Hy vọng Syria sẽ đóng lại một thập kỷ tồi tệ của thế giới
Hoàng Quốc Dũng, 16/12/2024
Thế giới dù sao vẫn tiến về dân chủ. Nếu đầu thế kỷ XX, chỉ có khoảng 10 nền dân chủ thì hiện nay trên thế giới có gần 100. Tuy nhiên, dòng chảy của lịch sử không đều, có những khúc quanh tồi tệ. Tôi không quay xe, nhưng cũng cần phải nói rằng, thập kỷ vừa qua thực sự rất tồi tệ với dân chủ.
Ngày 21/08/2013, chính quyền al-Assad đã đánh bom chứa khí độc sarin vào khu dân cư Ghouta sát hại rất nhiều người, đa số là trẻ em
Các chế độ độc tài vẫn tiếp tục lộng hành
Ngày 21/08/2013, chính quyền al-Assad đã đàn áp dã man người dân ở Ghouta (gần thủ đô Damascus) bằng vũ khí hóa học chứa khí độc sarin, khiến rất nhiều người dân, kể cả trẻ em, đã chết một cách vô cùng đau đớn và thương tâm. Vụ việc này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, tạo ra yêu cầu phải có sự can thiệp quốc tế vào Syria…
Trước sự kiện khủng khiếp này, chế độ độc tài al-Assad cũng đã gây ra những tội ác tương tự, bằng vũ khí hóa học, tại các địa điểm như Khan al-Assal (gần Aleppo), Otaybeh (gần Damascus), Saraqeb (Idlib).
Vũ khí hóa học là loại vũ khí bị quốc tế cấm sử dụng. Chính quyền Damascus đã coi thường cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, trước khi vụ Ghouta xảy ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Bachar al-Assad bằng cách vạch ra một "lằn ranh đỏ" - nếu còn sử dụng vũ khí hóa học, sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề, ám chỉ đến can thiệp quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, được Nga chống lưng, al-Assad vẫn ngông cuồng tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học tại Ghouta với quy mô lớn hơn, tức là đã vượt qua lằn ranh đỏ. Thế nhưng Obama chẳng làm gì cả.
Ngược lại với Mỹ, Pháp (dưới thời Tổng thống François Hollande) rất tích cực trong việc trừng phạt al-Assad và đã chuẩn bị rất kỹ các lực lượng hải và không quân trong khu vực để cùng Anh Quốc và Mỹ tấn công các cơ sở quân sự Syria. Tuy nhiên, Anh Quốc (dưới thời Thủ tướng David Cameron), ban đầu rất tích cực, sau đó thì bỏ cuộc. Chính sự bỏ cuộc của Anh Quốc đã dẫn đến sự bỏ cuộc của Mỹ. Hollande rất bực tức với thái độ này của đồng minh và không thể làm gì hơn. Chế độ al-Assad lẽ ra đã kết thúc vào năm 2014.
Đây là một dấu hiệu vô cùng yếu đuối của phương Tây trước sự hoành hành của al-Assad với chủ nhân của nó là Putin. Nhận được dấu hiệu này, trong năm 2014 Putin đã bình thản xua quân bịt mặt đánh chiếm bán đảo Crimea và một phần Donbas của Ukraine. Cũng tương tự như trên, phương Tây gần như đã làm ngơ và không động tĩnh gì.
Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự gia tăng đáng kể ảnh hưởng của Iran ở các nước như Iraq, Syria, Lebanon, Yemen…
Trong năm 2020, sau nhiều năm đấu tranh bền bỉ, tất cả các lực lượng dân chủ ở Hồng Kông đã bị Bắc Kinh đè bẹp. Hiện tại không còn ai nói về vấn đề này nữa. Một câu chuyện rất buồn.
Cùng năm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hiệp ước với đại diện phiến quân Taliban tại Doha để rút hết quân về nước, đổi lấy sự cam kết của Taliban tiếp tục đánh quân khủng bố al-Qaeda tại Afghanistan. Không biết bây giờ dân chúng Afghanistan sống ra sao ?
Với đà tiến quân không gặp kháng cự tương xứng của phe dân chủ trong nhiều năm, vào tháng 2/2022, Putin đã xua hàng trăm ngàn quân xâm lược trắng trợn Ukraine. Và cũng như những lần trước, phương Tây áp dụng chính sách vũ như cẫn, vẫn như cũ, nghĩa là chỉ hăm he và phản ứng lấy lệ rồi thôi, không tương xứng với những cam kết sau ký hiệp ước Budapest năm 1994 long trọng bảo vệ nền độc lập của Ukraine và chống lại mọi cuộc xâm lăng vũ trang, khiến Ukraine rơi vào tình trạng khó xử hiện nay (tiếp tục đưa lưng ra cho Nga đánh đập và cắn răng chịu đựng) và trở thành một tình trạng khó xử chung cho toàn khối dân chủ phương Tây và NATO.
