1. Trung Quốc
Nói về lịch sử Việt Nam mà không nhắc đến Trung Quốc là một thiếu sót không thể chấp nhận. Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn bất cứ nước nào, trong suốt quá trình hình thành và tồn tại của Việt Nam. Đáng tiếc,Trung Quốc chỉ mang đến cho Việt Nam thứ văn hoá nô lệ, cách tổ chức xã hội bạo lực, và xem Việt Nam như một mảnh đất chỉ để khai thác, chứ không để bồi đắp văn hoá, kinh tế và chính trị. Chính vì lẽ đó, mối quan hệ Việt-Trung là mối quan hệ của bạo lực, chiến tranh, thậm chí đẫm máu. Ám ảnh lịch sử đã làm hầu hết người Việt xem Trung Quốc như một kẻ hung hãn, xâm lược và luôn chực chờ ăn tươi nuốt sống. Bất chấp dã tâm chỉ có ở những kẻ cai trị,còn người Trung Quốc đa số hiền hoà, chăm chỉ.
Nỗi ám ảnh Trung Quốc càng dâng cao khi nhà cầm quyền hai nước cùng chọn hệ tư tưởng cộng sản.
Nỗi ám ảnh Trung Quốc càng dâng cao khi nhà cầm quyền hai nước cùng chọn hệ tư tưởng cộng sản. Trong khi Trung Quốc làm rúng động nhân loại qua vụ thảm sát Thiên An Môn, thì cộng sản Việt Nam cũng không kém với những thương hiệu "cải cách ruộng đất", "nhân văn giai phẩm"... Tuy cùng ý thức hệ, nhưng vì ý thức hệ này bệnh hoạn, cổ suý bạo lực triệt để và vô đạo đức, nên chúng không chỉ tàn bạo với người dân trong nước, mà cũng còn hục hặc, đả kích nhau, thậm chí lao vào cuộc chiến 1979 gây nhiều thương vong. Chính vì lẽ đó, có thể xem cộng sản Trung Quốc như một người anh xấu tính, và nhà cầm quyền Hà Nội thì đóng vai thằng em tráo trở. Thằng em luôn dùng hình ảnh hung hãn của thằng anh to xác, để vừa vỗ về, vừa hăm doạ người Việt.
Trung Quốc cai trị cả một đế quốc rộng lớn, nên ngoài bạo lực, chúng còn ranh ma khuyếch đại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hòng phần nào đó đoàn kết nội bộ. Vì vậy, chúng cần những mâu thuẫn, những mối đe doạ và thậm chí là kẻ thù. Việt Nam với lợi thế giáp vách Trung Quốc, sở hữu bờ biển dài, lịch sử đầy mâu thuẫn với Bắc Kinh, và tiềm năng kinh tế, quân sự què quặt, đương nhiên, trở thành ứng viên lý tưởng cho vị trí "kẻ thù" mà cộng sản Trung Quốc đang tìm kiếm. Đó là lý do thỉnh thoảng Bắc Kinh lại sáng chế ra các cáo buộc, tội trạng vớ vẩn để hăm doạ, lên án hay thậm chí xâm phạm lãnh địa, lãnh hải Việt Nam. Hành động này giúp cộng sản Trung Quốc trở nên mạnh mẽ, dám nói dám làm, sẵn sàng mở mang lãnh thổ, trong mắt người Trung Quốc.
Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, làn sóng toàn cầu hoá đang làm suy sụp Trung Quốc, nói chính xác hơn là Trung Quốc sắp gục ngã trước làn sóng này. Toàn cầu hoá mang tới cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích kinh tế, nhưng ngược lại, nó cũng khuyếch đại những nhược điểm, hạn chế của chế độ độc tài. Nó làm cho tham nhũng trở nên khổng lồ, lãng phí đầu tư ,trải dài khắp thế giới, lớn đến mức không thể đo đếm. Và dĩ nhiên, Trung Quốc trở thành chúa chổm gánh 15% nợ của nhân loại. Trước một đế quốc sắp lụi tàn, liệu chúng ta cứ doạ nhau "Trung Quốc sắp thôn tính Việt Nam", "năm 2020 Việt Nam trở thành 1 tỉnh của Trung Quốc",.. là đúng đắn hay không? Trong khi chúng ta còn rất nhiều thứ cần phải sợ hơn là sợ Trung Quốc.
2. Bạo lực
Bạo lực đang là hiểm hoạ của người Việt. Chưa bao giờ mà con giết cha, anh giết em, vợ giết chồng, người yêu giết nhau,..lại diễn ra với mật độ dày đặc như hiện nay. Phương tiện để thể hiện tư duy, ngôn ngữ, cũng đang bị biến thành vũ khí để đả thương nhau, sỉ nhục nhau... ở bất kỳ nơi nào, từ mạng xã hội, internet, đến công sở, quán café, nhà hàng…
Thảm hoạ này huỷ diệt triệt để các cuộc tranh luận có giá trị, đó là điều vô cùng thiệt hại cho một đất nước đang rất cần những sáng kiến, những đóng góp từ kiến thức và kinh nghiệm. Đặc biệt, trong môi trường kềm kẹp đến nghẹt thở của cộng sản, nếu những người đấu tranh, những người có suy nghĩ tiến bộ, không thể thảo luận với nhau, thì đó là dấu chấm hết cho tương lai của dân tộc. Và ngày gỡ được cái vòng kim cô cộng sản có lẽ là rất xa, thậm chí không thể tưởng tượng.
Chưa có dân tộc cuồng bạo lực nào đạt được những giá trị tiến bộ của nhân loại, đây là điều mà mỗi người Việt cần phải nghiêm túc xét lại. Nếu chúng ta không trừ khử được bạo lực ra khỏi suy nghĩ, lời nói và hành động, thì chúng ta đã chọn địa ngục, nơi chỉ có tội ác và nỗi đau.
