Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/06/2020

Covid-19 : quân đội vào cuộc, hơn nửa triệu người chết

Nhiều tác giả

Giới quân sự đương đầu với Covid-19

Josselin Droff, Friederike Richter và Julien Mazirad, Thùy Dương, RFI, 29/06/2020

Đối phó với khủng hoảng Covid-19, nhiều lực lượng xã hội, ngành nghề đã và đang xông pha trên tuyến đầu để ngăn chặn và khắc phục hậu quả đại dịch : bác sĩ, y tá, nhân viên chăm sóc y tế, nhân viên thu ngân ở siêu thị, các nhà sản xuất, người giao hàng, nhân viên vệ sinh … Nhưng sẽ là một thiếu sót nếu không nói đến sự đóng góp của quân đội ở nhiều nước.

covi1

Hình mô phỏng virus corona phóng đại của Nexu Science Communication và Trinity College Dublin. NEXU Science Communication/via Reuters

RFI Việt ngữ trích lược bài viết "Giới quân sự đương đầu với Covid-19" của các nhà nghiên cứu Josselin Droff, Friederike Richter và Julien Mazirad về những đóng góp, vai trò của lực lượng quân sự trong cuộc chiến chống Covid-19, đặc biệt là ở Pháp, Anh, Ý, Tây Ban Nha - những nước Châu Âu từng bị dịch bệnh tàn phá nặng nề, với nhiều thiệt hại về nhân mạng. Bài viết được đăng trên trang mạng The Conversation ngày 23/06/2020.

Trong những năm gần đây, công chúng đã chứng kiến ​​sự đa dạng hóa nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, trong những hoàn cảnh đôi khi chưa từng xảy ra, chẳng hạn thảm họa môi trường hoặc công nghiệp, cuộc chiến chống khủng bố trên lãnh thổ quốc gia ... Cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 cũng không phải là một ngoại lệ, và đã cho thấy việc huy động các phương tiện quân sự diễn ra với những tốc độ và cách thức khác nhau tùy từng quốc gia. Sự tham gia của quân đội cũng được các nước nói tới ở những mức độ khác nhau.

Phạm vi hoạt động của quân đội

Trong cuộc chiến chống Covid-19, ở nhiều nước Châu Âu, quân đội trước tiên có vai trò hậu cần : vận chuyển thiết bị y tế, di chuyển bệnh nhân, hộ tống xe chở khẩu trang, tổ chức hoặc đồng tổ chức các chuyến bay hồi hương những người dân đang mắc kẹt ở những quốc gia bị dịch bệnh… Ngoài ra, lực lượng vũ trang cũng thường tham gia công tác chăm sóc thường dân, chẳng hạn tiếp nhận bệnh nhân trong các bệnh viện quân y, lập bệnh viện dã chiến và hỗ trợ, tăng cường cho các đơn vị y tế dân sự.

Tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha, cùng với các lực lượng nội an, quân đội còn tham gia vào công tác bảo đảm duy trì an ninh trật tự, chẳng hạn giám sát người và tài sản, kiểm tra xem người dân có tuân thủ các quy định phong tỏa hay không… Tại Pháp, do khẩu trang là loại hàng hiếm trong giai đoạn phong tỏa, nhiều cơ sở y tế ở Paris, Marseilles còn xảy ra tình trạng kẻ xấu đột nhập ăn trộm khẩu trang với số lượng lớn, nên quân nhân được triển khai đảm bảo an ninh ở các kho dự trữ khẩu trang đề phòng trộm cướp. Quân đội Tây Ban Nha được triển khai để tuần tra, nhất là ở biên giới, giám sát an ninh ở các cơ sở có nhiều nguy cơ bị tấn công, chẳng hạn nhà máy điện hạt nhân. Còn tại Ý, lực lượng vũ trang tham gia đảm bảo việc tuân thủ lệnh giới nghiêm. 

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng đưa ra thông tin về các nhiệm vụ của quân đội trong cuộc chiến chống Covid-19. Theo The Conversation, trong số 5 nước Pháp, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, thì chỉ có 3 nước Pháp, Anh và Tây Ban là công bố thông tin về các chiến dịch với nhiệm vụ cụ thể của quân đội. Tây Ban Nha là quốc gia mà quân đội được triển khai ồ ạt nhất kể từ tháng 03/2020 để chống dịch Covid-19, với nhiều kinh nghiệm từ công tác xử lý khủng hoảng trong các vụ hỏa hoạn ở Guadalajara, Castile-La Mancha năm 2005. Vào thời đó, Tây Ban Nha đã cho thành lập Đơn vị quân sự khẩn cấp.

