Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong đợt bài "Làm thất bại chiến lược Diễn biến hòa bình" đăng trên báo Quân đội nhân dân online, lần này Bắc Hà cảnh cáo "không được lợi dụng vấn đề đối thoại để chống phá". Nội cái tít thôi cũng đã mắc cười vì sự ngây ngô của một tay viết xã luận gạo cội của báo Quân đội nhân dân. Đối thoại phải có ít nhất hai người hay hai phe, và phải khác nhau về ý kiến, nếu không đó là sự tịnh tâm, nghĩa là đối thoại với chính mình, xét lại lương tâm của mình. 

doithoai0

Đối thoại là để tìm cho ra một giải pháp hòa bình - Ảnh minh họa  

Theo gợi ý của ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương, đảng cộng sản Việt Nam muốn đối thoại với những người không cùng quan điểm với đảng và nhà nước về việc quản lý những tranh chấp liên quan đến đời sống của  nhân dân hàng ngày, như đất đai, môi trường, an sinh xã hội, v.v. Nói chung, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam muốn đối thoại với những người có quan điểm, nhận thức hay ý kiến khác biệt để tìm cho ra một giải pháp hợp tình hợp lý, ông Võ Văn Thưởng gọi là "tạo ra cơ sở để hình thành chân lý", mà hai bên mong muốn cải thiện và giải quyết. Không bao giờ có đối thoại với những người cùng chung quan điểm hay ý kiến, những cuộc họp mặt kiểu này gọi là hội thảo, thảo luận hay bàn tròn để đào sâu thêm nội dung chủ đề của cuộc hội thảo.

Không biết trong quân đội Bắc Hà đã nắm giữ những chức vụ gì, chắc chắn phải là cấp tướng, chí ít là cấp tá, và thành tích ra sao ? Nhưng trong sinh hoạt chính trị nhà bình luận này đã tỏ ra rất thận trọng, làm cái gì cũng phải nắm đằng chuôi, nghĩa là phải nắm phần chắc. Khi buộc phải ủng hộ một quyết định của Bộ chính trị, vì ông Võ Văn Thưởng chỉ còn chờ chỉ thị hay thông tư của Ban bí thư để hiện thực hóa cuộc đối thoại, nhà bình luận này lên tiếng cảnh cáo : "Không được lợi dụng vấn đề đối thoại để chống phá". Rõ ràng là nhát gan, chưa ra trận đã sợ thua, không xứng đáng giữ vai trò của một sĩ quan.

Bắc Hà còn bình luận thêm : "Thậm chí họ còn cho rằng, đối thoại bao gồm cả tổ chức biểu tình phản đối… để gây áp lực 24/7 lên chính quyền… về chuyển đất nước sang dân chủ"... Theo lập luận này, dân chủ đối với Đảng Cộng sản Việt Nam là một cái gì xấu xa, nguy hiểm, cần phải né tránh hay lên án. Đảng và nhà nước cộng sản chỉ muốn nói chuyện với những con cừu chứ không phải là người dân.

Nhìn lại thực trạng chính trị ở Việt Nam, tất cả quyền hành và quyền lực đều nằm trong tay đảng và nhà nước. Như cảm thấy chưa đủ, bên cạnh những lực lượng quân đội, công an, an ninh, thanh niên xung phong, dân phòng, đảng cộng sản còn lập ra rất nhiều tổ chức vệ tinh để bảo vệ đảng và nhà nước : Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, kể cả sinh viên, học sinh và thiếu nhi quàng khăn đỏ. Phương tiện răn đe là cả một hệ thống trấn áp : Tòa án nhân dân, Hội đồng xét xử, Đoàn luật sư, Cảnh sát điều tra, hơn 700 tờ báo quốc doanh và hang chục đài phát thanh và truyền hình...