3. Bảo thủ
Cái độc quyền đáng sợ nhất ở Việt Nam không phải là độc quyền xăng, điện, viễn thông... mà đó chính là độc quyền lẽ phải. Bên cạnh óc đả kích, phê phán,.chủ quan duy ý chí, độc quyền lẽ phải đã làm cho người Việt tụt hậu, kém cỏi và chia rẽ. Họ luôn cho mình là có lý nhất, uyên bác nhất... một cách vô lý lẽ, vô dẫn chứng, vô cơ sở. Tất cả ý kiến của những người còn lại chỉ là hạ sách, kém cỏi và không đáng quan tâm. Đó chính là câu trả lời cho nghịch lý : Việt Nam là một trong những nước châu Á đầu tiên tiếp xúc với các giá trị tiến bộ của phương Tây, nhưng hiện nay kém cỏi bậc nhất châu lục.
Sự khép kín và óc độc quyền lẽ phải làm cho mọi kết hợp trở nên vô nghĩa. Người trong nước thì chửi đổng lũ người Việt hải ngoại nhát gan, không dám về nước làm cách mạng. Người hải ngoại thì chửi đám trong nước là dân chủ cuội, hám tiền, hám danh… Trong nước thì chẳng có sự đồng thuận nền tảng, nên các hội nhóm tồn tại một cách tạm bợ, lỏng lẻo... với qui mô siêu nhỏ. Người Việt hải ngoại thì chứng minh cho nhân loại thấy chúng ta tồi dở đến mức nào trong việc kết hợp, khi hàng triệu người Việt sống ở những nền văn minh tiến bộ bậc nhất, nhưng vẫn không thể cho ra đời một tổ chức đối lập có tầm vóc. Sự bảo thủ này là nỗi sợ thường trực, nó biến những việc rất dễ thành khó, và những việc dễ thành rất khó.
4. Mất niềm tin
Đỉnh điểm của nỗi sợ là mất niềm tin. Khi người ta chỉ còn biết than thân trách phận, hoặc đả kích, mạt sát những đối tượng không có khả năng, hoặc phản kháng yếu ớt như giới trẻ,người ít học, thì chúng ta đủ hiểu nỗi sợ này nguy hại đến mức nào. Nó làm người ta bi quan đến mức không dám hi vọng, không dám góp sức cho thay đổi tương lai (giới trẻ), và những hạn chế (người ít học) của dân tộc. Chỉ còn biết trùm chăn, gõ phím qua ngày, chờ qua đời.
Chưa dừng lại ở việc xỉ vả giới trẻ, người mất niềm tin luôn có ánh mắt đa nghi, phán xét ẩu, luôn nghĩ ai cũng gian trá,cơ hội, dù không có bất kỳ một chứng cứ thuyết phục nào. Làm sao chúng ta có thể có một tổ chức đối lập tầm vóc, khi nghĩ ai cũng là bất lương ? Có nhiều bạn tham gia đấu tranh, nhưng luôn "nhìn đâu cũng thấy an ninh", dù chưa ai đi tù chỉ vì gặp gỡ, uống café và "bàn về dân chủ, nhân quyền...".
Chính vì nỗi sợ mang tên "mất niềm tin", tôi bi quan rằng đa số sẽ khép kín, sẽ không hăng hái gặp nhau, hào hứng thảo luận và kiên trì thuyết phục. Tôi hi vọng nỗi sợ của mình là thừa thãi, sai lầm. Nếu không thì người Việt sẽ buông xuôi, chấp nhận một số phận bạc bẽo. Và sớm muộn gì cũng hoà tan vào một cộng đồng nổi trội hơn, trong làn sóng toàn cầu hoá không thể ngăn cản.
Việt Nghĩa
(17/09/2019)
Manila muốn xét lại hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines (RFI, 05/03/2019)
Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines có từ năm 1951 cần phải được sửa đổi, nếu không thì Manila có nguy cơ bị kéo vào một cuộc chiến với Trung Quốc. Đây là nội dung tuyên bố vào hôm nay, 05/03/2019 của bộ trưởng quốc phòng Philippines, 4 ngày sau khi ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng Washington sẽ giúp Manila trong trường hợp bị tấn công trên Biển Đông.
Lễ hạ cờ Mỹ tại một căn cứ quân sự ở Manila, khi kết thúc cuộc tập trận chung Hoa Kỳ-Philippines, ngày 11/10/2016TED ALJIBE / AFP
Trong một thông báo, bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana giải thích : "Tôi lo lắng không phải là vì thiếu sự trấn an, mà là vì khả năng bị lôi cuốn vào một cuộc chiến mà Philippines không gây ra và không mong muốn".
Hôm thứ Sáu 01/03 vừa qua, nhân chuyến ghé thăm Philippines, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định rằng căn cứ vào bản hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký kết năm 1951, Mỹ sẽ can thiệp giúp Philippines nếu lực lượng, tàu thuyền và phi cơ Philippines bị tấn công võ trang trên Biển Đông.
Hoa Kỳ luôn chống lại các hành vi bồi đắp, xây dựng tiền đồn của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa quyền tự do lưu thông, và đã thường xuyên cho chiến hạm tiến hành các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Đối với bộ trưởng quốc phòng Lorenzana, chính những chuyến tuần tra của Mỹ là nguy cơ kéo Philippines vào cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc. Theo ông, "khi cho tàu hải quân gia tăng các cuộc tuần tra tại vùng Biển Tây Philippines (tức là Biển Đông), Hoa Kỳ có nhiều khả năng bị vướng vào một cuộc chiến tranh 'có nổ súng' với Trung Quốc… Trong trường hợp đó, và trên cơ sở bản (hiệp ước 1951), Philippines sẽ tự động bị lôi vào cuộc".
