanh viên hôm đó nhận được tin từ một người quen ở Anh nói Nữ hoàng vừa qua đời.
Bà Judy cười rất ‘sảng khoái’ và nói, "Rồi anh sẽ thấy chuyện này không bao giờ có thể xảy ra ở BBC".
Tôi bán tín bán nghi nói đây là lỗi lầm do con người (human error) và vì vậy nó có thể xảy ra ở một thời điểm nào đó hoặc bất cứ đâu hay với bất cứ ai chứ ?
Bà trả lời tôi đại ý BBC đã thiết lập những cơ chế để các lỗi lầm như vậy không xảy ra được. Bài học đầu tiên tôi học được khi vừa đặt chân tới Anh Quốc : tính chính xác.
Sự việc gần đây là bài học tôi học được cho thấy tính ‘độc lập’ của phóng viên nước ngoài là khi tôi xem trực tiếp cuộc họp báo được truyền hình ở thủ đô Hà Nội hôm 10/9/23.
Ngay sau họp báo khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden mang kẹp hồ sơ vào sau hậu trường, tiếng nói của nhiều phóng viên ồn ào "đuổi theo" ông để cố hỏi, nhưng ông không trả lời. Tôi nghe rõ câu cuối cùng là tiếng của một nữ phóng viên, giọng Mỹ, hỏi : "Ông có lo lắng về việc con trai ông bị truy tố không, thưa Tổng thống" (Are you worried about your son’s indictment, Mr President ?)
Tôi không bàn những vấn đề khác về câu hỏi này. Tôi chỉ muốn nói là nếu người phóng viên này không được độc lập với vị tổng thống thì liệu cô có dám hỏi câu này hay không ? Hẳn nhiều người sẽ rất ái ngại cho số phận của người hỏi nếu cả cô phóng viên lẫn vị tổng thống là người đồng hương thuộc một quốc gia thiếu cả tự do lẫn độc lập.
Tại BBC, trong quá trình làm việc và quan sát, ngoài ‘chính xác’, ‘trung lập’, ‘độc lập’ và ‘công bằng’ tôi còn học thêm được rất nhiều bài học khác.
Chính xác - Trung lập - Độc lập - Công bằng
Trong chuyến công tác trong cương vị phóng viên BBC tại Philippines hồi đầu năm 1996, sáng sớm hôm 14/2/1996 (nếu tôi nhớ không lầm) tôi đã có mặt ở gần phi trường Palawan, nơi chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa sẽ diễn ra cuộc hồi hương đầu tiên và duy nhất người tỵ nạn Việt Nam ở trại Palawan để về Việt Nam.
Khi tôi ‘đột ngột’ xuất hiện từ cánh đồng cỏ mênh mông (sau khi đã leo qua được hàng rào kẽm gai bao bọc phi trường và từng chút một tiến tới phi trường qua đám cỏ cao vút bằng các động tác khi đứng khi khom người sát đám cỏ để tránh bị phát hiện, thỉnh thoảng lại dừng lại để chụp ảnh ghi nhận) thì một cảnh tượng rất rõ nét có một không hai diễn ra : trước mắt tôi một đám rất đông người đang ùa ra để tìm cách tiến tới phi đạo hầu ‘giải cứu’ những người tỵ nạn bị bắt nhốt trước đó có lẽ cả tuần lễ và đang bị đưa lên máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines đậu trên phi đạo.
Các nhóm quân nhân Philippines, có nhóm dàn hàng ngang, có nhóm đang rượt đuổi đánh người tỵ nạn để ngăn chặn họ tiến ra phi đạo. Vòi rồng vẫn đang quét rất dữ dội và quyết liệt lên đầu, lên thân những người Việt này.
Các quân nhân Philippines dùng vòi rồng chặn những người phản đối việc cưỡng bức người Việt tỵ nạn 'hồi hương tự nguyện' về nước hồi 1996
Trong tình cảnh hỗn loạn là tiếng hô hoán, gào thét, chửi thề, la khóc vang trời của người Việt xen lẫn hò hét, chửi thề, ra lệnh bằng tiếng Anh và tiếng Tagalog (tôi đoán) của các quân nhân Philippines.
Sau khi thu thập một số dữ kiện và chụp hình, phỏng vấn... tôi chạy ‘vắt giò lên cổ’ ra hướng phi trường.
Từ chỗ đang ‘giao tranh’ gần trại tỵ nạn tới phi đạo khoảng cách có lẽ độ chừng hai cây số. Khi đã đặt chân lên phi đạo, tôi chạy ngay ra chỗ máy bay và trên đường đi thấy một số quân nhân Philippines đang đứng.
Lúc này tôi đã chạy lướt qua mặt những người này khoảng chục mét nhưng điều khiến tôi khựng lại là vì nghe thấy một tiếng nói có vẻ uy quyền, "Bằng mọi giá các anh phải đẩy trở lui tất cả những người đó" (push them back at any price).
Tò mò, tôi chạy ngược trở lại để xem người nói là ai. Tôi thấy người đó đang chỉ tay về phía vòi rồng xịt ở đàng xa. Nhìn lên cổ (ngực ?) áo tôi thấy gắn 2 (3 ?) sao (Thiếu Tướng, Trung Tướng ?). Tôi biết ngay đã gặp ‘trúng mối’. Được biết đó là tướng tư lệnh quân khu miền Tây Philippines, WestCom.
Tôi làm cuộc phỏng vấn chớp nhoáng ngay tại chỗ. "Thưa ông, đây là chuyến hồi hương tự nguyện hay cưỡng bức ?" Vị tướng trả lời ngay : "Tự nguyện. Hoàn toàn tự nguyện". Ông nói tiếp : "Những người này đang muốn về Việt Nam" (tay ông chỉ về phía những người tỵ nạn đang bị đưa lên máy bay.
