Giới quân sự đương đầu với Covid-19
Josselin Droff, Friederike Richter và Julien Mazirad, Thùy Dương, RFI, 29/06/2020
Đối phó với khủng hoảng Covid-19, nhiều lực lượng xã hội, ngành nghề đã và đang xông pha trên tuyến đầu để ngăn chặn và khắc phục hậu quả đại dịch : bác sĩ, y tá, nhân viên chăm sóc y tế, nhân viên thu ngân ở siêu thị, các nhà sản xuất, người giao hàng, nhân viên vệ sinh … Nhưng sẽ là một thiếu sót nếu không nói đến sự đóng góp của quân đội ở nhiều nước.
Hình mô phỏng virus corona phóng đại của Nexu Science Communication và Trinity College Dublin. NEXU Science Communication/via Reuters
RFI Việt ngữ trích lược bài viết "Giới quân sự đương đầu với Covid-19" của các nhà nghiên cứu Josselin Droff, Friederike Richter và Julien Mazirad về những đóng góp, vai trò của lực lượng quân sự trong cuộc chiến chống Covid-19, đặc biệt là ở Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha - những nước Châu Âu từng bị dịch bệnh tàn phá nặng nề, với nhiều thiệt hại về nhân mạng. Bài viết được đăng trên trang mạng The Conversation ngày 23/06/2020.
Trong những năm gần đây, công chúng đã chứng kiến sự đa dạng hóa nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, trong những hoàn cảnh đôi khi chưa từng xảy ra, chẳng hạn thảm họa môi trường hoặc công nghiệp, cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ quốc gia ... Cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 cũng không phải là một ngoại lệ, và đã cho thấy việc huy động các phương tiện quân sự diễn ra với những tốc độ và cách thức khác nhau tùy từng quốc gia. Sự tham gia của quân đội cũng được các nước nói tới ở những mức độ khác nhau.
Phạm vi hoạt động của quân đội
Trong cuộc chiến chống Covid-19, ở nhiều nước Châu Âu, quân đội trước tiên có vai trò hậu cần : vận chuyển thiết bị y tế, di chuyển bệnh nhân, hộ tống xe chở khẩu trang, tổ chức hoặc đồng tổ chức các chuyến bay hồi hương những người dân đang mắc kẹt ở những quốc gia bị dịch bệnh… Ngoài ra, lực lượng vũ trang cũng thường tham gia công tác chăm sóc thường dân, chẳng hạn tiếp nhận bệnh nhân trong các bệnh viện quân y, lập bệnh viện dã chiến và hỗ trợ, tăng cường cho các đơn vị y tế dân sự.
Tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha, cùng với các lực lượng nội an, quân đội còn tham gia vào công tác bảo đảm duy trì an ninh trật tự, chẳng hạn giám sát người và tài sản, kiểm tra xem người dân có tuân thủ các quy định phong tỏa hay không… Tại Pháp, do khẩu trang là loại hàng hiếm trong giai đoạn phong tỏa, nhiều cơ sở y tế ở Paris, Marseilles còn xảy ra tình trạng kẻ xấu đột nhập ăn trộm khẩu trang với số lượng lớn, nên quân nhân được triển khai đảm bảo an ninh ở các kho dự trữ khẩu trang đề phòng trộm cướp. Quân đội Tây Ban Nha được triển khai để tuần tra, nhất là ở biên giới, giám sát an ninh ở các cơ sở có nhiều nguy cơ bị tấn công, chẳng hạn nhà máy điện hạt nhân. Còn tại Ý, lực lượng vũ trang tham gia đảm bảo việc tuân thủ lệnh giới nghiêm.