Đây là tôi chỉ kể qua một số sự kiện, không đi vào chi tiết, và cũng chưa kể hết các sự kiện tương tự khác như Azerbaijan lấy lại Nagorno-Karabakh ; chuyện các nhà độc tài ở nhiều nước khác vẫn đang đàn áp nhân dân của họ, đã ngang nhiên tham gia hội nghị bảo vệ môi trường quốc tế (COP29) do nhà độc tài Ilham Aliyev (Azerbaijan) đứng ra tổ chức là một ví dụ ; chưa kể đến những diễn biến chính trị của từng nước tại Châu Phi và Châu Á, các phong trào cực hữu, cực tả, tại khắp nới trên thế giới…
Phương Tây hèn nhát, lực bất tòng tâm hay ngờ nghệch ?
Cái gì cũng có một tý, nhưng chủ yếu là không hề có quyết tâm và ngờ nghệch.
1. Ngờ nghệch để Putin "đánh đông dẹp tây" bao nhiêu năm nay trên mặt trận chiếm đất, tung tin giả (fake news). Ukraine chỉ là một trường hợp gần đây nhất. Thật ra những chuyện tương tự như Ukraine có đầy.
2. Ngờ nghệch để Tập Cận Bình "đánh nam dẹp bắc" trên mặt trận kinh tế, chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, đến nỗi bây giờ cưỡng lại không nổi…
Phương Tây đã quá ngây thơ, quá mềm yếu trong thập kỷ qua và ngày nay đang lãnh nhận hậu quả. Nếu phương Tây không cứng rắn, quyết liệt hơn nữa thì trong tương lai có thể tất cả chúng ta sẽ phải sống dưới các chế độ "độc tài xã hội chủ nghĩa" kiểu Putin hay Tập Cận Bình, và không chừng cũng có thể dưới chế độ độc tài Hồi giáo.
Rất may là dân quân Syria đã làm nên một chiến tích, đánh bại được một lực lượng độc tài mà không có sự can thiệp trực tiếp của phương Tây. Phương Tây chỉ là khán giả. Hy vọng chiến thắng này của Syria sẽ mở ra một thập kỷ mới, chấm dứt sự lấn át của các thế lực độc tài.
Bức tranh mà tôi vừa vẽ ra có vẻ rất ảm đạm và buồn. Nhưng đó là quá khứ. Hiện tại, chúng ta có rất nhiều yếu tố đáng khích lệ để không lặp lại những điều tồi tệ của thập kỷ qua.
Nhân dịp Noel và năm mới 2025, chúc tất cả các bạn một lễ Noel đầm ấm bên gia đình, một ngày lễ Tết vui vẻ.
Chúc tất cả các bạn, những người yêu tự do, dân chủ, hòa bình, một năm mới tràn đầy hy vọng với tất cả những điều tốt đẹp nhất. Chúc tất cả các dân tộc bị áp bức bởi độc tài của nước mình hay ngoại bang sẽ giành được tự do.
Hoàng Quốc Dũng
(16/12/2024)
**************************
Đừng bao giờ tin vào kẻ ác
Hoàng Quốc Dũng, 15/12/2024
Những ngày vừa qua, chúng ta được biết đến những câu chuyện của những người tù Syria, nhiều chuyện cảm động đến rơi nước mắt.
Những người vào nhà tù Saidyana đã tìm được những sợi dây thòng lọng đã từng treo cổ tù nhân
Nhiều đoạn phim quay lại cảnh quân nổi dậy xông vào nhà tù phá khóa, giải phóng biết bao nhiêu người, trong đó có cả bà và cả trẻ con. Có người thì không dám ra. Có người đang nửa tỉnh nửa mê, thấy người ta chạy thì mình cũng chạy, chạy thục mạng, chạy mãi, chạy được một quãng đường dài rồi mới hỏi người đi đường là có chuyện gì vậy. Mọi người nói "chính quyền al-Assad đã sụp đổ". Lúc đó anh ta mới ngồi xuống ôm mặt khóc rất to và nói rằng "đã 10 năm nay tôi ở trong tù và không biết bất cứ chuyện gì ở bên ngoài".
Ngược lại có cảnh một người quá ốm yếu, chùm chăn nằm đó, bị mọi người bỏ quên. Khi dân quân quay trở nhà tù để kiểm soát, khi đến phòng giam này lại vào thấy chăn đụng đậy, họ sợ quá chĩa súng vào và bắt người tù bỏ chăn ra. Thấy súng, người tù sợ quá, vái người cầm súng như vái sao. Nhưng người lính lại nói, anh được tự do, chúng tôi vào đây để giải phóng anh. Rồi đưa cho anh một bát "cơm". Anh này ăn ngấu nghiến rồi nói rằng mấy ngày qua không được ăn. Anh cũng kể trong tù người ta cho ăn chỉ để tù nhân không chết để tiếp tục bị tra tấn và hành hạ. Có những người tù khi được phóng thích, khóc rất to. Họ không thể nào nghĩ rằng đó là sự thật vì ngày hôm sau là ngày họ sẽ bị treo cổ. Ở Campuchia thời Polpot có đám cưới tập thể thì trong nhà tù Al-Assad có treo cổ tập thể 50 người một lúc. Có rất nhiều người ra tù đi lang thang vì họ bị tra tấn dã man và đã mất trí nhớ, quên hết tên tuổi của chính mình… Chuyện tội ác nhà tù của chính quyền Al-Assad rất dài.