Họ đi giữa hai hàng lính Philippines đứng sát nhau. Ngoài ra còn có những người Việt bị ít nhất hai người Philippines kèm sát hoặc nắm chặt tay).
Ông tướng cho biết tiếp : "Còn có những người đang tìm cách ngăn chặn không cho người ta về Việt Nam. Họ kia kìa (tay ông chỉ về phía xa xa nơi người tỵ nạn đang ‘giao tranh’ với các quân nhân Philippines)".
Người tỵ nạn đi giữa hai hàng lính Philippines để lên chiếc phi cơ của Vietnam Airlines trong chuyến bay 'hồi hương tự nguyện'
Sau đó, tôi gởi bài về Luân Đôn trong đó có nguyên văn lời "chuyến hồi hương hoàn toàn tự nguyện" của vị tướng và kèm theo đó là phần nhận định ngắn của tôi, đại để mặc dù vị tư lệnh quân khu miền Tây tuyên bố như vậy nhưng qua những gì tôi tận mắt chứng kiến trên phi đạo của phi trường Palawan hôm nay thì đây là một vụ cưỡng bách hồi hương.
Tôi ý thức rất rõ mình có thể gặp rắc rối với chính quyền vì lúc đó tôi đang đứng trên đất của họ và lại ‘dám’ nói ngược với vị đứng đầu cả một quân khu. Trong vụ này, tôi đã học được ít nhất hai điều : ‘trung lập, độc lập’ nếu không phải cả 4 điều (‘chính xác và công bằng’).
"Tối qua BBC nói gì ?"
Nhân nói về BBC, cách nay khoảng hơn 30 năm, Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách, một cựu nhân viên ban Việt Ngữ BBC, viết một bài bằng tiếng Anh tựa đề (tôi không nhớ thật chính xác) : What did BBC say last night ? (Tối qua BBC nói gì ?)
Trong số nhiều điều được đề cập trong bài, có một điều đáng để ý, đặc biệt cho các thế hệ sau này : ông Phách cho biết trong thời gian sau 1975 thường thì người dân miền Nam (Việt Nam ?) đều cố gắng nghe BBC để mong biết tin tức bên ngoài. Vì thế nhiều người cố gắng ở tại nhà mình, hoặc nhà người nào đó, có radio bắt được đài BBC để vào đúng giờ phát thanh đón nghe một cách lén lút các chương trình phát từ Luân Đôn về Việt Nam.
Điều đó, theo ông Phách, đã trở thành thông lệ. Người dân khao khát thông tin đến nỗi nếu vì lý do gì đấy họ không nghe được chương trình tối hôm đó thì câu người này hỏi người kia vào ngày hôm sau thường sẽ là "tối qua BBC nói gì ?".
Như vậy, theo Giáo sư Phách, BBC ban Viêt Ngữ (cùng với VOA (Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ), RFI (Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp)... đã một thời được người dân coi là cửa sổ duy nhất để họ nhìn ra thế giới và biết được tình hình bên ngoài diễn tiến ra sao.
Người nằm trong số nhân vật nhiều quyền lực nhất thế giới cũng có lúc nhờ BBC
Quay trở lại việc các ’thùng nhân’ ở Pháp liên lạc với BBC tiếng Việt : nào chỉ những con người khốn khổ này, có thể nói ở nấc đáy cùng xã hội, mới liên hệ BBC để cầu cứu trong giờ phút cận kề cái chết ?
Trong số những người nhờ BBC còn có một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới : Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Cách nay hơn 30 năm, khi cuộc đảo chính bùng nổ, bắt đầu hôm 19/8/1991, ông Gorbachev bị giam ở một dacha (nhà nghỉ mát) trong suốt 3 ngày sau đó bên bờ Biển Đen. Lúc đấy ông tưởng đã hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài khi đường dây điện thoại và điện bị cắt, ông cho biết trong cuộc họp báo đầu tiên khi vừa trở về lại thủ đô Moscow và sau này trong cuốn hồi ký.
Trong giờ phút sinh tử đó, sinh tử cho chính bản thân lẫn sự nghiệp chính trị, may mắn cho ông là nhờ nhóm cận vệ trung thành đã có thể lắp đặt một thiết bị ăng ten để thu các chương trình phát thanh nước ngoài, nên ông biết được tinh hình bên ngoài.
Trong suốt những ngày lịch sử đó, Gorbachev đã nghe các đài BBC, Đài phát thanh Tự do (Radio Liberty) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Ông phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi về lại thủ đô Moscow : "BBC nghe hay nhất" ("The BBC sounded the best").
Tại sao lại ‘cầu cứu’ BBC ?
Quay trở lại với Bình Khuê, chị nói trong cuộc phỏng vấn sau đó bằng tiếng Anh dành cho BBC Anh ngữ :
"Họ (những phụ nữ trong thùng xe đông lạnh) nghĩ tôi là người duy nhất có thể giúp họ vào thời điểm đó và họ không biết trông cậy vào ai". Khi người phỏng vấn nói hẳn là bạn cảm thấy có tinh thần trách nhiệm to lớn vì bạn có quyền lực có thể cứu mạng họ, Bình Khuê nói : "Không. Tôi nghĩ tôi chẳng có quyền lực gì cả. Tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình".
Có lẽ chị đã phát biểu thay cho nhiều người đã và đang làm việc tại BBC, dù là ban tiếng nước nào chăng nữa. Vì nếu cùng cất một tiếng nói tập thể, họ cũng sẽ phát biểu : "Chúng tôi chẳng có quyền lực gì cả".
Tuy nhiên, sở dĩ tiếng nói của mọi người làm truyền thông chân chính, không chỉ BBC mà thôi, có được sức mạnh và được lắng nghe, được khao khát chờ đợi trong những giờ phút sinh tử, từ các ‘thùng nhân’ khốn khổ năm 2023 tới người lãnh đạo tối cao của đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1991 hoặc những người dân bình thường ở Việt Nam sau năm 1975, là nhờ tiếng nói đó có được những yếu tố : chính xác, trung lập, độc lập và công bằng.