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng đưa ra thông tin về các nhiệm vụ của quân đội trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo The Conversation, trong số 5 nước Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, thì chỉ có 3 nước Pháp, Anh và Tây Ban là công bố thông tin về các chiến dịch với nhiệm vụ cụ thể của quân đội. Tây Ban Nha là quốc gia mà quân đội được triển khai ồ ạt nhất kể từ tháng 03/2020 để chống dịch Covid-19, với nhiều kinh nghiệm từ công tác xử lý khủng hoảng trong các vụ hỏa hoạn ở Guadalajara, Castile-La Mancha năm 2005. Vào thời đó, Tây Ban Nha đã cho thành lập Đơn vị quân sự khẩn cấp.
Trong thời gian qua, nhiều lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm, chế tạo xe hơi, ngành hàng không vũ trụ … vốn không liên quan đến ngành y tế cũng được huy động tham gia sản xuất hỗ trợ công tác chống dịch. Các nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng cũng không phải là ngoại lệ, nhất là nhằm cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ nhân viên y tế. Hồi đầu khủng hoảng, các nhà sản xuất vũ trang thậm chí còn đề xuất các trang thiết bị, dịch vụ miễn phí. Trong nhiều trường hợp, các công ty công nghiệp quốc phòng còn tái bố trí hoạt động để sản xuất trang thiết bị y tế, chẳng hạn máy trợ thở, khẩu trang, giường bệnh với đầy đủ thiết bị y tế cần thiết… Tại nhiều nước, quân đội còn triển khai mạng lưới nhập khẩu hoặc phát triển một số sản phẩm.
Ở Pháp, Tây Ban Nha và Ý, các nhà công nghiệp quốc phòng đã thực hiện công tác tư vấn miễn phí, nhất là về các vấn đề an ninh mạng, vốn cực kỳ quan trọng trong bối cảnh các nước bị phong tỏa, phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng khắp Châu Âu. Các doanh nghiệp quân đội còn cung cấp phương tiện chuyên chở bệnh nhân Covid-19 và nhân viên chăm sóc y tế như máy bay trực thăng, 3 tàu sân bay, máy bay vận tải (Pháp) ; máy bay Airbus A310, A400M (Đức) …
Cuộc khủng hoảng y tế đã cho thấy một số hoạt động của quân đội, mà công chúng thường nghĩ là mang tính đặc thù quân sự, trên thực tế lại dễ được chuyển đổi bố trí thành các hoạt động phi quân sự. Ở mỗi cuộc khủng hoảng, cho dù liên quan đến môi trường, y tế hay các lĩnh vực an ninh nội địa, phạm vi nhiệm vụ của quân đội đều được mở rộng. Khủng hoảng Covid-19 cũng cho thấy việc chuyển đổi một cơ sở hạ tầng quân y thành một cơ sở phục vụ mục đích dân sự là khá dễ dàng.
Từ kho dự trữ đến quyền tự chủ của quốc gia
Khủng hoảng Covid-19 còn là dịp để suy ngẫm về giá trị của các kho dự trữ. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và dựa vào logic về tính "kịp thời", các kho dự trữ chủ yếu được đánh giá qua dựa vào chi phí, thế nhưng những sự kiện vừa qua đã cho thấy giá trị chiến lược của các kho dự trữ. Các nguồn "dự trữ" cũng có thể liên quan đến nhân lực, chẳng hạn thông qua việc có thể huy động nhanh chóng nhân lực dự phòng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ trong vài năm qua, nhiều nước, trong đó có Anh và Ý, đã cắt giảm mạnh ngân sách cho quân đội. Còn lực lượng vũ trang, cũng như các nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng, trước hết phải đảm bảo tính liên tục trong hoạt động thiết yếu của họ. Mặc dù quân đội, cũng giống như các lực lượng khác ngoài y tế, được huy động trong đại dịch, có thể nỗ lực thêm ở thời khủng hoảng, nhưng sẽ rất khó để duy trì trong một thời gian dài, bởi những phương tiện quân sự và nguồn nhân lực được tăng cường sử dụng sẽ đòi hỏi thêm nhiều nguồn tài chính.
