Trang sử Donald Trump sắp khép lại và nhân sự mới của chính quyền Joe Biden đang được hình thành. Điều đầu tiên có thể thấy được qua việc bổ nhiệm nhân sự của Biden là ông đã dùng những người có chuyên môn cao trong các lĩnh vực và sự đa dạng của các sắc dân.
Câu chuyện đáng nói nhất xung quanh nhân vật Donald Trump đối với người Việt Nam là sự bất đồng và chia rẽ, ngay cả trong hàng ngũ những người đấu tranh cho dân chủ.
Nhiều người tốt, lương thiện, tử tế, dũng cảm, dấn thân (mà không ai có thể nghi ngờ việc họ chống lại chế độ độc tài) nhưng vẫn ủng hộ Trump. Vì sao lại có chuyện đó? Theo chúng tôi thì có mấy lý do sau.
Văn hóa xem nhẹ đạo đức trong chính trị.
Đa số người Việt vẫn xem làm chính trị là phải thủ đoạn, gian manh, dối trá... Đây là ngộ nhận rất lớn và tai hại về bản chất của chính trị. Một người không có đạo đức mà tham gia vào chính trị thì tai họa sẽ khôn lường. Thực ra chính trị và đạo đức chỉ là một. Chính trị là việc thể hiện các giá trị đạo đức vào trong cuộc sống. Đạo đức là chính trị trên quy mô cá nhân và chính trị là đạo đức trên quy mô quốc gia. Ngộ nhận này đã là nguyên nhân khiến cho Việt Nam chìm đắm trong độc tài và đến giờ vẫn chưa có dân chủ.
Chính trị không cần học
Do di sản văn hóa, trí thức Việt Nam có thành kiến sai lầm rằng chính trị không cần phải học. Hậu quả là kiến thức chính trị của trí thức Việt Nam cũng không khác quần chúng bao nhiêu. Thiếu kiến thức nên thay vì vượt lên trước để dẫn đường cho quần chúng thì họ luôn chạy theo sau quần chúng. Họ không những không đảm nhiệm được vai trò hướng dẫn quần chúng mà còn đẩy quần chúng vào sai lầm.
Trump được nhiều người ủng hộ vì ông ta giàu có, thành công và địa vị cao…
Quan niệm sai về các nấc thang giá trị
Người dân và trí thức Việt Nam đều đặt sự thành công trên ba thứ: Sự giàu có, chức quyền và bằng cấp. Trong thực tế, hiểu biết khác với bằng cấp. Tâm hồn cao thượng không phải lúc nào cũng đồng hành với người có chức quyền. Tài sản là phương tiện, dù cao quí nhưng không phải là mục đích (cứu cánh) của đời người. Đảng cộng sản luôn lấy cứu cánh (xây dựng một tương lai tốt đẹp) để biện minh cho phương tiện (đàn áp người dân). Ủng hộ Trump là đi vào vết xe đổ đó. Trump được tung hô vì giàu có, thành công và có chức quyền hơn là đã làm việc hiệu quả. Trump sẽ bị lãng quên rất nhanh khi không còn là tổng thống.
Nạn tin giả tràn lan trên các mạng xã hội
Nói rằng không có điều kiện tiếp cận các thông tin đúng đắn là chưa thuyết phục. Thật sự là không nhất thiết phải đọc được tiếng Anh mới có cái nhìn đúng về Trump. Rất nhiều cơ quan truyền thông người Việt hải ngoại đã cập nhật rất kịp thời và trung thực về tin tức và thời sự Mỹ. Các tờ báo lớn như BBC, RFI, VOA, RFA đều có ban Việt ngữ. Sỡ dĩ người ta thích nghe tin giả vì họ thích nghe những gì mình thích chứ không phải để tìm kiếm thông tin trung thực. Các kênh Youtube tự làm của nhiều người cuồng Trump đã làm cho không ít người trở nên mụ mẫm và hoang tưởng.
Người Việt chưa có tinh thần dân chủ
Suốt chiều dài lịch sử người Việt chúng ta chưa từng được sống dưới một chế độ dân chủ nên chưa có tinh thần và quán tính dân chủ, ngay cả những người tự nhận là dân chủ. Một người dân chủ thực sự không có lý do để ủng hộ người như Trump, ông ta không có bất cứ một quan tâm hay ưu tư nào về dân chủ và nhân quyền. Trump chỉ là một chính trị gia dân túy.