Có lẽ đó là câu trả lời cho câu hỏi : Tại sao lại cầu cứu BBC trong giờ phút thập tử nhất sinh ?
Bảo Vũ, cựu ký giả BBC Tiếng Việt
Nguồn : BBC, 05/10/2023
Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Bảo Vũ, cựu ký giả làm việc tại BBC Ban Tiếng Việt từ 1994 đến 1996. Hiện ông sống tại Melbourne, Australia.
Anh-Việt đối thoại về di dân – pháp lệnh xiết chặc ghi âm và ghi hình ở tòa án
RFA, 15/08/2022
Đối thoại Di cư & Xuất Nhập cảnh Việt Nam - Anh Quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội ngày 15/8/2022.
Đại sứ quán Anh
Đại sứ quán Anh được truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lại trong cùng ngày cho biết mục tiêu của đối thoại do Quốc vụ Khanh Bộ Nội vụ Anh Matthew Rycroft và Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam Lương Tam Quang đồng chủ trì nhằm cải thiện hợp tác giữa hai phía về vấn đề di cư. Bốn vấn đề được cho là ‘trụ cột’ trong lĩnh vực này được hai phía thảo luận là truyền thông về xuất nhập cảnh và di cư an toàn ; vấn đề hồi hương ; vấn đề giả mạo giấy tờ & chính sách mới về xuất nhập cảnh ; vấn đề phòng/chống mua bán người.
Hồi tháng 1/2022, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ Vương quốc Anh Matthew Rycroft đã gặp Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh và đề xuất thành lập nhóm công tác nhằm cải thiện hợp tác về di cư giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Đến ngày 13/6 năm 2022, Đại sứ Việt Nam tại Anh đã gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh và hai bên đã thống nhất tổ chức cơ chế Đối thoại Di cư và Xuất nhập cảnh giữa hai quốc gia.
Tình trạng người Việt nhập lậu vào Anh nổi lên qua vụ 39 nạn nhân chết trong thùng lạnh xe container ở Essex, Anh Quốc hồi tháng 10/2019 ; và hiện nay là vụ cháy nhà kho ở Oldham, Manchester với một nạn nhân được xác định là người Việt và ba nạn nhân người Việt khác đang tiếp tục được xác định qua phân tích dấu vân tay.
Anh quốc là điểm đến hấp dẫn của nhiều người Việt Nam tìm đường vào Châu Âu để kiếm việc làm. Nhiều người trong số họ phải trả một khoản tiền rất lớn cho bọn buôn người để được đưa lậu vào Anh. Công việc chủ yếu của họ khi bị đưa vào Anh là trồng cần sa, làm móng hoặc phục vụ trong công nghiệp tình dục.
*********************
RFA, 15/08/2022
Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam hôm 15/8 trình tờ trình Dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các điều khoản siết chặt việc đưa tin từ tòa án, đưa ra mức phạt nặng với việc livestream, ghi âm, ghi hình tại tòa.
AFP
Theo truyền thông Nhà nước, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Trí Tuệ, khi trình bày tờ trình dự án này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.
"Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc"- ông Tuệ nói.
Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80 triệu đồng.
Dự thảo cũng đề cập đến việc nhà báo ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử mà không được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa và phát trực tiếp trên mạng (livestream) sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Các nhà báo, luật sư, trợ giúp viên pháp lý bị xác định là đưa tin sai sự thật nhằm cản trở hoạt động tố tụng của tòa bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng.
Tại Việt Nam, việc đưa tin, hình ảnh hay livestream tại các phiên tòa mang tính nhạy cảm chính trị như các phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến thường bị hạn chế. Người nhà và bạn bè người bị xử án thậm chí có khi còn bị cấm vào dự phiên tòa. Công an, an ninh được huy động để ngăn chặn những người này vào dự phiên tòa và ngăn cản họ chụp hình, đưa tin từ bên ngoài tòa án.
49 người Việt được Bỉ cứu ngoài khơi khi đang cố vượt biên sang Anh
VOA, 19/05/2021
Giới hữu trách Bỉ vừa giải cứu 49 di dân Việt Nam gặp nạn ngoài khơi khi họ đang cố vượt biển sang Anh, truyền thông quốc tế dẫn thông cáo từ văn phòng công tố thành phố Bruges cho biết hôm 19/5.
Giới hữu trách Bỉ vừa giải cứu 49 di dân Việt Nam gặp nạn ngoài khơi khi họ đang cố vượt biển sang Anh.
Con tàu nhỏ chở những người tị nạn đã gặp sự cố ngoài khơi phía Tây của Bỉ và "không ai trong số họ gặp vấn đề nghiêm trọng nào về thể chất", thông cáo cho biết thêm.
Cảnh sát biển của Bỉ đã chú ý đến con tàu vào sáng 19/5. Một máy bay trực thăng đã được điều đi theo dõi con tàu trong khi lực lượng cứu hộ tiếp cận để giải cứu những người trên tàu trong lúc con tàu đang trong tình trạng trôi dạt.
49 người Việt đã được vớt lên và giao cho cảnh sát ở Zeebrugge và được chuyển đến Ostend sau đó. Vài người trong số này bị hạ thân nhiệt.
Cảnh sát Bỉ cho biết sẽ mở một cuộc điều tra về tổ chức buôn người đã gây ra sự việc này.
"Dựa trên những phát hiện ban đầu, người ta nghi ngờ rằng con tàu khởi hành từ bờ biển Pháp, nhưng cuộc điều tra sẽ xác nhận điều này sau", văn phòng công tố Bỉ cho biết.