Cuộc khủng hoảng chưa từng có này đã củng cố sự thay đổi khái niệm từ phòng thủ quân sự thuần túy sang khái niệm phòng thủ theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực khác như an ninh nội địa, môi trường và y tế. Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với quy tắc nổi tiếng của kinh tế gia Jan Tinbergen, theo đó một chính sách chỉ hữu ích khi số lượng công cụ cũng có nhiều như số lượng mục tiêu cần đạt được.
Mới đây, một vị tướng Pháp đã phát biểu : "Quân đội có văn hóa quản lý khủng hoảng, đó là trọng tâm nghề nghiệp của chúng tôi", nhưng đó là kiểu khủng hoảng nào và cần có những phương tiện cần thiết nào để quản lý cuộc khủng hoảng đó ? Hiện nay, các phương tiện trong lĩnh vực quốc phòng không được thiết kế để đối phó với khủng hoảng y tế. Vì thế, ngành quốc phòng đang đứng trước hai lựa chọn : hoặc nhìn nhận rằng những nhu cầu mới này đòi hỏi phải có những phương tiện bổ sung, có nghĩa là ngân sách phải được điều chỉnh theo hoàn cảnh để có thể đối phó với đại dịch ; hoặc coi những nỗ lực của ngành quốc phòng trong việc quản lý cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ là trường hợp cá biệt.
Thùy Dương
*****************
Covid-19 : Thế giới vượt 10 triệu ca nhiễm, nửa triệu người chết
Trọng Nghĩa, RFI, 28/06/2020
Tính đến sáng ngày hôm nay, 28/06/2020, theo thống kê của hãng tin Anh Reuters, các trường hợp lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới đã vượt mốc biểu tượng 10 triệu ca. Vào cùng một thời điểm, số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu cũng chạm ngưỡng 500 ngàn ca tử vong. Riêng nước Mỹ nắm kỷ lục đáng buồn là chiếm đến một phần tư cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong.
Tính đến ngày 28/06/2020, thế giới ghi nhận hơn 500.000 người chết và 10 triệu người dương tính với virus corona chủng mới. John Hopkins Hospital
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số 10 triệu ca nhiễm kể trên tính ra đã cao hơn khoảng gấp đôi số ca nhiễm cúm mùa nghiêm trọng được ghi nhận hàng năm trên thế giới. Còn về số tử vong, dịch Covid-19 trong không đầy nửa năm, đã có tác hại tương đương với hậu quả của cúm mùa trong nguyên một năm.
Mỹ vẫn là nước bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất
Thế giới đã vượt các mốc biểu tượng về ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19, vào lúc dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở một số nơi, đặc biệt tại Mỹ, nước vẫn giữ kỷ lục thế giới về số bệnh nhân và người chết.
Theo Reuters, với hơn 2 triệu rưỡi ca nhiễm, và hơn 125 ngàn người chết, Mỹ vẫn là nước bị tác hại nặng nề nhất, chiếm đến một phần tư số trường hợp lây nhiễm, và hơn một phần tư số ca tử vong. Tháng Năm vừa qua, giới quan sát vẫn hình dung là dịch bệnh tại Mỹ đang trong chiều hướng lùi bước, nào ngờ là trong những ngày qua, đà lây lan của virus đã tăng tốc trở lại, đặc biệt là tại các tiểu bang miền nam và miền tây như Florida, Arizona, Nevada, South Carolina hay Georgia…
Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, tính đến hôm qua (27/06), đã có 12 bang tại Mỹ (Arizona, Arkansas, Delaware, Florida, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, North Carolina, Texas và Washington) đã tạm đình chỉ kế hoạch mở cửa trở lại sau thời kỳ phong tỏa.
Dịch Covid-19 bùng lên trở lại đã tác động đến chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, chẳng hạn như buộc phó tổng thống Mike Pence phải hủy bỏ các sự kiện ở Florida và Arizona.