Thiếu tinh thần dân chủ nên đa số người Việt ủng hộ Trump thay vì lý luận một cách ôn hòa thì chỉ biết tấn công, chửi bới và chụp mũ các ý kiến khác biệt. Suốt bốn năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên (Tập Hợp) đã bị mạt sát với những ngôn từ kinh khủng nhất đến từ một số người cuồng Trump. Chúng tôi đã chịu đựng trong tinh thần bao dung và hòa giải bằng cách im lặng hoặc tranh luận bằng một thái độ ôn hòa và trang nhã.
Tôn trọng khác biệt là tinh thần phải có của những người đấu tranh dân chủ.
Khai dân trí khác với đấu tranh chính trị
Ai có kiến thức về bất cứ một lĩnh vực nào đó đều có thể “khai dân trí”. Tuy nhiên đấu tranh chính trị không chỉ dừng lại ở việc khai dân trí và không phải ai cũng có khả năng khai dân trí. Các hoạt động bề nổi như biểu tình giờ cũng đã lắng xuống nên hành động chủ yếu bây giờ là “khai dân trí” trên mạng. Những ý kiến đúng có lợi cho phong trào dân chủ Việt Nam. Việc chỉ trích Đảng cộng sản không còn quá cần thiết vì đa số người dân đều đã biết điều đó. Tuy nhiên nếu ý kiến sai và cực đoan thì không những không khai dân trí mà còn kéo kiến thức của người dân xuống thấp, giam hãm trí tuệ của người dân trong tăm tối.
Đấu tranh chính trị là phải tham gia vào một tổ chức chính trị. Tập Hợp thường xuyên chỉ trích chủ nghĩa nhân sĩ vì đó là lối tranh đấu sai. Tập Hợp không chỉ trích cụ thể bất cứ cá nhân nào vì đó là quyền lựa chọn của mỗi người. Có những người vì hoàn cảnh nên không thể tham gia vào tổ chức. Tuy nhiên phải xem đó là lựa chọn bắt buộc do hoàn cảnh thay vì ưỡn ngực tự hào. Tập Hợp sẵn sàng thảo luận với những ý kiến không đồng ý trên tinh thần cầu thị và lắng nghe.
Một người trí thức thật sự không thể thấy sai mà không nói. Cụ Phan Châu Trinh, Trần Trọng Kim và trí thức Việt Nam trước năm 1945 đã không lên án chủ nghĩa cộng sản khi nó được du nhập vào Việt Nam. Chính vì thế nó đã bùng phát và lớn mạnh để rồi dẫn đất nước đi vào đêm đen.
Thế nào là đúng - sai không dễ đạt được đồng thuận ngay lập tức mà cần phải có thời gian. Thảo luận nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết để đi đến kết luận đúng chứ không phải để thắng - thua.
Vì sao Tập Hợp chỉ trích Donald Trump?
Tập Hợp chỉ trích Trump vì ông ta là một chính trị gia dân túy. Dân túy rất nguy hiểm khi tạo ra tình trạng đối kháng giữa các tầng lớp trong xã hội bằng cách khai thác những bất công và bất mãn chính đáng của người dân. Đó là sự chênh lệch giàu - nghèo, sự đa dạng của văn hóa và kiến thức. Các chính trị gia dân túy chinh phục người dân bằng sự hùng biện, đánh trúng tâm lý và mong mỏi của người dân bằng cách đưa ra những giải pháp tưởng chừng cụ thể và đơn giản nhưng thực tế là không thể thực hiện. Không bao giờ có những giải pháp đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Nếu đơn giản và dễ thực hiện thì các chính quyền trước đã làm.
Tập Hợp chỉ trích Trump từ lúc ông ta trở thành tổng thống Mỹ năm 2016 và việc dự đoán ông ta thất cử năm 2020 không phải là ăn may. Chúng tôi không làm thầy bói mà chỉ phân tích dựa trên những sự kiện đã xảy ra để đưa ra dự báo cho tương lai. Không chỉ với Trump mà các nhận định của chúng tôi về thế giới và Việt Nam thường là đúng. Tập Hợp là một tổ chức chính trị thực sự mà tổ chức chính trị là môi trường để sản xuất và sàng lọc các ý kiến.
Nếu không có một nền tảng tư tưởng chính trị vững chắc thì người đấu tranh dân chủ rất dễ bị lạc đường
Vì sao nhiều người tranh đấu bị lạc đường?