Còn về phía người dân, những người khác ý kiến với chế độ ? Không có gì cả ! Họ chỉ có những cánh tay để bị cùm. Vũ khi tự về của những người không có gì để tự vệ là đình công, biểu tình, đi bộ và giương cao những khẩu hiệu... trên giấy. Những người theo đạo công giáo còn cầu nguyện xin Ơn trên bênh vực vì đang bị Bên dưới cướp quyền được sống bình yên trên quê hương xứ sở của mình. Nếu quyền biểu tình là chống chế độ thì rõ ràng đảng, nhà nước và quân đội muốn cướp luôn quyền phát biểu của người dân mà ông Võ Văn Thưởng muốn trân trọng nhưng chưa được Ban bí thư cho phép.

Đối thoại đương nhiên là phải khác quan điểm và ý kiến với đảng và nhà nước. Nếu gọi khác ý là chống phá thì không nên đối thoại, vì những người hay tổ chức không cùng quan điểm với đảng và nhà nước sau đó sẽ bị qui kết thêm tội phản động, hay tay sai của thế lực thù địch mà họ không có hay không hề biết.

Một đảng có thành tích độc quyền lãnh đạo đất nước trong hơn 70 năm cầm quyền bỗng dưng sợ bị chống phá quả là không bình thường. Đảng Cộng sản Việt Nam phải bị một cái gì ghê gớm lắm đe dọa nên mới có phản ứng thận trọng tiêu cực kiểu này.

Phải biết hiện nay Đảng cộng sản không còn được nhân dân tín nhiệm, yêu mến như thời còn nằm gai nếm mật, kháng chiến. Ngày nay, tại bất cứ nơi đâu trên đất nước, không nơi nào không có người dân ta thán về nạn tham nhũng, quan liêu, cướp đất và chèn ép. Những bó rơm bất mãn này ngày càng chồng chất và tích lũy thêm nhiều, và sắp đến giai đoạn hết chỗ chứa. Chỉ cần một biến cố sai lầm - vô tình hay cố ý của đảng và nhà nước - những bó rơm này sẽ đốt cháy công lao của hơn 70 cầm quyền.

Cũng nên nhìn lại những cấp lãnh đạo đảng và nhà nước hiện nay, không ai có công trạng hay thành tích nào đối với nhân dân và đất nước. Họ chỉ là những con ông cháu cha, những truyền nhân dựa vào thế lực của gia đình và phe cánh để nắm giữ những chức vụ ăn nên làm ra. Khi đã ăn no nê và cao bay xa chạy, hệ thống quyền lực của đảng và nhà nước trao cho những truyền nhân kế tiếp, bất chấp tương lai đất nước ra sao, đời sống người dân như thế nào.

Hãy nhìn những gương mặt choai choai trong những vụ ăn chia đất đai ở Đà Nẵng thì rõ :Đà Nẵng : Những tiết lộ nội bộ để lộ bàn tay mafia đấtĐà Nẵng : Những tiết lộ "Tuyệt mật" về tranh chấp quyền lực và quyền lợiĐà Nẵng : Nhiều tên tuổi lớn dính líu trực tiếp đến đường dây chuyển nhượng đất. Nếu tình trạng này kéo dài, đất nước sẽ kiệt quệ và dân tộc Việt Nam chỉ có thể làm công nhân cho người nước ngoài ngay trên đất nước của chính mình.

Khi ngày tàn của chế độ gần kề, những bạo chúa thường tỏ ra tham lam nhưng sợ sệt và rất hung bạo.

Nguyễn Văn Huy

(dưới đây nguyên văn bài viết của Bắc Hà đăng trên Quân đội nhân dân online ngày 28/05/2017)

********************

Không được lợi dụng vấn đề đối thoại để chống phá

Quân đội nhân dân, 29/05/2017

Tất cả các chế độ dân chủ trên thế giới cho đến nay đều xem người dân là chủ thể kiến tạo chế độ xã hội, quản lý nhà nước… có quyền tự do ngôn luận, có quyền đối thoại với các cơ quan, tổ chức-bao gồm cả tổ chức đảng cầm quyền và nhà nước hiện hữu. Đây là một đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ.