Ấn Độ : Cuối tháng 7, có thể một triệu ca nhiễm, New Delhi phải trưng dụng khách sạn làm nơi cách ly
Hôm qua, Ấn Độ có thêm 17.000 ca nhiễm mới chỉ trong một ngày. Theo giới chuyên gia, dịch Covid-19 tại Ấn Độ còn chưa đạt đỉnh. Cho đến cuối tháng 7, số ca nhiễm dự kiến có thể sẽ tăng gấp đôi, so với 500.000 người hiện nay. Tình hình đáng lo ngại nhất là tại Bombay và New Delhi, nơi tập trung tổng cộng 150.000 ca nhiễm, chiếm một phần ba tổng số người dương tính với virus. Thủ đô Ấn Độ vừa phải mở một trung tâm, rộng hơn 100.000 mét vuông, với khả năng tiếp nhận 10.000 giường.
Với hơn 73.000 người nhiễm virus, lâm bệnh, và 2.400 người chết vì Covid-19, New Delhi trở thành thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất ở Ấn Độ, trên Bombay. Trước số lượng bệnh nhân tăng vọt, thủ đô Ấn Độ đã ra lệnh trưng dụng nhiều khách sạn, hội trường, toa tàu để chuyển thành các trung tâm cách ly, để giảm tải cho các bệnh đang trong tình trạng gần như quá tải. Quyết định trưng dụng này là điều chưa từng có tại New Delhi. Tổng cộng, đã có 16.000 người chết vì Covid-19 tại Ấn Độ.
Trọng Nghĩa
Đến bây giờ, người ta vẫn cứ tranh cãi với nhau về việc Vũ Nhôm có vai trò gì đối với vụ Trịnh Xuân Thanh, chỉ vì ngay từ quyết định khởi tố của Tổng cục An ninh điều tra Bộ Công an cũng ghi rõ là "tiết lộ bí mật quốc gia" mà không phải là "lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt tài sản công". Tại sao vậy ? Trong khi, trước khi biết đến Trịnh Xuân Thanh, người ta đã biết Vũ Nhôm là một trùm bất động sản tại Đà Nẵng. Có một chủ trương đánh lận con đen, lôi Vũ Nhôm ra chỗ khác, tung hoả mù che đậy sự thật ? Vậy có thể là sự thật nào ?
Tiến sĩ Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Kông Tư, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an
Trước hết Vũ Nhôm là Giám đốc công ty bình phong của chính Tổng cục An ninh điều tra Bộ Công an, nghĩa là cơ quan này quyết định khởi tố bắt giam chính người của mình.
Chức năng của công ty bình phong là giả danh doanh nghiệp để trà trộn theo dõi thu thập chứng cứ vi phạm luật pháp của các tổ chức kinh doanh, một loại cảnh sát, mật vụ và đặc tình trong lĩnh vực kinh tế.
Cái đáng được chú ý là Bộ công an bắt người của Bộ Công an. Sẽ phải đặt ra một câu hỏi, ai trong Bộ Công an bắt người của ai trong Bộ Công an ? Tính nghiêm trọng của sự vụ nằm ở câu hỏi này, không phải việc tiết lộ bí mật quốc gia. Một ông Trùm bất động sản nếu có được bí mật quốc gia thì cũng do có kẻ khác cung cấp, và nếu ông Vũ có ý định tiết lộ thì cũng chỉ để phục vụ cho "kẻ khác ấy". Nên chính "kẻ ấy" mới đúng là đối tượng truy nã.
Nhưng nếu khởi tố Vũ Nhôm do tội tham nhũng thì Bộ Công an tự phơi ra một sự thật rằng, các công ty bình phong thực chất chẳng giúp gì cho việc chống tham nhũng, mà chính ngay các công ty bình phong này là thủ phạm gây ra và trực tiếp tham nhũng, tức là tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng, một thứ bệnh của hệ thống, "bệnh đảng", như đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc nói. Chủ trương là của đảng, của Bộ chính trị, các Tổng cục, hay ngay cả cấp Bộ chỉ là cấp thực hiện. Việc đẻ ra hàng trăm công ty "bình phong" chứa đựng mưu toan tham nhũng.