Xin kể tiếp dưới đây một trong những trường hợp kém may mắn hơn những người nói trên.
Đám tang nhà đấu tranh cho tự do và dân chủ Mazen al-Hamada tại Damascus (Syria) ngay sau khi những tù nhân trong nhà tù Saidnaya được giải thoát ngày 12/12/2024
Ngày 12/12/2024, hàng ngàn dân quân cách mạng Syria đã rất đau buồn làm đám tang cho một chiến sĩ của họ bị nhà cầm quyền giết chết trong tù, trước khi bỏ chạy.
Mazen al-Hamada sinh năm 1977. Khi cuộc cách mạng Syria mới nổ ra (2012) anh đã dùng máy ảnh của mình chụp ảnh làm tư liệu về cuộc cách mạng ôn hòa này ở khắp nơi và đặc biệt ở Damascus. Anh đã bị chính quyền al-Assad bắt nhiều lần và bỏ tù, bị tra tấn dã man. Năm 2014, anh được trả tự do và trốn sang Hà Lan, nơi anh đã được chấp nhận quy chế tị nạn. Trong vòng sáu năm, Mazen al-Hamada, đã đại diện cho tiếng nói của những tù nhân lương tâm tại Syria đi khắp Châu Âu và cả Mỹ để vạch trần tội ác của chính quyền al-Assad để đòi công lý. Sau nhiều năm tranh đấu, bất lực trước sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế với số phận của Syria, bị chính quyền al-Assad lừa cho về nước hứa hẹn đủ điều, Mazen al-Hamada đã quyết định quay trở về Syria. Anh đã mất tích ngay lập tức khi vừa bước xuống sân bay ngày 12/02/2020. Gia đình và bạn bè không hề thấy tung tích của anh từ ngày đó. Khi chính quyền al-Assad sụp đổ, rất nhiều gia đình các nạn nhân đã chạy đến các nhà tù để tìm người thân, trong đó có gia đình Mazen al-Hamada. Rất khó khăn lắm người ra mới tìm thấy thi thể của anh hoàn toàn biến dạng trước khi bị hành hình. Những kẻ cầm quyền đã hành xử một cách vô cùng tàn bạo và hèn hạ với một con người đấu tranh ôn hòa.
Nhưng Mazen al-Hamada cũng có một sai lầm kinh khủng là đã tin vào lời hứa của những kẻ độc ác. Độc ác như al-Assad và đồng bọn, cũng như tất cả những bọn đọc ác khác trên thế giới đều giống nhau, nó nằm ở trong máu.
Sau hơn nửa thế kỷ, dân Syria đã loại bỏ được gia đình độc tài al-Assad. Tuy nhiên tương lai của Syria vẫn là một ẩn số. Lực lượng chính giải phóng Syria HTS (Hayat Tahrir al-Sham) lại là một lực lượng thánh chiến hồi giáo. Hiện tại họ đang hứa hẹn những điều rất tốt đẹp cho Syria và không có biểu hiện gì của một đội quân khủng bố. Ngày 12/12/2024, để làm yên lòng cộng đồng quốc tế, HTS tuyên bố sẽ thiết lập nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, dù sao thủ lĩnh của HTS đã cố tạo ra một dáng hiền hò và cởi mở nhưng trong bản chất vẫn là một người có tư tưởng thánh chiến và hồi giáo cực đoan.
Do vậy, cuộc đấu tranh của những dân quân cách mạng HTS tại Syria tuy đã lật sang một trang mới và hô hào xây dựng một nhà nước dân chủ pháp quyền, phi tôn giáo nhưng cộng đồng quốc tế vẫn còn nhiều nghi ngại.
Trên thế giới, gần đây đã từng có một cuộc cách mạng rất triệt để đó là ở Ba Lan, một nước cộng sản, nhưng sau cách mạng, hiến pháp mới ghi rõ cấm chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan. Tại sao vậy ?
Hoàng Quốc Dũng
Trừ phi xã hội có dân trí cao, có tư duy phản biện (critical thinking), và quan trọng nhất, có nền truyền thông độc lập thuần túy phục vụ cho sự thật.
Biểu tình dù vàng ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, 28 tháng Chín, 2017. Hình minh họa.