Rất nhiều người tranh đấu cho dân chủ Việt Nam dù đã rất cố gắng và hy sinh, vào tù ra tội nhưng vẫn lạc đường và mất phương hướng. Nhiều người chán nản, thất vọng và bỏ cuộc sau một thời gian. Lý do cũng không quá khó hiểu. Họ không có tư tưởng chính trị để làm kim chỉ nam cho các hành động của mình mà chỉ biết chạy theo các sự kiện. Khi các sự kiện lắng xuống hoặc các sự kiện mới xuất hiện thì họ sẽ cảm thấy hụt hẫng và thất vọng.
Tập Hợp là tổ chức chính trị tiên phong và gần như duy nhất đề cao tư tưởng chính trị và xem đấu tranh chính trị chủ yếu là trên mặt trận tư tưởng và lý luận. Chúng tôi có mục đích rõ ràng, được cụ thể hóa bằng một dự án chính trị vì thế chúng tôi không bao giờ “lạc đường” hay bị mất phương hướng. Thực tế là nhiều tổ chức chính trị của người Việt trong và ngoài nước đã xuất hiện và biến mất sau một thời gian ngắn trong khi đó Tập Hợp vẫn tiến về phía trước, dù không được nhanh như nhiều người mong muốn.
Có ý kiến rằng cho rằng Việt Nam vẫn chưa có cái gọi là “phong trào dân chủ”, điều này không hoàn toàn vô lý. Những người đang tranh đấu hiện nay mới chỉ lên tiếng phản đối và chỉ trích Đảng cộng sản. Để trở thành người dân chủ thì còn nhiều việc phải làm và cần nhiều cố gắng. Đầu tiên là phải cố gắng tìm câu trả lời cho hai câu hỏi:
1. Cứu cánh (mục đích) và bản chất của cuộc đấu tranh dân chủ là gì?
2. Trong cuộc đấu tranh này những khả năng và đức tính nào là cần thiết, cần được nhận diện, tìm kiếm và trân trọng?
Nếu không trả lời được hai câu hỏi này thì phong trào dân chủ Việt Nam vẫn chưa thể trưởng thành. Ví dụ khi đứng trước một trường hợp mới lạ như Donald Trump thì nhiều người không biết phải làm sao. Việc hỗn loạn các giá trị khiến nhiều người ủng hộ Donald Trump mà không ý thức được rằng điều đó là sai. Văn hóa Khổng Giáo khiến trí thức Việt Nam quen suy nghĩ theo một nếp cũ chứ chưa thể vượt thoát lên được chính mình và vượt thoát lên di sản văn hóa độc hại đó.
Thời gian sẽ trả lại mọi sự thật về đúng bản chất của nó. Thời gian cũng là liều thuốc tốt nhất để hàn gắn mọi vết thương. Người Việt tụt hậu khá xa so với thế giới về lĩnh vực chính trị. Những cú sốc như Donald Trump sẽ làm chúng ta trưởng thành và chín chắn hơn về chính trị.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên có Dự án chính trị để làm kim chỉ nam nên rất khó để lạc đường
Hiện tượng Donald Trump sẽ sớm chấm dứt trong những ngày tới, muộn nhất là sau ngày 20/1/2021. Dù sao đi nữa thì người Việt cũng không nên vì Donald Trump mà xem đồng bào và những người đang đấu tranh cho dân chủ như là kẻ thù. Cho dù có khác biệt về chính kiến và quan điểm nhưng chúng ta vẫn là đồng minh trong công cuộc chống độc tài và dân chủ hóa đất nước.
Việt Hoàng
(30/11/2020)
Theo các thăm dò tại Mỹ thì tỉ lệ người dân ủng hộ cho ứng cử viên tổng thống Joe Biden cao hơn Donald Trump khoảng 11 điểm phần trăm trong cuộc bầu cử tháng 11 tới đây. Mặc dù vẫn còn hơn 3 tháng nữa mới đến ngày bầu cử nhưng kết quả sẽ không thay đổi nếu không có gì đột biến. Điều đáng nói là sau những gì Trump làm và nhất là sự xuất hiện hai cuốn sách “bom tấn” của John Bolton, cựu cố vấn an ninh nhà Trắng và Mary Trump, cháu gái của Donald Trump thì tỉ lệ ủng hộ cho Trump vẫn không thay đổi là bao nhiêu (khoảng 40%).
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ Donald Trump chống Joe Biden không thay đổi nhiều.