Thứ hai, tội danh tham nhũng chỉ có giá trị nội bộ, không có gía trị quốc tế, trong trường hợp Vũ Nhôm thoát ra được nước ngoài và lao đơn xin tị nạn chính trị, giống như vụ Trịnh Xuân Thanh. Nhiều quốc gia không thừa nhận Luật chống tham nhũng của Việt Nam vì không cùng quan niệm về tội tham nhũng. Chế độ độc đảng toàn trị vẫn được cho là hệ thống tham nhũng quốc gia. Tham nhũng là sản phẩm tất yếu của thể chế, nên chế độ không có tư cách xử tội tham nhũng. Mặt khác, dưới chế độ phi dân chủ, luật pháp không có tính độc lập, sự tuỳ tiện giải thích luật và lạm quyền của hệ thống xét xử có thể là nguyên nhân của các án tử hình oan sai, vi phạm đạo đức nhân loại. Đó là lý do mà rất nhiều quốc gia, đặc biệt với các quốc gia dân chủ đích thực, không có Hiệp định dẫn độ tội phạm với Việt Nam, Trung Quốc và nhiều quốc gia phi dân chủ khác.
Vũ Nhôm đã bị khởi tố bằng tội "tiết lộ bí mật quốc gia", mục đích để dù trốn ở đâu, chính phủ Việt Nam đều có quyền can thiệp trên danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia, nội dung phạm tội không rơi vào khung tử hình.
Cái đau đầu của câu chuyện Vũ Nhôm không phải chỉ là chuyện tham nhũng đơn thuần hay có trong tay hồ sơ tài liệu tuyệt mật, chẳng hạn như "kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin". Nghĩa là nếu bộ hồ sơ này lộ ra, thì không những Chính phủ Việt Nam không còn đường lấp liếm rằng Trịnh Xuân Thanh tự về đầu thú, và lộ diện người chủ trương và toàn bộ hệ thống cấp tổ chức thực hiện, không chỉ mất thể diện quốc gia mà có khả năng bị liệt vào danh sách của Luật Magnitsky.
Thực chất những bí mật này đã trở thành không còn giá trị từ nhiều tháng nay rồi. Nhà nước Đức đã có đủ tài liệu để kết luận vụ bắt cóc và lãnh đạo cao nhất của hai nhà nước có thể cũng đã đi đến cách giải quyết thống nhất. Việt Nam chịu nhận tất cả và làm tất cả để thoả mãn yêu cầu của chính phủ Đức, nhưng ngược lại, chính phủ Đức cũng chấp nhận quyền của chính phủ Việt Nam trong việc bắt và xử án các tội phạm của chế độ như một nhà nước có chủ quyền với công dân của mình. Có thể chính phủ Việt Nam đã tiết lộ với chính phủ Đức những bằng chứng chi tiết chứng minh Trịnh Xuân Thanh là con bài liên quan tới những khuôn mặt cao cấp nhất của chế độ, ảnh hưởng trực tiếp tới nền tảng an ninh quốc gia. Mức độ quan trọng đủ để chính phủ Đức thấy rằng việc vi phạm pháp luật Đức là cái giá không thể khác.
Như vậy, Vũ Nhôm có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Điều quan trọng này liên quan trực tiếp tới bản chất chế độ. Vũ Nhôm là công ty được lãnh đạo Bộ Công an lập ra và trực tiếp chỉ đạo. Ngoài những nhiệm vụ phải thực hiện, Vũ Nhôm cũng như tất cả các công ty bình phong khác còn làm nhiệm vụ cung cấp nguồn kinh phí cho các hoạt động của bộ, và cung cấp nguồn thu nhập ngoài lương cho bộ máy lãnh đạo, trước hết là bộ máy những quan chức cấp trên trực tiếp của Vũ Nhôm. Nói cách khác, bản chất hệ thống các công ty này là làm kinh tài cho Bộ.