Hồi xưa, lẫn bây giờ, thông tin đóng vai trò trọng yếu trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của con người. Ai nắm thông tin là nắm quyền, hay ảnh hưởng lên, quyết định sau cùng. Thông tin về ta, về bạn, lẫn thù. Về thị trường, về thương trường, và quan hệ v.v…
Cho nên câu nói "Giữ bạn của mình gần, giữ kẻ thù của mình gần hơn nữa" (Keep your friends close and your enemies closer), cũng không ngoài hàm ý đó.
Xin mở ngoặc ở đây để nói chút về thông tin và kiến thức. Người có kiến thức nhưng không có đủ thông tin chưa chắc sẽ đi đến quyết định tốt nhất trong những trường hợp quan yếu. Thông tin, trong trường hợp này, mang tính quyết định. Còn người có đầy thông tin nhưng không có kiến thức thì dễ bị choáng ngợp và lún sâu vào biển thông tin mà không biết sau cùng phải làm gì. Thông tin, trong trường hợp này, chỉ làm rối việc.
Nhưng quan niệm về thông tin và kiến thức giữa hai thể chế dân chủ và phi dân chủ khác nhau trời vực. Chế độ dân chủ cấp tiến quan niệm rằng người dân chỉ thật sự có khả năng làm chủ nếu họ không chỉ có kiến thức mà cần phải có đầy đủ thông tin để chính họ tự lấy quyết định thích hợp nhất cho quyền lợi của mình. Xin nhấn mạnh ở đây là quyền lợi của mình, tức của mỗi công dân, không phải của chế độ, hay nhà nước. Chế độ phi dân chủ, ngược lại, không muốn người dân hiểu biết và có đầy đủ thông tin vì như thế đe dọa đến sự tồn tại của họ. Chính vì thế mọi chế độ phi dân chủ đều tìm mọi cách để tác động lên lĩnh vực thông tin. Nhẹ là kiểm soát truyền thông và quyền tự do biểu đạt của người dân. Nặng là không cho bất cứ cơ quan truyền thông độc lập nào tồn tại, ngoại trừ truyền thông nhà nước. Còn người dân thì bị giới hạn và rằng buộc bởi bao luật lệ khác nhau, như luật an ninh mạng, luật hình sự vi tính v.v… Không những thế, họ có đội ngũ hùng hậu dư luận viên để hóa giải những khó khăn thử thách chế độ gặp phải, đồng thời nỗ lực tung tin thất thiệt, tung hỏa mù, tạo nghi vấn, đánh lạc hướng vấn đề, và sau cùng, khi cần, để làm cho tất cả những nguồn thông tin đều vô giá trị, bất khả tín như nhau.
Đây là chiến thuật mà những chế độ phi dân chủ đã và đang áp dụng khá thành công từ nhiều năm qua.
Tại Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos Jr đã tuyên thệ trong buổi lễ nhậm chức tổng thống vào ngày 30 tháng 6 vừa qua. Marcos con không ngần ngại ca ngợi thành tựu và con người của cha mình, mặc dầu Marcos cha là một nhà độc tài khét tiếng, đánh dấu bởi nạn tham nhũng lan tràn và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong 21 cầm quyền. Marcos con đã chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 5 năm nay vì biết sử dụng đội ngũ chuyên về mạng truyền thông xã hội, tung tin sai lệch về thời đại của Marcos cha, và hóa giải những nghi vấn mà giới trẻ Phi hiểu về thời điểm họ chưa sinh thành. Chiến dịchchiến tranh thông tin này không phải mới đây mà nó đã được tiến hành từ ít nhất 3 năm trước, năm 2019, và được củng cố mạnh mẽ trong thời gian vận động tranh cử.
Tại Hồng Kông, Apply Daily của Jimmy Lai và những cơ quan truyền thông độc lập đều gặp khó khăn để rồi phải đóng cửa vì tài sản bị đông lạnh, không thể tiếp tục trả lương cho nhân viên ; hoặc vì bị đe dọa bởi luật an ninh mạng đang treo sợi dây thòng lọng lên đầu. FactWire, cơ quan truyền thông chuyên điều nghiên về dữ kiện, đã ra thông báo đóng cửa hoạt động vào ngày 10 tháng 6. Sau 6 năm hoạt độngchuyên điều tra nghiên cứu những sự kiện quan tâm để đưa sự thật đến người nhận thông tin, thông tấn xã phi lợi nhuận FactWire hiểu rằng thời điểm đã đến, và họ không còn sự chọn lựa nào. Sự sách nhiễu chính thức lẫn những đe dọa âm thầm không phải là điều gì lạ với họ. Những cuộc điều nghiên trước đây của FactWire đã vạch trần một số âm mưu và can thiệp của Trung Quốc lên trên phạm vi của Hồng Kông, điều mà Bắc Kinh hứa hẹn sẽ tôn trọng nhưng làm ngược lại. Ngoài Apple Daily và FactWire, Stand News và Citizen News cũng cùng chung số phận. Cuối năm 2021, sau khi hơn 200 cảnh sát độp nhập cơ sở phát hành, Stand News đã đóng cửa hoạt động. Mấy ngày sau, đầu năm 2022,Citizen News cũng lấy quyết định tương tự chủ yếu vì lo ngại đếnsự an toàn của nhân viên. Hơn 800 ký giả Hồng Kông thuộc Apply Daily and Stand News đã mất việc sau khi hai cơ quan này đóng cửa.
