Hy vọng Syria sẽ đóng lại một thập kỷ tồi tệ của thế giới
Hoàng Quốc Dũng, 16/12/2024
Thế giới dù sao vẫn tiến về dân chủ. Nếu đầu thế kỷ XX, chỉ có khoảng 10 nền dân chủ thì hiện nay trên thế giới có gần 100. Tuy nhiên, dòng chảy của lịch sử không đều, có những khúc quanh tồi tệ. Tôi không quay xe, nhưng cũng cần phải nói rằng, thập kỷ vừa qua thực sự rất tồi tệ với dân chủ.
Ngày 21/08/2013, chính quyền al-Assad đã đánh bom chứa khí độc sarin vào khu dân cư Ghouta sát hại rất nhiều người, đa số là trẻ em
Các chế độ độc tài vẫn tiếp tục lộng hành
Ngày 21/08/2013, chính quyền al-Assad đã đàn áp dã man người dân ở Ghouta (gần thủ đô Damascus) bằng vũ khí hóa học chứa khí độc sarin, khiến rất nhiều người dân, kể cả trẻ em, đã chết một cách vô cùng đau đớn và thương tâm. Vụ việc này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới, tạo ra yêu cầu phải có sự can thiệp quốc tế vào Syria…
Trước sự kiện khủng khiếp này, chế độ độc tài al-Assad cũng đã gây ra những tội ác tương tự, bằng vũ khí hóa học, tại các địa điểm như Khan al-Assal (gần Aleppo), Otaybeh (gần Damascus), Saraqeb (Idlib).
Vũ khí hóa học là loại vũ khí bị quốc tế cấm sử dụng. Chính quyền Damascus đã coi thường cộng đồng quốc tế. Chính vì vậy, trước khi vụ Ghouta xảy ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cảnh báo Bachar al-Assad bằng cách vạch ra một "lằn ranh đỏ" - nếu còn sử dụng vũ khí hóa học, sẽ phải chịu những hậu quả nặng nề, ám chỉ đến can thiệp quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, được Nga chống lưng, al-Assad vẫn ngông cuồng tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học tại Ghouta với quy mô lớn hơn, tức là đã vượt qua lằn ranh đỏ. Thế nhưng Obama chẳng làm gì cả.
Ngược lại với Mỹ, Pháp (dưới thời Tổng thống François Hollande) rất tích cực trong việc trừng phạt al-Assad và đã chuẩn bị rất kỹ các lực lượng hải và không quân trong khu vực để cùng Anh Quốc và Mỹ tấn công các cơ sở quân sự Syria. Tuy nhiên, Anh Quốc (dưới thời Thủ tướng David Cameron), ban đầu rất tích cực, sau đó thì bỏ cuộc. Chính sự bỏ cuộc của Anh Quốc đã dẫn đến sự bỏ cuộc của Mỹ. Hollande rất bực tức với thái độ này của đồng minh và không thể làm gì hơn. Chế độ al-Assad lẽ ra đã kết thúc vào năm 2014.
Đây là một dấu hiệu vô cùng yếu đuối của phương Tây trước sự hoành hành của al-Assad với chủ nhân của nó là Putin. Nhận được dấu hiệu này, trong năm 2014 Putin đã bình thản xua quân bịt mặt đánh chiếm bán đảo Crimea và một phần Donbas của Ukraine. Cũng tương tự như trên, phương Tây gần như đã làm ngơ và không động tĩnh gì.
Năm 2014 cũng là năm đánh dấu sự gia tăng đáng kể ảnh hưởng của Iran ở các nước như Iraq, Syria, Lebanon, Yemen…
Trong năm 2020, sau nhiều năm đấu tranh bền bỉ, tất cả các lực lượng dân chủ ở Hồng Kông đã bị Bắc Kinh đè bẹp. Hiện tại không còn ai nói về vấn đề này nữa. Một câu chuyện rất buồn.
Cùng năm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký hiệp ước với đại diện phiến quân Taliban tại Doha để rút hết quân về nước, đổi lấy sự cam kết của Taliban tiếp tục đánh quân khủng bố al-Qaeda tại Afghanistan. Không biết bây giờ dân chúng Afghanistan sống ra sao ?
Với đà tiến quân không gặp kháng cự tương xứng của phe dân chủ trong nhiều năm, vào tháng 2/2022, Putin đã xua hàng trăm ngàn quân xâm lược trắng trợn Ukraine. Và cũng như những lần trước, phương Tây áp dụng chính sách vũ như cẫn, vẫn như cũ, nghĩa là chỉ hăm he và phản ứng lấy lệ rồi thôi, không tương xứng với những cam kết sau ký hiệp ước Budapest năm 1994 long trọng bảo vệ nền độc lập của Ukraine và chống lại mọi cuộc xâm lăng vũ trang, khiến Ukraine rơi vào tình trạng khó xử hiện nay (tiếp tục đưa lưng ra cho Nga đánh đập và cắn răng chịu đựng) và trở thành một tình trạng khó xử chung cho toàn khối dân chủ phương Tây và NATO.