Sở dĩ hệ thống kinh tài này thường là đầu mối gây ra nạn tham nhũng ngay trong chính cái ngành có chức năng tiêu diệt tham nhũng, nhưng vẫn nghiễm nhiên tồn tại, vì lý do đặc biệt. Với nhiệm vụ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, đôị ngũ công an, đặc biệt mật vụ chìm nổi cài cắm mọi chỗ, bành trướng không thể kiểm soát, đã khiến kinh phí từ ngân sách chỉ đủ để chi trả cho một nửa hệ thống. Lương cơ bản không đảm bảo đời sống là nguyên nhân của những tệ nạn tham nhũng của toàn hệ thống. Quỹ lương thiếu hụt, khiến lương và thưởng giành cho đội ngũ cán bộ, nhất là các cán bộ cao cấp đầu ngành không thể cải thiện so sánh với thu nhập bên Quân đội. cùng cấp bậc, nhưng lương và thu nhập ngoài lương của bên quân đội có thể gấp hàng chục lần bên Công an. Tự kinh tài nuôi bộ máy, là một cố gắng không ai có thể bác bỏ. Và người ta buộc phải bỏ qua hay làm ngơ những hiện tượng gọi là tiêu cực. Với thâm niên hai mươi năm, hệ thống kinh tài này đã trở thành một lực lượng ma, một thứ hội kín, một thứ Bộ trong Bộ.
Vũ Nhôm cả 3 hộ chiếu, trong đó gồm một Hộ chiếu giả.
Vũ Nhôm bị khởi tố, tất nhiên phải bởi bộ phận An ninh điều tra "không được gì" từ chia chác của Vũ Nhôm. Vũ Nhôm là người thuộc biên chế của Tổng cục an ninh điều tra, như vậy, nếu chính Tổng cục An ninh điều tra khởi tố, thì người ký lệnh không thể là Thủ trưởng của Vũ Nhôm, tức là ông tướng phụ trách toàn bộ hệ thống công ty bình phong, trong đó có Vũ Nhôm. Và nếu Vũ Nhôm đã được báo trước để thu gom tiền vốn từ cách đây hai tháng, thì cái phe chống lại quyết định khởi tố đương nhiên đã có kế hoạch. Không ai khác có thể làm trước cho Vũ Nhôm cả 3 hộ chiếu, trong đó gồm một Hộ chiếu giả.
Người ta biết lệnh khởi tố do ai ký, và không khó tìm ra hệ thống những kẻ báo trước cho Vũ Nhôm từ rất sớm do ai cầm đầu và gồm những ai ?
Đấy là chưa kể, ngay bộ hồ sơ mật mà Vũ Nhôm đang có trong tay, tố cáo vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, chính An ninh điều tra là người cung cấp, một là hy vọng tầm quan trọng của hồ sơ có thể giúp Vũ Nhôm có vé may bay đi Đức, mặt khác lại có thể do chính bộ phận chống lại chủ trương bắt cóc lợi dụng Vũ Nhôm để lật tẩy phe chủ trương, trong đó chắc chắn có liên quan tới chính Tổng bí thư. Nếu điều này xảy ra, thì có thể nghĩ rằng tập hồ sơ đó do chính Tô Lâm hoặc người của Tô Lâm cung cấp.
Người ta đã biết từ lâu rằng có hai Bộ trong Bộ công an. Một Bộ gắn kết với hệ thống kinh tài, các công ty bình phong, và một Bộ không "xơ múi gì" từ các nguồn lợi đó. Nhưng vụ án Vũ Nhôm có điểm tương tự như vụ Trịnh Xuân Thanh, đều xuất phát từ lỗi cá nhân. Trịnh tự lộ vì máu hưởng lạc. Còn Vũ chết lại vì thói "coi trời bằng vung". Tưởng là ngẫu nhên, nhưng thực chất thì không thoát khỏi quy luật : "quái sinh thì sớm muộn cũng phải chết".