Do đó, bộ trưởng quốc phòng Philippines cho rằng hai bên "cần phải xem xét lại hiệp ước" để thích ứng với môi trường an ninh "rất khác biệt" hiện nay.
Trọng Nghĩa
******************
Bộ trưởng quốc phòng Philippines kêu gọi sửa đổi hiệp ước với Hoa Kỳ (RFA, 05/03/2019)
Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines cần phải sửa đổi nếu không sẽ có nguy cơ khiến Manila bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Bắc Kinh.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines (áo trắng) và các quan chức Mỹ (Ảnh chụp ngày 7/5/2018) - AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, vào ngày 5 tháng 3 có ý kiến như vừa nêu sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ can thiệp trong trường hợp lực lượng vũ trang Philippines bị tấn công tại khu vực Biển Đông đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong vùng.
Trong thông cáo đưa ra, Bộ trưởng quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho rằng điều khiến ông này quan ngại không phải là thiếu sự đảm bảo từ phía Mỹ ; mà đó là sự can dự vào một cuộc chiến mà Philippines không hề muốn hay nhắm đến.
Các giới chức Philippines từng đề nghị Hiệp ước Phòng thủ chung ký năm 1951 giữa Washington và Manila không áp dụng đối với tuyến đường biển chiến lược bởi lẽ Hoa Kỳ không ngăn chặn được việc Trung Quốc bồi lấp nên các đảo nhân tạo từ những đá mà Philippines và một số nước khác trong khu vực có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.
Hoa Kỳ luôn nói không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông ; trong khi đó Washington cho thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải áp sát những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp nên. Hoạt động này được nói nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines, Delfin Lorenzana, cho rằng hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ như thế có thể tạo nên nguy cơ lôi kéo Philippines vào xung đột vũ trang. Ông Delfin Lorenzana lập luận rằng trong trường hợp hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải mà phía Hải quân Hoa Kỳ tiến hành tại khu vực biển tranh chấp xảy ra đụng độ vũ trang, thì trên cơ sở Hiệp ước Phòng thủ chung, Manila tự động phải can dự vào.
Do đó Ông Delfin Lozenzana cho rằng cần thiết phải sửa đổi lại.
Cũng tin liên quan, hiện nay ngư dân Philippines khi ra đánh bắt tại ngư trường đảo Thị Tứ bị tàu Trung Quốc xua đuổi.
Hãng AFP loan tin ngày 5 tháng 3 dẫn phát biểu của ông Roberto del Mundo, thị trưởng Kalayaan, nói với Mạng báo Inquirer về thực tế ngư dân địa phương Palawan bị tàu Trung Quốc xua khỏi đảo Thị Tứ như vừa nêu.
*******************
‘Ngư quân’ Trung Quốc vây đảo Thị Tứ ngăn ngư dân Philippines tiếp cận (VOA, 05/03/2019)
Khoảng 50 tàu Trung Quốc được cho là đã di chuyển gần đảo Pagasa, còn gọi là đảo Thị tứ trên quần đảo Trường Sa, và đe dọa ngư dân Philippines, trang GMA News cho biết.
Đảo Pagasa, còn gọi là đảo Thị Tứ, do Philippines tiếp quản.
Theo một bài báo trên News To Go của GMA News hôm 5/3, ông Roberto Del Mundo, Thị trưởng Kalayaan, cho biết từ ngày 11/1 đến ngày 2/2, ông liên tục phát hiện hàng chục tàu Trung Quốc có mặt gần đảo Pagasa, đảo có tên quốc tế là Thị Tứ.
Ngư dân địa phương bị các dân quân Trung Quốc xua đuổi xa khỏi một cồn cát gần đảo này.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết các tàu cá của cả Philippines và Trung Quốc đều có mặt ở vùng biển xung quanh đảo Thị tứ. Ông nói thêm rằng cả hai nước đều có ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này.
AP trích lời ông Salvador Panel, Phát ngôn viên của tổng thống, hôm 5/3, cho biết Bộ Quốc phòng Philippines đang kiểm tra các tin tức cho rằng các tàu Trung Quốc đã ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận các bãi cát gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát.
Trong khi đó, ông Richard Heydarian, nhà phân tích của GMA, nói rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật này để đe dọa ngư dân các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên.
Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã giám sát việc nâng cấp các cơ sở quân sự của Philippines tại đảo Thị Tứ, chẳng hạn như việc xây dựng một bến cảng và đoạn đường đi xuống bãi biển.
Các nhà hoạt động Philippines hôm 4/3 đã biểu tình bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc tại Manila phản đối việc các tàu của Bắc Kinh đuổi theo ngư dân Philippines.
Các cuộc biểu tình này diễn ra 3 ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tới thăm Manila. Ông Pompeo bảo đảm với chính phủ Philippines về sự hỗ trợ của quân đội Hoa Kỳ nếu như có xảy ra vụ tấn công ở Biển Đông.
Tháng Ba năm 2018, "nỗi nhục quốc thể" mang tên Bãi Tư Chính, lại thêm một lần nữa được lý giải "lùi một bước để tiến ba bước".
"Bản lĩnh Việt Nam" đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ quyền của mình ! Ảnh : TTXVN
Nhưng khác với bi kịch tháng Bảy năm 2017 khi phải "giương cờ trắng" ở mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam, lý do việc hãng Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực mà Bộ ngoại giao Việt Nam chỉ chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam" – phải câm lặng rút khỏi dự án này lại đang được một thế lực chính trị nào đó quy kết vào chính Repsol.
Tháng Ba năm 2018, khoảng một tuần sau vụ Repsol phải ngừng khai thác mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại xuất hiện ở Hà Nội như một cách dằn mặt giới chóp bu Việt Nam.