Nhắc đến tình trạng tiếp diễn lâu nay, Thị trưởng thị trấn Koksijde của Bỉ, ông Vanden Bussche, cho biết : "Chúng tôi đang làm việc với các đồng nghiệp người Pháp để chặn những người đang cố vượt biên. Chuyện những người tị nạn từ Pháp cố gắng đến Anh diễn ra hàng ngày. Những tình huống như vậy tất nhiên rất nguy hiểm".
Di dân Việt Nam nằm trong số rất nhiều người tị nạn đang lưu trú ở các trại tại Grande-Synthe trên bờ biển phía bắc nước Pháp, và những người này cố gắng tìm cách vượt biên sang Anh. Theo tòa thị chính Grande-Synthe, có khoảng 100 người Việt Nam đã được đưa ra khỏi các trại để vào các nhà tạm trú vào ngày 6/5.
Tin cho hay các di dân Việt đưa đến Pháp qua các mạng lưới buôn người. Họ bắt đầu bay từ Việt Nam sang Moscow, Nga, và sau đó được vận chuyển sang Châu Âu.
AFP dẫn lời thành viên Yann Manzi của tổ chức phi chính phủ Utopia, nơi chuyên giúp đỡ di dân, cho biết các di dân Việt Nam thường đi tách biệt với các nhóm di dân khác. Nhưng giờ họ ngày càng bị trộn lẫn vào với những nhóm dân từ Châu Phi và các nước Châu Á khác để chờ có chỗ trên tàu hoặc có cơ hội để nhảy lén vào thùng xe tải để tới điểm đến.
Chặng cuối của hành trình là vượt biển đến miền nam nước Anh trên xuồng hoặc trên xe tải, được chở bằng phà hoặc thông qua đường hầm Channel, được xem là chặng nguy hiểm nhất.
Vào tháng 10 năm 2019, 39 di dân Việt Nam đã được phát hiện chết ngạt trong một chiếc xe tải ở khu công nghiệp Grays, phía đông London, Anh. Điều tra cho thấy các di dân đã được đón ở miền bắc nước Pháp và quá cảnh qua cảng Zeebrugge của Bỉ.
*******************
49 thuyền nhân Việt Nam ‘gặp nguy’ trên biển được Bỉ cứu
RFA, 19/05/2021
Cơ quan chức năng nước Bỉ vào ngày 19/5 cứu được nhóm 49 người, chủ yếu là công dân Việt Nam, đang gặp nguy trên biển khi đang trong hải trình tìm đường vào Anh Quốc.
Cảng Zeebrugge, Bỉ, nơi người Việt thường đi qua trên đường từ Pháp vượt biên vào Anh - Reuters
AFP loan tin, dẫn thông cáo của Văn phòng Công tố thành phố Bruges, nước Bỉ, như vừa nêu. Theo đó, sau khi phát hiện được chiếc thuyền, Cơ quan chức năng Bỉ cho điều một trực thăng ra để theo dõi trong khi lực lượng cứu hộ đến để đưa những người trên thuyền vào bờ rồi chuyển cho cảnh sát biển tại cảng Zeebrugge.
Văn phòng Công tố Thành phố Bruges cho biết dựa trên những dữ kiện ban đầu thì có thể nghi vấn chiếc thuyền xuất bến từ Pháp ; tuy nhiên còn cần điều tra kỹ để xác định về điều này. Cảnh sát cũng sẽ tiến hành cuộc điều tra đối với ‘tổ chức buôn người chịu trách nhiệm về những vụ như thế này’.
AFP cho biết tiếp những di dân Việt Nam vừa nêu nằm trong số những người đang cắm trại ở tại khu vực Grande-Synthe thuộc vùng bờ biển bắc nước Pháp để tìm đường nhập cư vào Anh Quốc.
Hôm 6/5, Tòa Thị chính Grande- Synthe thông báo có chừng 100 người Việt được đưa ra khỏi nơi cắm trại đến ngụ trong những nhà lều.
Tin nói có một mạng lưới đưa người Việt theo đường hàng không từ quê nhà của họ đến thủ đô Moskva của Nga. Sau đó họ được đưa qua Châu Âu đến khu vực bờ biển nước Pháp rồi tìm cách vào Vương Quốc Anh.
Hồi tháng 10 năm 2019, vụ việc 39 xác người Việt được phát hiện trong thùng đông lạnh của một xe tải ở một khu công nghiệp phía đông London gây chấn động dư luận cả trong và ngoài nước. Kết luận điều tra sau đó cho thấy những nạn nhân khởi sự chuyến đi từ Bắc nước Pháp rồi được chuyển đến cảng Zeebrugee của Bỉ, và kết thúc bi thảm tại London.
Một chuyên viên thuộc tổ chức phi Chính phủ Utopia chuyên giúp đỡ dân di cư cho biết những người Việt Nam trước đây thường sống cách biệt khỏi những nhóm dân khác. Tuy vậy gần đây họ ngày càng trà trộn vào những nhóm người Châu Á và Châu Phi khác để chờ một chuyến đi bằng thuyền hay bằng xe tải đưa họ đến được nước Anh.
Nhà văn Tâm Thanh ra đi, như một cánh chim vút qua. Nhưng tiếng kêu của chim còn rớt lại, và sẽ còn ở với cõi nhân gian lâu dài.
Phạm Xuân Đài
Tôi nhặt được cụm từ "Kho Trời đã khóa" trong truyện ngắn (Chân dung một cô gái Việt Nam) của Tâm Thanh. Người kể chuyện tên Diễm, sinh ra tại Na Uy, và làm việc như một thông dịch viên (on call) cho sở cảnh sát di trú tại thủ đô Oslo. Nhân vật chính tên Vân, bị bắt giữ về tội ăn cắp và nhập cư bấ́t hợp pháp. Đoạn kết như sau :
"Xin cô nghe đây", cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. "Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi".
"Thế thì trả tôi về Ðức".