Trong thời gian qua, nhiều lĩnh vực công nghiệp như chế biến thực phẩm, chế tạo xe hơi, ngành hàng không vũ trụ … vốn không liên quan đến ngành y tế cũng được huy động tham gia sản xuất hỗ trợ công tác chống dịch. Các nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng cũng không phải là ngoại lệ, nhất là nhằm cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cho đội ngũ nhân viên y tế. Hồi đầu khủng hoảng, các nhà sản xuất vũ trang thậm chí còn đề xuất các trang thiết bị, dịch vụ miễn phí. Trong nhiều trường hợp, các công ty công nghiệp quốc phòng còn tái bố trí hoạt động để sản xuất trang thiết bị y tế, chẳng hạn máy trợ thở, khẩu trang, giường bệnh với đầy đủ thiết bị y tế cần thiết… Tại nhiều nước, quân đội còn triển khai mạng lưới nhập khẩu hoặc phát triển một số sản phẩm.

Ở Pháp, Tây Ban Nha và Ý, các nhà công nghiệp quốc phòng đã thực hiện công tác tư vấn miễn phí, nhất là về các vấn đề an ninh mạng, vốn cực kỳ quan trọng trong bối cảnh các nước bị phong tỏa, phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng khắp Châu Âu. Các doanh nghiệp quân đội còn cung cấp phương tiện chuyên chở bệnh nhân Covid-19 và nhân viên chăm sóc y tế như máy bay trực thăng, 3 tàu sân bay, máy bay vận tải (Pháp) ; máy bay Airbus A310, A400M (Đức) … 

Cuộc khủng hoảng y tế đã cho thấy một số hoạt động của quân đội, mà công chúng thường nghĩ là mang tính đặc thù quân sự, trên thực tế lại dễ được chuyển đổi bố trí thành các hoạt động phi quân sự. Ở mỗi cuộc khủng hoảng, cho dù liên quan đến môi trường, y tế hay các lĩnh vực an ninh nội địa, phạm vi nhiệm vụ của quân đội đều được mở rộng. Khủng hoảng Covid-19 cũng cho thấy việc chuyển đổi một cơ sở hạ tầng quân y thành một cơ sở phục vụ mục đích dân sự là khá dễ dàng.

Từ kho dự trữ đến quyền tự chủ của quốc gia

Khủng hoảng Covid-19 còn là dịp để suy ngẫm về giá trị của các kho dự trữ. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa và dựa vào logic về tính "kịp thời", các kho dự trữ chủ yếu được đánh giá qua dựa vào chi phí, thế nhưng những sự kiện vừa qua đã cho thấy giá trị chiến lược của các kho dự trữ. Các nguồn "dự trữ" cũng có thể liên quan đến nhân lực, chẳng hạn thông qua việc có thể huy động nhanh chóng nhân lực dự phòng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ trong vài năm qua, nhiều nước, trong đó có Anh và Ý, đã cắt giảm mạnh ngân sách cho quân đội. Còn lực lượng vũ trang, cũng như các nhà sản xuất công nghiệp quốc phòng, trước hết phải đảm bảo tính liên tục trong hoạt động thiết yếu của họ. Mặc dù quân đội, cũng giống như các lực lượng khác ngoài y tế, được huy động trong đại dịch, có thể nỗ lực thêm ở thời khủng hoảng, nhưng sẽ rất khó để duy trì trong một thời gian dài, bởi những phương tiện quân sự và nguồn nhân lực được tăng cường sử dụng sẽ đòi hỏi thêm nhiều nguồn tài chính.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có này đã củng cố sự thay đổi khái niệm từ phòng thủ quân sự thuần túy sang khái niệm phòng thủ theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả các lĩnh vực khác như an ninh nội địa, môi trường và y tế. Tuy nhiên, điều này mâu thuẫn với quy tắc nổi tiếng của kinh tế gia Jan Tinbergen, theo đó một chính sách chỉ hữu ích khi số lượng công cụ cũng có nhiều như số lượng mục tiêu cần đạt được.

Mới đây, một vị tướng Pháp đã phát biểu : "Quân đội có văn hóa quản lý khủng hoảng, đó là trọng tâm nghề nghiệp của chúng tôi", nhưng đó là kiểu khủng hoảng nào và cần có những phương tiện cần thiết nào để quản lý cuộc khủng hoảng đó ? Hiện nay, các phương tiện trong lĩnh vực quốc phòng không được thiết kế để đối phó với khủng hoảng y tế. Vì thế, ngành quốc phòng đang đứng trước hai lựa chọn : hoặc nhìn nhận rằng những nhu cầu mới này đòi hỏi phải có những phương tiện bổ sung, có nghĩa là ngân sách phải được điều chỉnh theo hoàn cảnh để có thể đối phó với đại dịch ; hoặc coi những nỗ lực của ngành quốc phòng trong việc quản lý cuộc khủng hoảng hiện tại chỉ là trường hợp cá biệt.