Ở nước ta, trong tất cả các kỳ họp Quốc hội, bên cạnh những ý kiến của các đại biểu, các buổi chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu với các thành viên Chính phủ còn có "Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân" trong cả nước. Đó là một ví dụ về chế độ dân chủ nói chung, chế độ dân chủ của xã hội nói riêng.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết : "Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước" [1].

doithoai1

Pháp luật của Nhà nước - Ảnh minh họa

Đồng chí Võ Văn Thưởng còn nhấn mạnh : "Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý…" [2].

Có điều là sau ý kiến của đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương được các phương tiện thông tin đại chúng đưa, nhiều hãng thông tấn, báo chí lớn, trong đó có BBC, RFA, VOA… và đặc biệt trên các mạng "ngoài luồng", một số phần tử đội lốt "nhà khoa học", các "chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền" trong và ngoài nước đã comment ầm ĩ rằng : Ông Võ Văn Thưởng "nói thiệt hay nói giỡn vậy ?" ; "Đối thoại với ai ? Về những gì ?"... Thậm chí họ còn cho rằng, đối thoại bao gồm cả "tổ chức biểu tình phản đối… để gây áp lực 24/7 lên chính quyền… về chuyển đất nước sang dân chủ"...

Vậy các "nhà khoa học", các "chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam" suy nghĩ về chuyện "đối thoại" mà đồng chí Võ Văn Thưởng nêu ra như thế nào ? Liệu đây có phải là cơ hội để các vị ấy được công khai truyền bá quan điểm chống chế độ xã hội, chống Đảng Cộng sản và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hay không ?

Xem xét một số comment, bài viết về chủ đề này ở một số trang mạng của những "nhà khoa học", "nhà báo", "nhà dân chủ", "nhân quyền" tự phong, người đọc không khỏi thất vọng, thậm chí là bức xúc về tư duy chính trị mang tính bạo lực chống phá chế độ của một số người, tuy số lượng không đáng kể.

Không phủ nhận rằng trong những ý kiến mà người viết bài này đã đọc có những suy nghĩ chân thành, chẳng hạn có người cho rằng, phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng là một "thông điệp tốt". Có người cho rằng, ý kiến của ông Võ Văn Thưởng "không phải là một sự đột phá mà là bước đi tiếp theo từ một điều trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái". Có thể tác giả (nói trên) đã nhớ đến nội dung phần phân tích nguyên nhân chủ quan (về tình trạng suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên) đã ghi trong Nghị quyết Trung ương 4. Đó là những nguyên nhân chủ quan sau : "Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa có chiều sâu, không theo kịp tình hình thực tế… Việc nghiên cứu, sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách, luật pháp thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa kịp thời". Có người cho rằng, ý kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng thể hiện thái độ "thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân" là "một dấu hiệu tốt".

Tuy nhiên, đáng tiếc trong nhiều bài trên các trang mạng, người ta chỉ thấy những cách hiểu ấu trĩ, sai lệch và ý đồ chính trị thâm độc, lợi dụng ý kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng. Chẳng hạn :

- Có người cho rằng, tuyên bố của ông Võ Văn Thưởng là một "trò đối phó". "Đây chỉ là "con bài" đối thoại với các lực lượng chính trị đối lập, có thể chỉ được sử dụng như một thứ hàng trang trí, hoặc như một nơi trú ẩn khi còn đường lùi cho cuộc gặp ngày mai".