Cùng lúc, một ý kiến xuất hiện trên đài BBC Việt ngữ về "Có nguồn tin nói rằng là phía đối tác Repsol chịu tác động của Trung Quốc và có đề nghị phía Việt Nam cho tạm dừng dự án khoan dầu lại. Về phía Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, người ta cũng đồng ý thôi. Thế nhưng trước khi đồng ý, người ta cũng có ý kiến xin phép ở đâu đó, cấp trên nữa thì bảo rằng đó là việc của doanh nghiệp. Người ta đồng ý cho tạm dừng, nhấn mạnh tạm dừng, không phải dừng toàn bộ hay là hủy, chứ không thể hủy được".
Ý kiến trên là của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp lại không nói rõ về "nguồn tin" ở trên là nguồn nào, hoặc ít nhất là nguồn tin này có độ khả tín đến mức độ nào.
Trong khi đó, chính một phóng viên của BBC News là Bill Hayton – người đầu tiên phát đi tin tức về vụ Repsol phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, cho tới nay vẫn không nêu ra bất kỳ một dấu hiệu hay biểu nào cho thấy Repsol đã bị áp lực bởi Trung Quốc để phải rút lui như vậy.
Vụ rút lui thứ hai liên tiếp trong vòng 9 tháng của Repsol khỏi Bãi Tư Chính đã khiến báo giới và dư luận quốc tế bắt đầu quan tâm – tò mò hoặc chờ đợi về cách xử thế của Hà Nội trước sức ép ngày càng lộ liễu và hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, để xem rốt cuộc Hà Nội sẽ vẫn ôm chặt "bạn vàng" và để ngư dân của mình bị bắn giết bởi "tàu lạ", hay sẽ phải đưa ra lời mời mọc cụ thể hơn với lực lượng hải quân Mỹ để Việt Nam có thể khai thác dầu mà không quá lo sợ Trung Quốc. Nhưng đến nay vẫn không có một tờ báo quốc tế nào đưa tin về việc Repsol bị Trung Quốc gây sức ép.
Trong khi không có bằng chứng nào cho thấy Repsol bị Trung Quốc gây sức ép, một số tờ báo quốc tế lại đã đăng tin về việc có đến 200 tàu chiến và tàu hải giám Trung Quốc bao vây khu vực Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017 như một chiến thuật khủng bố tâm lý chính thể Việt Nam. Khi đó, còn có thông tin về việc Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính.
Trong thực tế, đã rất rõ là không phải Repsol, mà chính giới chóp bu Việt Nam mới là đối tượng bị "bạn vàng" gây áp lực về chính trị và quân sự để phải mang nỗi nhục "giương cờ trắng" đến hai lần vào năm 2017 và 2018.
Cần nhắc lại, trước nỗi nhục đầu tiên ở Bãi Tư Chính vào năm 2017, đã không một tờ báo nhà nước nào dám lên tiếng, mà nguyên nhân đủ sâu xa là Bộ Chính trị Việt Nam đã không muốn hoặc không dám có một phản ứng nào trên mặt truyền thông về vụ việc đáng xấu hổ đó.
Nhưng cũng vào thời gian trên, một số dư luận viên – những kẻ ăn lương của đảng và của công an – lại tung ra lý lẽ "đảng ta luôn lãnh đạo sáng suốt và tài tình" để "lùi một bước để tiến nhiều bước"…
Kết quả của lý lẽ trên cho tới nay đã chứng nghiệm quá rõ về nhân quả. Hèn nhát bao giờ cũng chỉ là hèn nhát không hơn không kém. Cái hậu của vụ Bãi Tư Chính lần đầu đã dẫn đến hậu quả Bãi Tư Chính lần 2, và có thể còn nhiều lần nữa.
"Lùi một bước để lùi thêm bước nữa".
"Lùi một bước để lùi thêm nhiều bước".
"Bản lĩnh Việt Nam" đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ quyền của mình !
Năm 2017, "đối tác chiến lược toàn diện" Trung Quốc đã thêm một lần nữa khiến giới chính trị "Bốn tốt, mười sáu chữ vàng" trắng mắt. Trong nhiều nỗi nhục trên đời, có lẽ nỗi nhục thuộc loại tận cùng nhất là bị kẻ thù cầm tù ngay trong nhà mình.
Với hai lần nỗi nhục Bãi Tư Chính năm 2017 và 2018, chính sách cùng chiến thuật "đu dây" của Việt Nam với Trung Quốc lẫn phương Tây đã chính thức phá sản. Sẽ chỉ còn lại một chút may mắn nếu Trung Quốc không tấn công Việt Nam trên Biển Đông trong tương lai gần.
Vì nếu xung đột quân sự nổ ra, không hiểu trong cám cảnh "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ", một "quân đội nhân dân Việt Nam" tiêu xài đến hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền đóng thuế của dân sẽ đánh chác ra sao, hay sẽ rùng rùng một đám quan chức lớn nhỏ đua nhau ôm vàng và kim cương nhảy lên máy bay "ra đi tìm đường cứu nước", bỏ mặc một tổ quốc tan hoang bởi nạn tham nhũng, đầy rẫy thân phận người nghèo khốn khó và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 04/04/2018
Việt Nam tạm dừng hay chấm dứt hẳn 'Cá Rồng Đỏ ? (BBC, 27/03/2018)
Một nguồn tin của Reuters, người trực tiếp nắm tình hình, cho hay chính phủ Việt Nam dừng dự án Cá Rồng Đỏ trong khi Bộ chính trị đang xem xét nên dừng hay chấm dứt hoàn toàn.
Một giàn khoan của tập đoàn Repsol - hình chụp không phải ở Biển Đông và chỉ có tính minh họa
Nguồn tin này đề nghị không tiết lộ danh tính do tình hình nhạy cảm, theo bài báo của Reuters hôm 23/3.
Một nguồn tin khác từ công ty Repsol tiết lộ với Reuters rằng lãnh đạo tập đoàn này đã thảo luận để ứng phó với áp lực trực tiếp từ Trung Quốc và gián tiếp từ phía Việt Nam.