Tương tự như vậy, người ta cũng biết từ gần ba chục năm nay, luôn có hai Bộ rõ rệt trong Bộ Quốc phòng. Một Bộ gắn với các tập đoàn kinh tế, và một Bộ chỉ làm công tác chính trị, đào tạo và huấn luyện. Bắt đầu từ chủ trương cho quân đội làm kinh tế. Hết chiến tranh. Nền kinh tế đứng trước nguy cơ sụp đổ với lạm phát tới 1800%. Ngân sách ngoài tiền tước đoạt của "tư bản tư nhân", không có nguồn thu nào. Một đội quân trên 2 triệu miệng ăn là một thứ không thể nuôi nổi. Giải ngũ một đội quân vừa về từ cõi chết mà không có việc làm, không nghề nghiệp, không thu nhập thì xã hội không thể không loạn, chế độ không thể không sụp đổ.
Quyết định tổ chức quân đội đi lập khu kinh tế, đi khai hoang, đi trồng rừng, trông lúa, trồng dứa v.v. làm bất cứ gì có thể tự nuôi nhau. Nhưng khốn nạn nằm ở Công ty sư đoàn 319, là một loại công ty kinh doanh. 319 có tất cả các lợi thế về nhân công, về phương tiện thiết bị quân sự, về các ưu thế địa điểm và ưu tiên quốc phòng. Không giống các công ty kinh doanh khác, 319 lập lờ giữa ngân sách quốc phòng với nguyên tắc hạch toán kế toán. Những năm đầu tiên, lợi nhuận quá dễ dàng đã làm lãnh đạo đảng tối mắt. 319 không những không cần tới ngân sách, mà ngược lại nộp lên cấp trên những khoản tiền không ai ngờ !
Nhưng với thời gian, 319 trở thành một thứ Tập đoàn lũng đoạn. Cậy thế quốc phòng bất chấp luật pháp và khai thác tất cả những nguồn tài nguyên thuộc quốc phòng quản lý để tạo ra lợi nhuận. Đặc biệt là những khu đất do quốc phòng quản lý ngay từ những ngày đầu tiếp quản từ chế độ cũ, mặc dù với thời gian tính chấ quân sự không còn giá trị, nhưng Bộ quốc Phòng kiên quyết giữ lại chia chác, phân phối cho nhau, hoặc bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, giành những khoản ngoại tệ kếch xù.
Những hoạt động như vậy làm cho một loạt các sĩ quan cấp cao trở nên giàu có, xa hoa và sa đoạ, trong khi những sĩ quan chỉ hương lương thì vật vã tìm kiếm cách nuôi sống gia đình. Cũng cùng hàm cùng cấp, nhưng thu nhập có thể chênh nhau hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Và đặc biệt là hàng ngũ các sĩ quan này lại thăng quan tiến chức nhanh kỳ lạ.
Ngân hàng Quân đôi và đặc biệt là siêu Tập đoàn Viettel là những tổ chức kinh tài của Quân đội theo khuôn mẫu của 319. Hàng ngũ tướng tá giàu có là nhờ những tập đoàn siêu lợi nhuận này.
Ba chục năm, hàng ngũ những quan chỉ huy cao cấp nhất trong Quân đội không một người nào có thể còn nguyên vẹn trong sạch, tức là tay không thể một lần nhúng bùn hoặc nhận bùn từ tay người khác. Không một ai, không một thế lực nào được phép đụng đến lãnh địa đó. Chế độ, nếu đụng đến sẽ không tránh khỏi sụp đổ. Nhưng ba chục năm đủ để biến Bộ Quốc phòng thành hai Bộ không có gì chia sẻ với nhau được, và không sớm thì muộn sẽ "sống mái" với nhau.