"Tại sao lại Ðức ? Cô đi từ Việt Nam mà !"
"Tôi từ bên Ðức sang...".
"Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật ?"
"Cái thai lày của một thằng Ðức".
"Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết".
"Không biết... thật đấy. Nói chung nà đêm không thấy mặt".
"Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam".
"Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết..." người tù nói nhanh, rồi lại vội nói "Chị đừng dịch cho ló nghe nhá !"
"Cô ấy nói gì ?" thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi.
"Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói".
Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai : "Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương …
Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm : "Con tôi sinh trong tù à ?"
Diễm cảm thấy xót xa trong lòng… Diễm nghĩ đến thân phận chính mình - sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp... là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện : tới một nơi có thể lương thiện mà sống được.
Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.
So với lúc "Kho Trời chưa khoá" thì tình hiện trạng của bà Vân, xem chừng, khắc nghiệt hơn hồi "ba chục năm" xưa nhiều lắm. Ở thời điểm đó, khi miền Nam vừa "được hoàn toàn giải phóng", những cô gái ở vùng đất này đều có lời giao ước (rõ ràng) trước khi thuyền ra cửa biển : "Một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con".
Bây giờ thì thân mẫu của bà Vân, nếu có, phải đi thăm nuôi cả con lẫn cháu vì tội vượt biên trái phép. Đứa cháu mà chính mẹ nó cũng không biết "thằng bố" là ai vì "nói chung nà đêm không thấy mặt". Tình cảnh của bà Vân, tuy vậy, vẫn chưa đến nỗi nào – so với nhiều người đồng hương khác – theo tường thuật của nhà báo Vũ Ngọc Yên : "Vào ngày 23/10/2019 một thông tin chấn động thế giới khi chiếc xe container chở hàng chứa 39 thi thể người nhập cư bị phát hiện ở Essex, miền Đông Anh, cách thủ đô London 30km. Nhiều thông tấn xã quốc tế loan tin trong số nạn nhân có người Việt Nam".
Hai hôm sau, 10/25/2019, blogger Nguyễn Hữu Vinh (RFA) cho biết thêm chi tiết : "Khi việc điều tra của cảnh sát Anh chưa chấm dứt, thì trên mạng rộ lên thông tin về một tin nhắn của một cô gái nhắn về cho mẹ tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Cô gái cho biết tên là Phạm Thị Trà My, ở số nhà 1, Ngõ 2, Đường Đặng Dung, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Trong tin nhắn mà gia đình nhận được, cô gái nói rằng : ‘Con đi nước ngoài không thành, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…"
Vợ chồng ông Phạm Văn Thìn, nhớ về con gái Phạm Thị Trà My (26 tuổi) – tại nhà ở Tĩnh ngày 26/10. Ảnh & chú thích : BBC
Lời cuối của cô Phạm Thị Trà My lại khiến tôi nhớ đến một mẩu đối thoại (giữa hai người Việt đồng cảnh, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại một nhà tù nào đó ở Âu Châu) trong một truyện ngắn khác của Tâm Thanh :
Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói :"Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt".
"Chết !?"
"Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.
Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về... Anh có nghe không đấy ?"
"Nghe rõ cả".
"Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không ?"
"Chắc đúng".
"Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm 'Mẹ ơi ! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.' Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi". ("Người Rơm " – Diễn Đàn Thế Kỷ 1/7/2010).
Tâm Thanh qua đời ngày 9 tháng 4 năm 2015. Trước đó một năm, hôm 3 tháng 5 năm 2014, thân hữu tại Oslo đã tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam để vinh danh những tác phẩm của ông. Bức thư ngắn ngủi ông gửi đi trong ngày hôm đó có đoạn sau : "Tôi đang nằm bệnh viện khi viết những dòng này. Vâng, tôi bị ung thư tụy tạng trong thời ký tái phát. Từ hơn năm nay trên giường bệnh, tôi chỉ có một nỗ lực duy nhất : trở thành trẻ thơ để trở về với Thượng Đế. Tuy nhiên đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình : Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn ; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ…"
Cái chất "hư cấu" trong văn chương của Tâm Thanh khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Ông dự liệu được cái thảm hoạ mà đồng bào của mình sẽ bị ghánh chịu : "Anh giúp chúng ta hiểu đời hơn, báo trước cho chúng ta những bất trắc, những ngộ nhận, những mất mát không thể tránh khỏi trong đời sống, nghĩa là giúp chúng ta biết vui mà không mù quáng, cũng như biết buồn mà không bi lụy". Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết như thế về tác phẩm của Tâm Thanh, trước khi cả hai ông (đều) đi về cõi vĩnh hằng.
28/10/2019
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 06/11/2019 (tuongnangtien's blog)
Những ngày qua, cả thế giới rúng động về chuyện 39 người chết trong một chiếc xe vận tải chở thực phẩm đông lạnh bằng container ở hạt Essex, Anh. Cuộc điều tra còn đang tiến hành, cảnh sát chưa công bố danh sách nạn nhân vì gần như tất cả đều không có giấy tờ tùy thân, tuy nhiên theo những tin tức mới nhất cho biết, hầu hết nạn nhân là người Việt Nam gồm 31 nam, 8 nữ.
Thế giới rúng động về chuyện 39 người chết trong một chiếc xe vận tải chở thực phẩm đông lạnh bằng container ở hạt Essex, Anh
Cái chết bi thảm của 39 người này nói lên một điều : Sau gần 45 năm thống nhất đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tìm cách buôn người, bằng hình thức này hay hình thức khác.
Cách đây mới chỉ hơn một tháng, câu chuyện 9 người trong đoàn đại biểu quốc hội Việt Nam qua Nam Hàn công tác, trốn ở lại Nam Hàn vào tháng 12/2018 bị lộ ra vì một người ra đầu thú, một người bị bắt khiến dư luận Việt Nam xôn xao, bàn tán, đặt dấu hỏi... Tuy nhiên, cũng chỉ ì xèo ít ngày rồi chìm xuồng.