Trong những ngày qua, BBC Tiếng Việt đã ghi nhận bình luận của nhiều nhà quan sát quốc tế về vụ việc.
Hôm 27/03, trả lời BBC, tiến sỹ Collin Koh Swee Lean, từ Viện IDSS (Institute of Defence and Strategic Studies), thuộc S. Rajaratnam School of International Studies (RSIS) ở Singapore bình luận :
"Tôi có bạn bè trong ngành khai thác ngoài khơi, và họ nói với tôi rằng an toàn và an ninh là điều quan trọng nhất cho các hoạt động của họ.
"Khu vực khoan dầu khí có thể còn đang tranh chấp, hoặc là không, nhưng an toàn và an ninh cần được nước mời gọi đầu tư trong hợp đồng đảm bảo cho các dịch vụ đó".
Quyết định tạm dừng này, hiện được xem xét dưới góc độ chi phí đền bù do phá hợp đồng liệu có cao hơn so với cái giá phải trả nếu chống lại áp lực từ Trung Quốc hay không, sẽ được thực hiện cho đến khi Bộ chính trị họp bàn.
Cuộc họp của Bộ chính trị bị trì hoãn do các chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cùng hàng loạt cuộc thăm viếng của quan chức nước ngoài đến Hà Nội, và lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải hôm thứ Bảy 24/3.
Theo Reuters, phát ngôn viên của Repsol ở Madrid từ chối bình luận về sự việc. Lãnh đạo PetroVietnam từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam không có phản ứng tức thời nào với email đề nghị bình luận sự việc.
Khi được hỏi tại một cuộc họp thường kỳ có phải Trung Quốc đã ép buộc Việt Nam hoặc Repsol, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói bà không biết những tin tức đó đến từ đâu, nhưng không đi vào chi tiết.
"Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau để duy trì tình hình tích cực rất khó đạt được này ở Biển Đông", bà nói.
Theo trang The Diplomat, khi được hỏi về việc Repsol phải tạm dừng dự án Cá Rồng Đỏ, bà Hoa Xuân Oánh nói "Vị trí của Trung Quốc ở biển Đông rất rõ ràng, tình hình đang lắng xuống và ổn định, và cho thấy đà phát triển tích cực".
Năm ngoái, căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã nổ ra liên quan đến các hoạt động của Repsol trong lô 136-06. Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc, ông Phạm Trường Long đã cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6 sau khi Hà Nội từ chối tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc buộc Repsol ngừng hoạt động trong lô này, theo bài báo ngày 25/3 của The Diplomat.
Tờ này cho hay căng thẳng này bùng lên một năm sau khi một tòa án ở Hague đưa phán quyết là tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông không hợp lệ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Tòa án lúc đó đang cứu xét một vụ kiện chống lại Trung Quốc năm 2013 của Philippines.
"Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến sự căng thẳng trong năm 2014, sau khi một công ty dầu mỏ của Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu sang vùng biển đang tranh chấp, dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài giữa các tàu hải quân và các tàu dân dụng của cả hai bên", Ankit Panda của The Diplomat viết.
"Repsol không phải là công ty quốc tế duy nhất có các hoạt động khoan và khai thác ngoài khơi gần các vùng căng thẳng địa chính trị ở Biển Đông. Công ty dầu mỏ của Mỹ ExxonMobil và ONGC Videsh của Ấn Độ cũng đã tiến hành các hoạt động trong và gần những khu vực tranh chấp".
Lô 07/03 nằm cạnh Lô 136-03 mà Việt Nam phải ngưng khai thác hồi 7/2017
Trang The Star Online ngày 27/3 đưa tin PetroVietnam - công ty liên doanh với Yinson của Malaysia - đã được chỉ đạo dừng triển khai dự án tại mỏ Cá Rồng Đỏ.
Hợp đồng của PetroVietnam với Yinson là hợp đồng thuê tàu thuyền, bao gồm thuê tàu hạn định trần, và vận hành, bảo dưỡng các bể chưa dầu nổi và bể chứa dầu thông thường.
Yinson cũng là công ty liên doanh của Repsol. Phóng viên Bill Hayton của BBC cho biết Repsol đã thuê Yinson cung cấp một bể chứa dầu nổi (Floating Production Storage and Offloading - FPSO) tại địa điểm này trong 10 năm, với chi phí ước tính trên 1 tỷ đô la.
Yinson nắm 41% cổ phần tại dự án mỏ Cá Rồng Đỏ, trong khi PetroVietnam là 59%.
Yinson cho hay : "Trong khi chờ đợi giải pháp cho vấn đề này, Tổng Công ty Kỹ thuật dầu khí PetroVietnam sẽ nỗ lực để có các hành động phù hợp nhằm làm giảm thiểu tác động của sự việc bất khả kháng này".
**********************
Vụ Repsol : Việt Nam đừng mong Mỹ quan tâm ? (BBC, 27/03/2018)
Tin tức nói Việt Nam mới đây đã xuống thang 'trước áp lực của Trung Quốc' trong dự án Cá Rồng Đỏ đặt ra nhiều câu hỏi.
Hai nước đã có cuộc đối đầu căng thẳng hồi 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển có tranh chấp
Ngày 23/3, BBC đăng bài viết của phóng viên Bill Hayton về việc Việt Nam ngưng khoan thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.
Đến ngày 27/3, Việt Nam chưa đưa ra phản ứng chính thức.
Trả lời BBC, ba nhà nghiên cứu Biển Đông từ Singapore, Mỹ, Italy bày tỏ quan điểm khác nhau, nhưng cho rằng Việt Nam đứng trước bài toán khó ở Biển Đông.
Vụ Repsol làm giảm niềm tin nhà đầu tư ?
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc trường S. Rajaratnam, Singapore nhận định dù đe dọa của Trung Quốc có thật hay không, tin tức báo chí về vụ việc không phải là tuyên truyền tốt cho Hà Nội.
