Trung Quốc tuyên bố tập trận ở Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ
Nguyễn Hoàng Dũng, RFA, 29/06/2020
Ngày 27/6, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (miền Nam Trung Quốc) đã phát đi thông báo về việc hải quân nước này chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông.
Hình chụp hai máy bay chiến đấu của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông - AFP
Trong cảnh báo hàng hải số 0059 được đăng tải ngày 27/6 trên trang web hn.msa.gov.cn của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, cơ quan này đã thông báo tọa độ diễn ra các cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc.
Cụ thể, các cuộc tập trận sẽ diễn ra từ 0h00 ngày 1/7 đến 24h00 ngày 5/7 tại vùng biển quanh quần đảo Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), tại các tọa độ A:17-16.12N/111-24.65E;B:18-02.19N/112-59.45E;C:16-58.63N/113-48.37E;D:16-29.12N/113-44.93E; E:15-41.19N/112-38.17E;F:16-03.58N/111-26.69E.
Thông báo nhấn mạnh, mọi tàu thuyền đều bị cấm đi vào vùng biển thuộc các tọa độ nêu trên, đồng thời phải nghe theo chỉ dẫn và sự chỉ huy của các tàu hải quân Trung Quốc tại hiện trường.
Trước đó, trong cảnh báo hàng hải số 0057 phát đi ngày 24/6 tại địa chỉ hn.msa.gov.cn, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật tại vùng biển phía Tây đảo Hải Nam ở Vịnh Bắc Bộ. Cụ thể, các cuộc huấn luyện bắn đạn thật sẽ diễn ra từ 9g30 ngày 29/6 đến 16g00 ngày 2/7 tại vùng biển thuộc các tọa độ 19-48.00N/108-40.00E ; 19-48.00N/108-46.00E ; 19-42.00N/108-46.00E ; 19-2.00N/108-40.00E. Do vậy, tất cả các tàu thuyền bị cấm đi vào vùng biển thuộc các tọa độ này.
Bước tiến của ASEAN trong vấn đề Biển Đông
Các tuyên bố tập trận này được đưa ra vào lúc có những căng thẳng ở Biển Đông, nhất là vào khi ASEAN và Hoa Kỳ có những hành động và tuyên bố phản đối những yêu sách về đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6, một tuyên bố chung đã được các thành viên của khối này đưa ra, trong đó bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình hiện nay trên Biển Đông. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trong của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, cũng như củng cố luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982, tích cực làm việc để hướng tới thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách hiệu quả và thực chất, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Họ cũng nhấn mạnh đến "tầm quan trọng của phi quân sự hóa và sự tự kiềm chế trong tiến hành các hoạt động mà sẽ gây phức tạp hoặc leo thang các tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, đồng thời tránh các hành động có thể khiến tình hình thêm phức tạp". Tuyên bố nói rõ : "Việc theo đuổi giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế mà đã được công nhận rộng rãi, bao gồm UNCLOS năm 1982, trong khi tăng cường lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau".
Như thường lệ, tuyên bố lần này của ASEAN cũng không nêu đích danh tên Trung Quốc là nước gây ra những sự cố nghiêm trọng gần đây ở Biển Đông như việc cản trở các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và Malaysia hay việc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa.
Tuy nhiên, dư luận quốc tế rất chú ý đến việc thông cáo chung của ASEAN nhấn mạnh đến các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở UNCLOS 1982. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là một bước tiến cho thấy ASEAN đã bước đầu thống nhất được lập trường để chống lại các tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở vùng biển này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị ASEAN, đã nói : "Trong khi thế giới đang đấu tranh chống lại đại dịch Covid-19, thì lại có những hành động vô trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, bao gồm khu vực ASEAN". 10 nước thành viên ASEAN đã vật lộn để đạt được sự đồng thuận về các vấn đề liên quan đến Biển Đông dưới vai trò tích cực của Việt Nam, quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN năm nay. Do đó, Tuyên bố chung cuối tuần qua rõ ràng là ngầm chỉ trích kế hoạch thành lập "Vùng nhận diện phòng không" (ADIZ) trên Biển Đông của Bắc Kinh, coi đó là một biểu hiện lo ngại bất thường về căng thẳng đang gia tăng.