Đã có rất nhiều phân tích và giải thích cho hiện tượng này nhưng vẫn không đủ. Điều gì đang xảy ra với nước Mỹ? Có một giải thích từ ông Nguyễn Gia Kiểng rất đáng chú ý mà chúng tôi muốn chia sẻ cùng độc giả đó là Donald Trump đang “tạo ra tình trạng nội chiến” dù chưa có tiếng súng, chia nước Mỹ thành hai phe (phe chống Trump và phe ủng hộ Trump) và người dân Mỹ đã chọn phe. Bất luận ai muốn nói gì thì nói, lập trường và thái độ giữa hai phe là không thay đổi.
Thế nào là một cuộc nội chiến ? Đó là những cuộc chiến mà người trong một nước chia thành hai phe, bắn giết nhau trên qui mô lớn và trong một thời gian dài, dù có hay không sự can thiệp từ bên ngoài. Chúng ta đều biết đến cuộc nội chiến Mỹ (American Civil War) 1861–1865 giữa miền Bắc và miền Nam. Cuộc chiến này do các bang miền Nam phát động nhưng chiến thắng lại thuộc về phe miền Bắc. Với chiến thắng này chế độ nô lệ tại Mỹ đã chính thức chấm dứt. Luật giải phóng người nô lệ da đen ra đời năm 1863, tuy nhiên tình trạng phân biệt đối xử với người da đen vẫn tiếp tục sau khi nội chiến kết thúc. Phải 100 năm sau, phong trào dân quyền do Martin Luther King lãnh đạo mới đạt được những thành quả nhất định trong việc đòi quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác cho người da đen.
Nước Mỹ có rất nhiều vấn đề nội tại cần phải giải quyết như vấn nạn kỳ thị chủng tộc, tình trạng bất bình đẳng, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn… Sự giàu có của nước Mỹ đã che lấp đi các khiếm khuyết bên trong, tiền bạc băng bó cho các vết thương. Sau khi khối các nước cộng sản sụp đổ thì chủ nghĩa tân phóng khoáng tại Mỹ được đẩy lên một cách thái quá và hậu quả của nó là sự xuất hiện của Donald Trump. Trump không phải là nguyên nhân mà là hậu quả của nền chính trị Mỹ, đã mãi chạy theo tiền bạc và tự do mà bỏ qua sự bình đẳng và liên đới.
Rất nhiều người Mỹ da trắng ở tầng lớp thấp cảm thấy phẫn nộ vì bị bỏ rơi và bị coi thường. Có nhiều lý do như quá trình toàn cầu hóa đã dịch chuyển công ăn việc làm sang các nước đang phát triển, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức mới, sự lên ngôi xấc xược của đồng tiền, sự thoái trào của các tôn giáo… Trump đắc cử giúp những thành phần có cảm giác bị bỏ rơi lấy lại tự tin và giải tỏa mặc cảm thua kém. Cách tiếp cận của Trump hoàn toàn khác lạ, vì không có kiến thức về chính trị nên Trump phá vỡ trật tự cũ bằng cách chửi bậy và tấn công tất cả mọi người không đồng ý với mình bằng những ngôn ngữ hạ cấp nhất. Những người Mỹ thua thiệt và cực đoan thích điều đó, với họ nước Mỹ càng bị cô lập càng tốt vì chỉ có thế nước Mỹ mới là của họ chứ nếu nước Mỹ vẫn cởi mở và phát triển thì họ càng bị tụt lại đằng sau, nước Mỹ không còn là của họ nữa.
Nước Mỹ là một quốc gia chia rẽ trầm trọng chứ không hề đoàn kết như chúng ta tưởng. Ví dụ dễ thấy nhất là có những tiểu bang chỉ bầu cho đảng Cộng Hòa hoặc đảng Dân Chủ dù bất cứ ứng cử viên đó là ai và là người như thế nào. Chỉ có 6 bang là thay đổi, lúc bầu cho đảng này lúc bầu cho đảng kia. Điều này rất kỳ cục và không bình thường chút nào. Mỹ cũng là quốc gia "nguy hiểm" nhất thế giới khi người dân sở hữu đến 393 triệu khẩu súng (chiếm 40% lượng súng đạn sở hữu trên toàn cầu). Donald Trump đã khai thác tối đa sự chia rẽ của người dân Mỹ và đẩy chúng lên thành một cuộc nội chiến không tiếng súng. Nếu Trump đắc cử thêm nhiệm kỳ 2 thì không có gì đảm bảo là người Mỹ sẽ không dùng súng để "nói chuyện" với nhau. Hy vọng và mong cho điều đó không xảy ra.
Người Việt cũng chia thành hai phe và có thái độ kỳ thị chủng tộc.