Vụ Út Trọc có nguy cơ khơi mào cho một cuộc chiến nội bộ, vì thế lập tức nhận được chỉ thị cấm các báo được nhắc đến và xoá mọi dấu vết có thể. Nhưng đó là điều không thể. Vì mâu thuẫn giữa "hai bộ" là chuyện từ nhiều chục năm nay, không thể một chốc một lát hay chỉ vì cùng phải "trung thành" với đảng mà bỏ qua hoặc nhân nhượng cho nhau, vả lại, một sự thật khi chui ra khỏi bọc thì không thể thu hồi. Báo chí có thể không nói gì, nhưng chuyện xảy ra thì vẫn cứ xảy ra. Nó có thể không ầm ĩ, nhưng âm thầm để bùng ra thành một vụ nổ vào lúc nào đó.
Ở đây xuất hiện một loại nghịch lý đặc biệt. Hệ thống các "Bộ đen" trong Bộ máy Công An và Quân đội là một thực tế tồn tại từ rất lâu và ai cũng biết, nhưng không ai trong số những người ăn lộc của chế độ muốn để lộ ra những mụn ghẻ đó. Ông Trọng không thể và không dám nhận gì từ phía các "Bộ đen" đó, nhưng ông Trọng biết chúng vẫn chia nhau sau lưng ông và ông buộc phải làm bình phong che chắn cho chúng, để người ta không thấy cái chế độ mà ông bảo vệ bằng được là một thứ chế độ thối ruỗng từ trong. Nhưng nếu ông nhận, thì dù một thứ "nhận" không ra gì, ông cũng thành thằng hề cho chúng giật dây. Cho nên trong tư cách người đúng đầu chế độ, ông càng được tiếng trong sạch càng lợi cho chúng, càng tạo ra lá chắn an toàn cho lòng tham đốn mạt của chúng. Ông đang là một con ngoáo ộp cho Ngô Xuân Lịch để ông này công khai chống lại chủ trương Quân đội thôi làm kinh tế. Ông ta đang che chắn cho Viettel, và muốn nhân lên, tạo ra hai, ba Viettel nữa, nhưng do được "đảng lãnh đạo trực tiếp". Ông ta sẽ phá nát quân đội nhân danh ông Tổng bí thư đảng.
Ông Trọng có thể học ở Trung Quốc rất nhiều, đặc biệt là cách sử dụng Ban Kiểm tra trung ương kết hợp với Ban Tổ chức trung ương, vừa dùng quyền kỷ luật để tước bỏ, vừa dùng quyền sắp đặt để ban phát và quyết định sinh mệnh của hệ thống. Nhưng ông Trọng quá sợ hãi bạo lực. Ông không dám sờ tới những kẻ có vũ khí trong tay. Trong khi Tập ưu tiên trấn áp hàng ngũ tướng tá, dùng cải tổ quân đội để loại bỏ và thiết lập trật tự, ban phát theo ý mình, thì ông Trọng như câm như điếc trước sự ngông nghênh, ngạo mạn của ông Ngô Xuân Lịch.
Vũ Nhôm là bom nổ trong lòng Bộ Công an, đó là một sự kiện quan trọng, nhưng người ta sẽ phải để mắt nhiều hơn tới ông Ngô Xuân Lịch, bởi vì, Út Trọc được xử lý như thế nào, sẽ cho thấy chế độ mà ông Trọng cố ra sức gồng giữ cho nó đứng, có đủ sức tồn tại tiếp hay sụp xuống cùng với sức khoẻ của ông. Và bởi vì, sức người không cản được bước đi của lịch sử. Sự mục ruỗng của một chế độ chính trị có nguyên nhân từ cơ cấu của thể chế, không phải do ý chí chủ quan của con người. Cái chế độ độc đảng phi dân chủ sẽ tự nó tiêu vong bất chấp sự cưỡng lại của ông.
Paris, 05/01/2018
Bùi Quang Vơm