Twit của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo về tuyên bố của ASEAN về Biển Đông Twitter
Trong khi đó, ngày 28/6 (giờ địa phương) Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết Mỹ hoan nghênh tuyên bố của các nước thành viên ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Trên Twitter, ông Pompeo viết : "Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982. Trung Quốc không được phép xem Biển Đông như đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm đề cập nhiều hơn về vấn đề này".
Các quốc gia ASEAN đang cùng nhau chống lại Trung Quốc
Tháng trước, Indonesia đã cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia trước đó đã tố cáo Trung Quốc về việc quốc gia này khẳng định chủ quyền một cách sai trái đối với toàn bộ Biển Đông trong một loạt các công hàm/công thư gửi lên Liên Hiệp Quốc.
Đặc biệt với trường hợp Philippines. Từ khi giữ chức Tổng thống Philippines từ năm 2016, ông Rodrigo Duterte đã bị dư luận chê trách khi quá thân và nhượng bộ Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng báo động về căng thẳng gia tăng tại nhiều khu vực tranh chấp.
Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa qua, Tổng thống Duterte kêu gọi tất cả các bên tuân thủ luật pháp và những cam kết đối với các công cụ pháp lý quốc tế, bao gồm Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Với tư cách quốc gia phụ trách điều phối đối thoại giữa ASEAN và Bắc Kinh, Tổng thống Duterte kêu gọi các bên tìm kiếm các biện pháp mới, có thái độ mềm dẻo để đạt được mục tiêu duy trì hòa bình và ổn định. Theo ông, Manila đang nỗ lực thúc đẩy các bên đi đến thống nhất về COC trong thời gian sớm nhất. Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp cũng tiếp tục căng thẳng. Thời gian gần đây, Manila đã hai lần gửi công hàm phản đối Bắc Kinh về các hành động gây hấn.
Tàu chiến USS Barry của Hải quân Mỹ ở Biển Đông hôm 29/4/2020 AFP
Đáng chú ý, lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Philippines hưởng ứng quan điểm của Mỹ ở Biển Đông, nơi Mỹ đang tăng cường các hoạt động tự do hàng hải mà Trung Quốc cho là vi phạm chủ quyền. Phát biểu tại hội nghị cấp cao trực tuyên hôm 26/6, ông Duterte nhấn mạnh : "Ngay cả khi khu vực đang bận chế ngự đại dịch Covid-19, các vụ việc đáng báo động ở Biển Đông vẫn tiếp diễn". Gần đây, ông Duterte đã tự động rút lại việc hủy bỏ VFA với Hoa Kỳ, một động thái được nhiều nhà nghiên cứu nhận xét là ông Duterte đang dần quay lại mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Việc thay đổi quan hệ này của ông Duterte chính là vì lo ngại các hành động hung hăng của Trung Quốc tại biển Đông.
Trung Quốc lại nạo vét tại đảo Phú Lâm
Cùng với việc tuyên bố tập trận của Trung Quốc, theo một số hãng thông tấn quốc tế, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang nạo vét tại một vịnh ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông, có vẻ như để mở rộng góc phía Tây Bắc của hòn đảo nhân tạo này.
Theo một số nguồn tin, việc nạo vét dường như đã được tiến hành trong vài tuần qua tại đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc xây dựng thành phố Tam Sa.
Hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 17/4 đến ngày 25/6 cho thấy rạn san hô ở bờ biển phía tây bắc đảo Phú Lâm đã bị nạo vét một đoạn ở trung tâm ; các dải đất mới có thể là nền móng cho việc bồi đắp, mở rộng hòn đảo.
Bốn căn cứ lớn nhất mà Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông gồm Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đảo Phú Lâm hầu như không thể nhận ra kể từ khi việc bồi đắp kết thúc vào năm 2017, tạo ra các bến cảng nước sâu, đường băng và nơi sinh hoạt. Tuy nhiên, việc nạo vét quy mô nhỏ vẫn tiếp tục, như hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy.