Một hiện tượng không mong muốn trong cộng đồng người Việt tại Mỹ đó là việc chia thành hai phe, phe ủng hộ và phe chống Trump. Người Việt cũng đã chọn phe. Lập trường của hai phe rất dứt khoát và không khoan nhượng. Không bên nào nghe bên nào, mọi lý lẽ đều vô ích. Dù lá phiếu của cộng đồng người Việt tại Mỹ không ảnh hưởng gì đến kết quả cuộc bầu cử nhưng tại sao họ vẫn chia thành hai phe và chống nhau một cách cuồng nhiệt như thế ? Câu trả lời là cuộc nội chiến của người Việt vẫn chưa kết thúc trong lòng người dù trên thực tế cuộc nội chiến tại Việt Nam đã kết thúc từ năm 1975. Với nhiều người Việt lớn tuổi tại Mỹ, họ vẫn chưa hiểu vì sao họ thua và vì sao chế độ cộng sản, dù không có gì xuất sắc lại có thể chiến thắng và vẫn tồn tại cho đến giờ mà không bị một sự chống đối nào đáng kể. Sự thực buồn, phe thua (Việt Nam Cộng Hòa) là hoàn toàn xứng đáng nhưng phe thắng (cộng sản) lại không xứng đáng chút nào.
Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng chia phe trong cộng đồng người Việt và trong mỗi gia đình. Những người trẻ, sinh ra hoặc lớn lên sau năm 1975 thì cách suy nghĩ của họ về Trump hoàn toàn khác với cha mẹ họ vì họ không bị di chứng của cuộc nội chiến tại Việt Nam. Nhiều người Việt lớn tuổi tại Mỹ vẫn chưa thoát ra khỏi cuộc nội chiến đó nên họ dễ dàng bị cuốn vào cuộc nội chiến mới tại Mỹ do Donald Trump phát động. Khi người ta đã chọn phe trong một cuộc nội chiến thì không có lý lẽ hay lập luận gì có thể thay đổi được họ. Có một sự thật buồn là nhiều người lớn tuổi xuất thân từ Việt Nam Cộng Hòa chỉ chịu đựng dân chủ chứ không hề thích dân chủ.
Điều gần như chắc chắn là Trump phải ra đi sau cuộc bầu cử tháng 11 để nước Mỹ không rơi vào một cuộc nội chiến thực sự. Dù vậy thì những gì Trump gây ra sẽ còn ảnh hưởng nặng nề và lâu dài đối với nước Mỹ. Hòa giải dân tộc là liều thuốc duy nhất để hàn gắn những đổ vỡ do nội chiến gây ra. Chính quyền Mỹ sau Donald Trump sẽ rất khó khăn và cần nhiều thời gian để hòa giải người Mỹ với nhau và sau đó là hòa giải với các nước dân chủ trên thế giới.
Muốn hòa giải thành công thì cần có sự minh bạch và sòng phẳng. Cần tôn trọng lịch sử nhưng không nên tôn vinh quá đáng các nhân vật lịch sử. Nên tôn trọng các giá trị lịch sử thay vì một con người cụ thể. Không nên lập bàn thờ tổ tiên. Nên nhớ đến họ như những anh hùng của thời điểm lịch sử đó thay vì tôn vinh bằng cách xây tượng. Chỉ nên dựng tượng để đánh dấu một cột mốc lịch sử thay vì tôn thờ một nhân vật nào đó vì quan niệm mỗi thời sẽ mỗi khác. Các bức tượng chỉ nên giới hạn trong các viện bảo tàng thay vì trên đường phố vì những nơi công cộng là để bày tỏ các giá trị công cộng. Muốn tránh sai lầm khi đánh giá lịch sử cần phải thành thật với chính mình, bỏ qua tư kiến và phe phái để có sự bao dung và công bằng.
Người Mỹ đã rất nỗ lực và cố gắng hòa giải sau cuộc nội chiến trước đây nhưng vẫn thiếu sự sòng phẳng. Người da đen vẫn bị phân biệt đối xử trong khi các lãnh đạo miền Nam cực đoan, kỳ thị chủng tộc vẫn được tôn vinh một cách quá đáng như việc dựng tượng họ ở khắp nơi khiến phong trào Black Lives Matter (cuộc sống người da đen cũng quan trọng) nổi giận giật đổ các bức tượng đó.