Thùy Dương

*****************

Covid-19 : Thế giới vượt 10 triệu ca nhiễm, nửa triệu người chết

Trọng Nghĩa, RFI, 28/06/2020

Tính đến sáng ngày hôm nay, 28/06/2020, theo thống kê của hãng tin Anh Reuters, các trường hợp lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới đã vượt mốc biểu tượng 10 triệu ca. Vào cùng một thời điểm, số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu cũng chạm ngưỡng 500 ngàn ca tử vong. Riêng nước Mỹ nắm kỷ lục đáng buồn là chiếm đến một phần tư cả số ca nhiễm lẫn số ca tử vong.

covi2

Tính đến ngày 28/06/2020, thế giới ghi nhận hơn 500.000 người chết và 10 triệu người dương tính với virus corona chủng mới. John Hopkins Hospital

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, con số 10 triệu ca nhiễm kể trên tính ra đã cao hơn khoảng gấp đôi số ca nhiễm cúm mùa nghiêm trọng được ghi nhận hàng năm trên thế giới. Còn về số tử vong, dịch Covid-19 trong không đầy nửa năm, đã có tác hại tương đương với hậu quả của cúm mùa trong nguyên một năm.

Mỹ vẫn là nước bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nhất

Thế giới đã vượt các mốc biểu tượng về ca nhiễm và ca tử vong vì Covid-19, vào lúc dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở một số nơi, đặc biệt tại Mỹ, nước vẫn giữ kỷ lục thế giới về số bệnh nhân và người chết.

Theo Reuters, với hơn 2 triệu rưỡi ca nhiễm, và hơn 125 ngàn người chết, Mỹ vẫn là nước bị tác hại nặng nề nhất, chiếm đến một phần tư số trường hợp lây nhiễm, và hơn một phần tư số ca tử vong. Tháng Năm vừa qua, giới quan sát vẫn hình dung là dịch bệnh tại Mỹ đang trong chiều hướng lùi bước, nào ngờ là trong những ngày qua, đà lây lan của virus đã tăng tốc trở lại, đặc biệt là tại các tiểu bang miền nam và miền tây như Florida, Arizona, Nevada, South Carolina hay Georgia…

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, tính đến hôm qua (27/06), đã có 12 bang tại Mỹ (Arizona, Arkansas, Delaware, Florida, Idaho, Louisiana, Maine, Nevada, New Mexico, North Carolina, Texas và Washington) đã tạm đình chỉ kế hoạch mở cửa trở lại sau thời kỳ phong tỏa.

Dịch Covid-19 bùng lên trở lại đã tác động đến chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ, chẳng hạn như buộc phó tổng thống Mike Pence phải hủy bỏ các sự kiện ở Florida và Arizona.

Ấn Độ : Cuối tháng 7, có thể một triệu ca nhiễm, New Delhi phải trưng dụng khách sạn làm nơi cách ly

Hôm qua, Ấn Độ có thêm 17.000 ca nhiễm mới chỉ trong một ngày. Theo giới chuyên gia, dịch Covid-19 tại Ấn Độ còn chưa đạt đỉnh. Cho đến cuối tháng 7, số ca nhiễm dự kiến có thể sẽ tăng gấp đôi, so với 500.000 người hiện nay. Tình hình đáng lo ngại nhất là tại Bombay và New Delhi, nơi tập trung tổng cộng 150.000 ca nhiễm, chiếm một phần ba tổng số người dương tính với virus. Thủ đô Ấn Độ vừa phải mở một trung tâm, rộng hơn 100.000 mét vuông, với khả năng tiếp nhận 10.000 giường. 

Với hơn 73.000 người nhiễm virus, lâm bệnh, và 2.400 người chết vì Covid-19, New Delhi trở thành thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất ở Ấn Độ, trên Bombay. Trước số lượng bệnh nhân tăng vọt, thủ đô Ấn Độ đã ra lệnh trưng dụng nhiều khách sạn, hội trường, toa tàu để chuyển thành các trung tâm cách ly, để giảm tải cho các bệnh đang trong tình trạng gần như quá tải. Quyết định trưng dụng này là điều chưa từng có tại New Delhi. Tổng cộng, đã có 16.000 người chết vì Covid-19 tại Ấn Độ. 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Josselin Droff, Friederike Richter và Julien Mazirad, Thùy Dương, Trọng Nghĩa
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)