Với việc tuyên bố tập trận tại Hoàng Sa cùng với hành động nạo vét tại Phú Lâm, chúng ta có thể thấy đây chính là phản ứng của Trung Quốc trước Tuyên bố mới đây của các lãnh đạo ASEAN cùng với sự ủng hộ ASEAN của Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Các hành động trên của Trung Quốc như muốn chứng tỏ với thế giới là Trung Quốc không hề hấn gì khi bị các quốc gia lên án. Trung Quốc vẫn tiếp tục thể hiện việc sử dụng sức mạnh để đạt được mục đích của mình. Và Trung Quốc cũng không có ý định thay đổi các yêu sách và mục tiêu độc chiếm biển Đông của mình.
Hoa Kỳ tiếp tục thách thức Trung Quốc
Hai tàu sân bay Mỹ ngày 28/6 đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Philippines, một ngày sau khi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đưa ra một số tuyên bố mạnh mẽ phản đối yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên cơ sở lịch sử giả dối.
Hải quân Mỹ cho biết trong một tuyên bố : "Nhóm tàu sân bay tấn công USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã bắt đầu các cuộc tập trận nhằm củng cố cam kết lâu dài, linh hoạt và có trách nhiệm của Mỹ đối với các thỏa thuận phỏng thủ chung với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".
Các cuộc tập trận chung của hai tàu sân bay Mỹ diễn ra đúng một tuần sau khi tàu sân bay Nimitz và một tàu sân bay khác là USS Theodore Roosevelt đã tiến hành các hoạt động chung của riêng họ trong khu vực này. Rất hiếm khi nhìn thấy ba tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng một lúc ở Tây Thái Bình Dương và thậm chí còn bất thường hơn khi họ có các cuộc tập trận chung riêng rẽ trong khoảng thời gian ngắn như vậy.
Đô đốc George Wikoff - Chỉ huy Nhóm tàu sân bay tấn công số 5- nói : "Chúng tôi tích cực tìm kiếm mọi cơ hội để thúc đẩy và tăng cường khả năng và sự thành thục của mình trong việc tiến hành các hoạt động chiến đấu trên mọi địa hình. Hải quân Mỹ vẫn sẵn sàng nhiệm vụ triển khai trên toàn cầu. Hoạt động của các tàu sân bay thể hiện cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh khu vực, khả năng triển khai chiến đấu nhanh chóng của chúng tôi ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sự quyết tâm của chúng tôi đối mặt với bất cứ ai thách thức các chuẩn mực quốc tế vốn đem lại sự ổn định khu vực".
Nguyễn Hoàng Dũng
Nguồn : RFA, 29/06/2020
*********************
Biển Đông : Trung Quốc cấm tầu thuyền ở Hoàng Sa để tập trận
Thu Hằng, RFI, 29/06/2020
Chỉ hai ngày sau khi ASEAN bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp trên Biển Đông trong cuộc họp trực tuyến do thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc thông báo thao dượt quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 01 đến 05/07/2020.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc cùng đội tầu hộ tống trong một đợt thao diễn tại Biển Đông tháng 12/2016. Reuters/Stringer Reuters
Thông tin được nêu trong một bài phân tích đăng trên Hoàn Cầu Thời Báo tối ngày 28/06/2020. Như vậy, trong vòng năm ngày, Trung Quốc đơn phương cấm mọi tầu thuyền hoạt động trong khu vực này. Theo trang Nikkei Asia Review, quyết định của Trung Quốc sẽ khiến Hà Nội phản ứng mạnh, vì quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và kiểm soát từ năm 1974.