Nhân đây cũng nói một chút về hiện tượng một số người Việt chống đối phong trào Black Lives Matter. Sự thực đó là tâm lý kỳ thị người da đen xuất phát từ cảm xúc ghen tương rất kỳ lạ của người Việt. Ghen tương là cảm giác khó chịu, không hài lòng khi thấy người khác hơn mình. Thật ra thì ai cũng có lúc có cảm xúc đó và nó hoàn toàn tích cực nếu chỉ để giúp bản thân cố gắng hơn. Tuy nhiên đối với nhiều người Việt thì cảm xúc đó luôn tồn tại và hiện diện thường trực trong lòng, nó làm cho họ khó chịu và sẵn sàng bộc lộ ra ngoài khi có cơ hội. Kỳ lạ nữa là thái độ ghen tương đó luôn dành cho những người như mình hoặc kém hơn mình chứ không phải với những người hơn mình. Trong công ty thì người ta ghen tương với đồng nghiệp chứ không ghen với sếp. Trong kinh doanh cũng vậy, người ta ghen tương với bạn hàng thay vì chủ hàng…Tóm lại, người ta ghen tương với những người không cần, không đáng ghen tương.
Người Việt không ghen tương, kỳ thị người da trắng vì họ hơn hẳn và vượt trội chúng ta mà chỉ có thái độ đó với người da đen, là những người mà chúng ta nghĩ rằng cũng không hơn gì mình. Thái độ này vừa sai vừa không có lợi vì những người đó, có khi, mới là những người bạn chân thành và tôn trọng chúng ta hơn những người da trắng. Hơn nữa ghen tương là biểu hiện của sự yếu đuối, tự ti và thất bại. Cách tốt nhất để không bị mắc phải tính ghen tương là phải mạnh mẽ, tự tin và cầu tiến. Cố gắng để thành công hơn trong công việc và cuộc sống là cách giúp chúng ta thoát ra khỏi sự ghen tương của đồng nghiệp và đồng hương mình.
Một điều đáng buồn là một số người Việt chống Trump cũng bắt đầu có dấu hiệu cực đoan. Thay vì thái độ nhã nhặn và trình bày lý lẽ như lúc ban đầu thì họ cũng đã quay sang chửi bới và chụp mũ những người thích Trump. Điều này dễ hiểu vì họ đã mất sự kiên nhẫn sau một thời gian. Tuy nhiên điều này rất nguy hiểm vì nó khoét sâu hố ngăn cách giữa cộng đồng người Việt chúng ta. Hiện tượng thích Trump sẽ biến mất sau tháng 11 và chúng ta dù muốn hay không cũng phải tiếp tục chung sống với nhau. Không nên nặng lời và mạt sát nhau để rồi không thể nhìn mặt nhau.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vì xiển dương và bảo vệ các lập trường của mình nên đã gặp không ít chống đối đến từ cộng đồng nhưng chúng tôi vẫn giữ vững lý tưởng và lập trường Hòa giải và Hòa hợp dân tộc bằng sự bao dung và kiên nhẫn. Chúng tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến chỉ trích dù đúng hay sai và chưa bao giờ bày tỏ thái độ cố chấp hay cực đoan với các ý kiến đó. Chúng tôi mong muốn người Việt Nam ở khắp nơi cùng chia sẻ tinh thần hòa giải của Tập Hợp bằng sự kiên nhẫn và bao dung như chúng tôi vẫn làm suốt 40 năm qua.
Việt Hoàng
(20/07/2020)
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Donald Trump đang làm xói mòn nền dân chủ Mỹ.
Sáng ngày 9/2, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đã phán quyết rằng Tổng Thống Trump phải trình bản khai thuế cá nhân của ông cho tòa án New York.
Ông John Roberts, Chánh Án tòa tối cao đã khẳng định, Tổng thống, không đứng trên luật pháp.
“Hôm nay chúng tôi tái xác nhận nguyên tắc, Tổng thống không được miễn khỏi trát tòa hình sự của tiểu bang đòi hỏi những giấy tờ cá nhân và cũng không được hưởng tiêu chuẩn cao hơn.”
Ngay sau khi phán quyết này được đưa ra, ông Trump đã tự biến mình trở thành nạn nhân sau nhiều loạt tweet.
Khác với những Tổng thống tiền nhiệm trước đó, Tổng thống thứ 45 của Mỹ luôn tìm mọi cách với quyền lực Tổng thống trong tay để không công khai hồ sơ thuế cá nhân.
Nhiều câu hỏi được đặt ra. Tại sao ông Trump lại phải giấu hồ sơ thuế của mình? Phải chăng bên trong đó còn có những khuất tất mà báo chí đã nói nhiều trong thời gian qua?