Đây là tôi chỉ kể qua một số sự kiện, không đi vào chi tiết, và cũng chưa kể hết các sự kiện tương tự khác như Azerbaijan lấy lại Nagorno-Karabakh ; chuyện các nhà độc tài ở nhiều nước khác vẫn đang đàn áp nhân dân của họ, đã ngang nhiên tham gia hội nghị bảo vệ môi trường quốc tế (COP29) do nhà độc tài Ilham Aliyev (Azerbaijan) đứng ra tổ chức là một ví dụ ; chưa kể đến những diễn biến chính trị của từng nước tại Châu Phi và Châu Á, các phong trào cực hữu, cực tả, tại khắp nới trên thế giới…
Phương Tây hèn nhát, lực bất tòng tâm hay ngờ nghệch ?
Cái gì cũng có một tý, nhưng chủ yếu là không hề có quyết tâm và ngờ nghệch.
1. Ngờ nghệch để Putin "đánh đông dẹp tây" bao nhiêu năm nay trên mặt trận chiếm đất, tung tin giả (fake news). Ukraine chỉ là một trường hợp gần đây nhất. Thật ra những chuyện tương tự như Ukraine có đầy.
2. Ngờ nghệch để Tập Cận Bình "đánh nam dẹp bắc" trên mặt trận kinh tế, chiếm lĩnh thị trường toàn cầu, đến nỗi bây giờ cưỡng lại không nổi…
Phương Tây đã quá ngây thơ, quá mềm yếu trong thập kỷ qua và ngày nay đang lãnh nhận hậu quả. Nếu phương Tây không cứng rắn, quyết liệt hơn nữa thì trong tương lai có thể tất cả chúng ta sẽ phải sống dưới các chế độ "độc tài xã hội chủ nghĩa" kiểu Putin hay Tập Cận Bình, và không chừng cũng có thể dưới chế độ độc tài Hồi giáo.
Rất may là dân quân Syria đã làm nên một chiến tích, đánh bại được một lực lượng độc tài mà không có sự can thiệp trực tiếp của phương Tây. Phương Tây chỉ là khán giả. Hy vọng chiến thắng này của Syria sẽ mở ra một thập kỷ mới, chấm dứt sự lấn át của các thế lực độc tài.
Bức tranh mà tôi vừa vẽ ra có vẻ rất ảm đạm và buồn. Nhưng đó là quá khứ. Hiện tại, chúng ta có rất nhiều yếu tố đáng khích lệ để không lặp lại những điều tồi tệ của thập kỷ qua.
Nhân dịp Noel và năm mới 2025, chúc tất cả các bạn một lễ Noel đầm ấm bên gia đình, một ngày lễ Tết vui vẻ.
Chúc tất cả các bạn, những người yêu tự do, dân chủ, hòa bình, một năm mới tràn đầy hy vọng với tất cả những điều tốt đẹp nhất. Chúc tất cả các dân tộc bị áp bức bởi độc tài của nước mình hay ngoại bang sẽ giành được tự do.
Hoàng Quốc Dũng
(16/12/2024)
**************************
Đừng bao giờ tin vào kẻ ác
Hoàng Quốc Dũng, 15/12/2024
Những ngày vừa qua, chúng ta được biết đến những câu chuyện của những người tù Syria, nhiều chuyện cảm động đến rơi nước mắt.
Những người vào nhà tù Saidyana đã tìm được những sợi dây thòng lọng đã từng treo cổ tù nhân
Nhiều đoạn phim quay lại cảnh quân nổi dậy xông vào nhà tù phá khóa, giải phóng biết bao nhiêu người, trong đó có cả bà và cả trẻ con. Có người thì không dám ra. Có người đang nửa tỉnh nửa mê, thấy người ta chạy thì mình cũng chạy, chạy thục mạng, chạy mãi, chạy được một quãng đường dài rồi mới hỏi người đi đường là có chuyện gì vậy. Mọi người nói "chính quyền al-Assad đã sụp đổ". Lúc đó anh ta mới ngồi xuống ôm mặt khóc rất to và nói rằng "đã 10 năm nay tôi ở trong tù và không biết bất cứ chuyện gì ở bên ngoài".