"Một là việc này dường như chứng tỏ Hà Nội sẽ nhượng bộ trước đe dọa của Trung Quốc, và thứ hai là nó làm sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư trong ngành khai thác dầu khí".
"Họ có thể giữ ấn tượng là Việt Nam sẽ không cam kết chính trị cho những dự án khai thác ở Biển Đông, và các dự án của họ có thể dễ dàng bị ngừng như Repsol".
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean nhấn mạnh : "Tôi có bạn bè trong ngành khai thác ngoài khơi, và họ nói với tôi rằng an toàn và an ninh là điều quan trọng nhất cho các hoạt động của họ".
"Khu vực khoan dầu khí có thể còn đang tranh chấp, hoặc là không, nhưng an toàn và an ninh cần được nước mời gọi đầu tư trong hợp đồng đảm bảo cho các dịch vụ đó".
Việt Nam 'muốn tránh đụng độ với Trung Quốc'
Ảnh của Tân Hoa Xã công bố cuối tháng 3/2018 mô tả các phi cơ ném bom Trung Quốc hoạt động 'diễn tập' ở Tây Thái Bình Dương.
Từ Mỹ, ông Derek Grossman, làm việc ở Rand Corporation, chỉ ra rằng tin tức truyền thông về việc Việt Nam ngừng hoạt động khai thác dầu của Repsol ở Biển Đông, lần thứ hai trong vòng một năm, cho thấy Hà Nội "muốn tránh làm Bắc Kinh giận dữ".
"Đây cũng sẽ là nét chủ đạo trong quan hệ Việt - Trung trong tương lai gần - trừ phi Hà Nội cảm thấy thật tự tin về khả năng không quân, hải quân để có thể đủ sức ngăn chặn và chiến thắng khi xảy ra đụng độ ở Biển Đông", ông Grossman chia sẻ.
Tiến sĩ Alessandro Uras, Đại học Cagliari, Italy, không ngạc nhiên.
"Câu chuyện càng chứng tỏ các chính phủ Đông Nam Á không thể đối đầu Trung Quốc ở tư thế ngang bằng được. Tình trạng lâu nay trên Biển Đông cũng không thể thay đổi, hay thậm chí bàn bạc thẳng thắn".
Ông Uras cho rằng Trung Quốc có sức mạnh vượt trội trên biển, để "dễ dàng chiến thắng quân lực của mọi nước tranh chấp".
"Chính phủ Việt Nam thì chắc chắn sẽ đối diện thời khắc khó khăn, và những người chỉ trích vốn thường thất vọng bởi chiến lược gần đây của nhà nước".
"Tôi không thấy có thể cân bằng và hòa hợp được lập trường dân tộc chủ nghĩa của đa số người dân và chiến lược của nhà nước Việt Nam", ông Uras nhận xét.
Khó khăn cho Việt Nam ở ASEAN
Còn nhớ tháng 8/2017, ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean chỉ ra về mặt chính trị, Việt Nam có thể gặp "tai họa nếu họ dấn tới quá xa trong môi trường địa chính trị hiện nay ở Biển Đông".
"Nếu Việt Nam bị xem là làm nổi sóng môi trường hiện tại đã giảm căng thẳng ở Biển Đông, nước này có thể bị xem là "phá đám", bị ASEAN cô lập".
"Như thế, cái giá chính trị có thể đáng kể khi so với cái giá thương mại của việc hủy hợp đồng".
ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông - COC
Tiến sĩ Alessandro Uras thì cho rằng Việt Nam "luôn chỉ muốn tự mình đối đầu Trung Quốc, từ chối các cơ hội gia nhập một nhóm rộng hơn, mang tính chất thể chế hơn".
"Ví dụ trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, giả sử Việt Nam được mời tham gia. Sự có mặt của Việt Nam có khi đã ngăn không cho Tổng thống Duterte vứt bỏ thành quả đạt được".
"Vụ Repsol lần này là vụ thứ hai trong một năm. Làm gì tiếp theo sẽ rất nguy hiểm về mặt chính trị cho chính phủ Việt Nam".
"Nếu họ công khai khiếu nại, than phiền, thì sẽ chỉ thừa nhận ảnh hưởng của Trung Quốc về một vấn đề mà về lý thuyết chỉ là việc nội bộ của Việt Nam", ông Uras nói.
Hợp tác với Nga và Ấn Độ ?
Dù Việt Nam gặp khó khăn, Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean nói : "Tôi cho rằng Việt Nam biết rõ làm sao để đối phó với nước láng giềng phương Bắc, xác định đâu là trận để đánh, lúc nào, nơi nào".
"Ngoài các công ty tư nhân như Repsol, cũng cần nhắc tới các công ty nhà nước của các nước khác mà có thể tham gia vì lý do vừa chính trị vừa thương mại".
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean nhắc tới ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ, vốn có hợp tác quan trọng với PetroVietnam, cũng là đối tượng bị Trung Quốc đe dọa nhưng vẫn từ chối rút đi.
"Hay là Nga - Việt Nam cũng có lợi thế chiến lược đáng kể để có thể tìm kiếm hợp tác khai thác của Nga", ông Collin Koh Swee Lean đề cập.
Ông Derek Grossman thì cho rằng hợp tác quốc tế những năm qua khiến Việt Nam tin vào biện pháp ngoại giao hơn.
"Các quan hệ đối tác khu vực sâu sắc hơn của Việt Nam những năm gần đây - đặc biệt với Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Úc - có lẽ làm Việt Nam tự tin hơn rằng ngoại giao có thể giúp giải quyết căn thẳng song phương trong tranh chấp".
Nhưng ông Grossman nói các quan hệ này "cũng không khiến Hà Nội mạo hiểm hơn - ít nhất là chưa xảy ra".