Nền dân chủ Mỹ bị đe dọa bởi Tổng thống
Ông Trump đã nhiều lần tấn công vào nền tư pháp độc lập qua việc lên án những thẩm phán đã hủy bỏ các sắc lệnh hành pháp của ông.
Tháng trước Tòa án Tối cao đã phán quyết bác bỏ lệnh của ông Trump về việc hủy bỏ chương trình bảo vệ trẻ nhập cư lậu.
Ngay sau đó Trump phản ứng bằng loạt tweet cho rằng, “Các quyết định mang động cơ chính trị được đưa ra từ Tòa án Tối cao. Đây là những phát súng bắn vào mặt những ai tự hào mình là đảng viên Cộng hòa hoặc bảo thủ”.
Ông Trump còn cho rằng: “Do tư pháp không ưa ông nên mới ra phán quyết vậy”.
Hồi năm 2017, ông Trump cũng đe dọa, có nhiều lời lẽ thiếu xứng hợp với các thẩm phán chặn sắc lệnh hành pháp cấm nhập cư từ bảy nước có đông dân theo Hồi giáo.
Donald Trump luôn tỏ ra thân thiết và ngưỡng mộ các nhà độc tài trên khắp thế giới…
Trên cương vị Tổng thống, Trump liên tục cản trở sự điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Ông ngăn người ra làm chứng trong cuộc điều tra của Hạ viện.
Ông Trump dường như không nhận thức giới hạn quyền lực Tổng thống, nên đã có nhiều quyết định trái với luật pháp, hành động, phát biểu trái với nền dân chủ.
Ông chủ Nhà Trắng hiện nay, nhiều lần cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016, dù không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào. Các cuộc điều tra cũng không cho thấy điều ông nói là đúng.
Tổng thống thứ 45 của Mỹ không ngừng tấn công trực tiếp vào nền báo chí độc lập.
Trên Twitter, ông Trump liên tục gọi báo chí là “Kẻ thù của nhân dân”, đòi bỏ tù phóng viên. Ông cáo buộc báo chí đưa tin, bình luận không có lợi cho ông bằng từ “fake news”. Bất kể đó là những tờ báo hàng đầu của Mỹ như The New York Times, Washington Post, TIME, Newsweek, hay các cơ quan truyền thông như CNN, MSNBC.
Ngay cả Fox News, The Wall Street Journal của cánh hữu cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của ông, nếu đăng trái ý ông.
Tính lưỡng đảng yếu tố đảm bảo sự cạnh tranh chính trị, giúp nước Mỹ chọn ra giải pháp tốt để điều hành quốc gia chưa bao giờ lại khó hòa giải như từ lúc ông Trump bước vào Nhà Trắng.
Tổng thống thứ 45 của Mỹ không tạo ra sự đoàn kết quốc gia. Thay vào đó ông liên tục tạo ra mâu thuẫn, khoét thêm chia rẽ đảng phái. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã phải thốt lên rằng ông Trump, “Cố tình chia rẽ dân Mỹ”.
Đòi dùng quân đội để đè bẹp biểu tình
Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, nước Mỹ phải đối diện với những cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị chủng tộc. Phong trào “Black Lives Matters” bùng lên qua nhiều năm âm ỉ sau cái chết của George Floyd hôm 25/5.
Trước các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp các thành phố lớn ở Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã không xoa dịu sự căm phẫn của đám đông. Thay vào đó, ông đã đổ thêm dầu vào lửa khi đánh đồng đa số những người biểu tình ôn hoà với thiểu số những kẻ lợi dụng thời cơ đập phá hôi của.
“Những kẻ vô chính phủ chuyên nghiệp, những đám đông bạo lực, những kẻ cướp bóc, tội phạm, những kẻ bạo loạn”. Đây là lời buộc tội của Tổng thống Trump về người biểu tình của phong trào “Black lives matter” vào tối ngày 1/6, tại Nhà Trắng.
Những ngày sau đó, Tổng thống thứ 45 của Mỹ tiếp tục đe dọa bắn, thả chó hung dữ, đến dùng vũ khí mạnh mẽ nhất để đè bẹp người biểu tình chống việc kỳ thị chủng tộc của cảnh sát.
Không dùng lại ở lời nói, vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã nhanh nhảu lạm dụng quân đội để dập tắt các cuộc biểu tình tại thủ đô Washington. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được điều động về thủ đô theo lệnh Tổng thống. Tuy nhiên sau đó đã phải rút đi do phản ứng của thị trưởng Muriel Bowser và công chúng.