Chẳng có cơ quan "chức năng" nào "vào cuộc" để điều tra cho đến nơi, đến chốn, hoặc có nhưng cũng chỉ lấy lệ. Đụng đến một trong "tam trụ" triều đình là điều tuyệt đối cấm kỵ.
Nhiều người tự hỏi, Đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất, cai trị đất nước toàn diện và tuyệt đối với bàn tay sắt, công an Việt Nam là lực lượng công an tài giỏi nhất trên thế giới thì tại sao lại để lọt 9 người len lỏi vào đi nhờ chuyên cơ của Chủ tịch quốc hội áo dài Nguyễn Thị Kim Ngân rồi bốc hơi ở Nam Hàn mà không ai hay biết ? Hỏi thôi chứ chẳng ai có được câu trả lời.
"Vụ việc" vừa mới êm êm trong dư luận thì biến cố 39 người chết thê thảm vì ngạt thở trong xe thùng đông lạnh ở Essex (Anh quốc) nổ ra khiến "Tam đầu chế" chới với, tìm cách chống đỡ, không một lời chia buồn, một biểu lộ cảm xúc với gia đình nạn nhân cho dù đã có nhiều nguồn tin cho biết đa số là người Việt Nam.
Trong lúc người dân Anh ở Essex, London cùng với thủ tướng Anh, Boris Johnson chia buồn, thắp nến, bày tỏ lòng thương xót, cảm thông cho nạn nhân thì trên mạng xã hội, facebook của Việt Nam, nghĩ cũng lạ, không ít người thay vì kết tội những kẻ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thảm cảnh đó lại đi kết tội, đổ lỗi cho nạn nhân, chỉ trích, phê phán, thậm chí nhục mạ sự rời bỏ dất nước ra đi của họ trong những điều kiện bi thảm và bế tắc trong cuộc sống.
Người dân Anh ở Essex, London cùng với thủ tướng Anh, Boris Johnson chia buồn, thắp nến, bày tỏ lòng thương xót, cảm thông cho nạn nhân
Theo facebooker Nguyễn Hồng Lam, những nạn nhân nhập cảnh lậu vào nước Anh trên xe thùng đông lạnh đều chỉ có ước muốn được làm giầu nhanh chóng bằng cách trồng cỏ (cần sa) cho các tổ chức tội phạm. Hầu hết họ đều là người của các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Cho dù điều này có đúng sự thật thì việc lên án, kết tội họ cũng rất sai lầm. Họ chỉ là nạn nhân của chế độ cộng sản. Người dân Anh đã không quan tâm đến việc nhập cảnh lậu của 39 nạn nhân muốn đến nước Anh để trồng cỏ, tham gia vào tổ chức tội phạm hay để làm gì, họ chỉ thương xót cho những mảnh đời vô vọng, những số phận nghiệt ngã.
Mục đích nhập cảnh lậu vào nước Anh dù chỉ để trồng cỏ, làm giầu nhanh chóng đi chăng nữa thì cái chết của 39 nạn nhân trong xe thùng đông lạnh cũng là một sự trả giá quá đắt cho những người đang ở tuổi thanh xuân. Họ ra đi, có thể không phải vì nghèo mà vì một sự cám dỗ hay một sự bế tắc trong cuộc sống không có lối thoát, không có việc làm, không có tương lai...
Trong khi đó, để trốn tránh, chối bỏ trách nhiệm, chế độ cộng sản Việt Nam ra lệnh cho báo chí, truyền thông tìm cách đổ lỗi cho các tổ chức tội phạm buôn người quốc tế, đặc biệt đổ lên đầu "nước lạ", còn chế độ và Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn vô tội, không liên quan gì. Điển hình là tờ Lao Động hoặc tờ SaoStar nói về Chị Ping và băng đảng Đầu Rắn nào đó khét tiếng về buôn người ở Trung Quốc.
Có người cho rằng việc buôn lậu người ra nước ngoài thuộc đặc quyền của đảng và chế độ cộng sản Việt Nam. Nhận định này mới nghe tưởng là vô lý nhưng nếu suy nghĩ cho chính chắn thì thật đúng như vậy.
Nếu không có sự cấu kết của công an, cán bộ chính quyền, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ địa phương đến trung ương, một tổ chức buôn lậu người rất khó lòng hoạt động, bởi chúng cộng sản Việt Nam theo dõi, giám sát người dân trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
Nếu không có móc nối, ăn chịu, chia chác quyền lợi…, bằng cách nào "chuyên cơ" của bà chủ tịch áo dài đi công tác qua Nam Hàn lại có thể xẩy ra chuyện 9 người bốc hơi mà không ai biết ? Ai là người duyệt, người ký chấp thuận hành khách, ai chịu trách nhiêm kiểm soát danh sách (passenger manifest)… ? Mọi chuyện chắc chắn sẽ êm đẹp nếu không xẩy ra chuyện một người trốn ở lại ra đầu thú vì không tìm được việc làm để sinh sống, một người khác bị bắt.
Tương tự như vậy, một tổ chức buôn người làm sao hoạt động được trong một địa phương như phường, xã, quận, huyện ở Việt Nam nếu công an không ăn chia, không nhận hối lộ, thậm chí giúp đỡ phương tiện… ?
Cái chết bi thảm của 39 nạn nhân trong xe thùng đông lạnh ở Essex chắc chắn chưa phải là tai nạn thảm khốc cuối cùng của những người Việt Nam muốn rời bỏ dất nước ra đi để tìm một tương lai tươi sáng.
Xin đừng kết tội hay đổ lỗi là họ tự gây ra thảm cảnh cho mình. Thủ phạm của những cái chết này cũng như những cái chết của mấy trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam ở Biển Đông thập niên 70-80 chính là đảng và chế độ cộng sản Việt Nam.