Sự tấn công vào truyền thông trong thời gian qua thật ra không chỉ diễn ra ở các thể chế độc tài hay phi dân chủ. Nó đã và đang diễn ra khắp nơi. Trong thời gian Donald Trump làm Tổng thống, ông cũng lên án những cơ quan truyền thông nào phê phán ông, và gán nhãn hiệu cho họ là tin giả. Sau khi xâm chiếm Ukraine ngày 24 tháng 2, đầu tháng 3 nước Nga của Putin đã thông qua đạo luật kiểm soát ngoặc nghèo thông tin, tấn công những cơ quan truyền thông hay cá nhân nào đưa thông tin ngược lại xu hướng chung của nhà nước Nga. Chỉ cần gọi nó là cuộc chiến, thay vì "chiến dịch đặc biệt", là có thểbị rắc rối ngay. Tường trình về cuộc chiến từ bên trong nước Nga một cách độc lập gần nhưbất khả , và truyền thông nhà nước Nga trở thành độc quyền đưa tin, bình luận và định hướng dư luận.
Peter Limbourg, Tổng Giám đốc cơ quan truyền thôngDeutsche Welle (DW) của Đức biện luận rằng tuy không thể chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, đây là thời điểm quan trọng khi vai trò của ký giả cần chứng minh tính thích đáng của nó, vì những gì được truyền đi có thể ảnh hưởng đến số phận của hàng trăm nghìn người và các hành động chính trị quan yếu. Limbourgnhấn mạnh rằng "Chúng ta đang phải đối mặt với một cơn bão thông tin sai lệch, tuyên truyền và kiểm duyệt. Khi những tiếng nói tự do và độc lập kết hợp với nhau, chúng ta có thể chống chọi với cơn bão này và tạo ra sự khác biệt".
Maria Ressa, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 2021, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Truyền thông Toàn cầu tổ chức bởi DW tại Đức vào cuối tháng 6 vừa qua,biện luận rằng "Nếu bạn không có dữ kiện, bạn không có sự thật ; nếu bạn không có sự thật, bạn không có lòng tin". Ressa xác định : "Làm thế nào để chúng ta xây dựng lại lòng tin ? Bởi vì đó là điều mà các chính phủ phi tự do/cấp tiến đã phá hủy. Nếu bạn không có tính trung thực của sự kiện, làm sao bạn có thể có được sự liêm chính trong các cuộc bầu cử ?". Ressa quan ngại rằng nghề ký giả đang đứng ở khoảnh khắc sống còn (existential moment ) và quả quyết rằng "Xây dựng lại niềm tin bằng sự thật là điều cần thiết để chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít".
Tổng Thư ký của tổ chức Phóng viên Không Biên giới còn tô lên một bức tranh ảm đạm hơn thế nữa. Christophe Deloire, phát biểu tại cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào đầu tháng 6 vừa qua,nhận định rằng "Mỗi năm bản đồ tự do báo chí thế giới trở nên tối hơn". Kenneth Roth, Giám đốc Điều hành của Human Rights Watch, cảnh báo : "Sổ tay của kẻ chuyên quyền luôn bắt đầu bằng việc đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập. Các nhà báo đóng một vai trò xã hội thiết yếu để cung cấp thông tin cho công chúng, do đó, một công chúng hiểu biết có thể buộc các chính phủ phải chịu trách nhiệm về hành động của họ". Agnes Callamard, Tổng thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế, đã đi xa hơn : "Thông tin độc lập và tự do là trọng tâm của chính hệ thống toàn cầu. Nếu chúng ta không duy trì không gian cho tự do báo chí ngày hôm nay, trật tự thế giới của ngày mai sẽ bị thiên lệch, một chiều và gây bất lợi cho tất cả chúng ta ".
Truyền thông tại Úc tương đối đa dạng, tự do và độc lập. Những người làm truyền thông một chiều hay chủ trương tuyên truyền đã bị vạch trần, cảnh báo, thách thức, và qua thời gian không còn mang tính thuyết phục. Tính liêm chính (integrity) trong nghề truyền thông tại Úc tương đối cao. Những cơ quan truyền thông công cộng như ABC và SBS đóng vai trò đáng kể trong việc truyền đạt thông tin và gia tăng kiến thức của công dân. Tuy nhiên mạng xã hội vẫn đầy những thông tin giả, và người ta vô tình hay cố ý tiếp tục truyền nhau những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là các cộng đồng sắc tộc không muốn, hay không thể, kiểm chứng thông tin trên các cơ quan truyền thông chính mạch.