- Có người thì bôi nhọ Đảng ta, cho rằng "đây là thủ đoạn lươn lẹo vốn đã thành bản tính của các nhà chỉ đạo chính sách của Đảng Cộng sản ?". Rồi họ phân tích-đây chỉ là "tung tin để đánh làm mất hướng phong trào đấu tranh của quần chúng", đặc biệt là quần chúng công giáo khu vực miền Trung đang có biểu hiện "bất tuân dân sự, vô hiệu hóa quyền lực của chính quyền và có xu hướng tiến tới giành quyền ?"…

Về "chiến lược" tận dụng "cơ hội đối thoại", những kẻ cơ hội này vạch ra, hay nói như họ là "lộ trình" đối thoại như sau : "Cần nêu một số vấn đề trước, mục tiêu cuối cùng để sau". Tất nhiên, "mục tiêu cuối cùng để sau" là nhằm che đậy âm mưu, ý đồ chính trị thâm độc, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ta, xóa bỏ chế độ xã hội và Nhà nước ta. Theo họ, những nội dung ưu tiên "đối thoại trước" không quá gay cấn để cuối cùng mới đến chuyện thể chế chính trị, đó là đòi đa nguyên chính trị… "bãi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp quy định Đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Nhân cơ hội bàn về đối thoại, có kẻ còn vận động cho các hành vi dùng bạo lực chống lại chính quyền nhằm "gây áp lực" chuyển sang chế độ "dân chủ".

Thiết nghĩ, các "nhà khoa học", những người tự xưng "đấu tranh cho dân chủ", "nhân quyền Việt Nam" đã quá ấu trĩ hoặc đã cố ý hiểu sai ý kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng nói đến vấn đề đối thoại. Đặc biệt là họ dùng thủ đoạn lợi dụng "đối thoại" để gây sức ép, "lái" ý kiến về đối thoại sang quan điểm của mình, thậm chí lợi dụng câu chuyện đối thoại để tuyên truyền, cổ xúy cho những hành vi bạo lực, trái pháp luật.

Khái niệm đối thoại, về mặt ngôn ngữ có vẻ là một khái niệm mới, song về bản chất không khác khái niệm thảo luận, trao đổi thẳng thắn, trong sinh hoạt Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội. Khái niệm đối thoại là cùng một cấp độ và thống nhất với khái niệm "quyền tự do ngôn luận, báo chí…". Các Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến nay, đặc biệt là Hiến pháp 2013 đã quy định : "Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định" (Điều 25, Chương II).

Luật Báo chí 2016 cũng quy định : "Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân : 1. Phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới ; 2. Tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ; 3. Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác" (Điều 11). Những quy định tại Điều 11, Chương II nói trên về bản chất cũng là đối thoại, thậm chí còn hơn thế nữa, người dân có quyền "khiếu nại, tố cáo" nếu có sự vi phạm quyền hợp pháp của mình. Còn nhớ, trước khi có Hiến pháp 2013, có Luật Báo chí, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" ra đời từ chỉ thị này.

Báo cáo chính trị Đại hội XII có đoạn : "Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích cuộc sống của nhân dân"… "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" không chỉ là khẩu hiệu mà phải được xây dựng trở thành các định chế bảo đảm quyền lực xã hội thực sự thuộc về nhân dân.

Thiết nghĩ, "dự thảo" về hoạt động đối thoại mà Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra là để làm rõ và nếu có thể để hoàn thiện các quyết định của Đảng, Nhà nước. Các cuộc đối thoại với một số cá nhân nào đó cũng trong khuôn khổ đó chứ không phải để đưa ra hoặc thay đổi các quyết định của Đảng và Nhà nước ; không thế đứng trên Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói cách khác, các cuộc đối thoại phải nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa-nền dân chủ dựa trên những nguyên tắc căn bản. Đó là xác định mục tiêu và con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Mục tiêu và con đường đó dựa trên nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh (bao gồm sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới), đồng thời lấy vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và Nhà nước làm tiền đề. Nói cách khác, các cuộc đối thoại không thể vượt qua "lằn ranh đỏ" chính trị nói trên, vì đấy chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chủ đề các cuộc đối thoại do đó cũng không thể nhằm "xem lại", bác bỏ các giá trị của dân tộc ta, trong đó có thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh ; thành quả vĩ đại của các cuộc kháng chiến anh hùng, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc…

Bắc Hà

[1] , [2] Theo Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO) ngày 18/5/2017, 14:40.

Additional Info

  • Author Nguyễn Văn Huy
Published in Quan điểm