Thạch Đạt Lang
(29/10/2019)
Cư dân Việt Nam được cấp quy chế thường trú nhân Hoa Kỳ, còn gọi là thẻ xanh, đa phần phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng Thống Donald Trump, theo đó cấm người tị nạn và di dân từ bảy quốc gia đa phần dân số là người Hồi Giáo.
Sắc lệnh của ông Trump ra lệnh tạm ngưng nhập cảnh người tị nạn vào Hoa Kỳ trong vòng 120 ngày, cấm vĩnh viễn người tị nạn từ Syria, và thực thi lệnh cấm kéo dài 90 ngày đối với các công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Chị Thu Huỳnh, hiện đang sống ở Maryland, băn khoăn với sắc lệnh của ông Trump. Chị nói sẽ rất buồn nếu cá nhân hay người nhà, có thẻ xanh, lại bị cấm nhập cảnh vào Mỹ :
"Tôi cũng hơi suy nghĩ là nếu người ta là người ngay, thì phải làm sao đối với hoàn cảnh gia đình của họ. Hoàn cảnh gia đình của họ sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ phải tự xoay sở thế nào để thích ứng với hoàn cảnh mới của nước Mỹ".
Tuy nhiên, chị Thu Huỳnh ủng hộ một phần của sắc lệnh này vì "sắc lệnh giúp ngăn chặn kịp thời kẻ khủng bố có ý đồ nhập cảnh vào Hoa Kỳ" từ những quốc gia có liên quan đến khủng bố.
Chị Thu Huỳnh nói về cái lợi của sắc lệnh vừa được ban hành ngày 27 tháng Giêng :
"Vì có người theo khủng bố nên chính sách đó là chính sách tốt. Về một mặt nào đó. Đối với kẻ theo khủng bố thì thật chính đáng".
Một chị ở Virginia, không nêu tên, cho rằng quyết định cấm nhập cư của Tổng thống Trump là "hoàn toàn sai trái". Chị nói :
"Đương nhiên tôi không nghĩ đó là một quyết định đúng. Quyết định này không làm người dân như tôi hài lòng. Một quyết định không tốt chút nào".
Anh Khanh Nguyễn ở Fairfax, Virginia, cho VOA biết anh có người thân là thường trú nhân tại Hoa Kỳ, nếu người thân của anh không được quay lại Mỹ thì anh vô cùng tức giận :
"Dĩ nhiên, phản ứng đầu tiên của mình là tức giận. Tức giận vì nhiều lý do. Lý do thứ nhất người thân của mình đã được cấp qui chế thường trú nhân, nhưng bây giờ không được nhập cảnh. Điều thứ hai là lòng người. Bao gồm cả người Việt Nam và các người dân trên thế giới".
Ngoài ra, anh Khanh Nguyễn còn nói rằng sắc lệnh này của ông Trump là một sai lầm lớn :
"Đây là một đất nước tự do. Khi là một đất nước tự do thì mọi người phải bình đẳng hết. Không thể nào mà lúc này thì người này được chấp thuận, lúc khác thì lại không được. Theo mình nghĩ, điều đó là sai lầm lớn của Tổng Thống Trump".
Theo Luật Di Trú Hoa Kỳ, thường trú nhân Hoa Kỳ, còn được gọi là người giữ thẻ xanh, được cấp nhiều quyền lợi. Họ có thể sống và làm việc tại bất cứ đâu ở Hoa Kỳ. Vì vậy, thường trú nhân có thể chọn để sống và làm việc ở bất kỳ tiểu bang nào của Hoa Kỳ mà họ mong muốn. Thường trú nhân được bảo vệ hoàn toàn trước luật pháp liên bang, tiểu bang và địa phương của Hoa Kỳ.
của Tổng thống Donald Trump về di dân tiếp tục "gây bão dư luận" công dân Việt ở Hoa Kỳ, dù họ không phải là đối tượng nằm trong lệnh cấm của Nhà Trắng.
Trên blog cá nhân, anh Châu Thanh Vũ, một nghiên cứu sinh người Việt học ở Boston, viết : "… rất nhiều người Việt Nam xem ông Trump đơn thuần là một vị tổng thống nói là làm, đặt lợi ích và an ninh quốc gia lên trên hết. Đối với họ, sắc lệnh cấm nhập cảnh của công dân 7 quốc gia mà đa phần dân số là người Hồi giáo là một việc làm đúng đắn bảo vệ lợi ích của nước Mỹ…".
Tuy nhiên, theo anh Vũ, "về phương diện đạo đức, điều này lại không hợp lý một tí nào. Trong khi châu Âu đang gồng mình lên tiếp nhận làn sóng người tị nạn chiến tranh từ Syria, thì Mỹ – siêu cường quốc của Thế giới – lại đang đóng cửa không giúp đỡ những người phải bỏ quê hương của họ để chạy đua với tử thần".
Sau khi sắc lệnh hành pháp về di dân ký ngày 27/1 gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối khắp nước Mỹ, Nhà Trắng tuyên bố rằng Hoa Kỳ "sẽ tiếp tục cấp thị thực cho tất cả các nước sau khi đã đoan chắc, xem xét và thực thi các chính sách an toàn nhất trong vòng 90 ngày tới".
Anh Hùng Trần, người sáng lập đồng thời cũng là giám đốc điều hành của GotIt !, một công ty khởi nghiệp về giáo dục ở Silicon Valley, nói rằng anh "chỉ có nhân viên ở Việt Nam và Mỹ nên hiện tại cũng không có bị ảnh hưởng gì bởi sắc lệnh của ông Trump".
Anh cho VOA Việt Ngữ biết thêm rằng việc cấm di dân của ông Trump đang "nóng" tại "thủ đô công nghệ của thế giới".