Ita Buttrose, Chủ tịch của cơ quan truyền thông công cộng hàng đầu của Úc hiện nay ABC, cũngchia sẻ những thử thách mà truyền thông Úc đang đối diện hiện nay. Phát biểu tại một buổi họp mặt của giới truyền thông vào ngày 19 tháng 6, cùng thời điểm với cuộc họp của giới truyền thông tự do toàn cầu tại Đức, Buttrose cho rằng "Người Úc chủ yếu dựa vào các phương tiện truyền thông chính thống như một phần thiết yếu của đời sống công dân và dân chủ của chúng ta nếu họ có thể tin tưởng rằng chúng ta có thể phơi bày cách bao biện (spin), dối trá và thông tin sai lệch, đồng thời đưa ra dữ kiện và sự thật. Tất cả dữ kiện. Tất cả sự thật… Với nền tự do báo chí mong manh, nền dân chủ đang đứng trước rủi ro. Không có tự do báo chí, nền dân chủ sẽ chết… Báo chí vì công ích phải được bảo vệ và bất kỳ nỗ lực nào nhằm bóp nghẹt quyền tự do truyền thông đều nên bị từ chối kịch liệt…"
Con người trước nay đều dễ bị thao túng. Dân trí càng thấp càng dễ bị định hướng. Thông tin tràn ngập, không kiểm chứng, với dụng ý gây lung lạc (misinformation) hay gây tác hại (disinformation), đang là trở ngại cực lớn hiện nay. Fake news nói chung đang là mối đe dọa lớn nhất của mọi nền dân chủ. Oái ăm, chính nó lại nuôi dưỡng sự tồn tại của các chính thể phi dân chủ. Hôm nay và về sau. Trừ phi xã hội có dân trí cao, có tư duy phản biện (critical thinking), và quan trọng nhất, có nền truyền thông độc lập thuần túy phục vụ cho sự thật. Trên hết, tất cả những điều này chỉ có thể có được trong một xã hội mà văn hóa nơi đó đề cao nền tảng đạo đức và nỗ lực truy tìm chân thiện mỹ.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 08/07/2022
Nếu mọi sự mà tối quan trọng là thể chế chính trị không thay đổi thì trong tương lai không xa người Việt sẽ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan Siberia. Hay nói cách khác đó là sự chọn lựa giữa hai cách chết.
Nếu băng sụp xuống, những người câu cá đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan Siberia
Ở Siberia nhiều hồ đóng băng quanh năm. Cá thường tụ ở giữa hồ nơi có nhiều ánh nắng và thức ăn, vì thế những người câu cá thường bò ra chỗ lớp băng mỏng nhất để câu. Vào những ngày giá lạnh, nếu băng sụp xuống, họ đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan Siberia - tức nếu họ ra khỏi nước và lên lại mặt băng thì họ sẽ biến thành khối nước đá và chết ngay tức thì, còn nếu họ vẫn ở dưới nước chờ đợi thì thường sau ba phút họ chết.
Nếu ta không chết trên giường bệnh ung thư ; nếu ta không chết dưới bánh xe trên đường ; nếu ta không chết dưới cơn mưa đấm đá trong đồn công an, thì ít nhất ta cũng chết nhiều về tâm hồn và lương tâm và nhân tính nói chung trong xã hội mà đạo đức ngày càng đảo điên, bản năng ngày càng che mờ lý trí, sống chết ngày càng mặc người dưới thể chế phản động và cực kỳ thối nát toàn diện chưa từng có trong lịch sử. Con đường duy nhất giải thoát khỏi số phận tất yếu này chính là xác lập thể chế dân chủ và hồi sinh mạnh mẽ xã hội dân sự.
Nếu ai cũng chấp nhận hy sinh cho phong trào chung thì sự hy sinh cá nhân của mỗi người sẽ giảm đi nhiều và hoa dân chủ và tự do sẽ tươi nở sớm hơn trên quê hương. Ảnh minh họa hoa hướng dương trên Ukraine
Nhưng tương lai chắc chắn là bóng đêm dài liệm kín bao thế hệ nếu tuyệt đại đa số mọi người hiện nay vẫn vô cảm và quay lưng lại với chính trị. Như thế, chúng ta chung cuộc trôi mãi trong vòng quay luân hồi vô tận của đau khổ triền miên nếu chúng ta không nhận lấy trách nhiệm công dân, nếu ta không cất lên tiếng nói của lương tâm và sự thật, nếu ta không là những Ngu Công phá núi toàn trị mở đường đến tương lai cho mình và các thế hệ tương lai. Hãy nghĩ đến viễn cảnh u ám ấy trong bối cảnh vựa lúa Cửu Long chẳng bao lâu không còn và ngư trường Biển Đông co lại và cạn kiệt dưới chính sách bành trướng và triệt đường sống của Trung Quốc. Viễn cảnh ấy chỉ là vấn đề thời gian.