Ông Trump đe dọa, dùng bạo lực để đàn áp. Đòi đưa Vệ binh Quốc gia xuống “giải quyết” vấn đề nếu các thống đốc các tiểu bang và thị trưởng thành phố không nhanh chóng dẹp biểu tình.
Hành động đe doạ của ông Trump còn cho thấy một dấu hiệu lạm quyền của chính phủ liên bang đối với các tiểu bang.
Với những lời phát biểu, hành động của mình, Ông Trump đã tấn công trực tiếp vào sự thực hành và biểu hiện của nền dân chủ Mỹ qua các cuộc biểu tình.
Cũng ông Trump trong hai tháng qua đã nhiều lần gây sức ép với các thống đốc tiểu bang mở cửa hoạt động trở lại bình thường và xem nhẹ việc lây lan của dịch bệnh.
Trước những lời nói, hành động của Tổng thống Donald Trump, ông Colin Powell cựu tướng bốn sao, và cựu Ngoại trưởng Mỹ đã phải lên tiếng “Ông Trump đang rời xa Hiến pháp”.
Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã có không ít cáo buộc, phát biểu gây sức mẻ ‘ngọn hải đăng’ các giá trị dân chủ của thế giới.
Cần trung thành với Trump hơn Hiến pháp
Không quá khó để thấy được trong thời gian nắm cương vị Tổng thống, Ông Trump chỉ thích dùng người trung thành với ông hơn với Hiến pháp và lời thề công việc của họ. Những lời thề vốn dĩ đảm bảo tính chuẩn mực, trách nhiệm, khách quan, quy trình để kiểm soát công việc.
Bởi thế ngay khi vào Nhà Trắng, Donald Trump đã yêu cầu James Comey, Giám đốc FBI bày tỏ sự trung thành với ông. Nhưng chỉ vài tháng sau, ông Trump nhanh chóng loại bỏ Comey bằng người khác dễ bảo hơn. Thông tin sau đó cho thấy James Comey đã không làm theo mong muốn của Tổng thống.
Chưa có Tổng thống Mỹ nào sa thải, hoặc gây sức ép để sa thải, thay thế nhân sự nhiều như Donald Trump. Từ cố vấn, đến chuyên viên, bất kể ai, không làm vui lòng Trump, phản đối, hay gây bất lợi cho ông bằng sự thật, trách nhiệm công việc đều nhanh chóng bị mất chức.
Trong hơn ba năm, Trump đã sa thải hay ép từ chức,các cố vấn, hoặc buộc phải từ chức Michael Flynn, H.R. McMaster, Steve Bannon, John Bolton, Michael Flynn. Chánh văn phòng Nhà Trắng từ Reince Priebus, đến John Kelly và Mick Mulaney.
Việc thay đổi nhân sự ở Nhà Trắng của chủ nhân Trump, giống như nơi đây chỉ tuyển nhân viên tập sự.
Chưa hết một nhiệm kỳ, ông Trump đã lần bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hai lần thay bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bốn lần thay Phát ngôn viên Nhà Trắng.
Tháng trước, Geoffrey Berman, người đứng đầu cuộc điều tra luật sư riêng của Donald Trump bị sa thải dưới sức ép của Tổng thống.
Ít nhất ba người làm chứng trong việc điều tra luận tội Donald Trump tại Thượng viện đã bị ông buộc thôi việc.
Thượng nghị sĩ Mitt Romney, sau khi bỏ phiếu kết tội ông Trump về “Tội lạm quyền” đã bị ông công kích nhiều lần. Bà Murkowski, Thượng nghị sĩ bang Alaska sau phát biểu, cân nhắc có nên ủng hộ Trump trong lần bầu cử tới hay không, liền bị Trump tấn công.
Ngược lại, Donald Trump bất chấp dư luận, đưa con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner vào vị trí cố vấn cấp cao buộc nhiều người sừng sỏ phải nghe theo. Dù họ chưa hề có kinh nghiệm chính trị, hoặc các vị trí dân cử.
Do thiếu niềm tin, cần sự trung thành, Donald Trump đã dùng người nhà trong chính phủ, phá vỡ sự độc lập giữa công quyền và tư lợi, vốn là nền tảng dân chủ Mỹ xưa nay.
Phải chẳng Tổng thống Donald Trump đang phá vỡ nền dân chủ Mỹ trong cái tôi quá lớn cùng các toan tính, lợi lộc cá nhân, phe nhóm lên trên lợi ích quốc gia?
Võ Ngọc Ánh
(12/07/2020)