Hàng năm, Trung Quốc vẫn tổ chức một cuộc thao dượt quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa nhằm củng cố và khẳng định quyền kiểm soát khu vực này. Vẫn theo trang Nikkei Asia Review, Trung Quốc vẫn khẳng định Biển Đông là một "lợi ích cơ bản" thiết yếu để duy trì quyền kiểm soát chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Hai hàng không mẫu hạm Mỹ tập trận chung ở Biển Đông
Cùng lúc với việc ngoại trưởng Mỹ tán đồng lập trường của ASEAN và lên án ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, hai hàng không mẫu hạm của Mỹ, USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã tập trận chung ở khu vực biển Philippines ngày 28/06.
Theo thông cáo của Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy Nhóm tác chiến tầu sân bay số 5 Hải Quân Mỹ, cuộc tập trận nhằm tăng cường những "cam kết tích cực, linh hoạt và bền vững" của Hoa Kỳ trong các thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như củng cố năng lực tiến hành "các chiến dịch trong mọi lĩnh vực" của Hải Quân Mỹ.
Trước đó chỉ một tuần, hai tầu sân bay USS Nimitz và tầu USS Theodore Roosevelt cũng tiến hành diễn tập phối hợp có quy mô tương tự. Theo trang Japan Times ngày 29/06, rất hiếm khi cả ba tầu sân bay Mỹ gần như cùng lúc thực hiện các cuộc diễn tập phối hợp và càng hiếm hơn khi có đến hai tầu sân bay cùng tham gia trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 29/06/2020
*****************
Hàng không mẫu hạm Mỹ diễn tập sau khi các nước Đông Nam Á chỉ trích Trung Quốc
RFA, 29/06/2020
Hai nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đang tiến hành hoạt động đôi tại khu vực Biển Philippines nhằm phô diễn khả năng bố trí nhanh chóng lực lượng nhằm hỗ trợ cho các đồng minh hiện có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực này.
Hình chụp hôm 16/10/2019 cho thấy các máy bay chiến đấu của Mỹ trên hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông - AFP
AP loan tin ngày 29 tháng 6 dẫn thông cáo báo chí của đơn vị chuyên trách chiến dịch thuộc Hạm Đội 7 về Ấn Độ- Thái Bình Dương như vừa nêu.
Theo đó, các tàu và máy bay được phân công tham gia hai nhóm tác chiến do hàng không mẫu hạm Nimitz và Ronald Reagan dẫn đầu bắt đầu diễn tập từ ngày Chủ nhật, 28 tháng 6.
Chuẩn đô đốc Geroge Wikoff, chỉ huy Nhóm 5 Tác chiến Hàng Không Mẫu Hạm, được dẫn phát biểu cụ thể trong thông cáo báo chí rằng ‘Chiến dịch hoạt động đôi cho thấy cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh trong khu vực… và sự sẵn sàng đối mặt tất cả những ai đang thách thức các chuẩn mực quốc tế. Hải quân Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch hoạt động tích hợp nhóm tác chiến theo thường kỳ nhằm hỗ trợ cho một khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương mở, và cổ xúy cho trật tự dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế theo đó mỗi một quốc gia có thể khai thác tiềm năng của mình mà không phải hy sinh chủ quyền quốc gia".
Hôm thứ Bảy vừa qua, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á ra tuyên bố chung được cho là một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước đến nay phản đối lại yêu sách chủ quyền gần như trọn Biển Đông mà Bắc Kinh cho là dựa trên căn cứ lịch sử.
Tuyên bố chung hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 do Việt Nam làm chủ tịch luân phiên đưa ra hôm thứ Bảy khẳng định Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là cơ sở để xác định tư cách pháp lý, chủ quyền, quyền tài phán và những quyền lợi hợp pháp tại các vùng biển.
AP cho biết ba nhà ngoại giao Đông Nam Á cho biết tuyên bố hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 đánh dấu sự củng cố đáng kể khẳng định của khối này về luật pháp đối với tranh chấp trong khu vực mà lâu nay được xem là điểm nóng của Châu Á.
AP nêu rõ Trung Quốc tìm cách ngăn chặn một tuyên bố như thế bằng cách kêu gọi ủng hộ của Campuchia và những đồng minh khác của Bắc Kinh trong khối này.
Nguồn : RFA, 29/09/2020