Ngược lại có cảnh một người quá ốm yếu, chùm chăn nằm đó, bị mọi người bỏ quên. Khi dân quân quay trở nhà tù để kiểm soát, khi đến phòng giam này lại vào thấy chăn đụng đậy, họ sợ quá chĩa súng vào và bắt người tù bỏ chăn ra. Thấy súng, người tù sợ quá, vái người cầm súng như vái sao. Nhưng người lính lại nói, anh được tự do, chúng tôi vào đây để giải phóng anh. Rồi đưa cho anh một bát "cơm". Anh này ăn ngấu nghiến rồi nói rằng mấy ngày qua không được ăn. Anh cũng kể trong tù người ta cho ăn chỉ để tù nhân không chết để tiếp tục bị tra tấn và hành hạ. Có những người tù khi được phóng thích, khóc rất to. Họ không thể nào nghĩ rằng đó là sự thật vì ngày hôm sau là ngày họ sẽ bị treo cổ. Ở Campuchia thời Polpot có đám cưới tập thể thì trong nhà tù Al-Assad có treo cổ tập thể 50 người một lúc. Có rất nhiều người ra tù đi lang thang vì họ bị tra tấn dã man và đã mất trí nhớ, quên hết tên tuổi của chính mình… Chuyện tội ác nhà tù của chính quyền Al-Assad rất dài.
Xin kể tiếp dưới đây một trong những trường hợp kém may mắn hơn những người nói trên.
Đám tang nhà đấu tranh cho tự do và dân chủ Mazen al-Hamada tại Damascus (Syria) ngay sau khi những tù nhân trong nhà tù Saidnaya được giải thoát ngày 12/12/2024
Ngày 12/12/2024, hàng ngàn dân quân cách mạng Syria đã rất đau buồn làm đám tang cho một chiến sĩ của họ bị nhà cầm quyền giết chết trong tù, trước khi bỏ chạy.
Mazen al-Hamada sinh năm 1977. Khi cuộc cách mạng Syria mới nổ ra (2012) anh đã dùng máy ảnh của mình chụp ảnh làm tư liệu về cuộc cách mạng ôn hòa này ở khắp nơi và đặc biệt ở Damascus. Anh đã bị chính quyền al-Assad bắt nhiều lần và bỏ tù, bị tra tấn dã man. Năm 2014, anh được trả tự do và trốn sang Hà Lan, nơi anh đã được chấp nhận quy chế tị nạn. Trong vòng sáu năm, Mazen al-Hamada, đã đại diện cho tiếng nói của những tù nhân lương tâm tại Syria đi khắp Châu Âu và cả Mỹ để vạch trần tội ác của chính quyền al-Assad để đòi công lý. Sau nhiều năm tranh đấu, bất lực trước sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế với số phận của Syria, bị chính quyền al-Assad lừa cho về nước hứa hẹn đủ điều, Mazen al-Hamada đã quyết định quay trở về Syria. Anh đã mất tích ngay lập tức khi vừa bước xuống sân bay ngày 12/02/2020. Gia đình và bạn bè không hề thấy tung tích của anh từ ngày đó. Khi chính quyền al-Assad sụp đổ, rất nhiều gia đình các nạn nhân đã chạy đến các nhà tù để tìm người thân, trong đó có gia đình Mazen al-Hamada. Rất khó khăn lắm người ra mới tìm thấy thi thể của anh hoàn toàn biến dạng trước khi bị hành hình. Những kẻ cầm quyền đã hành xử một cách vô cùng tàn bạo và hèn hạ với một con người đấu tranh ôn hòa.
Nhưng Mazen al-Hamada cũng có một sai lầm kinh khủng là đã tin vào lời hứa của những kẻ độc ác. Độc ác như al-Assad và đồng bọn, cũng như tất cả những bọn đọc ác khác trên thế giới đều giống nhau, nó nằm ở trong máu.
Sau hơn nửa thế kỷ, dân Syria đã loại bỏ được gia đình độc tài al-Assad. Tuy nhiên tương lai của Syria vẫn là một ẩn số. Lực lượng chính giải phóng Syria HTS (Hayat Tahrir al-Sham) lại là một lực lượng thánh chiến hồi giáo. Hiện tại họ đang hứa hẹn những điều rất tốt đẹp cho Syria và không có biểu hiện gì của một đội quân khủng bố. Ngày 12/12/2024, để làm yên lòng cộng đồng quốc tế, HTS tuyên bố sẽ thiết lập nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, dù sao thủ lĩnh của HTS đã cố tạo ra một dáng hiền hò và cởi mở nhưng trong bản chất vẫn là một người có tư tưởng thánh chiến và hồi giáo cực đoan.
Do vậy, cuộc đấu tranh của những dân quân cách mạng HTS tại Syria tuy đã lật sang một trang mới và hô hào xây dựng một nhà nước dân chủ pháp quyền, phi tôn giáo nhưng cộng đồng quốc tế vẫn còn nhiều nghi ngại.
Trên thế giới, gần đây đã từng có một cuộc cách mạng rất triệt để đó là ở Ba Lan, một nước cộng sản, nhưng sau cách mạng, hiến pháp mới ghi rõ cấm chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan. Tại sao vậy ?
Hoàng Quốc Dũng