Mỹ không can dự sâu hơn ?
Theo Tiến sĩ Alessandro Uras, nhân tố duy nhất có thể thay đổi tình hình đó là "nếu Mỹ có cam kết thực sự, hiệu quả và lớn hơn".
"Nhưng tôi cũng không thấy sẽ có thay đổi gì lớn so với quá khứ cả. Không nên nói là chính phủ Donald Trump đã từ bỏ Biển Đông, nhưng theo tôi họ cũng chỉ duy trì lập trường giống các đời trước".
Ông Uras nói : "Chừng nào Tổng thống Trump vẫn dùng đe dọa thương mại để giải quyết mọi vấn đề, thì Trung Quốc vẫn lấn lướt ở Biển Đông".
Quân đội Mỹ - Việt giao lưu khi tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng ngày 5/3
Ông cũng cho rằng chỉ là "phóng đại" khi nghĩ Tổng thống Donald Trump đã cứng rắn hơn với Trung Quốc, ít nhất là riêng trong vấn đề Biển Đông.
"Chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Carl Vinson không hề làm Trung Quốc lo lắng - tôi cũng không thấy có lý do gì mà lo lắng".
"Việt Nam và Mỹ sẽ không thể trở thành đối tác chiến lược. Có thể là đối tác chiến lược theo một nghĩa rộng lớn, nhưng hiện nay, tôi không thấy Mỹ thực sự có quan tâm", ông Uras nhấn mạnh.
Một bản tin hôm 27/03 của Reuters đăng ảnh vệ tinh của Planet Labs Inc chụp hôm 26/03 cho thấy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc đang cùng chừng 40 tàu chiến và tàu ngầm đi vào Biển Đông ở phía Nam đảo Hải Nam trong đợt diễn tập mới nhất.
**********************
Tứ giác kim cương và Carl Vinson không bảo vệ được Cá Rồng Đỏ của Việt Nam (RFA, 26/03/2018)
Đầu tháng 3 năm 2018 tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ thăm cảng Đà Nẵng.
Cuối tháng 3/2018 tàu khu trục Mỹ đi sát đá Vành Khăn Trung Quốc đang chiếm giữ ở Trường Sa.
Tàu tuần duyên Trưng Quốc (trái) và Việt Nam đụng độ nhau trong cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu vào vùng thềm lục địa Việt Nam. AFP
Hầu như cùng lúc, do áp lực từ phía Trung Quốc Việt Nam phải hủy bỏ kế hoạch thăm dò dầu khí tại mỏ Cá Rồng đỏ.
Chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết những ý kiến của ông xung quanh những diễn biến này.
Hoàng Việt : Biển Đông chưa bao giờ không căng thẳng cả, chẳng qua là vừa rồi các bên hết sức kềm chế, và có những mối bận tâm khác trên thế giới thu hút dư luận quốc tế, chứ còn Biển Đông lúc nào cũng căng thẳng.
Kính Hòa : Liên quan tới Việt Nam thì vừa qua tàu sân bay Mỹ ghé Đà Nẵng, còn từ thời ông Obama tới ông Trump, Mỹ liên tục thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, nhưng sau hai sự kiện Việt Nam phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình, thì có vẻ như sự hiện diện của cường quốc Hoa Kỳ không thể làm giảm sự gia tăng lấn át của Trug Quốc đối với Việt Nam ?
Hoàng Việt : Trước đây Hoa Kỳ còn can dự mạnh mẽ hơn với chính sách quay trở lại Châu Á của ông Obama. Ông Trump thì tập trung vào những vấn đề khác. Mặc dù ông Trump tuyên bố rất là mạnh, nhưng những gì ông làm thì không có bao nhiêu. Nội các của ông ấy có nhiều rối loạn, chính sách đối ngoại lại không rõ ràng. Trung Quốc biết điều đó và khai thác rất triệt để. Ngay cả đối với Hoa Kỳ, thì từ năm ngoái năm kia, có những nhà nghiên cứu Hoa Kỳ cho rằng chỉ những đoàn tuần tra biển Đông, thì không giải quyết gì nhiều cho chuyện làm căng thẳng giảm bớt.
Đặc biệt sau hai sự kiện tháng 7/2017, và gần đây là 23/3/2018, tin cho biết rằng Việt Nam đã cho công ty Repsol rút khỏi mỏ dầu Cá Rồng đỏ, năm ngoái là mỏ Cá Kính nâu. Điều đó cho thấy Việt Nam đang ở thế khó, với tình thế trên thế giới thì Việt Nam có vẻ đang cô đơn rất nhiều. Việt Nam rất mong nhiều quốc gia, không chỉ riêng Hoa Kỳ mà cả Ấn Độ, và các quốc gia khác cùng tàu chiến đi vào xung quanh khu vực này. Nhưng mà điều đó cũng không đủ kềm chế Trung Quốc, mà các quốc gia trên thế giới phải mạnh mẽ hơn. Chứ còn với tình thế bây giờ, đặc biệt các quốc gia ASEAN thay đổi thái độ rất nhiều, đặc biệt là Philippines, làm cho Trung Quốc khai thác điều đó rất mạnh.
Kính Hòa : Cái mà người ta gọi là Tứ giác Kim cương, là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và Mỹ, đã họp ở Manila trùng thời gian thượng đỉnh APEC ở Việt Nam hồi năm ngoái, có hiệu quả gì hay không ?
Hoàng Việt : Tứ giác Kim cương đóng vai trò kềm chế Trung Quốc, mặc dù chính thức thì họ không nói như thế. Nhưng họ lo ngại Trung Quốc lớn mạnh và đe dọa an ninh khu vực, nên họ tìm cách ngăn ngừa chuyện đó. Thế nhưng mà liên minh này mới chỉ hình thành, chưa có gì cụ thể cả, mới chỉ là ý tưởng, chưa đi vào hành động. Mà Trung Quốc rất là tranh thủ. Họ bồi đắp các đảo nhân tạo rồi, gia tăng sự bồi láp ấy và sự hiện diện quân sự.