Nếu chúng ta thà mất tự do hơn mất miếng ăn thì có ngày chế độ độc tài toàn trị cũng sẽ cướp miếng ăn cuối cùng của ta. Nếu những người tốt trong chúng ta thờ ơ với chính sự thì tất yếu những kẻ ác sẽ mãi mãi cai trị chúng ta. Đất nước thuộc về nhân dân. Cho nên nếu họ chán ghét chế độ hiện hành này, họ phải thực thi quyền công dân để phản kháng và thực thi quyền cách mạng để lật đổ.
Nếu chúng ta thà mất tự do hơn mất miếng ăn thì có ngày chế độ độc tài toàn trị cũng sẽ cướp miếng ăn cuối cùng của ta. Ảnh minh họa Trịnh Văn Quyết và Nguyễn Phương Hằng mất cả chì lẫn chài khi vào tù
Hôm nay chúng ta vẫn còn có sự lựa chọn về cách sống cho mình và bao thế hệ mai sau nếu chúng ta ý thức về vai trò và trách nhiệm công dân của mình để tham gia vào phong trào dân chủ chống cường quyền dưới mọi hình thức ôn hòa. Tiếng nói tập thể mạnh mẽ từ nhân dân sẽ là vũ khí mạnh mẽ nhất làm lung lay tận gốc chế độ. Nếu ai cũng chấp nhận hy sinh cho phong trào chung thì sự hy sinh cá nhân của mỗi người sẽ giảm đi nhiều và hoa dân chủ và tự do sẽ tươi nở sớm hơn trên quê hương.
Đứng khoanh tay không làm gì cả trong xã hội thối nát và đầy bất công cũng là sự lựa chọn một cách sống mà tất nhiên ngày nào đấy không xa sẽ khiến chúng ta chỉ còn được chọn lựa hai cách chết. Chết trong chờ đợi dưới lớp băng vô cảm ngày càng dày thêm. Hay rồi sẽ chết tức thì hôm nay dưới tay bạo quyền hay ngày mai dưới tay quân Tàu.
Thiểu số phản kháng và lên tiếng lần lượt bước đến vành móng ngựa hôm nay vì họ còn có can đảm thực thi quyền công dân của mình nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội. Họ đã chọn cách sống và gánh vác trên vai mình trách nhiệm công dân chung mà đáng lẽ ra là của hàng triệu người mà đã mặc nhiên chọn sự an phận cúi đầu để đi về tương lai nơi chỉ được chọn hai cách chết.
Trần Quốc Việt
04/05/2022
Vị kỷ – vì mình, lấy mình làm trung tâm của mọi quyết định, tùy theo môi trường sống mà nó biến đổi giữa hai cực ích kỷ và vị tha – là một trong ba tiểu bản năng của sinh tồn (vị kỷ, tình dục, xã hội).
Các lãnh tụ độc tài cộng sản chạy theo chiều ích kỷ (indomemoires.hypotheses)
Các lãnh tụ dân chủ và độc tài đều giống nhau ở một điểm : tất cả đều vị kỷ. Nhưng, sau cái điểm giống nhau này là nó bắt đầu rẽ qua hai hướng khác nhau.
Các lãnh tụ độc tài thì bản năng vị kỷ nó chạy theo chiều ích kỷ, chỉ biết có mình, chỉ lo phục vụ sinh tồn cá nhân và gia đình mình, sẵn sàng hy sinh sự sinh tồn của dân tộc.
Khi sống họ lo tóm thu quyền lực và quyền lợi càng nhiều càng tốt, quyền lực để ép dân như ép hạt mè lấy dầu, quyền lợi để đem tài sản và gia đình ra bên ngoài Việt Nam, coi Việt Nam là một con thú để xẻ thịt, như Nguyễn Phú Trọng và các đảng viên cao cấp cộng sản Việt Nam đang làm.
Khi chết họ làm quốc táng, lấy đất dân để xây lăng, tiêu tốn ngân sách nhà nước, thu hẹp sự sinh tồn của dân tộc, dù cho khi sống họ hạ độc lẫn nhau hay đì nhau cho chết, như Trần Đại Quang bị ép tiếp khách không ngừng nghỉ (cùng một ngày Quang bay từ Hà Nội dự APEC ở Đà Nẵng, xong bay vào Sài Gòn, chiều bay về Hà Nội tiếp tục họp). Ngày Quang chết, khoảng 10g00 tối 20/9, Quang cũng phải cật lực làm việc và gục tại bàn họp. Trọng cho Quang chết theo quy trình, tức 10g05 sáng ngày hôm sau 21/9.
Trọng muốn Quang chết trước ngày họp Trung Ương 8 (từ 2/10 đến 6/10) để ông ta sớm thu tóm chức chủ tịch nước vào tay, nếu không phải chờ thêm 6 tháng nữa ở hội nghị trung ương 9, trong khi trung ương8 cần quyết vấn đề nhân sự.