Anh nói : "Kể cả ‘co-founder’[người đồng sáng lập] của Google là Sergey Brin cũng đi ra SFO [sân bay quốc tế San Francisco] để tham gia cái ‘demonstration’ [biểu tình] với mọi người. Nói chung, ở Silicon Valley có rất là nhiều các kỹ sư và mọi người từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả Google hoặc các công ty lớn, người ta có rất nhiều nhân viên có thể bị ảnh hưởng. Ở đây đang nóng về vấn đề đó".
Như anh Hùng, nhiều công ty công nghệ có người sáng lập sinh ra ở nước ngoài và tuyển dụng nhiều nhân viên khắp thế giới tới làm việc, trong đó cũng có không ít người là công dân của các nước nằm trong lệnh cấm của ông Trump nên buộc các công ty này phải lên tiếng phản đối sắc lệnh hành pháp.
Bạn đọc Len Nguyen, từ Washington, gửi ý kiến cho VOA Việt Ngữ, cho biết, "hoàn toàn ủng hộ quyết định sáng suốt của Tổng Thống Donald Trump".
Thính giả này viết tiếp : "Cần phải có biện pháp nghiêm ngặt, phối kiểm kỹ lưỡng những thành phần ở 7 nước có nguồn gốc người lợi dụng đường lối di dân nhân đạo của Hoa kỳ để len lỏi mà gây nên cái thảm hoạ 9/11. Đây là bài học xương máu của Hoa Kỳ mà những ai có ý phản đối hay dọa Tổng Thống Donald Trump cần phải xem xét lại. Hoan hô Tổng Thống Donald Trump".
Trong khi đó, chị Thảo Lê, một sinh viên Việt Nam đang học tập tại thành phố Philadelphia, cho VOA Việt Ngữ biết rằng chị cũng có trao đổi với các bạn bè bản xứ, và theo lời chị, "họ thấy nó rất là kiểu vô lý vì ‘ban’ [cấm] một số nước mà một số nước đấy lại không liên quan tới khủng bố gì hết".
Bảy quốc gia nằm trong "danh sách cấm" của ông Trump gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen.
Chị nói thêm : "Trường có đưa ra những cái email bảo là, trong những tháng sắp tới mọi người đừng rời nước Mỹ vì đi có khả năng không được vào lại. Trường cũng có báo, trường cũng ‘take action’ [hành động]".
Nhiều trường đại học ở Mỹ cũng đã ra thông báo trấn an các du học sinh từ quốc gia bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh của ông Trump.
Theo thống kê chính thức của các cơ quan giáo dục Mỹ, hiện có hơn 21 nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, đứng thứ sáu trong các quốc gia trên toàn thế giới có du học sinh tới Mỹ học tập.
Anh Thành Đỗ, sinh viên gốc Việt tại New York, cho rằng chính sách của ông Trump "gây chia rẽ". Anh nói : "Các bạn không quá là lo lắng, nhưng cảm thấy nó không đúng. Ở Mỹ, đáng nhẽ phải rất là ‘diverse’ [đa dạng], nên đáng nhẽ phải có các policies [chính sách] giúp mọi người dễ hòa nhập hơn, nhưng đây nó lại tìm cách để chia rẽ".
Về khả năng tân chính quyền Mỹ ban hành các chính sách siết chặt việc các du học sinh nước ngoài ở lại làm việc, anh Thành nói rằng "tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa".
Trong tuyên bố chính thức của Nhà Trắng hôm 29/1, ông Trump nói rằng "nước Mỹ là quốc gia hãnh diện vì người nhập cư và chúng ta sẽ tiếp tục cho thấy lòng trắc ẩn đối với những người bỏ chạy sự áp chế".
****************
Cảnh sát Pháp phá vỡ một đường dây đưa người Việt sang Anh bất hợp pháp (RFI, 31/01/2017)
Người nhập cư sống trong rừng Calais ở miền bắc nước Pháp. Ảnh chụp năm 2009. Ảnh : Reuters
Nguồn tin từ giới điều tra, ngày 30/01/2017 cho AFP biết : Một đường dây đưa người nhập cư Việt Nam từ Pháp sang Anh bất hợp pháp đã bị phá vỡ vào cuối tuần qua.
Hàng chục cảnh sát đã được huy động, với sự hỗ trợ của trực thăng và chó nghiệp vụ, đã phong tỏa một khu lán trại của người Việt, ở Angres, vùng Pas-de-Calais, miền tây bắc nước Pháp.
Dưới sự hướng dẫn của các nhà điều tra thuộc cơ quan trấn áp nhập cư bất hợp pháp (Ocriest), cảnh sát đã câu lưu khoảng 15 người và tạm giữ 5 người trong đó có 4 người Việt và 1 lái xe taxi người Pháp.
Cuộc điều tra bắt đầu từ hồi tháng 3/2016 và cho thấy có một đường dây đưa người nhập cư bất hợp pháp bắt nguồn từ vùng Paris. Những người Việt Nam tự đến Pháp và tại Paris, họ được chở bằng taxi đến Lens, sau đó được đưa vào khu lán trại ở Pas-de-Calais, chờ thời cơ đi sang Anh Quốc.
Những người này phải trả 700 euro để được nhập trại. Sau đó, họ phải chi từ 3500 đến 10 000 euro để được sang Anh. Một khoản tiền lớn trong số này được dùng để chi cho tài xế xe tải hạng nặng có giao kèo với mạng lưới đưa người nhập cư bất hợp pháp. Cũng có nhiều trường hợp người nhập cư được thả xuống các trạm nghỉ dọc đường và phải tự xoay xở.
Cuộc điều tra khá phức tạp bởi vì "cộng đồng người Việt sống rất khép kín". Các nhà điều tra cho biết là từ một năm nay, mạng lưới đưa người này đã thực hiện được nhiều vụ.
RFI tiếng Việt