Thứ hai là họ lấn tới yêu cầu các quốc gia có khai thác trong khu vực đường lưỡi bò của họ thì phải ngưng.
Điều đó để làm gì ? Để sắp tới Trung Quốc có thể ngồi vào bàn đàm phán, đưa ra một cái COC (Qui tắc ứng xử), từ đó có thể thực hiện trên thực tế tham vọng của mình thông qua cái đường lưỡi bò trước đây bị quốc tế phản đối quyết liệt.
Kính Hòa : Cuối tháng rồi Trung Quốc và Philippines có họp riêng với nhau về Scarborough, còn ngày hôm nay thì máy bay tuần thám của Phi do Nhật Bản cung cấp bay trên Scarborough, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về Philippines ?
Hoàng Việt : Tổng thống Duterte và nội các của ông xoay trục về Trung Quốc rất rõ. Tuy nhiên vẫn còn những nhóm khác trong nền chính trị đa dảng của Phi, cho nên có những luồng ý kiến khác, trong đó có một số nhân vật Bộ Quốc phòng, cũng như một số thẩm phán của tòa tối cao, thái độ của họ khác, cũng như một bộ phận lớn dân chúng Philippines không tin là Trung Quốc tốt với họ. Điều đó phản chiếu cái gọi là xung đột nội bộ về chính sách đối ngoại, cũng như lợi ích dân tộc bên trong Philippines. Điều đó tác động nhiều đến Biển Đông. Phải chờ xem sắp tới Tổng thống Duterte sẽ xử lý như thế nào. Nhưng riêng tôi thì tôi cho rằng suốt nhiệm kỳ của ông, ông vẫn giữ chính sách thân Trung Quốc.
Kính Hòa : Trong cái gọi là Tứ giác Kim Cương, ngoài Mỹ là một siêu cường hầu như duy nhất, trong ba quốc gia còn lại có vẻ như Nhật Bản là nước cảm thấy sức ép nhiều nhất nếu Trung Quốc làm bá chủ Biển Đông ?
Hoàng Việt : Vâng. Nhật Bản đóng một vai trò rất quan trọng. Nhật Bản thấy là nếu Trung Quốc khống chế được Biển Đông, thì họ sẽ tiếp tục lấn tới (trong tranh chấp với Nhật) tại Senkaku, Biển Hoa Đông. Sớm muộn thì Trung Quốc sẽ đe dọa Nhật Bản.
Vì thế Nhật rất tích cực thúc đẩy những quan hệ để kềm chế Trung Quốc. Trong những quan hệ này có cả những quan hệ chiến lược, những đồng minh chiến lược trong Tứ giác Kim cương, bên cạnh đó xốc lại hiệp định kinh tế của khu vực này. Một việc quan trọng mà trước đây chính quyền Obama muốc là thúc đẩy những nước như Việt Nam phát triển để có thể tự trang bị quân sự cho mình, tránh sự lệ thuộc vào Trung Quốc, từ đó tác động đến sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Đó chính là hiệp định TPP (thải thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương gồm 12 quốc gia không có Trung Quốc.) Sau này khi Tổng thống Trump rút ra, thì Nhật đi đầu trong việc hồi phục TPP, bây giờ có tên là CP TPP (gồm 11 quốc gia) và gần đây được ký kết.
Điều đó cho thấy rằng Nhật Bản là một quốc gia rất mạnh mẽ và trong tương lai Nhật Bản là một yếu tố quan trọng trong khu vực Châu Á này, mà các quốc gia cần gắn kết với Nhật Bản để ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu từ Trung Quốc.
Kính Hòa thực hiện
************************
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trả lời báo chí về quan hệ hai nước (RFA, 26/03/2018)
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Daniel Kritenbrink, vào chiều ngày 26 tháng 3 có cuộc gặp với báo chí tại Hà Nội và ông cho biết quan hệ quốc phòng giữa hai nước Việt- Mỹ đang trên đà tiến triển tốt. Theo ông đó sẽ là một trong những khía cạnh tích cực nhất của mối quan hệ song phương.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu tại một buổi lễ ký Biên bản ghi nhớ tại Hà Nội vào ngày 23 tháng giêng 2018 - AFP
Người đại diện chính phủ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng Washington đặc biệt nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, hàng không tại khu vực Biển Đông. Nguyên tắc của Hoa Kỳ là tiến hành các hoạt động thương mại không bị cản trở ; những tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Đại sứ Daniel Kritenbrink cho biết một phần trong lĩnh vực hợp tác là phía Hoa Kỳ cùng hợp tác với các cơ quan ngoại giao Việt Nam về các vấn đề biển cũng như tiếp tục tăng cường năng lực biển của các đối tác Việt Nam gồm Cảnh Sát Biển. Phía Hoa Kỳ sẽ có những bước đi riêng trong lĩnh vực này. Hoạt động nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, hàng không sẽ được tiến hành thường xuyên trong khu vực. Không chỉ Hoa Kỳ mà các nước đều có quyền thực hiện các hoạt động như thế.
Đối với việc tàu hải quân Mỹ đến thăm Việt Nam, đại sứ Daniel Kritenbrink bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thường xuyên các chuyến thăm đến Việt Nam.
Về vấn đề Việt Nam mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ, sau khi vào năm 2016 Washington dỡ bỏ lệnh cấm bán sản phẩm này cho Hà Nội, ông Daniel Kritenbrink nói cần có thời gian. Theo ông thì có nhiều yếu tố mà hai bên xem xét trước khi cùng nhau có bất kỳ hoạt động mua bán trang thiết bị quốc phòng nào. Tuy nhiên đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cam kết tiếp tục có tiếp xúc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam trong vấn đề này.