Đó là chưa kể đến việc ông Quang bị bệnh gì, tại sao bị nhiễm "virus hiếm và độc hại"như lời ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe trung ương hé lộ. Với y học tân tiến của ngày hôm nay mà Nhật, nơi ông Quang trị bệnh lại không biết "virus hiếm và độc hại" này ? Lạ thật !
Ông Đỗ Mười Nguyễn Duy Cống chết, theo một số nguồn tin riêng từ Hà Nội, cũng là theo quy trình (11g12 tối 1/10/2018) để cho vừa buớc sang tháng 10 thay vì còn trong tháng 9, tránh trùng đại tang trong cùng một tháng. Đây là những xác chết đóng băng chờ Đảng quyết định cho khi nào được chết.
Các lãnh tụ độc tài cộng sản, họ nhân danh bảo vệ giai cấp vô sản, nhất là công nhân, nhưng thực sự là để phục vụ bản năng sinh tồn cá nhân theo chiều ích kỷ bằng cách xây dựng giai cấp cộng sản, một loại giai cấp quý tộc thời nay đứng trên hiến pháp và luật pháp mà họ ma mị bằng từ Nhà nước Pháp quyền (rule by law). Quý tộc thời quân chủ chuyên chính xử theo Lễ, quý tộc cộng sản xử theo Điều Lệ Đảng. Hình luật, trong quân chủ và cộng sản, chỉ dành cho thứ dân.
Các lãnh tụ dân chủ thì bản năng vị kỷ nó chạy theo chiều vị tha. Trong khi không quên lấy mình làm trung tâm của mọi quyết định, họ muốn sinh tồn được trường tồn, tức các thế hệ về sau tuy không thấy họ sống nhưng thấy họ còn hiện hữu, nhắc đến họ và cảm kích các công ơn của họ vì khi sống họ biết nghĩ đến và để lại các lợi ích cho hậu sinh. Người chết chỉ thật sự chết đi khi không còn ai nhắc gì đến họ nữa.
Ngoại trưởng Mỹ William H. Seward mua Alaska từ Nga năm 1867, một lãnh thổ khổng lồ, to nhất trong 50 tiểu bang của Mỹ, có vị trí chiến lược và tài nguyên dầu khí, gỗ, hải sản vô tận, với giá 7,2 triệu đôla (khoảng 105 triệu USD bây giờ) cho thấy các lãnh tụ dân chủ giàu viễn kiến và năng lực xây dựng quốc gia dân tộc. Ông được nhớ tới qua một thành phố cảng có tên ông ở Alaska.
Dĩ nhiên, những kẻ ác, những kẻ bán nước cũng được nhắc đến, như những trang đen tối của lịch sử dân tộc.
Các lãnh tụ dân chủ chết đi nhưng không gây thiệt hại ngân sách nhà nước, không ngăn cấm giao thông, không lấy nhiều đất của dân, không xây đường nhanh, chớp nhoáng, phục vụ đám tang, trong khi dân nghèo qua sông bằng dây cáp hay bao ny lông. Mộ họ khiêm nhường, họ và những người yêu thương họ chung tiền xây thư viện mang tên họ. Họ vị kỷ, vì mình, nhưng vì mình bằng cách tạo lợi ích cho người khác.
Nói chung, họ phát triển bản năng vị kỷ qua ngã phục vụ và bảo vệ sức sống của dân tộc, lấy mình làm trung tâm họ hướng về phía vị tha để sinh tồn thăng tiến lên trường tồn.
Người cộng sản không có năng lực xây dựng quốc gia dân tộc, họ chỉ có khả năng xây dựng giai cấp đặc quyền đặc lợi, khả năng vận dụng bản năng sinh tồn về cực ích kỷ. Chủ nghĩa Mác-Lê vốn dạy họ phục vụ ngoại bang (nghĩa vụ quốc tế) và phá bỏ quốc gia (vô tổ quốc). Quốc gia trở thành một cơ thể bệnh hoạn mà ký sinh trùng cộng sản đang hoành hành. Muốn cơ thể khỏi bệnh thì không có cách gì khác hơn là phải tiêu diệt vi trùng cộng sản.
Đất nước cần một cuộc cách mạng để đổi chiều, thay đổi vận mạng đã và đang bất hạnh của dân tộc. Thay đổi có thể đến từ sự nổi dậy của dân chúng, đảo chánh cung đình, đảo chánh dân sự, đảo chánh quân sự, hay hiệu ứng dominoes từ Trung Quốc…
Chúng ta, những con dân đất Việt, nên chuẩn bị sẵn sàng cho một ngày hội lớn, để khi nó xảy ra, chúng ta cương quyết không để nó đi trở lại độc tài dưới một dạng thái khác, mà phải xây dựng cho bằng được các định chế của dân chủ pháp trị (democracy and the rule of law), cũng cố và phát triển nó để bản năng vị kỷ của bất cứ ai lãnh đạo cũng đều được hướng về cực vị tha.
Lê Minh Nguyên
(06/10/2018)